Phương Cách Sống của Một Phật Tử
Khenpo Tsultrim Lodro
Một Phật tử cần sống thế nào? Đức Phật đã cho chúng ta câu trả lời từ rất lâu trước đây. Là môn đồ của Ngài, chúng ta đều cần áp dụng phương cách sống mà Ngài đã đặt ra cho cả tu sĩ và cư sĩ. Làm vậy sẽ khiến cuộc đời trở nên ý nghĩa hơn nhiều.
I. Tránh nhị nguyênTrong Luật Tạng, Đức Phật nói với tu sĩ rằng người ta cần tránh việc chìm đắm trong nhị nguyên của cuộc đời. Nhị nguyên được đề cập trong Trung Đạo là giữa hai quan điểm trường cửa và hư vô, trong khi về mặt phương cách sống thì nó có nghĩa là giữa một cuộc đời quá nghèo túng và quá tham đắm.
Trong trường hợp của người bình phàm, một cuộc đời quá nghèo khó nghĩa là sống trong điều kiện cực kỳ nghèo túng. Nhưng với một số hành giả như Milarepa, nghèo khó không phải là một chướng ngại mà là sự hỗ trợ cho công phu thực hành. Hiển nhiên, không phải ai cũng có thể đạt được trạng thái tương tự trong thực hành như những vị đạo sư như thế này. Với người bình phàm như chúng ta, thật khó để quán xét đến những vấn đề như xả ly, Bồ đề tâm và giải thoát nếu chúng ta phải nỗ lực liên tục để mưu sinh. Một điều kiện sống khắc nghiệt có thể hữu ích với vài người để phát khởi sự xả ly, nhưng sự xả ly phát triển trong điều kiện này là không thực, bởi sự xả ly chân thật cần bao gồm cả mong muốn đạt giải thoát. Chỉ nghèo túng không thôi có thể là không đủ để người ta từ bỏ luân hồi. Chỉ những người nắm bắt được tinh túy của Giáo Pháp mới có thể phát khởi sự xả ly chân chính. Vì thế, Phật tử nói chung không cần và cũng không nên cố tình sống cuộc đời quá nghèo khó.
Vài hành giả ngoại đạo ở Ấn Độ nương theo pháp tu khổ hạnh một cách nghiêm túc, từ bỏ thức ăn, quần áo, tắm rửa. Họ tin rằng giải thoát có thể đạt được nhờ sự khổ tu vật lý. Những người khác gợi ý rằng hành giả cần nhảy vào năm đống lửa – lửa ở bốn phương cộng với mặt trời – để đạt giải thoát sau khi thân thể bị đốt cháy. Trong Nhân Minh Học
28, tri kiến của một trường phái ngoại đạo được đề cập, là tri kiến thừa nhận rằng cả hiện tượng vật lý và tinh thần đều là nguyên nhân của luân hồi. Khi một tri kiến trong số các tri kiến này được phá hủy, giải thoát khỏi luân hồi mới có thể xảy ra.
Lô-gic Phật giáo.Chúng ta phải hiểu rõ ràng rằng tất cả những quan điểm này đều sai lầm.
Phật giáo cho rằng nguyên nhân của luân hồi không phải vì một lực vật lý mà bởi nghiệp lực. Chừng nào nghiệp vẫn còn, thân vật lý sẽ tiếp tục hiển hiện dù nó có tàn lụi bao nhiêu lần. Khi tập khí tích lũy trong A- lại-da thức đạt đến điểm chín muồi, thân vật lý có thể hiển bày vào bất cứ thời điểm nào. Người ta nói rằng, thế giới vật lý, vũ trụ và thân thể của hữu tình chúng sinh là sản phẩm của A-lại-da thức, giống với điều mà những người duy vật đề xuất rằng hiện tượng tinh thần là thứ được tạo ra bởi não bộ. Chừng nào nghiệp lực còn duy trì trong A-lại-da thức thì thật sự là sẽ hoàn toàn vô ích khi giày vò thân thể để cố đạt giác ngộ. Đó là lý do tại sao Đức Phật yêu cầu môn đồ không sống trong khó khăn một cách cố tình bởi nó sẽ không đem ai đến gần hơn với giải thoát, chỉ khổ đau mà thôi. Một cách tự nhiên, sẽ là một vấn đề khác nếu nghèo khó là bởi thiếu công đức. Đức Phật không nói rằng Phật tử không thể nghèo khổ, phải giàu có, [và ngài cũng không nói] người nghèo và những người có cuộc đời khó khăn thì không thể đạt giải thoát. Ngài chỉ khuyên rằng không cần thiết phải đi vào thái cực của sự nghèo khó.
Có những người khá đảm bảo về mặt tài chính nhưng lại nhầm lẫn khẳng định rằng một cuộc đời dễ dàng không thể dẫn người ta đến giải thoát, mà chỉ chịu đựng đau đớn mới có thể đạt giải thoát. Đức Phật không đồng ý với điều này. Theo quan điểm của Ngài, giải thoát vẫn không thể đạt được dù người ta từ bỏ việc ăn, uống hay tắm rửa trong suốt cuộc đời.
Một cách tình cờ, cũng có một gợi ý cho rằng người ta có thể đạt giải thoát nhờ tắm ở sông Hằng. Điều đó cũng là vô căn cứ! Bụi bẩn trên thân không thể giữ chúng ta trong luân hồi. Nếu tâm thức không thể được tịnh hóa khỏi tham, sân, si và sự bám víu vào cái ngã cho rằng nó thực có, thì chỉ giữ thân thể sạch sẽ như pha lê cũng chẳng liên quan gì đến giải thoát. Điều thực sự cần phải tẩy rửa là A-lại-da thức. Chúng ta sẽ chỉ có thể đạt giải thoát khỏi luân hồi khi các lỗi lầm trong A-lại- da thức được hoàn toàn tiêu trừ.
Nhiều người các bạn đã đọc tiểu sử của Đức Milarepa miêu tả cách thức Ngài thiền định trong những hang động mà chẳng có thức ăn, quần áo và phương tiện để tắm rửa. Có nhiều hành giả khác ở Tây Tạng cũng đạt giải thoát trong điều kiện khắc nghiệt như vậy. Khi nghe về câu chuyện của chư vị, một số người tự động kết luận rằng sống cuộc đời khổ tu là điều kiện tiên quyết để đạt giải thoát. Tuy nhiên, sự khổ hạnh đích thực nghĩa là thực hành với sự tinh tấn và nhẫn nhục lớn lao, cũng như vượt qua tất cả các hình thức khó khăn không chút sợ hãi. Nếu không [nghĩa là nếu cho rằng khó khổ là điểu kiện tiên quyết để giải thoát] thì những người nghèo túng sẽ là người đầu tiên đạt giác ngộ trong hết thảy mọi người.
Đức Phật nói với chúng ta rằng, với điều kiện là ta không phải trả một giá quá cao và không quá bám chấp, thì việc duy trì một đời sống giàu sang và thoải mái là chấp nhận được.
Điều đối lập là theo đuổi một cuộc đời quá mức [xa hoa] với nhiều nỗ lực hay phương pháp không thích hợp. Tại sao cần phải tránh điều này? Bởi ngoài một số trường hợp ngoại lệ, đa số mọi người cần dành nhiều thời gian, sức lực và phải lên kế hoạch thì mới có được của cải vật chất mà theo quan điểm của Đức Phật là những điều không đáng để ta phải nỗ lực. Quan điểm của Ngài là hành giả Pháp cần hài lòng (tri túc) với một cuộc đời ít ham muốn (thiểu dục).
Hài lòng cùng với sự ít ham muốn là nguyên tắc được Đức Phật đề ra mà chúng ta cần trung thành trong đời sống hàng ngày, nhưng ý nghĩa của điều này đối với những hành giả thành tựu như Milarepa, hoặc nói chung, với tu sĩ và với cư sĩ thì có khác nhau.
Với người bình phàm như chúng ta, hài lòng với ít ham muốn không phải là chúng ta không thể ăn thức ăn ngon, mặc quần áo đẹp hay tương tự, mà những thứ này không nên quá đắt tiền. Điểm trọng yếu là sống cuộc đời bình thường – không thiếu bất cứ nhu cầu cần thiết nào, nhưng sự ham muốn thèm khát những của cải khác cần phải hạn chế ở một mức nhất định.
Ví dụ, vài người tin rằng mặc quần áo thời trang, lái xe hơi đắt giá và sống trong cung điện xa xỉ cho thấy địa vị xã hội cao sang của họ. Tuy nhiên, đây thực sự là điều mà Đức Phật đang muốn nói về sự tự-nuông chìu bởi những đối tượng [vật chất] này đâu phải là nhu cầu cần thiết. Người ta không bao giờ có thể hoàn toàn thỏa mãn với cuộc đời của họ nếu họ không biết cách kiểm soát lòng tham, bởi tham dục có thể phát triển và mở rộng bất tận. Dù bạn là ai, sẽ luôn có người tốt hơn bạn. Nếu mục tiêu của bạn là đạt đến đỉnh cao của xã hội, cả đời bạn sẽ được dùng để theo đuổi hư danh như vậy cho đến chết. Kết quả của những ham muốn bất tận này không bao giờ là hạnh phúc. Nhiều trường hợp như vậy có thể được tìm thấy trong đời sống hàng ngày từ trải nghiệm của chính bản thân hoặc từ những người khác. Vì thế, điều quan trọng là hài lòng với ít ham muốn trong đời.
II. Các nguyên tắc cần tuân theoTránh được nhị nguyên, cách sống thực sự sẽ khác nhau qua quá trình thời gian. Theo quan điểm của Đức Phật, chúng ta, những Phật tử, cần đo lường cuộc đời ta với những tiêu chuẩn sống của kẻ phàm phu trong thời đại của chúng ta, không quá thấp và không quá cao. Đây là cách mà Phật định nghĩa một cuộc đời bình thường.
Vậy có phải là từ nay về sau, chúng ta không cần suy nghĩ về tiền nữa không? Không, chúng ta vẫn cần cố gắng kiếm tiền, nhưng cách sử dụng tiền là một vấn đề cần được quán xét cẩn thận. Dù đó là tiền được kiếm bởi người cư sĩ hay được thọ nhận bởi tu sĩ như một sự cúng dường, điều quan trọng là phải biết rằng tiền bạc không phải là tài sản của bất kỳ cá nhân nào mà thuộc về tất cả hữu tình chúng sinh. Ta chỉ đang giúp đỡ hữu tình chúng sinh quản lý và phân phát tiền của [cho họ], và vì thế, tiền cần được sử dụng bất cứ khi nào cần thiết để làm lợi lạc chúng sinh muôn loài. Nếu ta có quan điểm như vậy, thì thậm chí hành giả cư sĩ vẫn có thể đi làm và kiếm tiền nhiều hơn cần thiết cho một cuộc đời bình thường. Tuy nhiên, nếu thiếu [sự hiểu biết trên] thì ta sẽ bị xem là vi phạm nguyên tắc sống của Đức Phật – [nghĩa là phải có] sự hài lòng với ít ham muốn – và sẽ không bao giờ thực sự hạnh phúc. Nhưng [nếu có được sự hiểu biết như trên] thì sẽ chẳng có sự khác biệt nào nếu ta là một vị tu sĩ chấp nhận món cúng dường hay là một người cư sĩ kiếm nhiều tiền hơn những gì cần thiết cho đời sống bình thường.
III. Tiền không phải là vạn năngNếu chúng ta làm theo điều mà Đức Phật đã khuyên, tiền bạc hay đời sống hàng ngày sẽ không gây ra rắc rối nào cho sự hành trì của ta. Trong khi đó, khi xung đột giữa việc theo đuổi giải thoát và việc quản lý cuộc đời hàng ngày không thể được giải quyết, nhiều người cuối cùng trở nên rối loạn và bức xúc. Vì thế, điều rất quan trọng là có thể duy trì sự cân bằng giữa cả hai.
Tạp chí
Newsweek từng có một câu hỏi rằng: Tiền bạc hay hạnh phúc, điều gì quan trọng hơn?
Chúng ta sẽ trả lời ra sao nếu được hỏi như vậy?
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã trả lời câu hỏi này từ 2500 năm trước. Đó là, hạnh phúc là quan trọng nhất. Chỉ tiền không thôi không thể khiến người ta thỏa mãn, và người ta cũng không thể đạt hạnh phúc và tự do từ nó. Tuy nhiên, phần lớn mọi người vẫn nghĩ không thể có hạnh phúc mà không có tiền. Với họ, tiền là chìa khóa của hạnh phúc.
Dĩ nhiên, ngoài vài trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, những người nghèo túng thường không cảm thấy hạnh phúc. Nhưng có phải là người giàu thì rất hạnh phúc hay không? Không, chắc chắn là không. Tiền bạc thực sự không thể mua được mọi thứ!
Ở vài vùng khốn khó, những người thiếu sinh kế căn bản chẳng có được cuộc đời sung túc về của cải. Và mọi người ở đó muốn thoát khỏi sự nghèo túng; họ nghĩ rằng mọi thứ sẽ được giải quyết khi họ có tiền. Mặc dù chúng ta đều biết rằng ta không thể mang theo bất cứ thứ gì khi chết, ta vẫn cố gắng vất vả để tiến gần hơn với lối đời mà tiền có thể mua được, chỉ để chúng ta sẽ có một cuộc đời hạnh phúc hơn trước khi ta ra đi.
Tuy nhiên, khi ta giàu có hơn, mức độ hạnh phúc của ta sẽ không tăng theo sự cải thiện của điều kiện sống. Ví dụ, nhiều quốc gia phát triển ở phương Tây, chẳng hạn các quốc gia ở Scandinavia, đã xây dựng các hệ thống phúc lợi xã hội rất tốt cho công dân. Đa phần mọi thứ mà người ta cần sẽ được cung cấp, nhưng tỉ lệ tự tử ở những quốc gia này từng ở mức rất cao. Theo thống kê từ
Tổ Chức Y Tế Thế Giới vào năm 1994, tỉ lệ tự tử ở các quốc gia này nằm trong tốp 10 [gồm các quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất]. Hiển nhiên, với những công dân ở Scandinavia, của cải vật chất không quan trọng như họ nghĩ. Mặc dù tiêu chuẩn sống nói chung cao hơn nhiều nơi khác ở phương Tây, nhiều người vẫn không hạnh phúc. Đây chỉ là một ví dụ về sự giàu có vật chất không tương ứng trực tiếp với hạnh phúc.
Forbes từng nghiên cứu trên 400 người giàu nhất và 1000 người trung bình cho tới những người có thu nhập thấp và nghèo túng ở Hoa Kỳ, yêu cầu họ đánh số từ 1 đến 7, với 1 là rất không hạnh phúc và 7 là rất hạnh phúc. Kết quả cuối cùng cho thấy chỉ số hạnh phúc của những người siêu giàu là 5,8. Sau nhiều năm nghiên cứu, các chuyên gia cũng thấy rằng, chỉ số hạnh phúc của những người Inuit sống ở vùng Bắc Greenland băng giá cũng là 5,8. Hơn thế nữa, Masai (nhóm dân tộc thiểu sổ của những người bán du mục ở Kenya) sống trong những túp lều đổ nát, bẩn thỉu, không có nước sạch, cũng có chỉ số hạnh phúc 5,8.
David G. Myers, nhà tâm lý xã hội của Đại Học Hy Vọng [Hope College] ở Holland, Michigan, phát hiện ra sự trái ngược giữa sự giàu có và hạnh phúc dựa trên số liệu từ điều tra dân số Mỹ năm 2000. Ông Myers thấy rằng sức mua sắm của một người Mỹ trung bình đã tăng ba lần kể từ năm 1950. Có hợp lý không nếu kết luận từ thống kê rằng mức độ hạnh phúc của người Mỹ năm 2000 gấp ba lần năm 1959? Sự thật là người ta khá giả hơn về mặt tài chính vào năm 2000 hơn là 50 năm trước, nhưng thế hệ trẻ không hạnh phúc hơn ông cha họ; thay vào đó, họ có thiên hướng lo âu nhiều hơn.
Nhà tâm lý học người Mỹ - Tiến sĩ Jean M. Twenge đã tiến hành phân tích bao quát trên 269 nghiên cứu, được thực hiện từ năm 1953 đến năm 1993, để đo lường mức độ lo âu của trẻ em và sinh viên đại học. Kết quả phân tích của bà ấy công bố năm 2000 minh chứng rằng mức độ lo âu ở mức trung bình của một đứa trẻ Mỹ năm 1980 cao hơn so với những bệnh nhân tâm thần trẻ em vào năm 1950. Michael Willmott và William Nelson của Tổ Chức Tương Lai [Future Foundation] viết trong cuốn sách
Complicated Lives [tạm dịch: Những Cuộc Đời Phức Tạp] rằng việc tích lũy nhiều của cải vật chất trong 50 năm qua không khiến người ta hạnh phúc hơn. Đây là một ví dụ kinh điển về nghịch lý của sự tiến bộ. Thế hệ hiện nay giàu có hơn, khỏe mạnh hơn, an toàn hơn và tận hưởng nhiều tự do hơn các thế hệ trước, nhưng cuộc đời họ dường như phiền muộn hơn. Một nghiên cứu được thực hiện bởi một nhà tâm lý xã hội người Mỹ vài năm trước đã kết luận rằng trong 40 năm qua, số lượng người Mỹ miêu tả họ “rất hạnh phúc” đã suy giảm rõ rệt. Theo một nghiên cứu khác, từ năm 1960 đến năm 2000, với cùng một thời giá y như trước, mức thu nhập trung bình của Mỹ tăng ba lần trong khi tỉ lệ người cảm thấy họ rất hạnh phúc giảm từ 40% xuống còn khoảng 30%. Trong khi ở những nền kinh tế phát triển cao như Pháp, Anh và Mỹ, số người chịu đựng sự buồn phiền về tinh thần tăng rõ ràng trong mười năm qua. Nghiên cứu giải thích rằng mối quan hệ giữa mức thu nhập và hạnh phúc không phải là một đường thẳng tắp mà là xéo lệch. Tức là, trước khi thu nhập đạt đến một mức độ nhất định, thu nhập tăng làm tăng mức hạnh phúc. Nhưng khi thu nhập vượt qua một mức độ được gọi là diệu kỳ của 75.000 đô la Mỹ
29, thì việc kiếm thêm tiền dường như không thể tạo ra thêm hạnh phúc.
Tiền bạc không phải là vạn năng. Đó là điều Đức Phật đã nói từ rất lâu. Nhưng bây giờ, điều này được chứng minh rõ ràng hơn. Thông tin trên đã chỉ ra rằng nhận thức hạnh phúc của chúng ta không đến từ sự sung túc vật chất.
Mọi người đang tìm kiếm một cuộc đời hạnh phúc, nhưng tất cả dường như đều trải qua sự bất hạnh theo một hình thức nào đó. Ngày càng nhiều người nhận ra rằng có nhiều tiền bạc và của cải hơn không đảm bảo cho hạnh phúc nhiều thêm. Sự thật này được giải thích rõ trong các kinh văn Phật giáo, điều mà các nhà kinh tế và tâm lý ở phương Tây bây giờ mới tìm ra.
Tổ Long Thọ sử dụng ví dụ sau đây để miêu tả ham muốn của con người trong bộ luận với tựa đề Thư Gửi Bạn (Suhrlekha). Những người chịu đau khổ vì bệnh phong, căn bệnh gây ra bởi vi khuẩn, sẽ cảm thấy rất ngứa và đau khi những triệu chứng phát tác. Để xoa dịu cơn đau, nhiều bệnh nhân sẽ đến gần lửa. Vi khuẩn bị thúc đẩy bởi sức nóng lại càng tích cực hơn và khiến bệnh nhân càng đau đớn hơn nữa. Điều này thực sự ám chỉ lòng tham của con người. Chúng ta đều nghĩ rằng tiền có thể mua hạnh phúc và chúng ta nỗ lực không ngơi nghỉ để có nhiều tiền hơn. Nhưng sự thật là giàu có thường khiến chúng ta đau khổ hơn.
Có một câu nói khác trong cùng bộ luận cũng như trong các bản văn khác cho rằng tham dục và sự đắm chìm trong của cải vật chất thì giống như nước muối. Càng uống, ta càng khát. Nếu ta không thấy được mục đích của việc hài lòng với ít ham muốn trong đời này, thì lòng tham tăng mãi sẽ chỉ khiến bất hạnh nhiều hơn.
Ngày nay, trong tâm trí của nhiều người có một câu hỏi lớn về ý tưởng rằng hạnh phúc theo sau sự phát triển về kinh tế, nhưng thực sự không phải thế. Các thống kê cũng chỉ ra sự thật rất khác. Vì thế, người ta không thể không tự hỏi rằng liệu khi chính họ trở nên sung túc như những người ở các quốc gia công nghiệp hóa cao thì chính họ cũng có sẽ trở nên không hạnh phúc hay chăng.
Trong quá khứ, vài triết gia phương Tây cũng cho rằng hạnh phúc đến từ sự giàu có và của cải vật chất. Ý tưởng này lan tràn kể từ thời kỳ Phục hưng.
Julien Offray de la Mattrie, một nhà duy vật người Pháp của thời kỳ Ánh sáng, người đưa ra phép ẩn dụ xem con người là máy móc, tin rằng hạnh phúc và sự thỏa mãn của con người phải được cảm nhận thông qua các cơ quan của thân thể. Ông ấy nói rằng hạnh phúc không sinh ra từ tâm hay cảm xúc. Nếu người ta tìm kiếm hạnh phúc trong các tư tưởng của mình, hoặc xuyên qua việc nghiên cứu một vài sự thật đến nay vẫn chưa ai biết, thì chẳng khác nào đi tìm kiếm hạnh phúc ở một nơi không có hạnh phúc.
Voltaire cũng cho rằng sự thỏa mãn về cảm giác là sự thúc đẩy để mọi người theo đuổi hạnh phúc. Ông phản đối mạnh mẽ chủ nghĩa khổ hạnh được đưa ra bởi nhà thờ, và ông khăng khăng rằng không có luật lệ hay tôn giáo nào nên ngăn chặn những ham muốn của con người.
Dưới ảnh hưởng của những triết học này, người phương Tây thường chấp nhận quan điểm tích lũy của cải vật chất là phương tiện đạt hạnh phúc. Nhưng sau vài trăm năm nỗ lực, hạnh phúc thực sự vẫn khó nắm bắt. Dù có nhiều xe hơi hạng sang, nhà đẹp, thậm chí là thuyền buồm và phi cơ riêng, nhiều người giàu có vẫn cảm thấy không phương hướng, buồn bã và đau đớn trong đời. Dường như chẳng có giải pháp nào cho họ.
Richard Layard, nhà kinh tế học người Anh của Trường Kinh Tế Luân Đôn [London School of Economics], viết trong cuốn sách danh tiếng của ông –
Happiness: Lessons from a New Science [tạm dịch: Hạnh Phúc: Những bài học từ một ngành khoa học mới] rằng kể từ những năm 1950, thu nhập trung bình của mỗi đầu người của các quốc gia phát triển đã tăng gấp ba. Người dân ở các xã hội giàu có hơn như vậy có nhiều thứ để ăn và mặc hơn, xe hơi và nhà cửa lớn hơn, nhiều thời gian và khả năng du lịch nước ngoài, với thời gian làm việc trong tuần ngắn hơn, tiền lương cao hơn và quan trọng nhất, sức khỏe tốt hơn, nhưng vẫn không hạnh phúc hơn.
Tiến sĩ Darrin M. McMahon, sử gia người Mỹ, đã dành sáu năm để nghiên cứu về hạnh phúc và viết cuốn sách được hoan nghênh –
Happiness: A History [tạm dịch: Hạnh Phúc: Một Lịch Sử], sử dụng nhiều thông tin lịch sử và kinh nghiệm con người trong đời sống thực sự để làm tham chiếu. Cuốn sách chỉ ra rằng tuổi thọ trung bình của nam và nữ giới Mỹ là 46,3 và 48,3 vào năm 1900 đã tăng lên 74,1 và 79,5 vào năm 2000. Nhưng sẽ là sai lầm khi kết luận từ thông tin này rằng người phương Tây đã trở nên hạnh phúc hơn nhờ sự cải thiện về các điều kiện sống vật chất và sự phát triển khoa học. Các nghiên cứu toàn diện được thực hiện ở Mỹ từ năm 1950 cho thấy tỉ lệ người cho rằng họ hạnh phúc vẫn duy trì ổn định ở khoảng một phần ba, trong khi những người cảm thấy “rất hạnh phúc” đã giảm từ 7,5% xuống còn ít hơn 6%. Cùng lúc, tỉ lệ người mắc phải sự trầm cảm đơn cực dường như tăng lên một cách đáng kể. Tác giả nhận thấy trong kết luận rằng:
30 Nhưng khi, và nếu, con người bước đi bước quyết định này trong sự tìm kiếm một đời sống như của chư thiên, họ cần biết rằng khi làm vậy, họ sẽ bỏ lại một phần tính nhân văn của họ. Bởi vì khi dựa sự đánh giá của ta trên lòng khát khao và sự đuổi bắt – một sự hiếu động cao quý – là điều đã thúc đẩy văn hóa phương Tây trong hàng nghìn năm qua, [thì ngược lại] sẽ có những điểm nhất định mà con người sẽ không bao giờ biết đến – đấy chính là những điều bí ẩn mà họ sẽ không có lời giải đáp nếu họ vẫn còn tiếp tục thuần túy là những con người [sống trong cuộc đời này]. Chén Thánh của hạnh phúc hoàn hảo là một trong những điều [mà họ không có được giải đáp], và giống như di vật thần thoại quý báu, được cho là đã thu thập được máu từ con trai của loài người, thì chính [di vật đó] cũng thế, có thể nó cũng chỉ tồn tại trong tâm trí chúng ta, chỉ là một chiếc chén cứu nguy và cũng chỉ là một Chén Thánh để chứa đựng nỗi đau của chúng ta mà thôi.Kết luận này cùng với các kết luận tương tự khác đã được rút ra từ các thống kê thực sự và từ các kinh nghiệm đích thực trong lịch sử loài người.
Phật giáo không loại trừ khả năng của hạnh phúc tương đối và tạm thời đang tồn tại trong luân hồi, nhưng đấy không phải là hạnh phúc rốt ráo. Nói chung, khổ đau chiếm phần lớn trong luân hồi. Mặc dù quan điểm này có lẽ được chấp nhận hiện nay, nhiều người vẫn thấy rằng người nghèo phải khổ hơn người giàu. Tuy nhiên, các thông tin nói trên đã chỉ ra rằng sẽ là sai lầm khi đánh đồng sự thịnh vượng vật chất với hạnh phúc. Quan trọng hơn, điều mà tôi muốn chỉ ra cho các bạn là chừng nào chúng ta còn sống theo cách mà Đức Phật đã khuyên dạy thì cuộc đời của chúng ta sẽ tương đối hạnh phúc và ý nghĩa hơn.
Dĩ nhiên, sẽ không có cơ hội hạnh phúc nếu ta thậm chí không thể duy trì những nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống. Nhưng khi tiêu chuẩn sống trung bình có thể được đảm bảo, ta phải học cách giữ cuộc đời đơn giản, tức là sống hài lòng với ít ham muốn. Nếu không, hạnh phúc sẽ mãi nằm ngoài tầm tay.
Sau vài trăm năm nỗ lực cố gắng, xã hội phương Tây bây giờ đã nhận biết ra rằng cách thức mà người ta từng áp dụng để theo đuổi hạnh phúc là sai lầm. Cá nhân tôi cho rằng có thể sau vài trăm năm khác, toàn bộ thế giới sẽ đều nhận ra như vậy và sẽ tự nhiên đồng thuận theo quan điểm của Đức Phật bởi đây là cách duy nhất để đạt hạnh phúc chân thật. Theo quan điểm mà chúng ta biết ngày nay, ý tưởng rằng chỉ sở hữu vật chất mới có thể khiến người ta hạnh phúc dường như đã chấm dứt. Một mặt, con người không thể tìm thấy hạnh phúc theo cách này. Mặt khác, thiên nhiên cũng ngăn cấm chúng ta không cho phép tiếp tục sống theo cách thức tiêu thụ quá nhiều tài nguyên của trái đất. Cuối cùng, chúng ta đều sẽ chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc sống theo phương cách mà Phật đã chỉ bày. Chúng ta có thể tìm thấy hạnh phúc tương đối trong luân hồi chỉ khi chúng ta biết cách sống.
IV. Niềm tin – cội nguồn của hạnh phúc
Theo một số nghiên cứu, với cùng điều kiện sống, mức độ hạnh phúc đối với những người có niềm tin vượt xa những người không có niềm tin.
Đó là bởi vì người có niềm tin có thể dễ dàng nhận diện ra chính họ trong một xã hội rối loạn, cũng như tìm ra nơi nương tựa cho tâm thức và tìm được mục đích sống. Quan trọng nhất, có niềm tin có thể giúp đỡ người ta kiểm soát tốt hơn các mục tiêu thế tục, và hiểu biết phần nào về tính phù phiếm của việc nương tựa vào những theo đuổi thế tục để đạt hạnh phúc rốt ráo. Nói một cách tương đối, những ham muốn của họ ít hơn và vì thế, một cách tổng quát, họ cảm thấy hạnh phúc hơn.
V. Con đường đến hạnh phúc
Tôi đã từng nói rằng Đức Phật là vô song không chỉ về tri kiến tính Không, vô ngã và tâm quang minh chói ngời, mà còn về việc tìm cầu hạnh phúc tạm thời trong một thế giới bình phàm. Theo quan điểm của tôi, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là nhà tư tưởng vĩ đại nhất của mọi thời đại.
Từ nay trở đi, chúng ta đều cần nỗ lực hết sức để sống theo cách thức mà Đức Phật đã chỉ dạy, trong một cuộc đời không phải là không có những hài lòng về vật chất. Sẽ tốt hơn nếu có một chiếc xe hơi để đi lại, đồng hồ và quần áo; nhưng chúng không cần phải là đến từ những thương hiệu lớn. Hài lòng với ít ham muốn không phải là người ta không thể sở hữu thứ gì. Điều đó là không thể. Thực sự, có một quy tắc không thể bị phá vỡ trong Luật Tạng là không nên đòi hỏi người thường làm bất cứ điều gì mà họ không thể làm. Đức Phật biết rất rõ các giới hạn của chúng ta và vì thế không yêu cầu điều gì bất khả thi. Ngài không nói rằng mọi người phải sống một cuộc đời khó nhọc, mà [Ngài dạy ở đây] là chúng ta cần kiểm soát các ham muốn và dành thời gian và sức lực cho điều gì đó ý nghĩa hơn trong đời. Nếu không, chúng ta có thể sẽ không bao giờ thực sự hạnh phúc hay làm được điều gì đó đáng giá. Hãy quán xét điểm này một cách kỹ lưỡng. Trong Thư Gửi Bạn của Tổ Long Thọ có nói rằng, theo lời khuyên của Thế Tôn, hài lòng với ít ham muốn là của cải lớn nhất mà người ta có thể có. Những người có thể duy trì thiên hướng này thực sự là người giàu có dù cho họ chẳng có gì, bởi chỉ họ mới có thể đạt được hạnh phúc rốt ráo, viên mãn..
Bài báo với tựa đề
Tại Sao Thật Khó Khăn Để Có Được Hạnh Phúc31 liệt kê năm điểm để hạnh phúc hơn:.
1. Không tập trung vào các mục tiêu; 2. Dành thời gian để làm việc tình nguyện; 3. Thực hành sự tiết chế; 4. Nỗ lực để hài lòng; 5. Thực hành sống trong phút giây hiện tại. Tiền bạc, quần áo thời trang, xe hơi xa xỉ không nằm trong danh sách này. Rõ ràng, nhiều ý tưởng cũ kỹ của chúng ta về cách thức có được hạnh phúc là sai lầm..
Đức Phật biết rất rõ về mối quan hệ giữa sự giàu có vật chất và ham muốn của con người – về cách thức mà tâm thức thay đổi đối trước sự tăng và giảm của phước báu. Đó là lý do tại sao Đức Phật đặc biệt chỉ dẫn một phương cách sống cho Phật tử..
Những kẻ phàm phu như chúng ta thực sự không hiểu tâm thức của mình – cách thức nó thay đổi hay nó sẽ đi theo hướng nào – mà ta chỉ tin tưởng rằng hạnh phúc sẽ đến cùng với sự giàu có vật chất. Mặc dù chúng ta có thể giàu có trong đời trước, nhưng trải nghiệm đó đã bị lãng quên. Bây giờ trong đời này, bởi chúng ta không có nhiều tiền và không bao giờ trở thành siêu tỉ phú, chúng ta chắc chắn sẽ gặp khó khăn để biết việc sống xa xỉ thực sự như thế nào. Khi mọi thứ trở nên khó khăn thì phần lớn chỉ mong muốn của cải vật chất như là thần dược cho mọi vấn đề của họ..
Ý nghĩa thực sự của cuộc sống là gì? Câu trả lời chỉ có thể được tìm thấy trong Phật giáo. Các môn học thế gian khác chẳng hạn triết học không thể trả lời câu hỏi này một cách trọn vẹn. Quan điểm nói chung là không thứ gì có thể được duy trì sau khi chết, vì thế, ý nghĩa của cuộc sống là tận hưởng tối đa trong khi vẫn còn có thể, dù có phải phung phí cuộc đời quý giá, làm suy kiệt nhiều tài nguyên và phá hủy môi trường thiên nhiên. Hạnh phúc vẫn nằm ngoài tầm với. Điều này cho thấy rằng theo đuổi hạnh phúc theo cách này chỉ dẫn đến sự thất vọng..
Với đa số mọi người, hiểu những điểm này là điều khá cần thiết. Tiếp tục theo đuổi sự sung túc vật chất hay lựa chọn một lối sống ý nghĩa hơn mới là điều quan trọng, [bởi vì chính điều này] sẽ đưa dẫn chúng ta về đâu. Trên thực tế, đó là một cơ hội cực kỳ hiếm có khi chúng ta sinh ra làm người, gặp gỡ giáo lý của Đức Phật và có thời gian để thực hành. Không thứ gì khác trên đời tuyệt vời như cơ hội này. Trong vô số đời quá khứ, chúng ta ắt hẳn đã tận hưởng của cải lớn lao và sự kính trọng lớn lao, là những điều khiến người khác đố kỵ với ta và thậm chí có lẽ chúng ta còn sở hữu viên ngọc như ý quý giá nhất (Cintamani). Những điều tương tự cũng sẽ xảy ra trong vô số đời tương lai. Nhưng tất cả đã không khiến chúng ta tốt đẹp hơn vào ngày hôm nay..
Chúng ta cần biết rằng mục đích của một chiếc xe hơi không phải là đốt cháy nhiên liệu mà là dùng để chuyên chở. Đốt cháy nhiên liệu chỉ là một cách thức của nó – nhưng nó chuyên chở mọi thứ khi tiêu thụ chất đốt. Giống như vậy, mục đích của con người không phải chỉ là ăn, uống và vui hưởng. Ăn và uống là cách mà con người duy trì sự sống, không phải là mục tiêu rốt ráo..
Vậy thì mục tiêu rốt ráo trong đời của con người là gì? Những người không có niềm tin có thể không bao giờ tìm thấy câu trả lời. Tuy nhiên, là Phật tử, mục tiêu của chúng ta là tận dụng cơ hội mà chúng ta có trong đời này để thực hành Pháp tinh tấn để được trang bị tốt hơn nhằm làm lợi lạc mọi hữu tình chúng sinh.
Chú thích:28 Lô-gic Phật giáo
29 Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Daniel Kahneman và Angyus Deaton từ Trung Tâm Hạnh Phúc Và Phúc Lợi tại Đại học Princeton.
30 Darrin M. McMahon, Happiness: A History, 479.
31 Michael Wiederman, Scientific American Mind, February 2007.
Trích "Tri Kiến Đúng Đắn biến Người Tin thành Bồ Tát"Diệu Âm trích dẫn