Tôi Sẽ Chết Sao?
TRONG BA MƯƠI NĂM ĐẦU, Thái Tử Tất Đạt Đa đã sống một cuộc đời với đầy đủ những thú vui đằng sau bức tường trong cung điện rộng lớn của cha mình. Được tất cả mọi người yêu mến và ngưỡng mộ, hoàng tử thanh tú kết hôn cùng nàng công chúa xinh đẹp, họ sinh ra một đứa con trai, và ai ai cũng đều hạnh phúc. Nhưng trong suốt khoảng thời gian đó, hoàng tử chưa lần nào bước ra khỏi cổng hoàng cung.
Vào năm ba mươi tuổi, Tất Đạt Đa bảo người đánh xe trung thành của mình, Channa, hãy đưa chàng đi tham quan thành phố lớn của cha, và đấy là lần đầu tiên, Thái Tử thấy một xác chết. Đó là cú sốc khủng khiếp.
“Liệu những gì xảy ra với người đàn ông đó sẽ xảy đến với Ta sao?” hoàng tử hỏi Channa. “Ta cũng sẽ chết sao?”
“Vâng, Thưa Thái Tử,” Channa trả lời, “Mọi người đều chết. Ngay cả những vị Hoàng Tử.”
“Quay cỗ xe lại, Channa,” Thái Tử lệnh. “Hãy đưa Ta về.” Trở lại cung điện, Thái Tử Tất Đạt Đa suy nghĩ về những gì Ngài vừa chứng kiến. Ý nghĩa của việc trở thành một vị Quốc Vương là gì nếu như không chỉ gia đình của mình mà tất cả mọi người trong thế giới này phải sống dưới cái bóng khiếp đảm của nỗi sợ hãi về cái chết? Ngay lúc đó, Thái Tử quyết định, vì lợi lạc cho tất cả, Ngài sẽ dành hết cuộc đời để tìm ra cách làm thế nào giúp cho nhân loại có thể vượt ra ngoài cả Sinh và Tử.
Câu chuyện nổi tiếng này hàm chứa nhiều giáo lý vĩ đại. Sự thật mà Thái Tử Tất Đạt Đa nêu ra, “Tôi sẽ chết sao?” không chỉ là một câu hỏi ngây ngô đầy thống thiết, mà còn chứa đựng một sự dũng cảm đặc biệt. “Tôi sẽ chết sao? Thái Tử Tất Đạt Đa, vị Vua tương lai của dòng tộc Thích Ca, người mang vận mệnh trở thành ‘Đấng thống lĩnh Vũ Trụ’, rồi sẽ phải chết sao?”. Bao nhiêu người trong số chúng ta, xuất thân từ gia đình Hoàng Tộc hoặc bình thường như bạn và tôi, sẽ nghĩ đến việc đặt ra những câu hỏi như vậy?
Can đảm đặt ra câu hỏi, nhưng phản ứng của Thái Tử lại là, “Hãy đưa Ta về!”, thoạt nghe có vẻ hơi trẻ con. Những người trưởng thành thường được kỳ vọng phải có khả năng đối phó với một thông tin gây bối rối ở mức độ chín chắn hơn, có phải không? Nhưng nếu vậy, liệu bao nhiêu người trưởng thành sẽ bận lòng đối với câu hỏi, “Tôi sẽ chết sao?” Và bao nhiêu người sẽ dám rút ngắn một chuyến đi chơi thú vị ngoài trời để dành thời gian cho việc tự nghiên cứu và suy ngẫm về câu trả lời?
Con người nghĩ rằng mình rất thông minh. Hãy nhìn vào tất cả những hệ thống và mạng lưới chúng ta đã tạo dựng. Hầu như mỗi người đều có một địa chỉ riêng để có thể nhận thư và bưu kiện gửi đến, có những tài khoản ngân hàng để cất giữ tiền bạc thật an toàn. Có người phát minh ra đồng hồ đeo tay để tất cả chúng ta có thể theo dõi được thời gian; một người khác lại sáng chế ra iPhone giúp chúng ta giữ liên lạc với các nhóm bạn bè, người quen, đối tác kinh doanh và gia đình.
Con người phát triển cả những hệ thống để đảm bảo xã hội hoạt động trôi chảy: cảnh sát duy trì trật tự công cộng, đèn giao thông kiểm soát lượng xe lưu thông trên đường, và chính phủ quản lý hệ thống an sinh xã hội.
Tuy nhiên, dù con người dành hết thời gian của cuộc đời vào việc nỗ lực tổ chức, thiết kế và cấu trúc mọi khía cạnh của thế giới, thì bao nhiêu người trong chúng ta tò mò và đủ can đảm để tự hỏi, “Tôi sẽ chết sao?” Tại sao tất cả chúng ta không thử suy ngẫm về Cái-Chết-không-thể-né-tránh của chính mình ít nhất một lần trong đời? Đặc biệt bởi vì ai trong chúng ta rồi cũng sẽ chết – đây là thông tin vô cùng quan trọng. Có nghĩa lý gì nếu bạn không bỏ ra chút ít nỗ lực nào vào việc xử lý một sự thật không thể trốn tránh về cái chết của chính mình?
Khi chết đi, điều gì sẽ xảy ra với tất cả những địa chỉ nhà cửa, doanh nghiệp hay những nơi nghỉ dưỡng của chúng ta? Chuyện gì sẽ xảy đến với những chiếc đồng hồ đeo tay, iPhone hay tất cả những đèn giao thông kia? Với những khoản bảo hiểm hay kế hoạch trợ cấp? Cả những cuộn chỉ nha khoa mà bạn vừa mua sáng nay?
Phật Giáo tin rằng tất cả chúng sinh trên hành tinh này, đặc biệt, loài người là những sinh vật sẽ đặt câu hỏi này nhiều nhất, “Tôi sẽ chết sao?” Bạn có thể tượng tưởng nổi một con vẹt sẽ suy nghĩ, “Tôi nên ăn những quả và hạt này ngay bây giờ vì e rằng tôi có thể chết tối nay? Hay tôi nên liều lĩnh để dành số hạt này cho sáng mai nhỉ?” – Những con vật không suy nghĩ được như vậy. Và chắc chắn rằng chúng cũng không suy nghĩ về những nguyên nhân và hoàn cảnh [
nhân và duyên].
Thực tế, Phật Pháp có đề cập rằng, chư Thiên hoặc những chúng sinh thuộc cõi Trời thậm chí chẳng bao giờ nghĩ đến câu hỏi “Tôi sẽ chết sao?” Chư vị ở Trời cảm thấy hứng thú hơn với những chiếc đĩa sứ bóng mịn, tinh xảo và những chiếc thìa bạc, các loại trà ủ men thanh tao, và những điệu nhạc mê đắm. Chúng sinh cõi Trời được cho là thích nhìn ngắm những đám mây khổng lồ nhiều hình dạng, một cách kỳ diệu, họ tạo nên những hồ bơi hay đài phun nước ngay giữa khối mây rộng lớn và mịn màng nhất, sau đó họ dành hàng giờ, thậm chí nhiều ngày, chỉ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mình. Những hoạt động này chi phối đời sống những vị Trời và nó thú vị hơn rất nhiều so với câu hỏi, “Tôi sẽ chết sao?” Tôi sẽ cảm thấy nghi ngờ nếu một suy nghĩ như thế thoáng xuất hiện trong đầu họ.
Chúng sinh ở cõi người, mặt khác, lại có năng lực tự vấn, tuy nhiên cái chết bất khả kháng hiếm khi xảy đến với chúng ta. Khi nào người ta thường nghĩ đến cái chết? Có phải khi chúng ta đang trải qua những đau khổ tồi tệ? – Không. Hay khi chúng ta đang ở giữa trạng thái cực kỳ hạnh phúc? – Một lần nữa, câu trả lời là Không. Thông minh và có ý thức, chúng ta có những điều kiện khuyến khích cho việc trực nhận rõ ràng câu hỏi trên, nhưng chúng ta lại dành tất cả thời gian và năng lượng của mình để chống đỡ cho việc tự lừa dối bản thân, nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ chết. Chúng ta tự làm tê liệt bản thân trước nỗi đau của những thực tế không thể tránh khỏi bằng cách giữ cho Tâm trí luôn bận rộn hay luôn gắn liền với các hoạt động giải trí, tiêu khiển, và bằng cách phát triển hơn nhiều những kế hoạch cho tương lai. Theo cách nào đó, đây chính xác là những điều khiến cho đời sống con người trở nên tuyệt vời, nhưng đây cũng chính là cái bẫy bởi vì chúng ta đang tạo ra những cảm giác an toàn sai lầm. Chúng ta quên mất rằng cái chết của chính mình cũng như của tất cả những người mình quen biết và yêu thương là không thể trốn tránh được.
Hãy suy nghĩ về nó: vào thời điểm mà mỗi người đã trải qua một phần tư thế kỷ, chúng ta đã mất đi ít nhất một người bạn thân hoặc một thành viên trong gia đình. Một ngày bạn đang ăn tối với bố mẹ, sang hôm sau họ đã chết và bạn không bao giờ thấy được họ lần nữa. Loại kinh nghiệm này buộc chúng ta phải đối mặt với sự thật về cái chết – và đối với một số người, đó là sự thật vô cùng cay đắng và đáng sợ.
~ Ghi thay lời giới thiệu, trích đoạn từ "Sống là Dần Chết", Dzongsar Khyentse RinpocheNội dung đọc web đang cập nhật. Xin vui lòng đọc và tải file PDF tại đây: https://lienhoaquang.com/thu-vien_SONG-LA-DAN-CHET-Lam_gctmqsmt_xem-PDF_tuequang.html