Savaripa - Người thợ săn
Trong khu rừng hoang vu Một con nai ẩn náu Con nai có tên là chán bỏ Kéo cánh cung của phương tiện là trí tuệ Buông chiếc tên chân lý Con nai chết Ừ, tư tưởng chết Thịt xương ấy là bữa tiệc của bất nhị Thuần một vị thanh tịnh mà thôi Và mục đích ta đã đạt đến rồi Truyền thuyếtTại vùng núi Vikrama, có một người thợ săn tên là Savaripa. Ông giết hại muông thú để sống và sống để giết hại muông thú, bởi đó là nghề nghiệp không mong muốn của ông.
Bồ Tát Quán Thế Âm động lòng muốn giải thoát cho ông khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy, bèn dùng thần thông hoá thành một người thợ săn đón ông ở giữa đường.
“Ông là ai?” Người thợ săn Savaripa hỏi.
“Ta cũng là thợ săn như ông.”
“Ông từ đâu tới?”
“Rất xa.”
“Thế với một mũi tên, ông có thể bắn hạ bao nhiêu con nai?” Savaripa hỏi với vẻ tự hào về tài thiện xạ của mình.
Bồ Tát đáp: “Khoảng chừng 300 con hoặc hơn nữa.”
“Thế thì ta muốn xem tài của ông.”
Bồ Tát nhận lời thách thức của Savaripa.
Sáng sớm hôm sau, y hẹn, Bồ Tát đưa Savaripa đến một nơi có sẵn 500 con nai do ngài dùng sức thần thông hiện ra.
Người thợ săn vừa trông thấy bầy nai, bèn đưa tay chỉ: “Kìa! Cả bầy nhiều như thế, ông có khả năng hạ được bao nhiêu con?”
“Ta sẽ hạ một lúc 500 con.”
Savaripa có vẻ không hài lòng, đề nghị: “Sao ông không bắn trước 100 con thử xem?”
Bồ Tát liền bắn một mũi tên, 100 con nai cùng ngã lăn ra chết. Bồ Tát bảo Savaripa mang một con về nhà. Nhưng khi cúi xuống để vác một con nai, Savaripa vận hết sức lực vẫn không tài nào nhấc lên. Lúc ấy, lòng kiêu hãnh của y biến mất.
Trên đường về, Savaripa khẩn khoản xin Bồ Tát dạy cho y cách bắn cung kỳ diệu ấy. Ngài nhận lời nhưng buộc Savaripa phải chay tịnh trong vòng một tháng.
Nhờ vậy, hai vợ chồng Savaripa bớt được nghiệp sát sanh trong thời gian một tháng.
Sau thời gian ấy, Bồ Tát quay lại và bảo Savaripa rằng: “Nếu ông thực lòng muốn học thuật bắn cung vi diệu của ta, thì trước hết ông phải khởi lòng thương xót tất cả chúng sinh, từ bỏ rượu thịt, thì việc học mới mau chóng thành tựu.”
Savaripa đồng ý ngay không một chút ngần ngừ. Thời gian ấn định trôi qua, khi Bồ Tát trở lại, Savaripa nồng nhiệt đón chào. Nhưng Bồ Tát chẳng đá động gì đến việc dạy dỗ.
Ngài vẽ một vòng tròn Mạn-đà-la rồi rải một lớp hoa tươi lên vòng ấy. Rồi Bồ Tát bảo hai vợ chồng người thợ săn: “Các ngươi thử nhìn vào xem!”
Khi nhìn vào vòng tròn kỳ diệu ấy, cả hai thấy hình ảnh của họ đang bị lửa thiêu đốt trong địa ngục. Quá kinh hoàng, họ không thốt nên lời.
“Các ngươi thấy những gì?” Bồ Tát hỏi.
“Chúng tôi thấy bản thân mình bị thiêu đốt trong địa ngục.” Cuối cùng, Savaripa gắng gượng trả lời.
“Các ngươi có sợ không?”
“Dĩ nhiên, chúng tôi rất sợ.”
“Các ngươi có muốn tránh khỏi nạn ấy không?”
“Chúng tôi rất muốn, nhưng biết phải làm sao?”
“Chính các ngươi có thể tự cứu lấy mình.”
Bồ Tát liền giảng về nghiệp quả cho hai người nghe. Sau đó là thuyết về bốn tâm vô lượng và sáu pháp Ba-la-mật. Ngài nói: “Hậu quả đời sau của nghiệp giết hại là thác sinh vào địa ngục, hiện thời thường gặp nạn tai bất ngờ, thọ mạng ngắn ngủi. Nếu người từ bỏ ác nghiệp, tu tập hạnh lành, tích lũy công đức, thì không những thọ mạng lâu dài mà còn có thể tu thành quả Phật.”
Nhận thấy Savaripa ngộ được chánh pháp, Bồ Tát liền dùng phép thần thông đưa Savaripa lên đến đỉnh núi Đan-ti để tu tập thiền định trong 12 năm.
Sau thời gian dài tu tập, Savaripa xuất định, xuống núi đi tìm thầy mình.
Bồ Tát hiện ra bảo: “Này, thiện nam tử! Cảnh giới Niết-bàn vi diệu mà ngươi đã chứng chẳng phải là cảnh giới của hàng Thanh văn, Duyên giác. Đời sống ở thế gian như lửa rơm mau cháy, chóng tàn. Vô số chúng sinh còn luẩn quẩn trong vòng vô minh. Nay ta phú chúc cho người thay ta lưu lại thế gian mà tế độ chúng hữu tình.”
Savaripa vâng mệnh, quay về quê cũ tiếp tục thiền định chờ cho đến khi vị Phật đương lai hạ sinh là ngài Di Lặc ra đời để cùng ngài giáo hoá chúng sinh trong một thời kỳ mới.
~ Trích “CÁC VỊ CHÂN SƯ ĐẠI THỦ ẤN”, Keith Dowman