Siêu Việt Qua Thế Giới Trần Tục
Khái niệm về hư ảo có liên quan gì với cuộc sống của chúng ta trong thế giới này? Làm sao để ứng dụng được khái niệm này?
Thứ nhất, mặc dù chúng ta biết rằng thế giới chỉ là hư ảo thế giới vẫn rất thật trên quan điểm của mắt, tai, mũi, lưỡi và thân của chúng ta. Do có chân lý tương đối này, chúng ta phải có trách nhiệm với xã hội gia đình và nhân viên công ty của chúng ta, chúng ta cần phải tạo dựng sự nghiệp và nuôi sống gia đình. Chúng ta phải tránh hủy hoại hay gây tổn hại đến cuộc sống chúng sinh, tránh trộm cắp lừa đảo. Mặc dù biết được rằng mọi thứ chỉ là hư ảo, dù sao chúng ta vẫn phải phân biệt được đúng và sai tốt và xấu.
Đức Phật khuyến khích chúng ta sống đúng các quy tắc của cuộc sống này, biết phân biệt điều xấu và điều tốt và có chánh niệm về nhân quả.
Thứ hai, bởi vì chúng ta biết rằng mọi thứ chỉ là hư ảo chúng ta như đang chìm đắm giữa giấc mơ. Giấc mơ ban đêm của chúng ta thường ngắn ngủi trong khi giấc mơ trong cõi luân hồi này của chúng ta thì tương đối dài. Khi chúng ta chuẩn bị lìa đời và nhìn lại quá khứ, chúng ta thấy rằng các tình huống trong cuộc đời đều hư ảo và không thật như giấc mơ đêm qua của mình. Do đó, chúng ta không nên bám luyến quá mức vào của cải các mối quan hệ... là những gì mà chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể bám luyến.
Tất nhiên người bình thường không thể tránh khỏi tham muốn. Đức Phật không nghĩ rằng một mối quan hệ bình thường là điều sai trái miễn là nó không gây tổn hại cho chính mình. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu được rằng các mối quan hệ cũng hư ảo như là giấc mơ, chúng ta không nên tham đắm quá đà trong một mối quan hệ không đúng thực - không có sự phán đoán đúng đắn chúng ta cũng chỉ kết thúc với đau khổ mà thôi.
Nhiều người bình thường cảm thấy đau đớn khôn nguôi khi gặp vấn đề trong các mối quan hệ cá nhân bởi vì họ đã quá bám luyến vào đấy.
Đức Phật đã dạy chúng ta phải thực hành Trung Đạo để tránh tình trạng quá cực đoan trong bất kỳ trường hợp nào. Chúng ta không cần phải bực bội chán ghét bi quan trong cuộc đời này nhưng cũng không nên xem cuộc đời là hoàn hảo. Bản thân tài sản và các mối quan hệ chẳng xấu cũng chẳng tốt; việc chúng trở thành tốt hay xấu phụ thuộc vào tâm của chúng ta. Nếu chúng ta nhìn vào tài sản, các mối quan hệ và các mục tiêu thế gian khác với tâm bình đẳng thì cuộc sống của chúng ta sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều.
Chìa khóa để xây dựng hạnh phúc trong cuộc sống này là sự thực hành của chúng ta. Cũng giống như những vận động viên phải rèn luyện tích cực để đoạt giải, như bệnh nhân nghe lời bác sĩ để khỏi bệnh. Nếu chúng ta thực hành theo lời dạy của Đức Phật, chúng ta có thể học được cách đối phó với các cảm xúc tiêu cực bằng cách không buông xuôi theo các bám luyến quá mức hoặc trở nên tuyệt vọng trước những căng thẳng nặng nề. Nếu làm như thế, chúng ta có thể thành công trong công việc hoặc kinh doanh của mình và đồng thời có được nhiều hạnh phúc và sự thanh thản. Trong Phật giáo, đặc biệt là Thiền tông, thuật ngữ “buông xả” thường được dùng để chỉ trạng thái này của tâm.
Buông xả không có nghĩa là bỏ mặc. Buông xả trong công việc không có nghĩa là bỏ mặc mọi công việc của mình; buông bỏ của cải không có nghĩa là từ chối mọi của cải. Bỏ mặc là một hình thức chạy trốn trong khi buông xả nghĩa là một phương pháp để đối mặt với vấn đề.
Thế giới không thật sự xinh đẹp như chúng ta thường nghĩ, cuộc sống đầy rẫy các điều chán ngán. Nếu chúng ta kỳ vọng quá nhiều vào thế giới và vào cuộc sống này, nếu chúng ta không chuẩn bị kỹ cho các khó khăn đang chực chờ chúng ta sẽ phải đối diện với cái chết, bệnh tật, phá sản tổn hại thanh danh... trong sự sợ hãi. Sẽ khó cho chúng ta chấp nhận những gì xảy đến lúc đó; chỉ một vấn đề nhỏ sẽ có thể dẫn đến việc chúng ta tự kết thúc cuộc sống của mình.
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, ông James Stockdale, một đô đốc hải quân bị bắt. Các quan sát trong tù đã dẫn ông đến kết luận rằng:
Người lạc quan sẽ chết trước. Họ có niềm tin mù quáng rằng mọi việc sẽ được giải quyết. Họ luôn nói: “Chúng ta sẽ được tự do vào Giáng Sinh”. Khi đến Giáng Sinh họ vẫn chưa tự do, họ sẽ nói: “Chúng ta nhất định sẽ được trả tự do vào lễ Phục Sinh.” Khi đến lễ Phục Sinh mà vẫn ở trong tù họ sẽ nói: “Chúng ta sẽ được thả tự do vào lễ Tạ Ơn. Tuy nhiên, lễ Tạ Ơn đã đến rồi đi, và họ vẫn ngồi tù. Do hy vọng quá nhiều và điều kiện trong tù quá khắc nghiệt, cuối cùng thì họ đã chết với cõi lòng tan nát. Thật sự, đây là trường hợp điển hình của mọi tình huống. Chúng ta không nên quá bi quan cũng không nên quá lạc quan trong cuộc sống. Chúng ta nên đi theo con đường Trung Đạo theo đúng dòng chảy và hiểu rằng mọi thứ đều là vô thường giống như giấc mộng hay ảo ảnh. Với chánh kiến và thái độ đúng đắn, chúng ta sẽ thoát khỏi việc bám chấp hay tham luyến vào của cải. Nếu có tiền bạc, chúng ta có thể hạnh phúc; không có tiền chúng ta cũng sẽ thanh thản.
Đây chính là cách chúng ta có thể áp dụng Giáo Pháp của Đức Phật vào cuộc sống.
~ Trích “Bạn Đã Sẵn Sàng Để Đón Nhận Hạnh Phúc Chưa?”, Khenpo Tsultrim Lodro