SINH TỬ VÀ NIẾT BÀN
Để thực hành Giáo pháp siêu việt, ta phải biết rằng kết quả những nỗ lực của ta là giác ngộ, và lý do khiến ta có thể giác ngộ là bởi tất cả chúng ta đều có Phật tánh. Mọi chúng sinh đều có Phật tánh, và theo giáo lý của Đức Phật trong Kinh điển và Mật điển, chính bởi nền tảng này – là bản tánh giác ngộ nguyên sơ, Phật tánh hay tathagatagarbha – mà tất cả chúng sinh đều có tiềm năng để hiển lộ sự giác ngộ viên mãn, để trở thành những vị Phật toàn giác. Mặc dù có nhiều loại chúng sinh khác nhau, và những chúng sinh khác nhau về năng lực tinh thần, nhưng ở nền tảng, bản chất của họ hoàn toàn giống nhau. Bản chất đó là tathagatagarbha, hay Phật tánh, và nó không thay đổi.
Ta thường được nghe nói rằng không có khác biệt giữa chư Phật và chúng sinh, và trong một ý nghĩa thì điều đó là chân thực. Ở nền tảng, khi bạn nói về bản chất, là Phật tánh, thì không có khác biệt. Vì thế một số người có thể nói: “Ồ, tốt, nếu chúng ta đã giác ngộ thì chẳng có điều gì để làm! Chẳng cần phải nỗ lực, chúng ta đã toàn thiện rồi.” Nhưng không phải như thế, đó là một sự hiểu lầm. Ta phải hiểu rằng ở bình diện tương đối, có một sự nhị nguyên của sinh tử và niết bàn. Sinh tử là gì và niết bàn là gì? Ở nền tảng, bản chất của sinh tử là tánh Không, nhưng nó hiển lộ như một sản phẩm của sự mê lầm. Nó chủ yếu là một kinh nghiệm của tâm thức do bởi tri giác mê lầm của chúng sinh, tri giác được đặt nền trên mê lầm và vô minh. Vì thế, đặc điểm của sinh tử là đau khổ. Nhưng ở mặt khác thì có niết bàn. Ở nền tảng, niết bàn cũng trống không tự bản chất, nhưng nó hiển lộ phù hợp với tri giác thanh tịnh của tâm giác ngộ. Mọi sự mê lầm, vô minh được tịnh hóa và quét sạch, và những gì được tâm hoàn toàn thuần tịnh kinh nghiệm là niết bàn. Đặc điểm của niết bàn là mọi đau khổ đã được quét sạch. Đó là trạng thái thoát khỏi mọi đau khổ. Vì thế, trên thực tế, mọi hiện tượng, mọi hình tướng thực sự có tiềm năng xuất hiện đồng thời như sinh tử hay niết bàn.
Ta phải hiểu biết chút ít bản tánh của sinh tử để hoàn toàn chiến thắng tri giác sai lầm này, và ta cũng phải hiểu biết về cách vận hành của nó. Có năm câu hỏi ta cần trả lời. Thứ nhất, ta phải biết ai kinh nghiệm mê lầm. Thứ hai, nền tảng hay căn bản của mê lầm đó là gì? Thứ ba, nguyên nhân là gì? Thứ tư, nó hiển lộ ra sao? Và thứ năm, là chúng sinh, khi nào chúng ta bắt đầu kinh nghiệm mê lầm đó? Đối với câu hỏi thứ nhất, tất cả chúng sinh trong ba cõi luân hồi sinh tử đều mê lầm, kinh nghiệm sinh tử. Thứ hai, nền tảng đích thực của mê lầm đó là tánh Không, và do thiếu nhận thức về bản tánh cố hữu đó nên chúng sinh kinh nghiệm mê lầm; tự thân sự mê lầm không có thực chất. Nó chỉ xuất hiện bởi ta không thể nhận ra bản tánh trống không (tánh Không). Không nhận ra tánh Không, tri giác sai lầm của tâm hiển lộ như sự mê lầm. Thứ ba, nguyên nhân của sinh tử là sự vô minh, hay không tỉnh giác. Thứ tư, mê lầm đó xuất hiện như các kinh nghiệm của sáu cõi, nó xuất hiện như sáu cõi sinh tử. Tuy nhiên, các kinh nghiệm trong sáu cõi, các kinh nghiệm trong sinh tử luân hồi, được cho là giống như một giấc mộng. Sự mê lầm không có thực chất, vì thế thực ra nó không khác gì một giấc mộng. Và thứ năm, chúng sinh mê lầm và vô minh từ vô thủy. Vì thế nếu ta để mặc hoàn cảnh như nó là thì điều đó đúng hay không đúng? Điều đó không đúng! Do bởi mê lầm mà có đau khổ; chỉ là đau khổ. Khi mê lầm hiện diện, đặc điểm duy nhất của kinh nghiệm là đau khổ, vì thế ta phải làm điều gì đó về nó.
Khi ta nghĩ về tất cả những điều này trong bối cảnh của Phật tánh, ta bắt đầu nhận ra rằng, theo một ý nghĩa tuyệt đối, thực ra mọi sự mê lầm và đau khổ của sinh tử có bản chất là trí tuệ nguyên sơ. Vì thế, kinh nghiệm trong mê lầm có thể được chuyển hóa thành kinh nghiệm của trí tuệ nguyên sơ do bởi bản tánh đích thực của nó, thực tại của nó, là sự thuần tịnh. Đó là bản tánh giác ngộ, và tính chất ô nhiễm chỉ là sự vô minh nhất thời và hiện hữu do bởi những che chướng nhất thời. Nếu ta đi vào con đường thực hành Pháp, cuối cùng ta sẽ hoàn toàn tịnh hóa những che chướng và ô nhiễm đó và đạt được sự toàn giác. Lý do của điều này là mặc dù chúng sinh đã kinh nghiệm mê lầm từ vô thủy trong sinh tử luân hồi, và như một sản phẩm của sự mê lầm của họ, họ đã trải qua vô số đau khổ, nhưng trong suốt cuộc luân hồi đó, Phật tánh vẫn là và luôn luôn là nền tảng thuần tịnh của họ. Tuy nhiên, các che chướng không phải là điều mà chúng sinh có thể tự mình chiến thắng được. Phải có người chỉ ra con đường đó. Vị Thầy, Đức Phật, đã phải khám phá ra con đường để giải trừ các che chướng và hiển lộ bản tánh bẩm sinh, hiển lộ sự giác ngộ.
Ngoài sự hiểu biết về việc mê lầm hình thành ra sao, vì sao chúng sinh mê lầm v.v.. ta cũng rất cần phải hiểu làm thế nào chúng sinh có thể thoát khỏi mê lầm đó. Có ba lý do chủ yếu khiến chúng sinh có thể tịnh hóa các che chướng và đạt được giác ngộ. Lý do thứ nhất là bản tánh của Pháp Thân là tánh Không, vì thế nó trùm khắp mọi sự, kể cả tâm thức của tất cả chúng sinh. Thứ hai, không có khác biệt giữa Phật tánh của một vị Phật và Phật tánh của một chúng sinh; nền tảng thuần tịnh của họ hoàn toàn như nhau. Mặc dù chúng sinh kinh nghiệm mê lầm một cách nhất thời, nhưng về mặt bản chất của họ, Phật tánh hoàn toàn viên mãn và ngập tràn các phẩm tính giác ngộ, vì thế nơi tathagatagarbha (Như Lai tạng, Phật tánh) của chư Phật và chúng sinh không có sự khác biệt của sự lớn hơn hay giới hạn hơn, không có sự khác biệt ở mức độ thanh tịnh, hay tính chất tốt lành của họ. Về mặt thanh tịnh và vĩ đại thì một vị Phật không hơn một chúng sinh. Đó là bởi Phật tánh an trụ bất biến trong toàn thể nền tảng, con đường, và quả. Lý do thứ ba khiến có thể giải thoát là bởi sự thuần tịnh bẩm sinh là bản chất của tâm chúng sinh thì có thể đạt được. Giống như từ một hạt mè ta có thể trích xuất được dầu mè, hay từ việc khuấy sữa ta lấy được bơ, tương tự như thế, việc dấn mình vào những thực hành tịnh hóa các che chướng và thâu thập các tích tập đưa đến kết quả là bản chất Phật quả được tinh lọc.
Tuy nhiên, mặc dù bản tánh nền tảng của chúng sinh và chư Phật thì như nhau, ta cũng phải hiểu rõ những sự khác biệt. Chúng sinh sở hữu Phật tánh như bản chất đích thực của họ. Mặc dù có sự hiện diện nhất thời của những ô nhiễm ngẫu nhiên, nhưng tự bản chất, họ sở hữu tâm bất nhiễm của một vị Phật toàn giác; nhưng họ không sở hữu tâm giác ngộ đến từ việc giải thoát khỏi các ô nhiễm, những che chướng. Chư Phật sở hữu bản chất – là Phật tánh tự nhiên – và bởi các ngài đã tịnh hóa và quét sạch mọi ô nhiễm ngẫu nhiên, các ngài đã thoát khỏi mê lầm, và vì thế các ngài cũng sở hữu kết quả, là Phật quả. Vì thế ta được dạy rằng những phẩm tính của sự giải thoát và kết quả là điều phân biệt kết quả tối hậu, là sự toàn giác, với Phật tánh.
Phật tánh và những ô nhiễm nhất thời thường được cho là giống như mặt trời và màn mây bao phủ. Mặt trời luôn luôn hiện diện và chiếu sáng, nó không bao giờ thay đổi; bản tánh của nó hoàn toàn bất biến. Tương tự như thế, mọi chúng sinh đều có Phật tánh, và Phật tánh đó không bao giờ biến đổi; những phẩm tính của nó hoàn toàn viên mãn. Nhưng khi có những ô nhiễm ngẫu nhiên, tâm ta bị ô nhiễm khiến ta hoàn toàn không thể nhận thức được sự chói sáng tự nhiên của tâm, giống y như việc những tia nắng không thể đến với ta trong một ngày thật nhiều mây. Bởi những ô nhiễm nhất thời là những che chướng của cảm xúc phiền não và nhận thức (phiền não chướng và sở tri chướng), có một màn che không cho ta nhận ra sự thuần tịnh nền tảng, bản tánh nền tảng của ta. Bao giờ bản tánh nền tảng đó còn bị ngăn che, ta vẫn còn ở trong bóng tối của vô minh, và bao giờ ta còn ở trong bóng tối vô minh như những đám mây dày đặc bao phủ mặt trời, thì ta chỉ có đau khổ.
Chỉ bởi những che chướng mà ta lang thang trong sinh tử. Nền tảng thực sự của điều này, cách thức những che chướng hiển lộ, là bởi tiến trình chấp ngã; đó là bởi ta phóng chiếu một bản ngã vào sự vô ngã trong bản chất. Khi ta phóng chiếu một cái ngã vào cái gì vô ngã thì chỉ khiến ta thêm sinh khởi vô minh. Lúc ban đầu, chúng sinh không nhận ra bản tánh nền tảng của họ, họ không nhận ra tánh Không, và vì thế họ không thấy được các sự việc như chúng thực sự là. Kết quả là việc thiếu tỉnh giác đó hiển lộ như sự chấp ngã.
Theo Chandrakirti, ý niệm bản ngã được đặt nền trên sự gắn bó với thân tướng vật lý, là thân thể này. Trước hết có một khái niệm về ta, “bản ngã” của ta và sau đó thân ta, những đồ vật của ta, nhà ta, quần áo của ta v.v.. Có một tâm thức nối kết chặt chẽ với bản ngã huyễn hóa và sau đó có một tâm sở hữu nhận là chủ nhân của các sự vật. Mọi sự mê lầm sinh tử đi theo sau như kết quả của tâm chấp ngã này. Một khi có một ngã thì có một người khác, vì thế ta có sự bám chấp nhị nguyên về bản ngã và người khác (ngã và tha). Và kế đó, một khi có những ý niệm về ta và người, ta có sự tham luyến và thù ghét. Ta tham luyến bản ngã, và thù ghét những người khác. Dựa trên sự tham luyến và thù ghét đó, ta tạo ra đủ loại nghiệp, và sau đó nghiệp hiển lộ như sinh tử. Trong khía cạnh đó, tất cả sinh tử là một phô diễn huyễn hóa của sự tương thuộc nghiệp quả. Tâm tham luyến và thù ghét càng tồn tại thì ta càng tạo nghiệp, và chính bởi vòng tròn vô tận này mà ta không bao giờ thoát khỏi sinh tử.
Sinh tử hiển lộ như nghiệp quả của những hành động của ta, và được đặt nền trên những nghiệp quả đó, ta tạo thêm nghiệp, những che chướng càng lúc càng dày đặc hơn và những dấu vết nghiệp quả, những tập khí và khuôn mẫu, càng lúc càng cứng chắc và thấm sâu, và ta tiếp tục tạo nghiệp một cách tự nhiên. Đây là lý do vì sao sinh tử không ngừng dứt, trừ phi và cho đến khi ta áp dụng phương tiện để đập tan vòng quay và chiến thắng các tập khí này.
Bởi không nhận ra Phật tánh của ta, ta phó mặc cho những mê lầm trong sự đau khổ vô vọng. Ta giống như người vô cùng nghèo khổ, mặc dù dưới sàn túp lều của người ấy có đủ loại vàng bạc và châu báu. Tất cả những của cải này nằm dưới sàn nhà của người ấy, nhưng vì không biết điều đó nên anh ta đau khổ vì nghèo túng. Anh ta không kiếm đủ ăn, đói, khát, đau khổ vì nóng và lạnh, và anh chỉ nghĩ rằng đó là thực tế của anh. Anh ta cho rằng mình nghèo khổ và không nghĩ rằng thực ra anh vô cùng giàu có, mặc dù anh thực sự giàu có khó có thể tin nổi. Tương tự như thế, bởi không nhận ra kho báu Phật tánh của ta, ta trải nghiệm một cách bất lực những đau khổ vô cùng tận của sinh tử, mặc dù thực ra mọi phẩm tính giác ngộ đều viên mãn tự nguyên sơ ở trong ta. Nếu ta không có Phật tánh, ta sẽ không được lợi lạc gì trong việc thực hành, và sẽ không lợi lạc trong việc cố gắng thành tựu các giáo lý. Ta sẽ không nhận được lợi lạc nào từ việc vượt qua con đường. Sẽ không có nền tảng cho việc từ bỏ những gì được từ bỏ, và ta sẽ không thể phát triển trí tuệ qua việc nghiên cứu và thực hành. Lý do khiến ta có thể nhận được những lợi lạc của việc thực hành và kinh nghiệm kết quả những nỗ lực của ta đúng y như thế là bởi ta có Phật tánh. Nếu không có Phật tánh, ta sẽ chẳng có cách nào, sẽ chẳng có hy vọng nào để chiến thắng sinh tử. Chính nhờ Phật tánh mà ta có thể phát triển trí tuệ và giảm bớt các che chướng. Càng nghiên cứu và thực hành thì dần dần những che chướng và ô nhiễm nhất thời càng bị xua tan. Những che chướng và ô nhiễm suy giảm và những phẩm tính giác ngộ và kinh nghiệm về sự chứng ngộ tăng trưởng. Đó là bởi ta không tạo ra điều gì mới, ta không phát triển những phẩm tính mà trước đây ta không có, nhưng thực ra ta đang khám phá những phẩm tính luôn luôn có ở đó. Khi màn che chướng trở nên mỏng hơn, ta nhận thức những phẩm tính bẩm sinh rõ ràng hơn. Điều này có thể thực hiện được bởi những che chướng chỉ là nhất thời và bản tánh của tathagatagarbha thì viên mãn và luôn luôn hiện diện tự nguyên sơ. Những ô nhiễm chỉ là ngẫu nhiên, vì thế chúng có thể bị tẩy trừ khi ta khám phá Phật tánh toàn thiện bẩm sinh của mình.
Một biểu hiện cho thấy sự hiện diện của Phật tánh trong chúng sinh là họ ước muốn được hạnh phúc và tránh đau khổ. Ước muốn hạnh phúc này là một dấu hiệu của việc mong muốn đồng nhất với bản tánh nền tảng đó, là bản tánh của hạnh phúc bất biến, vì thế khát khao hạnh phúc là một biểu hiện cho thấy sự hiện diện của Phật tánh. Mặc dù khát khao hạnh phúc này được liên kết với những phẩm tính của Phật tánh, do sự mê lầm và sức mạnh của các ô nhiễm ngẫu nhiên, chúng sinh không ngừng tạo nên những nguyên nhân của đau khổ.
Bởi tất cả chúng sinh đều có Phật tánh nên thực ra ta không nên có tâm thiên vị hay phân biệt đối với chư Phật và chúng sinh. Ta không nên nghĩ rằng chúng sinh là bất tịnh, tiêu cực, và xấu xa bởi họ mê lầm, và chư Phật và những bậc chứng ngộ tôn quý thì thanh tịnh và tốt lành. Đối với chúng sinh cũng như đối với chư Phật, ta phải có sự tôn kính và biết ơn giống như nhau. Việc thiếu sự xác tín nơi Phật tánh có thể tạo nên một tâm thức tham luyến và thù ghét mạnh mẽ, một sự thiên vị được đặt nền trên những thái độ chẳng hạn như cho rằng chúng sinh thì thấp thỏi và tầm thuờng. Vì thế ta sẽ có sự sân hận đối với chúng sinh; họ trở thành đối tượng của sự sân hận bởi ta xem thường họ, coi họ là những người phiền não bởi những cảm xúc tiêu cực và ô nhiễm, và nghĩ: “Ồ, họ mê muội quá.” Nhưng thực ra mọi người đều bình đẳng như nhau. Tất cả chúng sinh và chư Phật thì như nhau trong bản chất, bởi mọi người đều có Phật tánh.
Mặc dù chúng ta đều như nhau trong bản chất, ta phải tìm kiếm và nương tựa chư Phật và những vị Thầy chứng ngộ để đạt được Phật quả - để tự mình dấn thân vào con đường và đạt được kết quả. Chính Đức Phật đã khám phá và chỉ rõ con đường, vì thế khi thực sự thực hành, vượt qua con đường, ta nương tựa Đức Phật với niềm tin. Tuy nhiên, ta cũng phải nương tựa chúng sinh để đạt được giác ngộ, bởi phương pháp để đạt được giác ngộ là thực hành sáu ba la mật (sáu toàn thiện), và những đối tượng để phát triển những ba la mật này là chúng sinh. Chẳng hạn như, sự trì giới chủ yếu là thực hành bất hại hay bất bạo động, vì thế ta thực hành bất hại với ai, ta cần có ai để thực hành trì giới? Chúng sinh là những người ta cần đến.
Ta từ bỏ việc làm hại chúng sinh. Theo cách đó, nhờ lòng tốt của chúng sinh, ta có thể phát triển sự trì giới. Tương tự như thế, ta phát triển nhẫn nhục với ai? Ta không phát triển nhẫn nhục với Đức Phật, không cần phải nhẫn nhục với Ngài. Ta phải phát triển nhẫn nhục đối với chúng sinh. Thêm nữa, do bởi lòng tốt của chúng sinh mà ta có thể thực hành nhẫn nhục. Những chúng sinh đó là những đối tượng khó khăn nhất, những người sân hận với ta và có thể khiến ta trở nên giận dữ, những kẻ thù vĩ đại của ta, là những người biểu thị cho ta lòng tốt vĩ đại nhất, bởi chính nhờ sự hãm hại của họ mà ta có thể hoàn toàn phát triển sự nhẫn nhục. Đối với sự bố thí, ta thực hành cúng dường chư Phật, nhưng ta cũng thực hành bố thí cho chúng sinh qua việc từ thiện v.v.. Vì thế một lần nữa, khả năng phát triển sự bố thí thì tùy thuộc vào lòng tốt của chúng sinh. Thiền định và trí tuệ là những phẩm tính mà ta phát triển ở trong ta, nhưng mặc dù thế, các điều kiện để ta có thể phát triển chúng thì tùy thuộc vào lòng tốt của chúng sinh. Để phát triển thiền định, ta phải có một hoàn cảnh trong đó ta có thể phát triển sự kiên cố của tâm, sự nhất tâm, và hoàn cảnh đó xảy ra nhờ lòng tốt của những người khác.
Nếu ta muốn đạt được giác ngộ, ta phải thực hành sáu toàn thiện (sáu ba la mật), và các đối tượng của những toàn thiện đó, các đối tượng giúp ta phát triển những toàn thiện đó, là chúng sinh. Đó là lý do vì sao ta thực sự không thể phân biệt giá trị của chư Phật và chúng sinh. Cả hai đều cần thiết cho việc phát triển tâm linh của ta trên con đường.
Ta biết rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, và vì thế có tiềm năng đạt được giác ngộ, nhưng mặc dù như thế, thời gian để chúng sinh đạt được giác ngộ có thể khác biệt rất nhiều. Một số chúng sinh mất một khoảng thời gian rất dài, và những chúng sinh khác có thể đạt được kết quả vô cùng nhanh chóng. Đó là bởi những khác biệt về khả năng (căn cơ) và khuynh hướng của chúng sinh.
Có những loại chúng sinh khác nhau, những “gia đình” khác nhau. Trong khi chắc chắn là cuối cùng thì tất cả chúng sinh đều sẽ đạt được giải thoát, nhưng đạt được vào lúc nào và ra sao thì không xác định được; điều đó tùy thuộc vào mỗi cá nhân riêng biệt. Nếu bạn gieo trồng những hạt giống khác nhau trên mặt đất và nếu hội đủ mọi điều kiện cần thiết thì tất cả những hạt giống đó sẽ kết trái, nhưng thời gian chúng kết thành trái quả thì khác nhau. Như bạn biết, các hạt giống có những phẩm tính khác nhau, vì thế một số sẽ thuần thục rất nhanh chóng, và những hạt giống khác sẽ mất một thời gian rất dài để kết thành quả. Kết quả Phật tánh của chúng sinh thì cũng giống như thế.
Những người căn cơ thấp (hạ căn) thường được coi là thuộc về “gia đình bị đổ vỡ.” Họ không có chút tin tưởng nào ở nghiệp, nhân và quả; họ không có niềm tin ở chư Phật; họ không có lòng từ và bi trong dòng tâm thức; và những khuynh hướng bất thiện của họ vô cùng mạnh mẽ; vì thế những người này sẽ phải cần một khoảng thời gian rất dài mới đạt được giác ngộ. Nhưng điều này không phải là không thể được! Cuối cùng thì họ cũng sẽ đạt được giác ngộ.
Đối với những người thuộc về “gia đình bất định,” họ thực sự phụ thuộc vào hoàn cảnh họ gặp; họ có tiềm năng đi theo cách này hay cách khác. Nếu họ gặp các điều kiện (duyên) khiến họ đi vào Hinayana (Thừa Nguyên thủy), họ trở thành các hành giả của Hinayana. Nếu họ gặp các điều kiện khiến họ đi vào Mahayana (Đại thừa), họ trở thành các hành giả của Đại thừa. Nếu họ gặp các điều kiện hay các vị Thầy tâm linh của một tôn giáo khác, họ sẽ thực hành tôn giáo đó. Vì thế trong trường hợp của họ, chính hoàn cảnh quyết định con đường tu tập.
Những người thuộc các gia đình Thanh Văn và Độc Giác vô cùng phiền não vì những đau khổ của sinh tử và có một cảm thức kinh hãi và khiếp sợ thật dữ dội. Họ không nỗ lực vì lợi lạc của chúng sinh, thay vào đó, họ nỗ lực đạt được giải thoát bằng mọi giá. Họ chỉ toàn tâm để thoát khỏi đau khổ của sinh tử.
Những người thuộc về gia đình Đại thừa gặp các vị Thầy tâm linh của Đại thừa và có những khuynh hướng mạnh mẽ về lòng từ và bi; họ có thể phát khởi Bồ đề tâm. Họ cũng khát khao giải thoát, ước muốn từ bỏ sinh tử, và họ cũng nhận ra rằng không chỉ một mình họ ở trong vòng sinh tử đó mà tất cả chúng sinh đều đau khổ và tất cả chúng sinh đều có tiềm năng đạt được giải thoát. Vì thế những nỗ lực của họ được hướng tới ước muốn làm lợi lạc chúng sinh. Họ không chỉ khát khao hạnh phúc và giác ngộ cho riêng mình mà còn cho tất cả chúng sinh. Những “gia đình” khác nhau này, hay những loại người khác nhau phù hợp với những thiên hướng của họ, có thể được so sánh với những loại trẻ em khác nhau trong một trường học. Mọi trẻ em đều có thể đến trường, nhưng một vài em có thể có những thiên tư hay thiên hướng trội vượt ở một phương diện, và những em khác có thể có các thiên hướng vượt trội ở những phương diện khác, và mặc dù tất cả chúng có thể cùng vào trường học, nhưng chúng có thể tốt nghiệp vào những thời gian khác nhau. Một số sẽ học rất nhanh, và chẳng mấy chốc sẵn sàng tiến lên cấp độ kế tiếp, trong khi những em khác tụt lại phía sau. Điều này thì giống như cách chúng sinh có những thiên hướng khác nhau đến gần con đường giác ngộ một cách khác biệt, và cách họ đạt được Phật quả ở những thời điểm khác nhau.
~ Trích “TU HỌC PHẬT PHÁP”, Khenpo Samdup