Sự Rõ Ràng Tuyệt Đối – Tập 1
Các Phật tử thân hữu đáng mến
Dưới đây là những phần trong tuyển tập các bài giảng: Sự rõ ràng tuyệt đối – Tập 1 của Đức Rinpoche H.E.Kyabje Drukpa Choegon.
Mục lục toàn bộ nội dung cuốn sách được trình bày ngay dưới đây:
I) Hiểu những nền tảng cơ bản của Phật Giáo Tây Tạng a) Về Pháp – Những bài giảng của Đức Phật:
b) Về Kim Cương Thừa – Chân Ngôn Thừa
c) Về các truyền thừa của Kim Cương thừa – các trường phái khác nhau trong Kim Cương thừa
d) Về một số những danh hiệu phổ biến – lời chào trong Mật thừa.
e) Về một vài thuật ngữ phổ biến trong Kim Cương thừa – Bồ Tát, Daka, Dakini và Hộ Pháp.
f) Về Quy y – Cánh cửa dẫn vào Đạo Phật
g) Về Đạo sư – Bậc thầy chỉ dẫn đến các thực hành Kim Cương thừa
h) Về Samaya giới – Những giới nguyện của Kim Cương Thừa:
II) Về các cách hành xử nên giữ - Thái độ đúng đắn trong những hoạt động liên quan đến Pháp
III) Về các cách thực hành Phật Giáo – Lục Độ Ba La Mật a) Bồ Đề Tâm
b) Kỉ Luật/ Đạo đức/ Ý Thức (shila)
___________________________________________________________
Hỏi và Đáp về Pháp cùng Choegon Rinpoche – Phần I
a) Về Pháp – Những bài giảng của Đức Phật:1) Rinpoche, Ngài có thể cho chúng con biết tại sao việc đi theo con đường tâm linh lại thực sự cần thiết? Sinh ra là con người, chúng ta có những năng lượng và tiềm năng rất lớn để đạt được những mục đích của đời mình, dù mục đích đó đúng hay sai. Việc tìm và theo một con đường tâm linh, chúng ta sẽ có thể tận dụng và khám phá hết những khả năng của mình cho bản thân cũng như những người xung quanh ta, và đạt đến sự giải thoát hoàn toàn khỏi luân hồi.
Nếu không có con đường tâm linh, và sự dẫn dắt của một bậc thầy giác ngộ chân chính, chúng ta sẽ bị cuốn mãi vào việc tìm cách đạt được những mục tiêu tầm thường cá nhân, ví như là tài sản, quyền lực, hạnh phúc của cõi nhân gian này, sự nổi tiếng… và sử dụng toàn bộ năng lượng của chúng ta vào những thứ như vậy. Và như thế, chúng ta đánh mất đi cơ hội hiếm hoi để giải thoát hoàn toàn khỏi cái vòng luân hồi của chúng sinh.
2) Rinpoche, vậy Pháp là gì? Cái ý nghĩa thực sự của Pháp thực sự rất sâu sắc. Cái chân cốt tủy của Pháp khó có thể thấu hiểu và diễn đạt hết bằng những lời thường được.
Có hai loại Pháp: Pháp của “Togpa” (Sự tự nhận thức) và Pháp của “Lung” (kinh điển)
Pháp của sự tự nhận thức chính là Pháp tối cao nhất: đó là sự nhận ra rằng Đức Phật, không thể nào chia cắt hoặc phân loại nhất định nào cả.
Pháp của Kinh Điển được chia vào hai nhóm chính: Kinh Điển của Đức Phật và Kinh Điển của các Bậc Học Giả. Những lời vàng hiếm hoi do chính Đức Phật nói ra được gọi là Kinh Phật. Và những lời giải thích, phân tích về Kinh Phật của các vị học giả Phật Giáo được gọi là Luận.
Kinh Phật thực sự rất là rộng và thâm sâu. Ví dụ, sự trống rỗng được Đức Phật miêu tả trong 16 Bộ Kinh Điển, dịch từ tiếng Phạn sang Tiếng Tây Tạng, tối đa khoảng 400 trang mỗi cuốn. Về sau, Nagajruna (ngài Long Thọ) viết vài bộ Luận. Với một người bình thường, mà đi luôn vào Kinh Điển và đọc ngay, để hiểu được một cách sâu sắc các ý nghĩa thực sự khó lắm thay.
Có phải ai cũng có thể viết những bộ Luận được không? KHÔNG! Chỉ có những học giả đã đạt được ba tiêu chuẩn mới có quyền được viết Luận cho các Kinh Điển:
1. Những người có được sự nhận thức bản chất thật sự của trí
2. Những người được gia trì bởi Chư Phật và Chư Bồ Tát
3. Những người có được sự hiểu biết sâu sắc về các lính vực của Giáo Pháp: Tam Tạng, Vi Diệu Pháp, Trung Đạo, Kinh Điển, Luật, Luận.
Thực tế là, những học giả Phật Giáo này được chính Đức Phật tiên tri, như trường hợp của các Ngài Nagarjuna và Asanga. Đức Phật tuyên bố: “Sau khi ta thị hiện niết bàn, những vị thầy vĩ đại Nagarjuna và Asanga sẽ tập hợp và giải thích những lời dậy của ta.
Nói một cách đơn giản hơn, Pháp chính là bất cứ những gì các con làm để diệt hết những cảm xúc xấu và dẫn các con đến hạnh phúc chân thật và những điều tốt đẹp. Đó chính là PHÁP.
b) Về Kim Cương Thừa – Chân Ngôn Thừa1. Thưa ngài Rinpoche, như thế nào là Kim Cương Thừa hay Phật Giáo Tây Tạng? Kim Cương Thừa hay Chân Ngôn Thừa, cách gọi khác là Mật Thừa là một nhánh của Phật Giáo Đại Thừa, được biết tới bởi sự sử dụng những phương pháp thiện xảo của Mật Giáo để theo đuổi con đường đi tới giác ngộ.
Kim Cương Thừa khởi thủy phát triển từ miền Tây Bắc của Ấn Độ vào khoảng 500 năm sau Công Nguyên. Tuy nhiên, sau đó được truyền sang và trải qua quá trình thanh lọc vĩ đại tại Tây Tạng. Đó là lí do tại sao chúng ta vẫn nhắc tới Kim Cương Thừa như là Phật Giáo Tây Tạng.
Phật Giáo hay Đạo Phật bắt đầu truyền tới Tây Tạng vào khoàng thế kỷ thứ Bảy, giai đoạn trị vì của đức vua Songtsen Gampo. Vào thế kỷ thứ Tám thì đạo Phật giữ vai trò ngự trị tại Tây Tạng, lúc đó là thời kỳ của đức vua Trisong Detsen. Hai bậc thượng sư Liên Hoa Sinh và Tịch Hộ đã giúp đức vua kiến lập ra “Pháp” (Tức là giáo pháp của đức Phật) tại Tây Tạng, và các ngài cũng dịch nhiều bài giảng giáo lý sang ngôn ngữ Tây Tạng.
Sau đó, nhiều dòng truyền thừa khác của Đạo Phật cũng được truyền tới Tây Tạng qua nhiều thế kỷ và dần dần phát triển thành Tám phái hay dòng, bởi sự chuyển giao từ người Thầy tới những đệ tử của mình: Tám dòng thực hành chính được coi là “Tám cỗ xe vĩ đại” hay “Tám dòng tu”. Sau đó, qua vài thế kỷ, Phật Giáo tại Tây Tạng chuyển thành bốn phái hay dòng chính, được gọi là “Bốn tông phái chính của Phật Giáo Tây Tạng”.
Phật Giáo Đại Thừa (Mahayana) có hai con đường thực hành chính: Sutrayana (Kinh Thừa) - lấy sự hoàn thiện các phẩm tánh tốt làm phương pháp và Vajrayana (Kim Cương Thừa) - lấy Phật Quả có chủ định là con đường.
Kim Cương Thừa được nhận định như là Thừa (hay là cỗ xe) thứ ba song song bên cạnh 2 Thừa Theravada (Thượng Tọa Bộ, Tiểu Thừa) và Mahayana (Đại Thừa). Cũng theo cách nhìn nhận đó thì có ba lần chuyển bánh xe pháp luân. Trong lần chuyển pháp luân đầu tiên, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã truyền dạy về “Tứ Diệu Đế” (Bốn Chân lý màu nhiệm) tại Varnasi (được biết đến với tên khác là Benares, một thành phố bên bờ Tây sông Hằng ở Uttar Pradesh, Ấn Độ), nhằm hướng tới tông phái Tiểu Thừa hay Cỗ xe nhỏ, trong đó chỉ còn trường phái Theravada (Thượng Tọa Bộ, Nam Tông) lưu truyền đến ngày nay. Trong lần chuyển pháp luân thứ hai, đức Phật truyền dạy “Kinh Bát Nhã” tại đỉnh núi Linh Thứu Sơn, hướng người tu hành tới Đại Thừa. Sự giảng về việc chuyển pháp luân thứ ba được diễn ra tại Shravasti và Ngài cũng dẫn giải chi tiết về việc mọi chúng sinh đều có tự nhiên tồn tại Phật Tánh. Lần chuyển pháp luân thứ ba này được định rõ là việc hướng tới Kim Cương Thừa.
2. Thưa ngài Rinpoche, tại sao người ta nói Kim Cương Thừa chính là sự truyền dạy tối cao của đức Phật? Không phải mọi sự truyền giảng của Đức Phật đều giống nhau sao? Nhìn nhận từ cảnh giới cao quý của sự truyền dạy của Đức Phật, chúng ta không thể nhận giáo huấn qua ai khác, mà phải xem những điều Phật dạy là hơn hết thảy những điều còn lại. Mọi điều ngài truyền thụ đều phải được trân quý ngang bằng nhau, bởi đó đều là những lời giảng dạy của Đức Phật.
Nhưng chính Đức Phật cũng tạo nên những điều khác biệt khi ngài thuyết giảng về các cấp độ, bởi có rất nhiều cấp độ khác nhau. Ví dụ như khi Đức Phật dạy về các mức độ của chân lý tương đối, có thể được coi là các mức độ mang tính tương đối. Tại Tây Tạng, điều này được hiểu là “drang don” hay là ý nghĩa tượng trưng.
Khi Đức Phật giảng dạy về “Thiền định” và “Tính không”, những điều này đều chủ đích nhằm vào bản chất cốt yếu bên trong. Như những phạm trù được gọi là “ngedon”. “Ngedon” là nghĩa chính xác, nghĩa tuyệt đối. Và những nghĩa tuyệt đối này được sử dụng cho những bài thuyết giảng cơ bản cốt yếu. Theo Đức Phật thì những bài thuyết giảng chủ yếu này ở cấp cao hơn và vô cùng cao quý. Chúng ta không thể sử dụng những ngôn từ có tính chất tương đối sử dụng cho những điều cơ bản. Những lời tuyệt đối có tính không thể thay đổi được. Bởi vậy nên có hai phạm trù, “drangdon” là cấp độ tương đối và “nghedon” là cấp độ tuyệt đối.
Kim cương thừa còn được gọi là Quả thừa hay Thừa Quả. Con đường của Thượng Tọa Bộ và Đại Thừa thì còn được gọi là Nhân Thừa, bởi vì về cơ bản phương pháp thực hành dựa trên hạt giống (nhân) để đạt được quả hay sự giác ngộ. Lấy ví dụ như một người cần phải thực hành dựa trên căn nghiệp và quả, gom góp vô lượng công đức và tịnh hóa nghiệp chướng. Và dần dần, người đó có thể tịnh thức được những giá trị tự nhiên trong tâm hồn mình và cuối cùng đạt tới giác ngộ.
Tại sao Vajayana lại được gọi là Thừa Quả? Quả là một thể của giác ngộ như Đức Phật, Dorje Sempa và nhiều Đấng Bản Tôn khác. Trong “tính Không”, chúng ta chuyển đổi thân, khẩu, ý của chúng ta trở thành thân Kim Cương, khẩu Kim Cương và ý Kim Cương. Theo cách đó, đường đi của chúng ta là thực hành dựa trên thành quả giác ngộ của Đức Phật tối thượng ngay tại đây, ngay tại khoảnh khắc này, và đạt được quả. Chính bởi vậy, sự truyền dạy của Đức Phật được xem là tuyệt đối và cao quý.
Không chỉ vậy, trong Kim Cương Thừa còn có nhiều phương pháp khác được truyền dạy bởi Đức Phật như bằng cách nào gom góp công đức, làm thế nào để dễ dàng thanh tẩy hay tịnh hóa được các nghiệp chướng, làm thế nào để vượt qua các chướng ngại, vv… Một số các phương pháp không được truyền dạy hay nhắc tới trong Thượng Tọa Bộ và nhiều bài thuyết giảng khác.
Đặc biệt khi có thể soi thấu bản chất tự nhiên của tâm, thì Kim Cương Thừa sẽ rất chuẩn xác và linh diệu. Với giáo pháp Dzogchen (Đại Toàn Thiện), Mahamudra (Đại Thủ Ấn), Kalachakra (Bánh xe thời gian) và ở nhiều dòng trong Mật giáo khác, một người khi đã tìm thấy sự hướng dẫn thì sẽ chỉ ra đích xác được bản chất tự nhiên của tâm mình.
Đó là tại sao, dù cho nói một cách khắt khe, thì Phật Giáo Kim Cương Thừa vẫn là một cấp độ cao, Kim Cương Thừa thích hợp với những người có khả năng thực hành một cách đúng đắn, bởi Kim Cương Thừa mang tính chất chuẩn xác và rõ ràng. Kim Cương Thừa dành cho những ai đã thực sự sẵn sàng, và cũng dành cho những người đã tích góp công đức để bước vào tu tập.
Rất nhiều các bậc Thành Tựu Giả vĩ đại đã đạt tới giác ngộ trong cuộc đời đáng tôn quý của họ tại Ấn Độ, Tây Tạng hay ở những nơi khác thông qua con đường Kim Cương Thừa. Đó chính là sự khác biệt.
3. Thưa ngài Rinpoche, tại sao trong Kim Cương Thừa lại có rất nhiều nghi lễ, lễ cúng dường và đại lễ cầu nguyện vậy? Phật Giáo Kim Cương Thừa được tạo nên trên nền tảng là sự biến đổi của mọi sự tồn tại bất định. Cách mà Kim Cương Thừa hiểu về thực thể và sự tồn tại là điểm khác biệt giữa Kim Cương Thừa với Đại Thừa và Tiểu Thừa.
Trong Kim Cương Thừa, mọi hiện tượng đều được vãng sanh vào nơi mà người ta gọi là cõi Tịnh Độ hay cảnh giới Phật. Điều đó nói lên rằng, toàn cõi vũ trụ chính là Mạn đà la của đức Bổn tôn; hình dạng của con người, thân người là hình dạng của đức Bổn Tôn; khẩu là thanh âm thần chú; Ý là Pháp thân của đức Bổn Tôn, là tự tính chân thật của đức Bổn Tôn, là Pháp Giới (cõi của Chân lý tuyệt đối). Những điểm trên đã được giới thiệu và truyền thụ qua phương pháp thực hành của Kim Cương Thừa. Lễ nghi, về cơ bản, là sự mô phỏng lại những hiện tượng xung quanh chúng ta như môi trường sống, thân người của chúng ta, thân ngũ uẩn của ta, âm thanh và tinh thần được chuyển đổi thành thể của các vị Bổn Tôn thông qua sự quán tưởng. Điều này được định ra trong hầu hết các nghi quỹ thực hành.
Trong suốt quá trình thực hành, thông qua nghi lễ, trì tụng và âm nhạc sẽ tạo thành vật phẩm cúng dường thiêng liêng cho Mạn Đà La. Trên thực tế, chúng ta thấy các lễ nghi luôn có mặt trong truyền thống Phật Giáo. Dù vậy, sự thực, trong Kim Cương Thừa, các nghi lễ thường diễn ra lâu hơn.
Tuy nhiên, các nghi lễ đó không phải là các nghi lễ bình phàm. Bề ngoài thì cách mà các nghi lễ của Kim Cương thừa khi biểu diễn, có vẻ như không khác so với các nghi lễ khác. Song, khi hiểu thấu thì con sẽ thấy nó hoàn toàn về Thiền định và Tịnh thức. Nó không phải là những nghi lễ đơn thuần chỉ có đọc tụng kinh và cầu nguyện. Nó chất chứa những ý nghĩa sâu xa hơn và bản chất cốt lõi của nó là sự chuyển hóa. Chúng ta thậm chí còn không sử dụng được từ “chuyển hóa” khi chúng ta nhắc tới Thân Kim Cương, Khẩu Kim Cương và Ý Kim Cương. Nó là sự kế thừa lại những nhận thức nguyên sơ: Nguyên thủy là như thế nào thì nó là như thế. Vậy đó là vì sao đó lại là các nghi lễ. Nhưng chúng ta cũng cần thông hiểu những nghi lễ mang ý nghĩa gì và họ đang mô tả những gì.
Và thực sự, đúng như con nói, ở Kim Cương Thừa có nhiều nghi lễ hơn các dòng khác.
4. Thưa ngài Rinpoche, Có thể nào trở thành một hành giả Kim Cương Thừa nhưng lại không muốn tham dự vào những nghi lễ này? Có thể. Con không nhất thiết phải sử dụng âm nhạc và mọi nhạc khí để tiến hành các buổi lễ, như các nghi lễ.
Con có thể trở thành một hành giả theo một cách đơn giản. Bởi thực ra, Kim Cương Thừa có rất nhiều dạng thực hành. Một trong các cách là hãy nhìn sâu vào bản chất chân thực của Tâm và thiền định về nó. Và khi con thấu hiểu sự cốt lõi sâu bên trong, con có thể trở thành một trong những hành giả Mật Tông hàng đầu. Để đạt tới ngưỡng cảnh đó thì một vài người phải có các pháp tu (theo) Bổn Tôn – gọi là “giai đoạn phát triển” và “giai đoạn hoàn thiện”.
“Giai đoạn phát triển” mang ý nghĩa là sự quán tưởng về chư Bản Tôn. “Giai đoạn hoàn thiện” là nghĩa là sự thiện định về tự tính chân thật của tâm. Sự kết hợp “giai đoạn phát triển” và “giai đoạn hoàn thiện” gọi là 2 con đường của Kim Cương Thừa
Tất nhiên, con cũng cần thực hành những cấp độ đầu tiên như phép tu mở đầu Ngondro, được hiểu là bốn pháp tu căn bản. Phương pháp tu tập tịnh hóa nghiệp chướng là vô cùng cốt yếu bởi qua vô số kiếp, chúng ta đã tích lũy vô lượng các nghiệp, và nếu như nghiệp đó không được tịnh hóa thì sẽ gây ra chướng ngại cho sự phát triển con đường của chúng ta.
Con mặc dầu có thể có ít “giai đoạn hoàn thiện” nhưng có nhiều sự thiền định hơn, và cũng có nhiều nghi lễ con không phải thực hành. Milarepa là bậc hành giả yogi không thực hành hết các nghi lễ song Ngài vẫn đạt tới giác ngộ. Không chỉ ngài Milarepa, mà nhiều bậc Thành Tựu Giả khác cũng tìm tới nơi hang động để thiền định. Họ cũng không cần tới mọi những nghi thức này.
Vậy tại sao mọi nghi lễ đều được tiến hành? Có hai dạng thực hành, một là tại các tu viện với sự tập họp đông đảo, tạo nên sức mạnh lớn và có những phương thức trình diễn phức tạp, yếu tố mà phần lớn các nghi lễ yêu cầu. Nghi lễ trở thành phương pháp thực thành chung của tu viện. Ví dụ như phương pháp tu trì Chakra Sambara, chỉ một cá nhân tu tập cách ly với hết thảy trong một hang động, đó là theo phong cách hành giả Mật Tông đơn giản. Hoặc nếu tiến hành trong tu viện theo phần lớn các nghi lễ, chư tăng ni quần tụ trong cùng một buổi lễ, tụng kinh và tạo ra một Mạn Đà La lớn bằng cát. Không chỉ đơn giản như vậy mà là tạo ra một Mạn Đà La thông qua quán tưởng. Đó cũng là cách nghi lễ trở thành một vật phẩm cúng dường vĩ đại, là thời khắc của sự hòa hợp, là khi sự thực hành chung được tiến hành cùng nhau.
Do đó, có hai phương pháp thực hành truyền thống: Một là phương pháp tu tập mang tính chất theo tu viện với việc thực hiện các lễ cúng dường lớn thông qua các nghi lễ, và tu tập cá nhân trong hang động hay trong môi trường cô lập. Và con cũng nên nhận lấy một bổn tôn như là bổn tôn hộ pháp (có bản chất tương ứng với tâm lý trong mỗi hành giả) và thực hành theo Bổn tôn đó, mà con sẽ thiền định được bản chất thực sự của tâm. Đó là điều tốt nhất.
5. Thưa ngài Rinpoche, vậy điều gì là bản chất của Kim Cương Thừa? Bản chất của Kim Cương Thừa chính là điều mà ta đã vừa đề cập tới: Thân ngũ uẩn, Thân Khẩu Ý của chúng ta phải được hoàn thiện chín muồi thông qua việc tu tập, trở thành Thân của Đức Phật, Khẩu của Đức Phật, Tâm của Đức Phật. Điều này đã được nói tới trong phương pháp tu “giai đoạn phát triển”, được bắt đầu bởi sự truyền Quán Đảnh từ một bậc thầy - người đã đạt tới trình độ giác ngộ không gián đoạn từ các dòng truyền thừa và qua quá trình tu tập.
Một trong những căn bản của phương pháp tu tập theo Kim Cương Thừa, đó là chúng ta nhận ra được bản tính chân thật của Tâm như là Đức Phật Nguyên Thủy, qua việc được vạch ra các sự chỉ dẫn.
Dòng Kagyu dựa vào thuyết giảng về pháp tu Đại Thủ Ấn, được nâng lên bởi pháp thực hành “Sáu Pháp Yoga của Naropa” và “Sáu pháp vị bình đẳng”.
Ở dòng Sakya, việc thấu hiểu bản tính chân thực của tâm thông qua sự truyền dạy được gọi là Lamdre (Giáo pháp về đạo và quả), con đường và kết quả. Ở dòng Nyingma, thông qua giáo pháp Dzongchen (Giáo Pháp Đại Toàn Thiện), với “katag” (sự thuần khiết nguyên sơ) được coi là giáo pháp chính và “thogal” (sự biến đổi chuẩn xác) là phương pháp, họ đã tiến tới tỉnh thức được giai đoạn giác ngộ hoàn toàn của Tâm, được biết đến là Samanthabadra, Rangjung Yeshe (tự tính tồn tại của trí tuệ) or Rigpa (sự tỉnh thức tinh túy). Tất cả đều là phương pháp thực hành của Kim Cương Thừa. Về cơ bản là: Hiểu được mình là ai.
c) Về các truyền thừa của Kim Cương thừa – các trường phái khác nhau trong Kim Cương thừa:1) Bạch rinpoche, liệu thầy có thể giải thích tại sao lại có nhiều phái khác nhau trong Kim Cươngthừa? Ở Ấn Độ, có rất nhiều dòng truyền thừa khác nhau, như là dòng truyền thừa của Maitrepa, và Nargajuna, Tilopa, Virupa, … Để gọi là một phái thì hơi quá rộng, tôi nghĩ vậy. Có lẽ chúng ta chỉ nên gọi là dòng truyền thừa thì thích hợp hơn.
Khi chúng ta nói về dòng truyền thừa Kagyu, cơ bản chúng ta đang nhắc đến những người theo các giáo lý của Dorje Chang, truyền từ vị yogi vĩ đại xứ Ấn Độ, ngài Tilopa (988 – 1069), sau đó đến Naropa (1016 – 1100), Marpa (1012 – 1097), Milarepa (1040 – 1123) và Gampopa (1079 – 1153). Đó là thứ được gọi là dòng truyền thừa Kagyu.
Cũng có các giáo huấn truyền từ ngài Dorje Chang đến ngài Virupa (thế kỷ thứ 9), và thông qua các vị đại thành tựu giả, đến ngài Sachen Kunga Nyingpo (1092 – 1158), Lopon Sonam Tsemo (1142 – 1182), Jetsun Dragpa Gyaltsen (1147 – 1216), Sakya Pandita Kunga Gyaltsen (1182 – 1251) và Drogon Phagpa Lodro Gyaltsen (1235 – 1280). Đây là năm vị đạo sư chính của dòng Sakya. Và đó được gọi là dòng truyền thừa Sakya.
Các giáo lý của ngài Palden Atisha (982 – 1054) được truyền xuống ngài Drom Tonpa (1005 – 1064), và từ ngài đến với một chuỗi dài các đạo sư vĩ đại đến ngài Je Tsongkhapa Lobsang Drakpa (1357 – 1419, Đại sư Tông Khách Ba). Dòng truyền thừa thực hành này được gọi là Gelug.
Đạo sư Liên Hoa Sinh, đạo sư vĩ đại người Ấn, đến Tây Tạng ở thế kỷ 8, thành lập dòng truyền thừa Nyingma, cùng với các đạo sư khác, như vua Trisong Detsen (742 – 797), và đức Tu Viện trưởng Shantarakshita.
Nyingma cơ bản có nghĩa là dòng truyền thừa cổ xưa. Kagyu, Sakya, Gelug: ba dòng này là dòng truyền thừa mới, hay là Sarma.
Giai đoạn của các truyền thừa mới, hay trường phái Tân Dịch, bắt đầu từ cuối thế kỷ 9, và đầu thế kỷ 10. Sự dịch thuật từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 9 bao gồm Trường phái Cựu Dịch, trong khi các cái khác được gọi là truyền thống Tân Dịch. Tân Dịch gồm Kagyu, Sakya, và Kadampa. Trường phái cựu dịch liên quan đến dòng Nyingma.
Bất cứ một truyền thừa nào mà trước sự qua đời của đạo sư nổi tiếng người Ấn, ngài Pandita Smrttijnana (thế kỷ 10 và 11), đạo sư của ngài Palden Atisha, được gọi là truyền thống Nyingma. Sự qua đời của ngài Smrttijnana đánh dấu giai đoạn kết thúc của truyền thống Cựu Dịch ở Tây Tạng. Sau đó, truyền thống Tân Dịch – Kagyu, Sakya và Kadampa – được thiết lập.
Cùng thời điểm đó, truyền thống Nyingma về các sự trao truyền (gọi là Kama) bắt đầu suy giảm đáng kể, và trước thể kỷ 15 hay đầu thế kỷ 16, nó đã suy yếu nghiêm trọng. Sau đó đạo sư Palden Atisha đến Tây Tạng, cùng lúc là rất nhiều đạo sư vĩ đại Tây Tạng đến Ấn Độ để nghiên cứu đạo Phật. Sau đó dòng Nyingma được phục hồi và làm mới bằng các giáo lý đến từ các địa điểm khác nhau, đặc biệt là bằng sự phát lộ các Terma, kho tàng các giáo huấn được Guru Rinpoche cất giấu và phát lộ bởi các Terton, hay các nhà phát lộ kho báu. Truyền thống Nyingma trở nên mạnh hơn thông qua sự thực hành các Terma. Một trong các vị đạo sư vĩ đại dòng Mindrolling, được gọi là Minling Terdak Lingpa và Lochen Dharmashri (1654 – 1718), tìm thấy rất nhiều terma, và đem đến một sức sống mới cho truyền thừa Nyingma.
Có rất nhiều truyền thừa khác nhau, nhưng ngày nay người ta gọi chúng là “các phái”. Tuy nhiên, chúng ta không phải là người bộ phái. Kim Cương thừa không thể bộ phái. Không may là, chủ nghĩa bộ phái có vẻ hiện hữu nhiều hơn, đặc biệt trong truyền thống Kim Cương thừa ở nhiều nơi như Đài Loan. Ở Malayxia cũng vậy, có rất nhiều sự bộ phái. Điều này không hề tốt. Chỉ trong các thực hành Kim Cương thừa, chúng ta phải bảo vệ dòng phái nhưng ta nên kính trọng và sẵn sàng nhận các giáo lý quý giá từ các đại sư của các truyền thừa khác. Đó là điều đã xảy ra trước kia ở Ấn Độ, Nepal và Tây tạng. Thậm chí ngày nay, phong trào bất bộ phái vẫn đang diễn ra, nhưng không phải ở Malayxia. Vì thế, nếu bạn gặp một vị đạo sư vĩ đại, một vị thầy chân chính, thì bạn cần sẵn sàng nhận các giáo lý từ ngài, không phụ thuộc vào vấn đề bộ phái. Chủ nghĩa bộ phái không phải là lời dạy của Phật, nó chỉ là Pháp thế gian. Và trên thực tế, không có quá nhiều các truyền thừa, mặc dù thực sự là chúng khác biệt: Kagyu, Nyingma, Sakya và Gelug.
Tại sao lại có các truyền thừa này? Ồ. Không có một dòng truyền thừa, người ta không thể thực hành Kim Cương thừa, bởi vì cần thiết phải có sự gia trì liên tục từ những bậc giác ngộ. Bởi vậy, đó là lý do tại sao có nhiều truyền thừa, và mọi người theo một truyền thừa đặc biệt.
Như thế, người ta có cần phải chỉ ở trong một truyền thừa duy nhất? Không, không cần thiết. Tuy nhiên, có thể sẽ khó khăn để theo nhiều truyền thừa khác nhau cùng lúc. Điều này là bởi ngày nay người ta không uyên bác như vậy. Phần lớn mọi người có rất nhiều lo lắng trong tâm. Nếu người ta không sẵn sàng, việc chuyển từ một truyền thừa này sang một truyền thừa khác, từ một đạo sư này sang đạo sư khác có thể gây ra các vấn đề. Đó là lý do mà một vài vị đạo sư khuyên người ta chỉ nên ở trong một truyền thừa bởi vì có thể họ chưa sẵn sàng hay sẽ bối rối.
Câu hỏi tiếp theo của các con có lẽ sẽ là làm sao chúng ta biết được một vị đạo sư chân chính? Điều này cũng là sự lo lắng của vài vị đạo sư. Đó là lý do mà các ngài bảo con nên ở trong một truyền thừa, bởi vì rất khó cho các con có thể hiểu ai là một vị thầy chân chính. Bởi vậy, người ta có thể không biết hay không tìm thấy một vị thầy chân chính trong một thời gian dài trừ khi họ có căn cơ và chắc chắn. Thậm chí như thế, các dòng truyền thừa khác nhau cũng có những vị đạo sư vĩ đại, bởi vậy người ta nên sẵn sàng nhận các giáo lý từ mọi vị thầy vĩ đại của các truyền thừa khác nhau, không chút bộ phái.
d) Về một số những danh hiệu phổ biến – lời chào trong Mật thừa.
1. Rinpoche, con luôn nghe thấy từ “bậc Giác ngộ” trong Kim Cương thừa. Ý nghĩa thật sự của điều đó là gì ạ? Những bậc Giác ngộ là những bậc Tỉnh thức. Họ là những người đã không còn ở trong phiền não hay thế giới nghiệp quả luân hồi. Họ đã được giác ngộ khỏi thế giới của nghiệp, được tỉnh thức khỏi sự ngủ quên của vô minh.
Vậy làm cách nào để một người có thể đạt được giác ngộ? Khi chúng ta hiểu được bản chất chân thật của tâm như nó vốn có, là Pháp thân, khi đó chúng ta đã tỉnh thức. Khi đó sẽ không có nghiệp chướng, không có phiền não, và chúng ta sẽ lĩnh hội được tất cả mọi thứ xung quanh ta theo đúng bản chất chân thật của chúng, thoát khỏi mọi sự vô minh.
Ví dụ, khi trong nhà chúng ta có những con rắn bằng cao su, chúng ta sống trong sợ hãi vì cứ nghĩ những con rắn đó là thật và có thể cắn mình bất kỳ lúc nào. Nhưng khi ta nhận ra chúng chỉ làm bằng cao su và chúng ta tỉnh giác khỏi sự phiền não đối với những con rắn thật, sự sợ hãi sẽ biến mất. Ta được giải thoát khỏi nỗi lo sợ.
Một ví dụ khác là khi chúng ta khổ sở vì những cơn ác mộng đến trong giấc ngủ. Khi ta thức giấc, mọi giấc mơ biến mất, ta nhận ra những cơn ác mộng khủng khiếp kia chỉ là giấc mộng không có thật.
Đó là một vài ví dụ để giải thích ý nghĩa của việc được tỉnh thức hay còn gọi là giác ngộ. Dù vậy, vẫn có những sự diễn giải rộng lớn và thâm sâu hơn về ý nghĩa của ‘giác ngộ’. Nói một cách đơn giản, bằng sự thiền định và tu tập của mình, ta sẽ trở nên hiểu biết hơn về những thứ bên trong và ở xung quanh mình – tâm hồn và những xúc tình của chúng ta, từ đó ta sẽ có những trải nghiệm về sự hiểu biết rõ ràng đối với bản chất của bệnh tật, bản chất của thế giới, bản chất của nỗi sợ hãi, bản chất của những xúc cảm… Khi ta đã hiểu được bản chất chân thật của chúng, cũng là lúc ta đã được khai sáng, thì mọi thứ sẽ không thể đe dọa hay làm ta sợ hãi nữa. Đó là ý nghĩa của việc trở nên tỉnh thức. Tuy nhiên, từ lúc bắt đầu đến lúc trở nên giác ngộ hoàn toàn, sự tỉnh thức có rất nhiều cấp độ.
2. Xin Rinpoche hãy giải thích cho con biết về sự khác biệt giữa ‘Lama’, ‘Khenpo’, ‘Tulku’ và ‘Rinpoche’? Thực sự con không hiểu những chức danh này có ý nghĩa gì. Tôi thích dùng từ ‘thứ hạng’ hơn là ‘chức danh’. Ý nghĩa nguyên bản của những hạng bậc này có thể hơi khác biệt so với những gì chúng ta hiểu ngày nay.
Nói một cách chính xác, thuật ngữ ‘Lama’ có một nghĩa rất cao. Trong Phật giáo Tây Tạng truyền thống, những người đạt được thành tựu viên mãn cao nhất mới được gọi là những Lama. Đó là lý do tại sao chúng ta gọi những vị ấy là Lama Marpa, Lama Tshongkapa, Lama Longchen Rabjam…
Tuy nhiên, ngày nay ‘Lama’ được dùng ở một số vùng ở Himalaya, để gọi chung những vị sư đã được truyền giới. Cho nên thói quen ngày nay là gọi những vị sư Tây Tạng là Lama.
‘Khenpo’ là những Lama đã toàn tất 9 – 10 năm rèn luyện trong những tự viện Phật giáo hoặc những bậc học cao cấp hơn, nơi mà họ đã được học về triết học Phật giáo ngoài các môn mở đầu cơ bản khác. Sau ba năm làm giảng sư ở những tự viện này hoặc những bậc cao cấp hơn, họ được mang chức danh Khenpo. Chức danh này tương đương với bậc Tiến sĩ trong hệ thống giáo dục hiện đại. Tuy nhiên, những điều kiện để đạt được chức danh Khenpo có thể có sự khác biệt giữa bốn tông phái ở Tây Tạng.
‘Tulku’ về cơ bản có nghĩa là những Lama tái sinh. Thời cổ xưa, những Lama tái sinh được kiểm tra rất nghiêm cẩn, được xác minh chính xác và hoàn toàn được thừa nhận. Không giống như những Tulku tự thừa nhận hoặc những Tulku được xác nhận trong dòng họ, những Tulku xác thực thường rất ít. Ngày nay có quá nhiều Tulku, và điều đó đã ít nhiều gây tranh cãi trong Kim Cương thừa. Những gì tôi đang nói đây không phải là mới; đó là sự thật, và tôi không có ý định làm ai phật lòng. Đó là lý do tại sao đối với những hành giả Kim Cương thừa, điều quan trọng là phải tìm hiểu một cách chính xác về quá trình tu tập của mỗi vị Tulku, dòng truyền thừa mà Ngài nắm giữ, những bậc thầy mà Ngài đã từng học hỏi, những tri thức uyên bác mà Ngài từng được nhận, và nhiều điều suy xét khác.
‘Rinpoche’ nghĩa là những bậc tôn quý. Họ ở vị trí cao hơn cả những Lama chuyển thế, do vậy họ được coi là vô cùng tôn quý. Vì nằm trong một số ít Tulku nên cũng không có nhiều Rinpoche. Khi những Tulku trưởng thành hoặc đã hoàn tất nhiều phần tu tập, người ta sẽ gọi Ngài là Rinpoche. Hoặc theo truyền thống, một Lama ở vị trí rất cao có nhiều đóng góp cho dòng truyền thừa, cho tu viện hoặc những người nắm giữ dòng truyền thừa, thì cũng gọi là Rinpoche. Nhiều Tulku và Khenpo tự nhận mình là bậc Rinpoche, điều đó thật là đáng tiếc.
Nói một cách ngắn gọn, Lama là những vị sư bình thường đã thọ giới. Khenpo là những Lama đã được tu học. Tulku là những Lama đã tái sinh. Rinpoche là những bậc tôn quý.
Một tự viện thì thường có một hoặc hai Rinpoche – mà thông thường là một – và từ ba đến bốn Tulku. Những tự viện lớn hơn có thể có ba đến bốn Rinpoche, sáu đến bảy Tulku và chín đến mười Khenpo. Những viện lớn hơn nữa hoặc ở bậc cao cấp hơn có thể có đến hai mươi Khenpo.
Tulku và Rinpoche có liên quan nhiều hơn đến truyền thống Mật thừa. Khenpo được áp dụng nhiều hơn để chỉ những người đạt được trình độ chuyên môn về Phật học trong đời này.
e) Về một vài thuật ngữ phổ biến trong Kim Cương thừa – Bồ Tát, Daka, Dakini và Hộ Pháp.1. Rinpoche. Điểm khác biệt giữa Bồ Tát, Daka/Dakini và Hộ Pháp là gì ạ? Chư vị Bồ Tát là những người thực hành Bồ Đề tâm, và đã phát triển nó. Một vị Bồ Tát bình thường chưa đạt đến Bồ đề tâm tối thượng, các ngài là những vị Bồ tát tương đối. Các vị Bồ tát tuyệt đối là những người đã nhận ra Bồ đề tâm tối thượng và vì vậy đã đạt đến bất kỳ cấp nào của thập địa, hay các cấp độ tâm linh. Đây là những vị Bồ tát thật sự. Để trở thành một vị Bồ tát thật sự, con cần nhận ra Bồ đề tâm tối thượng.
Daka (Không hành) là nam và Dakini (Không hành nữ) là nữ hành giả Kim Cương thừa. Daka là những nam chúng sinh cao hơn, và Dakini là nữ chúng sinh cao hơn, cao hơn ở đây là về sự giác ngộ và bởi vậy, các ngài không phải là những chúng sinh bình phàm.
Hơn thế nữa, Daka tương đương với một vị nam thần (deva) hay thần, và Dakini tương đương với một nữ thần (devi). Trong Kinh thừa, chúng ta nói về các vị Bồ tát, trong khi đó các vị nam thần là Bồ Tát theo Kim Cương thừa. Các ngài có cùng một mức độ chứng ngộ. Mọi vị nam thần đều là daka và nữ thần đều là dakini hay devi.
Ở cấp độ cao các vị Hộ Pháp giống như là Mahakala. Các vị Hộ Pháp bình thường là những người có rất nhiều sức mạnh, và sau khi Guru Rinpoche (đức Liên Hoa Sinh) và rất nhiều vị đạo sư vĩ đại dạy họ về Bồ Đề tâm và các giáo huấn Kim Cương thừa, họ sử dụng sức mạnh này để bảo vệ các ngôi chùa, giáo lý Kim Cương thừa và giúp đỡ các hành giả Phật Pháp. Họ được gọi là Hộ Pháp và họ bảo vệ những hành giả và các ngôi chùa.
2. Rinpoche. Tại sao lại có rất nhiều Bồ Tát và Hộ Pháp khác nhau trong Kim Cương thừa? Có rất rất nhiều các vị Bồ Tát; các ngài là vô số. Con có thể trở thành một vị Bồ Tát thông qua việc thực hành Pháp và nhận ra bản tánh chân thực của tâm, ở thời điểm đó con đạt đến địa đầu tiên. Cũng ở thời điểm đó, con thực sự trở thành một vị Bồ Tát. Có vô số người sẽ giác ngộ, bởi vậy có vô số các vị Bồ Tát.
Các vị Bồ Tát nổi tiếng như là ngài Văn Thù Sư Lợi và ngài Quan Âm là các đệ tử của đức Phật và đã đạt đến chứng ngộ cao.
Một vài vị Bồ Tát thị hiện dưới hình tướng Hộ Pháp. Trong trường hợp đó, các ngài sẽ là các vị Hộ Pháp cao cấp hơn. Bởi vậy, cũng có vô số các vị Hộ Pháp.
Cũng có rất nhiều các vị Hộ Pháp bình thường bởi vì có rất nhiều chúng sinh có sức mạnh lớn lao, đã được chế ngự và trói buộc thông qua các lời thề sẽ là một vị bảo vệ. Đôi khi thậm chí các tinh linh và ma quỷ xấu xa, đã được khuất phục bởi Guru Rinpoche, đã từ bỏ những việc làm xấu xa, và trở thành một vị Bồ tát. Họ phát triển Bồ đề tâm, nhưng họ vẫn sở hữu một sức mạnh ghê gớm, bởi vậy họ là những vị Hộ Pháp. Họ giống chúng ta nhưng điểm khác biệt là, họ có sức mạnh. Họ có sức mạnh và khả năng bảo vệ. Họ được chế ngự và cho cái tên Hộ Pháp; họ làm công việc bảo vệ chùa chiền và Pháp.
3. Rinpoche. Con nhìn thấy một vài bức tượng/thanka của các vị bổn tôn và Hộ Pháp trông rất phẫn nộ. Tại sai các ngài lại ở trong hình tướng như vậy? Các vị bổn tôn an bình là để tịnh hóa. Các vị trong màu vàng là để tăng ích. Các vị hấp dẫn thì phẫn nộ hơn một chút; các ngài có màu đỏ. Các vị phẫn nộ tôn là các bậc tiêu trừ các thế lực xấu, xua tan chướng ngại; các ngài có màu đen hay xanh dương.
Phật và Bồ Tát thị hiện trong rất nhiều hình tướng để giúp đỡ chúng hữu tình. Sự thị hiện này biểu tượng cho sức mạnh và sự giác ngộ bên trong. Sự tức giận của các ngài không phải là tâm sân thông thường của chúng ta, mà đó là sức mạnh của Phật.
Một ví dụ là ngài Kim Cương Thủ, biểu tượng cho sức mạnh không thể bị phá hủy hay ảnh hưởng bởi mọi vật.
Trên con đường đi đến giác ngộ của chúng ta, chúng ta có thể gặp vô vàn thử thách, bởi vậy sự thị hiện như là ngài Kim Cương Thủ, là biểu tượng cho sức mạnh của chư Phật. Khi chúng ta thực hành về ngài, chúng ta sẽ không bị ảnh hưởng, bị lôi cuốn và khuất phục bởi các chướng ngại. Các hình tướng phẫn nộ chỉ là vẻ bề ngoài, nhưng đó là sự thị hiện của sức mạnh bên trong của chư Phật. Các ngài không phải là các hình tướng bình thường.
Bởi vậy bằng cách thực hành các bổn tôn phẫn nộ, chúng ta không thực hành sự sân hận, mà thực ra là Bồ Đề tâm. Đặc biệt, nếu chúng ta sân hận và thù ghét, và chúng ta thực hành các bổn tôn phẫn nộ, sự sân hận của chúng ta sẽ hoàn toàn bị phá hủy.
Nó giống như nguyên tắc của các thứ thuốc vi lượng đồng căn, (tiếng anh là ‘similia similibus curentur’, đưa ra cách thức để chữa trị bệnh. Người ta tin rằng các chất tạo ra các triệu chứng tương tự với một căn bệnh cho trước sẽ được sử dụng để chữa trị căn bệnh đó. Ví dụ, nếu bạn bị bệnh đái tháo đường, người ta sẽ cho bạn thứ gì đó ngọt; nếu bạn bị độc, người ta sẽ lấy độc trị độc.
Trong thực hành Kim Cương thừa, khi sân hận nổi lên, bạn không thể xóa bỏ nó nhưng bạn có thể nhìn thẳng vào sân hận. Bằng cách này, cuối cùng sân hận sẽ biến mất. Nếu không có sân hận, liệu rằng sân hận có thể được giải phóng? Sẽ chẳng có điều gì để giải phóng cả.
Bởi vậy, khi cơn giận nổi lên, nó sẽ giải phóng vào một tấm gương như là trí tuệ. Có năm trí tuệ là khía cạnh giác ngộ của năm cảm xúc. Khi có năm cảm xúc, sẽ có điều gì đó để giải phóng. Điều này không có nghĩa chúng ta cần các cảm xúc để giác ngộ. Nhưng các cảm xúc trong luân hồi chỉ là ảo mộng. Khi chúng ta thấy bản tánh chân thực của chúng, chúng ta hiểu rằng đó là hình tướng giác ngộ. Khi chúng ta không nhận ra nó, nó là một hình tướng xấu. Nó chỉ là một thứ mà thôi.
Chúng ta có thể nhìn vào nó theo hai cách: giận dữ như là sự sân hận bình thường và sự giận dữ trong hình tướng bổn tôn. Nếu là trong hình tướng bổn tôn, thì đó là hình tướng của một bậc giác ngộ; còn sân hận bình thường thì là ma. Thực ra, ma và bổn tôn cũng chỉ là các khía cạnh khác nhau. Nếu con nhận ra, đó là bổn tôn. Nếu không, đó là ma. Nếu con nhận ra, đó là Niết bàn; nếu không, đó là luân hồi. Nếu con nhận ra, nó là chiếc gương trí tuệ; nếu không nó là sự sân hận.
4. Rinpoche. Cũng có rất nhiều các vị Bồ Tát được nhìn thấy trong hình tướng hợp nhất. Vậy ý nghĩa đúng đắn của một vị phối ngẫu là gì, và do đâu các ngài xuất hiện như vậy? Sự hợp nhất biểu tượng cho từ bi và trí tuệ, phương tiện và trí tuệ, “Thab” và “Sherab” trong tiếng tạng. Chúng là những biểu tượng bên trong của hình tướng giác ngộ. Vào thời kỳ trước đây, các thanka hay các bức tranh không được làm nhiều. Dù hình tướng nào mà các vị bổn tôn có, cũng chỉ trong sự thực hành quán tưởng. Chúng là các biểu tượng, biểu tượng hoàn toàn. Các biểu tượng bên trong không thể hiện hữu trong các bức tranh vẽ; may mắn lắm, chúng chỉ có thể được vẽ lại.
Ngày nay, các bức thanka trở thành nghệ thuật. Chúng được thấy ở khắp nơi; treo trên tường. Chúng trở thành như một sự phóng túng, và điều này hoàn toàn sai lầm. Thangka không phải được làm để trưng bày, mà để giấu kín. Chúng phải rất hiếm, và các bức tượng về sự hợp nhất thậm chí càng hiếm hơn. Chúng biểu tượng cho bản chất bên trong, các thực hành bên trong của Kim Cương thừa.
Nhưng ngày nay, khi chúng ta nhìn quanh, các bức thangka có ở khắp nơi, trên các bức tường, bán với giá vài đô la. Như thế, chúng sẽ bị hiểu sai.
Ý nghĩa thực tế của các bức thanka và tượng là vô cùng sâu sắc và rộng lớn. Nó biểu tượng cho trí tuệ và lòng từ bi bên trong. Bạn phải hiểu khái niệm hoàn toàn của con đường Kim Cương thừa, phần về tâm, về năng lượng, về quán tưởng. Chúng là các biểu tượng của sự sáng suốt bên trong, mà cực kỳ rộng lớn.
Trong chương ngắn này, thật khó để hiểu thấu đáo ý nghĩa thực sự. Nó cần một sự giải thích tỉ mỉ và chi tiết. Phương tiện và Trí tuệ, Hỉ lạc và Tánh không, chúng là những thuật ngữ cho các biểu tượng. Phần âm là tánh không – trí tuệ - và phần dương là hình tướng – sự xuất hiện; sự hợp nhất của chúng là sự hiển bày và tánh không hợp nhất bất khả phân. Hình tướng là tánh không, tánh không là hình tướng, hình tướng không gì khác ngoài tánh không, tánh không không gì khác ngoài hình tướng. Hình tướng và tánh không được đại diện bởi deva và devi. Các ngài không thể tách rời, đó là sự hợp nhất. Đó là thứ mà chúng tượng trưng cho.
f) Về Quy y – Cánh cửa dẫn vào Đạo Phật1. Trong hầu hết những “sự kiện” Kim Cương thừa mà con đã từng tham dự đều có lễ Quy y. Xin Rinpoche hãy giải thích thế nào là bản chất của việc quy y?Tôi không nghĩ rằng tất cả những pháp hội Kim Cương thừa đều có Lễ quy y, nhưng những bậc thầy sẽ cho con nơi nương tựa (quy y) trước khi quán đỉnh. Việc quy y, phát Bồ đề tâm và quán tưởng giống như là “ba cỗ xe” được hoàn thành trong mỗi lần hành trì Kim Cương thừa.
Quy y là khía cạnh Tiểu thừa, Bồ đề tâm là Đại thừa, còn quán tưởng và thiền định là những khía cạnh thuộc về Kim Cương thừa.
Việc thực hành Kim Cương thừa luôn luôn bao gồm những thừa khác, vì vậy trong nó phải có những yếu tố của Tiểu thừa và Đại thừa. Quy y là nền tảng cơ bản, giống như là cái móng, còn Bồ đề tâm giống như ngôi nhà, và việc quán tưởng những vị thần bản tôn của Kim Cương thừa giống như sự sống trong ngôi nhà đó. Đó chính là Tam thừa. Quy y và Bồ đề tâm luôn đi cùng nhau trong những khía cạnh này.
Nhưng về phần Lễ quy y, nó chỉ nên được tiến hành khi một người nào đó muốn tìm kiếm nơi nương tựa dưới một vị thầy đặc biệt. Nếu không thì, người đó chỉ là đọc theo vị thầy trong phần nghi thức quy y và phát Bồ đề tâm như là một phần của sự hành trì hoặc là yêu cầu trong suốt lễ quán đỉnh.
Nếu không có phần quy y và phát Bồ đề tâm, thì không thể thực hành Kim Cương thừa. Quy y là cánh cửa dẫn vào Phật pháp. Nếu con không nương tựa nơi Phật, Pháp, Tăng, tức là con vẫn chưa hiến dâng bản thân mình cho việc thực hành những lời Phật dạy, con vẫn chưa mở cửa trái tim con đối với Tam Bảo. Vì thế sẽ không có cách nào để thực hành Phật pháp. Đó là lý do tại sao cần phải Quy y.
Việc phát Bồ đề tâm được bao gồm trong đó bởi chúng ta không thể làm được mọi thứ chỉ cho chính mình, mà chúng ta luôn phải gắn kết với những người khác, làm lợi ích cho những người khác. Đó là việc thực hành Bồ đề tâm.
Cuối cùng, việc hiểu và chuyển hóa mọi điều xung quanh chúng ta, thân, khẩu và ý thông qua việc luyện tập để hiểu rõ bản chất như Pháp thân chính là sự thực hành Kim Cương thừa.
2. Con có nghe một số vị thầy nói rằng việc quy y chỉ được thực hiện một lần trong mỗi đời người. Nhưng con đã thấy nhiều người từng quy y nhiều lần với nhiều Rinpoche khác nhau. Một số người nói rằng việc quy y đó là để tạo nên “sự kết nối” với Rinpoche, để họ có cơ duyên được gặp gỡ Ngài trong tương lai hoặc ở đời sau.Đúng là như vậy! Con có thể quy y nếu như con cảm thấy có sự chí thành đặc biệt đối với một bậc thầy đặc biệt, cho dù con đã quy y trước đó. Thật sự là con đang nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng. Bậc thầy chỉ là người cho con sự nương tựa đó.
Vì vậy, nếu con cảm thấy có một cảm giác đặc biệt hoặc sự chí thành đặc biệt đối với một bậc thầy khác, con có thể lại quy y Ngài, nhưng không phải với ý thức rằng con chưa bao giờ nhận được nơi nương tựa. Con đã có điều đó rồi. Và bây giờ con được nhận lại một lần nữa. Điều đó có nghĩa là con thể quy y không chỉ một lần, và nhận được sự gia trì không chỉ một lần, và từ nhiều bậc thầy. Con đọc lời nguyện quy y ba lần, và con sẽ nhận được sự ban phước của những bậc thầy đó.
Giống như việc con có thể nhận quán đỉnh nhiều lần, con cũng có thể nhận được chỗ nương tựa và Bồ đề tâm nguyện nhiều lần. Điều đó không có nghĩa là khi con nhận, tức là con đã có Bồ đề tâm. Vậy Bồ đề tâm của chúng ta ở đâu? Bồ đề tâm không thể cho hoặc nhận. Điều đó chỉ có thể có được bằng cách tu tập. Càng nhận được nhiều, thì sự gia trì càng lớn.
Nhưng, điều đó không có nghĩa là con có thể quy y mọi nơi, với bất kỳ người nào, vì có những giới mà ta cần phải giữ. Đó là vị đạo sư trở thành thầy của con, con phải cung kính Ngài, và phải làm theo Ngài. Đó là lý do tại sao con không thể quy y mọi vị thầy mà con gặp, nhưng cũng không phải chỉ một lần, như ta đã nói. Con phải hiểu, con phải làm theo và con phải lắng nghe trái tim con. Con cần phải biết điều đó.
g) Về Đạo sư – Bậc thầy chỉ dẫn đến các thực hành Kim Cương thừa
1. Rinpoche. Con thường nghe mọi người nói về vị thầy gốc của họ. Vậy ý nghĩa thực sự của vị thầy gốc là gì? Một người bạn của con nói rằng vị thầy gốc là vị đạo sư của bạn trong kiếp trước, điều này có đúng không ạ? Đạo sư gốc nghĩa là người mà trao cho con những chỉ dẫn về bản tánh thực sự của tâm, vì thế đánh thức con và chỉ dẫn con đến sự giác ngộ. Đó là đạo sư gốc của con. Ngài là người mà khơi mở trái tim con, nhờ đó con đạt đến giác ngộ.
Nhưng điều này không có nghĩa là chỉ đến khi giác ngộ, con mới có một vị thầy gốc. Đạo sư ban cho con các quán đảnh, khẩu truyền về việc thực hành là một bậc thầy quan trọng của con. Các quán đảnh làm chín muồi thân, khẩu và ý của con; thông qua các chỉ dẫn khẩu truyền, con hiểu về tâm như khi con thiền định về bản tánh chân thực của tâm; các sự trao truyền mang đến sự gia trì. Đạo sư mà trao cho con ba điều này cũng có thể gọi là một bậc thầy gốc đáng kính của con.
Vâng, đôi khi vị thầy gốc liên quan đến con trong rất nhiều đời quá khứ. Tuy nhiên, điều này không nhất thiết là như vậy bởi vì hoàn toàn có thể đây là lần đầu tiên con thực hành Kim Cương thừa.
Đạo sư mà con quy y cũng là thầy của con, nhưng không phải vị thầy gốc. Quy y là nền tảng của đạo Phật. Bậc thầy này cũng có thể gọi là thầy bổn sư (theo nghĩa hiểu tiếng việt). Ngài từ bi bởi vì ngài đưa con đến đạo Phật và mang con đến với con đường tu tập; ngài mở ra cánh cửa thực hành Pháp cho con.
Vị thầy gốc là người kết nối với các thực hành Kim Cương thừa của con, đặc biệt là các thực hành về bản tánh chân thực của tâm. Đó là người mà chúng ta gọi là vị thầy gốc.
2. Rinpoche. Liệu người ta có thể có nhiều hơn một vị thầy gốc?Tôi muốn nói rằng nếu con nhận hay mong muốn nhận các giáo huấn khẩu truyền từ nhiều vị đạo sư, thì nhiều vị đạo sư cũng sẽ trở thành vị thầy gốc của con.
Vị thầy gốc của tôi là ngài Khamtrul Rinpoche, ngài Dilgo Khyentse Rinpoche cũng là thầy gốc của tôi, và ngài Adeu Rinpoche cũng vậy. Các đạo sư này ban cho tôi rất nhiều giáo huấn khẩu truyền, các quán đảnh, và sự thiền định chỉ ra các chỉ dẫn rằng các ngài đều là bậc thầy gốc của tôi. Vì thế nếu mọi người nhận các giáo huấn khẩu truyền từ rất nhiều bậc đạo sư, họ cũng có thể có nhiều vị thầy gốc.
Nhưng khi con đạt đến giác ngộ, mặc dù con có thể có nhiều vị thầy quan trọng, con sẽ coi chỉ một trong số các ngài là vị thầy gốc của con. Điều này là bởi con không giác ngộ nhiều lần. Con chỉ đạt giác ngộ một lần duy nhất. Bởi vậy, về cơ bản, khi con đạt đến giác ngộ, con sẽ chỉ có một vị thầy gốc, người mà đưa con đến giác ngộ.
Dĩ nhiên cho đến khi con đến giác ngộ, con có thể có nhiều vị thầy gốc. Không có vấn đề gì cả. Nếu con chỉ phụ thuộc vào một ngài, có thể vị thầy gốc theo nghiệp lực lại là người khác. Nhưng đừng đi đến tất cả mọi người và bất kỳ ai. Trước đây con đã hỏi tại sao lại có nhiều truyền thừa hay nhánh nhỏ như vậy. Bởi vậy chỉ thêm một lần nữa, trước khi con nhận các khẩu truyền, con phải tìm một dòng truyền thừa thích hợp cho con, đạo sư, người đã thiền định, có một dòng truyền thừa, từ bi, người có thể chỉ dẫn con. Như thế con có thể đến với ngài.
Nhưng đừng đến chỉ vì ngài là một lama cao cấp hay có rất nhiều danh hiệu, hoặc ngài có rất nhiều đệ tử, hay chỉ vì ngài rất thành công. Điều này chẳng giúp ích gì. Tại sao vậy? Bởi vì con có thể không nhận được các giáo huấn từ ngài, hoặc có thể không không đối xử với con như là tâm tử của ngài. Một vài bậc đạo sư giác ngộ hoàn toàn có khả năng nhặt một bông hoa từ bùn, bởi vậy, có thể nói, là nhận ra đệ tử xuất chúng từ trong đám đông. Trong trường hợp đó, không có vấn đề gì. Nếu không, rất nhiều người sẽ khổ đau. Họ chỉ đến bởi vì đạo sư có nhiều đệ tử hay là rất nổi tiếng. Khi người ta không thể kết nối, người ta sẽ đau khổ. Người ta than phiền rằng, “Tôi chẳng có cơ hội để đảnh lễ ngài, thật là khó, tôi không thể thấy ngài.” Như thế, sẽ là quá muộn.
Một vài đạo sư như ngài Dilgo Khyentse Rinpoche thực sự có khả năng. Ngài có thể chọn ra từ trong số các vị tăng một người xuất chúng và trao cho những chỉ dạy quan trọng. Sau đó người đó sẽ trở thành một yogi vĩ đại.
Trong dòng truyền thừa của chúng ta, Shakya Shri là một người chăm sóc các con ngựa của tu viện. Ngài Khamtrul đời thứ 6, Tenpai Nyingma (1849 – 1907) nói rằng, “Đừng đối xử với ông ấy như là đống phân bò! Một ngày tất cả sẽ cần nhận được sự gia trì từ ông ấy. Ông ấy sẽ giống như Dorje Chang.”
Ngài Khamtrul Rinpoche nói điều này về Shakya Shri, một con người bình thường, người chịu trách nhiệm về các con ngựa. Ngài chỉ dẫn cho ông ấy, và sau đó Shakya Shri trở thành một trong các bậc yogi chứng ngộ cao và vĩ đại nhất trong lịch sử Tây Tạng. Trong đời trước, ngài người chăn cừu, chăm sóc lũ bò, cừu và ngựa. Khi ở tuổi 20, ngài bắt đầu thực hành, và trở thành một bậc yogi chứng ngộ vĩ đại nhất về Dzogchen (Đại toàn thiện) và Mahamudra (Đại thủ ấn), được kính trọng bởi ngài Jamyang Khyentse Wangpo, Jamgon Khongtrul và mọi đạo sư vĩ đại khác. Ngài nhận các chỉ dạy trực tiếp từ Milarepa. Đó là một kiểu đạo sư vô cùng hiếm.
Bởi vậy, con cần tìm một đạo sư chân chính. Không phải chỉ tìm đây đó.
3. Rinpoche. Làm sao chúng con có thể tìm thấy một vị thầy gốc?Lòng từ bi và Truyền thừa là khía cạnh quan trọng nhất để tìm kiếm một vị thầy gốc – lòng từ bi của ngài, những kết nối và sự hiểu biết về bạn của ngài. Điều quan trọng là ngài có thể ban các chỉ dẫn, có một dòng truyền thừa, và có những kinh nghiệm thiền định. Nếu ai đó có điều này, thì bạn có thể học theo và thực hành.
4. Rinpoche. Tại sao Kim Cương thừa nhấn mạnh rất nhiều vào thầy hay đạo sư của ai đó? Chẳng phải đức Phật đã dạy rằng người ta nên theo các giáo lý của ngài chứ đừng theo một người đặc biệt?Không hẳn vậy. Đức Phật không bao giờ nói không theo một người đặc biệt. Trên thực tế, ngài dạy rằng người ta nên theo sát một bậc “gewe shenyen”, một đạo sư mà ban cho con các giáo huấn. Thông qua vị đạo sư, con sẽ hiểu về ý nghĩ tuyệt đối của các giáo huấn, đặc biệt về Kim Cương thừa, Mật thừa và Kinh thừa. Trong truyền thống Theravada điều này được ít nhấn mạnh hơn, nhưng vẫn quan trọng. Khi con đến với Đại thừa, điều này trở nên quan trọng hơn. Và, khi con bước vào Kim Cương thừa, điều này rất rất quan trọng.
Tại sao vậy? Bởi vì trong Kim Cương thừa, đạo sư phải là một bậc giác ngộ và có rất nhiều kinh nghiệm để chỉ dẫn con. Thông qua các chỉ dẫn, chúng ta có thể thực hành. Đặc biệt trong Kim Cương thừa, đạo sư rất quan trọng bởi vì rất nhiều kinh nghiệm Mahamudra và Dzogchen khởi lên thông qua sự gia trì của ngài – năng lượng chuyển hóa của lực gia trì. Đó là lý do tại sao mà vị đạo sư rất quan trọng.
Nhưng nếu con chỉ thực hành về Kinh thừa nói chung, có thể điều này không quan trọng như trong Kim cương thừa. Trong Kim Cương thừa, nó quan trọng là bởi vì sự gia trì cần đến từ một dòng truyền thừa thanh tịnh, không gián đoạn và từ một bậc thầy giác ngộ của dòng truyền thừa. Vì thế, đạo sư không nên được đối xử như một người bình thường, mà nên như một bậc giác ngộ.
5. Rinpoche. Cho phép chúng con nói rằng con đã tham gia vào một Pháp hội, một cuộc nhập thất, hay nhận các quán đảnh từ một rinpoche, liệu con có thể coi ngài như là thầy của con?Bằng cách tham gia các Pháp hội của một vị đạo sư, hay thực hành nhập thất dưới sự chỉ dạy của ngài, con có thể coi đó là vị thầy của con, mặc dù điều này không có nghĩa ngài là vị thầy gốc của con.
Trong trường hợp một quán đảnh, chúng ta cần xem kiểu trao truyền nào được ban ra. Nếu đó là một lễ cho phép thực hành (Je nang), đạo sư sẽ trở thành một bậc thầy quan trọng của con. Tuy nhiên, nếu ngài ban quán đảnh về Anuttara tantra cao cấp nhất, bao gồm quán đảnh thứ ba mà ở đó trí tuệ về các ví dụ được phô diễn, và quán đảnh thứ tư mà ở đó trí tuệ tuyệt đối được phát lộ, và ngài ban cho con các chỉ dẫn về thực hành, sự gia trì, con có thể coi ngài là một trong các vị thầy chính hay vị thầy gốc từ bi.
h) Về Samaya giới – Những giới nguyện của Kim Cương Thừa:
1. Con nhớ một vị Thầy từng dạy rằng: “Kim Cương Thừa rất nhanh nhưng cũng rất nguy hiểm”. Lúc đó con không hỏi rõ Ngài được. Vậy xin Rinpoche vui lòng giải thích lý do tại sao Ngài lại dạy như vậy?Kim Cương Thừa nhanh là vì hầu như chẳng có lúc nào con liên hệ với chúng sinh nhưng con lại đang kết nối với các bậc chí tôn toàn giác trong hình tướng Thượng sư, với sự gia trì từ một dòng truyền thừa tinh túy không gián đoạn.
Vị Thượng sư ban cho con quán đỉnh, hay nói cách khác là sự trao truyền mạnh mẽ các nguồn gia trì và các giáo huấn. Đó là sự quán đỉnh trực tiếp và quý báu. Nhưng con cũng cần phải chuyên tâm tu tập và trì giữ samaya giới. Nếu thiếu tôn trọng và phá vỡ các samaya giới, tất nhiên con sẽ kiến tạo vô số nghiệp bất thiện, đặc biệt là khi con ruồng bỏ Thượng sư, hủy báng Phật Pháp và tăng đoàn. Thượng sư là người truyền cho con những giáo lý quý báu, thậm chí còn quý hơn cả linh hồn của mình. Cho nên, việc phá vỡ samaya sẽ tạo nên những nghiệp chướng rất nặng.
Kim Cương Thừa là thế. Kim cương thừa có các nguồn gia trì, đó là con đường nhanh, con đường có tốc độ, nhưng con phải được đào tạo và cần phải chú ý đảm bảo đi đúng hướng. Nếu không con sẽ tự gây nghiệp cho mình. Ta nghĩ đó là điều mà vị thầy con muốn nói.
2. Mỗi khi chúng con dự quán đảnh Kim cương thừa, Thượng sư luôn đề cập đến “samaya”. Xin Rinpoche làm rõ hơn về điều này?Samaya ở đây có nghĩa là trong mỗi quán đỉnh sẽ có nhiều điều để thực hành, những điều nên và không nên làm. Nếu con vâng theo những giáo huấn này, sự gia trì sẽ không ngừng, không gián đoạn. Mỗi khi thực hành, con sẽ cảm nhận được sự gia trì và tinh tấn đang tăng trưởng.
Nhưng nếu không duy trì thực hành, sự gia trì sẽ biến mất, con sẽ không đạt được tinh tấn cũng như thấy được bản tánh chân thật của tâm. Trì giữ samaya giới cũng cần thiết như phải làm bài tập về nhà vậy. Mọi Pháp tu đều có samaya giới. Tiểu thừa gọi là giới nguyện. Đại thừa là giữ giới. Việc giữ gìn giới nguyện của Kim Cương Thừa thì gọi là samaya giới. Tất cả đều là một chỉ có cách gọi khác nhau mà thôi.
3. Có bao nhiêu samaya giới trong Kim cương thừa?Có rất nhiều nhưng phổ biến nhất thì có 14 samaya giới chính và 8 samaya giới phụ. Ít hơn thì có 3 samaya giới: “Thân - Khẩu - Ý”. Nhưng con cũng có thể thấy có samaya giới ngắn gọn hơn nhiều, như trong Đại Toàn Thiện, Đại Thủ Ấn thì chỉ có một samaya giới duy nhất là Thượng sư, là sự sùng kính Thượng sư. Đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi trước của con Tại sao Thượng sư lại quan trọng như vậy. Giống như những giáo huấn của Đại Toàn Thiện và Đại Thủ Ấn, tuân theo và trung thành Thượng sư là một samaya giới tối quan trọng, tuyệt đối không được phạm. Trưởng dưỡng tín tâm không gián đoạn, không lung lay chính là samaya giới cuối cùng của Pháp Đại Toàn Thiện.
Có nhiều samaya giới khác nhau, hai mươi lăm, mười bốn, năm, ba hay chỉ một. Nhưng nói chung, sau mỗi quán đảnh, trong việc thực hành Phật pháp, phổ biến nhất, là sự xuất hiện của mọi diện mạo đều trong các hình tướng của chư Phật, mọi âm thanh đều không phải là âm thanh thế tục mà là âm thanh thần chú của chư Phật mà con cần trì tụng liên tục; mọi ý nghĩ khởi lên đều không phải là những tác ý lan man mà con phải duy trì trạng thái thiền định và tỉnh thức. Những ý nghĩ như thế được gọi là Pháp thân.
Do vậy mà chúng ta có thân Kim cương là thân Phật, khẩu Kim Cương là thần chú và ý Kim cương là thiền định. Đó chính là ba samaya giới của Kim cương thừa.
~
Đức Rinpoche H.E. Kyabje Drukpa ChoegonNguồn: http://www.drukpachoegon.info/rinpoche-teachings/pdf--text.aspx
Nhóm Thuận Duyên thành kính tri ân ngài Drukpa Choegon Rinpoche đã từ bi cho phép nhóm dịch các bài giảng của ngài trên trang web trong thời gian vừa qua, cũng như những lời động viên chân thành của ngài, một đạo sư giác ngộ.
Mọi công đức xin hồi hướng tất thảy hữu tình chúng sinh.
Mọi sai sót xin sám hối trước Đạo sư, Tam Bảo và dòng truyền thừa.
Nguồn: thuvienhoasen.org