Lời Giới Thiệu
Pema Wangyal Tôi thật vô cùng vui sướng khi Nhóm Dịch Thuật Padmakara (Padmakara Translation Group) đã hoàn thành công việc chuyển ngữ những trang sách quý báu này. Đại sư Shabkar đã vạch rõ cho chúng ta thấy rằng thú vật, côn trùng, và ngay cả loài tôm cua, sò hến cũng chính là pháp giới chúng sinh. Vì tất cả các loài này cũng biết trân quý mạng sống và có nhiều xúc giác, nên chúng ta phải hết sức tôn trọng chúng, không khác gì tôn trọng loài người.
Nếu chúng ta tự coi chúng ta là những người Phật tử đang bước đi trên con đường tu theo truyền thống Đại Thừa... Nếu chúng ta có ước nguyện sống xứng đáng với những giáo huấn của đức Phật thì bằng mọi giá, chúng ta phải nhất quyết tránh xa việc hãm hại bất cứ một chúng sinh nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp. Điều này đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong những trang sách quý báu này [của đại sư Shabkar]. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta không thể tự tay sát hại hay hành hạ những chúng sinh này, mà cũng không thể xúi đẩy người khác tham dự vào việc sát hại hay hành hạ chúng.
Khi chúng ta bước chân vào con đường Đạo, chúng ta nguyện xin quy y Tam Bảo, ngưỡng mong chư Phật và chư Bồ-Tát chứng giám cho chúng ta. Chúng ta đã lập đi lập lại các giới nguyện và nói rằng, ‘Nương nơi Tam Bảo, con nguyện không bao giờ hãm hại bất cứ một chúng sinh nào.’ Thật là vô cùng khó khăn nếu chúng ta giả vờ không biết là mình đã thốt lên lời nguyện như vậy, mà cũng thật khó khăn vô cùng nếu chúng ta cố tình diễn giải một cách sai lạc những ngôn từ vốn quá rõ ràng minh bạch của lời nguyện kia.
Và do đó, ước nguyện của tôi không gì khác hơn là cầu xin cho chúng ta phát khởi được lòng yêu thương và từ bi đối với tất cả chúng sinh, đối với bất cứ chúng sinh nào cũng giống như đối với những đứa con yêu mến của chính mình.
Lời Giới Thiệu của
Nhóm Dịch Thuật Padmakara
(Padmakara Translation Group) Có những người tuy không hiểu biết nhiều về Phật Giáo nhưng lại có phần nào quen thuộc với giáo lý bất bạo động và từ bi của đạo Phật, những người này thường hay lầm tưởng rằng giới Phật tử đều ăn chay. Họ có phần nào ngạc nhiên pha chút thất vọng khi khám phá ra rằng rất đông Phật tử ở cả phương Đông lẫn phương Tây vẫn thường ăn thịt (ăn mặn), cho dù không nhất thiết là tất cả Phật tử ai ai cũng ăn thịt như vậy. Bỏ qua bên lề vô số những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định ăn thịt của người Phật tử, dù riêng tư hay liên quan đến hoàn cảnh xã hội, thì thái độ chung chung của giới ‘Phật tử ăn mặn’ đều nằm dưới sự chi phối của những yếu tố văn hoá và lịch sử, mỗi quốc gia một khác biệt, không quốc gia nào giống quốc gia nào. Một ví dụ điển hình là giới Phật tử tu theo Đại Thừa tại hai quốc gia Trung Hoa và Việt Nam, sống một nếp sống cổ truyền, giới Phật tử này thường thường là những nguời ăn chay thuần thành. Ngược lại, tại Nhật Bản chẳng hạn, không có gì lạ lùng khi thấy Phật tử ăn mặn, và hơn thế nữa, tại Tây-Tạng, chuyện Phật tử ăn mặn gần như luôn luôn là chuyện đương nhiên. Khi Phật Giáo bắt đầu lan truyền qua Âu Châu, Mỹ Châu và nhiều nơi khác, những người đệ tử mới tại các nơi này tự động áp dụng thái độ và các pháp tu tiêu biểu của truyền thống tu nào mà họ đang noi theo. Điều này thật ra cũng là điều rất tự nhiên.
Tây-Tạng là một quốc gia tại châu Á mà toàn bộ giáo huấn Phật Giáo đã được truyền thẳng từ Ấn Độ vào Tây-Tạng [không đi qua một trung gian nào]. Bắt đầu từ thế kỷ thứ tám trở đi cho đến nay, người dân Tây-Tạng đã một lòng gắn bó với giáo pháp cao sâu của truyền thống Đại Thừa, dưới cả hai dạng Kinh-điển lẫn Mật-điển, qua công phu nghiên cứu, chiêm nghiệm và thực hành giáo pháp này trong đời sống hằng ngày, một giáo pháp nghiêng về trí tuệ và phát triển tâm từ bi hoàn vũ. Hơn thế nữa, điều mà ai cũng thấy rõ là chính giáo pháp và thái độ sống phổ thông trong mọi tầng lớp của người dân Tây-Tạng nói chung, đã tạo được một ảnh hưởng rất sâu sắc trong mối liên hệ giữa người dân Tây-Tạng và môi trường thiên nhiên chung quanh. Trước ngày Tây-Tạng bị Trung Cộng xâm lăng, khi những người khách du lịch từ châu Âu lần đầu đặt chân đến Tây-Tạng và toàn vùng Hy Mã Lạp Sơn, họ đều sửng sốt khi nhìn thấy cảnh sống vô cùng ôn hoà và rực rỡ của chim muông, dã thú. Trong một quốc gia mà săn bắn là một hoạt động rất hiếm hoi, hầu như đều bị mọi người lên án, thì dã thú, chim muông chẳng còn chút gì phải sợ hãi loài người. Tuy là như thế, nhưng sự thật hiển nhiên là người dân Tây-Tạng nói chung, từ ngàn xưa cho đến tận bây giờ, vẫn luôn luôn là những người ăn rất nhiều thịt. Lý do chính yếu [đưa tới tình trạng ăn nhiều thịt này] có liên hệ đến hai yếu tố thời tiết và địa dư. Tại Tây-Tạng, phần lớn đất đai nằm trên một độ cao mà mọi việc trồng trọt, canh nông đều là việc bất khả.
Lẽ dĩ nhiên, thói quen lâu đời thường mọc rễ, trở thành điều ưa chuộng đặc biệt không thể thiếu, và ngay cả đã có sẵn một niềm tin vững chắc vào đạo pháp thì rất nhiều người Tây-Tạng hiện đang sinh sống tại nhiều vùng đất khác nhau trên quả địa cầu vẫn chưa thay đổi được cách thức ăn uống dinh dưỡng của họ. Điều này tự nó cũng không phải là điều gì đáng ngạc nhiên. Phải từ bỏ những thói quen lâu đời là một việc làm rất khó, và việc đầu tiên mà khách du lịch hay dân di tản khắp nơi trên thế giới thường làm một cách thôi thúc là nhập cảng và cố tìm mua cho bằng được đủ mọi loại thực phẩm của riêng xứ họ. Cũng giống như những người còn lại trong cộng đồng nhân loại, người dân Tây-Tạng thấy thịt là thức ăn rất ngon miệng, và họ thường thưởng thức với tất cả sự hào hứng thích thú. Nhưng ngay cả nếu chuyện ăn thịt đã và đang là một tập quán bình thường đối với người dân bên trong xứ Tây-Tạng cũng như đối với cộng đồng lưu vong bên ngoài Tây-Tạng, thì phương pháp tu tập hằng ngày của truyền thống Đại-Thừa, chẳng hạn như sự thường xuyên quán chiếu về tâm từ bi và ước nguyện làm Bồ- Tát giải thoát tất cả chúng sinh khỏi đau khổ − phương pháp tu tập này làm cho ta không thể nào không lên tiếng đặt câu hỏi về việc ăn thịt [của người Phật tử]. Theo mẫu mực bình thường thì người Phật tử Tây-Tạng, ngay cả những người công nhận mình thuộc dân ăn mặn chính cống, cũng không hoàn toàn vô cảm trước vấn đề ăn thịt này. Nhiều người công nhận một cách thẳng thắn là việc ăn thịt không thể nào không liên hệ đến hành động sát hại thú vật một cách có tính toán, và cũng thẳng thắn công nhận là việc ăn thịt là một chuyện thiếu lý tưởng, không thích hợp chút nào cho những người Phật tử đang thực hành theo Phật pháp. Có nhiều người Tây-Tạng cũng cố gắng tránh ăn thịt trong những ngày lễ, cũng như trong những thời điểm thiêng liêng trong năm. Nhiều người tỏ vẻ kính phục truyền thống ăn chay; và rất hiếm có một vị lạt-ma nào không ca ngợi và cổ võ những ai có thể ăn chay cho dù chính vị lạt-ma đó vẫn đang ăn mặn vì lý do này hay lý do khác.
Trong cộng đồng lưu vong Tây-Tạng tại hai xứ Ấn-Độ và Nepal, có nhiều thay đổi về phong tục tập quán đang từ từ thành hình, nhất là trong giới trẻ, bởi vì việc ăn thịt không bắt rễ một cách sâu xa đến vậy trong khung cảnh văn hoá của hai quốc gia này. Một số tu viện, kể cả tu viện Namgyal Dratsang, tu viện gốc của đức Đạt-Lai Lạt-Ma [tại Ấn Độ], đã không cho phép việc nấu nướng thịt thà trong nhà bếp của tu viện nữa. Và ngay cả khi việc chọn lựa ăn chay ăn mặn của mỗi tu viện là một chọn lựa có tính cách độc lập, thì tại ngay những tu viện này, số các vị tu sĩ và nữ tu sĩ bắt đầu hoàn toàn từ bỏ ăn thịt ngày càng đông.
Đối với riêng những hành giả tại phương Tây, hoàn cảnh của chúng ta có nhiều điểm dị biệt. Khác với người Tây-Tạng, chúng ta có thể dễ dàng tìm ra được đủ loại rau trái bổ dưỡng ở những nơi mà chúng ta đang sinh sống. Cho dù như vậy, [điều đáng tiếc là] chúng ta lại đến từ một nền văn hoá mà cả hai truyền thống tôn giáo lẫn đạo lý đều cho phép và khuyến khích việc ăn thịt. Cái nhìn từ bi đối với thú vật là một cái nhìn vốn sẵn có trong tư tưởng Phật giáo và đã thấm nhuần trong tâm thức của người dân Tây-Tạng cho dù cách thức ăn uống dinh dưỡng của họ không thực sự đi sát với cái nhìn từ bi này. Ngược lại, xã hội mà chúng ta đang sinh sống hoàn toàn không có được cái nhìn từ bi như vậy. Phần lớn, trong thế giới ngày nay, cách đối xử nhân đạo của chúng ta với những con thú nuôi trong nhà chịu ảnh hưởng của tâm lý tình cảm và những cân nhắc liên quan đến tiền bạc, vật chất. Cách đối xử nhân đạo của chúng ta với những con thú nuôi trong nhà này không phát mầm từ sự hiểu biết rằng thú vật là những sinh vật cũng được thọ hưởng trí óc và xúc cảm không khác gì chúng ta, và tự bản chất, chúng cũng đang phải trải qua những cảnh khổ luân hồi không khác gì chúng ta. Dù sao đi nữa, đối với những người Phật tử ở phương Tây, những người do thói quen lẫn ham muốn đã trở thành ‘dân ăn thịt,’ thì sự thử thách dựa trên câu hỏi nêu ra về vấn đề ‘ăn mặn’ của Phật giáo nói chung, và của truyền thống Đại thừa nói riêng, có chiều hướng bị ủ dột, trì trệ thêm. Bởi vì, như những lý do đã được nêu ra ở trên, người Tây-Tạng cho dù có thành tâm đến mấy chăng nữa thì họ cũng chẳng giúp được gì nhiều cho các bạn đồng tu ở phương Tây [trên vấn đề này], ngoại trừ một số hướng dẫn lý thuyết suông.
Tình trạng này còn trở nên rắc rối hơn nữa chính vì sự thâm nhập của một số lý lẽ biện minh theo truyền thống xưa cũ, được đưa ra cốt để tha thứ cho việc ăn thịt của giới Phật tử. Những lý lẽ biện minh này đã được nhiều người ở phương Tây chấp nhận quá mức dễ dàng, thiếu óc phê phán. Có lẽ vì chính những người này đã không đủ khả năng hoặc không đủ ý chí để cân nhắc và lựa chọn một lối sống khác. Những lý lẽ biện minh này gồm có: (1) ý niệm về ba loại thịt thuần tịnh (tam tịnh nhục), (2) tư tưởng rằng con vật nối được liên hệ tâm thức với Phật pháp (và từ đó được nhiều lợi lạc) khi thịt của chúng được chính các hành giả nhai ăn, và (3) còn nhiều ý niệm khác nữa, đến từ cái nhìn lệch lạc gom góp từ trong kinh điển đã đọc. Như đại sư Shabkar đã trình bày cho chúng ta thấy, những tranh luận này hoàn toàn sai lạc, hoặc sai lạc quá nửa, và đòi hỏi một lối diễn giải nghiêm túc, trung thực hơn. Thật ra việc này cũng dễ hiểu bởi vì những lý lẽ biện minh trên được nêu lên với chút ân hận trong lòng; đây là những cố gắng rất ‘người’ (rất ‘gượng ép nhân tạo’) để cứu vãn lương tâm ray rứt khi việc từ bỏ ăn thịt trở nên quá khó. Nhưng trong một hoàn cảnh bình thường, với những người bình thường [muốn tìm hiểu về vấn đề này một cách nghiêm chỉnh], thì thật là một sai lầm nếu ta cho rằng những lý lẽ biện minh đó là những diễn đạt nguyên lý rốt ráo.
Dù sao đi nữa, điều quan trọng cần biết là tại Tây-Tạng, hiện nay, cũng như trong quá khứ, đã luôn luôn có một quan điểm hoàn toàn khác biệt với những lý lẽ biện minh kia. Điều này đã hiện diện ngay từ những ngày đầu tiên nhất của lịch sử Phật giáo tại Tây-Tạng. Quan điểm này đã được xác nhận một cách vô cùng cương quyết trong những giáo huấn của đại sư Atisha và của những đệ tử thuộc giòng truyền thừa Kadampa của ngài. Quan điểm này cũng được một số nhỏ các cá nhân anh hùng tiếp tục ủng hộ và chứng thực trong từng thế hệ nối tiếp. Những trang sách được chuyển ngữ sau đây sẽ cho chúng ta thấy rằng đại sư Shabkar chính là một người thuộc trong ‘pháp hội vinh quang’ này − pháp hội bao gồm những vị Bồ-Tát thực hành theo cả Kinh-điển lẫn Mật-điển. Nương vào tình thương của họ đối với chúng sinh, và sự quán chiếu của họ về sự đau khổ chúng sinh phải hứng chịu mà những vị Bồ-Tát này đã quyết định từ bỏ ăn thịt cho dù có phải chịu đựng tất cả những thử thách to lớn, trong một hoàn cảnh sống vô cùng khó khăn, khắc nghiệt. Trong những thảo luận của đại sư Shabkar về vấn đề ăn chay ăn mặn, ngài đã nêu ra những câu hỏi vô cùng sâu sắc liên quan nhiều khía cạnh khác nhau của đạo Phật, ngang tầm vóc với các giáo huấn thuộc Bà-la-đề-mộc-xoa, Đại Thừa và Kim-Cang Thừa. Và như một người đang quan sát nhân loại với một tấm lòng từ bi rất sáng suốt, đại sư Shabkar đã chiếu một luồng ánh sáng vô cùng rực rỡ sắc sảo lên trên nền tảng xã hội và tôn giáo của thời đại của ngài.
Nội dung đọc web đang cập nhật, xin vui lòng đọc và tải file PDF tại đây: https://lienhoaquang.com/thu-vien_THUC-AN-CUA-BO-TAT_dlmkcql_xem-PDF_tuequang.html