TRÁI TIM LARUNG GAR
Tiểu Sử Kyabje Jigmey Phuntsok Rinpoche
(Trích)
SỰ CHÀO ĐỜI KỲ DIỆU
Mùa xuân ấm áp năm 1932, lúc bình minh, bà Yudok sau khi mang thai đã trải qua nhiều kinh nghiệm khác với những lần khác. Bà ở trong trạng thái cực kỳ thoải mái và cảm thấy bi mẫn nhiều hơn với tha nhân. Cùng lúc, ông Peti cũng trải qua nhiều giấc mơ tuyệt vời. Hai vị đều cảm thấy rất kỳ lạ. Và bên trong nhà, họ thường ngửi thấy mùi hương diệu kỳ. Những người dân làng hàng xóm thỉnh thoảng cũng nghe thấy tiếng nhạc du dương phát ra từ lều của họ gần đó, ngoài ra còn nhiều hiện tượng lạ thường khác. Năm sau (tức năm 1933), vào ngày thứ ba thịnh vượng của tháng Giêng theo lịch Tây Tạng, tháng mà Phật Thích Ca Mâu Ni hiển bày những thần thông và đánh bại sáu lãnh đạo của ngoại đạo, bà Yudok sắp chuyển dạ, nhưng bà cảm thấy rất thoải mái và không chút đau đớn. Thông thường, người ta, bởi ảnh hưởng của khí nghiệp, sẽ sinh đầu hướng về phía dưới, nhưng đứa bé này rời tử cung của mẹ khi đầu hướng lên trên và lập tức ngồi trong tư thế kim cương, mở to mắt và mỉm cười. Cậu bé cầm nhau thai trong tay, vắt qua vai trái như thể đó là Pháp y và trì tụng bảy biến tâm chú Văn Thù Sư Lợi Om Ah Ra Pa Tsa Na Dhi. Sự kiện kỳ diệu này đã xảy ra trước sự chứng kiến của Drontse và những vị hiện diện. Mọi người cảm thấy rằng điều này không phải bình thường và họ lập tức cử người đi thông báo sự việc cho Tulku Liên Hoa Kim Cương (Bado Rinpoche) nổi tiếng. Sau khi biết chuyện, Lama vĩ đại rất hoan hỷ, bảo rằng, “Cậu bé này chắc chắn là tái sinh của một Phật tử vĩ đại”. Hơn thế nữa, Ngài nghiêm túc thúc giục những người liên quan rằng: “Các con không được lan truyền điều này để tránh bất cứ tai nạn nào. Bây giờ mọi người cần giữ bí mật tuyệt đối”. Sau đó, theo những tiên tri của Terton Lerup Lingpa và các hiện tượng hiếm có vào thời điểm chào đời của Ngài, Terton Wangchuk và bậc đại chứng ngộ Ahang Lharig đã công nhận Ngài là vị tái sinh (Tulku) của Terton Lerup Lingpa vĩ đại.
TRONG LÒNG MẸ
Sau khi chào đời, như bao đứa trẻ khác, Ngài được nuôi dưỡng bằng dòng sữa mẹ ngọt ngào. Điều khác biệt là những đứa trẻ một hay hai tuổi chưa sở hữu khả năng suy nghĩ đầy đủ, nhưng trái tim của Kyabje Rinpoche khi còn rất nhỏ đã bày tỏ lòng sùng mộ và bi mẫn đích thực.
Trong lòng mẹ, đôi mắt to của Ngài nhìn ngắm mọi thứ xung quanh. Và mỗi lần Ngài thấy người khác giết hại thú nuôi, trong trái tim Ngài cảm thấy lòng bi mẫn vô biên, Ngài nghĩ rằng: Những chúng sinh vô tội này đang bị giết, điều này thật đáng tiếc. Nếu có thể, con muốn đổi cuộc đời quý báu của con để cứu họ. Nhưng Ngài chưa thể bày tỏ những cảm xúc của mình thông qua ngôn từ. Vì thế, Ngài ôm mẹ và khóc to, lần này qua lần khác, cho thấy Bồ đề tâm của mình, thứ mà Ngài sở hữu từ trước lúc chào đời. Mỗi lần Ngài chứng kiến chúng sinh chịu đau đớn hay khó khăn, Ngài nghĩ: Giá mà con có thể giúp họ thoát khỏi đáy sâu của khổ đau và ban cho họ hạnh phúc và thoải mái; thật tốt lành làm sao nếu con có thể hoàn mãn mọi mong ước của họ!
Khi thấy những bức tượng hay kinh Phật, Ngài rất hạnh phúc và bắt đầu nhảy múa, di chuyển tay và chân, trong khi liên tục cười và Ngài sẽ chạm vào bằng đôi tay nhỏ bé hay chắp tay cung kính v.v. Khi Ngài vẫn chưa thể gọi “Mẹ”, Ngài đã có thể trì tụng tâm chú Quán Thế Âm và nhiều Bổn tôn khác.
Đôi lúc khi mẹ Ngài ra ngoài, bà đặt Ngài trong cái nôi. Bởi mái của túp lều được mở, Ngài có thể thấy rừng thông xanh trên sườn đồi chạm đến bầu trời quang đãng. Vô cùng ngạc nhiên, Ngài nghĩ rằng: Những cây này mới cao làm sao, nó như thể đã mọc lên đến trời.
Lên ba hay bốn tuổi, Ngài đã có lòng sùng mộ khác thường với Mipham Rinpoche và trong tim Ngài, Mipham Rinpoche thực sự là Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, vì vậy, mỗi khi cầu nguyện quán đỉnh, Ngài sẽ nghĩ như thể Ngài đang cầu nguyện đến Bồ Tát Văn Thù. Từ giai đoạn đó trở về sau, Ngài bắt đầu thấy nhiều vị Phật và Bồ Tát trong các hình tướng khác nhau (an bình và phẫn nộ) như thể đó là một điều thường nhật. Khi trời tối, tâm trí Ngài xuất hiện chư Bổn tôn phẫn nộ, Ngài sẽ cảm thấy sợ. Vì thế, trước khi ngủ, Ngài bảo mẹ rằng: “Mẹ ơi, đừng ngủ trước con, nếu không, khi thấy những vị Bồ Tát phẫn nộ này, con sẽ rất sợ”. Để an ủi, mẹ Ngài sẽ nói rằng: “Con yêu, đừng sợ, mẹ sẽ ở bên con. Chúng ta sẽ đi ngủ cùng nhau”.
Bởi Ngài biết mẹ sẽ luôn ở bên, Ngài cảm thấy thoải mái và trong vòng tay ấm áp của mẹ, Ngài chìm vào giấc ngủ. Lòng bi mẫn và sự chân thật này phát triển khi Ngài lớn hơn, ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.
KHAI MỞ BÔNG SEN TRÍ TUỆ
Giống như những đứa trẻ khác, lên sáu tuổi, Kyabje Rinpoche bắt đầu học đọc và viết. Nhưng sau khi học các chữ cái và đánh vần, Ngài cảm thấy khá căng thẳng và khó khăn, và không thể không lo lắng, Ngài phải làm gì bây giờ?
Ngày nọ, khi đi ngang qua những đống đá Mani Kha-nga, Ngài thấy một tờ giấy nhỏ kẹp vào giữa những viên đá; bởi tò mò, Ngài chạy đến và mở nó ra. Ngài thấy nhiều ghi chép trên đó. Bởi Ngài chưa thể đọc nó, Ngài nhờ một người đọc to. Rõ ràng, đó là Thực Hành Ngôn Ngữ Sư Tử Văn Thù. Và cuối bản văn có đoạn:
Một ông lão ở đất thiêng Ấn Độ
Dù đã chín mươi chín tuổi,
Không biết đọc hay viết nhưng vẫn thực hành điều này chăm chỉ,
Sau một ngày, ông đã thấy Đức Văn Thù.
Sau khi nghe vậy, Ngài tự nhủ: Ông lão này chỉ thực hành trong một ngày và đã đạt được cấp độ thành tựu cao như thế! Với một cậu bé như tôi, chắc sẽ không cần nhiều thời gian. Ngài rất hoan hỷ và vỗ tay, bảo rằng: “Điều này thật tốt, thật tốt!”. Như thế, Ngài chí thành hành trì trong hai ngày, kết quả là Ngài trải qua nhiều dấu hiệu của sự gia hộ vô song.
Từ hôm đó, Ngài không học đánh vần thêm nữa mà làm chủ ngôn ngữ một cách tự nhiên và cũng hiểu được những nội dung phổ thông của mọi kinh văn và bình giảng.
Ban đầu, những công hạnh của chư đạo sư vĩ đại được thể hiện hoàn toàn trong việc nghiên cứu, quán chiếu, khẩu truyền, tranh luận, biện soạn, trì giới, thiền định, trí tuệ và những hoạt động truyền Pháp và làm lợi lạc tha nhân. Nhưng đa phần mọi người cần phải thiết lập niềm tin và lòng sùng mộ của họ nhờ trải qua những khả năng siêu phàm của ai đó. Giống như kinh văn thường nói: “Những kẻ ngu dốt trên thế gian thiết lập niềm tin nhờ chứng kiến thần thông phi phàm”. Về điều này, đầu tiên hãy nói đôi điều về những năng lực tâm linh không giới hạn của Ngài năm lên sáu tuổi. Ngài có thể thấy bất cứ vật gì, dù bị che phủ hoặc chôn giấu trong đá hay núi, tức khả năng thiên nhãn thông; bất cứ điều gì mà ai đó nghĩ trong đầu, Ngài biết rất rõ, tức khả năng tha tâm thông; Ngài có thể nhớ rõ ràng những khung cảnh khi Ngài nghiên cứu tinh túy Đại Viên Mãn với Đức Liên Hoa Sinh hay với Lama Zhabkarpa (1781-1850) và việc tu học với Đức [Jamgon] Kongtrul Yonten Gyatso (1813-1899) nhiều đời trước. Và đặc biệt, những khung cảnh của chín trăm năm trước khi Ngài là người con trai thông tuệ của Vua Gesar, thượng thư Dense Gyu-o Bumme, vẫn hiển hiện rõ ràng trong tâm trí Ngài như thể tất cả mới xảy ra hôm qua, điều cho thấy khả năng nhớ các đời quá khứ.
Bởi những thói quen trong đời quá khứ, khi Ngài vẫn còn là một đứa trẻ, Ngài có thể phát lộ các Terma dễ dàng hơn thổi bụi khỏi một vật. Các đối tượng như tượng Phật và hộp thiêng vẫn được giữ gìn cho đến ngày nay. Giống như Chagmed Rinpoche (1613-1678) lên năm tuổi đã có sự tỉnh thức về bản tính chân thật của mình, Kyabje Rinpoche khi ấy, cùng chơi với các bạn, vẫn thường ngồi thiền định trên cỏ, quán sát tâm thức và tìm kiếm dòng chảy đến và đi của các ý niệm trong tâm. Đôi lúc khi chơi với bạn, Ngài tìm thấy Terma. Và Ngài thường xuyên diện kiến chư Bổn tôn hay Hộ Pháp v.v. Lama Lodro, ngập tràn hạnh phúc, từng nói rằng: “Ta không biết niềm tin từ ái nào trong các đời quá khứ đã cho phép Ngài diện kiến nhiều vị Bổn tôn và Hộ Pháp thường xuyên đến vậy, có thể là bởi Ngài là thành viên của gia đình Chak-khung. Thật kỳ bí!”.
Trích “Trái Tim Larung Gar”, Khenpo Sodargye Rinpoche.
Nguồn: thuvienhoasen.org