1
Ngày thứ nhất. Buổi thứ nhất.
Nói chung, tất cả tôn giáo lớn trên thế giới đều nhấn mạnh về tầm quan trọng của hạnh từ bi và nhẫn nhục. Đặc biệt, mọi truyền thống Phật giáo, bao gồm Tiểu Thừa, Đại Thừa, Kim Cang Thừa, đều thuyết rằng từ bi là nền tảng căn bản của sự tu tập tâm linh.
Để hỗ trợ cho việc phát triển và thực thi tâm hạnh từ bi, việc chủ yếu là phải vượt qua những chướng ngại. Nơi đó, hạnh nhẫn nhục đóng vai trò quan trọng, vì nhờ hành hạnh nhẫn nhục mới có thể vượt qua những sự chướng ngại của tâm từ bi.
Khi bàn về hạnh nhẫn nhục, chúng ta phải hiểu rằng có rất nhiều cấp độ; bắt đầu từ hạnh nhẫn nhục đơn giản như có khả năng chịu đựng nóng lạnh đôi chút, rồi tiến lên cấp độ cao nhất của hạnh nhẫn nhục mà đại hành giả hay đại Bồ Tát thường hành trì. Do phát sanh từ ý chí hành trì kiên cố, không bị nghịch cảnh xoay chuyển, nên phải xem hạnh nhẫn nhục giống như ý chí sắt đá, chứ không yếu mềm. Tổng quát, chúng ta có thể thẩm định hạnh nhẫn nhục theo những nghĩa đó. Thực sự, ngay cả việc nhẫn chịu sự cực khổ về thân xác đôi chút như chịu đựng khí hậu nóng hay lạnh, cũng giúp cho tâm niệm thay đổi rất nhiều. Nếu hiểu rõ rằng sự nhẫn chịu những khó khăn trong hiện tại mang lại lợi ích dài lâu, thì chúng ta càng có nghị lực chịu đựng những khó khăn hằng ngày. Thật vậy, đối với các hành giả Bồ Tát địa đang hành hạnh nhẫn nhục cao thượng, trí huệ cũng đóng vai trò hỗ trợ quan trọng.
Bên cạnh giá trị cao siêu của hạnh nhẫn nhục theo quan điểm Phật pháp, trong cuộc sống hằng ngày, việc thực nghiệm hạnh nhẫn nhục cũng mang lại lợi ích lớn lao: Tăng nghị lực nhiếp trì tâm thanh tịnh, an lạc, tự tại. Thế nên, nếu thường hành hạnh nhẫn nhục, dù sống trong hoàn cảnh căng thẳng cùng cực, nội tâm thanh tịnh tự tại sẽ không bị khuấy động.
Luận điển mà tôi sẽ thuyết giảng trong những buổi diễn giảng liên tục là luận điển Phật pháp, đặc biệt thuộc về Phật giáo Đại Thừa. Những hạnh được trình bày trong quyển luận này thuộc về quan điểm của hành giả Bồ Tát Đại Thừa phát tâm Bồ Đề. Tuy nhiên, rất nhiều phương pháp được trình bày trong quyển luận này cũng phù hợp và có thể ứng dụng cho những ai chưa hành hạnh Bồ Tát, hoặc chưa xem đạo Phật là tôn giáo của mình.
Quyển luận này được gọi là Bodhisattvacharyavatara theo tiếng Phạn và được dịch là
Nhập Bồ Tát Hạnh Luận. Hạnh Bồ Tát có ba bậc. Thứ nhất, nhập hạnh Bồ Tát liên hệ chủ yếu với sự phát tâm Bồ Đề, tức tâm nguyện lợi tha muốn đạt đạo giác ngộ viên mãn vì lợi ích của chúng sanh. Thứ hai, thực tiễn hành trì, bao gồm lục độ: Điều kiện tất yếu của sự phát tâm Bồ Đề; nhẫn nhục lại là một trong lục độ đó. Thứ ba, công hạnh của Phật quả được viên mãn nhờ hành hạnh Bồ Tát.
Trong phẩm thứ nhất của quyển luận Nhập Bồ Tát Hạnh, ngài Tịch Thiên bàn về công đức và lợi ích của việc phát tâm Bồ Đề, tức tâm nguyện lợi tha muốn đạt Phật quả vì sự lợi ích của chúng sanh. Ngài viết:
'Con đảnh lễ đấng Ma Ni
Vị sanh xuất tâm cao quý.
Con quy mạng nguồn an lạc
Vị mang lại niềm hạnh phúc
Cho đến kẻ từng hại Ngài'. Trong bài kệ này, Ngài viết rằng những ai đã phát tâm lợi tha vô thượng vốn đáng được tôn sùng quý kính, vì tâm nguyện lợi tha phát triển khả năng cứu hộ chúng sanh vô cùng tận. Vì tâm nguyện lợi tha bao la là cội nguồn của niềm hạnh phúc an lạc của chính mình và vô lượng chúng sanh, nên lúc gieo duyên với người đã phát tâm Bồ Đề, thì dù việc đó có tiêu cực, nhưng vẫn để lại ấn tượng sâu sắc suốt đời. Dù có phạm lỗi hay có duyên xấu khiến phải chịu quả xấu, nhưng sẽ được quả lành lợi lạc dài lâu trong tương lai, vì đã từng gieo duyên lành với người đã phát tâm Bồ Đề. Đó là năng lực của tâm nguyện lợi tha bao la.
Nền tảng chủ yếu của tâm nguyện lợi tha bao la là tâm từ bi. Các vị luận sư thường quy y lễ tán chư Phật, chư Bồ Tát, hay Bổn Tôn Thiền Quán trong phần đầu của các bài kệ tụng. Ngược lại, trong phần đầu của quyển Nhập Trung Luận, ngài Nguyệt Xứng đảnh lễ tâm từ bi, rồi nhấn mạnh tầm quan trọng và sự quý giá của tâm đó ở mọi phần sau. Dù vừa phát tâm tu hành hay đang hành trì, chớ xem thường giá trị quý báu của tâm đó lúc vừa phát tâm Bồ Đề. Lúc thành Phật, giá trị và tầm quan trọng của tâm từ bi vẫn hiện hữu. Chúng ta nhận thấy rằng tuy có những cách dạy hành hạnh từ bi với sự giải thích khác biệt - tại sao quan trọng hóa việc hỗ trợ tâm từ bi - nhưng mọi tôn giáo lớn trên thế giới đồng quy về một điểm: Lấy tâm từ bi làm gốc.
Có thể định nghĩa sơ về tâm từ bi như tâm niệm bất bạo động, bất hại, nhưng điều này mang lại sự lầm lẫn tai hại với tâm niệm chấp trước.
Vì vậy, chúng ta thấy rằng có hai loại tâm từ bi. Thứ nhất, tâm từ bi dựa vào tâm niệm chấp trước, đắm nhiễm. Tâm từ bi và cảm giác thân thiết đó hoàn toàn thiên vị: Chủ yếu dựa vào việc xem đối tượng đắm trước là người rất thân thiết. Ngược lại, tâm từ bi chân chánh vượt ngoài sự đắm trước: Không màng người đó có là bè bạn thân quyến hay chăng. Tâm đó dựa vào lý lẽ rằng ai ai cũng có bản chất muốn vui và tránh khổ như mình; ai ai cũng có quyền làm hoàn mãn tâm nguyện căn bản đó như mình. Nhờ nhận thức quyền bình đẳng căn bản, chúng ta sẽ phát tâm đồng thể đại bi chân chánh.
Hiển nhiên, trí huệ là thành phần hỗ trợ và sẽ thẩm định mức độ sâu rộng của tâm từ bi. Đạo Phật bàn về ba loại tâm từ bi chủ yếu. Thứ nhất, tâm từ bi không được trí huệ hỗ trợ. Thứ hai, tâm từ bi được sự hỗ trợ của trí huệ thấy rõ chân tánh vô thường giả tạm của chúng sanh. Thứ ba, với trí huệ thấu suốt chân tánh cứu cánh (tánh Không thật có) của vạn vật, tâm từ bi vô ngã được rải khắp muôn loài. Dù cần phát khởi và hành trì tâm từ bi chân chánh và tâm nguyện lợi tha vô lượng, nhưng tất cả chúng ta vốn sẵn có những tiềm năng đó.
Theo những điểm căn bản khác biệt với lý thuyết Phật tánh, một trong những niềm tin căn bản của tôi là ngoài việc có sẵn tiềm năng căn bản của tâm từ bi, bản chất căn bản của nhân loại và tất cả chúng sanh là hiền hòa. Điển hình, hãy xem xét tình thương dưỡng dục của người khác và cảm giác thọ nhận của mình từ sơ sanh đến lúc chết. Ngoài ra, khi có cảm giác từ bi, chúng ta thấy nó ảnh hưởng tự nhiên ra sao ngay trong nội tâm. Hơn nữa, nơi hành vi và tâm niệm, càng từ bi thánh thiện thì dường như càng thích hợp với cấu trúc thân thể về việc ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm hạnh phúc, v.v... Lại nữa, phải ghi nhận hậu quả xấu cho sức khỏe ra sao nếu làm ngược lại điều đó. Do đó, tôi thiết nghĩ chúng ta có thể suy luận rằng tánh chất căn bản của con người là hiền hòa. Nếu như thế, việc cố gắng sống phù hợp nhiều hơn với tánh chất hiền hòa căn bản này là điều hữu lý.
Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy có rất nhiều sự xung đột căng thẳng trong nội tâm, gia đình, xã hội, quốc gia, quốc tế, v.v... mỗi khi giao thiệp với những người khác. Làm sao giải thích những việc đó?
Tôi thiết nghĩ, một trong những nhân duyên đưa đến sự xung đột đó là tri kiến của chúng ta. Cũng nhờ trí thông minh mà chúng ta tự tìm ra cách khắc phục những sự xung đột đó. Lòng từ bi là điều kiện tất yếu khi dùng kiến thức con người để khắc phục những sự xung đột do nó tạo ra. Tôi thiết nghĩ, nếu nhìn vào thực tại thì thật rõ rằng ngay trong nội tâm, cách khắc phục sự xung đột hay nhất là tinh thần hòa hợp; tinh thần đó liên hệ với tâm từ bi.
Một phương diện của tâm từ bi là tôn trọng quyền lợi và quan điểm của người khác. Đó là nền tảng căn bản của sự hòa hợp. Tôi nghĩ rằng dù có biết đến hay không, điều kiện tất yếu của tinh thần hòa hợp vốn dựa vào lòng từ bi rộng sâu. Do đó, vì tánh chất căn bản của con người là hiền hòa, nên dù có tạo bao nghiệp xấu, nhưng đáp án cứu cánh vẫn quay về tình thương căn bản của nhân loại. Thế nên, tình thương nhân loại (lòng từ bi) vừa là điều kiện tất yếu của tôn giáo, vừa là điều thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày.
Ghi thay lời giới thiệu, trích đoạn từ “Trị Tâm Sân Hận”,
Bài giảng của Đức Đạt Lai Lạt Ma do Thích Hằng Đạt dịch.
Nội dung đọc web đang cập nhật. Xin vui lòng đọc và tải file PDF tại đây: https://lienhoaquang.com/thu-vien_TRI-TAM-SAN-HAN_ckpqpmgt_xem-PDF_tuequang.html