THẦN BIỂN HẸN NGÀY XÂY CẦU
Sông Lạc Dương ở Tuyền Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến, khúc sông gần giáp biển trước đây có thuyền đưa người qua lại, mỗi khi gặp sóng gió, người chết chìm không biết bao nhiêu mà kể.
Trong khoảng niên hiệu Đại Trung đời Bắc Tống, có một chiếc thuyền khi sang sông gặp gió bão sắp lật thì bỗng nghe trên không trung có tiếng nói: “Đừng làm thương tổn Thái học sĩ.” Ngay khi ấy sóng gió tức thời lặng yên, cả thuyền không ai tổn hại gì. Mọi người hỏi nhau thì trên thuyền không có ai họ Thái cả, chỉ có một bà có chồng họ Thái, đang mang thai được mấy tháng. Bà này suy nghĩ tự lấy làm lạ, liền phát nguyện rằng: “Nếu đứa bé này về sau quả thật được là Học sĩ, nguyện xây một cây cầu nơi đây để giúp người qua sông.”
Quả nhiên bà sinh con trai, về sau chính là Trung định công Thái Tương. Khi ông thi đỗ Trạng nguyên, về nhậm chức ở Tuyền Châu, người mẹ liền thúc giục ông xây cầu. Thái Tương suy nghĩ thấy độ sâu của nước khó đo được, mà thủy triều về đêm thường dâng lên, không biết làm sao khởi công. Do vậy dần dà trải qua hơn một năm chưa làm được gì. Người mẹ lại hết sức thúc giục. Thái Tương liền thảo một bản văn nói về việc muốn làm cầu, cho vào phong thư gửi thần biển, sai một tên quân mang đi. Tên quân ấy uống một bữa rượu say túy lúy rồi mang phong thư ném xuống biển, sau đó say rượu nằm ngủ vùi bên bờ biển. Đến lúc tỉnh dậy, bỗng phát hiện có một phong thư lạ bên mình, liền lập tức mang về trình lên Thái Tương.
Thái Tương mở ra xem trong thư chỉ thấy duy nhất một chữ thố (醋), nét mực vẫn còn như mới viết chưa bao lâu. Ông ngạc nhiên nói: “Phải chăng thần bảo ta khởi công vào giờ dậu ngày hai mươi mốt sắp tới đây?”
Liền gấp rút chuẩn bị mọi việc. Đến ngày giờ ấy, quả nhiên thủy triều xuống rất thấp, bùn cát dưới sông nhô cao lên đến hơn một trượng, nước triều không chạm đến. Liên tiếp như vậy trong 8 ngày, liền khởi công xây dựng được cầu. Cầu dài 360 trượng, rộng 15 thước, chi phí hết 1.400 vạn quan tiền, nhân đó đặt tên là cầu Vạn An.
Lời bàn
Bấy giờ, đốc thúc việc xây cầu còn có các ông Lư Thật, Vương Tích, Hứa Trung, Tôn Thiện, Đại sư Nghĩa Ba... cả thảy 15 người. Chỉ nhắc đến một mình Thái Tương, vì ông là người chủ xướng.
Sưu tầm