THẦN CHÚ KIM CƯƠNG ĐẠO SƯ
Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche
Mặc dù hiện tại chúng ta không có cơ hội may mắn thấy được khuôn mặt của Guru Rinpoche hay nghe giọng nói của ngài, nhưng ta có thần chú của ngài, điều mà ngài đã gia trì với trí tuệ, tâm từ và sức mạnh giống như chính ngài. Thần chú này không bao gồm các âm tiết bình thường, mà có sức mạnh xua tan mọi chướng ngại và chuyển tải mọi phẩm tính của trí tuệ.
Các Kinh điển nói với chúng ta rằng không có thần chú nào mang đến nhiều lợi lạc hơn thần chú Kim Cương Đạo sư.
Mười hai âm tiết là tinh túy của mười hai nhánh của giáo lý Đức Phật. [1] Khắc ghi trong tâm những lợi lạc thậm thâm của việc đọc toàn bộ Tam Tạng, bởi thần chú mươi hai âm này là tinh túy của Tam Tạng, chúng có thể bắt đầu biết ơn sức mạnh gia trì của nó. Sau đó, sự trôi lăn không ngừng trong luân hồi của chúng ta là bởi tác động của Thập Nhị Nhân Duyên, khởi lên từ ngu dốt và vươn tới việc tái sinh không ngừng của chúng ta. [2] Bằng cách trì tụng thần chú mười hai âm, những nhân duyên này sẽ được tịnh hóa, cuối cùng giải phóng chúng ta khỏi luân hồi. Thần chú Kim Cương Đạo sư có thể được giải thích theo rất nhiều cách, và đặc biệt trong chín cấp độ liên quan đến Chín thừa. Những giải thích như vậy có thể tìm thấy trong terma được phát lộ bởi ngài Karma Lingpa, trong các trước tác của ngài Dodrupchen Jikme Tenpe Nyima, và trong nhiều bản văn khác.
OM AH HUM
Ba âm tiết đầu tiên của thần chú tượng trưng cho ba thân, cũng như là thân, khẩu và ý Kim Cương của chư Phật. OM tương ứng với Pháp thân, bản tính của Phật Vô Lượng Quang; AH tương ứng với Báo thân, và Phật Từ Bi, ngài Quan Âm; HUM tương ứng với Hóa thân, hiển bày như Đức Liên Hoa Sinh.
VAJRA
Vajra (dorje trong tiếng Tạng) liên quan đến kim cương, thứ cứng nhất và quý giá nhất trong các loại đá. Một viên Kim Cương có thể cắt mọi chất liệu khác, nhưng không thể bị cắt bởi bất kỳ thứ gì [trong số các chất liệu khác đó].
Điều này tượng trưng cho trí tuệ bất biến, bất nhị của chư Phật, điều không thể bị ảnh hưởng hay phá hủy bởi ngu dốt, mà có thể cắt đứt mọi vô minh và che chướng. Nó ám chỉ rằng các phẩm tính và hoạt động của thân, khẩu và ý của chư Phật có thể làm lợi lạc chúng sinh, không chút ngăn cản từ các thế lực xấu. Giống như Kim Cương, Vajra thoát khỏi mọi lỗi lầm. Sức mạnh không thể phá hủy của nó đến từ sự chứng ngộ bản tính Pháp thân, bản tính của Phật Vô Lượng Quang.
GURU
Như chúng ta biết, từ “guru” trong tiếng Phạn nghĩa là “nặng.” Giống như vàng là kim loại nặng nhất và quý giá nhất, vị thầy [guru] là nặng nhất và quý giá nhất trong tất thảy, bởi những phẩm tính thậm thâm và hoàn hảo của ngài. Ở đây, Guru tương ứng với Đức Quan Âm, ở cấp độ Báo thân, bậc được ban tặng bảy nhánh của hợp nhất. [3]
PADMA
Padma, nghĩa là hoa sen trong tiếng Phạn, ám chỉ đến Liên Hoa Bộ trong Ngũ Bộ Phật. Năm Bộ Phật này – Phật Bộ, Kim Cương Bộ, Bảo Sinh Bộ, Liên Hoa Bộ, và Nghiệp Bộ – được đại diện bởi năm vị Phật: Tỳ Lô Giá Na, Bất Động Như Lai, Bảo Sinh Như Lai, Vô Lượng Quang, và Bất Không Thành Tựu Như Lai. Guru Rinpoche là Hóa thân của Phật Vô Lượng Quang, bậc thuộc về Liên Hoa Bộ và khía cạnh khẩu của chư Phật. Kinh điển nói rằng đơn giản tụng đọc danh hiệu Phật Vô Lượng Quang, bạn sẽ tái sinh vào cõi Sukhavati, Cõi Cực Lạc, không bao giờ tái sinh trở lại các cõi thấp hơn. Giống như vậy, trì tụng danh hiệu của Đức Liên Hoa Sinh sẽ mang các kiểu chứng ngộ đến với chúng ta.
Những phẩm tính vô song của thần chú sáu âm, tức thần chú Mani, cũng được miêu tả trong mọi Kinh điển như là có thể mang chúng ta đến chứng ngộ Bồ Tát địa, hay bhumi.
Thần chú Mani của Đức Quan Âm là khía cạnh Báo thân của thần chú Kim Cương Đạo sư, và cũng tương ứng với Phật Tỳ Lô Giá Na vĩ đại. [4] Vị Phật này, người là kích cỡ của toàn thể vũ trụ, nắm giữ bát khất thực trong hai tay với ấn bình thản. Người ta nói rằng trong bát khất thực có một bông sen với hai mươi lăm hàng cánh hoa xếp chồng.
Những hàng này tương ứng với khía cạnh của thân, khẩu, ý, phẩm tính và hoạt động của chư Phật. Ví dụ, chỉ thân có năm phần phụ: thân-thân, thân-khẩu, thân-ý, thân-phẩm tính, thân-hoạt động. Cõi giới Hóa thân hiện tại của Phật Thích Ca được cho là nằm ở phần ý, và tương ứng với hàng ý-ý, đó là lý do tại sao trong cõi giới này, giáo lý Mật thừa cao quý – Kim Cương thừa – có thể được giảng dạy và truyền bá.
SIDDHI
Từ “siddhi” nghĩa là “thành tựu chân thực.” Bằng cách ghi nhớ và cầu nguyện đến thân, khẩu, ý, phẩm tính và hoạt động của Guru Rinpoche, cả thành tựu thông thường và siêu việt sẽ thuộc về chúng ta. Các thành tựu thông thường bao gồm thoát khỏi bệnh tật và được ban tặng những thứ như tài sản và thịnh vượng; các thành tựu siêu việt là đạt được chứng ngộ hoàn hảo của chính Guru Rinpoche.
HUM
Tụng âm HUM giống như thỉnh cầu bậc Đạo sư đến và gia trì chúng ta với mọi thành tựu, thông thường và siêu việt.
Đạo sư của chúng ta, Guru Rinpoche, và thần chú là bất khả phân. Bởi vậy khi chúng ta trì tụng danh hiệu vị thầy bằng cách tụng đọc thần chú, nó như thể chúng ta đang kêu gọi ai đó, người mà không thể không đáp lại. Vị thầy không thể không hướng lòng từ bi đến chúng ta, và bởi vậy, nếu chúng ta nhất tâm trì tụng như thế, không nghi ngờ gì Guru Rinpoche sẽ đến ngay lập tức để ban tặng sự gia trì. Khi mưa rơi xuống trái đất, nó nhẹ nhàng rơi xuống khắp nơi, nhưng chỉ những hạt giống tốt mới nảy mầm, chứ không phải những hạt hỏng. Giống như vậy, lòng từ bi của Guru Rinpoche là không phân biệt; nó hướng đến toàn thể chúng sinh, nhưng lực gia trì sẽ nhanh chóng hơn với người có lòng sùng mộ và niềm tin.
Chỉ nhờ lực gia trì của một vị Phật mà chúng ta có thể đạt chứng ngộ. Bởi vậy một lời cầu nguyện như thế này, lời cầu nguyện khẩn cầu hồng danh Đức Guru Rinpoche, cần phải phát ra từ sâu thẳm trái tim; sau đó dần dần lòng sùng mộ của chúng ta sẽ tự nhiên và không ngừng nghỉ. Hãy nhớ rằng không có niềm tin, sẽ không có thành tựu. Ví dụ, vào thời Đức Phật, có những người thấy ngài và nghe ngài nói, nhưng vẫn không có niềm tin nơi ngài [5]. Một vài vị thầy tà giáo cố hạ độc ngài. Giống như thế, khi Guru Rinpoche đến Tây Tạng, các bộ trưởng xấu xa lên kế hoạch giết ngài. Với những người như vậy, thành tựu tâm linh là không thể.
Điều này cũng cho thấy mức độ quan trọng của việc có niềm tin thanh tịnh và chân chính. Và bởi vậy, như một sự hỗ trợ, chúng ta quán tưởng môi trường bên ngoài là cõi Zangdopalri, chúng sinh xung quanh là Daka và Dakini, bản thân như là Tsogyal Yeshe và bên trên đỉnh đầu là Guru Rinpoche và đoàn tùy tùng của ngài. Sau đó chúng ta cầu nguyện, trì tụng lời nguyện bảy nhánh và các lời nguyện khác trong thực hành, với niềm xác quyết và tin tưởng rằng bằng cách làm như vậy, thành tựu chắc chắn sẽ đến.
____________________
CHÚ THÍCH:
[1] Mười hai nhánh giáo lý của Đức Phật là: Các Kinh điển chung, giáo lý qua các bài ca, tiên đoán, đoan thơ, giáo lý để duy trì Pháp, giáo lý sau các sự kiện đặc biệt, giai thoại, câu chuyện về các đời quá khứ, các giáo lý vô cùng chi tiết, các giáo lý diệu kỳ, và thiết lập ý nghĩa của giáo lý qua sự phân loại, miêu tả và liệt kê.
[2] Thập nhị nhân duyên: ngu dốt, tập khí nghiệp, thức điều kiện, tên gọi và hình tướng, phạm vi của sáu thức (năm giác quan và tâm), liên hệ, cảm xúc, tham luyến, bám chấp, tồn tại, sinh, già và chết.
[3] Bảy nhánh của hợp nhất của Báo thân, hay bảy sự hoàn hảo của hợp nhất tối thắng, được giải thích bởi Dilgo Khyentse Rinpoche như sau:
Bất kỳ sự hiển bày của các cõi giới, cung điện và hình tướng nào, dù là bổn tôn an bình và phẫn nộ, chúng đều không tồn tại ở mức độ tổng hợp. Chúng là hình tướng của tính không với mọi phẩm tính tối thắng. Vì thế, chúng được biết đến là sở hữu khía cạnh của việc không có tự tính.
Tâm chư Phật hoàn toàn tràn ngập trí tuệ của hỷ lạc-tính không bất biến bất nhị. Vì thế, chúng được biết đến là sở hữu khía cạnh hợp nhất.
Thân, khẩu, ý của các ngài bên ngoài tràn ngập đại lạc, thoát khỏi tăng và giảm. Vì thế, chúng được biết đến là sở hữu khía cạnh đại lạc.
Trong cõi giới và cung điện, không ai trong số Pháp chủ và tùy tùng, Daka và Dakini biết đến khổ đau. Các ngài hoàn toàn có mọi phẩm tính tốt của luân hồi và niết bàn. Vì thế, các ngài được biết là sở hữu khía cạnh niềm vui trọn vẹn.
Trí tuệ của đại lạc thoát khỏi thiền định và sau thiền định, không tăng hay giảm, và không có thay đổi hay ngừng lại. Vì thế, các ngài được biết đến là sở hữu khía cạnh giải thoát khỏi gián đoạn.
Về chính bản thân các ngài, các ngài hoàn thành những đức hạnh như vậy, nhưng nhờ lòng từ bi, bên ngoài các ngài chăm lo cho hữu tình chúng sinh vô minh. Vì thế, các ngài sở hữu khía cạnh của việc có tâm tràn ngập đại bi.
Hoạt động giác ngộ của các ngài điều phục người khác mọi lúc trong mọi phương khắp ba thời. Vì thế, các ngài sở hữu khía cạnh liên tục.
Trích trong Cơn mưa trí tuệ, Nalanda Translation Committee.
[4] Xem Vô số thế giới, Jamgon Kongtrul Lodro Thaye (trang 98 – 104, bản Anh ngữ).
[5] “Tỳ kheo Sunakshatra là anh em họ của Phật. Ông ấy phục vụ ngài trong hai mươi tư năm, và thuộc lòng cả mười hai bộ giáo lý trong các Tạng. Nhưng ông thấy mọi thứ mà Phật làm là giả dối, và cuối cùng đi đến kết luận sai lầm rằng, ngoại trừ vầng hào quang rộng sáu phít (feet), không có điểm khác biệt nào giữa ông ấy và Phật … Bởi vì ông không có niềm tin dù là nhỏ nhất và chỉ giữ những tà kiến, ông ấy kết thúc cuộc đời với việc tái sinh làm loài ngạ quỷ trong vườn hoa.” Patrul Rinpoche, Lời vàng của thầy tôi.
(Trích: Đạo sư Du già, Dilgo Khyentse Rinpoche, bản dịch Việt ngữ của Tuệ Tạng)
Nguồn: The Land of Padmasambhava