Thành Viên Tăng Đoàn Phạm Giới Luật Tu Viện
sẽ Làm Tổn Hại Truyền Thống Phật Giáo
"Ngay cả Đức Phật cũng khó mà giữ được tất cả mọi người ở một cấp độ [tâm linh] cao. Không có gì để nghi ngờ về điều đó vào lúc này, vào thời đại suy thoái, thời đại đen tối này. Thật ra, chính Guru Rinpoche đã dạy: "Không phải thời gian đang thay đổi, mà chính con người đang thay đổi." Theo Thầy, sự thật là khi tâm con người điên cuồng chạy theo dục lạc thì mọi thứ sẽ thành một mớ nát bét và hỗn loạn, không còn kỉ cương, phép tắc gì nữa.
Đã có nhiều câu chuyện đáng buồn về việc các thành viên Tăng đoàn vi phạm samaya với nhau, gây bất hòa và tranh đấu, giành giật giữa Tăng đoàn về tiền bạc hoặc tài sản. Một vị tăng làm nghề kinh doanh, sống gần chúng tôi, đã đánh thuốc mê cho đối tác làm ăn của mình. Vị tăng sau đó dùng dây siết cổ đối tác. Không những vậy, do không thể ném xác bạn làm ăn xuống sông, anh ta chỉ để cái xác trên cầu. Bây giờ vị tăng đó phải ngồi tù chung thân.
Nhiều vị tăng, lạt ma, khenpo thích đến các thành phố lớn học tiếng Anh và tiếng Trung để có thể gặp gỡ nhiều người hơn. Họ dành phần lớn thời gian lưu lại các thành phố để nhận đồ cúng dường từ những người nhẹ dạ. Sau khi họ có đủ tiền và sau khi trải qua quá nhiều thời gian trong xã hội đầy màu sắc sặc sỡ, họ sẽ từ bỏ cuộc sống tu sĩ của mình. Có ai trong các bạn thực sự muốn hủy hoại sinh mạng của các vị tăng hay sinh mạng của Phật Pháp bằng cách đưa tiền cho họ không?
Điều này đang xảy ra tại các tu viện ở Tây Tạng, Ấn Độ, Nepal, và khắp mọi nơi. Vì vậy, Thầy đang cố gắng kiểm soát tình hình hiện nay. Thầy e rằng cách nhìn của một số lạt ma chúng ta đối với tiền bạc có thể gây nên đố kỵ và bất hòa ngay trong chính tu viện, bởi vì khi tâm họ dính mắc vào xã hội vật chất, thì hầu như không có gì thực sự có thể giữ họ lại được nữa.
Nhiều người thực sự không hiểu rằng tình trạng này có thể xảy ra với các tu viện, nhưng Thầy nói với bạn là nó đã và đang xảy ra ở rất nhiều mảnh đất của Phật giáo. Thầy đã chia sẻ điều này và hỏi cách nhìn của một số đạo hữu của chúng ta, những người có tâm chí tín thành chân thật với Lamasang, với tu viện của Ngài, và với Thầy. Thầy thấy các đạo hữu đó hiểu rất rõ điều này và họ đang giúp tu viện theo cách nên làm: chỉ cúng dường cho tu viện mà thôi, để có thể phân phối công bằng và có trí tuệ. Chúng ta cần phải rất cẩn trọng. Nếu không, Phật Pháp sẽ bị hủy diệt giống như ở Ấn Độ. Ở đó, Tăng đoàn đi lạc hướng và trở nên vô dụng, do không có các quy chế đúng đắn, do thiếu hiểu biết chân thực và đạo hạnh kém, và [tình trạng này] nặng tới mức Phật Giáo đã chết ở Ấn Độ.
Nếu các thành viên Tăng đoàn làm bất cứ điều gì họ muốn mà không nghĩ đến giới luật tu viện, còn Phật tử thì không quan tâm đến đạo hạnh của các vị sư - những điều này chắc chắn sẽ làm tổn hại truyền thống Phật Giáo. Vì vậy, tất cả các Phật tử phải có trách nhiệm bảo vệ truyền thống của mình và phải cố gắng hết sức để, ít nhất là, làm những việc không gây tổn hại đến bản chất truyền thống Phật Giáo - đây là giáo huấn của Đức Phật. Những giáo huấn này giúp ta vượt thoát tham, sân, si.
Bạn có thể làm những việc lén lút, giấu giếm được nhiều người, nhưng những hành động này không giấu được những bậc sở hữu Con-Mắt-Tuệ. Và cũng không phải những hành động ấy sẽ nằm ngoài lý nhân duyên, nằm ngoài luật Nhân Quả. Có câu nói rằng thực hiện ác hạnh một cách lén lút, phá vỡ giới nguyện, hoặc bị coi thường do không đáng tin cậy trong việc giữ samaya của mình thì cũng giống như ăn thức ăn ngon tẩm thuốc độc.
Thầy là Đạo sư chính ở đây, và mọi người đều nghĩ rằng Thầy có hầu như tất cả mọi thứ. Chắc điều đó không đúng. Ví dụ, một trong những vị Tulku ở tu viện chúng tôi luôn đi đây đi đó, bỏ bất cứ thứ gì kiếm được vào túi, vì vậy vị đó sở hữu hơn 100 triệu nhân dân tệ tiền tiết kiệm và tài sản; thế nhưng vị đó có vẻ như rất ít ham muốn vì không có ô tô, không sử dụng những thứ đắt tiền. Vị đó nói với mọi người rằng: “Tôi thích truyền thống Trung Hoa: tích trữ càng nhiều của cải càng tốt qua nhiều thế hệ.” Anh ta công khai điều này với mọi người. Tương tự như vậy, ở khắp mọi nơi, người ta đang cố tích giữ rất nhiều [của cải] cho mình, không bao giờ ngơi nghỉ, luôn chạy lòng vòng đó đây để kiếm được nhiều hơn.
Vào thời Đức Phật, chư tăng phát hiện hàng trăm kí vàng trong căn phòng được sử dụng bởi một vị sư thuộc một trong sáu giai cấp bất đồng chính kiến với Đức Phật, kẻ gây hại trong Tăng đoàn - Charka. Anh ta luôn bận rộn gì đó nên không có thời gian để tham dự các hoạt động của Tăng đoàn. Anh ta qua đời như một kẻ phá vỡ giới nguyện và hủy hoại thanh danh của Đại Tăng Già (Great Sangha) bởi mắc rất nhiều sai phạm phản lại Giáo Pháp và truyền thống.
Điều phổ biến là thiên hạ, theo khuynh hướng tự nhiên, thích của cải và tiền bạc, rốt cuộc ai ai cũng bị cuốn vào các hoạt động luân hồi, thế tục. Vấn đề chính là ở chỗ những tu sĩ có hành vi sai trái này có thể dẫn người khác đi theo con đường sai lạc. Nguồn hạnh phúc của tất cả chúng sinh, lợi lạc to lớn cho tất cả sáu cõi, và tâm yếu của Đức Phật là cam lồ Pháp. Nhưng cam lồ Pháp đó sẽ chết sớm nếu mọi thành viên Tăng đoàn đều bị cuốn vào các hoạt động thế gian.
Đức Phật nói rằng giáo lý của Ngài, hay Phật Giáo, sẽ bị hủy diệt bởi chính các đệ tử của Pháp, và Tăng đoàn sẽ bị tiêu diệt bởi sự lăng xăng, bận rộn với của cải, vật chất, với các pháp thế gian. Vì vậy, các vị lạt ma có trách nhiệm bảo vệ và truyền bá giáo lý của Đức Phật phải dạy cho tất cả các thành viên trong Tăng đoàn tầm quan trọng của việc tu hạnh tri túc, để họ dành thời gian cho Giáo pháp và thời gian cho bất cứ những gì họ thực sự cần để nghiên cứu và thực hành. Cần có cách hiểu đúng đắn rằng không phải Thầy không có gì làm ngoài việc quan sát những hành vi sai trái của các vị tăng, hoặc Thầy chỉ trích họ để giải khuây; và cũng không phải Thầy sẽ hư tổn địa vị nếu họ giàu lên; vấn đề là tính thanh tịnh và lực gia trì của Giáo lý Phật đà sẽ bị mất, vẻ phong phú, đa dạng và những nét tốt đẹp của truyền thống Phật Giáo sẽ bị hủy hoại, nếu chúng ta quên giới nguyện Samaya của mình. Trên thực tế, không ai thực sự có khả năng thành tựu đồng thời cả Pháp Phật lẫn pháp thế gian, bởi vì sự thành công của các pháp thế gian hủy diệt Giáo Pháp, vì vậy chúng ta nên chỉ tập trung vào Đạo Pháp mà thôi.
Hầu hết mọi người ở khắp mọi nơi, kể cả những người theo đạo Phật, đều tốt. Họ tốt bởi vì họ đang cố gắng tuân theo và tôn trọng truyền thống văn hóa, tâm linh của họ. Nhưng, tất nhiên, có một số vấn đề ở khắp mọi nơi, kể cả trong các tu viện. Có thể một số cá nhân không thực sự cố ý hoặc không muốn tạo ra vấn đề, nhưng họ có thể không biết cách kiểm soát bản thân, hoặc họ vẫn đang trong quá trình thay đổi bản thân. Chính vì vậy, chúng tôi phải cố gắng giáo dục hoặc nhắc nhở họ đi theo đường đạo một cách liên tục và nhất quán."
Trích “Giới Nguyện của Chúng Ta Với Lamasang”, Hungkar Dorje RinpocheDiệu Âm trích dẫn