THỜ CÚNG TRONG KIM CANG THỪA
Trích "Tâm yếu đường tu"
“Hãy thực hành, đừng thờ phụng suông.”
Trước hết, nói về phòng tu tập. Nên có một phòng riêng, ở phía trên. Không nên để bàn thờ ở phía dưới, nơi có phòng sinh hoạt ở trên.
Bàn thờ nên có 2 tầng:
- Tầng trên để đặt tất cả đối tượng của thờ cúng: tượng Phật, Thangka, kinh sách, tháp bảo v. v.
- Tầng dưới để tất cả các vật cúng dường.
Cần lưu ý: không nên dùng các câu minh chú để làm vật trang trí, in vào chén bát, ghế ngồi… Khăn, áo, vật dụng cá nhân có chữ của câu chú thì có thể chấp nhận được nhưng phải lưu tâm, không được để xuống đất hay chỗ dơ bẩn.
Cách sắp xếp bàn thờ theo truyền thống Tây Tạng là:
- Tượng, tranh của các vị Đạo sư dòng truyền thừa, của Guru ở khu vực trung tâm của bàn thờ. Theo truyền thống Mật thừa, Guru bao giờ cũng là quan trọng nhất. Tiếp đến là tượng tranh của chư Phật, chư Bổn Tôn (Thân).
- Bên phải tượng, tranh là các tập sách, các bản kinh (Khẩu).
- Bên trái là tháp bảo (Ý).
Có nhiều cách để cúng dường. Có thể sắp đặt 8 món cúng dường, trong đó các phẩm vật cúng dường càng quý giá càng tốt, nhưng nếu không có điều kiện thì cúng nước cũng tốt. Tất cả các chén bát đựng đồ cúng dường phải sạch sẽ, không vỡ, không có nguồn gốc phi pháp. Phải trong sạch cả về tinh thần và hình thức. Nếu đồ cúng dường bị sứt mẻ phải đổi ngay lập tức.
Cúng nước. Cúng càng nhiều càng tốt, tuy nhiên theo truyền thống Tây Tạng thì nên cúng 5 hoặc 7 chén nước. Trước khi cúng, lấy khăn sạch lau sạch, khô các chén. Khi rót nước cúng, phải để ý không để chén không trên bàn thờ. Có 2 lý do phải làm như vậy: Thứ nhất, ngạ quỷ có thể vào cư trú các chén rỗng để ngửa. Thứ hai, để các chén rỗng trên bàn thờ là không có dấu hiệu cát tường, vì dấu hiệu cát tường bao giờ cũng là viên mãn, tràn đầy. Trạng thái rỗng không là trạng thái nghèo nàn. Rót đầy từng chén, để lên bàn thờ rồi tiếp tục chén tiếp theo. Hoặc rót một chén có nước, từ chén đó đổ qua các chén khác, mỗi chén vài giọt nước là được. Đặt các chén nước lên bàn thờ, sau đó rót thêm cho đầy. Đặt các chén thẳng hàng, không nghiêng ngả, cách đều nhau. Khoảng cách giữa các chén phụ thuộc chén to hay nhỏ. Nước cúng phải lấy từ vòi ra rồi cúng luôn, không dùng nước đun chín. Khi rót nước phải tập trung & thành kính, không được rơi rớt nước ra ngoài. Không rót quá đầy, cũng không quá vơi. Vừa rót nước, vừa trì chú
OM AH HUNG.
Tụng chú
RAM YAM KHAM trong lúc thanh tịnh hóa các phẩm vật cúng dường: Đốt hương (nhang) huơ lên: thanh tịnh bằng lửa. Dùng quạt phẩy nhẹ: thanh tịnh bằng gió. Dùng chân hương (chân nhang) nhúng vào ly nước, vẩy nhẹ vài cái: thanh tịnh bằng nước.
…
Nước đã cúng nên đổ vào một cái bình và úp chén xuống. Sau đó đổ nước đi vào nơi sạch sẽ (tưới cây) chứ không được đổ ở nơi đường xá, nơi dơ bẩn, nơi có người bước chân lên. Phải rất cẩn thận khi cúng dường. Với hoa cúng, chúng ta không nên ngắm, ngửi, khen đẹp… Không nên thưởng thức các đồ cúng dường vì như vậy là làm ô nhiễm đồ cúng. Khi mua đồ cúng, cũng không nên có tâm lý tiếc rẻ vì trót mua đắt, khen chê đắt rẻ vì cúng dường với tâm như vậy sẽ làm giảm phước đức. Trong các chén cúng dường cũng không được để lẫn lộn các phẩm vật với nhau. Ví dụ: một vài hạt gạo rơi vào chén nước, một vài cánh hoa, tàn nhang rớt sang chén gạo… Ta gọi đó là “cúng mù” (blind offering). Các con hãy nhớ chăm chút, cẩn trọng trong việc cúng cũng phải làm như (nếu không hơn) trong sinh hoạt hàng ngày. Khi người ta đưa cho mình chén trà có vài miếng thịt, trong rượu rớt vài cọng trà thì mình có thích không?
Tám món cúng dường cần sắp xếp theo đúng thứ tự từ trái sang phải, bao gồm:
- Nước: để uống
- Nước: để rửa chân
- Hoa: trang trí cho đầu
- Trầm hương: hương (cho mũi)
- Đèn bơ: sắc (cho mắt)
- Nước thơm: ý (cho tim)
- Thực phẩm: vị (cho miệng)
- Nhã nhạc: thanh (cho tai)
Phần nhã nhạc có thể để dưới dạng các hình thức tượng trưng: Chuông, pháp loa bằng ốc, đàn ghi ta, nốt nhạc…
Lưu ý: Các ngày sau đây là những ngày quan trọng trong năm, cần cúng & cần tu tập vì những ngày đó công đức được tăng trưởng lên triệu lần (theo lịch Tây Tạng):
1- Tháng đầu tiên: ngày mồng một cho đến ngày 15 của tháng là 15 ngày Đức Phật thi triển thần thông. Đây là những ngày cần cúng để Phật tử phát triển tín tâm và tăng trưởng công đức. Ngày 15 là ngày quan trọng nhất.
2- Tháng thứ tư - tháng của đức Phật Shakyamuni: Ngày 15/04 có ba sự kiện trùng nhau: Phật đản sinh, Phật thành đạo và Phật nhập Niết bàn.
3- Tháng thứ 6, ngày thứ 4: Đức Phật chuyển Pháp luân lần đầu tiên tại vườn Lộc Uyển.
4- Tháng thứ 9, ngày 22: Đức Phật từ cõi trời Đao Lợi xuống trần sau ba tháng thuyết pháp cho mẹ. Sau khi sinh đức Phật ra đời được một tuần thì mẹ Ngài mất và bà được lên cõi trời Đao Lợi. Đức Phật lên cõi trời Đao Lợi thuyết pháp cho mẹ trong ba tháng giúp cho bà đạt được chứng ngộ. Ngày 22/9 là ngày đức Phật xuống trần. Đây là ngày rất quan trọng, công đức tăng trưởng rất lớn, do đó chúng ta nên tinh tấn tu tập cả tháng 9, nếu không thì cũng phải tu tập chăm chỉ vào ngày 22/9.
5- Các ngày 8, 10, 15, 25, 30 của mỗi tháng cũng là những ngày công đức tu tập được tăng trưởng nhiều lần:
- Ngày 08: ngày vía Phật Dược sư.
- Ngày 10: ngày vía Guru Rinpoche (đức Liên Hoa Sinh)
- Ngày 15: ngày vía Phật A Di Đà.
- Ngày 25: ngày vía Dakini.
- Ngày 30: ngày của Đức Phật Shakyamuni.
Về các ngày thiêng trong năm Mật giáo có truyền thống rất phong phú và được duy trì không gián đoạn. Mỗi dòng truyền thừa có hàng trăm, hàng ngàn vị đại đạo sư (các ngài chính là các bậc Bồ Tát). Do đó có rất nhiều ngày đặc biệt liên quan đến ngày các ngài sinh, các ngài nhập Niết bàn. Hầu như tất cả các ngày đều có liên kết đến một sự kiện đặc biệt nào đó. Chính vì vậy các vị thầy của chúng ta ngày nào cũng phải tu. Chúng ta nếu cũng thực hiện tu tập đều đặn được như vậy thì rất tốt. Nếu không thì cũng phải tu tập vào những ngày quan trọng là những ngày liên quan đến đức Phật và những ngày đã kể ở trên vì những ngày đó công đức tăng lên hàng trăm, hàng triệu lần.
(Trích “Tâm Yếu Đường Tu” - Sonam Jourphel Rinpoche)