Thông điệp bí mật của nhẫn nhục ba la mật
Nhỡ khi bệnh trọng, gia bần
Ma xâm, nghiệp chướng muôn phần khổ đau
Không khiếp nhược, khổ đau gánh chịu
Là hạnh tu cao quý vô ngần
Phẩm hạnh này tóm lược mọi khía cạnh nhẫn nhục khi đối mặt khổ đau chướng ngại. Khi không còn gì để ăn, để sống, bị đối xử tồi tệ, thường xuyên tật bệnh, trải nghiệm nhiều đớn đau, chúng ta vẫn cần giữ Bồ đề tâm và sự Nhẫn nhục, không thoái nản hạnh nguyện chịu thay đau khổ cho người. Khi đó, đừng nên “nhún nhường”, cho rằng mình không thể thực hành hạnh Bồ tát vì quá khó. Đây thực sự không phải lúc nuôi dưỡng sự nhún nhường như vậy, thay vào đó, chúng ta cần tự sách tấn mình nỗ lực vượt lên.
Không chỉ thực hành Nhẫn nhục Ba La Mật, bạn còn phải hiểu thông điệp bí mật ẩn chứa bên trong. Nếu chỉ hiểu đơn thuần là nhẫn nhục chịu đựng sự gây hấn hoặc những phiền toái do người khác gây ra thì không đúng. Thông điệp ở đây là bạn phải không để những chướng ngại bên ngoài khuấy đảo, chế ngự, nhấn chìm và chi phối tâm mình, phải biến khó khăn thành cơ hội trưởng dưỡng trí tuệ, trau dồi phẩm hạnh. Mỗi khi gặp phải những nghịch cảnh nghèo đói, ngược đãi, bệnh tật… được nhắc tới trong Kinh, chúng ta cần nắm bắt như cơ hội để hoàn thiện đời sống, thay vì chất chứa thêm sân giận muộn phiền.
Hầu hết chúng ta đều dễ chán nản, bất bình trước nghịch cảnh: “Tại sao lại là tôi? Trời ơi, mọi bất hạnh liên tiếp giáng xuống đời tôi! Năm ngoái đã vậy, năm nay như thế, mai kia chắc sẽ tệ hơn mất!”. Chúng ta đơn giản phản ứng bằng cách khởi tâm tức giận phiền não. Theo cách này, chúng ta đang tự hủy hoại bản thân bằng những suy diễn tiêu cực. Đó thực sự không phải cách thức đúng đắn. Dù có sống ở nơi bom đạn tàn phá, bom đạn càng dội xuống bao nhiêu, chúng ta càng cần phải kiên cường bấy nhiêu. Đây mới đúng là thông điệp thực sự của Nhẫn nhục Ba la mật.
Có rất nhiều phương pháp thực hành hạnh nhẫn nhục, nhưng cách tốt nhất là bạn hãy tìm cách trưởng dưỡng trí tuệ hiểu biết về tự tính vạn pháp. Trí tuệ này sẽ giúp bạn tháo bỏ mọi khó khăn trong thực hành hạnh Nhẫn nhục. Một số người trong chúng ta có học thức và đôi chút hiểu biết về khoa học, song đó không phải là trí tuệ thực chứng. Bạn cần biết dưới ảnh hưởng của vô minh che chướng, chúng ta thường phản ứng tiêu cực thái quá trước nghịch cảnh, để tiếp đó nhanh chóng thoái nản buông xuôi.
Trích “Sức mạnh tình yêu thương”, Gyalwang Drukpa
Nguồn bài và ảnh: drukpavietnam.org