Thực tế tu hành không phải lấy số lượng để đo phẩm chất mà phải thường tự vấn bản thân đã thay đổi được những gì
Nhìn trên căn bản, mỗi người tu Phật cần thực hành hai phương diện. Thứ nhất, hành giả phải có khả năng rút khỏi xã hội một thời gian nhất định nào đó, có thể vài giờ, vài ngày, vài tháng hoặc vài năm... Thứ hai, có khả năng đem những kinh nghiệm từng trãi nơi tịnh tu vắng vẻ cống hiến lại cho cuộc đời, cho những người hữu duyên và cho chính cuộc sống hằng ngày mỗi chúng ta. Như hơi thở ra và hơi thở vào, cả hai đều cần thiết như nhau.
Mỗi khi nhắc đến công đức của người tịnh tu nhập thất, người ta thường rất ngưỡng mộ và tán thán những vị đó. Có người nhập thất ba năm, bảy năm hay nhập thất cả đời… Sau khi nghe xong, ai cũng ước mong có ngày mình tu theo được như thế, và chắc mình cũng sẽ đắc đến một cảnh giới nào đó. Nhưng cuộc đời còn nhiều phàm trược, không phải ai cũng tu được như vậy, nên khiến chúng ta có cảm tưởng chắc đời này mình không còn hy vọng để chuyên lo tu hành nữa.
Tuy nhiên chúng ta không biết rằng, thực tế tu hành không phải lấy số lượng mà đo phẩm chất.
Dù nhập thất ba năm mà tâm không chuyên cũng không được gì. Người chỉ tu ba ngày mà chuyên nhất thì ba ngày đó cũng có nhiều lợi lạc, cũng gặt hái được nhiều chuyển hóa. Vì thế tôi cho rằng không quan trọng thời gian dài bao lâu, tụng bao nhiêu thần chú, lạy bao nhiêu lạy, bao nhiêu cái này hay bao nhiêu cái kia. Tu hành không giống như ngân hàng tâm linh mà có thể để dành hay tích lũy được. Điều quan trọng nhất là phải thường thường tự vấn chính mình, ta đã thay đổi được bao nhiêu rồi?
Trích “Tịnh tu nhập thất”, Tenzin Palmo.An Nhẫn.