Tiếp Cận Bậc Thầy
Dzongsar Khyentse Rinpoche
Một bài nói chuyện về lòng sùng mộ của Dzongsar Khyentse Rinpoche, được ban năm 1996 ở Boulder, Colorado [Hoa Kỳ] kỷ niệm ngày Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche viên tịch.
Thành thật mà nói, tôi cho rằng tôi không phải là người thích hợp để nói về lòng sùng mộ đạo sư bởi tôi chẳng có nó. Điều này không phải vì tôi thiếu những bậc thầy; nó là bởi tôi. Hãy tin tôi, tôi có rất nhiều cái tôi và lòng sùng mộ là tin xấu cho cái tôi. Mặt khác, tôi đã tìm hiểu về lòng sùng mộ, nhờ đó có đôi chút kiến thức lý thuyết về nó.
Tại sao lại sùng mộ?
Tại sao chúng ta lại cần lòng sùng mộ? Nói chung, chúng ta cần nó bởi chúng ta cần giác ngộ. Giác ngộ có thể hiểu nôm na là thoát khỏi những ám ảnh và cản trở nhất định. Cho tới khi thoát khỏi những ám ảnh và thói quen này, chúng ta sẽ trôi lăn bất tận trong luân hồi, trải qua mọi kiểu lo lắng, khổ đau hay tương tự.
Nguyên nhân của mọi khổ đau này là sự bấp bênh căn bản của chúng ta. Chúng ta luôn băn khoăn liệu mình tồn tại hay không. Cái tôi của chúng ta, hoặc sự bám víu vào ý tưởng về ngã, hoàn toàn không vững chắc về sự tồn tại của chính nó. Cái tôi có vẻ mạnh mẽ nhưng thật sự nó khá dao động. Dĩ nhiên, chúng ta không đặt ra những câu hỏi như vậy một cách cố ý, mà luôn có cảm giác trong tiềm thức về sự bấp bênh liệu chúng ta có tồn tại.
Chúng ta cố gắng dùng những thứ như bạn bè, tiền bạc, địa vị, quyền lực và mọi điều mà hàng ngày chúng ta làm, chẳng hạn xem ti-vi hay đi mua sắm, để chứng minh và khẳng định sự tồn tại của bản thân. Hãy thử ngồi một mình trong nhà và chẳng làm gì. Chẳng sớm thì muộn, bạn sẽ với tay đến chiếc điều khiển từ xa hay một tờ báo. Chúng ta cần phải làm gì đó. Chúng ta cần bận rộn. Nếu không được vậy, chúng ta cảm thấy không an toàn.
Nhưng có một điều gì đó rất lạ trong những điều này. Cái tôi liên tục tìm kiếm sự xao lãng và sau đấy, sự xao lãng lại trở thành một vấn đề. Thay vì giúp chúng ta an tâm, nó lại khiến sự bấp bênh tăng thêm. Chúng ta bị ám ảnh bởi xao lãng và nó phát triển thành một thói quen khác. Khi nó đã trở thành thói quen, thật khó để dứt bỏ. Vì thế, để thoát khỏi thói quen mới này, chúng ta phải hình thành một thói quen khác. Đó là cách mà mọi thứ tiếp tục mãi.
Để phá hủy kiểu thói quen này, Đức Thế Tôn đã dạy chúng ta rất nhiều, rất nhiều phương pháp khác nhau. Một vài trong số đó là những phương pháp rất thiện xảo, chẳng hạn vượt qua những cảm xúc bằng cách kết bạn với chúng. Thậm chí một từ của Đức Thích Ca Mâu Ni cũng có thể giải phóng chúng ta khỏi những kiểu ám ảnh và thói quen tập khí này. Ví dụ, hãy xem giáo lý về vô thường. Khi nhiều người chúng ta, bao gồm chính tôi, nghe giảng về những thứ như vô thường, thân người quý báu, tình yêu thương và lòng bi mẫn, chúng ta thường nghĩ chúng rất đơn giản và sơ khởi. Nhưng điều này là bởi chúng ta thực sự không hiểu về chúng.
Rèn luyện Tâm thức
Tinh túy của con đường là sở hữu trí tuệ chứng ngộ vô ngã. Tới khi chúng ta có được nó, chúng ta vẫn chưa hiểu được tâm yếu của giáo lý Phật Đà.
Để đạt được trí tuệ này, đầu tiên, chúng ta phải khiến tâm thức trở nên dễ uốn nắn – trong vấn đề kiểm soát tâm mình. Như Tổ Tịch Thiên từng nói, nếu bạn muốn đi một cách thoải mái, có hai phương án khả thi. Bạn có thể cố trải da lên mặt đất – nhưng điều đó sẽ rất khó – hoặc bạn có thể đơn giản đi một đôi giày. Giống như vậy, thật khó để rèn luyện và điều phục mỗi cảm xúc mà chúng ta có, hay thay đổi thế giới theo mong muốn của ta. Thật sự, nền tảng của mọi trải nghiệm là tâm và đó là lý do Phật giáo nhấn mạnh vào việc rèn luyện tâm thức để khiến nó trở nên dễ dàng uốn nắn và linh hoạt.
Tuy nhiên, tâm linh hoạt như vậy vẫn chưa đủ. Chúng ta phải hiểu được bản tính của tâm. Điều này rất khó làm, bởi nó liên quan đến trí tuệ chứng ngộ vô ngã. Chúng ta đã ngụp lặn trong luân hồi từ vô thủy. Thói quen tập khí vô cùng mạnh mẽ. Chúng ta hoàn toàn mê mờ. Vì lý do này, rất khó để trí tuệ xuất hiện.
Vậy cần phải làm gì? Chỉ có một cách để đạt được trí tuệ này – bằng cách tích lũy công đức. Làm sao chúng ta tích lũy công đức này? Theo thừa căn bản của Phật giáo, phương pháp tích lũy công đức là nhờ phát khởi tâm xả ly, bằng cách quán chiếu về vô thường, nhờ từ bỏ mọi nguyên nhân và điều kiện củng cố cái tôi, nhờ tham gia vào mọi nguyên nhân và điều kiện tăng cường trí tuệ, từ bỏ việc làm hại chúng sinh khác hay tương tự. Trong truyền thống Đại thừa, công đức tích lũy nhờ lòng bi mẫn dành cho hữu tình chúng sinh.
Nói ngắn gọn, nếu bạn muốn giác ngộ, bạn cần trí tuệ. Nếu bạn muốn trí tuệ, bạn phải có công đức. Và để có được công đức, theo Đại thừa, bạn phải có lòng bi mẫn và Bồ đề tâm, mong ước thiết lập chúng sinh trong trạng thái giải thoát.
Ân phước gia trì của Bậc thầy
Kim Cương thừa nổi tiếng về những phương pháp và kỹ thuật của nó, một vài trong số đó khá dễ. Tuy nhiên, quan trọng nhất là có “quan kiến linh thiêng”. Và lòng sùng mộ bậc thầy là tinh túy của quan kiến linh thiêng này. Bình giảng về Mật điển Thắng Lạc Kim Cương nói, “Nhờ ân phước gia trì và lòng từ của bậc thầy, đại lạc, sự chứng ngộ tính không, sự hợp nhất của luân hồi và Niết bàn, có thể đạt được tức thì”. Trích dẫn này nói về Phật tính.
Nhìn chung, thông điệp rốt ráo của Phật giáo là bạn sở hữu Phật tính. Nói cách khác, bạn vốn đã và khá tự nhiên có trong mình những phẩm tính của sự giác ngộ trọn vẹn. Nhưng bạn cần nhận ra nó. Sự thật rằng bạn chưa nhận ra được là lý do khiến bạn lang thang trong luân hồi. Theo Tổ Long Thọ, Đức Phật không nói rằng bạn cần từ bỏ luân hồi để đạt giác ngộ. Ngài nói, bạn cần thấy luân hồi là trống rỗng, rằng nó không tồn tại cố hữu. Điều này giống như nói rằng bạn cần nhận ra Phật tính cốt yếu của mình.
Có nhiều phương pháp khác nhau để nhận ra vị Phật bên trong này. Trong đó, nhanh nhất và dễ nhất là thọ nhận ân phước gia trì của bậc thầy. Đó là nguyên nhân khiến lòng sùng mộ là cần thiết.
Ví dụ, bạn có thể gặp ác mộng về quái vật. Nhưng sau đấy, ai đó bất ngờ đổ một thùng nước lạnh vào bạn và bạn tỉnh giấc. Nước lạnh không thực sự khiến quái vật biến mất, bởi chẳng có quái vật nào cả. Nó chỉ là giấc mơ. Nhưng mặt khác, khi bạn gặp ác mộng, khổ đau của bạn là thật và người đổ thùng nước lên bạn thật sự rất tử tế và đặc biệt. Nếu bạn có nhiều công đức, bạn có thể gặp một người như thế, một người có thể đổ nước. Tuy nhiên, nếu không có công đức, bạn có thể chẳng bao giờ tỉnh dậy khỏi cơn ác mộng.
Truyền thừa đạo sư bắt đầu từ một vị gọi là Kim Cương Trì [Vajradhara] hay Phổ Hiền Vương Như Lai [Samantabhadra]. Chư đạo sư của chúng ta nói rằng, Ngài là tâm chúng ta, bản tính của tâm ta. Điều này nghĩa là khi chúng ta truy ngược lại dòng truyền thừa, chúng ta cuối cùng sẽ kết thúc ở chính tâm mình, tinh túy của bản thân chúng ta. Bậc thầy không phải là kiểu một người bảo trợ toàn năng mà chúng ta phải thờ phụng hay tuân theo. Điều quan trọng nhất cần hiểu là Ngài là sự hiển bày Phật tính của chúng ta.
Ở cấp độ thông thường, người ta có thể nói bậc thầy là người nói cho bạn điều cần làm và điều cần tránh. Một đứa bé có thể không nhận ra bàn là nóng gây bỏng, vì thế cha bảo rằng nó gây bỏng và giúp cậu bé không bị thương. Bậc thầy làm vậy vì bạn khi Ngài nói cho bạn điều gì đúng và điều gì sai.
Việt dịch: Pema Jyana