Tiểu Sử Dilgo Khyentse Rinpoche
(1910-1991) Sau đây là tường thuật tự truyện của Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche:
“Tôi sinh ra ở Denma – tên gọi này về mặt lịch sử bắt nguồn từ những miêu tả thi ca về vùng đất là ‘được phú bẩm sự chói lọi của vàng’ hay ‘bên bờ của dòng sông chứa vàng’. Nơi tôi chào đời là bên rặng Drida Zalmo Gang trong vùng được biết đến là Bốn Sông và Sáu Rặng [1] ở những vùng đất thấp về phía Đông của Đại Tây Tạng. Khu vực này được bảo vệ bởi đỉnh núi Jowo Gyokchen, một trong những ngọn núi của một vùng hoang dã lớn được gọi là Năm Anh Em. Một học giả Phật giáo vĩ đại của Ấn Độ, chúa tể của chư thành tựu giả, tên là Shri Smritijnana, từng viếng thăm vùng đất này và giảng dạy Vi Diệu Pháp cùng những chủ đề khác. Ngài lưu lại cho đến cuối đời và một bảo tháp thờ di cốt của Ngài vẫn tồn tại.
Một trong những ngôi chùa được xây dựng để giữ gìn biên giới tọa lạc tại đây [2]; ngôi chùa thờ bức tượng Tara từ Langtang. Đạo Sư Sakya – Tổ Drogon Chogyal Pakpa [3] đã đi qua vùng này trong những hành trình của Ngài đến và từ Mông Cổ. Tsultrim Ozer từ Ngari, một đệ tử của Kim Cương Trì vĩ đại của Tu viện Ngor, cũng thành lập Tu viện Rabsam ở đây. Trong vùng này cũng có những Tu viện Drikung Kagyu chẳng hạn như Reralgon, những Tu viện Gelukpa như Deng-gon do vị thầy Tongpon Rasmidhvaja từ Gontok – một đệ tử của Choje Rinpoche thành lập và những Tu viện Kagyu chẳng hạn Melong-gon do Đức Karmapa Chodrak Gyatso [4] thành lập.
Khoảng mười sáu đạo sư tôn quý đã chào đời tại nơi này, bao gồm Tổ Drikung Kyobpa Jigten Sumgon [5], Drupchen Sang-gye Nyenpa và Mingyur Namkhai Dorje. Đây là nơi cư ngụ của gia đình tôi – gia đình Dilgo, những vị quản lý trong chính quyền Derge và xuất thân từ tộc Nyo linh thiêng [6]. Trong gia đình này, vào ngày Mười lăm tháng Ba hay tháng Đen của năm được biết đến là ‘Chung’ (một năm Kim Tuất) trong chu kỳ sáu mươi năm thứ mười lăm [7], Mipham Rinpoche [8], Đức Văn Thù Sư Lợi trong thân người, bắt đầu giảng giải cho một nhóm người luận giải chính yếu về Mật điển huy hoàng nhất trong các Mật điển – Mật Điển Thời Luân Súc Tích. Tôi đã chào đời trong sự kiện này, vào ngày Ba mươi tháng Tư, khi trăng non và tinh tú Drozhin hội tụ. Trước khi tôi được bú sữa mẹ, những chủng tự HRIH và DHIH được viết lên lưỡi tôi bằng bơ nấu chảy và tôi được ban những viên thuốc Văn Thù và Diệu Âm linh thiêng [9]. Khoảng một tháng sau khi chào đời, tôi được đưa đến trước sự hiện diện uy nghiêm của Mipham Rinpoche, vị đã cử hành nghi thức tịnh hóa về chư Bổn tôn Phật Đỉnh Tôn Thắng và Uế Tích Kim Cương Bhurkumkuta cùng một nghi lễ cầu trường thọ cho tôi. Ngài đã ban cho tôi danh hiệu Tashi Paljor.
Sau đấy, cho đến khi Ngài viên tịch vào ngày Hai mươi chín tháng Tư Saga trong năm Thủy Tý [10], Mipham Rinpoche thường xuyên ban cho tôi những viên thuốc thiêng của Đức Văn Thù Sư Lợi. Thỉnh thoảng, Ngài cũng cử hành nghi thức ban phước gia trì cho tôi. Không lâu trước khi viên tịch, Ngài ban cho tôi sự gia trì tam kim cương – thân, khẩu và ý, sử dụng một bức tượng Văn Thù Sư Lợi Trí Tát Đỏa [Manjushri Jnanasattva], Pháp khí tu tập của chính Ngài. Ngài hứa khả rằng Ngài sẽ cầu nguyện cho cả gia đình tôi cho đến khi tất cả chúng tôi đạt được tâm yếu giác ngộ. Lòng từ của Ngài dành cho chúng tôi thực sự không thể nghĩ bàn.
Vào khoảng thời gian đó, tôi học đọc và viết. Khi tôi lên mười, tôi bị bỏng và ốm nặng trong khoảng sáu tháng. Những hoàn cảnh thúc đẩy tôi theo hướng tích cực và tôi thọ giới Sa di từ Gyaltsap Pema Namgyal Rinpoche [11] của Tu viện Shechen, vị vốn là một đệ tử của cố đạo sư Khyentse. Ngài ban cho tôi danh hiệu Gyurme Lapsum Gyaltsen. Ngài cũng truyền Bồ Tát giới theo cả truyền thống Trung Quán và truyền thống hành động mở rộng, trao cho tôi danh hiệu Gyalse Chokyi Nyugu.
Từ vị đạo sư này, tôi cũng thọ nhận các quán đỉnh từ những sự trao truyền Kama của trường phái Cựu Dịch, bao gồm quán đỉnh chư Bổn tôn an bình và phẫn nộ Diệu Huyễn Võng, Tập Hội Đấng Thù Thắng, Khorwa Dongtruk và Samyak Heruka. Ngài cũng ban những trao truyền Terma[12], chẳng hạn toàn bộ tuyển tập Bình Như Ý Cao Quý [13], Kim Cương Tát Đỏa theo truyền thống của Tu viện Mindrolling [14], Động Pha Lê Liên Hoa (quán đỉnh tinh túy cho pho Tám Mệnh Lệnh Tập Hội Chư Thiện Thệ [15] được phát lộ bởi Tổ Nyangral Nyima Ozer), Dao Bí Mật Nhất (pho Phổ Ba Kim Cương được phát lộ bởi Guru Chowang), nghi quỹ trường thọ Tập Hội Bí Mật được phát lộ bởi Ratna Lingpa và Tổng Nhiếp Chư Thiện Thệ – một pho Terma Quán Thế Âm của truyền thống Mindrolling. Ngài cũng ban quán đỉnh, khẩu truyền và giáo lý cho Bốn Phần Tâm Yếu [16], khẩu truyền cho tất cả những trước tác được tuyển tập của Đức Văn Thù Mipham Rinpoche và Kho Tàng Chỉ Dẫn Tâm Linh [Damngak Dzod] [17], điều bao gồm những trao truyền cho tám truyền thừa thành tựu. Cùng với những trao truyền này, tôi chính thức được công nhận là hóa hiện về ý giác ngộ của Tổ Jamyang Khyentse Wangpo [18] bởi Gyaltsap Rinpoche, vị cũng ban cho tôi danh hiệu Gyurme Tekchok Tenpai Gyaltsen. Ngài là một đạo sư phi phàm với lòng từ lớn lao, người ảnh hưởng đến tôi một cách sâu sắc.
Từ Khen Rinpoche Pema Losel của Tu viện Dzogchen, tôi thọ nhận các quán đỉnh, khẩu truyền và giáo lý cho hai pho những bản văn gốc của Tâm Yếu Longchenpa [Longchen Nyingtik] cũng như trao truyền giảng dạy [19] cho Ba Pho Tự Nhiên Giải Thoát [Rangdrol Korsum]. Đức Pema Dechen Zangpo từ Mura ở Dza trao cho tôi những giáo lý về sáu trạng thái trung ấm Bardo được tìm thấy trong phần về giai đoạn hoàn thiện trong pho giáo lý về chư Bổn tôn an bình và phẫn nộ do Karma Lingpa [20] phát lộ. Dưới sự chỉ dạy của Adzom Drukpa Rinpoche Natsok Rangdrol [21], tôi nghiên cứu những giáo lý sâu xa về các thực hành sơ khởi Tâm Yếu Longchenpa [Ngondro Longchen Nyingtik]. Với thầy Tendzin Dorje, một đạo sư trì tụng của Tu viện Palpung, tôi nghiên cứu những tác phẩm căn bản về ngữ pháp Tạng ngữ (Ba Mươi Phụ Âm và Những Kết Thúc Cách), đánh vần và những luận giải về ngữ pháp Phạn ngữ cũng như thi ca (ba chương về Chiếc Gương Thi Ca, Bài Giảng Về Ngữ Pháp Kapala và Bài Giảng Về Ngữ Pháp Sarasvata). Dưới sự dẫn dắt của Khenchen Zhenga Rinpoche [22] của Tu viện Dzogchen, tôi nghiên cứu những bản văn như Nhập Bồ Tát Hạnh, Nhập Trung Đạo, Những Đoạn Kệ Gốc Về Trí Tuệ Thù Thắng và năm tác phẩm khác của Tổ Long Thọ về lý luận lô-gíc, cũng như Tứ Bách Kệ Tụng. Chính Ngài là người ban cho tôi danh hiệu Rabsel Dawa.
Dưới sự chỉ dạy của Khenpo Thupten Chopel [23] từ Changma Batur, tôi nghiên cứu Di Lặc Ngũ Luận. Đặc biệt, trong khoảng thời gian sáu tháng, Ngài đã trình bày ba lần một sự giảng giải rất chi tiết về Xua Tan Bóng Tối Trong Mười Phương, luận giải của Tôn giả Longchenpa về Tinh Túy Bí Mật (cũng được biết đến là Diệu Huyễn Võng). Tôi đã nghiên cứu các luận giải khác về Mật điển này, bao gồm Khẩu Truyền Của Bí Mật Chủ, Sức Trang Hoàng Ý Định Giác Ngộ, luận giải của Rabjam Orgyen Chodrak và luận giải với tựa đề Điều Hiếm Có Thù Thắng của Rongzom Lotsawa, tất cả đều dưới sự chỉ dạy của Khenpo Tekchok từ Gemang. Từ Khenpo Rigdzin Ozer, tôi thọ nhận những giáo lý về các đoạn kệ gốc và luận giải về Kho Tàng Phẩm Tính Quý Báu và từ anh trai Sang-gye Nyenpa, những giáo lý về Xác Quyết Ba Bộ Giới Luật, luận giải chú thích về bản văn này của Khenpo Guna và một sự giải thích về luận giải của Karma Ngedon từ Litang về Kho Tàng Vi Diệu Pháp.
Khyentse Rinpoche Jamyang Chokyi Lodro [24] từ Tu viện Dzongsar, đấng bảo hộ vinh quang và không phân biệt của giáo lý và chúng sinh, đã trao cho tôi (1) quán đỉnh, khẩu truyền và giáo lý cho toàn bộ những trao truyền Kama của trường phái Cựu Dịch, (2) quán đỉnh, khẩu truyền và giáo lý cho Kho Tàng Giáo Lý Ẩn Giấu Quý Báu [Rinchen Terdzod] [25], (3) quán đỉnh, khẩu truyền và giáo lý cho Trích Yếu Nghi Quỹ [26], (4) tất cả quán đỉnh và giáo lý cho sự trao truyền chi tiết, riêng tư về pho Lamdre [27] của trường phái Sakya, (5) những quán đỉnh mở rộng cho bảy Mandala của truyền thống Ngor, (6) hai quán đỉnh mở rộng về Thời Luân Kalachakra từ truyền thống của Tu viện Zhalu và của Đức Atisha. Ngài trình bày nhiều luận giải về Hai Chương, chẳng hạn từ truyền thống Ngok, luận giải của Ngok Zhedang Dorje, Tia Sáng Mặt Trời (luận giải mở rộng về Hai Chương của Dakpo Tashi Namgyal), tổng quan và luận giải của Jamgon Kongtrul Rinpoche [28]. Ngài cũng ban cho tôi những giáo lý chi tiết và mở rộng về các luận giải và tổng quan từ ba bộ luận chính yếu về các Mật điển nói chung và đặc biệt là Mật Điển Hevajra của truyền thống Sakya, cũng như giáo lý giải thích dựa trên những đoạn kệ gốc về Kho Tàng Kiến Thức [29] của Kongtrul Rinpoche. Ngài ban những trao truyền cho tất cả Mật điển, luận giải giải thích và chỉ dẫn cốt tủy cho các pho chính yếu của giáo lý Nyingtik trong cách tiếp cận Dzogchen, chẳng hạn toàn bộ trao truyền cho Bốn Phần Tâm Yếu cùng với quán đỉnh, khẩu truyền và giáo lý cho hai quyển Tâm Yếu Longchenpa. Tôi cũng thọ nhận quán đỉnh mở rộng cho Ý Định Hợp Nhất Của Chư Đạo Sư [30], quán đỉnh mở rộng cho pho Tám Mệnh Lệnh Tập Hội Chư Thiện Thệ, quán đỉnh, khẩu truyền và giáo lý cho tất cả các pho giáo lý được phát lộ bởi Terchen Chokgyur Lingpa [31], khẩu truyền năm quyển trước tác được tuyển tập của Tổ Tsele Natsok Rangdrol và một giáo lý giải thích về Con Đường Tuần Tự Vĩ Đại [32] của Je Rinpoche Tsongkhapa. Nhờ lòng từ của Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro, tôi thọ nhận đại dương những phương pháp sâu xa và mở rộng về Giáo Pháp và có được phước báu trở thành một vị giữ gìn truyền thừa rốt ráo. Theo cách này hay cách khác, vị đạo sư này là chúa tể phi phàm của gia đình Phật của tôi, cội nguồn căn bản của truyền thừa của tôi.
Từ thầy giáo thọ Karma Lhundrup, tôi thỉnh cầu khẩu truyền cho toàn bộ tuyển tập Kangyur [33], sáu quyển Terma của Tổ Jatson Nyingpo, mười ba quyển của pho Namcho [34] và những tiểu sử Terma của Guru Rinpoche và Yeshe Tsogyal được phát lộ bởi Tổ Taksham Nuden Dorje. Từ Đức Rolpai Dorje thứ năm thù thắng, vị Terton của Tu viện Zurmang, tôi thọ nhận các quán đỉnh và khẩu truyền cho tất cả Terma được phát lộ bởi vị Rolpai Dorje thứ nhất, cũng như tất cả quán đỉnh mở rộng cho truyền thừa khẩu truyền của chư Không Hành Nữ về Thắng Lạc Kim Cương Chakrasamvara. Tokden Tseten, cũng từ Zurmang, trao truyền cho tôi tất cả trước tác được tuyển tập của Jetsun Taranatha của Tu viện Jonang. Từ Norbu Tulku từ Lalo, tôi thỉnh cầu tất cả quán đỉnh và khẩu truyền Kho Tàng Mật Chú Trường Phái Kagyu [Kagyu Ngagdzod]. Khenpo Zopa Rapten từ Tu viện Benchen ban cho tôi khẩu truyền toàn bộ Tuyển Tập Trước Tác của Paltrul Rinpoche [35], luận giải hai quyển quan trọng về Kho Tàng Phẩm Tính Quý Báu của Yonten Gyatso (một vị Khenpo từ Tu viện Gemang) và những tác phẩm khác.
Từ Gyalwang Karmapa, tôi thỉnh cầu các quán đỉnh và khẩu truyền ba quyển của Kho Tàng Mật Chú Trường Phái Kagyu và Kho Tàng Chỉ Dẫn Tâm Linh. Khenpo Tendzin Dargye từ Tu viện Shechen ban cho tôi khẩu truyền chín quyển Tuyển Tập Trước Tác của Tổ Jigme Lingpa. Kongtrul Rinpoche của Tu viện Shechen [36] ban cho tôi những giáo lý giải thích về mười ba quyển Tuyển Tập Trước Tác của Minling Terchen Rinpoche và Hạt Như Ý, một luận giải về Xác Quyết Ba Bộ Giới Luật của Minling Lochen Rinpoche. Từ Đức Jamyang Losel của Tu viện Shechen, tôi thọ nhận khẩu truyền mười ba quyển Tuyển Tập Trước Tác của Shechen Gyaltsap Rinpoche. Drung Namgyal Rinpoche ban các quán đỉnh, khẩu truyền và giáo lý cho dòng truyền thừa khẩu truyền của chư Không Hành Nữ về Thắng Lạc Kim Cương và trao truyền giáo lý về Sức Trang Hoàng Ngọc Báu Của Giải Thoát của Tổ Gampopa [37].
Từ Đức Dodrupchen thứ tư – Thupten Trinle Palbar, tôi thọ nhận tất cả khẩu truyền các trước tác được tuyển tập của vị Dodrupchen thứ ba – Jigme Tenpe Nyima [38]. Ngài Jamyang Drakpa Khargo ban cho tôi khẩu truyền Bảy Kho Tàng [Dzod-dun] và Ba Pho Tìm Kiếm Tự Tại của Tôn giả Longchenpa. Kyabje Dudjom Rinpoche ban cho tôi nhiều quán đỉnh và khẩu truyền từ các pho Tersar, chẳng hạn Terma ý định giác ngộ Phổ Ba Kim Cương. Từ Drupwang Kangyurwa Longchen Yeshe Dorje, tôi thọ nhận quán đỉnh và khẩu truyền Ý Định Hợp Nhất Của Chư Bổn Tôn [Yidam Gongdu], một pho giáo lý được phát lộ bởi Tổ Taksham Nuden Dorje và Tuyển Tập Mật Điển Trường Phái Nyingma. Khenchen Lozang Tendzin Gyaltsen từ Nedo (thuộc những vùng thấp hơn của miền Đông Tây Tạng) ban cho tôi quán đỉnh mở rộng cho Mật điển huy hoàng nhất Mật Tập Guhyasamaja cũng như trao truyền giáo lý cho Bốn Luận Giải Kết Hợp dựa trên Mật điển này và quán đỉnh mở rộng về Thắng Lạc Kim Cương theo truyền thống Ghantapada, với sự trao truyền giáo lý Sáng Tỏ Tất Cả Ý Nghĩa Ẩn Giấu, một luận giải của Je Rinpoche Tsongkhapa về truyền thống này.
Như tất cả những điều trên đây minh họa, nhờ lòng từ lớn lao của nhiều đạo sư vĩ đại, tôn quý của sự tiếp cận bất bộ phái (hơn bảy mươi vị), tôi đã thọ nhận cam lồ Giáo Pháp. Bên cạnh đó, từ Khenchen Jamyang Yeshe Seng-ge của trường phái Drukpa Kagyu, tôi thọ nhận các quán đỉnh và khẩu truyền cho pho giáo lý của Dorje Lingpa. Đây chỉ là ghi chép phổ quát về nhiều trao truyền mà tôi đã thọ nhận.
Tựu trung lại, tôi đã dành ít nhất hai mươi hai năm thực hành ở những địa điểm cô tịch, bắt đầu từ khoảng năm mười tám tuổi. Tôi đã nỗ lực hết sức có thể, thiền định và trì tụng thần chú cho những thực hành chẳng hạn như các Pháp tu về Tám Mệnh Lệnh, Ý Định Hợp Nhất Của Chư Đạo Sư, Phổ Ba Kim Cương, hầu hết các Terma của truyền thống Mindrolling, những thực hành phổ thông và đặc biệt về Tam Gốc từ pho Tâm Yếu Longchenpa, các thực hành then chốt sâu xa nhất từ những pho giáo lý của Tổ Jamyang Khyentse Wangpo và Chokgyur Lingpa, cùng các hình tướng an bình và phẫn nộ của Văn Thù Sư Lợi từ những trước tác của Mipham Rinpoche. Những dấu hiệu và sự biểu thị về sự hành trì thành công cho từng thực hành này đều không thiếu.
Để không lãng phí những cúng phẩm mà tôi chấp nhận vì mọi người, sống hay chết, tôi đã tham dự vô số Pháp hội Đại Thành Tựu [Drupchen] tập trung vào các nghi thức chẳng hạn Kim Cương Tát Đỏa của truyền thống Mindrolling, Cõi Hiện Hỷ Của Kim Cương Tát Đỏa – Nghi Lễ Phục Hồi Thệ Nguyện Mật Thừa được phát lộ bởi Terchen Chokgyur Lingpa, pho Tám Mệnh Lệnh Tập Hội Chư Thiện Thệ, Tập Hội Mệnh Lệnh – Đại Dương Giáo Lý Tâm Linh, nghi quỹ Đạo Sư với tựa đề Nghi Quỹ Ý Giác Ngộ – Xua Tan Mọi Chướng Ngại [Tukdrup Barche Kunsel], Bảy Khía Cạnh Sâu Xa Của Phổ Ba Kim Cương và Tập Hội Chư Vị Vinh Quang Vĩ Đại từ Tâm Yếu Longchenpa. Tôi cũng bảo trợ việc cúng dường trăm nghìn ngọn đèn vào nhiều dịp khác nhau cùng bất kỳ hoạt động nào khác thích hợp để tích lũy tư lương và tịnh hóa che chướng.
Tôi đã trao truyền Kho Tàng Giáo Lý Ẩn Giấu Quý Báu và Kho Tàng Chỉ Dẫn Tâm Linh ba lần, Kho Tàng Mật Chú Trường Phái Kagyu một lần, Kangyur quý báu một lần, Tuyển Tập Trước Tác của [Jamgon] Kongtrul Rinpoche và Mipham Rinpoche hai lần, Tuyển Tập Trước Tác của Paltrul Rinpoche một lần, các quán đỉnh, khẩu truyền và giáo lý cho Bốn Phần Tâm Yếu và Tâm Yếu Longchenpa hơn mười lần và Trích Yếu Nghi Quỹ một lần.
Điều này kết thúc ghi chép phổ quát của tôi về những điều thiện lành mà tôi đã hoàn thành trước khi bước sang tuổi sáu mươi tư”.
Bên cạnh các bình luận của chính Khyentse Rinpoche, tôi muốn trích vài dòng từ một trong những Terma của Ngài – Tâm Yếu Liên Hoa Tự Sinh, điều chứng thực rằng Ngài là một hóa hiện của cả hai vị được nhắc đến ở đây:
“Cầu mong lợi lạc vô biên cho chúng sinh đến từ sự gặp gỡ của giáo lý này với một đạo sư thù thắng của giác tính, một hóa hiện của vua Phật tử vĩ đại và được Tôn giả Vô Cấu Hữu ban phước”. Về hình tướng vật lý, đàn tràng thân thể của Ngài rất to lớn. Sống mũi của Ngài cao, đầu Ngài to như chiếc ô theo truyền thống biểu tượng cho sự oai nghi và thân trên của Ngài như của sư tử, với ngực nở cùng vai rộng. Mắt Ngài, hình dáng như trăng lưỡi liềm, rạng rỡ sáng ngời và không bao giờ rời khỏi cái nhìn cho thấy sự an trụ trong định sâu sắc.
Trong tất cả hành động, lời nói và suy nghĩ, Khyentse Rinpoche minh họa cho một người mà các Kinh điển miêu tả là "đi trước bởi giác tính bất tận và theo sau bởi giác tính bất tận". Ngài không bao giờ dao động khỏi bản tính chân thật; khẩu của Ngài dịu ngọt và vang rền; ý của Ngài bao la và tràn khắp. Ngài cực kỳ từ ái, đối xử bình đẳng với mọi người bất kể địa vị. Ngài đặc biệt thích những vị khiêm cung và không bao giờ bỏ rơi bất kỳ ai mà Ngài đã chăm sóc. Tâm Ngài rộng mở đến mức, bất chấp yêu cầu lớn lao về thời gian và sức lực, trong lúc tham gia vào các hoạt động vì lợi ích của giáo lý và chúng sinh, Ngài duy trì không khí tự tại và hoàn thành trong vài tháng hay năm điều mà người bình phàm phải cần cả đời. Chúng tôi, những vị may mắn có mối liên hệ cá nhân với Khyentse Rinpoche trong một khoảng thời gian dài, đã tận mắt chứng kiến cách cư xử đáng ngạc nhiên và tuyệt vời của Ngài.
Theo lối tương tự, Ngài du hành khắp thế giới, cả Đông và Tây Bán Cầu, ban phước gia trì và trao truyền Giáo Pháp ở những vùng mà thậm chí tên gọi của các giáo lý này cũng chưa từng được nghe thấy. Hoàn thành các ước nguyện của Choktrul Pema Wangyal [39], vị trông coi những giáo lý của Ngài, Khyentse Rinpoche thành lập trung tâm nhập thất Tekchok Osel Choling ở Pháp. Ngài cũng xây dựng một bảo tháp ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ.
Ở Nepal, gần bảo tháp Boudha (nơi được xây dựng theo những ước nguyện của viện trưởng Tịch Hộ Shantarakshita, đạo sư Liên Hoa Sinh Padmakara và vua Phật tử Trisong Detsen) [40], Dilgo Khyentse Rinpoche xây dựng [Tu viện] Shechen Tennyi Dargyeling, một trung tâm chính yếu để giữ gìn truyền thống của Ngài. Ngôi chùa lớn, gồm ba tầng, được nâng đỡ bởi tám mươi cột và vây quanh bởi vài trăm phòng cho chư Tăng cư ngụ. Ngôi chùa lưu giữ những bức tượng mạ vàng của chư Phật ba thời, tất cả được làm từ các chất liệu quý giá và trên những bức tường bên trong là tranh tường về chư Tam Gốc theo bốn trường phái chính yếu của Phật giáo Tây Tạng – Sakya, Geluk, Kagyu và Nyingma – cũng như các cõi Tịnh độ siêu phàm, những linh kiến được trải qua bởi chư đạo sư vĩ đại của truyền thừa cùng nhiều chủ đề tuyệt hảo khác. Đằng sau ngôi chùa là phòng thờ Đạo Sư, nơi có sức chứa hơn trăm người. Tại đó lưu giữ bức tượng Guru Rinpoche cao một tầng, xung quanh là những bức tượng mạ vàng các đệ tử thân cận của Ngài, đức vua Tây Tạng cùng thần dân. Bao quanh tổ hợp này là những kinh luân và tám kiểu bảo tháp. Nói ngắn gọn, trung tâm mới này bao gồm những yếu tố tuyệt vời, cả cấu trúc hỗ trợ và những đại diện được lưu giữ bên trong.
Ở Bhutan, Khyentse Rinpoche giám sát việc xây dựng những ngôi chùa mới, gồm Guru Lhakhang bên sông Kyichu và Guru Lhakhang ở vùng hạ của thung lũng Thimphu. Ngài đúc một bức tượng Đức Phật lớn tại Tu viện Derge Gonchen vĩ đại ở miền Đông Tây Tạng. Khyentse Rinpoche như thế bảo trợ cho ba kiểu đại diện của thân, khẩu và ý giác ngộ ở mức độ rộng lớn.
Về những đại diện của khẩu giác ngộ, Ngài bảo trợ việc in hàng nghìn tập kinh, bao gồm các bản văn quan trọng như Năm Kho Tàng Vĩ Đại, Tuyển Tập Trước Tác của Mipham Rinpoche, Shechen Gyaltsap Rinpoche, Tổ Jigme Lingpa cùng nhiều đạo sư khác, và Tuyển Tập Mật Điển Trường Phái Nyingma. Chỉ riêng về thành tựu này, lòng từ của Khyentse Rinpoche trong việc phục hồi giáo lý là không thể đo lường.
Khi những hoàn cảnh áp bức Tây Tạng bởi các thế lực chiếm cứ láng giềng [41] đã dịu bớt, Khyentse Rinpoche trở về [Tây Tạng] ba lần và là một nhân vật chủ chốt trong việc phục hồi giáo lý Phật Đà nói chung và tái thiết, từ nền móng, những Tu viện như Shechen, Dzogchen, Mindrolling và Samye. Ở đó, Ngài ban các quán đỉnh, khẩu truyền và giáo lý (chẳng hạn Kho Tàng Giáo Lý Ẩn Giấu Quý Báu vĩ đại) và phục hồi điều hiếm có và giá trị, lờ đi bất kỳ nỗ lực can thiệp nào từ các thế lực chiếm đóng. Nhờ hoạt động này, Khyentse Rinpoche đảm bảo sự tồn tại dài lâu của những giáo lý quý báu của Đấng Chiến Thắng. Ngài ban vô số pho quán đỉnh, khẩu truyền và giáo lý: Tuyển Tập Trước Tác của Jamgon Mipham Rinpoche, Đấng Toàn Tri Longchenpa và nhiều đạo sư khác ở Mysore, miền Nam Ấn Độ; Tam Gốc Tịnh Quang Tâm Yếu, các quán đỉnh và giáo lý của truyền thống Kama và Terma của cách tiếp cận Dzogchen, cũng như những giáo lý chi tiết về các giai đoạn phát triển và hoàn thiện cùng với Dzogchen ở Pháp; những trao truyền Kama của trường phái Cựu Dịch ở Bumthang, Bhutan; và Kho Tàng Chỉ Dẫn Tâm Linh tại Tu viện của những vị Khamtrul Tulku.
Theo năm tháng, Khyentse Rinpoche chủ trì hàng trăm Pháp hội Đại Thành Tựu Drupchen, tập trung vào các pho giáo lý như Tập Hội Chư Vị Vinh Quang Vĩ Đại (ở Paro, Bhutan), Tập Hội Đấng Thù Thắng từ những trao truyền Kama (tại trụ xứ của Ngài ở Nepal) và Nghi Quỹ Vĩ Đại Cam Lồ Gia Trì Thuốc.
Về những khóa nhập thất, dường như không có gì trong toàn bộ những thực hành Tam Gốc rút ra từ truyền thống Kama hay truyền thống Terma Cũ hoặc Mới, mà Khyentse Rinpoche không hoàn thành các giai đoạn phát triển và hoàn thiện. Chúng bao gồm những thực hành như chư Bổn tôn phẫn nộ của Tập Hội Chư Vị Vinh Quang Vĩ Đại và các thực hành Tam Gốc khác từ pho Tâm Yếu Longchenpa, những hình tướng an bình và phẫn nộ của Văn Thù Sư Lợi, Phổ Ba Kim Cương, các pho về Tám Mệnh Lệnh và chư Mamo phẫn nộ. Trong những khóa nhập thất này, Khyentse Rinpoche được dẫn dắt trong các linh kiến bởi hiện thân giác tính bất tận của Đức Orgyen vĩ đại, Vimalamitra, Saraha và nhiều thành tựu giả khác của Ấn Độ và Tây Tạng. Đặc biệt, ở Paro Taktsang, Bhutan, Ngài có một linh kiến về Tổ Rigdzin Jigme Lingpa, vị đã cho phép Ngài trở thành một đạo sư của giáo lý Nyingtik [Tâm Yếu]. Ngài cũng có những linh kiến về vô số Bổn tôn thiền định của Ngài và nhờ đó, đã đạt được sự làm chủ nhờ các thành tựu [siddhi] thù thắng và thông thường hơn. Trong suốt cuộc đời, Khyentse Rinpoche không bao giờ để dù chỉ một khoảng thời gian ngắn trôi qua mà không giảng dạy liên tục, ban các quán đỉnh, khẩu truyền và giáo lý cho tất cả đệ tử bất kể địa vị, tùy theo nhu cầu của mỗi người. Đó là cách mà Ngài đã giảng dạy Giáo Pháp.
Nói ngắn gọn, đấng vĩ đại này minh chứng cho điều mà các bản văn miêu tả là một Bồ Tát vĩ đại với sự làm chủ tâm linh, người có thể biến một kiếp thành một khoảnh khắc hay khiến một khoảnh khắc kéo dài như thể một kiếp. Khyentse Rinpoche có thể nhớ lại rõ ràng nhiều đời quá khứ của Ngài khi là các thành viên khác nhau của hoàng gia Tây Tạng, là Nyalo Chenpo và những vị khác. Ngài phát lộ nhiều Terma sâu xa, bao gồm truyền thừa khẩu truyền về Phổ Ba Kim Cương từ truyền thống của Tổ Nyak Jnanakumara và pho Tâm Yếu Liên Hoa Tự Sinh. Trong thời kỳ suy đồi tâm linh, an trụ vững chắc trên tòa kim cương, Khyentse Rinpoche tràn ngập thế gian bằng những hoạt động cao quý của Ngài trong ba lĩnh vực của thực hành, giảng dạy và các dự án tâm linh, củng cố nền tảng của những giáo lý quý báu của Đấng Chiến Thắng.
Một trong những đệ tử mà Ngài chăm sóc, đương kim Dalai Lama, người đứng đầu của toàn bộ truyền thống giáo lý Phật Đà ở Xứ Tuyết Tây Tạng, đã thỉnh cầu và thọ nhận từ Dilgo Khyentse Rinpoche một đại dương Giáo Pháp sâu xa, bao gồm các pho giáo lý Dzogchen, Tinh Túy Bí Mật vinh quang, Trì Tụng Hồng Danh Đức Văn Thù và Trí Tuệ Thù Thắng Yeshe Lama và tôn kính Ngài là đạo sư phi phàm của gia đình Phật của Ngài.
Đức vua quá cố của Bhutan, hoàng hậu và con trai của họ (vị vua hiện tại [42]), đức vua của Sikkim, Namgyal Dorje từ Jago, vua Lingtsang ở miền Đông Tây Tạng và nhiều quý tộc khác đều xem Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche là cố vấn tâm linh của họ. Bất cứ khi nào Ngài chủ trì một sự kiện quan trọng, những vị có mặt – hàng trăm nghìn vị thầy và thiền gia, tu sĩ và cư sĩ, Yogi và Yogini, chư Tăng và Ni – đều chỉ là một phần nhỏ của vô số những vị đã thiết lập kết nối với Khyentse Rinpoche ở Ấn Độ, Nepal, Sikkim, Bhutan, trung tâm và miền Đông Tây Tạng cũng như Tây Bán Cầu cho đến tận Hoa Kỳ. Trong các đệ tử này có những vị trì giữ truyền thừa phi phàm như Trulshik Rinpoche từ Zhadeu [43], ba vị Khyentse Tulku (Dzongsar Khyentse, Jigme Khyentse và Khyentse Yeshe), hai vị Kongtrul Tulku [44], vị Tulku của Đức Shechen Rabjam [45], vị Tulku của Đức Namkhai Nyingpo từ Lhodrak, Choktrul Pema Wangyal, Tulku Rangdrol, Datong Tulku, vị tái sinh của Tarthang Choktrul từ truyền thống Palyul, Yangthang Rinpoche từ Domang, Gyatrul Rinpoche, Lhagong Tulku từ Tu viện Dzogchen, Choktrul Orgyen Tobgyal Rinpoche và nhiều vị trì giữ giáo lý khác trong trường phái của Khyentse Rinpoche. Trong số những đạo sư của trường phái Sakya vinh quang, các đệ tử của Ngài bao gồm đạo sư [đứng đầu] Phuntsok Phodrang cùng vị phối ngẫu [46] và Dezhung Choktrul Rinpoche [47]. Những vị từ trường phái Kagyu gồm Phật Karmapa [48], Lama Kalu Rinpoche và Bokar Choktrul Rinpoche [49] và nhiều vị khác. Những vị đã lắng nghe Khyentse Rinpoche và thọ nhận cam lồ Giáo Pháp từ Ngài thực sự nhiều vô số.
Thậm chí một người khiêm nhường như tôi cũng đã đón nhận lòng từ của Ngài, vượt qua bất kỳ thang đo lường nào, điều sẽ giúp đỡ tôi cho đến khi tôi đạt được tinh túy giác ngộ. Khyentse Rinpoche ban cho tôi cả giáo lý Kama và Terma của các pho Nyingtik, Kho Tàng Chỉ Dẫn Tâm Linh – thứ chứa đựng các chỉ dẫn cốt tủy của tám truyền thừa thành tựu và những trao truyền khác của cam lồ Giáo Pháp sâu xa, điều hiếm có trên thế gian này. Tôi sẽ kết thúc bằng lời cầu khẩn của mình đến Khyentse Rinpoche:
“Tuyệt vời thay! Ngài là chúa tể tối cao của cả sự tồn tại điều kiện và an bình Niết bàn – của Phật quả nguyên sơ, tự nhiên sinh khởi, trạng thái sáng tỏ hoàn toàn, cội nguồn không vơi cạn của các thân và phẩm tính giác ngộ – bậc thầy, hiện thân của giác tính bất tận, thấm nhuần Pháp giới căn bản. Hỡi đạo sư Pháp thân Dorje Tukchok Tsal, nhớ nghĩ đến con! Ngài là pháp sư tiến hành những thần thông tuyệt vời của hóa hiện và hóa tán trong sự hiển bày thứ tự của vô số đàn tràng, khởi lên là phạm vi hỷ lạc mà rỗng rang, không chuyển tiếp hay thay đổi. Hỡi đạo sư Báo thân Pema Wangchen Tsal, nhớ nghĩ đến con! Hiện thân hoạt động giác ngộ của tất cả Đấng Chiến Thắng và trưởng tử tâm linh không dư sót, hóa hiện thành đạo sư vinh quang, Đấng Bảo Hộ Văn Thù, với các tướng tốt và vẻ đẹp, Ngài đem đến hoàn cảnh thuận lợi cho giáo lý và chúng sinh, không phân biệt. Hỡi đạo sư Hóa thân Khyentse Ozer, nhớ nghĩ đến con! Đạo sư đại từ, với ân phước vô song, luôn duy trì bất khả phân với con, an trụ trên đỉnh đầu con. Mặt trời chiếu tỏa ân phước gia trì sâu xa của truyền thừa tâm truyền tâm, nhanh chóng thâm nhập tim con và ban cho con quán đỉnh giác tính bất tận. Xin khơi dậy Bồ đề tâm trong trải nghiệm của con bằng cách khuấy động niềm tin và sự xả ly. Nhờ con đường của bốn cấp độ quán đỉnh – viên thành các giai đoạn phát triển và hoàn thiện – xin ban phước gia trì để tâm con và tâm Ngài hòa quyện, để con cuối cùng có thể đạt đến cõi giới nguyên sơ của Pháp thân [50]”. Nguồn Anh ngữ: Nyoshul Khenpo Jamyang Dorje, A Marvelous Garland of Rare Gems – Biographies of Masters of Awareness in the Dzogchen Lineage [tạm dịch: Tràng Ngọc Báu Hiếm Có Tuyệt Diệu – Tiểu Sử Chư Đạo Sư Giác Tính Trong Truyền Thừa Dzogchen], Padma Publishing.
Richard Baron (Lama Chokyi Nyima) chuyển dịch Tạng-Anh. Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ._____________________
Chú thích: [1] Tên gọi mang tính truyền thống này liên quan đến vùng phía Đông của Tây Tạng; trong những thập niên 50 và 60 của thế kỷ trước, nó được sử dụng bởi quân du kích Tây Tạng, những người cố gắng bảo vệ phía Đông Tây Tạng chống lại các thế lực xâm lăng từ Trung Quốc.
Bốn Sông (bắt nguồn ở Tây Tạng nhưng chảy về phía Đông hay Nam đến các nước châu Á khác, nơi mà chúng được biết đến với các tên gọi khác) là Drichu (Dương Tử), Machu (Hoàng Hà), Gyalmo Ngulchu (Salween) và Dachu (Mê Kông).
Sáu Rặng gồm Mardza Gang, Drida Zalmo Gang, Markham Gang, Tsawa Gang, Pobor Gang và Minyak Rabgang.
[2] Những ngôi chùa này được vua Songtsen Gampo xây dựng vào thế kỷ 7. Các địa điểm được lựa chọn dựa trên địa thế giống với hình dáng của một nữ quỷ nằm ngửa; các ngôi chùa được xây dựng tại những nơi đại diện cho các điểm trên hình dáng, nhằm trói lại và đàn áp các ảnh hưởng tiêu cực mà nó đại diện.
[3] Vị cuối cùng trong “Ngũ Tổ” của trường phái Sakya, Chogyal Pakpa Lodro Gyaltsen (1235-1280) thiết lập những mối liên hệ mạnh mẽ với triều đình của Vua Mông Cổ Kublai Khan, người đã đóng góp rất nhiều để tăng cường sự cai trị của phái Sakya ở trung tâm Tây Tạng.
[4] Chodrak Gyatso (1454-1506) là vị Gyalwang Karmapa thứ bảy.
[5] Jigten Sumgon (1143-1217) là vị sáng lập truyền thống Drikung Kagyu.
[6] Nhiều tộc Tây Tạng được tin rằng là đã giáng hạ từ cõi trời. Trong vũ trụ học Phật giáo, khi một vũ trụ hình thành, chúng sinh trước tiên xuất hiện trong các cõi trời. Ban đầu, họ có thể viếng thăm cõi người và sau đó trở lại, nhưng một quá trình suy đồi xảy ra và cuối cùng, họ không thể rời cõi người. Vì thế, họ trở thành những con người đầu tiên.
[7] Năm Kim Tuất Đực (đầu năm 1910 đến đầu năm 1911).
[8] Theo Rigpawiki, Ju Mipham Rinpoche hay Jamgon Mipham Gyatso (1846-1912) – một đạo sư và tác giả Nyingma vĩ đại của thế kỷ trước, Ngài là đệ tử của Đức Jamgon Kongtrul, Jamyang Khyentse Wangpo và Patrul Rinpoche. Được ban phước bởi Đức Văn Thù Sư Lợi, Ngài trở thành một trong những học giả vĩ đại nhất thời ấy. Tuyển Tập Trước Tác của Ngài bao gồm hơn ba mươi quyển. Đệ tử chính yếu của Ngài là Shechen Gyaltsap Pema Namgyal Rinpoche.
[9] Đây là những thực hành chuẩn mực để đảm bảo rằng đứa bé sẽ rất thông minh.
[10] Năm Thủy Tý Đực (đầu năm 1912 đến đầu năm 1913).
[11] Theo Rigpawiki, Shechen Gyaltsap Rinpoche – Gyurme Pema Namgyal (1871-1926) – vị Shechen Gyaltsap thứ tư, Ngài là Bổn Sư của Dilgo Khyentse Rinpoche và là một trong những vị thầy chính yếu của Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro.
[12] Theo Rigpawiki, Terma – kho tàng tâm linh được chôn giấu bởi Guru Rinpoche và Yeshe Tsogyal trong đất và tâm của các đệ tử để được phát lộ vào thời điểm thích hợp bởi Terton hay những vị phát lộ kho tàng. Rất nhiều trong số những Terma này được kết tập bởi Đức Jamgon Kongtrul và Jamyang Khyentse Wangpo thành hơn sáu mươi quyển trong Rinchen Terdzod – Kho Tàng Terma Quý Báu. Truyền thừa Terma, cùng với Nyingma Kama, là hai kiểu trao truyền giáo lý của trường phái Nyingma.
[13] Theo Rigpawiki, Dojo Bumzang – Bình Như Ý Cao Quý là một tuyển tập các Terma được kết tập bởi Tổ Terdak Lingpa (1646-1714) và em trai Lochen Dharmashri (1654-1718). Pho giáo lý này được xem là nguyên mẫu đầu tiên của Rinchen Terdzod.
[14] Theo Rigpawiki, Minling Dorsem – Kim Cương Tát Đỏa theo truyền thống Mindrolling – một thực hành Kim Cương Tát Đỏa nổi tiếng, được phát lộ như một Terma bởi Tổ Terdak Lingpa – Minling Terchen Gyurme Dorje vào năm 1676 từ địa điểm gọi là Đá Okar.
[15] Theo Rigpawiki, Kagye Deshek Dupa – Tám Mệnh Lệnh Tập Hội Chư Thiện Thệ là một Terma được phát lộ bởi Tổ Nyangral Nyima Ozer, tập trung vào Kagye. Nó được phát lộ tại Đá Sinmo Parje ở Lhodrak, cùng với ba bức tượng Kagye với kích cỡ khác nhau.
[16] Nyoshul Khen Rinpoche giải thích rằng: “Để thực sự hành trì Dzogchen theo mười bảy Mật điển chính yếu của Đại Viên Mãn, Tổ Longchenpa đã kết tập các Terma của chính Ngài cũng như của Tổ Chetsun Senge Wangchuk (vị sau này tái sinh thành Đức Jamyang Khyentse Wangpo) và Pema Ledrel-tsal (hóa thân đời trước của Tổ Longchenpa) dưới hình thức 13 tập sách gọi là Nyingtik Yabshyi [Bốn Phần Tâm Yếu]. Đây là khía cạnh thực hành trong các trước tác của Tổ Longchenpa và là nền tảng của Nyingtik Cổ Xưa. Trong đó, Ngài hệ thống hóa Vima Nyingtik của Tổ Vimalamitra và Khandro Nyingtik của Guru Rinpoche và giải thích mọi chi tiết hành trì dưới ánh sáng của sự chứng ngộ của Ngài”.
[17] Theo Rigpawiki, Kho Tàng Chỉ Dẫn Tâm Linh là một trong Năm Kho Tàng Vĩ Đại của Tổ Jamgon Kongtrul. Đây là một tuyển tập những quán đỉnh chín muồi và chỉ dẫn giải thoát sâu xa nhất của tám truyền thừa thực hành vĩ đại.
[18] Về Tổ Jamyang Khyentse Wangpo, tham khảo
https://thuvienhoasen.org/a30571/cuoc-doi-duc-jamyang-khyentse-wangpo. [19] Một sự khẩu truyền thường bao gồm việc đọc nhanh bản văn, không có nỗ lực truyền tải ý nghĩa. Một “sự trao truyền giảng dạy” liên quan đến việc đọc ở một tốc độ cho phép người nghe có thể theo được bản văn và có thể bao gồm những nhận xét kèm theo của người đọc.
[20] Theo Rigpawiki, Karma Lingpa (sinh năm 1326) là một Terton thế kỷ 14, người đã phát lộ pho giáo lý Shitro Gongpa Rangdrol, mà trong đó có những giáo lý về sáu Bardo và Bardo Thodrol Chenmo – điều được-gọi-là Tử Thư Tây Tạng.
[21] Theo Rigpawiki, Adzom Drukpa Drodul Pawo Dorje hay Natsok Rangdrol (1842-1924) – một đạo sư quan trọng trong truyền thừa Dzogchen và Longchen Nyingtik. Ngài là một đệ tử của Đức Shechen Ontrul Thutob Namgyal, Kathok Situ Chokyi Lodro, Jamyang Khyentse Wangpo, Jamgon Kongtrul Lodro Thaye, Patrul Rinpoche, Khenpo Pema Vajra, Nyala Pema Dundul và Mipham Rinpoche và là thầy của Tokden Shakya Shri, Terton Sogyal Lerab Lingpa, Yukhok Chatralwa Choying Rangdrol, Tso Patrul Rinpoche và Jamyang Khyentse Chokyi Lodro.
Namkhai Norbu Rinpoche (1938-2018) được xem là hóa thân trực tiếp của Ngài.
[22] Theo Rigpawiki, Khenpo Zhenga – Shenpen Chokyi Nangwa (1871-1927) – một vị quan trọng trong phong trào Rime, người chấn hưng việc nghiên cứu ở nhiều vùng của miền Đông Tây Tạng bằng cách thành lập các Phật học viện Shedra và chỉnh sửa chương trình học tập với sự nhấn mạnh vào các bộ luận mang tính kinh điển của Ấn Độ.
[23] Theo Rigpawiki, Changma Khenchen Thupten Chopel hay Bathur Khenpo Thupga – Thubga Yishyin Norbu (1886-1956) – một đệ tử quan trọng của Khenpo Yonga và Orgyen Tenzin Norbu, người đã theo chân Patrul Rinpoche. Ngài nổi tiếng về sự uyên bác lớn lao, đặc biệt về Mật điển Guhyagarbha, cũng như những đóng góp của Ngài với việc phát triển truyền thống tu viện và sự chứng ngộ giáo lý Dzogchen của Ngài. Một vài trong số những đệ tử quan trọng nhất của Ngài gồm: Dilgo Khyentse Rinpoche, Khenpo Jigme Phuntsok, Gonpo Tseten Rinpoche, Chagdud Tulku Rinpoche và Dzogchen Rinpoche thứ sáu – Jigdral Changchub Dorje.
[24] Theo Rigpawiki, Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro (1893-1959) là hóa thân hoạt động của Tổ Jamyang Khyentse Wangpo và có lẽ là đạo sư xuất sắc nhất thế kỷ Hai mươi. Có thẩm quyền với tất cả truyền thống và là bậc trì giữ tất cả truyền thừa, Ngài là trung tâm của phong trào Bất Bộ Phái Rime ở Tây Tạng.
[25] Theo Rigpawiki, Rinchen Terdzod – Kho Tàng Giáo Lý Ẩn Giấu Quý Báu là một trong Năm Kho Tàng Vĩ Đại của Tổ Jamgon Kongtrul. Đây là một tuyển tập từ tất cả các Terma được phát lộ cho đến thời của Ngài, bao gồm cả các kho tàng của Tổ Chokgyur Lingpa. Lo sợ rằng những giáo lý này sẽ bị mất, Ngài bắt đầu việc kết tập vào năm 1855 với sự gia trì của Tổ Jamyang Khyentse Wangpo và hoàn thành vào năm 1889. Đơn giản thọ nhận các quán đỉnh và khẩu truyền Rinchen Terdzod cũng cần từ 4 đến 6 tháng.
[26] Theo Rigpawiki, Trích Yếu Nghi Quỹ – Drubtab Kuntu, cũng được gọi là Tuyển Tập Tất Cả Phương Pháp Thành Tựu – một tuyển tập các nghi quỹ chính yếu và những thực hành khác của truyền thống Sakya, được kết tập bởi Tổ Jamyang Khyentse Wangpo (1820-1892) và đệ tử của Ngài – Jamyang Loter Wangpo (1847-1914).
[27] Theo Rigpawiki, Lamdre, những chỉ dẫn ‘Đạo – Quả’ liên quan đến Bổn tôn Hevajra, là các giáo lý cao nhất trong trường phái Sakya. Pho giáo lý này bao gồm hai phần: phần đầu tiên được gọi là Ba Linh Kiến, giải thích con đường Kinh thừa; phần thứ hai được gọi là Mật Điển Ba Phần, giải thích phần Mật thừa tập trung vào các giáo lý Hevajra bí mật.
Lamdre sau này phát triển thành hai dòng trao truyền chính yếu:
sự trình bày phổ quát được biết đến là Lamdre Tsokshe (Giải Thích Cho Đại Chúng) và
sự trình bày bí mật được biết đến là Lamdre Lopshe (Giải Thích Riêng Cho Đệ Tử).
[28] Về Jamgon Kongtrul Rinpoche, tham khảo
https://thuvienhoasen.org/a30929/tieu-su-duc-jamgon-kongtrul-yonten-gyatso. [29] Theo Rigpawiki, Kho Tàng Kiến Thức [Phổ Quát] – Sheja Dzod – một bộ bách khoa trí tuệ và kiến thức Phật giáo. Đây là một trong Năm Kho Tàng Vĩ Đại của Đức Jamgon Kongtrul.
[30] Theo Rigpawiki, Lama Gongdu – Ý Định Hợp Nhất Của Chư Đạo Sư là một pho thực hành được phát lộ như là Terma bởi Tổ Sangye Lingpa (1340-1396) và là một trong những pho Terma quan trọng nhất của truyền thống Dzogchen. Pho giáo lý này vốn được biên tập thành 13 tập. Một phiên bản gần đây hơn được xuất bản thành 18 tập vào năm 1981 ở Bhutan.
Trong trường phái Nyingma, thực hành Lama Gongdu được xem là cực kỳ quan trọng, bởi đây là một trong ba Bổn tôn Yidam chính yếu, cùng với Phổ Ba Kim Cương và Kagye. Vào thời của Tổ Jamyang Khyentse Wangpo, Chokgyur Dechen Lingpa và Jamgon Kongtrul, thực hành này đã suy giảm đáng kể và vì thế, ba đạo sư vĩ đại đã tổ chức rất nhiều Pháp hội Đại Thành Tựu hay Drupchen về Pháp tu này. Tuy nhiên, truyền thống thực hành này lại suy giảm. Thấy được tầm quan trọng của Pháp tu và việc Pháp tu này trở nên hiếm thế nào, Dodrupchen Rinpoche thứ tư, một hóa thân của vị phát lộ kho tàng ban đầu – Tổ Sangye Lingpa, đã thiết lập truyền thống cử hành Drupchen ba năm một lần ở Tu viện Chorten, Sikkim, Ấn Độ. Ngoài vài nơi ở Bhutan, đây là địa điểm duy nhất mà truyền thống này vẫn được giữ gìn mạnh mẽ.
[31] Về Terchen Chokgyur Lingpa, tham khảo
https://thuvienhoasen.org/a30774/cuoc-doi-duc-chokgyur-lingpa. [32] Theo Rigpawiki, Lamrim Chenmo hay ‘Đại Luận Về Các Giai Đoạn Của Con Đường’ có lẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất của Tổ Tsongkhapa Lobzang Drakpa, được viết vào năm 1402. Tham khảo bản dịch Việt ngữ của Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas với tựa đề Đại Luận Về Giai Trình Của Đạo Giác Ngộ.
[33] Theo Rigpawiki, Kangyur nghĩa đen là “những lời dạy được chuyển dịch” của Đức Phật.
[34] Theo Rigpawiki, Namcho – những phát lộ Terma của Terton Mingyur Dorje, điều đặc biệt được duy trì trong truyền thống Palyul.
[35] Về Paltrul Rinpoche, tham khảo
https://thuvienhoasen.org/a26125/tieu-su-van-tat-dai-su-dza-patrul-rinpoche-1808-1887-. [36] Tức Shechen Kongtrul Pema Drime (1901-1960).
[37] Tham khảo bản dịch Việt ngữ của dịch giả Thanh Liên với tựa đề Pháp Bảo Của Sự Giải Thoát (
https://thuvienhoasen.org/a26408/phap-bao-cua-su-giai-thoat-sach-).
[38] Theo Rigpawiki, Dodrupchen Jigme Tenpe Nyima – Dodrupchen Rinpoche thứ ba (1856-1926) – một trong những đạo sư Tây Tạng xuất sắc nhất thời đó và là thầy của nhiều vị đạo sư vĩ đại, bao gồm Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro. Ngài rất được Đức Dalai Lama kính trọng, vị gọi Ngài là “một học giả vĩ đại và một Yogi xuất chúng”. Các trước tác của Ngài là một trong những nguồn chính yếu được sử dụng bởi Đức Dalai Lama khi nghiên cứu Dzogchen và Đức Dalai Lama thường xuyên trích dẫn trong lúc giảng dạy.
[39] Theo Rigpawiki, Tulku Pema Wangyal Rinpoche hay Taklung Tsetrul Pema Wangyal Rinpoche (sinh năm 1945) là con trai trưởng của đạo sư Đại Viên Mãn Kangyur Rinpoche. Ngài là đạo sư thường trú chính yếu của các khóa nhập thất ba năm theo truyền thống Nyingma ở Dordogne, Pháp và là người sáng lập Nhóm Dịch Thuật Padmakara.
[40] Việc xây dựng ban đầu của bảo tháp Boudha ở Kathmandu, Nepal được cho là được lên kế hoạch bởi một bà lão và tiến hành bởi ba người con trai; trong các đời tương lai, ba anh em này đã tái sinh thành Guru Padmakara, viện trưởng Shantarakshita và vua Trisong Detsen. Toàn bộ tường thuật được ghi chép trong Huyền Thoại Đại Bảo Tháp (tham khảo
https://thuvienhoasen.org/a29266/giai-thoat-nho-lang-nghe).
[41] Tức quân Cộng sản Trung Quốc.
[42] Tức đức vua Jigme Singye Wangchuk (sinh năm 1955 và hiện đã thoái vị).
[43] Về Trulshik Rinpoche, tham khảo
https://thuvienhoasen.org/a25961/kyabje-trulshik-rinpoche-1924-2011-.
[44] Tức Palpung Kongtrul Karma Lodro Chokyi Seng-ge (1954-1992) và Dzigar Kongtrul Jigme Namgyal (sinh năm 1964).
[45] Theo Rigpawiki, Shechen Rabjam Rinpoche Jigme Chokyi Senge sinh năm 1966 [vị Shechen Rabjam thứ bảy của Tu viện Shechen], là cháu trai của Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche. Khi ở gần bảo tháp Boudha, Dilgo Khyentse Rinpoche từng nằm mộng rằng cháu trai của Ngài là hóa thân kết hợp của cả ba vị đạo sư chính của Tu viện Shechen, những vị đã qua đời trong nhà lao Trung Quốc vào đầu những năm 60 – cố đạo sư Shechen Rabjam Rinpoche, Shechen Kongtrul Rinpoche và Shechen Gyaltsap Rinpoche – Gyurme Pema Dorje. Điều này sau đó được Đức Karmapa thứ mười sáu xác nhận.
[46] Tức Kyabje Jigdal Dakchen Sakya Rinpoche (1929-2016) và Dagmo Kusho Jamyang Sakya.
[47] Dezhung Lungrik Kunga Tenpai Nyima (1906-1987). Tiểu sử của Ngài đã được David P. Jackson kể lại trong A Saint in Seattle: The Life of the Tibetan Mystic Dezhung Rinpoche [tạm dịch: Vị Thánh Ở Seattle: Cuộc Đời Của Người Tây Tạng Bí Ẩn Dezhung Rinpoche].
[48] Tức Đức Karmapa thứ mười sáu – Rangjung Rigpai Dorje (1924-1981).
[49] Kalu Rinpoche Karma Rangjung Kunkhyab (1905-1989) là một đạo sư Karma Kagyu và bậc trì giữ căn bản trong thời hiện đại của truyền thừa Shangpa Kagyu; đệ tử chính yếu của Ngài là vị tái sinh Bokar thứ hai – Karma Ngedon Chokyi Seng-ge (1940-2004).
[50] Một miêu tả ấn tượng về cuộc đời Dilgo Khyentse Rinpoche, với vô số hình ảnh do Matthieu Ricard (đệ tử phương Tây thân thiết nhất của Ngài), đã được xuất bản thành Journey to Enlightenment: The Life and World of Khyentse Rinpoche, Spiritual Teacher from Tibet [tạm dịch: Hành Trình Giác Ngộ: Cuộc Đời Và Thế Giới Của Khyentse Rinpoche, Đạo Sư Tâm Linh Từ Tây Tạng].
Nguồn: thuvienhoasen.org