TIỂU TRUYỆN VỀ NGÀI TỊCH THIÊN
Ngài Tịch Thiên được sinh tại thành phố Saurastra, phương bắc của Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya). Ngài là con trai Vua Kushalavarma và Hoàng Hậu Vajrayogini.
Từ tuổi thơ hoàng tử trẻ Shantivarman (tên của ngài lúc sinh) biểu lộ tài năng đặc biệt trong tất cả các lãnh vực kiến thức. Khi mới 6 tuổi ngài gặp một du già sư và thọ nhận lễ điểm đạo và các giáo pháp tu tập theo ngài Văn Thù (Manjushri). Khi tu tập pháp này, ngài đã tri nhận Ngài Văn Thù (Phật Bảo Hộ Trí Tuệ; Wisdom Deity) và đã nhận được trực tiếp nhiều giáo pháp từ ngài Văn Thù.
Hoàng tử Shantivarman là người thừa kế ngôi vua; do thế nên khi thân phụ ngài từ trần, lễ đăng quang cho ngài được chuẩn bị. Vào ngày trước lễ đăng quang của ngài, Ngài Văn Thù hiện ra trước Hoàng tử trong một chiêm bao. Ngài Văn Thù ngồi trên một ngai vua và nói: “Ghế này thuộc về tôi, bởi vì tôi là thầy của Hoàng tử. Cả hai chúng ta ngồi trên cùng một ngai vua là không hợp lí”.
Cũng đêm hôm đó Tara cũng hiện ra trước Hoàng tử trong một chiêm bao trong hình dáng thân mẫu của Hoàng Tử. Bà rót nước nóng trên đầu Hoàng Tử và nói, “Vương quyền thì giống như nước nóng của các địa ngục: đó là tình huống Hoàng Tử sắp đi vào”. Khi Hoàng tử thức dậy, ngài thấy vương quyền sắp tới của ngài là một cây độc và vội vã đào thoát khỏi vương quốc.
Hai mươi mốt ngày sau khi đào thoát, Tịch Thiên cảm thấy rất khát nước, và đi tìm nước. Ngài tìm thấy một cái suối ở giữa rừng, nhưng đúng lúc ngài sắp uống, một cô gái xuất hiện và cảnh giác ngài không lấy nước đó bởi vì nó là nước có chất độc. Cô cho ngài nước thanh tịnh để uống cho hết khát, và dẫn ngài tới một du già sư sống trong rừng. Vị du già sư này gia trì cho ngài và mở nhiều cánh cửa trí tuệ và tịnh chỉ. Vị du già sư là một biến hiện của Văn Thù và cô gái là một biến hiện của Tara.
Khi Tịch Thiên rời khu rừng, ngài có đem theo ngài một thanh kiếm gỗ, biểu hiện thanh kiếm trí tuệ của Văn Thù. Ngài du hành tới Vương Quốc Pancamasimha. Vua xứ đó tri nhận Tịch Thiên là hiền giả trí tuệ và tinh thông tất cả các lãnh vực kiến thức thế tục và bổ nhiệm ngài là một thượng thư trong nội các Vương Quốc. Tịch Thiên chấp nhận chức vụ này và trong suốt nhiệm kì ngài đã giới thiệu các kĩ năng thiện xảo vào vương quốc.
Mặc dù Tịch Thiên luôn luôn hành sử nhiệm vụ của ngài theo Pháp, một thượng thư khác vốn cực kì ghen tị ngài nên trình với nhà vua rằng Tịch Thiên là kẻ gạt gẫm. Viên thượng thư trình bày sự kiện thanh kiếm của Tịch Thiên chỉ là thanh kiếm gỗ chính là một bằng chứng về chuyện gạt gẫm. Để điều tra tố cáo này, nhà vua ra lệnh tất cả các thượng thư cho nhà vua xem các thanh kiếm của họ. Tịch Thiên cảnh giác nhà vua rằng sự nhìn thấy thanh kiếm của ngài sẽ gây ra nhiều tổn hại, nhưng nhà vua không tin lời ngài và cương quyết rằng ngài phải tuân lệnh nhà vua. Ngài nói với nhà vua “Trong trường hợp đó, hoàng thượng hãy nhắm con mắt bên phải và chỉ nhìn với con mắt bên trái”. Nhà vua làm theo lời khuyên, và khi nhìn thấy sự phát sáng chói lọi của thanh kiếm gỗ thì con mắt trái của nhà vua rớt ra ngoài. Ngài Tịch Thiên nhặt con mắt đó lên và đặt nó trở lại vào trong hốc mắt, làm lành nó tức thời. Nhà vua nhận ra Tịch Thiên là một nhà đại thành tựu (great siddha) và nhà vua có chánh tín nơi ngài Tịch Thiên. Nhà vua dâng hiến các phẩm vật cúng dường tới ngài Tịch Thiên và thỉnh cầu ngài lưu trú trong vương quốc nhưng ngài Tịch Thiên từ chối. Ngài khuyên nhà vua khẩn thiết cai trị vương quốc sao cho luôn luôn hoà hợp với Pháp và đề nghị nhà vua thiết lập hai mươi Trung Tâm Chánh Pháp (Dharma Foundations). Sau đó ngài Tịch Thiên rời vương quốc và tới đại tự viện Nalanda.
*
Tại Nalanda, ngài thọ giới tì kheo từ Viện Trưởng Jayadeva và được đặt tên là Tịch Thiên (Shantideva). Trong những ngày ngài ở Nalanda, ngài thọ nhận nhiều giáo pháp từ ngài Văn Thù và thật chứng tất cả các điểm chủ yếu của cả Kinh tạng và Mật Tạng. Do vượt trên tất cả các tán loạn nội tâm và ngoại giới, ngài đạt các thật chứng của các giai đoạn cao nhất của đạo lộ.
Nhìn từ bên ngoài, thấy có vẻ ngài chỉ làm mỗi việc là ngày ăn cơm 5 lần, không làm việc, không học hành, không thiền định. Do chuyện này, vài nhà sư đặt tên ngài Bhu-Su-Ku: nghĩa là “Kẻ chỉ ăn, ngủ và bài tiết.”
Họ do không có các năng lực nhãn thông, nên không nhận biết mức độ thật chứng của ngài và họ đàm tiếu với nhau, họ nói, “Chẳng bao giờ thấy Tịch Thiên đang văn, tư, tu gì cả theo như nhiệm vụ của một nhà sư. Ông này nên bị trục xuất khỏi tự viện”. Nhưng vì thấy khó làm cho Tịch Thiên bị trục xuất, họ quyết định công khai làm nhục ngài, để cho ngài tự ý rời tự viện. Kế hoạch của họ là yêu cầu mỗi nhà sư tụng đọc Kinh Pratimoksha (Kinh Ba-la-đề-mộc-xoa; Kinh Biệt Giải Thoát), họ nghĩ rằng Tịch Thiên sẽ không có khả năng làm việc này, và như vậy ngài sẽ bị xấu hổ mà tự ý ra đi.
Lúc mới đầu, ngài Tịch Thiên từ chối yêu cầu của họ, nhưng họ cứ khăng khăng yêu cầu, do thế ngài bảo họ rằng ngài sẽ tụng đọc nếu họ tạo cho ngài một pháp toà để ngồi tụng đọc. Họ đồng ý điều này ngay và dựng một pháp toà rất cao mà không có bất kì thềm bậc nào cả, nghĩ rằng ngài sẽ không có cách nào lên ngồi trên pháp toà. Khi ngài Tịch Thiên đi tới pháp toà cao, ngài đưa một bàn tay ra, ấn nó xuống với năng lực diệu kì của ngài, và lên ngồi trên pháp toà một cách dễ dàng. Ngài thanh thản hỏi tập hợp các nhà sư là họ muốn ngài trùng tuyên một bản kinh đã được trùng tuyên trước đây hoặc một bản mà trước đây họ chưa được nghe đến. Họ trả lời rằng họ muốn nghe ngài trùng tuyên một bản chưa từng nghe trước đây. Như vậy, ngài bắt đầu trùng tuyên Bohisattvacaryavatara (Con Đường Bồ Tát) mở đầu như sau:
1. Kính lễ chư Thiện Thệ (= chư Phật), những vị có pháp thân, cùng với chư Bồ tát con của chư Thiện Thệ, và tất cả hiền giả đáng tôn kính, tôi sẽ trình bày vắn tắt một hướng dẫn về giới hạnh của chư Bồ tát con của chư Thiện Thệ hoà hợp với các kinh điển. Khi ngài tới chương thứ chín, nói về trí tuệ siêu việt, giải thích về tri kiến thâm mật về tính không, ngài bay lên cao. Khi ngài lên cao hơn nữa, thân ngài không hiện ra nhưng tiếng của ngài vẫn có thể nghe rõ.
Sau đó, những kẻ đạt nhĩ thông và những kẻ đạt thần chú về trí nhớ toàn hảo đã ghi lại những lời của ngài Tịch Thiên. Tuy thế vẫn có các dị biệt giữa các bản văn. Bản văn của xứ Magadha (Ma kiệt đà - trung tâm xứ Ấn) có một ngàn kệ tụng, bản văn của xứ Đông Bengal có gần 800 kệ tụng (thiếu hai chương sám hối và trí tuệ siêu việt) và bản văn xứ Kashmir có hơn một ngàn kệ tụng (không có các kệ tụng kính lễ).
Bản văn nào ghi chính xác lời ngài Tịch Thiện thì chưa xác định được.
Nghe tin ngài Tịch Thiên cư trú tại Shri Daksina Kalinga (một bộ phận của Trilinga), ba nhà học giả đi đến đó để gặp ngài. Họ mời ngài trở về Nalanda nhưng ngài từ chối. Họ hỏi ngài bản văn nào của Boddhisattvacaryavatara (Con Đường Bồ Tát) là chính xác nhất, và ngài nói rằng bản văn của xứ Magadha là bản ghi lời ngài chính xác. Họ còn hỏi nên tìm ở đâu hai bản Sikshasamuccaya (Bản tóm tắt giáo pháp của Con Đường Bồ Tát) và Sutrasasmuccaya (Bản tóm tắt các bản kinh) mà trước đây ngài đã khuyên họ nên tìm học. Ngài bảo họ có thể tìm thấy chúng ở trên kệ sách trong căn nhà cũ của ngài tại Nalanda. Sau đó ngài bắt đầu giảng cho họ các giáo pháp trong hai bản văn này.
*
Trong cùng khu rừng ngài Tịch Thiên cư trú, có một tự viện có 500 nhà sư. Vài nhà sư chú ý thấy có nhiều động vật đi vào am của ngài Tịch Thiên nhưng không thấy chúng đi ra; thế nên họ nghi ngờ ngài đã giết chúng. Nhưng sau đó, canh gác cái am cẩn thận, họ thấy các động vật này trở ra đều khỏe mạnh. Thế nên họ thấy hối tiếc vì đã gieo những tâm niệm không tốt về ngài. Họ yêu cầu ngài ở lại trong khu rừng và giảng dạy họ, nhưng ngài cởi áo tăng sĩ và đi về Nam Ấn Độ, ở đó ngài sống cuộc đời của một du sĩ khổ hạnh.
Có một lần, khi ngài Tịch Thiên đi ngang qua, một gia chủ trút nước rửa ra khỏi cửa nhà. Nước rơi trên bàn chân ngài Tịch Thiên và bắt đầu sôi lên, giống như nước khi rơi trên sắt nóng. Vị gia chủ ngạc nhiên và bối rối. Cũng vào thời gian đó, Shankaradeva, một vị thầy phi- Phật giáo, muốn tranh luận với một học giả Phật giáo, nên đi đến gặp vua Khatibihdri, đang cai trị miền này. Các điều kiện ông đề nghị cho cuộc tranh đua là kẻ nào thua sẽ phải chấp nhận học thuyết của kẻ thắng, và các cơ sở thờ phượng của kẻ thua sẽ bị phá hủy. Ông ta yêu cầu nhà vua chứng kiến cuộc thi này. Nhà vua đồng ý và gửi một sứ giả tới thông báo cho các cộng đồng Phật giáo về sự thách thức này. Họ trả lời không có một Phật tử nào có khả năng để tham dự thách thức này, và vua Khatibihadri cảm thấy rất chán nản.
Cũng vào lúc đó, vị gia chủ đã trút nước vào chân ngài Tịch Thiên đến tường thuật câu chuyện biến cố đó tới nhà vua để hỏi nhà khổ hạnh huyền bí này là ai. Khi nhà vua nghe câu chuyện của vị gia chủ, nhà vua gửi ngay các sứ giả khắp các phương để tìm kiếm nhà khổ hạnh Phật giáo. Sau một cuộc tìm kiếm dài, họ tìm thấy ngài Tịch Thiên là một vị khất sĩ đang ngồi dưới một cái cây. Ngài Tịch Thiên chấp thuận thách thức của vị phi-Phật tử.
Một tập hợp đông đảo đến dự cuộc tranh luận. Hai vị luận chủ ngồi trên hai pháp toà tại trung tâm. Vua Khatibidhari ngồi một bên, có các thượng thư ngồi bên trái của vua và các học giả khác ngồi bên phải của vua. Cuộc tranh luận bắt đầu. Ngài Tịch Thiên đánh bại Shankaradeva mau chóng. Kế đó vị phi-Phật tử thách đố ngài Tịch Thiên thi đua biểu diễn huyễn thuật (display of magic) và bắt đầu vẽ một mandala Shiva rất lớn bên trên mặt đất. Khi Shankaradeva hoàn thành cửa phía đông của mandala, ngài Tịch Thiên nhập đại định gió phá hủy (Samadhi of destructive wind) và bất thình lình một gió bão thổi tới. Nhà vua, các thượng thư và tất cả các khán giả khác thì chỉ nhận được gió lắng dịu (were blown over); khu vực xung quanh thì bị tan tác và phủ đầy bụi. Shankaradeva với mandala của ông bị gió đưa lên và đảo tung như cánh chim trong giông bão. Kế đến toàn khu vực bóng tối bao phủ. Bất thình lình ngài Tịch Thiên phóng một tia cực sáng từ giữa hai chân mày của ngài và gió ngừng. Trong một sát na, mọi người hồi phục từ thử thách và toàn khu vực trở thành sạch sẽ và trật tự nhiều hơn. Để thi hành đầy đủ các điều kiện của cuộc tranh tài, các đền thờ phi Phật giáo bị đóng cửa và nhiều người phi Phật giáo theo học giáo pháp Phật giáo. Thành phố nơi tổ chức cuộc tranh tài được đặt tên là “Sự thất bại của những người phi Phật giáo.”
*
Có một lần khi vài triết gia phi Phật giáo đang trải nghiệm khó khăn trong việc kiếm sống, ngài Tịch Thiên tạo ra thực phẩm bằng năng lực huyền diệu và dẫn họ vào sự tu tập Phật Pháp. Trong một trường hợp khác, có nạn đói và hàng ngàn người đang sắp chết đói. Ngài Tịch Thiên cứu họ khỏi chết và ban các giáo pháp cho họ giúp họ có khả năng xây dựng một cuộc sống từ đó vui vẻ hài lòng. Trong miền Đông Ariboshana, có một vị vua bị nhiều kẻ ác âm mưu chống lại nhà vua. Ngài Tịch Thiên giúp nhà vua ngăn ngừa tai họa này và hướng dẫn nhà vua và dân chúng vào con đường thiện hảo. Một lần khác, ngài ngăn chặn một cuộc chiến tranh bằng cách giảng giải chi tiết Thánh Pháp và biểu thị các phe tham chiến phương tiện chân chính để đạt hạnh phúc.
Đây chỉ là vài tỉ dụ về các hành động tuyệt vời ngài Tịch Thiên, vị Bồ tát tuyệt vời, đã thực hiện trong đời ngài, và bởi vì thế, ngài được tôn kính như là một trong các vị Thầy Ấn Độ tuyệt vời nhất của mọi thời.
---
Bản dịch Việt: Đặng Hữu Phúc
Bản Anh: Indian Buddhist Pandits from “The Jewel Garland of Buddhist History”.
Lobsang N. Tsonawa (trans.). Dharamsala, 1985. p.60-64.
Nguồn: thuvienhoasen.org