TỈNH GIẤC KHÓ KHĂN
Vào thế kỷ mười chín tại miền Đông Tây Tạng có một vị Lạt-ma cao cấp tên là Jamyang Khyentse Rinpoche. Nhiều đệ tử của ngài là các vị tái sinh của các dòng Lạt-ma và thường rất xuất sắc trong học tập và lĩnh hội. Trong số đó có Neten Choling, một cậu bé mà rõ ràng là kiến thưc và tài năng đã được hình thành từ những đời sống trước. Từ nhỏ, Neten Choling đã thông minh và chỉ làm theo ý mình, đến nỗi cha mẹ phải đưa đến Jamyang Khyanste để cậu bé này được một đạo sư giác ngộ hướng dẫn học tập.
Dưới sự hướng dẫn của Rinpoche quả nhiên Neten Choling sớm trở thành một thanh niên xuất sắc, nhưng cũng như các vị tái sinh khác, chàng không tránh khỏi lòng kiêu mạn.
Ngày nọ, chàng Neten Choling chừng hai mươi tuổi quyết định lên đường đi kinh đô Lhasa để tham gia một cuộc tranh luận với các luận sư của bốn trường phái lớn của Phật giáo Tây Tạng. Lhasa là trung tâm văn hóa của cả nước, đi bốn ngày đường mới đến, nhưng Neten Choling cho rằng đáng công đi để cho các vị luận sư kinh đô biết đâu là chân lý.
Chàng bắt đầu chuẩn bị cuộc hành trình và báo cho thầy biết, xin phép lên đường và xin thầy ban phép lành. Jamyang Kheyentse trả lời: "Tốt lắm. Hãy đi Lhasa nhưng đợi vài ngày đã”.
Vài ngày sau có một buổi lễ điểm đạo, trong đó Langyang Khyentse sẽ khai thị cho một số vị đệ tử. Tất cả học trò, kể cả các vị Lạt-ma cao cấp đều tập họp đông đủ trong chính điện. Ai cũng hồi hộp mong được thầy nói điều gì đó cho mình. Ai cũng biết vị thầy của mình là người đắc đạo và thường bất ngờ dùng nhiều biện pháp để khai thị cho đệ tử hoặc để giúp tiến thêm nhiều bước tu học. Cũng vì thế mà các vị đạo sư vẫn được so sánh như người mài kim cương, dù có khác nhau về chủ trương, trường phái, nhưng các vị đó đều giống nhau là mỗi lần dạy học trò là như mới, phải có cách riêng để phá bỏ những điều vô bổ, những điều che mất ánh sáng rực rỡ tự nhiên.
Chàng Neten Choling hôm đó chẳng may bị đau bụng dữ dội, bụng đầy hơi. Lúc ngài Khyentse Rinpoche đi dọc một hàng Lạt-ma và các vị tái sinh, ngang đến chỗ chàng thì đứng lại và đặt bình bát bằng vàng lên đầu chàng đồng thời ban phép lành. Vừa mới làm ngang đây, bỗng vị đạo sư đấm một đấm mạnh vào bụng chàng đang đầy hơi, ai thấy cũng kinh hoàng.
Neten Choling phải phát ra một cú trung tiện thật lớn, không ai không nghe. Mặt chàng đỏ như gấc, lúc đó thì Khyentse Rinpoche chỉ thẳng vào mặt chàng, nói: "Chính nó đó!”.
Đầu óc chàng hoàn toàn tê dại. Chàng rơi lại trong tính không của Chân Như và bỗng đạt được trạng thái tự nhiên uyên nguyên, trạng thái đó chính là Giác ngộ, khi con người trực nhận nó được một lúc.
Trong những năm sau đó, Choling Rinpoche vẫn còn kể câu chuyện giác ngộ của mình không chút hổ thẹn và cho trò biết cái nhận thức thâm sâu của nhận thức lần đó, cái thâm sâu đó đạt được là nhờ cú “sốc” mà ra và chàng không bao giờ rời xa chiều sâu thẳm đó nữa. Chàng khâm phục lòng sáng tạo thần thánh của Khyentse Rinpoche và nói thêm rằng sau đó không còn chút ham muốn đi tranh luận ở kinh đô nữa. Vì chàng chẳng cần minh chứng điều gì cả.
Trích “Sư tử tuyết bờm xanh”, Surya Das, Nguyễn Tường Bách chuyển ngữ.