Từ Bỏ Trang Phục Vô Nghĩa và Đắp Y Trong Tâm
Khenchen Konchog Gyaltshen
Nhờ đắp y, ta nuôi dưỡng một tâm thức thiện lành.Mặc y phục thế gian và đeo vũ khí là một nguyên nhân của tâm bất thiện.Đặc biệt là y phục tu sĩ thôi thúc và nhắc nhở người có tâm xả ly.Nó là một biểu hiện vinh quang của giáo lý của Đấng Chiến Thắng.Vì thế, hãy từ bỏ y phục vô nghĩa.Hãy là một món trang sức để thôi thúc những người có lòng kính ngưỡng.(Bhande Dharmaradza) BÀI KỆ NÀY bao gồm lời khuyên cho người xuất gia. Khi bạn trở thành một vị tăng hay ni, việc đắp y tu sĩ trở thành một phương pháp đặc biệt để hỗ trợ cho sự chánh niệm của bạn. Ý tưởng: “Tôi được hỗ trợ để nghiên cứu và thực hành hơn người khác,” là một loại bảo vệ. Nếu sau khi trở thành một vị tăng hay ni, bạn trở về để mặc lại y phục thế gian và không còn nghĩ rằng bạn khác biệt với người khác, chánh niệm của bạn có thể bị suy giảm. Trước hết hãy mặc chiếc y này cho sự
xả ly (từ bỏ) của chính bạn - tự nhắc nhở rằng bạn mặc chiếc y này để giải thoát khỏi sinh tử và đạt được giác ngộ - và kế đó để
thôi thúc những người khác.
Chỉ mặc y không thôi thì không có gì là phi thường hay kỳ diệu. Điều tối quan trọng là bạn phải thực hành hơn người khác. Điều thiết yếu là bạn phải đắp y trong tâm giống như bạn khoác nó trên thân thể bạn. Hãy cố gắng biểu lộ mọi phẩm tính tốt lành của tâm khi bạn mặc y tu sĩ. Dĩ nhiên là bạn không có những phẩm tính này ngay lúc bắt đầu. Điều đó gây hứng khởi cho nguời khác và sẽ trở thành một nguyên nhân cho sự tôn kính của họ.
Nếu bạn đắp y như một phương tiện để khuyến khích người khác phục vụ bạn theo một cách thức không thể có được trong đời sống bình thường của bạn, điều này trở thành một nguyên nhân của sự lầm lạc và đau khổ cho bản thân bạn và những người khác. Thay vì gây hứng khởi cho người khác, bạn sẽ làm cho người ta bực tức bạn. Họ sẽ nói: “Những người đắp y là những kẻ phá rối. Thay vì xây dựng Tăng đoàn, họ là những người hủy hoại nó.” Chúng ta phải hết sức cẩn trọng. Các vị tăng và ni là những người đã chính thức bắt đầu việc nghiên cứu và thực hành giáo lý, những người đã nhận trách nhiệm để trở thành một gương mẫu tốt đẹp, một nguồn mạch của trí tuệ, an bình, và hòa hợp - không phải là nguồn mạch của vô minh và lầm lạc.
Vì sao
từ bỏ y phục vô nghĩa? Nếu bạn mặc bộ y giản dị, tinh sạch với giới hạnh trang nghiêm, bạn có thể là một món trang sức, một gương mẫu thôi thúc lòng kính ngưỡng. Nếu ngẫu nhiên có một vị tăng hay ni không tốt, điều này mang lại ác nghiệp nặng nề cho bản thân họ và cho những người khác. Những người nói những điều không hay về họ sẽ tạo ác nghiệp, và những người đắp y tu sĩ đó cũng sẽ tạo nghiệp xấu, bởi cả hai có sự tương duyên. Vì thế, như tôi đã nói, việc đắp y không có gì là kỳ diệu. Nó không phải điều gì tạo ra những hy vọng, trông chờ. Đúng hơn, nó tạo nên trách nhiệm để tịnh hóa những tư tưởng và hành vi bất thiện, phát triển những phẩm tính tốt lành của trí tuệ và lòng bi mẫn nội tại, và để giải thoát bản thân khỏi sinh tử. Tác giả hiểu rõ tầm quan trọng của việc đắp y tu sĩ nên đã đề cập đến điều đó ở đây.
Bạn sẽ không hoàn hảo trong ngày đầu tiên bạn đắp y tu sĩ. Việc thọ giới xuất gia chỉ là sự bắt đầu hứa nguyện của bạn đối với hành trình tu tập Giáo pháp để thoát khỏi sinh tử và thành tựu giác ngộ. Mặc Pháp y là một biểu hiện của sự không dính mắc và hứa nguyện thực hành Pháp để đạt được giác ngộ hay Phật quả, và vì thế trở thành một món trang sức để thôi thúc người có lòng kính ngưỡng. Hiện nay cộng đồng tu sĩ đang phát triển ở Tây phương. Đời sống này không dễ dàng bởi các tăng và ni ngày nay không được sự hỗ trợ của người khác như trong quá khứ. Vì thế điều quan trọng là mỗi vị phải có sự dũng cảm, sức mạnh để duy trì hứa nguyện của mình, và để đối mặt với nghịch cảnh bằng một cách thế tích cực. Họ cần có Bồ đề tâm vô cùng mạnh mẽ để thực hiện những điều này. Nếu ta có thể làm như thế, Tăng đoàn sẽ phát triển và được các thế hệ mai sau tôn kính hơn nữa, và nhờ đó, sự hỗ trợ sẽ tăng lên và Phật giáo có thể được củng cố vững chắc ở nhiều nơi.
~ Trích “Một Hướng Dẫn Đầy Đủ về Con Đường Phật Pháp” Phúc Hạnh An trích dẫn.