Ý Nghĩa Lễ Quán Đỉnh
Khamtrul Rinpoche
Một đặc trưng của Phật Giáo Kim Cương Thừa là nghi thức bắt buộc tham dự việc phát nguyện, phụng sự và thực hành nghi quĩ (tiếng Phạn là sadhana) theo một đức bổn tôn hay một vị bồ tát nào đó. Đó là nghi thức mà một bậc thày tu chứng thành tựu một pháp môn nào đấy trao truyền trực tiếp cho các đệ tử pháp môn đó, bao gồm mô tả, giảng nghĩa, quán tưởng và thứ lớp tu tập cùng với các nghi lễ cúng dường và thần chú tương ứng. Mặc dù vậy, quán đỉnh còn mang ý nghĩa nhiều hơn những gì cấu thành nên nó; nó là sự trao truyền nguồn ân phúc và năng lực gia trì của cả một dòng truyền thừa.
Quán đỉnh ban sự gia trì và trao quyền thể nhập thực hành một nghi quỹ tantra. Quán đỉnh có thể ngắn hoặc dài, đơn giản hay phức tạp. Quán đỉnh thường bao gồm (1) wang (tiếng Phạn là Abisheka) tức là phần quán đỉnh thánh hoá người đệ tử thành vị hoá thần bản tôn, (2) lung tức là phần khẩu truyền - tụng đọc một bài kinh văn (đôi khi có thể là tụng bản cô đọng hoặc tụng nhanh đầy đủ cả bài kinh), và (3) tri là những phần giảng dạy hướng dẫn cách tu tập thực hành. Trong những trường hợp đặc biệt, chỉ cần một nghi lễ rút gọn kết nối người đệ tử với nghi quỹ thực hành đi kèm cùng trì tụng thần chú liên quan là đủ.
Như theo lời dạy của một bậc Kim Cương Thượng Sư:
"Hầu hết các pháp tu trì tụng thần chú và quán tưởng của tantrayana hay Kim Cương Thừa đòi hỏi hành giả phải được thụ nhận quán đỉnh, được trao quyền và được hướng đạo từ một bậc thầy phẩm hạnh trước khi bắt đầu tu tập thực hành một nghi quỹ hay sadhana nào đó.
Tuy nhiên, một số pháp tu do Đức Phật Thích Ca truyền cho đại chúng không phải tuân theo quy định này. Tất cả các pháp môn trong Kinh thừa chắc chắn đều đã chứa đầy ân đức gia trì của Đức Phật rồi nên bất kỳ ai mong muốn đều có thể thực hành theo, trong đó bao gồm cả các pháp tu của Đức Bồ Tát Quan Âm (Chenrezig) và của Phật Mẫu Tara Xanh (Lục Độ Mẫu). Đương nhiên, mặc dù vậy bạn luôn được khuyến khích thụ quán đỉnh Kim Cương Thừa của Quan Âm và Lục Độ Mẫu bất kể khi nào có cơ duyên. Mặc dù pháp môn mà tôi đang nói đến ở đây có thể được tu tập thụ trì ngay lập tức nhờ phúc đức gia trì của Đức Thế Tôn. Khi bạn được thụ nhận quán đỉnh Quan Âm, sự tu tập và năng lực kết nối bạn với căn bản thượng sư (tsaway lama) của mình và Bản Tôn Quan Âm càng được tăng trưởng hơn.”
Lễ quán đỉnh truyền pháp đầy đủ trong Đạo Phật thường được chia làm bốn phần:
1. quán đỉnh bình.
2. quán đỉnh bí mật.
3. quán đỉnh trí tuệ.
4. quán đỉnh khẩu, âm, ngữ hay quán đỉnh ‘như thị’
Quán đỉnh thứ tư mặc dù được gọi là ‘Ngữ quán đỉnh’ nhưng không bao giờ được trình bày bằng ‘ngôn từ’. Đôi khi một biểu tượng nào đó được dùng để minh hoạ cho thể tính trong sáng quang minh của tâm.
Chuyển hoá Độc tố thành Cam lồ(Kinh)
Bốn quán đỉnh giai đoạn thành thục giống như nguồn suối cam lồ Tịnh hóa bốn ám chướng và gieo trồng hạt giống tứ thân, Là căn bản của con đường tu trì thần chú. Đây là lời huấn thị tâm yếu của ta.(Luận)
Khi ta tìm được một bậc đạo sư phạm hạnh và trì giữ tam muội gia giới (samaya), khi đó ta có thể thụ nhận giáo pháp Kim Cương Thừa. Nếu hỏi về sự khác biệt giữa kinh thừa và mật thừa thì xin trả lời đó chính là nghi thức quán đỉnh, tiếng Phạn nghĩa là abhisheka. Bất kỳ pháp tu nào đòi hỏi phải được thụ nhận quán đỉnh thì chúng ta gọi đó là pháp tu theo Kim Cương Thừa. Nếu pháp tu nào không đòi hỏi phải thụ nhận quán đỉnh thì pháp tu đó thuộc về hệ thống kinh thừa.
Lý do cần phải có quán đỉnhTâm thức phàm phu của chúng ta không được thành thục và chín muồi. Vì thế, nó cần phải được thuần thục bằng quán đỉnh. Theo tiếng Tạng, cam lồ có nghĩa là dutsi được dùng để chỉ một chất liệu có thể chuyển hóa các độc tố thành cam lồ. Nó còn được gọi là thứ mật ngọt thanh tịnh hay nước cam lồ vô ưu. Cho nên sự liên hệ này nhắc đến phẩm chất của sự chuyển hóa giống như trong thuật luyện kim vậy
Trong thuật luyện kim, các hợp kim được chuyển hóa thành vàng. Tâm thức của chúng ta giống như hợp kim được chuyển hóa thành vàng nhờ vào lễ truyền pháp quán đỉnh. Trong khi dòng suối cam lồ được quán đỉnh ban phúc lên chúng ta trong buổi lễ, chúng ta thiền định và quán tưởng mình chuyển hóa, thể nhập và an trụ trong trạng thái của Bản tôn hóa thần, nhờ đó tịnh hóa hết thảy ám chướng và tà niệm. Chúng ta hiển lộ tâm tính của mình đồng như tâm của Bản tôn hóa thần không khác. Toàn bộ sắc thân của chúng ta được chuyển hóa thành mandala của bản tôn.
Thông qua bốn quán đỉnh, chúng ta tịnh hóa bốn ám chướng. Nhờ tịnh hóa bốn ám chướng, chúng ta gieo trồng hạt giống thành tựu tứ thân trong tương lai. Các thứ lớp này là những yếu tố căn bản của tantra, gốc rễ của hệ thống Kim Cương Thừa. Nếu chúng ta không đón nhận lễ truyền pháp quán đỉnh này, chúng ta không có quyền thực hành tu tập Kim Cương Thừa. Vì thế chúng ta cần phải biết trân quý cơ hội hy hữu khi được đón nhận quán đỉnh
Bốn quán đỉnh đó là:
• quán đỉnh bình,
• quán đỉnh bí mật,
• quán đỉnh trí tuệ
• quán đỉnh thứ tư.
Bốn ám chướng gồm:
• thân,
• khẩu,
• ý,
• khí vi tế.
Bốn thân gồm:
• Hóa Thân,
• Báo Thân,
• Pháp Thân,
• Thể tính thân Svabhavikakaya.
Thông qua thiền định về quán đỉnh đầu tiên, tức là bình quán, chúng ta tịnh hóa các ám chướng của thân. Hiện giờ chúng ta thấy bản thân mình chỉ là một phàm phu thường tình bằng xương, bằng máu vốn là nguồn gốc của phiền não khổ đau. Nếu như chúng ta thấy rõ được điều này trong lễ truyền pháp quán đỉnh, chúng ta có thể hiển lộ được thân phàm phu của mình thành thân giác ngộ. Nói cách khác, chúng ta chuyển hóa bản thân mình thành bản tôn hóa thần. Bằng cách thể nhập vào trạng thái của hóa thần, chúng ta gieo trồng hạt giống thành tựu Hóa Thân Phật.
Trong phần quán đỉnh thứ hai gọi là mật quán, chúng ta tịnh hóa những ám chướng gây ra bởi khẩu nghiệp. Tất cả những khẩu nghiệp bất thiện và những lời vô nghĩa không biết dừng nghỉ của chúng ta được chuyển hóa thành khẩu giác ngộ của Đức Phật. Bằng cách tịnh hóa các ác nghiệp ám chướng thuộc về khẩu, chúng ta gieo trồng hạt giống thành tựu Báo Thân Phật.
Nhờ quán đỉnh thứ ba tức là quán đỉnh trí tuệ, chúng ta tịnh hóa tất các ác nghiệp ám chướng thuộc về ý. Tất cả si mê ám chướng (Trần sa hoặc) của chúng ta được chuyển hóa thành bản chất trí tuệ và tự tính tâm của chúng ta hiển lộ vô biên không giới hạn. Bằng cách tịnh hóa ý nghiệp, chúng ta gieo trồng hạt giống thành tựu Pháp Thân Phật.
Quán đỉnh thứ tư đôi khi còn được gọi là quán đỉnh ngữ tôn quý, song thông thường được gọi là quán đỉnh ‘thứ tư’. Nhờ được thụ nhận quán đỉnh thứ tư này, chúng ta tịnh hóa các ám chướng vi tế (vô minh hoặc) để thành tựu quả vị giác ngộ. Những ám chướng vi tế của phân biệt nhị nguyên được chuyển hóa thành sự tỉnh thức nguyên thủy – trí tuệ bản lai. Bằng cách tịnh hóa các ám chướng vi tế, chúng ta gieo trồng hạt giống thành tựu Thể tính thân siêu việt Svabhavikakaya
Bốn quán đỉnh này thường tương ứng với bốn thứ lớp tantra tối thượng như tantra Hỷ Kim Cương Hevajra (Kyedorje), Thắng Lạc Kim Cương Chakrasamvara (Demchog), Kim Cương Phật Mẫu Vajrayogini (Dorje Naljorma)
Thụ nhận Năng lực"Thực sự sẽ rất thâm sâu và nhiệm màu nếu hành giả có thể bắt đầu con đường hành trì Kim Cương Thừa dựa trên sự hiểu biết minh xác về mật đạo tantra. Một số đạo sư Tây Tạng trong quá khứ từng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các giáo pháp Kim Cương Thừa bằng sự biểu trưng của linh kim cương và chử kim cương. Người Tây Tạng cho rằng nếu hành giả biết sử dụng những pháp khí này đồng thời hiểu được tầm quan trọng của pháp khí này và hiểu biết đầy đủ về đạo lộ Kim Cương Thừa thì khi rung linh, nó sẽ mang ý nghĩa và sự biểu đạt thâm sâu vi diệu. Nếu không, việc rung chuông đơn thuần thực sự không chứa đựng một chút ý nghĩa nào. Ai cũng có thể thấy được là chuông đeo ở cổ bò có thể kêu rất to.”
Quán đỉnh mới chỉ là sự khởi đầu nhập môn. Để được lợi ích dài lâu, tiếp theo sau đó phải là sự tu tập hành trì đúng cách dưới sự hướng đạo của Kim cương thượng sư giác ngộ.
Các pháp tu tantra được phân chia theo hệ thống thứ lớp trong đó quán đỉnh là một yếu tố quan trọng không thể thiếu, vì vậy một lễ truyền pháp quán đỉnh – hay wang có thể thuộc về bất kỳ một tantra nào. (Số lượng và loại tantra phụ thuộc vào hệ phái Phật Giáo cụ thể). Những quán đỉnh phổ biến nhất là của những hóa thần bản tôn như Quan Âm Tứ Thủ, Lục Độ Mẫu và A Di Đà (Chenrezi, Green Tara, Amitabha).
Bất kỳ giáo pháp nào liên quan đến quán đỉnh đều đòi hỏi đi kèm với phát nguyện thực hành tu tập.
Những yêu cầu để được thụ quán đỉnhPhát tâm(1) phát tâm nguyện thụ nhận ân đức gia trì
(2) phát tâm thực hành những giáo pháp tương ứng trong tương lai
(3) phát tâm tức thời thực hành giáo pháp được truyền thụ
Nhân duyên điều kiệnĐể lễ truyền pháp quán đỉnh hiệu nghiệm, cần hội đủ ba nhân duyên điều kiện sau:
1. Động cơ của người thày phải thanh tịnh dựa trên cơ sở tình yêu thương và lòng bi mẫn. Người thày cũng phải đã từng đón nhận lễ truyền pháp quán đỉnh và bản thân có kinh nghiệm tu chứng.
2. Người đệ tử phải có tín tâm không chút nghi báng về sự hợp thức của buổi lễ và phẩm hạnh của đạo sư. Người thày phải được hiểu là hiện thân của Đức Phật và bậc đạo sư của chính ngài. Những phẩm chất cá nhân thường nhật của người thày không quan trọng bằng vai trò là kim cương thượng sư của ngài.
3. Những pháp khí biểu tượng trong buổi lễ như tranh ảnh, hình tượng, bình quán đỉnh [bumpa], và những phẩm vật cúng dường được chuẩn bị đầy đủ
Một pháp tu là chân thực khi nó hội tụ đầy đủ các phương diện sau của sự truyền pháp:
1. bắt nguồn từ một dòng truyền thừa không gián đoạn
2. sự truyền pháp bao gồm nghi lễ quán đỉnh
3. khẩu truyền phần kinh văn của nghi quĩ
4. giảng nghĩa kinh văn và các hình ảnh biểu tượng
5. truyền trao năng lượng tâm linh vốn là đặc trưng và hiện hữu sẵn có trong các bản tôn/pháp tu.
Nghi thứcĐể tham gia quán đỉnh truyền pháp, bạn phải hoàn tất lễ Quy y. Cũng có lúc, lễ Quy y được tiến hành ngay trước buổi truyền pháp để những người sơ tâm có thể tham gia. Đây là trường hợp thường thấy ở các nước phương Tây do các đạo sư Kim Cương Thừa không đến thăm được nhiều và thường xuyên.
Một lễ quán đỉnh wang bao gồm nhiều nghi lễ thánh hóa/tịnh hóa. Đại lễ quán đỉnh chính có thể bao gồm bốn phần truyền pháp, gia trì hoặc thánh hóa, một số nghi lễ này lại chia ra thành nhiều nghi lễ nhỏ hơn nữa.
Một nghi lễ Quán đỉnh wang nhỏ thường gồm ba phần tịnh hóa Thân, Khẩu, Ý – ba cửa ngõ tạo nghiệp (karma) của mỗi chúng sinh. Thực chất, xét ở bình diện tuyệt đối, Thân, Khẩu, Ý vốn dĩ vẫn thanh tịnh, chỉ có điều chúng ta chưa nhận ra được điều đó.
Về bản chất, mục đích của tu tập mật thừa là tịnh hóa mọi tạo tác của Thân, Khẩu, Ý bằng cách tiêu trừ những nhiễm ô phiền não bất tịnh của thân tâm (kelshas) để những hành động của chúng ta trở nên giống như những thiện hạnh của chư Phật. Như lời Pháp Vương Karmapa Urgyen Trinley đã khai thị: Hạnh phúc đạt được khi ta hợp nhất động cơ và hành động.
Thụ nhận quán đỉnh cũng giống như việc gieo một hạt giống trong tâm thức; sau này, khi hội đủ nhân duyên, hạt giống đó sẽ nảy mầm thành Giác ngộ. Vì vậy mà, khi một Đại lễ Quán đỉnh được tuyên bố, thì thường đi kèm với ‘Yêu cầu Quy y’ là ‘phát nguyện trì giữ’
Lễ Tịnh hóa Thân giúp thanh lọc những uế trược về thân để chúng ta có thể quán tưởng bản thân mình thành vị hóa thần bản tôn. Chẳng hạn như, bất luận già hay trẻ, nam hay nữ, chúng ta đều là Quán Thế Âm Bồ Tát với một mặt, bốn tay, cầm tràng hạt và ngọc như ý, v.v...
Lễ Tịnh hóa Khẩu giúp thanh lọc khẩu nghiệp và cho phép chúng ta trì tụng câu thần chú tương ứng.
Lễ Tịnh hóa Ý giúp ta thực chứng sự bất nhị của tâm mình và tâm của bản tôn, từ đó siêu việt được năng – sở đối đãi nhị nguyên thường ngày.
Cả ba nghi lễ trên đây ban năng lực cho phép ta hành trì một pháp tu thiền định nào đó mà theo đấy (bên cạnh những yếu tố khác nữa) ta được phép quán tưởng tự thân là hóa thần bản tôn, trì tụng thần chú, xua tan những vọng tưởng phân biệt giữa hành giả và đức bản tôn. Hình thức tu tập này giúp chúng ta liễu ngộ bản tâm của mình với tâm của chư Phật không khác.
Do các phần quán tưởng diễn ra trong đại lễ quán đỉnh chính khá dài và phức tạp, nên người ta có thể chuẩn bị những tờ chú thích và giảng nghĩa. Một số người có thể mang theo giấy bút để ghi lại.
Nếu lễ quán đỉnh wang còn bao gồm Bình Quán thì sẽ cần có các bình quán đỉnh trang trí bằng lông khổng tước. Nước ở trong bình sẽ được Kim Cương Thượng Sư tịnh hóa trước khi diễn ra lễ quán đỉnh. Trong lúc tiến hành nghi lễ, bình nước sẽ được đặt lên đầu các Phật tử (họ thường xếp thành hàng và từng người một tiến lên để nhận sự gia trì từ Kim Cương Thượng Sư) và có thể được ban một chút nước cam lồ từ bình nước thiêng. (Ngài sẽ đổ nước cam lồ vào lòng bàn tay bạn đang chụm lại, sau đó bạn sẽ hớp nước từ lòng bàn tay, và xoa lên đầu mình chỗ nước còn sót lại)
Chuẩn bị cho lễ quán đỉnhBạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng như thể đang chuẩn bị được thụ nhận lễ quán đỉnh từ chính Đức Phật Thế Tôn vậy bởi vì bạn đang thực sự đón nhận sự truyền thừa và dòng ân phúc gia trì từ đức phật truyền không gián đoạn đến các bậc truyền thừa tổ sư cho đến bạn.
Trong nghi thức chuẩn bị trước khi tiến hành buổi lễ quán đỉnh, đức thượng sư sẽ quán tưởng ngài là một hoá thần bản tôn. Trong suốt buổi lễ quán đỉnh, bạn cần tôn kính xem đức thượng sư bất khả phân với hoá thần đó và quán tưởng ngài trong pháp tướng của bản tôn. Buổi lễ sẽ đắc pháp thành tựu hơn nếu bạn có thể xây dựng được một niềm tin không lay chuyển rằng mình đang thụ nhận quán đỉnh từ một vị hoá thần.
Chẳng hạn như, nếu bạn đang thụ quán đỉnh Quan Âm thì bạn cần không ngừng quán tưởng đức Kim Cương Thượng Sư trong pháp tướng của Bồ Tát Quan Thế Âm và tin tưởng rằng chính Đức Bồ Tát Quan Thế Âm đang trao truyền quán đỉnh cho bạn.
Trước khi gia nhập đàn tràng quán đỉnh, bạn cần cởi bỏ giày dép và xúc miệng bằng nước sạch. (Thông thường sẽ có những người phụ giúp rót nước và cầm ống nhổ để bạn xúc miệng.)
Nếu đức kim cương thượng sư đã an toạ, bạn cần hướng về ngài đỉnh lễ ba lần. Trước mỗi lần đỉnh lễ, bạn nhẹ nhàng chắp hai bàn tay khum khum lại với nhau và chạm vào trán, cổ họng và ngực. Nếu vì lý do sức khoẻ hay những lý do khác không thể đỉnh lễ dài, thì bạn có thể hướng về đức thượng sư cúi thấp mình ba lần.
Tốt nhất là bạn có thể ngồi thế liên hoa hai chân bắt chéo nhau, nhưng nếu vì lý do thân thể không thể an toạ như vậy được thì cũng có thể ngồi trên ghế hoặc bệ. Nếu khi ngồi bắt chéo chân khiến chân và lưng bạn đau mỏi thì hãy nhẹ nhàng thay đổi tư thế. Bạn không nên nằm trên sàn hay ngồi duỗi chân chĩa về phía thượng sư.
Trước khi lễ quán đỉnh bắt đầu, vị thị giả của ngài thông thường sẽ đưa cho bạn một nhúm gạo và bạn cần giữ nhúm gạo đó trong tay. Nhúm gạo đó được dùng để cúng dường mandala diễn ra ngay sau khi lễ quán đỉnh bắt đầu.
Luôn có ít nhất hai lần cúng dường mandala trong một buổi lễ quán đỉnh (lúc bắt đầu và lúc kết thúc), vì vậy bạn có thể để lại một ít gạo bên cạnh mình (hoặc bỏ vào túi) dành cho phần cúng dường mandala vào cuối buổi lễ.
Trong khi chờ lễ quán đỉnh bắt đầu, thay vì ngó nghiêng xung quanh, bạn nên suy ngẫm về lý do tại sao bạn có mặt tại đàn tràng. Khai phát tâm bồ đề như sau là vô cùng trọng yếu: chúng hữu tình chịu nhiều ưu phiền khổ não bất như ý gây ra bởi si mê và dục vọng. Cho dù có thể nhận thức được hiện thực khổ đau mang tính phổ quát này song bạn không thể làm được gì nhiều vì cũng như tất cả mọi chúng sinh khác, bạn đã bị buộc ràng vào nó quá lâu rồi. Chỉ bằng cách thành tựu từ bi, trí tuệ và dũng lực của chư Phật mới có thể tự cứu chính mình và chúng sinh khỏi khổ đau, như vậy là vì lợi ích của hết thảy hữu tình mà bạn nguyện thụ nhận quán đỉnh này. (Đây cũng chính là nội dung của Tứ đế và Bồ Đề nguyện của Đại Thừa)
Phần mở đầuLễ Quán đỉnh thường được bắt đầu bằng lễ phát nguyện Quy y và một số bài cầu nguyện tán tụng mở đầu. Tiếp đến là lễ cúng dường mandala lên kim cương thượng sư tôn quí (guru), bạn cần quán tưởng ngài là vị hóa thần bản tôn, vi nhiễu vây quanh ngài là chư Phật và chư vị Bồ Tát.
Vị tăng thị giả cho ngài có thể làm mẫu cho bạn noi theo, thường là đỉnh lễ ba lần đồng thời đổ đầy gạo lên chiếc đĩa mandala bằng bạc. Trong lúc này, đại chúng tham dự kiết ấn cúng dường mandala (trong đó hai ngón tay áp út được đặt đối nhau hướng thẳng lên, biểu tượng cho trục của vũ trụ theo quan niệm của người Ấn Độ cổ đại về vũ trụ học), tuy nhiên nó không phải là điều căn bản. Hãy quán tưởng rằng bằng cách không chỉ cúng dường một chút gạo như vậy, bạn thực sự đang cúng dường toàn bộ vũ trụ trong đó có hàng triệu triệu thế giới chứa đầy những phẩm vật cúng dường cát tường. Theo đó chính là bạn đang cúng dường toàn bộ những phẩm vật đó lên đức Kim Cương Thượng Sư, người truyền trao pháp quán đỉnh cho bạn.
Khi vị thị giả tụng xong bài kệ cúng dường mandala và tung gạo vào không trung thì bạn cũng làm tương tự bằng cách chuyển động bàn tay xuất phát từ nơi trái tim hướng ra phía ngoài để phát tán những hạt gạo – cử chỉ này tượng trưng cho tâm chí thành của hành động cúng dường này.
Sau đó, Kim Cương Thượng Sư sẽ trì tụng một số lời cầu nguyện triệu thỉnh bằng tiếng Tạng. Bạn cố gắng nhắc lại theo ngài từng câu càng nhiều càng tốt. Để biểu hiện tín tâm sùng kính hiến dâng, đại chúng thường chắp hai tay trước ngực trong lúc khẩu truyền, cầu nguyện.
Trong phần mở đầu hay chuẩn bị này, chúng ta trì tụng
Bảy Lời Cầu Nguyện:
1. Chúng con nguyện sám hối tất cả mọi tội lỗi đã gây ra từ vô thủy
2. Chúng con hoan hỷ tùy hỷ tất cả công đức của chư Phật, chư Bồ tát và hết thảy hữu tình
3. Chúng con phát nguyện Bồ đề tâm Tuyệt đối – thực chứng Chân lý cứu kính hay còn gọi là Chân Không
4. Chúng con nguyện Quy y Phật – Pháp – Tăng cho đến khi thành tựu Giác ngộ
5. Chúng con nguyện trưởng dưỡng Bồ đề tâm Tương đối – mong cầu thành tựu Đại Giác ngộ vì lợi ích giải thoát hết thảy chúng hữu tình khỏi luân hồi
6. Với mục đích này chúng con nguyện tinh tấn tu hành đạt tới Giác ngộ giải thoát
7. Chúng con nguyện hồi hướng toàn bộ công đức này tới toàn bộ chúng hữu tình để được bình an và giải thoát
Lịch sử, nguồn gốcThông thường, Kim Cương Thượng Sư sẽ giải thích về nguồn gốc của mật chú tantra, tức là về việc tantra đó được đưa vào thực hành tu tập như thế nào và có quan hệ gì đến dòng truyền thừa của ngài.
Giải thích quán đỉnhTrong suốt đại lễ quán đỉnh, nhiều phần quán tưởng và nghi lễ khác nhau được thực hiện. Có thể đức Kim Cương Thượng Sư sẽ giới thiệu về các đề mục này ngay từ đầu, hoặc giải thích vào thời điểm thích hợp sau đó.
Quán tưởng trong phần chính của nghi lễ quán đỉnh wang phức tạp hơn quán tưởng trong nghi lễ chuẩn bị. Chẳng hạn, trong phần chính bạn có thể phải quán tưởng về các vị bản tôn xuất hiện trên không trung, hay từ tim của Kim Cương Thượng Sư, và những chủng tử tự bằng tiếng Tạng hiện ra ở những vị trí nhất định trên thân ngài hay ngay trên thân bạn.
Bạn có thể được yêu cầu quán tưởng những luồng ánh sáng với màu sắc khác nhau từ tim ngài phóng ra tỏa chiếu lên bạn cùng vô số chúng hữu tình, thanh lọc mọi phiền trược nhiễm ô.
Đôi khi, theo yêu cầu của Kim Cương Thượng Sư, bạn có thể phải quán tưởng về chính tự thân mình trong pháp tướng của những bản tôn. Nghi lễ Tịnh Hóa Thân này được thực hiện khi vị thị giả dâng hương.
Trong phần Tịnh Hóa Khẩu, thông thường bạn sẽ phải quán tưởng thần chú của vị hóa thần bản tôn (viết bằng tiếng Tạng) đi từ tim của Kim Cương Thượng Sư thể nhập vào tim bạn. Lúc này, ngài sẽ trì thần chú và bạn nhắc theo ba lần.
Trong nghi lễ Tịnh Hóa Ý, bạn quán tưởng trong tâm chủng tử tự của vị bản tôn và bằng cách chú tâm vào chủng tử tự này – tức là tinh yếu của đức bản tôn - bạn cố gắng liễu ngộ tâm mình và tâm của Thượng Sư hay đức bản tôn hóa thần là bất khả phân.
Phần kết thúc quán đỉnhĐại lễ Quán đỉnh kết thúc với nhiều bài tán tụng cầu nguyện và lễ cúng dường mandala cuối cùng để bày tỏ lòng tri ân tới Kim Cương Thượng Sư vì đã trao truyền quán đỉnh (wang). Trong phần kết thúc quán đỉnh này, các đệ tử xếp thành hàng một đi nhiễu qua nơi tòa của Kim Cương Thượng Sư để thụ nhận gia trì, chẳng hạn ngài sẽ đặt chày kim cương hay bình quán đỉnh lên đỉnh đầu đệ tử, hoặc đôi khi để chiêm bái một hình ảnh nào đó.
Nếu mandala của vị bản tôn đã được kiến lập (dành cho những đại lễ quán đỉnh), bạn nên chiêm bái và đỉnh lễ đức bản tôn hóa thần ở trung tâm của mandala để đón nhận gia trì và thành tựu pháp.
Nguồn: kimcuongthua.org