PHÂN LOẠI NĂM PHÁP CHUYỂN DI
Có năm loại chuyển di tâm thức khác nhau:
1. Chuyển di siêu việt tới Pháp Thân nhờ dấu ấn của cái thấy (kiến)
2. Chuyển di trung bình tới Báo Thân nhờ hợp nhất các giai đoạn phát triển và toàn thiện.
3. Chuyển di thấp tới Hoá Thân nhờ lòng bi mẫn vô lượng.
4. Chuyển di thông thường nương vào ba ẩn dụ.
5. Chuyển di thực hiện cho người chết với cái móc của lòng bi mẫn.
1. Chuyển Di Siêu Việt Tới Pháp Thân Nhờ Dấu Ấn Của Cái Thấy (Kiến)Đối với những người khi còn sống đã tu tập thuần thục và kinh qua được một cái thấy (kiến) không hề sai lầm về chân tánh vô tạo tác, thì vào lúc lìa đời, họ có thể đưa không gian (space) và tánh giác (awareness) vào con đường tu tập ẩn mật của pháp trekcho thuần tịnh nguyên sơ, và có thể chuyển di tâm thức của họ vào cảnh giới chân như của Pháp Thân.
2. Chuyển Di Trung Bình Tới Báo Thân Nhờ Hợp Nhất
Hai Giai Đoạn Phát Triển Và Toàn ThiệnĐối với những người đã quen thuộc với công phu hành trì các pháp tu của hai giai đoạn phát triển và toàn thiện, kết hợp cả hai như một pháp môn du già bất khả phân, cũng như đã tu tập thuần thục để có thể nhìn thấy sắc tướng của vị Bổn Tôn/Hộ Phật (deity) chẳng khác gì một cảnh trí hoá hiện thần diệu, thì khi những ảo giác của trạng thái trung ấm xuất hiện vào giây phút lìa đời, họ có thể chuyển hoá tâm thức của họ thành Thân trí tuệ hợp nhất (the union wisdom kāya).
3. Chuyển Di Thấp Tới Hoá Thân Nhờ Lòng Bi Mẫn Vô LượngNhững người đã nhận các lễ gia lực của Kim Cương Thừa, những người đã trì giữ mật nguyện không hề sai trái, những người có thiên hướng nghiêng về các pháp tu trong hai giai đoạn phát triển và toàn thiện, và những người đã thọ lãnh những giáo huấn về trạng thái trung ấm, họ có thể:
Hãy gián đoạn việc nhập thai, hãy nhớ quay ngược lại:
Đây là lúc đòi hỏi một quyết định và tri kiến thuần tịnh. Những người đang thực hành pháp chuyển di này phải chặn đứng bất kỳ lòng tham cầu muốn nhập vào một thai tạng bất tịnh nào. Được lòng đại bi dẫn dắt cũng như mong muốn thực hiện được ước nguyện tái sinh như một Hoá Thân, họ chuyển di tâm thức và tái sinh vào một trong những cõi tịnh độ.
4. Chuyển Di Thông Thường Nương Vào Ba Ẩn DụNgười ta cũng có thể thực hành pháp chuyển di này bằng cách tưởng tượng đường khí mạch trung ương (trong thân thể) như con đường, giọt tinh chất (bindu) của tâm thức như người lữ khách, và cõi tịnh độ Cực Lạc như là đích đến.
5. Chuyển Di Thực Hiện Cho Người Chết Với Cái Móc Của Lòng Bi MẫnPháp chuyển di này cũng được thực hiện cho người đang hấp hối, hay cho người đã ở trong trạng thái trung ấm. Pháp này có thể được thực hiện bởi một hành giả du già (yogi) với mức độ tu chứng sâu dầy, có khả năng làm chủ được tâm và tri giác, và có khả năng nhận ra được tâm thức của người chết trong trạng thái trung ấm. Nói chung, để thực hiện pháp chuyển di cho người chết, ta cần phải chứng đắc được Kiến Đạo, Con đường của Cái Thấy (Path of Seeing). Như ngài Jetsun Mila có nói:
Không được thực hành pháp chuyển di cho người chết,
Trừ phi đã trực nhận được chân lý của Kiến Đạo. …
Một lần kia, khi đại Đạo Sư Tendzin Chopel đang ở Tsari, Ngài có một thị kiến về một người mà có lần ngài thực hành pháp chuyển di cho ông ta và nhận thù lao một con ngựa. Tất cả những gì Ngài có thể thấy là cái đầu người nhô lên từ một cái hồ máu đỏ thẫm. Vật ấy gọi tên Tendzin Chopel và yêu cầu Ngài làm một điều gì đó.
Tendzin Chopel cảm thấy sợ hãi. Ngài đáp lại: “Ta tặng ngươi cuộc hành hương tới Tsari của ta,” và ảo ảnh biến mất.
Ngay cả đối với một vị Thầy vĩ đại có mức độ chứng ngộ sâu dầy, việc nhận các món cúng dường nhân danh người chết mà không thực hiện một nghi lễ hay một việc gì đó tương tự để đem lại lợi lạc cho người đã chết thì việc này sẽ gây nên những trở ngại trên con đường tu.
Khi vị Hoá Thân Tu Viện Trưởng Dzogchen, Ngài Gyurme Thekchok Tendzin, thị tịch, thì Ngài Trime Shingkyong Gonpo được mời tới dự tang lễ. Suốt cả ngày Ngài chỉ cử hành các nghi lễ tịnh hoá và triệu thỉnh thần thức, cử hành đi cử hành lại pháp chuyển di, giống như Ngài đã làm sau cái chết của một người bình thường. Các nhà sư hỏi Ngài tại sao làm vậy.
Ngài giải thích: “Cách đây đã lâu, Dzogchen Rinpoche quên không cử hành các nghi lễ và cầu nguyện hồi hướng cho một người quá cố trong khi có một con ngựa đen đã được đem đến cúng dường cho Ngài nhân danh người đó. Người quá cố đó là một kẻ đại ác và vì thế Rinpoche đã gặp phải một ít chướng ngại trên các địa (trên quả vị tu chứng của Bồ Tát) và trên con đường tu. Giờ đây Ngài và ta đã phối hợp năng lực và giải quyết vấn đề xong rồi.” Kẻ đại ác được kể trong câu chuyện này có tên là Golok Tendzin.
---
Trích “Lời Vàng của Thầy Tôi”, Phần III - PHÁP CHUYỂN DI THẦN TỐC,
Patrul Rinpoche, Nhóm Longchenpa - Thanh Liên - Tuệ Pháp chuyển Việt ngữ
BBT LHQ trích, biên tập và giới thiệu.