Cao cả thay hành động bi mẫn của Ngài đối với chúng sinh vô minh.
Cao cả thay cách thức Ngài gia hộ những kẻ đại ác như chúng đệ tử.
Cao cả thay phương pháp thiện xảo Ngài ban cho những kẻ khó điều phục.
Đạo Sư Vô Song, con đảnh lễ dưới chân Ngài. I. PHÂN LOẠI NĂM PHÁP CHUYỂN DI Có năm loại chuyển di tâm thức khác nhau:
- Chuyển di siêu việt tới Pháp Thân nhờ dấu ấn của cái thấy (kiến).
- Chuyển di trung bình tới Báo Thân nhờ hợp nhất các giai đoạn phát triển và toàn thiện.
- Chuyển di thấp tới Hoá Thân nhờ lòng bi mẫn vô lượng.
- Chuyển di thông thường nương vào ba ẩn dụ.
- Chuyển di thực hiện cho người chết với cái móc của lòng bi mẫn.
1. Chuyển Di Siêu Việt Tới Pháp Thân Nhờ Dấu Ấn Của Cái Thấy (Kiến) Đối với những người khi còn sống đã tu tập thuần thục và kinh qua được một cái thấy (kiến) không hề sai lầm về chân tánh vô tạo tác, thì vào lúc lìa đời, họ có thể đưa không gian (space) và tánh giác (awareness) vào con đường tu tập ẩn mật của pháp
trekcho thuần tịnh nguyên sơ, và có thể chuyển di tâm thức của họ vào đại-phương quảng-trí của Pháp Thân. [308]
2. Chuyển Di Trung Bình Tới Báo Thân Nhờ Hợp Nhất Hai Giai Đoạn Phát Triển Và Toàn Thiện Đối với những người đã quen thuộc với công phu hành trì các pháp tu của hai giai đoạn phát triển và toàn thiện, kết hợp cả hai như một pháp môn du già bất khả phân, cũng như đã tu tập thuần thục để có thể nhìn thấy sắc tướng của vị Hộ Phật (deity) chẳng khác gì một cảnh trí hoá hiện thần diệu, thì khi những ảo giác của trạng thái trung ấm xuất hiện vào giây phút lìa đời, họ có thể chuyển hoá tâm thức của họ thành Thân trí tuệ hợp nhất (the union wisdom kāya). [309]
3. Chuyển Di Thấp Tới Hoá Thân Nhờ Lòng Bi Mẫn Vô Lượng Những người đã nhận các lễ gia lực của Kim Cương - Mật Thừa, những người đã trì giữ mật nguyện không hề sai trái, những người có thiên hướng nghiêng về các pháp tu trong hai giai đoạn phát triển và toàn thiện, và những người đã thọ lãnh những giáo huấn về trạng thái trung ấm, họ có thể:
Hãy gián đoạn việc nhập thai, hãy nhớ quay ngược lại: 1 Đây là lúc đòi hỏi một quyết định và thị kiến thuần tịnh. Những người đang thực hành pháp chuyển di này phải chặn đứng bất kỳ lòng tham cầu muốn nhập vào một thai tạng bất tịnh nào. Được lòng đại bi dẫn dắt cũng như mong muốn thực hiện được ước nguyện tái sinh như một Hoá Thân, họ chuyển di tâm thức và tái sinh vào một trong những cõi tịnh độ. [310]
4. Chuyển Di Thông Thường Nuơng Vào Ba Ẩn Dụ Người ta cũng có thể thực hành pháp chuyển di này bằng cách tưởng tượng đường khí mạch trung ương (trong thân thể) như con đường, giọt tinh chất (bindu) của tâm thức như người lữ khách, và cõi tịnh độ Cực Lạc như là đích đến. [311]
5. Chuyển Di Thực Hiện Cho Người Chết Với Cái Móc Của Lòng Bi Mẫn Pháp chuyển di này cũng được thực hiện cho người đang hấp hối, hay cho người đã ở trong trạng thái trung ấm. Pháp này có thể được thực hiện bởi một hành giả du già (yogi) với mức độ tu chứng sâu dầy, có khả năng làm chủ được tâm và tri giác, và có khả năng nhận ra được tâm thức của người chết trong trạng thái trung ấm. Nói chung, để thực hiện pháp chuyển di cho người chết, ta cần phải chứng đắc được Kiến Đạo, Con đường của Cái Thấy (Path of Seeing). Như ngài Jetsun Mila có nói:
Không được thực hành pháp chuyển di cho người chết,
Trừ phi đã trực nhận được chân lý của Kiến Đạo. Tuy nhiên, bất cứ những ai là người thực sự biết được đích xác thời điểm nào là thời điểm để thực hiện pháp chuyển di -- là khi hơi thở bên ngoài (outer breath) đã ngưng và hơi thở bên trong (inner breath) vẫn còn tiếp tục [312] – thì họ cũng đều có thể thực hiện pháp chuyển di ngay vào lúc ấy nếu như họ có được chút ít kinh nghiệm về các giáo huấn chuyển di. Điều này cực kỳ lợi lạc cho người đang hấp hối, và giống như một lữ khách được bạn mình dẫn đi trên đúng con đường, việc ấy có khả năng ngăn chặn việc tái sinh vào các cõi thấp.
Sẽ khó khăn hơn để có thể thực hiện pháp chuyển di một khi tâm và thân đã hoàn toàn tách rời. Vì thế, cần có một hành giả du già (yogi) có khả năng làm chủ được bản tâm, có thể nhận ra được người chết trong trạng thái trung ấm. Tác động tới người không còn thân xác vật lý nữa là điều dễ dàng, và khi được thực hiện bởi một hành giả du già như thế thì tự việc chuyển di ra khỏi trạng thái trung ấm cũng có năng lực chuyển đẩy tâm thức chúng sinh tới một cõi tịnh độ. Tuy nhiên, thật là một điều hoàn toàn vô nghĩa khi cho rằng pháp chuyển di có thể được thực hiện bằng cách triệu thỉnh tâm thức quay trở lại thân xác sau khi chết. [313]
Ngày nay, nhiều người thực hành các nghi lễ chuyển di cho dù họ chỉ là các Lạt Ma hay
tulku2 trên danh nghĩa. Nếu họ thực hiện các pháp chuyển di này với lòng từ bi của Bồ Đề Tâm và không có chút tính toán vị kỷ nào, thì may ra chân tánh của họ sẽ không bị ngăn che khiến họ có thể thực sự giúp đỡ người chết. Điều này chỉ có thể được thực hiện với động lực của Bồ Đề Tâm. Còn bất kỳ ai khác thực hiện pháp chuyển di vì lợi ích cá nhân, chỉ biết cách đọc tụng một mớ chữ nghĩa rồi sau đó nhận thù lao là một con ngựa hay một thứ gì đáng giá khác, thì những kẻ ấy thật đáng khinh miệt.
Là người chỉ đạo và bậc Thầy của kẻ khác,
Mà tự bản thân chưa tới được bến bờ giải thoát,
Thì cũng mâu thuẫn như đưa tay cho người chết đuối
Trong khi chính mình đang bị nước lũ cuốn trôi. Một lần kia, khi đại Đạo Sư Tendzin Chopel đang ở Tsari, Ngài có một thị kiến về một người mà có lần ngài thực hành pháp chuyển di cho ông ta và nhận thù lao một con ngựa. Tất cả những gì Ngài có thể thấy là cái đầu người nhô lên từ một cái hồ máu đỏ thẫm. Vật ấy gọi tên Tendzin Chopel và yêu cầu Ngài làm một điều gì đó.
Tendzin Chopel cảm thấy sợ hãi. Ngài đáp lại: “Ta tặng ngươi cuộc hành hương tới Tsari của ta
3,” và ảo cảnh biến mất.
Ngay cả đối với một vị Thầy vĩ đại có mức độ chứng ngộ sâu dầy, việc nhận các món cúng dường nhân danh người chết mà không thực hiện một nghi lễ hay một việc gì đó tương tự để đem lại lợi lạc cho người đã chết thì việc này sẽ gây nên những trở ngại trên con đường tu.
Khi vị Hoá Thân Tu Viện Trưởng Dzogchen, Ngài Gyurme Thekchok Tendzin thị tịch, thì Ngài Trime Shingkyong Gonpo được mời tới dự tang lễ. Suốt cả ngày Ngài chỉ cử hành các nghi lễ tịnh hoá và triệu thỉnh thần thức, cử hành đi cử hành lại pháp chuyển di, giống như Ngài đã làm sau cái chết của một người bình thường. Các nhà sư hỏi Ngài tại sao làm vậy.
Ngài giải thích: “Cách đây đã lâu, Dzogchen Rinpoche quên không cử hành các nghi lễ và cầu nguyện hồi hướng cho một người quá cố trong khi có một con ngựa đen đã được đem đến cúng dường cho Ngài nhân danh người đó. Người quá cố đó là một kẻ đại ác và vì thế Rinpoche đã gặp phải một ít chướng ngại trên các địa (trên quả vị tu chứng của Bồ Tát) và trên con đường tu. Giờ đây Ngài và ta đã phối hợp năng lực và giải quyết vấn đề xong rồi.” Kẻ đại ác được kể trong câu chuyện này có tên là Golok Tendzin.
Thật là sai lầm khi những người ở địa vị đại Lạt Ma hay Hoá Thân lại đón nhận cúng dường nhân danh người quá cố, suy nghĩ một cách đơn thuần rằng: “Ta là một bậc vĩ đại nào đó,” mà không áp dụng Bồ Đề Tâm hay không thực hiện việc cầu nguyện, thực hiện các nghi lễ cùng hồi hướng một cách đúng đắn và có hiệu quả. Các vị
tulku quan trọng được tuyên nhận là những Hoá Thân chính thức của các bậc Thầy vĩ đại trong quá khứ, họ vẫn cần phải học đọc lại từ đầu, và phải bắt đầu trở lại học các mẫu chữ cái như những người bình thường. Bởi các Ngài đã quên mất cách đọc mà các Ngài đã biết từ những đời trước nên chắc chắn là các Ngài cũng đã quên mất mọi thứ mà các Ngài đã từng biết về các pháp tu du già của hai giai đoạn phát triển và toàn thiện. Tôi tự hỏi không biết các Ngài có thể khá được ra hơn không nếu như các Ngài chịu khó bỏ chút thời giờ ra để rèn luyện tâm Bồ Đề và học hỏi về các pháp môn tu tập và đi nhập thất, hơn là đi tới đi lui tìm kiếm cúng dường vừa ngay khi các Ngài [đủ lớn] để leo lên cưỡi trên một con ngựa.
II. CHUYỂN DI THÔNG THƯỜNG NƯƠNG VÀO BA ẨN DỤ Bây giờ tôi sẽ mô tả về loại chuyển di được gọi là “chuyển di thông thường nương vào ba ẩn dụ” hay “chuyển di tâm thức vào tâm thức của Đạo Sư.” Pháp chuyển di này cũng phù hợp với điều mà
Diệt Tội Trang Nghiêm Sám Hối Mật Điển gọi là “pháp chuyển di trái cầu ánh sáng (ball of light) nương vào âm thanh vào lúc lìa đời.” Đối với những vị hành giả đã có một mức độ chứng đắc sâu dầy thì pháp chuyển di này không cần thiết. Đối với những vị này, như trong Mật điển đã có nói:
Điều gọi là cái chết chỉ là một ý niệm,
Đưa dẫn tới các cõi tịnh. [314]
Và, trong đó cũng còn nói,
Cái chết, hay cái mà chúng ta biết tựa hồ như cái chết,
Là một tiểu ngộ đối với một hành giả du già. Đối với những vị đã đạt được kinh nghiệm tối thượng một cách thật vững chãi trong khi họ còn sống và có thể làm chủ được sinh tử thì những vị ấy vẫn phải trải qua một cái gì có vẻ tựa hồ giống như là cái chết. Nhưng đối với họ, cái chết không khác gì việc di chuyển từ một nơi này sang nơi khác. Như chúng ta đã có đề cập đến trước đây, đối với những vị đã có kinh nghiệm về các pháp tu tâm yếu trong các giai đoạn phát triển và toàn thiện, các vị này có thể vận dụng một trong ba pháp tu liên hệ đến ba giai đoạn của (1) cái chết, (2) thân trung ấm hoặc (3) tái sinh, để chuyển di tâm thức của họ tới một trong ba Thân (kāya). Ngược lại:
N
hững kẻ không dầy công tu tập vẫn có thể được đón nhận nhờ vào pháp chuyển di. Pháp môn này vô cùng cần yếu đối với những hành giả không có được thành tựu vững chắc trên con đường tu, hay đối với những người đã phạm phải nhiều ác hạnh. Đối với bất kỳ ai nắm giữ được những giáo huấn đặc biệt này thì cánh cửa dẫn tới các cõi thấp sẽ được đóng lại cho dù những ác hạnh mà họ đã tạo có nặng nề tới đâu chăng nữa. Thậm chí đối với những kẻ đã từng phạm phải một trong những ác nghiệp bị quả báo tức thời, và lẽ ra phải bị đoạ thẳng xuống địa ngục thì chắc chắn kẻ ấy cũng sẽ không phải bị tái sinh trong các cõi thấp nếu họ biết vận dụng Giáo Pháp này. Các tài liệu Mật điển có nói:
Bạn có thể từng giết mỗi ngày một vị Bà la môn
Hay từng phạm phải năm ác hạnh bị quả báo tức thời,
Nhưng bạn vẫn sẽ được giải thoát nhờ con đường này.
Sẽ không có tội lỗi nào làm ô nhiễm bạn. Và:
Bất kỳ ai thực hành pháp chuyển di,
Tập trung nơi cửa Phạm Thiên cao hơn chín cửa kia4
Thì sẽ không ác hạnh nào làm cho ô nhiễm,
Và sẽ được tái sinh trong một cõi Phật thanh tịnh. Và thêm nữa:
Dưới chân vị cha già -- bậc Thầy đầy đủ phẩm hạnh Được tôn vinh trên pháp toà nhật nguyệt nơi đỉnh đầu bạn, Hãy bước theo con đường lụa trắng là đường kinh mạch trung ương, Và bạn sẽ được giải thoát, cho dù đã từng mắc phạm ngũ nghịch trọng tội với quả báo tức thì. Do đó, những giáo huấn về con đường chuyển di sâu xa là phương cách dẫn tới Phật Quả mà không cần thiền định, một con đường bí mật đem đến giải thoát một cách quyết liệt, ngay cả cho những kẻ phạm trọng tội. Đức Phật Kim Cang Trì (Vajradhara) đã nói:
Bạn có thể từng giết mỗi ngày một người Bà la môn
Hoặc mắc phạm năm ác hạnh bị quả báo tức thời,
Nhưng một khi bạn được thọ nhận giáo huấn này
Thì không cần nghi ngờ nữa, bạn sẽ được giải thoát. Và chính Đại Đạo sư xứ Oddiyāna đã nói:
Mọi người đều thấu suốt Phật Quả nhờ thiền định Nhưng ta thấu suốt một con đường phi thiền định. Đại học giả Naropa có nói:
Chín cánh cửa (chín khiếu) mở ra sinh tử luân hồi
Nhưng một cửa khai mở lối vào Đại Thủ Ấn (Mahāmudrā).
Hãy đóng lại chín cửa và mở ra một cửa;
Chớ nghi ngờ cửa ấy sẽ đưa đến giải thoát.
Và Marpa, đại dịch giả xứ Lhodrak có nói:
Cho tới nay ta đã từng thực hành pháp chuyển di,
Miên mật, miên mật và miên mật thêm nữa.
Ta có thể chết một cái chết bình thường, nhưng chẳng cần lo lắng;
Công phu thuần thục đem lại cho ta niềm xác tín tuyệt hảo.
Jetsun Shepa Dorje cũng nói:
Những giáo huấn này, hợp nhất, chuyển di và nối kết,5
Là cẩm nang để vượt qua thân trung ấm.
Ai có được một con đường như thế?
Kẻ ấy sẽ hạnh phúc biết bao khi sinh lực đi vào đường khí mạch trung ương –
Kỳ diệu thay! Đã đi đến một Pháp Giới viên mãn! Các giáo huấn này có hai phần: phần đầu là thực tập [khi còn sống], và sau đó là phần thực hành thực sự [vào lúc lìa đời].
1. Thực Tập Pháp Chuyển Di Khi nương vào những hướng dẫn về pháp chuyển di mà bạn đã được thọ nhận, bản thân bạn hãy miên mật tu tập và hãy tinh tấn thực hành pháp chuyển di cho tới khi có những dấu hiệu thành tựu xuất hiện.
Hiện nay, trong khi toàn thể các đường khí mạch, năng lực và tinh chất của bạn vẫn còn nguyên vẹn và sung mãn, bạn sẽ thấy rằng việc chuyển di thực sự rất khó khăn. Nhưng một khi đã tới giờ phút cuối cùng của cuộc đời, hay vào lúc đã quá già yếu, thì việc chuyển di sẽ trở nên rất dễ dàng. Giống như trái cây trên cành, khó hái vào mùa hè khi trái non ấy còn đang phát triển. Nhưng vào mùa thu, một khi nó đã chín nhũn và sẵn sàng rụng xuống, thì chỉ cần áo quần của bạn chạm nhẹ vào thôi là cũng đủ làm cho nó rụng xuống rồi.
2. Chuyển Di Thực sự Thời điểm để thực sự thực hành pháp chuyển di là sau khi những dấu hiệu hấp hối của cái chết bắt đầu xuất hiện, khi mà bạn có thể biết chắc rằng không còn có thể quay ngược lại nữa và tiến trình tan rã đã bắt đầu. Không được làm như vậy vào bất kỳ thời điểm nào khác. Như trong các Mật điển có nói:
Chỉ thực hành pháp chuyển di khi thời điểm thích hợp đã đến,
Nếu không, chẳng khác nào giết chết các Bổn Tôn.6 Có nhiều giai đoạn trong tiến trình tan rã hay phân tán nhưng để cho dễ hiểu thì tiến trình này có thể được chia ra thành bốn giai đoạn: giai đoạn tan rã của năm giác quan, giai đoạn tan rã của tứ đại (đất, nước, gió, lửa), và thêm ba giai đoạn của tánh sáng (clarity), tăng trưởng (increase) và thành tựu (attainment).
Giai đoạn tan rã của năm giác quan bắt đầu, ví dụ như khi tiếng trì tụng của chư tăng tụ họp quanh tử sàng của bạn chỉ còn là những âm thanh giống như một thứ tiếng rì rầm lộn xộn rối rắm. Bạn không còn có thể phân biệt được các âm tiết. Hoặc ví dụ như khi bạn nghe âm thanh giọng nói của con người như thể đến từ rất xa, và không thể nhận ra được lời lẽ gì nữa. Đó là khi nhĩ thức của bạn đến lúc chấm dứt. Nhãn thức của bạn cũng đến lúc kết thúc khi bạn chỉ có thể nhìn thấy cảnh tượng lờ mờ thay vì nhìn thấy hình tướng thật sự của mọi vật. Khi những kinh nghiệm của khứu giác, nếm biết, và xúc chạm cũng chấm dứt và đi tới giai đoạn phân rã sau cùng thì dứt khoát là đã tới thời điểm thích hợp để có thể tiến hành pháp chuyển di.
Sau đó, khi yếu tố bên trong của da thịt tan rã thành yếu tố bên ngoài của đất, [315] bạn sẽ kinh nghiệm một cảm giác giống như rơi xuống một cái hố. Bạn cảm thấy nặng nề, như thể bị đè bẹp bởi sức nặng của một trái núi. Đôi khi, người hấp hối yêu cầu hãy nâng người họ lên hay yêu cầu hãy đỡ cao chiếc gối của họ lên. Khi máu tan rã thành yếu tố nước bên ngoài, bạn sẽ chảy nước miếng và nước mũi. Khi yếu tố nhiệt của thân tan rã thành yếu tố lửa bên ngoài, miệng và lỗ mũi bạn cảm thấy ráo khô và thân bạn bắt đầu mất nhiệt, bắt đầu từ chân, tay (starting with the extremeties).
7 Trong một vài trường hợp, hơi (vapour) bốc lên từ đỉnh đầu vào giai đoạn này. Khi hơi thở bên trong, tức yếu tố năng lực (energy) tan rã thành yếu tố khí (air) bên ngoài, thì các năng lực khác nhau của bạn – năng lực đi lên (ascending energy), năng lực bài tiết (energy of evacuation), năng lực nồng nhiệt (fiery energy) và năng lực tỏa khắp (pervading energy) – tất cả đều tan hoà vào năng lực hỗ trợ sinh lực (life-supporting energy). Thở vào trở nên rất khó khăn. Thở ra thì hổn hển, giống như đang đổ dồn hết cả hai lá phổi qua cổ họng. Rồi tất cả máu trong thân bạn hội tụ lại trong đường khí sinh lực và có ba giọt tinh chất sẽ nhỏ giọt vào trung tâm của trái tim bạn, giọt này sau giọt kia. Rồi với ba hơi thở hắt thì sau đó hơi thở ra của bạn sẽ đột nhiên tắt ngúm.
Vào lúc đó, yếu tố trắng hay “tinh dịch” mà bạn đã nhận được từ cha sẽ nhanh chóng từ đỉnh đầu bạn di chuyển xuống phía dưới [xuống đến luân xa tim]. Như một dấu hiệu bên ngoài, bạn trải qua một kinh nghiệm màu trắng giống như một bầu trời không mây được ánh trăng chiếu sáng. Như một dấu hiệu bên trong, bạn kinh nghiệm tánh sáng (clarity) trong tâm thức bạn và ba mươi ba loại thức (niệm tưởng) liên hệ đến tâm thù nghịch sẽ tuyệt dứt. Trạng thái này được gọi là “tánh sáng.”
Yếu tố đỏ hay “máu” mà bạn đã nhận được từ mẹ sẽ nhanh chóng từ vùng rốn (đan điền) của bạn di chuyển lên trên [lên đến luân xa tim]. Như một dấu hiệu bên ngoài, bạn nhận thức kinh nghiệm màu đỏ giống như một bầu trời trong trẻo được ánh sáng rực rỡ của mặt trời thắp sáng. Như một dấu hiệu bên trong, bạn sẽ có một kinh nghiệm hỉ lạc rất lớn lao trong tâm thức và bốn mươi loại thức (niệm tưởng) liên hệ đến tham dục sẽ tuyệt dứt. Trạng thái này được gọi là “tăng trưởng.”
Khi hai yếu tố đỏ và trắng hội tụ lại nơi [luân xa] tim của bạn, thì giọt tâm thức của bạn sẽ tiến vào nằm ở giữa hai yếu tố trắng và đỏ kia. Dấu hiệu bên ngoài là một nhận thức về màu đen giống như màu đen của một bầu trời trong trẻo hoàn toàn ngập trong bóng tối. Dấu hiệu bên trong là tâm thức bạn kinh nghiệm một trạng thái vô niệm, vắng bặt mọi niệm tưởng, và bạn ngất đi, rơi vào một trạng thái hoàn toàn tối nghịt. Điều này được gọi là giai đoạn “thành tựu.”
Sau đó, bạn sẽ bước ra khỏi trạng thái kích ngất và bước vào một kinh nghiệm giống như kinh nghiệm về một bầu trời, nhưng bầu trời này hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì của ba bầu trời mà bạn đã kinh nghiệm qua trước đây. Đây chính là khi “thanh tịnh quang của chân tánh” [316] đang xuất hiện. Việc nhận thức ra được rằng thanh tịnh quang này chính là chân tánh của bạn và an trụ trong trạng thái đó, điều này được gọi là “chuyển di siêu việt tới Pháp Thân.” Đây là Phật Quả không kinh qua bất kỳ trạng thái trung gian nào [của thân trung ấm].
Sau thời điểm trên thì giai đoạn trung ấm của chân tánh và giai đoạn trung ấm của sự hình thành sẽ tuần tự hiển lộ, nhưng những giai đoạn đó sẽ không được miêu tả ở đây bởi những giai đoạn này sẽ được thuật lại trong các giáo huấn của phần thực hành chính yếu.
Đối với những người không có kinh nghiệm gì đáng kể về con đường tu chứng [317] thì giây phút tốt đẹp nhất để thực hiện pháp chuyển di là lúc tiến trình tan rã vừa mới bắt đầu. Vào lúc đó, hãy hoàn toàn cắt đứt mọi bám luyến với cuộc đời này và hãy làm sống dậy lòng can đảm của bạn bằng cách nghĩ tưởng như sau: “Bây giờ tôi đang hấp hối, tôi sẽ nương cậy vào các giáo huấn của thầy tôi và bay vút tới các cõi tịnh độ giống như một mũi tên được kẻ khổng lồ bắn vọt ra. Điều này thật là hỉ lạc biết bao!”
Vào lúc đó, bạn sẽ khó có thể nhớ lại một cách rõ ràng tất cả những đề mục và những gì phải quán tưởng trong pháp chuyển di, vì thế nếu bạn có một bằng hữu nào đó có thể nhắc nhở bạn về những điều này thì hãy yêu cầu người ấy làm công việc đó. Nhưng dù sao đi nữa, vào thời điểm đó, khi biết nương cậy vào công phu tu tập trước đây của bạn và biết đem giáo huấn của pháp tu sâu xa này vào thực hành, thì nay đã tới lúc bạn phải thực sự làm sao để cho pháp chuyển di này đem lại kết quả hữu hiệu!
Và sau đây là những bước thực hành chính yếu của pháp chuyển di; cho dù là bạn tu tập cho bản thân bạn [khi đang còn sống] hay là đem pháp tu này vào thực hành [khi lìa đời] thì những bước thực hành cũng đều giống như nhau.
3. Trình tự của pháp thiền định chuyển di Hãy ngồi thoải mái trên một tấm nệm, chân bắt chéo trong tư thế kim cương, giữ cho lưng hoàn toàn thẳng.
1.1 PHÁP CHUẨN BỊ Trước tiên, hãy hoàn tất toàn thể các pháp tu dự bị cho thật rõ ràng, chi tiết, bắt đầu bằng bài tụng đọc
Gọi Thầy Từ Chốn Xa và tiếp tục cho tới phần tan hoà (dissolution) trong pháp Bổn Sư Du Già (Guru Yoga).
1.2 PHÁP QUÁN TƯỞNG CHÍNH YẾU Hãy quán tưởng xác thân phàm của bạn, [318] trong một khoảnh khắc, trở thành thân tướng của Nữ Kim Cang Du Già (Vajra Yoginī). Vajra Yoginī mang sắc màu đỏ, có một khuôn mặt và hai cánh tay, đang đứng bằng cả hai chân, bàn chân phải giở lên trong “tư thế đang bước.” Ba con mắt của Vajra Yoginī nhìn lên trời. Những hướng dẫn này nhằm mục đích chuyển di nên hãy quán tưởng Ngài với nét quyến rũ, an bình đồng thời hơi phẫn nộ. Bàn tay phải của Ngài giơ lên trong không trung, khua lách cách một cái trống nhỏ làm bằng sọ người đánh thức chúng sinh khỏi giấc ngủ của vô minh và lầm lạc. Trong bàn tay trái, Ngài cầm một lưỡi dao lưỡi liềm ngang hông để cắt đứt tận gốc tam độc tham sân si. Thân mình của Ngài trần trụi ngoại trừ một vòng hoa và các vật trang sức bằng xương [đeo trên người]. Như một căn lều bằng lụa đỏ, Ngài hiển lộ nhưng không có thực chất hay thực sự có ở đó. Tất cả những điều này là áo giáp hư huyễn bên ngoài (outer empty enclosure) của thân tướng.
Ở ngay trung tâm, suốt dọc thân thẳng đứng của bạn [nay trong hình tướng của Vajra Yoginī], hãy quán tưởng đường kinh mạch trung ương giống như một cây cột trong một ngôi nhà trống. Được gọi là kinh mạch “trung ương” bởi đường khí ấy nằm ngay nơi trục của thân, không nghiêng sang trái hay sang phải. Đường kinh mạch trung ương có bốn đặc tính. Thứ nhất, mang màu xanh biếc như một phim ảnh màu chàm (indigo), tượng trưng cho Pháp Thân bất biến. Thứ nhì, kết cấu của đường khí ấy vi tế giống như một cánh hoa sen, tượng trưng cho tính chất mỏng manh của những bức màn che chắn xuất hiện từ những thói quen huân tập. Thứ ba, đường khí ấy sáng như ngọn lửa của một cây đèn dầu mè, tượng trưng cho bóng tối vô minh đã được xua tan. Thứ tư, đường khí ấy thẳng như một khúc tre, là biểu hiện sẽ không bao giờ dẫn tới những con đường xấu thấp hoặc sai lạc. Đầu trên của đường kinh trung ương mở thẳng vào cửa Phạm Thiên nơi đỉnh đầu [nơi tâm thức có thể thoát ra], giống như một cửa sổ mở toang trên mái nhà, biểu hiện cho con đường đưa tới giải thoát và những cõi tái sinh cao hơn, trong khi đầu dưới của đường kinh trung ương đóng kín lại không có lỗ mở nào, dưới rốn khoảng bốn ngón tay, biểu hiện rằng những lối trở lại vào vòng luân hồi sinh tử và các cõi tái sinh thấp đã được đóng kín. Tất cả những điều này là áo giáp rỗng rang bên ngoài (outer empty enclosure) của đường kinh mạch trung ương.
Bây giờ hãy quán tưởng bên trong đường kinh mạch trung ương ở khoảng ngang tầm trái tim, chỗ đó như hơi phồng ra, giống như một cái mắt trong một thân tre. Phía trên chỗ cái mắt phồng ra này, hãy quán tưởng giọt tinh chất (bindu) của năng lực, màu xanh lá cây nhạt, sống động và mạnh mẽ. Ngay trên đó là tinh tuý của tâm thức của bạn, một chữ
hrih màu đỏ, với dấu nguyên âm dài và hai chấm nhỏ thay thế cho
visarga,
8 lay động và rung rinh như một lá cờ trong gió.
(Chữ
hrih được quán tưởng theo cách này) tượng trưng cho Giác tánh của bạn. [319]
Trong không gian trên đầu bạn một cubit (khoảng 46 cm), hãy quán tưởng một chiếc ngai báu, được tám con công vĩ đại nâng lên. Trên đó là một hoa sen nhiều màu, cùng với hai đĩa mặt trời và mặt trăng, cái này nằm trên cái kia, tạo thành một tấm nệm ba lớp [xếp chồng lên nhau]. An toạ trên toạ cụ ấy là Bổn Sư vinh quang của bạn, là kho tàng bi mẫn không gì sánh bằng, hiển lộ trong thân tướng cửa tất cả chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai, và trong thân tướng của đức Phật Thế Tôn và đức Hộ Phật A Di Đà (Amitabha). Ngài mang sắc màu đỏ, giống như một trái núi bằng hồng ngọc được một ngàn mặt trời bao bọc. Ngài có một khuôn mặt, hai bàn tay nghỉ ngơi trong tư thế thiền định, cầm một bình bát chứa đầy chất cam lồ bất tử của trí tuệ. Ngài đắp tam y, là y phục của một Hoá Thân siêu phàm [320] tuân giữ phạm hạnh thanh tịnh. Thân Ngài mang ba mươi hai tướng chính và tám mươi tướng phụ, chẳng hạn như nhục kế nhô cao (usnisa) trên đỉnh đầu và các luân xa in dấu trên lòng bàn chân -- toàn thân Ngài được bao phủ trong ánh hào quang rực rỡ đến từ muôn ngàn tia ánh sáng đang phóng toả.
Bên phải đức A Di Đà là đấng Quán Thế Âm (Avalokitesvara) cao quý, hiện thân của lòng bi mẫn của tất cả chư Phật -- đức Quán Thế Âm mang sắc trắng, với một khuôn mặt và bốn cánh tay. Đôi bàn tay ở phía trên chắp lại nơi tim, lòng bàn tay úp vào nhau. Bàn tay phải ở phiá dưới đang lần một chuỗi tràng pha lê màu trắng, và bàn tay trái phiá dưới đang cầm một cành sen trắng, bông hoa nằm sát tai Ngài, tất cả các cánh hoa đều nở bung ra.
Bên trái đức A Di Đà là Kim Cương Thủ (Vajrapani), Pháp Vương của các pháp ẩn mật, hiện thân của thần uy và oai lực của tất cả chư Phật. Ngài mang sắc màu xanh dương, hai bàn tay bắt chéo trước ngực; trong tay Ngài cầm một cái chày kim cang và một cái chuông.
Cả hai vị Bổn Tôn (Quán Thế Âm và Kim Cương Thủ) đều mang mười ba vật trang sức.
9 Đức Phật A Di Đà an tọa, hai chân xếp chéo trong tư thế Kim Cương. Điều này tượng trưng cho việc Ngài luôn an trụ mà không rơi vào những cực đoan của cả sinh tử lẫn Niết Bàn. Còn hai vị Bồ Tát (Quán Thế Âm và Kim Cương Thủ) trong tư thế đang đứng thẳng, điều này tượng trưng việc các Ngài không bao giờ mệt mỏi khi làm việc vì lợi ích của chúng sinh.
Xung quanh ba vị Hộ Phật và Bổn Tôn chính yếu này, là tất cả các bậc Thầy của dòng truyền thừa của pháp chuyển di thâm diệu. Tất cả các Ngài hội tụ lại như những đám mây trong một bầu trời trong trẻo. Các Ngài hướng khuôn mặt tràn đầy lòng từ ái về phía bạn và tất cả các chúng sinh khác. Các Ngài chăm chú nhìn bạn với những đôi mắt ánh lên nụ cười, nghĩ tưởng về bạn với niềm hoan hỉ. Hãy nhớ tưởng tới các Ngài như những người đưa đường vĩ đại giúp giải thoát bạn và tất cả chúng sinh khỏi những thống khổ của vòng sinh tử và các cõi thấp, đưa dẫn bạn tới cõi thuần tịnh của đại lạc. Hãy quán tưởng theo văn bản, bắt đầu từ câu:
Thân xác phàm [318] của con trở thành sắc tướng của Thánh Nữ Kim Cang Du Già (Vajra Yoginī)... xuống tới câu:
...Ba con mắt Ngài ngước nhìn lên bầu trời. Rồi từ câu:
Đường khí mạch trung ương chạy dọc suốt giữa thân Ngài... cho tới câu:
...Thân Ngài thật toàn mỹ với tất cả các tướng chính và phụ... Sau đó, với tất cả niềm tin và kỳ vọng, toàn thân bạn như bừng bừng lên và nước mắt tuôn rơi, hãy lập lại càng nhiều lần càng tốt lời khẩn nguyện sau đây:
Đức Thế Tôn, Như Lai, A La Hán, Đức Phật Toàn Giác, đấng Hộ Phật A Di Đà, con xin quy mạng lễ. Con xin cúng dường lên Ngài. Con xin nương tựa nơi Ngài. Rồi hãy tụng đọc đầy đủ bài cầu nguyện kế tiếp ba lần, bắt đầu từ câu:
Emaho (Kỳ diệu thay)! Nơi chốn này, cõi Sắc Cứu Cánh Thiên viên mãn đã hiển hiện tự nhiên... cho tới câu:
..
. Nguyện cho con nắm giữ được đại-phương quảng-trí của Pháp Thân! Kế đó hãy tụng ba lần phẩm cuối cùng, bắt đầu từ câu:
Với lòng quy ngưỡng trong tâm... Cuối cùng, tụng ba lần dòng cuối cùng sau đây:
.
.. Nguyện cho con an trụ trong đại-phương quảng-trí của Pháp Thân! Trong khi bạn cầu nguyện, hãy chỉ chú tâm vào chữ
hrīh, là biểu tượng của Giác tánh của bạn, và cầu nguyện với lòng quy ngưỡng hướng về bậc Thầy và đấng Hộ Phật của bạn, tức đức Phật A Di Đà, tới nỗi đôi mắt bạn trở nên đẫm lệ.
Sau đây là đến phần nghi thức phóng xuất thần thức. Khi bạn tụng “Hrīh, Hrīh,” năm lần từ phía sau vòm miệng, chữ
hrīh màu đỏ, tượng trưng cho Giác tánh của bạn, được giọt tinh lực (bindu of energy) rung động màu xanh lá cây nhạt [321] nâng bổng lên, càng lúc càng được nâng bổng lên cao và luôn luôn rung động [tất cả đều nằm ở giữa đường khí mạch trung ương]. Khi giọt tinh lực hiện ra ở cửa Phạm Thiên trên đỉnh đầu bạn, hãy hô lớn “Hik!” và quán tưởng giọt tinh lực ấy phóng vút lên, giống như một mũi tên được tên khổng lồ bắn đi, và tan hoà vào trái tim đức Phật A Di Đà.
Hãy thực hành nghi thức trên bảy lần, hai mươi mốt lần hoặc nhiều hơn nữa, trong khi quán tưởng chữ hrīh trong tim bạn và lập lại tiếng hô “Hik!” như trước đó. Trong các truyền thống khác, người ta hô “Hik!” khi phóng tâm thức lên và hô “Ka” khi thả cho thần thức rơi trở xuống, nhưng theo truyền thống này chúng ta không hô “Ka” khi thả cho thần thức rơi trở xuống.
Sau đó, hãy hành trì nghi thức như trên càng nhiều lần càng tốt, số lần nhiều ít tuỳ nghi sao cho phù hợp với bạn, và bắt đầu với câu:
Đức Thế Tôn... Đấng Hộ Phật A Di Đà... Sau đó tụng những lời cầu nguyện và thực hành kỹ thuật phóng xuất tâm thức và những nghi thức còn lại. Rồi một lần nữa, hãy tụng ba hay bảy lần câu:
Đức Thế Tôn... Đấng Hộ Phật A Di Đà... xuống tới câu:
...Con xin cúng dường lên Ngài. Con xin nương tựa nơi Ngài. Hãy thực hành theo nghi thức này với lời khẩn nguyện chuyển di cô đọng được gọi là
Cắm Cọng Cỏ, được vị tôn giả khai quật tàng kinh Nyi da Sangye [322] biên soạn và trao truyền qua dòng truyền thừa của Tu viện Dzogchen:
Đức Phật A Di Đà, con xin quy mạng lễ trước Pháp toà;
Đức Liên Hoa Sanh xứ Oddiyāna, con khẩn cầu Ngài;
Bổn Sư từ ái, xin che chở con bằng lòng bi mẫn của Ngài!
Chư vị Bổn Sư và Tôn Sư thuộc dòng truyền thừa, xin dẫn dắt con trên con đường tu.
Xin gia hộ cho con để con có thể thành tựu con đường chuyển di thâm diệu.
Xin gia hộ cho con để con đường chuyển di thần tốc này có thể đưa con tới cõi tịnh độ. [323]
Xin gia hộ cho con và những chúng sinh khác để ngay khi cuộc đời này chấm dứt,
Xin cho chúng con được vãng sinh nơi cõi Cực Lạc! Hãy tụng lời cầu nguyện này ba lần, và sau đó lập lại ba lần dòng cuối cùng. Hãy tiếp tục thực hành kỹ thuật phóng xuất thần thức như đã được giảng dạy trước đây, trong một khoảng thời gian lâu hay mau sao cho phù hợp với bạn. Rồi lại bắt đầu từ câu:
Đức Thế Tôn, Như Lai... và tụng đọc lời cầu nguyện chuyển di theo
Giáo Lý Hư Không, được truyền dạy qua dòng truyền thừa của Tu viện Palyul: [324]
Emaho! Đức Phật A Di Đà, đấng Hộ Phật kỳ diệu nhất,
Đức Quán Thế Âm Đại Từ Đại Bi và đức Kim Cang Thủ đầy uy lực,
Vì lợi lạc của bản thân cùng những chúng sinh khác, con xin chí tâm chí thành khẩn cầu chư vị:
Xin gia hộ cho chúng con để chúng con có thể thành tựu con đường chuyển di thâm diệu.
Xin gia hộ cho chúng con để vào giây phút lìa đời,
Tâm thức của chúng con sẽ được chuyển di tới Pháp Giới Cực Lạc! Hãy tụng đọc lời cầu nguyện này ba lần, lập lại hai dòng sau cùng thêm ba lần nữa. Rồi hãy thực hành kỹ thuật phóng xuất tâm thức như đã được giảng dạy trước đó.
Hai lời cầu nguyện sau cùng này không có trong những văn bản ghi chép giáo huấn
Tâm-Yếu của
Đại-Quảng-Trí và không được Ngài Rigdzin Jigme Lingpa truyền dạy, nhưng được truyền xuống từ Ngài Dzogchen Rinpoche qua Tu viện Gochen, và qua các vị Đạo Sư kế thừa khác. Những lời cầu nguyện trên trở thành một phần trong những khẩu truyền được Ngài Kyabe Dodrup Chen Rinpoche thọ nhận, và Ngài đã hợp nhất tất cả những lời cầu nguyện thành một dòng pháp duy nhất. Bản thân Ngài đã sử dụng những lời cầu nguyện này, cũng giống như Bổn Sư tôn kính của tôi đã làm. Dodrup Chen Rinpoche cũng được kế thừa những giáo huấn về pháp chuyển di được truyền xuống từ Ngài Gampopa thuộc dòng Kagyu. Bởi thế, một số lời cầu nguyện của Ngài Gampopa được tìm thấy trong bản văn cầu nguyện chuyển di do Dodrup Chen Rinpoche biên soạn, mặc dù những lời cầu nguyện đặc biệt này không phải là những gì Bổn Sư của tôi thường trì tụng. Dù sao đi nữa, tiến trình quán tưởng của tất cả những truyền thống khác nhau vẫn hoàn toàn giống nhau, nên không còn phải nghi ngờ gì nữa mà phải hiểu là những suối nguồn giáo huấn này đã được hợp nhất để trở thành một con sông lớn. Vị Thầy tôn kính của tôi đã nhiều lần thọ nhận những giáo huấn này từ Kyabje Dodrup Chen Rinpoche. Tôi cho rằng tất cả những ai đã từng thọ nhận những giáo huấn chuyển di này từ Ngài cũng đã đồng lúc nhận được những giáo huấn về pháp chuyển di của truyền thống Kagyu, và vì thế, được cho phép trì tụng những lời cầu nguyện của dòng truyền thừa tương ứng cùng với những lời cầu nguyện khác. Cho dù hai lời cầu nguyện cô đọng được tôi ghi ra ở đây có đồng nhất với những lời cầu nguyện được ghi trong tuyển tập cầu nguyện của Ngài Dodrup Chen Rinpoche hay không chăng nữa, thì chúng cũng chỉ khác biệt rất tối thiểu nếu đem so với những văn bản khác, và vì thế tôi đã ghi lại theo đúng hệt như những gì mà vị Thầy tôn kính của tôi đã giảng dạy.
Có lần Thầy tôi đang truyền dạy pháp chuyển di theo truyền thống của
Giáo Lý Hư Không. Trong khi Ngài đang thực hành (hướng dẫn) pháp chuyển di cho một đám đông khổng lồ thì một vài người đã không bắt kịp được câu sau đây mà Ngài đã thêm vào “...tất cả những điều này (
di nam), khi giây phút lìa đời đến với họ;” và vì thế mà bây giờ một vài người thường nói: “...những nhận thức của cuộc đời này (
dir nang)..,” và những người khác thì lại nói “...bởi thế (
di ne)..,” nhưng theo ý kiến của tôi thì cả hai lối nói trên đều có phần hơi sai trật.
Khi bạn đã hoàn tất pháp môn chuyển di nhiều lần và đến lúc kết thúc thời khóa, hãy niêm phong pháp môn lại trong đại-phương quảng-trí của năm Thân (expanse of the five kāyas) bằng cách hô lên tiếng “P’et” năm lần. Sau đó, hãy an trú trong trạng thái an tịch tự nhiên không tạo tác bất kỳ điều gì.
Sau đó, tất cả những vị Thầy của dòng truyền thừa trên đỉnh đầu bạn sẽ tan hòa vào ba vị thượng thủ (A Di Đà, Quán Thế Âm và Kim Cương Thủ); rồi hai vị Bồ Tát Quán Thế Âm và Kim Cương Thủ tan hòa vào đức Phật A Di Đà; và đức Phật A Di Đà (Vô Lượng Quang) tan thành ánh sáng và sau đó tan hòa vào bạn. Hãy quán tưởng chính bạn ngay lập tức hoá hiện thành ra vị Hộ Phật Vô Lượng Thọ (Amitayus) trong sắc màu đỏ, với một khuôn mặt, hai tay và hai chân. Ngài toạ thiền trong tư thế Kim Cương (Vajra). Hai tay ngài bắt ấn thiền định, cầm một bình bát sinh lực tràn đầy cam lồ của trí tuệ bất tử và trên đỉnh bình bát có một nhánh cây như ý. Ngài mang trên mình mười ba bảo vật trang sức của Báo Thân.
Hãy tụng câu “Om Amarani Jīvantiye Svāhā” (minh chú của đức Amitayus Vô Lượng Thọ) một trăm lần, sau đó hãy tụng đà ra ni trường thọ và những câu minh chú khác. Điều này ngăn ngừa giúp cho thọ mạng của bạn không bị ảnh hưởng bởi pháp thực hành chuyển di – và nhờ vào chân lý của duyên tương khởi này – sẽ tẩy trừ bất kỳ chướng ngại nào có thể đe dọa đến thọ mạng của bạn. [325] Phần hành trì minh chú và quán tưởng Vô Lượng Thọ này không cần thiết khi bạn thực hành pháp chuyển di tâm thức cho một người hấp hối hay cho người đã chết, và cũng không cần thiết khi bạn đang thực sự thực hành pháp chuyển di cho chính bản thân bạn vào lúc lìa đời.
Những dấu hiệu thành tựu trong pháp chuyển di được mô tả trong bản chánh văn như sau:
Đầu đau nhức; một giọt huyết thanh (serum) lóng lánh như sương xuất hiện;
Có thể từ từ cắm sâu một cọng cỏ [vào trên đỉnh đầu]. Hãy miên mật hành trì cho đến khi những dấu hiệu này xuất hiện.
Để kết thúc, hãy hồi hướng công đức và trì tụng
Bài Nguyện Vãng Sanh Tây Phương Cực Lạc và những bài nguyện khác. Khác với những pháp môn hành trì khác của hai giai đoạn phát triển và toàn thiện, những giáo huấn về con đường thâm diệu của pháp chuyển di không đòi hỏi thời gian tu tập lâu dài. Những dấu hiệu thành tựu nhất định sẽ xảy đến sau một tuần lễ thực tập miên mật. Đó là điều tại sao phương pháp này được gọi là “Giáo Pháp đem lại Phật Quả phi thiền định,” và đó là điều tại sao mọi người nên lấy con đường tắt vô song này làm pháp môn hành trì hằng ngày.
Không thể tự lo cho mình, con lảm nhảm lung tung với người quá cố.
Không tu hành, nhưng con trải rộng vòm Giáo Pháp vô tận.
Xin từ bi gia hộ cho con và những kẻ gian xảo như con,
Để chúng con có thể tinh tấn, hành trì miên mật. __________________________
CHÚ THÍCH:1 Điều này ở đây có nghĩa là quay ngược lại trước khi thần thức nhập thai.
2 Sprul sku, nghĩa đen: Hóa thân. Một Lạt ma hóa thân. Những Lạt ma như thế thường được coi như là hiện thân của một Đại Bồ Tát. Tuy nhiên, có nhiều ảnh hưởng xã hội trong việc tuyển chọn một tulku, và có nhiều trường hợp mà tính xác thực của việc tuyển chọn rất đáng nghi ngờ.
3 Đó là công đức của cuộc hành hương của Ngài.
4 Cửa phạm thiên (brahma) hay lỗ thoát trên đỉnh đầu nơi tâm thức có thể thoát ra ngoài khi lìa đời.
5 Chúng ta nối kết với các cõi tịnh độ nương vào pháp chuyển di tâm thức bằng cách hợp nhất với vị thầy.
6 Theo Kim Cương Thừa, thân thể con người được coi như một mạn đà la thần diệu của các Bổn Tôn. Trong ý nghĩa này, thu ngắn mạng sống của ta bằng cách thực hành pháp chuyển di sớm hơn thời điểm đồng nghiã với việc phá huỷ mạn đà la của các Bổn Tôn
7 Extremeties là một thuật ngữ tiếng Anh có nghĩa là chân, tay, các bộ phận nhô ra ngoài của thân thể.
8 Đây là một dấu hiệu của Phạn ngữ được phát âm như một âm “h” nặng, theo cách phát âm của tiếng Tây Tạng thì chỉ cần kéo dài âm tiết, và được viết bằng hai vòng tròn nhỏ, cái này trên cái kia, tượng trưng cho trí huệ và phương tiện.
9 Xem Phần Hai, Chương Ba, Mục III.