PHẦN I: NHỮNG PHÁP TU DỰ BỊ THÔNG THƯỜNG - CHƯƠNG 1: TỰ DO VÀ THUẬN DUYÊN KHÓ TÌM
CHƯƠNG 1: TỰ DO VÀ THUẬN DUYÊN KHÓ TÌM
Trước khi giảng giải về chủ đề chính của chương này là sự khó khăn biết bao để tìm được những điều kiện tự do và thuận duyên để tu tập, ta sẽ giải thích về cách làm thế nào để có thể lắng nghe bất kỳ giáo huấn tâm linh nào một cách đúng đắn.
I. CÁCH THỨC ĐÚNG ĐẮN ĐỂ LẮNG NGHE GIÁO PHÁP
Cách thức đúng đắn để lắng nghe giáo pháp gồm có hai khía cạnh: thái độ [hay động lực] đúng đắn và hành vi đúng đắn.
1. Thái Độ
Thái độ [hay động lực] đúng đắn là thái độ kết hợp (1) Bồ Đề Tâm (bodhicitta), tức tâm giác ngộ bao la, cùng với (2) phương tiện thiện xảo vô hạn của Mật Thừa (Secret Mantrayāna).
1.1: ĐỘNG LỰC BAO LA CỦA BỒ ĐỀ TÂM
Suốt từ vô thủy vô chung, không có một chúng sinh nào trong biển luân hồi đau khổ mênh mông này chưa từng là cha hay mẹ của chúng ta [trong một kiếp nào đó]. Khi là cha là mẹ của chúng ta, ý tưởng duy nhất mà họ canh cánh bên lòng là nuôi nấng ta với lòng nhân từ to lớn nhất mà họ có thể có được, bảo vệ chúng ta với tình yêu thương vĩ đại và ban phát cho ta những gì tốt lành nhất trong số thực phẩm và áo quần của họ.
Tất cả những chúng sinh này, là những người đã quá tử tế với chúng ta. Những chúng sinh ấy đều muốn được hạnh phúc, tuy nhiên họ không biết làm thế nào để thực hiện những điều mang lại hạnh phúc, hay thực hiện mười hành vi thiện lành (thập thiện). Không ai muốn đau khổ, nhưng họ không biết cách từ bỏ mười hành vi xấu ác (thập ác), là gốc rễ của mọi đau khổ. Vì thế ước muốn sâu xa nhất trong lòng của họ và những điều họ thực sự làm bên ngoài thì thật là trái nghịch với nhau. Những chúng sinh khốn khổ, lạc loài và mê lầm này giống như những người mù bị bỏ rơi giữa cánh đồng hoang!
Hãy tự nhủ: “Chính vì hạnh phúc của họ mà tôi sẽ lắng nghe Giáo Pháp thâm diệu và đưa Giáo Pháp ấy vào con đường thực hành. Tôi sẽ dẫn dắt tất cả chúng sinh này, là cha hay mẹ của tôi, đang bị hành hạ bởi những nỗi khổ trong sáu cõi luân hồi. Tôi sẽ đưa họ tới Phật Quả toàn giác, giải thoát họ khỏi tất cả những hiện tượng nghiệp báo, khỏi những tập khí và những đau khổ mà họ đang gánh chịu trong mỗi một cõi trong sáu cõi.” Điều quan trọng là phải có thái độ [hay động lực] này mỗi khi bạn lắng nghe giáo pháp hay thực hành giáo pháp.
Bất cứ khi nào bạn làm điều gì tốt lành, dù quan trọng hay không quan trọng, bạn bắt buộc phải vun bồi cho việc bạn làm bằng ba phương pháp siêu việt sau đây. Trước khi bắt đầu, (1) hãy khơi dậy Bồ Đề Tâm như một phương tiện thiện xảo để đảm bảo rằng hành vi ấy sẽ trở thành suối nguồn của những điều thiện lành trong tương lai. Trong lúc thực hiện việc đang làm, (2) nên tránh vướng mắc vào bất kỳ hình thức vọng tưởng nào [1] để công đức không bị những yếu tố liên hệ [2] phá hủy. Khi kết thúc, (3) hãy niêm phong việc làm ấy một cách đúng đắn bằng cách hồi hướng công đức, vì hồi hướng công đức chắc chắn sẽ giúp cho việc ta làm còn tiếp tục phát triển lớn lao hơn nữa [3].
Cách bạn lắng nghe Giáo Pháp rất quan trọng, nhưng còn quan trọng hơn nữa chính là động lực thúc đẩy bạn lắng nghe như vậy.
Điều gì tạo nên một hành vi tốt hoặc xấu?
Không phải vẻ bề ngoài, cũng không phải lớn hay nhỏ,
Mà bởi động lực xấu hay tốt đằng sau.
Cho dù bạn đã được nghe nhiều Giáo Pháp tới đâu chăng nữa, nhưng nếu những mối quan tâm tầm thường là động lực thúc đẩy bạn – chẳng hạn như lòng tham muốn trở nên vĩ đại, muốn tiếng tăm – thì đó không phải là con đường của Giáo Pháp chân chính. Vì thế, trước tiên, điều hết sức quan trọng là bạn phải chuyển nhìn vào bên trong tâm bạn và thay đổi động lực [hay tác ý] của bạn. Nếu bạn có thể chỉnh sửa thái độ của bạn thì những hành động tốt lành của bạn sẽ luôn thấm nhuần phương tiện thiện xảo, và bạn sẽ bước đi trên con đường của những bậc vĩ đại. Nếu bạn không thể làm được như vậy thì tuy rằng bạn có thể nghĩ rằng mình đang tu học và thực hành Giáo Pháp, nhưng đó sẽ chẳng khác gì hơn là một cái vỏ bề ngoài của cái chân thật bên trong. Do đó, bất kỳ khi nào bạn lắng nghe Giáo Pháp và hành trì Giáo Pháp, cho dù là thiền định về một Bổn Tôn, lễ lạy, đi nhiễu, hay trì tụng một câu minh chú (mantra) – cho dù chỉ một chữ mani duy nhất – thì điều cốt yếu là luôn luôn phải phát khởi Bồ Đề Tâm.
1.2: THIỆN XẢO BAO LA TRONG PHƯƠNG TIỆN: ĐỘNG LỰC TU TẬP CỦA CON ĐƯỜNG MẬT THỪA
Quyển Tam Pháp Tuệ Đăng Mật Điển (Ngọn Đuốc của Ba Pháp Tu) có nói về Mật Thừa như sau:
Cùng mục tiêu nhưng tự tại thoái khỏi mọi mê lầm, [4]
Phong phú trong phương tiện và chẳng có gì khó khăn, [5]
Dành cho những người có căn cơ nhạy bén. [6]
Mật Thừa là tối thượng.
Con đường đi đến Mật Thừa có nhiều ngã. Mật Thừa bao gồm nhiều phương pháp tích lũy công đức và trí huệ, cùng với nhiều phương tiện thiện xảo giúp cho tiềm năng trong chúng ta hiển lộ [7] mà ta không cần phải trải qua những gian khổ lớn lao. Nền tảng của các pháp tu này là cách thức chúng ta dẫn dắt soi sáng cho những nguyện ước của mình:
Tất cả tùy thuộc vào hoàn cảnh
Và hoàn toàn tùy thuộc vào nguyện lực của ta.
Không được coi nơi giảng Pháp, vị Thầy, Giáo Pháp và v..v... như là những gì bình thường và bất tịnh. Khi bạn lắng nghe Pháp, hãy giữ cho năm yếu tố toàn hảo (five perfections) thật rõ ràng sáng tỏ trong tâm:
Nơi chốn toàn hảo là thành trì của pháp giới bao la viên mãn, được gọi là Akanistha, có nghĩa là “Vô Song.” Vị Thầy toàn hảo là đức Phật Phổ Hiền (Samantabhadra), Pháp Thân. Tăng đoàn toàn hảo bao gồm các vị Bồ Tát nam và nữ và những vị Bổn Tôn [8] của dòng tâm truyền (biệt truyền) của các Đấng Chiến Thắng và của dòng truyền qua biểu tượng của các bậc Trì Minh Vương (Vidyadhara).
Hoặc bạn có thể nghĩ tưởng rằng nơi giảng Pháp là Cung điện Liên-Hoa-Quang của Núi Huy Hoàng Màu - Đồng Đỏ, vị Thầy giảng Pháp là Đức Liên-Hoa-Sanh xứ Oddiyāna, và chúng ta, thính chúng, là Tám Trì Minh Vương (Eight Vidyādharas), Hai-Mươi-Lăm Đệ Tử (Twenty-five Disciples), và các vị Không Hành nam và Không Hành nữ (dākas và dākinis).
Hoặc bạn nghĩ tưởng rằng nơi chốn toàn hảo này là Cõi Phật Phương Đông, cõi Hiển Lạc, ở đó có vị Thầy toàn hảo là đức Kim Cương Tát Đỏa (Vajrasattva), là một Báo Thân toàn hảo, đang giảng dạy cho tập hội gồm những bậc hiền thánh tăng thuộc Kim Cương Phật Bộ và chư Bồ Tát nam và nữ.
Tương tự, nơi chốn toàn hảo để giảng Pháp có thể là Cõi Phật Phương Tây, cõi Cực Lạc, vị Thầy toàn hảo là đức Phật A Di Đà, và tập hội các Bồ Tát nam và nữ và các Bổn Tôn thuộc Liên Hoa Phật Bộ.
Trong mọi trường hợp, Pháp là Giáo Pháp của Đại Thừa và thời gian là bánh xe vĩnh cửu thường-chuyển (the ever-revolving wheel of eternity).
Những quán chiếu [9] này là để giúp cho chúng ta có thể thấu suốt được thực trạng của tất cả sự vật. Đây không phải là chúng ta đang tạm thời tạo tác điều gì không thực sự hiện hữu.
Thầy của ta là hiện thân của tinh tuý của tất cả chư Phật khắp ba thời. Ngài là sự hợp nhất của Tam Bảo: thân Ngài là Tăng đoàn, khẩu Ngài là Pháp, ý Ngài là Phật. Ngài là sự hợp nhất của Ba Nguồn Gia Trì: thân của Ngài là Thầy (lama), khẩu của Ngài là vị Hộ Phật (deity, hay Bổn Tôn – yidam), ý của Ngài là Nữ Không-Hành hay Thiên Nữ Diệu Không (dākinī). Ngài là sự hợp nhất của ba Thân (kāyas): thân Ngài là Hóa Thân, khẩu Ngài là Báo Thân, ý Ngài là Pháp Thân. Ngài là hiện thân của tất cả chư Phật trong quá khứ, là suối nguồn của tất cả chư Phật trong tương lai và là đại diện cho tất cả chư Phật trong hiện tại. Bởi Ngài, Thầy của ta, đã chấp nhận những chúng sinh suy đồi như chúng ta làm đệ tử, là những kẻ mà không vị nào trong hàng ngàn vị Phật trong thời Hiền Kiếp [10] có thể cứu giúp, nên lòng bi mẫn và quảng đại của Thầy ta còn trội vượt hơn tất cả muôn chư Phật.
Thầy là Phật, Thầy là Pháp, Thầy cũng là Tăng Đoàn.
Thầy là bậc đại thành tựu giả.
Thầy là đấng Kim Cương Trì Quang Vinh.
Chúng ta, tập hội những người lắng nghe giáo lý, hãy biết vận dụng nền tảng tu tập là Phật tánh của riêng ta, vận dụng lực hỗ trợ là đời người quý báu, vận dụng hoàn cảnh là có được một vị Thầy tâm linh và vận dụng phương pháp là tuân theo lời chỉ dạy của Ngài, để nương vào đó, ta có thể trở thành những vị Phật trong tương lai. Như Mật điển Hô Kim Cương (Hevajra) có nói:
Tất cả chúng sinh đều là Phật,
Nhưng bị những ô nhiễm giả hợp che lấp.
Khi ô nhiễm được tịnh hóa, Phật quả sẽ hiển lộ.
2. Cung Cách Hành Xử
Cung cách hành xử trong khi lắng nghe giáo pháp được mô tả trong phạm vi những điều nên tránh và những điều nên làm.
2.1. NHỮNG ĐIỀU NÊN TRÁNH
Những hành vi nên tránh bao gồm (1) ba khiếm khuyết của chiếc bình chứa, (2) sáu điều ô nhiễm và (3) năm cách nhớ tưởng sai lạc.
2.1.1 Ba Khiếm Khuyết Của Chiếc Bình Chứa
Không nên lắng nghe như một chiếc bình bị lật úp. Không có khả năng nhớ được những gì bạn nghe thì lại giống như một cái bình bị thủng lỗ. Còn trộn lẫn những cảm xúc tiêu cực với những điều bạn đang nghe thì giống như một cái bình trong có chứa chất độc.
Bình lật úp. Khi bạn đang lắng nghe Giáo Pháp, hãy chú tâm lắng nghe những gì được nói ra và đừng để bất kỳ điều gì khác làm cho bạn trở nên xao lãng. Nếu không, bạn cũng sẽ như cái bình bị lật úp, không thể rót gì vào đó được. Mặc dù thân bạn đang hiện diện ở đó, nhưng bạn lại chẳng nghe được một lời nào của giáo lý đang được giảng dạy.
Bình thủng lỗ. Nếu bạn chỉ lắng nghe mà không nhớ được bất kỳ điều gì bạn đã nghe hoặc đã hiểu thì bạn sẽ giống như một cái bình có một chỗ rò rỉ: cho dù có đổ vào đó bao nhiêu nước thì cũng sẽ không giữ lại được chút gì. Dù bạn có được nghe bao nhiêu giáo lý chăng nữa thì bạn cũng chẳng bao giờ có thể thấm nhuần được những giáo lý ấy hay đưa được những giáo lý ấy vào thực hành.
Bình chứa chất độc. Nếu bạn lắng nghe giáo lý với thái độ (động lực) sai lầm, chẳng hạn như bạn mang trong lòng tham vọng trở nên nổi tiếng hay vĩ đại, hoặc lắng nghe với một tâm thức tràn đầy năm độc, thì Giáo Pháp chẳng những không giúp được gì cho tâm bạn mà Giáo Pháp ấy cũng sẽ bị biến đổi thành một cái gì đó hoàn toàn không còn phải là Pháp nữa, hệt như chất cam lồ được rót vào một bình chứa chất độc.
Đó là lý do tại sao Ngài Padampa Sangye, một nhà hiền triết của Ấn Độ đã nói:
Hãy lắng nghe giáo lý giống như một con nai nghe nhạc;
Hãy suy niệm về giáo lý giống như người du cư phương Bắc xén lông cừu;1
Hãy thiền quán về giáo lý giống như người câm thưởng thức thức ăn;2
Hãy thực hành giáo lý giống như con trâu ‘yak’ háu đói đang ăn cỏ;
Hãy thành tựu giáo lý, giống như mặt trời lộ ra từ sau những đám mây.
Khi lắng nghe giáo lý, bạn phải giống như một con nai bị mê hoặc bởi âm thanh của đàn vīnā tới nỗi không hề chú ý tới người thợ săn ẩn núp đang bắn mũi tên có tẩm thuốc độc. Hãy chắp hai bàn tay lại và lắng nghe, để mỗi lỗ chân lông trên thân bạn cũng đều rúng động và đôi mắt bạn nhạt nhoà đẫm lệ, chớ để cho bất kỳ tư tưởng nào hiện ra làm cản trở việc lắng nghe.
Thật chẳng có gì là tốt lành nếu chỉ có thân bạn là hiện diện ở đó, trong khi tâm bạn lại lang thang theo các niệm tưởng, buông thả lời nói của mình trong một kho chuyện tầm phào, phát biểu bất kỳ điều gì bạn ưa thích và đưa mắt nhìn quanh quẩn khắp nơi. Thậm chí khi lắng nghe giáo lý, bạn nên ngưng cầu nguyện, ngưng niệm các câu minh chú, hay làm bất kỳ một hành vi phước đức nào khác mà bạn có thể đang làm.
Sau khi lắng nghe giáo lý một cách đúng đắn theo cách thức như trên, thì còn một việc quan trọng không kém là phải nắm giữ lại được ý nghĩa của những điều đó, không bao giờ được quên những ý nghĩa đó, và liên tục áp dụng những gì đã được nghe vào thực hành. Như chính bậc Minh Hạnh Túc đã nói:
Ta đã chỉ cho các ông phương pháp
Đưa tới giải thoát
Nhưng các ông nên biết
Giải thoát tuỳ thuộc vào chính các ông.
Vị Thầy ban truyền cho đệ tử những giáo huấn về cách lắng nghe Giáo Pháp và cách áp dụng Giáo Pháp, cách thức từ bỏ những ác hạnh, thực hiện những thiện hạnh, và cách thức tu tập. Người đệ tử có nhiệm vụ phải ghi nhớ những giáo huấn đó, không được lãng quên bất cứ điều gì; phải đem những giáo huấn đó vào thực hành và chứng ngộ được những giáo huấn đó.
Tự mỗi một mình việc lắng nghe Giáo Pháp cũng có thể đem đến chút ít lợi lạc. Nhưng trừ phi bạn nhớ được những gì bạn đã được nghe, còn bằng không thì bạn sẽ không có được chút hiểu biết nào về ngôn từ hoặc ý nghĩa của giáo pháp – điều này thì chẳng khác gì việc không được lắng nghe gì hết.
Nếu bạn ghi nhớ Giáo Pháp nhưng lại trộn lẫn Giáo Pháp với những cảm xúc tiêu cực ô nhiễm của bạn, thì Giáo Pháp ấy sẽ không bao giờ là Giáo Pháp thuần tịnh. Như Ngài Dagpo Rinpoche vô song đã nói:
Trừ phi bạn thực hành Pháp phù hợp với Giáo Pháp. Bằng không, chính Pháp ấy sẽ trở thành nguyên nhân của con đường tái sinh xấu ác.
Hãy tự xả bỏ bất kỳ một vọng niệm sai lạc nào liên quan tới vị Thầy và Giáo Pháp, đừng phê bình hay lăng mạ các huynh đệ tâm linh cùng những người bạn đồng hành của bạn, hãy dứt bỏ tánh kiêu căng, khinh miệt, hãy từ bỏ mọi niệm tưởng xấu xa. Bởi vì tất cả những điều này sẽ đưa bạn tới con đường tái sinh vào các cõi thấp.
2.1.2 Sáu Điều Ô Nhiễm
Trong Như Thật Luận (Tương Ưng Luận) có nói:
Kiêu mạn, thiếu lòng tin và thiếu nỗ lực,
Sao lãng bên ngoài, căng thẳng bên trong và chán nản;
Đây là sáu điều ô nhiễm.
Hãy từ bỏ sáu điều sau đây: (1) kiêu hãnh tự tin rằng bản thân bạn giỏi giang hơn vị Thầy đang giảng Pháp, (2) không tin tưởng nơi vị Thầy và giáo lý của Ngài, (3) không chuyên tâm nỗ lực đến gần với Pháp, (4) để cho những sự kiện bên ngoài làm cho xao lãng, (5) tập trung năm giác quan hướng vào bên trong một cách quá căng thẳng, và (6) chán nản vì nhiều lý do chẳng hạn như vì bài giảng quá dài.
Trong tất cả những cảm xúc tiêu cực thì kiêu mạn và ganh tị là những cảm xúc khó nhận diện nhất. Vì vậy, hãy quán chiếu tâm bạn một cách tỉ mỉ. Nếu bạn có bất kỳ cảm tưởng nào cho rằng những phẩm tính mà bạn có được có chút gì đó đặc biệt, cho dù là chỉ một chút, dù trên phương diện thế gian hay phương diện tâm linh, thì điều ấy cũng sẽ khiến cho bạn mù loà trước những lỗi lầm của chính mình và không nhận thấy được những phẩm tính tốt đẹp của người khác. Vì thế, hãy từ bỏ tánh kiêu mạn và luôn luôn hạ mình xuống một vị trí thấp kém.
Nếu bạn không có lòng tin thì lối vào Giáo Pháp đã bị lấp kín. Trong bốn loại niềm tin [11], hãy hướng tới niềm tin bất thối chuyển.
Mối quan tâm [12] của bạn đối với Giáo Pháp là nền tảng của tất cả những gì bạn sẽ thành đạt. Vì thế, tùy theo mức độ quan tâm của bạn sâu dầy, trung bình hay thấp kém, mà bạn sẽ trở thành một hành giả siêu việt, trung bình, hay kém cỏi. Và nếu bạn hoàn toàn không quan tâm tới Pháp thì sẽ chẳng có được chút kết quả nào. Như ngạn ngữ có nói:
Giáo Pháp không phải là tài sản của riêng ai.
Giáo Pháp thuộc về bất kỳ kẻ nào có nỗ lực to lớn nhất.
Để có được Giáo Pháp, chính bản thân Đức Phật đã phải trả giá bằng hàng trăm gian khó. Để có được một bài kệ chỉ có bốn dòng, Ngài đã khoét thịt mình làm thành những chiếc đèn cúng dường, đổ đầy dầu và đặt vào đó hàng ngàn tim đèn cháy đỏ. Ngài đã nhảy vào những hầm lửa, cắm hàng ngàn đinh sắt vào thân thể mình. [13]
Cho dù phải đối diện với hỏa ngục nóng đỏ hay những lưỡi dao sắc nhọn,
Hãy tìm cầu Giáo Pháp cho tới khi bạn lìa đời.
Vì thế, hãy lắng nghe những lời giáo huấn với nỗ lực to lớn, hãy quên đi cái nóng, cái lạnh và tất cả mọi thử thách khác.
Thông thường, tâm thức ta thường có khuynh hướng mải mê chạy theo các đối tượng của sáu giác quan [14] và khuynh hướng này chính là gốc rễ của tất cả mọi ảo giác hư huyễn trong vòng sinh tử luân hồi và là nguồn gốc của mọi đau khổ. Đây là cách mà con thiêu thân chết cháy trong ngọn lửa vì nhãn thức của nó bị sắc tướng lôi cuốn; là cách con hươu bị thợ săn giết chết vì nhĩ thức của nó bị âm thanh lôi cuốn; là cách những con ong bị những cây ăn thịt nuốt chửng vì bị mùi vị của cây ấy hấp dẫn; là cách những con cá cắn câu vì vị giác của chúng bị nhử bởi hương vị của mồi câu; là cách những con voi chết đuối trong đầm lầy vì chúng thích cảm giác thân thể đắm trong bùn. Cũng thế, bất kỳ khi nào bạn đang lắng nghe Pháp, đang giảng dạy, đang thiền định hay đang tu tập thực hành Pháp, thì điều quan trọng là bạn không được chạy theo những khuynh hướng huân tập trong quá khứ, không ấp ủ những cảm xúc về tương lai, và không để những tư tưởng hiện tại bị xao lãng bởi bất kỳ điều gì quanh bạn. Như Gyalse Rinpoche đã có nói:
Niềm vui và nỗi muộn phiền của quá khứ giống như những bức tranh vẽ trên nước:
Chẳng còn lại dấu vết gì. Chớ chạy theo chúng!
Nhưng nếu chúng xuất hiện trong tâm, hãy quán chiếu xem thành công hay thất bại đến và đi như thế nào.
Ngoài Pháp ra, còn có thể tin vào thứ gì khác, hỡi những hành giả trì tụng minh chú ‘mani’? [15]
Kế hoạch và dự án tương lai giống như lưới thả nơi sông cạn.
Sẽ không bao giờ đem lại được những gì bạn mong muốn.
Hãy hạn chế những khát khao và nguyện ước!
Nhưng nếu chúng xuất hiện trong tâm, hãy nghĩ đến ngày giờ chết bất định:
Còn có thời giờ cho bất cứ việc gì khác không ngoài Pháp, hỡi những hành giả trì tụng minh chú ‘mani’?
Việc làm hiện tại giống như công việc trong giấc mơ,
Hãy quẳng chúng sang bên vì mọi nỗ lực như thế đều vô nghĩa.
Hãy dửng dưng không tham luyến ngay cả món tiền bạn kiếm được do mồ hôi nước mắt.
Tất cả mọi việc làm đều không có thực chất, hỡi những hành giả trì tụng minh chú ‘mani’!
Theo đó, giữa những thời công phu thiền định, hãy tập cách kiểm soát mọi niệm tưởng khởi lên từ tam độc;
Cho đến khi tất cả niệm tưởng và tri giác hiển lộ như Pháp Thân.
Điều này không thể bỏ qua -- hãy hồi nhớ lại bất cứ khi nào cần thiết.
Chớ buông lung theo những vọng tưởng mê lầm, hỡi những hành giả trì tụng minh chú ‘mani’!
Cũng có câu nói rằng:
Đừng dệt mộng tương lai.
Vì nếu làm như vậy,
Bạn chẳng khác nào người cha của
Mặt Trăng Danh Tiếng!
Câu nói trên muốn nhắc tới câu chuyện của một người nghèo khổ đi ngang qua một đống lúa mạch lớn. Ông ta cho lúa mạch vào một bao lớn, treo nó lên xà nhà, rồi nằm bên dưới bao lúa ấy và bắt đầu mơ mộng hão huyền.
“Số lúa mạch này sắp làm cho ta thực sự giàu có,” ông ta nghĩ như thế. “Khi đã giàu, ta sẽ lấy vợ... Nhất định là cô ta sẽ sinh một đứa con trai... Ta nên gọi nó là gì nhỉ?”
Ngay lúc đó mặt trăng xuất hiện, và ông ta quyết định đặt tên đứa con là Mặt Trăng Danh Tiếng. Tuy nhiên vào lúc đó, có một con chuột đang gặm sợi dây đỡ cái túi. Đột nhiên sợi giây đứt bung, cái túi rớt lên người làm ông ta chết ngay.
Những giấc mơ về tương lai và quá khứ như thế sẽ chẳng bao giờ đem lại kết quả và chỉ là sự phá rối. Hãy từ bỏ hết thảy những giấc mơ như thế. Hãy tỉnh thức và chú tâm lắng nghe với lòng cẩn trọng.
Không nên tập trung tư tưởng một cách quá căng thẳng, nhặt nhạnh ra từng chữ, từng điểm một, như con gấu dremo bới tìm ‘mạc mốt’ – mỗi lần bạn nắm bắt được một đề mục nào, bạn lại quên đi đề mục trước đó, và sẽ chẳng bao giờ hiểu được cái tổng thể. Tập trung quá nhiều cũng làm bạn buồn ngủ. Thay vào đó, hãy giữ một sự quân bình giữa sự căng thẳng và tâm trạng buông lỏng.
Có lần Ngài Ānanda đang dạy Śrona thiền định. Śrona rất khó có thể hiểu được điều đó một cách đúng đắn. Đôi khi ông ta quá căng thẳng, đôi lúc lại quá buông lỏng. Śrona đem vấn đề ra hỏi Phật, Đức Phật bảo: “Khi còn là cư sĩ, ông là người đánh đàn vīnā rất hay phải không?”
“Vâng, con chơi rất hay.”
“Vậy âm thanh đàn vīnā của ông hay nhất khi lên dây thật căng hay thật chùng?”
“Âm thanh nghe hay nhất khi giây không căng quá mà cũng không chùng quá.”
“Tâm ông thì cũng tương tự như thế,” Đức Phật bảo; và nhờ thực hiện theo lời khuyên này mà Śrona đạt được kết quả. Ngài Machik Labdrön có nói:
Hãy định tâm vững chắc và lơi lỏng thư dãn: [16]
Đây là điểm trọng yếu của cái Thấy (kiến).
Đừng để tâm bạn quá căng thẳng hay quá tập trung hướng vào bên trong; hãy để các giác quan của bạn thoải mái tự nhiên, cân bằng giữa buông lỏng và căng thẳng.
Bạn không nên cảm thấy mệt mỏi khi lắng nghe giáo huấn. Đừng nên chán nản khi bạn cảm thấy đói hay khát trong khi đang lắng nghe một bài giảng quá dài, hoặc khi bạn phải chịu đựng những phiền toái do nắng, mưa, gió, v.v... gây ra... Hãy hoan hỷ vì hiện nay bạn đang có được những điều kiện tự do và thuận duyên của đời người, rằng bạn đã gặp được một vị Chân Sư, và bạn có thể lắng nghe những giáo huấn sâu xa của Ngài.
Sự kiện bạn đang được nghe Giáo Pháp thâm diệu vào thời điểm này là kết quả của công đức được tích lũy từ vô lượng kiếp. Giống như bạn đang được ăn một bữa ăn khi mà bạn chỉ có thể ăn được một bữa duy nhất trong hàng trăm bữa ăn trong suốt cả đời bạn. Vì vậy, để tiếp nhận những giáo lý này, hãy khẩn thiết lắng nghe với lòng hoan hỷ; hãy phát nguyện chịu đựng cái nóng, cái lạnh và bất kỳ thử thách, khó khăn nào có thể xảy ra.
2.1.3 Năm Cách Nhớ Tưởng Sai Lạc
Hãy tránh việc nhớ chữ mà quên nghĩa,
Hoặc nhớ nghĩa mà quên lời.
Hãy tránh việc nhớ cả hai mà không hiểu ý;
Nhớ lộn xộn, hay nhớ sai lạc không chính xác.
Không nên gán một tầm quan trọng thái quá cho những cú pháp biến hoá tao nhã mà không cố gắng phân tích ý nghĩa sâu xa của văn tự, chẳng khác nào một đứa bé đang nhặt hoa. Vì chỉ có văn tự suông thì chẳng có lợi ích gì cho tâm thức. Ngược lại, chớ xem thường cách thức những giáo huấn đó được giải bày, và coi đó chỉ thuần là ngôn từ nên chẳng có gì là cần thiết. Nếu như vậy thì mặc dù bạn có thể thấu hiểu được ý nghĩa thâm sâu, nhưng bạn sẽ không còn có được phương tiện để có thể diễn tả ý nghĩa đó. Văn tự và ý nghĩa sẽ mất đi mối liên kết. [17]
Nếu bạn nhớ được giáo lý mà không nhận ra được những mức độ khác nhau của ý nghĩa – gồm có ý nghĩa thích hợp (phương tiện nghĩa), chân nghĩa và ý nghĩa gián tiếp (dụ nghĩa) – thì bạn sẽ nhầm lẫn về những điều mà văn tự muốn ám chỉ. [18] Điều này có thể dẫn bạn xa rời Chân Pháp. Nếu ghi nhớ một cách lộn xộn thiếu trật tự thì bạn sẽ làm cho trình tự đúng đắn của giáo lý ấy bị rối tung lên, và rồi mỗi lần bạn lắng nghe, giải thích hay thiền định về giáo lý ấy, sự nhầm lẫn rối tung kia sẽ còn tăng lên gấp bội. Nếu bạn nhớ không chính xác những điều đã được nói ra, vô số vọng niệm sai lầm sẽ gia tăng. [19] Điều này sẽ làm hư hỏng tâm bạn và làm giảm giá trị của những giáo huấn. Hãy xa lánh tất cả những lỗi lầm này và hãy ghi nhớ tất cả – gồm có văn tự, ý nghĩa và thứ tự của bài giảng – một cách đúng đắn, không có bất kỳ sai lạc nào.
Dù bài giảng có dài và khó tới đâu chăng nữa, bạn chớ nên ngã lòng và đừng tự hỏi chừng nào sẽ kết thúc; hãy kiên trì. Và dù bài giảng có ngắn gọn và đơn giản tới đâu, bạn cũng đừng đánh giá thấp, cho rằng đây là những điều hoàn toàn sơ đẳng.
Như thế thật là điều cực kỳ cần thiết để bạn có thể nhớ được cả văn tự lẫn ý nghĩa một cách hoàn hảo, đúng trình tự và với tất cả mọi sự cùng nối kết lại với nhau một cách đúng đắn.
2.2 NHỮNG ĐIỀU NÊN LÀM
Cung cách hành xử nên noi theo trong lúc lắng nghe Giáo Pháp được giải thích như bốn ẩn dụ, sáu pháp toàn thiện siêu việt (lục độ ba la mật), cùng với những phương cách hành xử khác.
2.2.1 Bốn Ẩn dụ
[Một phẩm] trong Kinh Hoa Nghiêm có nói:
Thiện nam tử, ông nên nghĩ bản thân ông như người bị bệnh,
Giáo Pháp là phương thuốc,
Đạo Sư tâm linh là một y sĩ thiện xảo,
Và công phu hành trì là cách thức để hồi phục.
Chúng ta đang bị bệnh. Từ vô thủy, trong biển khổ vô biên là vòng sinh tử luân hồi này, chúng ta đã bị hành hạ bởi bệnh tật do tam độc gây ra, và hậu quả chính là ba loại đau khổ.
Khi người ta bị bệnh nặng, họ đi tham vấn một vị y sĩ tài ba. Họ nghe theo lời khuyên của ông bác sĩ, dùng bất kỳ loại thuốc nào mà ông ta cho, và làm tất cả những điều có thể làm để vượt qua bệnh tật và trở nên khỏe mạnh. Tương tự, bạn nên tự mình điều trị những bệnh tật của nghiệp, điều trị những cảm xúc tiêu cực và chữa lành đau khổ bằng cách tuân theo hướng dẫn của ông bác sĩ đầy kinh nghiệm là vị Thầy tâm linh chân chính, và bằng cách sử dụng thần dược của Giáo Pháp.
Việc theo chân một vị Thầy mà không làm theo những điều Ngài hướng dẫn thì cũng giống như không vâng lời bác sĩ, điều đó làm cho ông không có cơ hội để chữa lành bệnh cho bạn. Không uống thuốc của Giáo Pháp – có nghĩa là không áp dụng Giáo Pháp vào thực hành – thì cũng giống như có vô số thuốc men và chỉ dẫn ngay cạnh bên giường mà không bao giờ chạm tới chúng.
Ngày nay, người ta thường phát biểu đầy vẻ lạc quan: “Lạt Ma, xin đoái thương tới con với lòng bi mẫn!”, và cho rằng dù họ có tạo ra nhiều điều khủng khiếp cách mấy chăng nữa, họ cũng sẽ không bao giờ phải gánh chịu hậu quả. Họ ước đoán rằng vị Thầy, với lòng bi mẫn, sẽ quăng họ lên cõi Trời như thể Ngài đang ném một viên sỏi. Nhưng khi ta nói rằng vị Thầy đang gia hộ chúng ta với lòng bi mẫn thì điều này thực sự muốn nói tới việc Ngài đã nhận chúng ta làm đệ tử của Ngài với tràn đầy lòng thương yêu, đã ban cho chúng ta những giáo huấn sâu xa, khai thị cho chúng ta điều gì cần làm và điều gì nên tránh, chỉ dẫn cho chúng ta con đường giải thoát đã được Đấng Chiến Thắng giảng dạy. Có thể có lòng bi mẫn nào to lớn hơn thế được không? Điều này tùy thuộc vào việc chúng ta có tận dụng được lòng bi mẫn này và thực tâm theo đuổi con đường giải thoát hay không.
Giờ đây là lúc chúng ta được sinh ra làm người, có tự do và được ban cho nhiều điều kiện thuận lợi; giờ đây là lúc chúng ta biết điều gì nên làm và điều gì không nên làm. Ở bước ngoặt này, trong một hoàn cảnh hoàn toàn tự do, chúng ta có thể quyết định chọn lựa và quyết định của chúng ta vào lúc này sẽ định rõ số phận của chúng ta tốt hơn hoặc xấu đi trong suốt chiều dài tương lai sau này. [20] Điều tối quan trọng là chúng ta hãy chọn lựa một lần cho xong giữa sinh tử và niết bàn, và hãy đưa những giáo huấn của Bổn Sư của chúng ta vào thực hành.
Những người hướng dẫn các buổi lễ trong làng sẽ làm cho bạn tin rằng ngay trên tử sàng, bạn vẫn còn có thể đi lên (cõi cao) hay đi xuống (cõi thấp), như thể bạn đang điều khiển một con ngựa bằng dây cương. Nhưng vào lúc đó, trừ phi bạn đã thuần thục trên con đường tu, trận gió nghiệp dữ dội của những hành vi trong quá khứ của bạn sẽ săn đuổi bạn, trong khi ở phía trước, một màn đen kịt khủng khiếp đổ xô tới vào lúc bạn hoàn toàn bất lực, bị lôi tuột xuống một con đường dài đầy hiểm nguy của trạng thái trung ấm. Vô số những thuộc hạ của Thần Chết sẽ đuổi bắt bạn với những tiếng kêu thét: “Giết! Giết! Đánh! Đánh!” Làm thế nào trong khoảnh khắc đó, khi không có nơi để chạy tới, không có chỗ để ẩn náu, không chốn nương tựa và không chút hy vọng, khi bạn đang tuyệt vọng và không biết phải làm gì – làm thế nào vào một thời điểm quyết định như thế mà bạn có thể làm chủ được việc mình đi lên (cõi cao) hay đi xuống (cõi thấp)? Như Đấng Vĩ Đại xứ Oddiyana có nói:
Đợi tới lúc được nhận lễ tịnh nghiệp [21] trên một tấm bảng có ghi tên bạn thì đã quá muộn! Khi ấy, tâm thức của bạn đã hoàn toàn lang thang trong trạng thái trung ấm như một con chó mê muội, và bạn sẽ thấy ra rằng ngay cả việc chỉ nghĩ tưởng về những cảnh giới cao hơn cũng thật vô cùng khó khăn.
Thật ra thì bước ngoặt quyết định, thời điểm duy nhất mà bạn thật sự có thể hướng dẫn mình đi lên hay đi xuống như thể đang điều khiển một con ngựa bằng dây cương, là ngay lúc này đây, trong khi bạn đang còn sống.
Là một con người, thiện hạnh của bạn mạnh mẽ hơn thiện hạnh của các loài chúng sinh khác. Mặt khác, điều này cho bạn một cơ hội, vào lúc này và ngay tại đây, trong chính đời này của bạn, để bạn có thể dứt bỏ sinh tử luân hồi một lần và mãi mãi [22]. Nhưng (cũng tương tự như thế), những ác hạnh của bạn cũng mạnh mẽ hơn. Do đó bạn cũng có thể quả quyết rằng mình sẽ không bao giờ thoát khỏi vực sâu của những cõi thấp. Vì thế, giờ đây là lúc bạn đã gặp được một vị Thầy, một vị y sĩ thiện xảo, và gặp được Giáo Pháp, là thần dược chiến thắng cái chết. Đây là lúc để áp dụng bốn pháp ẩn dụ, đưa giáo lý bạn đã được nghe vào thực hành, và du hành trên con đường dẫn tới giải thoát. Quyển Kho Báu Thiện Đức mô tả bốn khái niệm sai lạc cần phải tránh, là những khái niệm đối nghịch với bốn ẩn dụ mà chúng ta đã đề cập tới ở trên.
Người miệng lưỡi nông cạn, với bản tánh xấu ác.
Đến với vị Thầy như thể Ngài là một con hươu xạ.
Rút tỉa xạ hương, Giáo Pháp viên mãn,
Tràn đầy khoái lạc, họ phỉ báng giới nguyện.
Những người như thế coi vị Thầy tâm linh của họ như một con hươu xạ, Giáo Pháp như xạ hương, bản thân họ là người đi săn, và công phu hành trì miên mật là cách thức để giết chết con hươu với một mũi tên hay một cái bẫy. Họ không hành trì giáo huấn mà họ đã thọ nhận và hoàn toàn không cảm thấy mang chút ân nghĩa gì đối với vị Thầy. Họ sử dụng Giáo Pháp để tích lũy ác hạnh, và điều này giống như một cái cối đá kéo lôi họ đọa xuống những cõi thấp.
2.2.2 Sáu Pháp Toàn Thiện Siêu Việt (Lục Độ Ba La Mật)
Trong Liễu Nghĩa Giáo Huấn Chân Pháp Mật Điển có nói:
Hãy cúng dường phẩm vật tối hảo như hoa thơm và bồ đoàn,
Hãy thu vén (đạo tràng) và tự kiểm soát cung cách hành xử,
Chớ làm tổn thương bất kỳ chúng sinh nào,
Hãy chân thành tin tưởng nơi Thầy của bạn,
Hãy lắng nghe các giáo huấn của Ngài không sao lãng
Và đặt câu hỏi để xua tan các nghi ngờ;
Đây là sáu pháp toàn thiện siêu việt của người lắng nghe Giáo Pháp.
Một người đang nghe giáo lý nên thực hành sáu pháp toàn thiện siêu việt (lục độ ba la mật) như sau:
Hãy chuẩn bị chỗ ngồi cho vị Thầy, sắp xếp các tấm bồ đoàn lên đó, hãy dâng cúng một mạn đà la, hoa thơm, và các phẩm vật cúng dường khác. Đây chính là thực hành bố thí.
Hãy quét dọn sạch sẽ [đạo tràng] hay quét dọn căn phòng sau khi đã cẩn thận rửa sạch bằng nước mát, và hãy tự chế mọi hành vi thiếu tôn kính. Đây chính là thực hành trì giới.
Tránh làm tổn hại chúng sinh, ngay cả những con côn trùng nhỏ bé nhất, và hãy chịu đựng nóng, lạnh và mọi gian khó khác. Đây chính là thực hành nhẫn nhục.
Đặt sang một bên bất kỳ quan niệm sai lạc nào liên quan đến vị Thầy và đến giáo lý, hãy hoan hỷ lắng nghe với niềm tin chân thật. Đây chính là thực hành tinh tấn.
Hãy lắng nghe những giáo huấn của Đạo Sư một cách chú tâm không sao lãng. Đây chính là thực hành thiền định.
Và hãy đặt câu hỏi để xua tan bất kỳ do dự hay mối nghi hoặc nào. Đây chính là thực hành trí tuệ.
2.2.3 Những Phương Cách Hành Xử Khác
Nên tránh tất cả những cung cách hành xử thiếu tôn kính. Luật tạng (Vīnaya) có nói:
Không giảng dạy cho những người thiếu tôn kính,
Những người không bệnh mà trùm khăn đội đầu,
Những người mang gậy gộc, vũ khí và che dù,
Hay những người quấn khăn trên đầu.
Và trong Bản Sanh Truyện (Truyện Tiền Thân Đức Phật) có nói:
Hãy chọn chỗ ngồi thấp nhất
Hãy vun bồi giới luật trang nghiêm hoàn hảo.
Với đôi mắt tràn đầy hoan hỷ,
Hãy uống từng lời như uống cam lồ,
Và hãy hoàn toàn chú tâm.
Đó là cách lắng nghe giáo lý.
II. CHÍNH VĂN GIÁO PHÁP: LUẬN GIẢI VỀ VIỆC KHÓ TÌM ĐƯỢC TỰ DO VÀ THUẬN DUYÊN
Chủ đề chính yếu của chương này được giải thích qua bốn đề mục như sau: (1) quán chiếu về bản chất của tự do, (2) quán chiếu về những điều kiện thuận lợi đặc biệt [hay thuận duyên] liên quan đến Pháp, (3) quán chiếu về những hình ảnh cho thấy việc khó tìm được tự do và thuận duyên ra sao, và (4) quán chiếu về những đối chiếu dựa trên số lượng.
1. Quán Chiếu về Bản Chất của Tự Do
Ở đây, nói một cách tổng quát thì “tự do” có nghĩa là có được cơ hội để hành trì Phật Pháp và không bị sinh vào một trong tám trạng thái thiếu vắng cơ hội đó. “Thiếu tự do” ám chỉ tám trạng thái dưới đây khi ta không có được cơ hội hành trì Phật Pháp:
Sinh ra trong cõi địa ngục hay cõi ngạ quỷ,
Sinh ra làm thú vật, làm một vị trời trường thọ hay một kẻ man rợ,
Có tà kiến, sinh ra ở nơi không có Phật,
Hay sinh ra câm và điếc; đây là tám trạng thái không có tự do.
Những chúng sinh bị tái sinh trong cõi địa ngục không có được cơ hội để hành trì Phật Pháp vì họ thường xuyên bị cái nóng hay cái lạnh khủng khiếp hành hạ dữ dội.
Ngạ quỷ (preta) không có được cơ hội hành trì Phật Pháp vì những nỗi thống khổ mà họ phải chịu đựng do đói và khát.
Súc sinh không có được cơ hội hành trì Phật Pháp bởi chúng phải sống đời nô lệ và chịu đựng những cuộc tấn công của những con thú khác.
Các vị trời trường thọ không có được cơ hội hành trì Phật Pháp bởi họ tiêu phí thời giờ của mình trong một trạng thái tâm thức trống không. [23]
Những kẻ sinh ra ở các nơi biên địa không có được cơ hội hành trì Phật Pháp bởi giáo lý của Đức Phật không được biết tới ở những nơi như vậy.
Những kẻ sinh ra làm những kẻ ngoại đạo (tirthika)3 có các loại tà kiến tương tự như vậy cũng không có được cơ hội hành trì Phật Pháp vì tâm thức họ chịu ảnh hưởng nặng nề của những tin tưởng sai lầm đó.
Những kẻ sinh ra trong một Mạt Kiếp tối tăm không có được cơ hội hành trì Phật Pháp vì họ chưa từng được nghe đến Tam Bảo, và không thể phân biệt được tốt, xấu.
Những người sinh ra bị câm hoặc khiếm khuyết về tinh thần không có được cơ hội hành trì Phật Pháp vì các giác quan bẩm sinh của họ không được đầy đủ.
Những chúng sinh sống trong ba cõi thấp phải chịu đựng liên tục cái nóng, lạnh, đói, khát và những đau khổ khác, là kết quả của những hành động bất thiện trong quá khứ của họ; họ không có được cơ hội để thực hành Phật Pháp.
Những “kẻ man rợ” là những người sống ở ba mươi hai biên địa như Lo Khatha [24], và tất cả những ai coi việc làm tổn hại người khác như một đức tin, hoặc những người có niềm tin man rợ coi việc sát sinh là việc tốt lành. Những người này sống ở những nơi xa xôi hẻo lánh, tuy có được thân người nhưng tâm trí họ thiếu sự định hướng đúng đắn và bản thân họ không thể hòa hợp với Pháp. Thừa kế từ tổ tiên của họ những phong tục đồi bại như cưới mẹ của mình, họ sống một cuộc đời thực sự đối nghịch với Pháp. Tất cả mọi việc họ làm đều xấu ác, và họ vượt trội trong các kỹ thuật tạo ra ác hạnh như giết hại côn trùng hoặc săn bắt thú hoang. Nhiều người trong số đó bị đọa ngay xuống những cõi thấp sau khi họ chết. Đối với loại người như thế thì không có được cơ hội để hành trì Phật Pháp.
Các vị Trời trường thọ là những vị Trời miệt mài trong một trạng thái tâm thức trống không. Chúng sinh phải bị sinh vào cõi này là do kết quả của việc họ tin rằng giải thoát là một trạng thái trong đó tất cả những hoạt động tâm thức, dù thiện hay ác, đều vắng bặt. Họ tin vào việc phải thiền định trong trạng thái tâm thức đó. Họ trụ trong trạng thái này liên tục trong nhiều đại kiếp. Nhưng một khi quả lành đưa đến trạng thái an định đó bị tiêu hao thì họ sẽ bị tái sinh vào những cõi thấp vì chính tà kiến của họ. Những chúng sinh này cũng không có bất kỳ cơ hội nào để thực hành Phật Pháp.
Nói chung, thuật ngữ “tà kiến” bao gồm niềm tin vào thuyết vĩnh cửu (eternalist) và thuyết hư vô (nihilist), là những quan niệm đối nghịch với giáo lý của Đức Phật và nằm ngoài giáo lý Phật Pháp. Những quan niệm như vậy làm băng hoại tâm thức và ngăn cản không cho niềm khao khát về Chánh Pháp phát triển trong ta, tới nỗi chúng ta sẽ không còn cơ hội nào để thực hành Pháp nữa. Ở đây nơi xứ Tây Tạng, bởi Đức Phật thứ hai, Đức Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) của xứ Oddiyana, đã giao phó việc bảo vệ xứ sở cho mười hai Tenma, nên chính ngay cả những kẻ ngoại đạo cũng không thể nào có thể xâm nhập được. Tuy nhiên, bất kỳ những ai có hiểu biết giống như hiểu biết của những kẻ ngoại đạo, là những hiểu biết mâu thuẫn với hiểu biết của Chánh Pháp và của những vị chân sư, thì chính vì lý do đó mà họ bị tước mất cơ hội để có thể thực hành Pháp dựa trên những giáo huấn chân chính. Tu sĩ Sunaksatra trải qua hai mươi lăm năm làm thị giả của Đức Phật, nhưng vì không có chút tín tâm nào và chỉ ôm giữ tà kiến trong lòng, nên cuối đời bị tái sinh làm ngạ quỷ trong một vườn hoa.
Sinh trong một đại kiếp tối tăm có nghĩa là bị tái sinh vào một thời đại không có Phật. Trong một vũ trụ không có Phật xuất hiện, thậm chí chưa ai từng được nghe đến Tam Bảo. Bởi không có Pháp, nên không có cơ hội để hành trì Pháp.
Tâm thức của người câm điếc không thể hoạt động đúng đắn. [Đối với người câm điếc], tiến trình lắng nghe Giáo Pháp, diễn giải, quán chiếu về Pháp, và đưa Pháp vào thực hành sẽ gặp trở ngại. Định nghĩa “câm, điếc” thường để ám chỉ một khuyết tật về tiếng nói, ngôn ngữ. Khả năng thông thường của con người là khả năng sử dụng và hiểu biết ngôn ngữ. Khi không có được khả năng đó thì người ta cũng không có được cơ hội để đến với Pháp. Thế nên, phạm trù này cũng bao gồm những người có bệnh tâm thần khiến họ không thể nào thấu hiểu được Giáo Pháp và vì vậy họ cũng bị tước mất cơ hội để thực hành Pháp.
2. Quán Chiếu về Những Thuận Duyên Đặc Biệt Liên Quan Đến Pháp
Đề mục này bao gồm năm điều kiện thuận lợi hay thuận duyên cá nhân và năm điều kiện thuận lợi hay thuận duyên thuộc về hoàn cảnh.
2.1 NĂM THUẬN DUYÊN CÁ NHÂN
Ngài Long Thọ liệt kê năm thuận duyên thuộc về cá nhân như sau:
Sinh ra làm người, ở nơi trung tâm, đầy đủ các giác quan,
Không sống đời xung đột với Pháp, và có niềm tin vào Phật Pháp.
Không được sinh làm người thì ngay cả Phật Pháp cũng sẽ không được gặp. Vì vậy, thân người là thuận duyên hỗ trợ.
Nếu bạn bị sinh ra ở một nơi hoang vu, một nơi chưa từng bao giờ được nghe tới Pháp thì bạn sẽ chẳng bao giờ gặp được Pháp. Nhưng bạn được sinh ra ở một nơi gọi là “trung tâm” có nghĩa là nơi đó, Phật Pháp được quan tâm đến, và vì thế bạn có thuận duyên về nơi chốn.
Nếu bạn không có đầy đủ các giác quan thì đó sẽ là một chướng ngại cho việc thực hành Pháp. Nếu bạn có đầy đủ các giác quan, bạn có thuận duyên sở hữu các giác quan.
Nếu bạn có một lối sống đầy xung đột [đi ngược lại với Pháp, không thuận theo Giáo Pháp] thì bạn sẽ luôn đắm chìm trong những ác hạnh, sống một cuộc đời mâu thuẫn với Pháp. Giờ đây, bởi vì bạn đang mong muốn thực hiện những việc thiện lành, nên đây là thuận duyên về động lực.
Nếu không có niềm tin vào Giáo Pháp của Đức Phật, bạn sẽ cảm thấy không có bất kỳ thiên hướng nào về Pháp. Việc bạn có khả năng xoay chuyển tâm thức của bạn hướng về Pháp như giờ đây bạn đang làm chính là thuận duyên về niềm tin.
Rất cần thiết để có được đầy đủ tất cả năm điều kiện thuận lợi trên đây để tạo thành một cá thể nên năm điều kiện thuận lợi này được gọi là năm thuận duyên cá nhân.
Để tu tập hành trì Chánh Pháp chân chính thì điều tuyệt đối cần thiết là phải sinh ra làm người. Giả dụ bạn không có được thân người như một trợ duyên mà lại mang hình dạng cao nhất trong các hình dạng của chúng sinh trong ba cõi thấp, là hình dạng của một con thú – kể cả là con vật đẹp đẽ nhất và được đánh giá cao nhất mà con người biết đến. Ngay cả như vậy, nếu có ai đó nói với bạn: “Hãy tụng một lần câu Om mani padme hum, và bạn sẽ thành Phật,” thì bạn cũng sẽ hoàn toàn không thể hiểu được lời họ nói hay nắm được ý nghĩa của câu nói đó, và bạn cũng sẽ không thể thốt ra được đến một lời. Trên thực tế, [trong thân xác của một con thú], cho dù bạn đang chết cóng vì lạnh, bạn cũng sẽ chẳng nghĩ ra được điều gì để làm mà chỉ biết nằm ụ ra đó – trong khi đối với một con người, cho dù họ có yếu ớt tới đâu chăng nữa thì họ cũng biết cách tìm trú ẩn trong một hang động hay dưới một gốc cây, có thể tìm nhặt củi và đốt một ngọn lửa để hơ ấm mặt và tay của mình. Nếu loài vật không thể làm ngay cả những việc đơn giản như vậy, thì làm sao chúng có thể thấu hiểu được việc thực hành Pháp?
Chư Thiên và những chúng sinh đại loại như vậy, cho dù họ có mang hình tướng siêu việt đến đâu chăng nữa, họ cũng không có đủ điều kiện để thọ các giới nguyện của Biệt Giải Thoát (Prātimoksa), do đó không thể thấm nhuần toàn bộ Giáo Pháp.
Đối với định nghĩa của một “vùng trung tâm”, ta nên phân biệt giữa một vùng trung tâm có tính chất địa lý và một nơi là trung tâm trong phạm vi Giáo Pháp.
Nói về mặt địa lý, vùng trung tâm thường được nói là Pháp Toà Kim Cương tại Bồ Đề Đạo Tràng [25] ở Ấn Độ, nằm ngay trung tâm của cõi Diêm Phù Đề (Jambuvipa) hay Nam Thiệm Bộ Châu. Hàng ngàn vị Phật trong thời Hiền Kiếp đã đạt được quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác ở nơi đây. Thậm chí ngay khi toàn thể vũ trụ bị huỷ hoại vào cuối thời Hiền Kiếp, bốn nguyên tố đất nước gió lửa cũng không thể hủy hoại được Pháp Toà Kim Cương tại Bồ Đề Đạo Tràng, và vùng trung tâm ấy sẽ tồn tại ở đó như thể được treo lơ lửng trong không gian. Ở trung tâm của Pháp Toà Kim Cương tại Bồ Đề Đạo Tràng mọc lên Cây Giác Ngộ (Cây Bồ Đề). Do đó, địa điểm này cùng với tất cả những thành phố của Ấn Độ nằm chung quanh đó, được coi là vùng trung tâm về mặt địa lý.
Trong phạm vi Giáo Pháp, một vị trí trung tâm là ở bất cứ nơi nào mà Phật Pháp – giáo lý của Đức Phật– hiện hữu. Tất cả những vùng khác được gọi là vùng biên địa.
Trong quá khứ xa xôi, khởi đi từ thời Đức Phật xuất hiện trên thế gian này, và cho đến khi nào mà Giáo Pháp của Ngài vẫn còn hiện hữu ở tại Ấn Độ, thì xứ sở đó là trung tâm về cả hai mặt địa lý và Giáo Pháp. Tuy nhiên, giờ đây là lúc xứ sở ấy đã rơi vào tay những kẻ ngoại đạo và giáo huấn của Đấng Chiến Thắng đã biến mất ở trên xứ sở đó, nên nếu nói trên phương diện Phật Pháp thì ngay cả Bồ Đề Đạo Tràng cũng là xứ biên địa.
Ở vào thời Đức Phật, Xứ Tuyết Tây Tạng được gọi là “Xứ Tây Tạng biên địa,” bởi xứ ấy là một xứ thưa dân mà Phật Pháp chưa được truyền bá đến. Sau này dân số tăng dần và một vài vị vua trị vì là những hóa thân của chư Phật. Trước tiên, Phật Pháp xuất hiện ở Tây Tạng trong triều đại vua Lha-Thothori Nyentsen, khi Kinh Bách Nguyện Bách Bái, một khuôn tsa-tsa, (dùng để đúc tượng Phật) và những bảo vật khác rơi xuống trên mái cung điện.
Năm thế hệ sau đó, Pháp Vương Songtsen Gampo, một hóa thân của Đấng Đại Bi Siêu Phàm4, đã xuất hiện phù hợp với những lời tiên tri rằng Ngài sẽ thông suốt yếu nghĩa của Kinh văn (Sutra). Trong triều đại của Ngài, dịch giả Thönmi Sambhota được gởi tới Ấn Độ để học ngôn ngữ và văn tự Ấn Độ. Khi trở về, Ngài khai lập bản mẫu tự đầu tiên cho Tây Tạng. Ngài phiên dịch sang tiếng Tây Tạng hai mươi mốt bản Kinh và Mật điển của đức Quán Thế Âm (Avalokiteshvara), Oai Mật Kinh, cùng nhiều loại văn bản khác. Bản thân đức vua Songtsen Gampo đã hoá hiện trong nhiều thân tướng, và cùng với quan thừa tướng Gartongtsen, Ngài đã sử dụng nhiều phương tiện kỳ diệu để bảo vệ đất nước. Ngài tấn phong hoàng hậu cho hai công chúa, một đến từ Trung Quốc và một đến từ Nepal. Hai vị này đã mang theo nhiều biểu tượng của thân, khẩu, ý của Đức Phật bao gồm hai pho tuợng Phật được gọi là Jowo Mikyo Dorje và Jowo Sakyamuni, là những biểu tượng đích thực của Đức Phật. [26] Nhà vua cho xây dựng một loạt điện thờ được gọi là Thadul và Yangdul, trong đó ngôi điện chính có tên là Rasa Trulnang. [27] Bằng vào cách ấy, Ngài đã thiết lập nền móng Phật Giáo ở Tây Tạng.
Vị kế nghiệp thứ năm của Ngài là vua Trisong Detsen đã mời thỉnh một trăm lẻ tám vị học giả đến Tây Tạng, kể cả đức Liên Hoa Sanh, bậc Đạo Sư xứ Oddiyana, bậc trì giữ mật chú vô song, bậc vĩ đại nhất trong suốt ba cõi giới. Để hộ trì những biểu tượng của thân của chư Phật, vua Trisong Detsen đã cho xây dựng nhiều chùa chiền gồm cả tu viện Samye, “một hiển lộ tự nhiên bất biến”. Để hộ trì ngữ của chư Phật tức Chánh Pháp, một trăm lẻ tám vị dịch giả gồm cả Ngài Vairotsana vĩ đại, đã trau dồi nghệ thuật phiên dịch và đã chuyển dịch tất cả các Kinh, Luận, và Mật điển chính yếu ở xứ Ấn Độ cao quý vào thời điểm đó (qua Tạng ngữ). “Bảy Vị Tăng Sĩ Tiên Phong” và những người khác đã thọ giới tỳ kheo, tạo thành một Tăng Đoàn để hộ trì tâm nguyện của chư Phật.
Từ thời đó cho tới nay, Giáo Pháp của Đức Phật đã tỏa sáng như mặt trời ở Tây Tạng và mặc dù có lúc thịnh lúc suy, nhưng Giáo Pháp của Đấng Chiến Thắng chưa từng bị mai một trên cả hai khía cạnh truyền dạy và chứng ngộ. Do đó, đối với Tây Tạng trên phương diện Giáo Pháp thì Tây Tạng là một xứ trung tâm.
Một người nếu thiếu bất kỳ giác quan nào trong năm giác quan thì cũng đều không thể có đủ điều kiện để thọ giới nguyện của tu viện. Ngoài ra, những ai không đủ may mắn để có thể nhìn thấy được những biểu tượng của Đấng Chiến Thắng nhằm khơi dậy lòng sùng mộ quy ngưỡng, hoặc không đủ may mắn để có thể tụng đọc hay lắng nghe những giáo lý quý báu và tuyệt hảo, là những chất liệu cần thiết cho công phu nghiên cứu và quán chiếu, thì họ sẽ không thể nào tiếp nhận được Giáo Pháp một cách trọn vẹn.
Nếu muốn nói một cách chính xác thì “lối sống xung đột” (không thuận theo Phật Pháp) ám chỉ lối sống của những người phải bị sinh ra trong cộng đồng của những người làm thợ săn, gái điếm, v…v.., hoặc sinh ra làm kẻ bị dính líu đến những ác hạnh này từ thuở thiếu thời non dại nhất. Nhưng trong thực tế, “lối sống xung đột” cũng bao gồm bất kỳ những ai mà mỗi tư tưởng, lời nói và hành vi của họ đều trái nghịch với Pháp – thậm chí ngay cả những người không phải sinh vào kiểu sống như vậy cũng có thể dễ dàng lọt vào lối sống đó sau này. Vì thế, điều quan trọng là phải tránh làm bất cứ điều gì mâu thuẫn, đối nghịch với Giáo Pháp chân chính.
Nếu bạn không đặt niềm tin nơi Phật Pháp mà lại tin vào các vị Trời, nāga (rồng nước) đầy quyền lực và v.v.. hay tin vào những học thuyết khác, chẳng hạn như giáo thuyết của những kẻ ngoại đạo thì dù bạn có thể đặt niềm tin nơi họ nhiều tới đâu chăng nữa, không ai trong số họ có thể bảo vệ bạn thoát khỏi những đau khổ của sinh tử luân hồi hoặc khỏi bị đọa vào những cõi thấp. Nhưng nếu bạn đã phát khởi được một niềm tin đúng đắn hợp lý nơi Giáo Pháp của Đấng Chiến Thắng, là Giáo Pháp hợp nhất được cả hai phương diện truyền thừa và chứng ngộ, thì không còn nghi ngờ gì nữa, bạn chính là một bình chứa thích hợp cho Giáo Pháp chân chính. Và đó là điều vĩ đại nhất trong năm thuận duyên cá nhân.
2.2 NĂM THUẬN DUYÊN THUỘC VỀ HOÀN CẢNH
Một vị Phật đã xuất hiện và thuyết giảng Giáo Pháp,
Giáo lý của Ngài vẫn hiện hữu và vẫn được noi theo,
Và có những bậc nhân từ đối với kẻ khác (cũng đang hiện hữu).
Những người không được sinh ra trong một kiếp chói sáng (Minh Kiếp), là kiếp có một vị Phật xuất hiện, thì ngay cả đến Giáo Pháp, họ cũng sẽ không bao giờ được nghe nói tới. Nhưng giờ đây chúng ta đang sống trong một kiếp đã có một vị Phật xuất hiện, và vì vậy chúng ta có được thuận duyên của sự hiện diện của vị Thầy đặc biệt.
Mặc dù một vị Phật đã xuất hiện, nhưng nếu Ngài không giảng dạy thì sẽ chẳng có ai được lợi lạc. Nhưng bởi Đức Phật đã chuyển Pháp Luân phù hợp với ba căn cơ khác nhau nên chúng ta có thuận duyên của việc truyền dạy Giáo Pháp.
Dù Ngài đã giảng dạy, nhưng nếu giáo lý của Ngài đã tàn lụi thì Giáo Pháp ấy sẽ không còn hiện diện ở đây để đem đến lợi lạc cho chúng ta. Nhưng bởi thời kỳ tồn tại của Giáo Pháp chưa chấm dứt, nhờ đó chúng ta có được thuận duyên về thời gian.
Dù giáo lý còn tồn tại, nhưng trừ phi chúng ta tuân theo những gì đã được truyền dạy thì Giáo Pháp ấy chẳng thể đem lại lợi ích gì cho ta. Nhưng bởi chúng ta đã thọ trì Giáo Pháp, nên ta có thuận duyên về phước duyên của riêng ta.
Dù chúng ta có thọ trì Giáo Pháp nhưng nếu không có hoàn cảnh thuận lợi được một vị Thầy tâm linh chấp nhận dạy dỗ thì chúng ta sẽ không bao giờ biết được Giáo Pháp thật sự là gì. Nhưng bởi có một vị Thầy đã chấp nhận dạy dỗ ta nên chúng ta có được thuận duyên về lòng bi mẫn phi thường của Ngài.
Bởi ta cần có đầy đủ trọn vẹn năm yếu tố thuận lợi, thuộc về hoàn cảnh hơn là thuộc về chính chúng ta, nên năm yếu tố thuận lợi này được gọi là năm thuận duyên thuộc về hoàn cảnh.
Thời gian để vũ trụ hình thành, hiện hữu, bị hủy diệt và tồn tại trong một trạng thái của không tánh được gọi là một kiếp (kalpa). Một đại kiếp trong đó một vị Phật Toàn Giác xuất hiện trên thế gian được gọi là một “kiếp chói sáng” hay là một Minh Kiếp (bright kalpa) trong khi đại kiếp không có một vị Phật xuất hiện được gọi là một “kiếp tối tăm” hay là một Ám Kiếp (dark kalpa). Từ xa xưa, trong Không Kiếp (kiếp hoá lạc - Kalpa of Manifest Joy) có ba mươi ba ngàn vị Phật xuất hiện. Tiếp theo là một trăm kiếp tối tăm. Sau đó, trong Kiên Kiếp (kiếp tuyệt hảo - Perfect Kalpa), tám trăm triệu vị Phật đã xuất hiện, rồi lại tiếp theo là một trăm kiếp không có Giáo Pháp. Rồi tới tám trăm bốn mươi triệu vị Phật xuất hiện trong Đề Hồ Kiếp (kiếp toàn hảo - Excellent Kalpa), sau đó là năm trăm kiếp tối tăm. Trong Diệu Kiếp (Kalpa Delightful to See), tám trăm triệu vị Phật xuất hiện và sau đó là bảy trăm kiếp tối tăm. Sáu mươi tư ngàn vị Phật xuất hiện trong Kiên Đề Hồ Kiếp (kiếp hoan lạc - Joyous Kalpa). Rồi tới kiếp của chính chúng ta gọi là Hiền Kiếp (Good Kalpa).
Trước khi kiếp của chúng ta xuất hiện, vũ trụ gồm một tỷ thế giới này (tam thiên đại thiên thế giới) là một đại dương bao la mà trên bề mặt của đại dương ấy đã xuất hiện một ngàn đóa sen ngàn-cánh. Khi tự hỏi làm thế nào điều này có thể xảy ra, chư Thiên trong cõi Trời Phạm Thiên đã dùng thần lực thấu thị để minh xác được điều này và tuyên bố rằng trong kiếp này, một ngàn vị Phật sẽ xuất hiện. Họ nói rằng: “Đây sẽ là một kiếp tốt lành,” và “Hiền” (tốt lành) trở thành tên của kiếp ấy.
Từ thời đại khi thọ mạng của chúng sinh là tám mươi ngàn năm và Đức Câu Lưu Tôn Phật (Phạn: Krakucchanda) xuất hiện, và cho tới khi chúng sinh sẽ sống lâu không thể tính đếm và Đức Lâu Chí Phật (Phạn: Rucika) sẽ xuất hiện, một ngàn vị Phật sẽ đến với thế gian này, an trụ trên Pháp Toà Kim Cương tại trung tâm của Diêm Phù Đề (Jambudvīpa). Mỗi vị Phật trong số một ngàn vị Phật sẽ chứng đắc Phật quả viên mãn ở đó và sẽ chuyển Pháp Luân. Vì thế, kiếp hiện tại của chúng ta là một kiếp chói sáng.
Theo sau đó là sáu mươi kiếp ngoại vi xấu ám, và sau đó, trong Vi Trần Kiếp (Kalpa of Vast Numbers), mười ngàn vị Phật sẽ xuất hiện. Rồi mười ngàn kiếp xấu ám khác sẽ xảy ra sau đó. Giữa sự luân phiên của những kiếp chói sáng và kiếp tối tăm này, nếu ngẫu nhiên chúng ta phải bị sinh ra trong một kiếp tối tăm, thì thậm chí ngay cả hai tiếng Tam Bảo cũng là điều mà chúng ta sẽ không bao giờ được nghe nói đến.
Ngoài ra, như Đấng Vĩ đại xứ Oddiyana đã có chỉ rõ, riêng truyền thống Mật Thừa hay Kim Cang Thừa cũng chỉ được truyền dạy một cách hiếm hoi:
Từ lâu xa về trước, ngay trong kiếp đầu tiên là Diêu Kiếp (Kalpa of the Complete Array), giáo lý Mật Thừa được Đức Phật có danh hiệu là Nhất Lai Vương Phật (Once-Come Buddha) truyền bá, và trở nên hết sức lừng lẫy. Giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà hiện nay chúng ta đang có cũng bao gồm Mật Thừa. Trong thời gian mười triệu kiếp, trong Tinh Tú Kiếp, Đức Phật Văn Thù (Mansjushri) sẽ xuất hiện, như ta đang xuất hiện, để khai phá giáo lý Mật Thừa trên một phạm vi cực kỳ rộng lớn. Đây là bởi vì chúng sinh trong ba kiếp này là những người thích hợp để lãnh hội Mật Thừa, và lý do mà giáo lý Mật Thừa không xuất hiện vào những thời điểm khác là bởi chúng sinh ở những thời đó không có khả năng hành trì những giáo lý này. [28]
Trong Hiền Kiếp này, vào thời hiện tại khi thọ mạng của con người là một trăm năm, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni toàn hảo đã xuất hiện trên thế gian, vì thế đấy là một kiếp chói sáng.
Giả sử một vị Phật đã xuất hiện, nhưng Ngài vẫn còn trụ trong thiền định và chưa giảng dạy Giáo Pháp. Chừng nào mà ánh sáng Giáo Pháp của Ngài chưa hiển hiện thì sự xuất hiện của Ngài không tác động gì tới chúng ta. Điều đó cũng giống như thể Ngài chưa từng xuất hiện.
Khi đạt được Phật Quả Chánh Đẳng Chánh Giác trên Toà Kim Cương, Bậc Thầy của chúng ta đã thốt lên rằng:
Ta đã tìm ra một Giáo Pháp giống như cam lồ,
Thâm sâu, an bình, đơn giản, dễ hiểu, rạng rỡ.
Nếu ta giảng về Giáo Pháp ấy, sẽ chẳng ai hiểu nổi,
Vì thế ta sẽ ở đây, tịch lặng trong rừng.
Do đó, Ngài đã không giảng dạy trong bảy tuần cho tới khi Phạm Thiên (Brahma) và Đế Thích (Indra) khẩn cầu Ngài chuyển Pháp Luân. Hơn nữa, nếu những ai nắm giữ giáo lý chân chính mà không giảng dạy, thì Giáo Pháp ấy sẽ khó đem lại được bất kỳ lợi ích thực sự nào cho chúng sinh. Ví dụ Ngài Smrtijnana vĩ đại xứ Ấn Độ đã đến Tây Tạng vì mẹ Ngài tái sinh ra ở đây trong một Cô Độc Điạ Ngục. Người thông dịch của Ngài đã chết trong cuộc hành trình, và Ngài đã lang thang khắp tỉnh Kham mà không thể nói được một tiếng Tây Tạng nào; sau đó, Ngài trở thành một người chăn cừu rồi chết ở đó mà không đem lại được lợi ích cho bất kỳ ai. Sau này khi Ngài Jowo Atisha đến Tây Tạng và biết được điều gì đã xảy ra, Ngài than khóc: “Đáng buồn thay! Dân Tây Tạng quí vị kém phước quá! Không đâu ở Ấn Độ, dù Đông hay Tây mà có được một học giả uyên thâm hơn Ngài Smrtijnana,” và chắp hai bàn tay lại, Ngài Atisha khóc.
Đối với chúng ta, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chuyển Pháp Luân cho ba loại căn cơ khác nhau và Ngài đã thị hiện qua vô số hình tướng phù hợp với nhu cầu và căn cơ của những người cần được cứu giúp, dẫn dắt các đệ tử qua giáo lý của chín thừa để giúp cho họ trưởng thành trên con đường đạo và đạt được giải thoát.
Ngay cả trong một kiếp có Đức Phật xuất hiện và ban cho giáo lý, nhưng một khi thời gian để giáo lý này tồn tại đã tới lúc chấm dứt và Giáo Pháp chân chính mà Ngài đã dạy biến mất không để lại dấu vết gì thì kiếp ấy cũng sẽ hoàn toàn giống như một kiếp tối tăm. Thời kỳ trung gian giữa khi giáo lý của một vị Phật mất tăm dấu tích và khi giáo lý ấy lại được một đức Phật vị lai truyền dạy, thì thời kỳ ấy được mô tả là thời kỳ “không có Pháp.” Ở những nơi may mắn mà chúng sinh có đầy đủ công đức thì có các vị Độc Giác Phật (Pratyekabuddhas) xuất hiện, nhưng kinh điển không được giảng dạy hay thực hành [ở những nơi đó].
Ngày nay, chúng ta vẫn còn có những giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Sự tồn tại của những giáo lý này đi theo một chu kỳ liên tục gồm mười thời kỳ. Trước tiên, có ba thời kỳ, mỗi một thời kỳ gồm năm trăm năm [29]. Trong thời kỳ này xuất hiện “giáo lý tâm yếu của Đức Phổ Hiền,” đó là quả [30]. Sau đó là ba thời kỳ kế tiếp, mỗi một thời kỳ gồm năm trăm năm dành cho thành tựu [31]. Tiếp theo là ba thời kỳ mà mỗi thời kỳ gồm năm trăm năm dành cho việc truyền dạy. Cuối cùng, một thời kỳ gồm năm trăm năm xuất hiện khi chỉ còn lại những biểu tượng mà thôi. Nói chung, chu kỳ liên tục này tạo nên mười thời kỳ, mỗi thời kỳ gồm năm trăm năm. Hiện nay chúng ta ở thời kỳ thứ bảy hay thứ tám. Chúng ta hiện đang sống trong một thời đại mà năm sự suy hoại đang tăng triển: suy hoại về thọ mạng, về lòng tin, về cảm xúc, về thời gian và về chúng sinh. Tuy nhiên, giáo lý liên quan đến việc truyền dạy và chứng ngộ vẫn còn hiện hữu. Bởi việc truyền dạy và chứng ngộ không bị mai một nên chúng ta vẫn sở hữu sự thuận lợi có được toàn bộ Giáo Pháp.
Tuy nhiên, sự kiện Giáo Pháp vẫn còn hiện diện sẽ không có ích lợi gì trừ phi bạn tận dụng được Giáo Pháp ấy - giống như mặt trời hừng đông, mặc dù nó chiếu sáng khắp thế gian nhưng cũng không tạo được ngay cả một tác động nhỏ bé nhất cho một người mù. Và cũng như nước trong một cái hồ lớn không thể làm người lữ hành đang đi tới bờ hết khát, trừ phi họ thực sự uống nước ấy. Cũng như thế, Giáo Pháp đã được trao truyền cũng chẳng thể nào tự một mình thấm nhập được vào tâm trí bạn nếu bạn không đón lấy.
Nếu việc đến với Giáo Pháp chỉ nhằm để bảo vệ bản thân bạn thoát khỏi bệnh tật và thoát khỏi những ảnh hưởng xấu xa trong cuộc đời này, hoặc vì bạn sợ hãi những đau khổ của ba cõi thấp trong những đời sau, thì Giáo Pháp ấy được gọi là “Giáo Pháp như sự bảo vệ chống lại sợ hãi,” và đó không phải là cách thức đúng đắn để đưa ta bước đi trên con đường đạo.
Nếu việc đến với Giáo Pháp chỉ để giúp cho ta có thực phẩm, quần áo trong đời này, hoặc để có được một phần thưởng tốt lành là được tái sinh trong cõi Trời hay được sinh làm người trong đời sau, thì Giáo Pháp ấy được gọi là “Giáo Pháp như sự tìm kiếm những gì ưu việt”.
Nhưng nếu đến với Giáo Pháp mà hiểu được rằng toàn bộ luân hồi đều không có ý nghĩa, và muốn nỗ lực tìm ra một con đường để giải thoát khỏi cõi luân hồi thì điều ấy được gọi là “thọ trì giáo lý bằng cách bước đến ngay ở khởi điểm của con đường.”
Cho dù nay bạn đã bắt đầu tu hành, thực hành Giáo Pháp thì điều ấy cũng sẽ chẳng ích lợi gì trừ phi bạn được một vị Thầy tâm linh chấp nhận cho làm đệ tử. Trong Bát Nhã Tập Kệ có nói:
Đức Phật và Giáo Lý dựa vào vị Thầy tâm linh.
Đấng Chiến Thắng, hiện thân tối thượng của mọi phạm hạnh tốt lành, đã nói như thế.
Giáo lý của Đức Phật thì bao la, những lời thuyết giảng đã được trao truyền thì vô số kể, và giáo lý ấy bao trùm một phạm vi rộng lớn với những chủ đề vô tận. Nếu không nương tựa vào những giáo huấn tâm yếu cốt tủy của một vị Thầy, thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được làm cách nào để thâu góm được tất cả các điểm trọng yếu và đưa những điểm trọng yếu ấy vào thực hành.
Có một lần, khi Ngài Jowo Atisha đang ở Tây Tạng thì Khu, Ngok và Drom5 đến hỏi: “Đối với những người muốn đạt được giải thoát và toàn giác thì giữa những kinh điển, những luận giảng, hay những giáo huấn khẩu truyền của vị Thầy, cái nào quan trọng hơn?”
Ngài Atisha trả lời:
“Các giáo huấn của vị Thầy”.
“Tại sao vậy?”
“Bởi khi đi vào thực hành – cho dù các ông có thể giảng được toàn bộ Tam Tạng (Tripitaka) bằng trí nhớ và hết sức thiện xảo trong khoa siêu hình – nhưng nếu không có được sự hướng dẫn thực tế của một vị Thầy thì các ông và Giáo Pháp sẽ không thể hợp nhất được.”
Họ tiếp tục hỏi: “Như vậy thì có phải điểm chính yếu của những giáo huấn của vị Thầy là để trì giữ ba giới nguyện và miên mật tạo những nghiệp lành với thân, khẩu và ý?”
“Điều đó chẳng có chút lợi ích nào,” Ngài Atisa trả lời.
“Làm sao có thể như vậy được?” họ kêu lên kinh ngạc.
“Các ông có thể giữ ba giới nguyện một cách toàn hảo, nhưng trừ phi các ông nhất quyết giải thoát bản thân khỏi tam giới trong vòng luân hồi, còn bằng không thì việc giữ giới nguyện chỉ tạo thêm những nguyên nhân cho luân hồi sinh tử. Các ông có thể miên mật tạo những nghiệp lành với thân, khẩu, ý cả ngày lẫn đêm, nhưng trừ phi các ông biết cách hồi hướng công đức của những việc làm đó cho giác ngộ viên mãn, còn bằng không thì chỉ cần hai hay ba niệm tưởng sai lạc là cũng đủ để phá hủy toàn bộ các nỗ lực đó. Các ông có thể là những vị Thầy và thiền giả, uyên bác và được mọi người sùng kính, nhưng trừ khi tâm các ông đã được chuyển hoá, không bám vào tám pháp thế gian tầm thường, còn bằng không thì bất kỳ điều gì các ông làm cũng sẽ chỉ là để cho cuộc đời hiện tại này, và các ông sẽ không thể gặp được con đường đem lại lợi lạc cho những đời sau.”
Điều này minh họa tầm quan trọng của việc ta được một vị Thầy – một thiện tri thức – quan tâm chăm sóc đến.
Hãy quán chiếu cuộc đời và những hoàn cảnh của riêng bạn dựa trên mỗi một điều kiện tự do trong tám điều kiện tự do và mỗi một điều kiện thuận lợi trong mười điều kiện thuận lợi, và nếu bạn nhận ra rằng tất cả mỗi một điều kiện thuận lợi (thuận duyên) đều đang hiện diện, thì bạn có được cái gọi là “đời người với mười tám điều kiện tự do và thuận duyên phú bẩm.” Tuy nhiên, Đấng Pháp Vương Toàn Giác Longchenpa, trong tác phẩm Như Ý Bảo Luận của Ngài, đã phân định mười sáu điều kiện phụ thuộc có thể gây khó khăn cho ta, không cho ta bất kỳ cơ hội nào để thực hành Pháp – gồm có tám hoàn cảnh xâm hại (intrusive circumstances), [32] và tám thiên hướng không thích hợp (incompatible proprensities) [33]. Khi ta bị những điều kiện phụ thuộc này làm cho chao đảo thì điều quan trọng là không để cho mình bị suy sụp. Ngài có giảng rằng:
Rối loạn bởi năm cảm thọ, đần độn, bị ảnh hưởng độc hại thống trị,
Lười biếng, bị chìm ngập trong hậu quả của những ác hạnh trong quá khứ,
Bị làm nô lệ cho người khác, tìm sự bảo vệ thoát khỏi hiểm nguy, và tu hành giả dối.
Đây là tám hoàn cảnh xâm hại khiến ta không có được tự do (để tu hành).
Bị trói cứng trong những ràng buộc riêng, trụy lạc hoang độ,
Không biết chán ghét luân hồi, hoàn toàn thiếu lòng tin,
Vui thích với những hành vi xấu ác, không quan tâm gì đến Giáo Pháp.
Lơ là các giới nguyện và mật nguyện:
Đây là tám thiên hướng không thích hợp khiến ta không có được tự do (để tu hành).
2.3 TÁM HOÀN CẢNH XÂM HẠI KHIẾN TA KHÔNG CÓ ĐƯỢC TỰ DO ĐỂ TU HÀNH
Có những người mà ngũ độc trong họ thường nổi lên hết sức mạnh mẽ – đó là những cảm xúc tiêu cực như căm ghét kẻ thù, si mê bạn bè và những người thân thuộc và v.v.. Đôi khi họ cũng mong ước rằng họ có thể thực hành một ít Giáo Pháp chân chính. Nhưng ngũ độc quá mạnh, thường xuyên thống trị tâm thức họ và ngăn cản họ không bao giờ để họ có thể thành tựu Giáo Pháp một cách đúng đắn.
Có những người rất ngu đần, thậm chí không có chút thông tuệ nào, những người này có thể đến với Giáo Pháp nhưng bởi vì họ không thể hiểu được ngay cả một từ vựng nào của giáo lý hay một ý nghĩa nào của giáo lý, nên họ không thể tu học hay quán chiếu và thiền định về Pháp.
Một khi người ta được một ông thầy giả mạo nhận làm đệ tử và giảng dạy cho họ nghe về những quan điểm sai lạc và dạy cho họ hành động trong một cách thế lầm lạc, thì tâm thức họ sẽ bị dẫn dắt đi trên con đường sai lạc và không phù hợp với Giáo Pháp chân chính.
Có những người muốn học Pháp nhưng quá lười biếng, không có lấy một chút kiên nhẫn nào, những người ấy sẽ chẳng bao giờ thành tựu bởi họ bị sập bẫy quá nặng trong chính sự lười nhác và chần chừ do dự của chính mình.
Có những chướng ngại và ác hạnh của một số người mạnh mẽ tới nỗi, mặc dù họ có nỗ lực tu hành Giáo Pháp đến mấy chăng nữa, họ cũng sẽ thất bại trong việc phát khởi những phẩm tính tốt lành trong tâm thức họ. Những ác hạnh chồng chất nhiều kiếp làm cho họ choáng ngợp. Họ sẽ đánh mất tín tâm vào giáo lý mà không nhận ra rằng tất cả là do những hành vi của chính họ trong quá khứ.
Có những người bị làm nô lệ cho người khác và đánh mất quyền tự chủ, những người này có thể muốn thực hành Pháp nhưng chủ của họ không cho phép họ tu hành.
Có một số người tìm đến với Giáo Pháp vì mang trong lòng những sợ hãi về cuộc đời này – họ sợ họ có thể thiếu thực phẩm hay quần áo, hoặc sợ phải trải qua những phiền não khác. Nhưng bởi họ không có lòng tin tưởng sâu xa nơi Pháp, nên họ tự nộp mình cho những huân tập xưa cũ của họ và để cho họ bị dính mắc vào những sự việc không phải là Pháp.
Còn thêm những người khác là người giả mạo. Qua việc khoe khoang Giáo Pháp, họ cố gắng thâu đoạt của cải, muốn được cung phụng và muốn có uy tín. Đứng trước người khác, họ đội lốt hành giả, nhưng trong tâm thức thì họ chỉ quan tâm tới cuộc đời này, vì thế họ đã lìa xa con đường giải thoát.
Đây là tám hoàn cảnh khiến cho con người không thể tiếp tục tu tập thực hành Giáo Pháp.
2.4 TÁM THIÊN HƯỚNG KHÔNG THÍCH HỢP KHIẾN TA KHÔNG CÓ ĐƯỢC TỰ DO ĐỂ TU HÀNH
Những người hết mực tham luyến vào những giao kết thế gian thường tình, vào tài sản, vào khoái lạc, con cái, thân quyến và v.v… Họ quá bận tâm trong những nỗ lực đầy căng thẳng gây ra bởi những điều này tới nỗi họ không có thời gian để thực hành Giáo Pháp.
Một số người không có chút nhân tính nào, và bản chất họ suy đồi tới nỗi họ không thể nào sửa đổi được cung cách hành xử của họ. Ngay cả một vị Thầy chân chính cũng thấy rằng thật khó lòng có thể đưa dẫn những người này bước trên con đường cao quý. Như những đấng siêu phàm trong quá khứ đã nói: “Khả năng của một đệ tử thì có thể uốn nắn được nhưng không thể nào uốn nắn được tánh khí căn bản của hắn.”
Có người không cảm thấy khiếp sợ chút nào khi nghe nói tới việc tái sinh vào những cõi thấp và về những bất hạnh trong vòng luân hồi, hoặc khi đối diện với những đau khổ của cuộc đời hiện tại này, họ đã không có bất kỳ quyết tâm nào để giải thoát chính mình khỏi vòng sinh tử, và vì thế họ không có lý do gì để dấn mình vào việc tu hành Giáo Pháp.
Có những người hoàn toàn không có niềm tin nào, dù tin nơi Giáo Pháp hay nơi vị Thầy; họ đóng chặt bất kỳ một lối vào nào dẫn đến giáo lý nào và chặn đứng bất kỳ cánh cổng nào dẫn đến con đường giải thoát.
Có những người thích thú trong hành động gây tổn hại hay thích thú các ác hạnh, và là những người thất bại trong việc kiểm soát tư tưởng, ngôn ngữ và hành vi của họ. Những người này không có bất kỳ phẩm tính cao quý nào và đã xa rời Giáo Pháp.
Có một số người quan tâm tới những giá trị tâm linh và Giáo Pháp không hơn gì một con chó đang ăn cỏ. Bởi họ không cảm thấy nhiệt thành với Giáo Pháp, nên những điều cao đẹp của Phật Pháp sẽ không bao giờ phát triển trong tâm thức họ.
Còn bất kỳ ai khi đã bước vào tu tập theo Thừa Căn Bản mà lại vi phạm giới nguyện và vi phạm ước nguyện cam kết giữa tâm Bồ Đề, thì những người này chẳng còn chỗ nào khác để tới ngoài những cõi thấp. Họ sẽ không thể thoát khỏi những trạng thái ở cõi thấp nơi đó họ sẽ không có được cơ hội để tu hành.
Cuối cùng, bất kỳ ai khi đã bước vào tu tập theo Mật Thừa mà lại vi phạm những mật nguyện đã cam kết với vị Thầy và với chư huynh đệ tâm linh của họ, thì điều ấy sẽ hủy hoại chính họ, hủy hoại vị Thầy và chư huynh đệ, cũng như sẽ hủy diệt luôn bất kỳ triển vọng thành tựu nào của họ.
Đây là tám thiên hướng khiến cho con người xa rời Giáo Pháp và thổi tắt ngọn đèn giải thoát.
Trước khi họ có thể cẩn thận loại trừ đi mười sáu yếu tố khiến người ta không có cơ hội tu tập thì con người trong thời đại suy đồi này có thể tỏ ra như thể họ đang có đầy đủ những điều kiện tự do và thuận lợi, và là những hành giả đích thực của Giáo Pháp. Tuy nhiên, vị thủ lãnh ngự trên chiếc ngai và vị Lạt Ma ngồi dưới chiếc lọng, [34] vị ẩn sĩ trong chốn núi non cô tịch, kẻ đã từ bỏ chính sự, và bất kỳ kẻ nào đang có thể có một đánh giá cao về giá trị của bản thân mình – mỗi người trong số họ có thể nghĩ rằng hắn đang thực hành Pháp, nhưng chừng nào mà kẻ ấy còn ở dưới thế lực của những điều kiện phụ thuộc đầy giới hạn thì kẻ ấy vẫn không ở trên con đường tu đích thực.
Vì thế, trước khi mù quáng mang vào người những hình tướng bề ngoài của Giáo Pháp, hãy cẩn thận quán xét chính tình trạng của bản thân bạn trước tiên, xem bạn có đủ ba mươi bốn yếu tố của các điều kiện tự do và thuận lợi hay không. Nếu bạn có đầy đủ những yếu tố ấy, hãy hoan hỷ và quán chiếu sâu xa về những điều ấy nhiều lần. Hãy tự nhắc nhở mình rằng, giờ đây, khi mà cuối cùng bạn cũng đã có đầy đủ được những điều kiện tự do và thuận lợi rất khó tìm, thì bạn sẽ không phí phạm những trợ duyên ấy; cho dù bất kỳ điều gì xảy ra, bạn cũng sẽ thực hành Giáo Pháp chân chính. Tuy nhiên, nếu bạn tìm thấy ra rằng bạn vẫn còn thiếu sót một số khía cạnh nào đó thì hãy cố gắng đạt được những điều ấy bằng bất kỳ phương tiện nào có thể có được.
Trong mọi lúc, bạn nên chú tâm quán chiếu thật cẩn thận xem bạn có tất cả những yếu tố tự do và thuận lợi hay không. Nếu bạn không quán chiếu, và để cho bất kỳ một trong những yếu tố này bị thiếu sót, thì bạn sẽ đánh mất cơ hội để thực sự hành trì Phật Pháp. Cuối cùng, ngay cả việc thực hiện duy nhất một công việc thứ yếu hàng ngày cũng đòi hỏi nhiều chất liệu và nhiều điều kiện phụ thuộc hỗ tương cho nhau; những điều ấy phải cùng hợp lại trong cùng một thời điểm. Có gì đáng phải kinh ngạc đâu, nếu ta muốn chứng ngộ mục đích tối thượng – chứng ngộ Giáo Pháp – thì điều này sẽ không thể xảy ra được nếu không có sự tiếp hợp của nhiều yếu tố được liên kết với nhau.
Hãy hình dung một lữ khách muốn pha một ít trà. Việc pha trà liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau – ấm trà, nước, củi, lửa và v.v… Trong những yếu tố này, chỉ riêng việc đánh lửa sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu đá lửa, thép, bùi nhùi, hai bàn tay của lữ khách và v..v… Nếu chỉ thiếu một yếu tố chẳng hạn như bùi nhùi, thì sự thực là dù người lữ khách có đủ mọi thứ khác đi nữa thì cũng chẳng ích lợi gì. Cũng thế, nếu thậm chí chỉ một yếu tố trong những điều kiện tự do và thuận lợi bị thiếu sót thì ta sẽ không có chút cơ hội nào để tu tập Chân Pháp.
Nếu bạn cẩn thận quán sát tâm bạn, bạn sẽ thấy rằng ngay cả những điều kiện tự do và mười thuận duyên căn bản cũng rất khó đạt được, và bạn sẽ nhận ra là có đủ mười thuận duyên thì thậm chí còn hiếm hoi hơn cả việc có tám điều kiện tự do.
Có một số được sinh ra làm người, với đầy đủ mọi giác quan nguyên vẹn và họ ở trong vùng trung tâm, nhưng họ lại dính mắc vào một lối sống mâu thuẫn với Giáo Pháp; họ không có lòng tin vào giáo lý của Đấng Chiến Thắng. Nếu như vậy thì những người này chỉ còn có ba thuận duyên mà thôi. Nếu họ có được một trong hai điều kiện thuận lợi hay thuận duyên còn lại kia thì họ vẫn chỉ có được bốn thuận duyên. Giờ đây, để có được một lối sống hoàn toàn không xung đột với Giáo Pháp thì điều này cực kỳ khó khăn. Nếu bất kỳ tư tưởng, lời nói và hành vi nào của một người cũng đều tiêu cực và những động cơ thúc đẩy họ chỉ cốt nhắm tới cuộc đời này, thì trên thực tế, cho dù họ có nổi tiếng là một người tốt và uyên bác chăng nữa, cách sống của họ cũng vẫn mâu thuẫn với Giáo Pháp.
Cái nhìn như trên cũng được áp dụng tương tự cho năm thuận duyên thuộc về hoàn cảnh. Nếu một vị Phật xuất hiện, giảng dạy Giáo Pháp và giáo lý ấy vẫn còn hiện hữu, nhưng nếu một người không bước vào con đường tu (đến với Giáo Pháp), thì người đó chỉ có được ba trong số các điều kiện thuận lợi đã nêu. Ở đây, một lần nữa, “bước vào con đường tu” không đơn giản là thỉnh cầu một vài giáo lý và được ban cho giáo lý đó. Điểm khởi đầu của con đường giải thoát là (1) lòng xác tín rằng toàn bộ vòng luân hồi đều vô nghĩa, và (2) có quyết tâm chân thật muốn giải thoát khỏi toàn bộ luân hồi. Để đi trên con đường Đại Thừa, điều cốt yếu là (3) phát khởi được Bồ Đề Tâm chân thành. Điều tối thiểu cần phải có là (4) niềm tin bất thối chuyển nơi Tam Bảo, đến nỗi bạn sẽ không thể bao giờ từ bỏ được Tam Bảo cho dù là để cứu mạng mình. Không có được những điều đó thì việc chỉ đơn giản trì tụng những lời cầu nguyện và khoác vào người những chiếc y vàng không phải là bằng chứng bạn đã bước vào con đường tu.
Hãy đoan chắc là bạn biết cách nhận ra được mỗi một điều kiện trong tất cả những điều kiện tự do và thuận duyên, và hãy tự quán chiếu xem là bạn có những điều ấy hay không. Đây là vấn đề trọng yếu.
3. Quán Chiếu Dựa Trên Những Biểu Tượng Để Thấy Rằng Tự Do và Thuận Duyên Rất Khó Tìm
Đức Phật nói rằng việc có được thân người (được sinh ra làm người) còn khó hơn việc một con rùa trồi lên từ đáy biển, ngẫu nhiên chui đầu vào cái lỗ của một cái ách bằng gỗ đang dập dình trên mặt đại dương giữa những cơn sóng khổng lồ.
Hãy hình dung toàn thể vũ trụ gồm một tỉ thế giới (tam thiên đại thiên thế giới) như một đại dương bao la. Một cái ách trôi nổi trên mặt biển, đó là một miếng gỗ có khoét một cái lỗ để tròng quanh sừng trâu bò được dùng để kéo xe. Cái ách này bị sóng biển làm cho trôi nổi đó đây, khi thì hướng đông khi thì hướng tây, không bao giờ ở một chỗ dù trong chốc lát. Ở đáy sâu của đại dương có một con rùa mù cứ một trăm năm lại nổi lên mặt nước một lần [35]. Việc con rùa và cái ách có thể gặp được nhau là điều cực kỳ khó có thể xảy ra. Bản thân cái ách là vật vô tri; con rùa thì không có ý định tìm cái ách. Con rùa bị mù không thể dùng mắt để nhận ra cái ách. Nếu cái ách đứng yên ở một chỗ, thì còn dễ có thể có một cơ hội để chúng gặp nhau; nhưng cái ách lại di chuyển liên tục. Nếu con rùa phải sử dụng toàn bộ thời gian để bơi quanh mặt biển thì có lẽ nó có thể gặp cái ách; nhưng nó chỉ nổi lên duy nhất một lần trong một trăm năm. Do đó, những cơ hội để con rùa và cái ách gặp nhau thật hết sức nhỏ nhoi. Tuy nhiên, nhờ cơ hội mỏng manh ấy mà con rùa vẫn có thể chui đầu vào cái ách. Nhưng Kinh điển nói rằng so với điều đó thì việc được sinh ra làm người với những điều kiện tự do và thuận lợi thậm chí còn khó hơn thế nữa. Tổ Long Thọ có mô tả điều này trong Long Thọ Bồ Tát Khuyến Giới Vương Tụng (Lời Khuyên cho Vua Surabhibhadra): [36]
Thật khó xảy ra việc một con rùa mù có thể ngẫu nhiên trồi lên chui đầu vào một cái ách dập dình trên một đại dương bao la;
Tuy thế, so với việc tái sinh làm súc sinh thì việc được sinh ra làm người còn hiếm hoi hơn thế nữa.
Do đó, ôi Đức Vua, Hãy tu hành Giáo Pháp chân chính để vận may của Ngài sẽ kết thành chánh quả!
Và Ngài Tịch Thiên (Santideva) có nói:
Đức Phật đã tuyên thuyết rằng giống như một con rùa ngẫu nhiên có thể
Đặt đầu nó vào trong một cái ách trôi dạt giữa đại dương không bờ bến,
Việc sinh ra làm người quả thật khó tìm.
Sự khó khăn của việc được sinh ra trong thân người cũng được so sánh với việc ta ném những hạt đậu khô vào một bức tường trơn láng mà hạt đậu lại dính được vào bức tường đó, hay việc đặt một nhúm đậu cho thật cân phân trên đầu một mũi kim dựng đứng – việc làm này, thậm chí chỉ phải làm với một hạt đậu duy nhất thôi là cũng đã đủ khó rồi! Điều quan trọng là ta phải thấu hiểu những biểu tượng so sánh này, được trích ra từ Đại Bát Niết Bàn Kinh, cùng với những so sánh tương tự ở trong các bản văn khác.
4. Quán Chiếu Dựa Trên Những So Sánh Bằng Số Lượng
Khi bạn khảo sát số lượng tương đối của các loại chúng sinh khác nhau, bạn có thể cảm kích rằng để được sinh làm một con người thì hoàn toàn khó có thể có được. Qua cách minh họa trên, ta được biết rằng chúng sinh trong các cõi địa ngục thì nhiều như sao trong bầu trời đêm, [và nếu so theo đó thì] số chúng sinh trong cõi ngạ quỷ thì không thể nhiều hơn được số lượng những ngôi sao nhìn thấy vào ban ngày. Còn nếu ngạ quỷ nhiều như sao ban đêm, thì súc sinh chỉ nhiều như những vì sao ban ngày; và nếu súc sinh nhiều như sao ban đêm, thì chư Thiên và con người chỉ như sao ban ngày.
Cũng có được nghe nói rằng chúng sinh trong địa ngục nhiều như vi trần (bụi) trong toàn thể thế giới, ngạ quỷ nhiều như cát sông Hằng, súc sinh nhiều như những hạt lúa mạch trong một thùng chứa bia, [37] và A Tu La nhiều như những bông tuyết trong một trận bão tuyết – nhưng chư Thiên và con người thì ít như những hạt bụi đất dính trong một móng tay.
Để có được thân tướng như bất kỳ chúng sinh nào trong các cõi cao cũng đã là hiếm có, nhưng có được một đời người với đầy đủ những điều kiện tự do và thuận duyên thì lại càng hy hữu hơn nữa. Chúng ta có thể tự thấy rằng vào bất kỳ lúc nào nếu so với loài vật thì loài người ít ỏi hơn biết bao. Hãy nghĩ xem có bao nhiêu sâu bọ sống trong một cục đất vào mùa hè, hay có bao nhiêu con kiến trong một tổ kiến duy nhất – mới chỉ nhiều bằng số người trong toàn thế giới. Nhưng ngay trong nhân loại, chúng ta có thể thấy rằng so với tất cả những ai sinh trong những miền xa xôi hẻo lánh nơi mà Giáo Pháp chưa từng xuất hiện, thì những người sinh ra ở những nơi Giáo Pháp đã được truyền bá thật đặc biệt hiếm hoi. Và ngay cả trong những người đó cũng chỉ có một số rất ít người có đủ những điều kiện tự do và thuận duyên.
Với tất cả những viễn cảnh này trong tâm, bạn nên để cho lòng mình tràn đầy hoan hỷ khi biết rằng bạn thực sự có được đầy đủ tất cả mọi điều kiện tự do và thuận duyên [để có thể tu hành].
Một đời người có thể được gọi là một “đời người quý báu” chỉ khi nào đời người ấy chứa đựng đầy đủ mọi khía cạnh của những điều kiện tự do và thuận duyên, và từ đó trở đi mới thực sự trở nên quý báu. Nhưng khi nào mà những khía cạnh đó chưa được đầy đủ, thì cho dù sự hiểu biết, kiến thức và tài năng của bạn trong những sự việc thông thường có rộng lớn tới đâu chăng nữa, bạn cũng không có được một « đời người quý báu ». Như thế có nghĩa là bạn chỉ có được cái gọi là một đời người bình thường, một đời người đơn thuần, đời người không may mắn, đời người vô nghĩa, hay một đời người trắng tay. Đời người như thế thì cũng giống như việc tay cầm ngọc như ý mà không biết sử dụng nó, hay việc bạn đi đến một xứ sở ngập đầy châu báu mà trở về tay không.
Tình cờ gặp được một viên ngọc quý
Thì chẳng đáng gì đối với việc tìm được đời người quý báu.
Hãy nhìn xem những kẻ không biết ngao ngán luân hồi
Lãng phí cuộc đời ra sao!
Chiếm được cả một vương quốc
Thì chẳng đáng gì đối với việc gặp được một vị Thầy toàn hảo.
Hãy nhìn những người không có lòng quy kính
Đối xử với vị Thầy như ngang hàng với họ ra sao!
Đứng đầu cả một vùng, miền
Thì chẳng đáng gì đối với việc thọ Bồ Tát giới.
Hãy nhìn những người không có lòng bi mẫn
Ném bỏ những giới nguyện của họ ra sao!
Được cai trị cả thế giới
Thì chẳng đáng gì đối với việc thọ nhận quán đảnh Mật Thừa.
Hãy nhìn những kẻ không tuân giữ các mật nguyện
Vứt bỏ những hứa nguyện của họ ra sao!
Thấy được Đức Phật
Thì chẳng đáng gì đối với việc thấy được chân tánh của tâm
Hãy nhìn những kẻ không có quyết tâm
Lại chìm sâu trong mê lầm ra sao!
Những điều kiện tự do và thuận duyên này không đến tình cờ hay ngẫu nhiên. Tất cả đều là kết quả của công đức và trí tuệ đã được tích lũy trong nhiều kiếp. Đại học giả Trakpa Gyaltsen có nói:
Có được thân người đầy đủ các tự do và thuận duyên này
Không phải là kết quả của tài xoay sở
Mà đến từ công đức bạn đã tích lũy được.
Có được đời người chỉ để đắm mình trong những ác hạnh mà không có chút ý niệm nào về Đạo Pháp thì còn thấp kém hơn cả chúng sinh trong những cõi thấp. Như Ngài Jetsun Milarepa đã từng nói với người thợ săn Gonpo Dorje:
Có được những tự do và thuận duyên của một đời người thì thường được coi là quý báu,
Nhưng khi ta nhìn những người như ông thì thấy chẳng có vẻ quý báu chút nào.
Không gì có khả năng chiêu cảm, đọa bạn xuống những cõi thấp hơn là chính cuộc đời của con người. Bạn làm gì với cuộc đời ấy, ngay bây giờ, tuỳ thuộc vào chỉ mình bạn thôi:
Khéo sử dụng thì thân này là chiếc bè đưa tới giải thoát,
Sử dụng một cách tệ hại thì thân này neo chúng ta lại với luân hồi.
Thân xác này so tài cao thấp giữa giữa hai cái thiện lẫn ác.
Chính là nhờ vào năng lực của tất cả công đức bạn đã tích lũy được trong quá khứ mà giờ đây bạn có được thân người với đầy đủ mười tám điều kiện tự do và thuận duyên. Việc bạn sao lãng điều cốt tủy duy nhất – Giáo Pháp siêu việt – và thay vào đó, tiêu trọn đời bạn trong việc thâu hoạch thực phẩm, quần áo và mê đắm tám mối quan tâm thế gian (bát phong), thì đó chính là phí phạm những tự do và những thuận duyên của bạn một cách thật vô ích. Thật vô tích sự biết bao khi chờ đến lúc cái chết vồ chụp lấy bạn rồi đến lúc đó bạn mới đấm ngực ăn năn hối tiếc! Hẳn là bạn đã có một chọn lựa sai lầm, như đã có nói trong Nhập Bồ Tát Hạnh:
Do đó, khi đã tìm được những tự do của một đời người,
Nếu giờ đây tôi không rèn luyện bản thân bằng đức hạnh,
Thì liệu còn có sự điên rồ nào to lớn hơn?
Làm sao tôi có thể lừa dối chính mình hơn được nữa?
Như thế, cuộc đời hiện tại này là bước ngoặt mà nhờ đó bạn có thể lựa chọn giữa cái thiện trường cửu hay cái ác lâu dài. Nếu ngay bây giờ bạn không tận dụng những tự do có được trong đời này để nắm lấy thành lũy của chân tánh tối hậu, thì trong những đời sau bạn sẽ rất khó có được tự do như thế này một lần nữa. Một khi bạn phải bị tái sinh vào trong bất kỳ thân tướng nào nơi những cõi thấp, thì sẽ chẳng bao giờ còn có ý niệm nào về Đạo Pháp loé lên trong bạn. Quá hoang mang không biết điều gì nên làm và điều gì không nên làm, bạn sẽ không ngừng lao càng lúc càng sâu xuống những cõi thấp. Vậy hãy tự nhủ rằng bây giờ là lúc để phải cố gắng tu hành, thiền định liên tục, áp dụng ba phương pháp tối thắng sau đây: (1) khởi đầu với ý niệm về Bồ Đề Tâm, (2) hành trì chính các pháp tu mà không có mảy may vọng tưởng, và (3) hồi hướng công đức vào lúc kết thúc.
Như một hình thức đo lường xem pháp tu này (tư duy về những điều kiện tự do và thuận duyên của đời người) thực sự thuyết phục chúng ta nhiều tới mức độ nào, thì chúng ta phải làm sao để giống được như Geshe Chengawa, người đã sử dụng toàn bộ thời gian để tu tập và thậm chí không bao giờ ngủ. Ngài Geshe Tonpa nói với đệ tử rằng: “Tốt hơn là con nên nghỉ ngơi, con của ta. Con sẽ làm mình bị bệnh đấy.”
“Vâng, con sẽ nghỉ ngơi,” Ngài Chengawa trả lời. “Nhưng khi con nghĩ thật khó khăn biết bao để tìm được những điều kiện tự do và thuận duyên mà chúng ta đang có, thì con không có thời giờ nào để nghỉ ngơi.” Ngài trì tụng chín trăm triệu lần câu thần chú của Miyowa và không ngủ suốt cuộc đời Ngài. Chúng ta phải thiền định cho đến khi nào một lòng xác tín y hệt như vậy thực sự trổi dậy trong tâm thức chúng ta.
Dù con đã đạt được những tự do này, con vẫn nghèo khó trong Giáo Pháp, là tinh túy của tự do.
Dù con đã bước đến với Đạo Pháp, con đã lãng phí thời giờ khi làm những công việc khác.
Xin từ bi gia hộ cho con và những kẻ xuẩn ngốc như con,
Để chúng con có thể đạt được tinh túy đích thực của những tự do và thuận duyên khó tìm.
__________________________
CHÚ THÍCH:
1 Điều đó có nghĩa là hoàn toàn tỉ mỉ và không chút xao lãng.
2 Một người câm có thể nếm thức ăn, nhưng không mô tả được hương vị mà anh ta đang nếm. Cũng thế, hương vị của chân thiền định siêu vượt bất kỳ những gì có thể được mô tả, siêu vượt mọi khái niệm.
3 Tirthika, (mu rtegs pa): môn đồ của các truyền thống tôn giáo hay triết học phi - Phật giáo, ám chỉ các tà kiến được mô tả ở Phần Một, Chương Bốn.
4 Đây ám chỉ đức Quán Thế Âm hay Quán Tự Tại (Avalokiteshvara), là Bồ Tát của lòng Bi Mẫn hay Đại Từ Đại Bi.
5 Ba đệ tử chính của Ngài Atisha (xem Thuật Ngữ).