“Tara là đấng bảo hộ, cứu chúng sinh thoát tai ương.” Chương trình hôm nay là quán đảnh Hồng Quan Âm (Tara Đỏ). Chúng ta tin rằng Tara Đỏ rất nổi tiếng và nhiều người biết. Nhiều người tu pháp Tara vì vậy Thầy nghĩ Ngài quen thuộc với chúng ta. Tara là Bổn tôn cứu con người thoát khỏi tai ương, chướng nạn, sợ hãi. Đó là ý nghĩa của hồng danh “Tara”.
Về Bổn tôn Tara, đức Phật có kể chuyện về Tara và cầu nguyện đức Tara; trong giáo lý, trong kinh Phật có dạy về Tara. Tóm lại, Tara là Bổn tôn chính yếu được cả Kinh Thừa và Mật Thừa công nhận. Tara là một Phật mẫu mà tất cả đều công nhận. Ai cũng tin rằng Tara là đấng bảo hộ, cứu chúng sinh thoát tai ương. Mọi người đều tin, hiểu một cách tự nhiên trong tâm. Đó là phẩm tánh của đức Tara.
Có 4 cấp độ Tantra (Mật điển). Tara là Bổn tôn thuộc cấp độ Tác Tantra (Action Tantra); có nghĩa là Tara là Bổn tôn thích thanh tịnh, sạch sẽ và không thích ăn thịt. Tara là Bổn tôn chay tịnh. Như vậy phẩm tánh của Tara là thanh tịnh, sạch sẽ. Điều này trong Tác Tantra có mô tả rất đầy đủ.
“Hồng Tara đặc biệt che chở cho chúng sinh thoát sự yếu đuối.
Ngài tiêu diệt sự yếu đuối trong con người và đem lại cho họ sức mạnh.
Nếu ai đó tu pháp Hồng Tara thì Ngài sẽ giúp họ cơ hội hưng thịnh.” Có một câu chuyện về đức Quán Thế Âm ba lần vét sạch luân hồi. Ngài nghĩ luân hồi đã được vét sạch, nhưng khi nhìn vào cõi luân hồi lần nữa thì Ngài thấy nó vẫn như cũ. Rất buồn, Ngài đã làm rơi hai giọt lệ. Hai giọt lệ biến thành hai vị Tara: Tara Trắng và Tara Xanh. Tara thuộc Liên Hoa Bộ và là hóa thân của A Di Đà, cùng một bộ Phật với A Di Đà, Guru Rinpoche và Quán Thế Âm. Trong kinh A Di Đà có nói đức A Di Đà phóng chiếu hàng triệu Quán Thế Âm từ tay phải và hàng triệu Tara từ tay trái. Ngài cũng phóng chiếu hàng triệu Guru Rinpoche từ tâm Ngài, từ trí tuệ của Ngài.
Như đã nói ở phần trước, phẩm hạnh của Tara là che chở cho chúng sinh thoát sợ hãi, 16 loại sợ hãi, hiểm nạn. Và Hồng Tara đặc biệt che chở cho chúng sinh thoát sự yếu đuối. Ngài tiêu diệt sự yếu đuối trong con người và đem lại cho họ sức mạnh. Nếu ai đó tu pháp Hồng Tara thì Ngài sẽ giúp họ cơ hội hưng thịnh. Như vậy là Ngài có hai phẩm hạnh: sức mạnh và thịnh vượng.
“Chúng ta cần hiểu đúng khi ta nói về sức mạnh của một vị bổn tôn.
Là phàm phu chúng ta không có sức mạnh; chúng ta không có sức mạnh để được tự do.
Chúng ta chịu sự chi phối của nghiệp lực cho nên ta yếu đuối, bất lực.” Người ta thường hiểu theo nhiều cách khác nhau. Thầy nghĩ, chúng ta cần hiểu đúng khi ta nói về sức mạnh của một vị bổn tôn. Là phàm phu chúng ta không có sức mạnh; chúng ta không có sức mạnh để được tự do. Chúng ta chịu sự chi phối của nghiệp lực cho nên ta yếu đuối, bất lực. Chúng ta muốn hạnh phúc. Chúng ta muốn được tự do thoát khỏi [ràng buộc của] nhiều thứ, nhưng chúng ta cứ bị kẹt. Chúng ta bị dính mắc vào rất nhiều thứ và vì thế mà không có tự do. Vì thế mà bất lực. Tu pháp Hồng Tara, Kurukulle, hay các bổn tôn khác của sức mạnh có nghĩa là chúng ta muốn phát triển sức mạnh tự nhiên đó. Nó giúp ta dẹp trừ tất cả các che chướng và bám chấp. Đó là thứ sức mạnh được đề cập ở đây.
“Có loại quán đảnh rất-nghi-thức, loại quán đảnh ít-nghi-thức và loại không-nghi-thức.
Tóm lại, có ba loại, ba cấp độ, ba cách thực hiện quán đảnh.” Hôm nay Thầy dùng một nghi quỹ ngắn thuộc phục điển của Do Khyentse Yeshe Dorje. Ngài là một trong những hóa thân của Jigme Lingpa, một vị Đạo sư đạt chứng ngộ cao, một Đại thành tựu giả của Tây Tạng. Ngài đã khai mở nhiều phục điển và truyền trao nhiều giáo lý thậm thâm, có sức gia trì lớn. Và Thầy sẽ dùng một trong những nghi quỹ ngắn của Ngài về Hồng Tara.
[Nói về] quán đảnh thì có một số loại khác nhau. Có loại quán đảnh rất-nghi-thức, loại quán đảnh ít-nghi-thức và loại không-nghi-thức. Tóm lại, có ba loại, ba cấp độ, ba cách thực hiện quán đảnh. Loại quán đảnh rất-nghi-thức ví dụ như Kalachakra – nó rất nghi thức. Có những quán đảnh, những bổn tôn như vậy. Quán đảnh hôm nay thuộc loại ít-nghi-thức, bởi vì Thầy không chuẩn bị gì nhiều. Tuy nhiên chúng ta có đủ để tiến hành [nghi lễ] hôm nay. Tóm lại, Thầy sẽ ban một quán đảnh Hồng Tara rất ngắn gọn, ít-nghi-thức.
“Quán đảnh “ít-nghi-thức” có nghĩa là tuy vẫn còn cần dùng chất liệu vật chất nhưng không nhiều.
Còn quán đảnh không-nghi-thức là tâm truyền tâm – đó là một cách truyền quán đảnh rất không-nghi-thức.” Khi nói “nghi thức” có nghĩa là có dùng nhiều chất liệu khác nhau như mạn đà la bằng vật chất, bánh torma, và nhiều vật liệu, vật dụng khác nữa. Đó là phương thức tiến hành một quán đảnh rất-nghi-thức. Còn quán đảnh “ít-nghi-thức” có nghĩa là tuy vẫn còn cần dùng chất liệu vật chất nhưng không nhiều. Còn quán đảnh không-nghi-thức là tâm truyền tâm – đó là một cách truyền quán đảnh rất không-nghi-thức.
“Không thực sự [được] chuẩn bị, không hiểu những yêu cầu cần thiết mà cứ tới và thọ quán đảnh thì đó là việc không hay.” Người ta thông thường rất thích nhận quán đảnh. Theo Thầy, điều này chấp nhận được ở một khía cạnh nào đó, nhưng nó không tốt ở nhiều khía cạnh [khác]. Không thực sự [được] chuẩn bị, không hiểu những yêu cầu cần thiết mà cứ tới và thọ quán đảnh thì đó là việc không hay. Đó không phải là cách đúng đắn để thọ nhận quán đảnh. Vậy nên, để thọ quán đảnh ta phải là một người tốt, một hành giả tốt. Đó là cách tốt nhất. Và người thọ quán đảnh phải biết vị thầy ban quán đảnh. Đó là một điều quan trọng. Đó là cách thiết lập kết nối Pháp. Thọ nhận quán đảnh từ ai đó có nghĩa là nhận vị thầy đó làm Đạo sư của mình. Rất cần phải biết điều này.
“Có bốn cấp độ quán đảnh: thân, khẩu, trí tuệ và hạnh (hoạt động) của Hồng Tara.” Bây giờ là phần quán đảnh. [Quy y]: trước hết chúng ta sẽ quy y Mạn đà la Hồng Tara. Các bạn sẽ nói: “Thưa đức Tara, Ngài là hiện thân công hạnh của tất cả chư Phật, Ngài là đức Như Lai có sức mạnh cứu giúp tất cả chúng sinh khỏi khổ nạn của cõi luân hồi, của ba cõi ác. Con xin quy y Ngài từ sâu thẳm trong tim.” Hãy lặp lại theo Thầy. (Tụng)
[Phát bồ đề tâm]: phần hai là phát bồ đề tâm trước Mạn đà la Hồng Tara bằng cách tụng: “Đức Tara, xin hãy ban gia trì để con phát khởi, trưởng dưỡng bồ đề tâm.” Đó là ước nguyện và cũng là cứu cánh của chúng ta: “Tất cả hữu tình chúng sinh sẽ đạt được các phẩm tánh của Tara, đạt giác ngộ và trở thành bất khả phân với Tara. Vì ước nguyện này con phát bồ đề tâm.” [Tụng]
Khi nhận quán đảnh bao giờ cũng có phần quy y và phát bồ đề tâm. Khi đó hãy phát bồ đề tâm (lời thệ nguyện bồ tát) trước một Bổn tôn hoặc một mạn đà la [cụ thể] nào đó. Ví dụ, hôm nay chúng ta nói: “Con sẽ phát khởi bồ đề tâm nhờ thực hành pháp tu Hồng Tara.” Đó chính là ý nghĩa [việc làm] này. Xin hãy tụng theo Thầy. [Tụng]
Có bốn cấp độ quán đảnh: thân, khẩu, trí tuệ và hạnh (hoạt động) của Hồng Tara. Thông thường chúng ta dùng hai bonpa. Bonpa trên bàn là bonpa hạnh (activity) có tác dụng tịnh hóa các bất tịnh về hạnh (hoạt động) của chất liệu. Còn bonpa trên bàn thờ là bonpa chính – nó là mạn đà la của bổn tôn. Khi vị đạo sư thực hiện phần chuẩn bị thì những thứ đó được bao gồm trong pháp quán tưởng. Vị đạo sư quán tưởng tất cả mạn đà la ở trong bonpa và bonpa chính là mạn đà la – cõi tịnh độ của Tara. Khi vị đạo sư sẵn sàng ban quán đảnh thì mạn đà la tan hòa và biến thành nước cam lồ - nước đó ở trong bonpa. Đó là cách thực hiện quán đảnh.
“Do sự quán tưởng và do động cơ của người đó, do nghi lễ quán đảnh được vị đạo sư thực hiện,
do gia trì của mạn đà la mà vị bổn tôn trí tuệ chuyển hóa thành người thọ quán đỉnh và tan hòa vào người đó.” Trước khi thọ 4 quán đảnh người thọ pháp phải quán tưởng mình là đức Hồng Tara. Do sự quán tưởng và do động cơ [đúng đắn] của người đó, do nghi lễ quán đảnh được vị đạo sư thực hiện, do gia trì của mạn đà la mà vị bổn tôn trí tuệ (trí huệ tôn) chuyển hóa thành người thọ quán đỉnh và tan hòa vào người đó. Đó là phần các bạn phải quán tưởng ngay bây giờ. [Tụng]
Bây giờ là Thân Quán đảnh. [Tụng]
Bây giờ thầy dùng nghi quỹ Hồng Tara tượng trưng cho khẩu của Ngài và ban quán đảnh Khẩu Tara. [Tụng]
Chủng tử TAM là chủng tự tâm của Hồng Tara, tượng trưng cho tâm, cho trí tuệ của Ngài. Dùng chủng tự này ta ban quán đảnh trí tuệ. [Tụng]
Đây là tượng trưng cho các công hạnh của đức Tara (giơ chày, chuông lên cao). Như Thầy đã nói, Tara là hiện thân cho công hạnh của chư Phật. Và công hạnh của Tara là cứu con người thoát hiểm nạn. [Tụng]
Đó là quán đảnh ngắn Hồng Tara.
“Một trong những thệ nguyện chính của chúng ta khi thọ quán đảnh là không bao giờ từ bỏ lòng tin vào Kim Cang Thừa.” Thọ quán đảnh có nghĩa là chấp nhận rằng mình sẽ là một Phật tử chân thực, một người tu chân chính. Vậy nên ta phải canh chừng mọi hành động của mình có liên quan tới ác nghiệp. Phải tỉnh giác với mọi việc ta làm và biết cái gì ta không nên làm. Nếu không tỉnh giác về những hành động của mình thì chúng ta rất dễ mắc sai lầm. Vì vậy chúng ta phải luôn tỉnh giác về các hành động của mình. Đây là một việc rất thiết thực, quan trọng, một phương cách tốt che chở ta không phạm lỗi lầm.
Một trong những thệ nguyện chính của chúng ta khi thọ quán đảnh là không bao giờ từ bỏ lòng tin vào Kim Cang Thừa. “Con sẽ không bao giờ từ bỏ lòng tin vào Mật chú Thừa, Mật Thừa dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.”
“Kim Cang Thừa được gọi là thừa tối thượng, truyền thống tối thượng.
Đó cũng có thể được gọi là thừa cao nhất.
Vì vậy đôi khi chúng ta gặp khó khăn trong việc hiểu ý nghĩa, tức khía cạnh bí mật, của thừa tối thượng đó.” Kim Cang Thừa được gọi là thừa tối thượng, truyền thống tối thượng. Đó cũng có thể được gọi là thừa cao nhất. Vì vậy đôi khi chúng ta gặp khó khăn trong việc hiểu ý nghĩa, tức khía cạnh bí mật, của thừa tối thượng đó. Chúng ta nói cho dù hoàn cảnh nào [xảy ra] ta cũng không thay đổi lòng tin vững chắc vào truyền thống này. Đó là một thệ nguyện rất rất quan trọng.
Con sẽ không bao giờ mất lòng tin vào mạn đà la quán đảnh con thọ nhận, vào đạo sư ban quán đảnh cho con. Con sẽ trì tụng minh chú của bổn tôn mà con có kết nối nghiệp đó và con sẽ hành trì pháp tu của mạn đà la đó hàng ngày. Con sẽ kính trọng, sẽ tốt bụng, từ bi với tất cả mọi người trong cùng một truyền thống, và những ai cũng tu Kim Cang Thừa.
“Những gì Thầy vừa nói gọi là “samaya” [giới nguyện]. Chừng nào chúng ta còn hiểu biết của con người, ý thức của con người, chúng ta phải giữ gìn chúng.” Chúng ta phải hiểu rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tánh. Tất cả vạn pháp. Tất cả vạn pháp, tất cả chúng sinh đều phụ thuộc lẫn nhau (tương thuộc, tương liên) vì tất cả đều có chung chân tánh đó. Và tất cả mọi người con Phật trên trái đất đều kết nối với nhau bởi họ cùng chung một tôn giáo. Đặc biệt là những người cùng chung một mạn đà la, chung một Guru, chúng ta kết nối rất sâu sắc, rất mạnh mẽ với nhau. “Vì vậy con sẽ kính trọng tất cả hữu tình chúng sinh. Con sẽ không làm hại bất cứ chúng sinh nào, con sẽ giúp đỡ và làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Và đặc biệt con sẽ giữ gìn hòa hợp trong cộng đồng cùng có chung một mạn đà la và một Guru.”
Những gì Thầy vừa nói gọi là “samaya” [giới nguyện]. Chừng nào chúng ta còn hiểu biết của con người, ý thức của con người, chúng ta phải giữ gìn chúng. Bởi vì, ta biết rằng cái chúng ta đang làm không phải do ai đó ra lệnh, ép buộc ta làm, mà “ta muốn làm điều đó”. Vì vậy, chúng ta phải gìn giữ thệ nguyện này như một mệnh lệnh. Chúng ta phải thực hiện thệ nguyện một cách tốt đẹp. Vì lý do này, chúng ta sẽ phát lời thề: “Con sẽ giữ samaya. Con sẽ làm theo lời giáo huấn của Guru cho tới khi nào con còn hiểu biết của con người, còn tỉnh giác của con người.” [Tụng]
Hết bài giảng ngày 11.10.2013 tại chùa Từ Quang, TP. Hồ Chí Minh. -- Việt dịch (từ bản chép lời giảng tiếng Anh): Lotsawa (Hiếu Thiện). Xem bản tiếng Anh (dưới bản Việt dịch) do Menlha Kyid (Kiều Oanh) chép tại: www.lienhoaquang.com/loidaosu-q2-03 Nghe MP3 bài giảng tại: www.lienhoaquang.com/loidaosu-q2-03-mp3