CHƯƠNG 3: SERKONG DORJE CHANG
Có một câu chuyện tương tự về Serkong Dorje Chang sống ở Nepal – Hóa Thân của Serkong Dorje Chang đã sống ở Tây Tạng và cũng là một geshe lharampa. Một geshe lharampa thì giống như một giáo sư có phẩm tính cao cấp nhất, một đại học giả, nhưng trong trường hợp này không chỉ là một học giả chữ nghĩa mà cũng có kinh nghiệm về con đường. Sau này ngài trở thành một trong số ít Lạt Ma được Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Mười Ba chính thức công nhận là đã đạt mức độ cao cấp của con đường Kim Cương thừa để được phép thực hành với một phối ngẫu trí tuệ. Vị Hóa Thân sống ở Nepal đã thị tịch vài năm trước và đã tái sinh, hiện đang tu học tại Tu viện Ganden miền nam Ấn Độ.
Thông thường thì tâm tôi đầy sự hoài nghi và mê tín, nhưng cứ mỗi lần tôi đi thăm ngài thì tôi không nghi ngờ gì rằng khi ở trước mặt ngài, tôi đang ở trước sự hiện diện của Yamantaka. Không có một do dự nào rằng Serkong Dorje Rinpoche là Yamantaka, một hiện thể giác ngộ, phương diện phẫn nộ nhất của Đức Manjushri (Văn Thù), vị Phật của trí tuệ. Tôi luôn luôn tin chắc một trăm phần trăm rằng ngài là Yamantaka.
Serkong Dorje Chang hoàn toàn giống như những yogi Ấn Độ cổ xưa như Tilopa và Naropa, các bậc tiền bối của dòng truyền thừa được tiếp nối bởi Marpa và Milarepa, nhưng sống trong thời hiện đại. Thực sự thì có một hôm chính ngài đã nói với một vị sư rằng ngài là hiện thân của Marpa. Đôi khi ngẫu nhiên xảy ra những điều như thế. Vào một ngày tốt lành – tôi không muốn nói về thời tiết – khi đúng thời, Rinpoche sẽ nói một vài điều thú vị. Vào cuối khoá nhập hạ hàng năm của các tu sĩ – yar-ne - là một phần của thực hành vinaya (Luật) truyền thống - các tu sĩ trong tu viện của ngài ưa thích gag-ye, sự xả thất. Vào dịp đó thường có một cuộc dã ngoại, ở đó Rinpoche sẽ kể cho các tu sĩ nhiều câu chuyện thú vị.
Thỉnh thoảng Rinpoche và một vài tu sĩ đi dự các lễ puja (1) tại nhà của những thí chủ ở Kathmandu. Khi buổi lễ chấm dứt họ trở về tu viện trên núi Swayambhunath mà những du khách gọi là “chùa khỉ” vì có rất nhiều khỉ ở đó. Một trong những tu sĩ của ngài xuất thân từ học viện Sera-je của chúng tôi. Ông là một phụ tá umdze, vị phụ tá lãnh đạo các lễ cầu nguyện – thường có một ít tu sĩ khác trợ giúp cho vị lãnh đạo việc hát tụng, ông là một trong những người đó. Vì thế một hôm khi tất cả đang trở về tu viện, Serkong Dorje Chang nói với tu sĩ này: “Thực ra, tôi thực sự là Marpa.”
Serkong Tsenshab Rinpoche, người sống ở Dharamsala và là một trong những guru của Đức Đạt Lai Lạt Ma – ngài đã ban cho Đạt Lai Lạt Ma một luận giảng về tác phẩm Ngọn Đèn trên Con Đường Đi tới Giác ngộ của Atisha cũng như một vài giáo lý khác – cũng là một trong những guru của tôi và tốt lành một cách khác thường đối với tôi. Mặc dù về phần tôi, tôi rất lười và thiếu năng lực, còn Rinpoche thì luôn luôn giảng dạy cho tôi bất kỳ điều gì tôi thỉnh cầu. Ngài luôn luôn chăm sóc tôi, dẫn dắt tôi và thực sự rất tử tế.
Thân phụ của Serkong Tsenshab Rinpoche là Serkong Dorje Chang, người đã sống ở Tây Tạng – là người sau khi trở thành một geshe lharampa đã đạt được những cấp độ tantra cao cấp nhất và đã thực hành với một phối ngẫu trí tuệ. Serkong Tsenshab Rinpoche là con trai ông, và sau này khi Serkong Dorje Chang tái sinh, Serkong Tsenshab Rinpoche trở thành Thầy của Hóa Thân này, Thầy của Hoá Thân của thân phụ ngài. Serkong Dorje Chang cũng nói với vị tu sĩ ở Sera-je rằng Serkong Tsenshab Rinpoche là Tarma Dode, con trai của Marpa, và Lạt ma Hoá Thân khác, Tsechog Ling Rinpoche, là Milarepa. Vì thế, Serkong Dorje Chang nói: “Thực ra, chúng ta giống những vị này.”
Ngài Serkong Tsenshab Rinpoche thường nói: “Ồ, Serkong Dorje Chang – những yogi ngày xưa đó đại loại là như thế.”
Ngài không nhiều lời, không kể lại bất kỳ câu chuyện nào, mà hầu như chỉ mô tả như thế. Có một lần Serkong Dorje Chang đang du hành tới Bodh Gaya – có lẽ đi hành hương hay đi nhận Giáo pháp của Đức Đạt Lai Lạt ma – và những chiếc y tu sĩ của ngài, những chiếc y vàng cần phải có, đã bị bỏ quên trên một chiếc tắc xi tại Patna. Sau đó, khi vị thị giả nói với Rinpoche rằng chúng đã thất lạc, đã bị lấy mất, thì ngài nói: “Ồ, thật là tốt,” có nghĩa là ngài sung sướng vì những kẻ cắp có thể nhận được một vài ích lợi từ những chiếc y đó, và chúng bị đánh cắp thì cũng đáng.
Mặc dù tôi chưa bao giờ nhận được từ Serkong Dorje Chang những sự nhập môn hay truyền khẩu các bản văn từ đầu tới cuối, nhưng tôi coi ngài như một trong những guru của tôi. Về cơ bản thì ngài là như thế. Khi Lạt ma Yeshe và tôi tới Nepal, chúng tôi ở bên ngoài Kathmandu tại tu viện của phái Gelug ở Boudhanath, gần đại tháp quý báu. Nó là tu viện Gelug duy nhất tại Boudha, và vào lúc đó có lẽ là tu viện Tây Tạng duy nhất có các tu sĩ. Chúng tôi ở trên lầu tu viện khoảng một năm. Mỗi năm vào tháng tư Tây Tạng, tại Saka Dawa, các tu sĩ thực hành nyung-na (2). Vào năm chúng tôi ở đó thực hành này được bảo trợ bởi một tín chủ có mối liên hệ với một Lạt Ma khác ở Swayambhunath là Drubtob Rinpoche, chứ không phải Serkong Dorje Chang. Phù hợp với lòng sùng mộ của mình, vị tín chủ muốn Drubtob Rinpoche ban lễ truyền tám giới luật Đại thừa. Nhưng các tu sĩ Gelug không quan tâm nhiều tới vị này. Họ muốn Serkong Dorje Chang bởi Drubtob Rinpoche đã thực hành Bổn Tôn Hayagriva Bí Mật Nhất mà Học viện Sera-je của chúng tôi thực hành và các tu sĩ thì không – họ nghĩ rằng đó là một Bổn Tôn Nyingma hay một vị nào như thế. Hầu như bởi lý do này mà có một vài sự bất đồng.
Các tu sĩ thắng thế và Serkong Dorje Chang được mời tới để ban lễ truyền tám giới luật Đại thừa vào sáng sớm. Rinpoche tới đó mang theo bản văn giới luật. Ngài mở sách ra và nói: “Nếu guru của các bạn bảo các bạn liếm phân còn nóng hổi, hãy cúi xuống đất lập tức và liếm nó!” Rồi với cái lưỡi thè ra và tạo nên âm thanh nhóp nhép, ngài bắt chước một con chó liếm phân. “Đó là cách thực hành Pháp,” ngài nói. Rồi ngài bước ra. Đó là động lực của ngài để nhận những giới luật. Nhưng ngài không thực sự ban chúng – ngài chỉ ban lời khuyên đó rồi ra đi. Nó giống như một trận nổ nguyên tử – một giáo lý hết sức mãnh liệt.
Nó thực sự làm rung động tâm thức. Ngay trên căn bản của giáo huấn đó mà tôi coi ngài như một guru. Đó là tất cả những gì ngài giảng vào buổi sáng hôm đó. Nhưng ngài là người thấu hiểu mọi sự; một yogi vĩ đại, như Serkong Tsenshab Rinpoche đã nói.
Serkong Dorje Chang thường đi nhiễu quanh đại tháp tôn quý tại Swayambhunath, thánh tích chính yếu, nguyên thủy ở Kathmandu.
Đối với những người không biết ngài là ai hay không hiểu những phẩm tính mà ngài hiện thân, ngài xuất hiện như một tu sĩ rất đơn giản. Họ cho rằng ngài không biết gì hết – một tu sĩ đơn sơ, xâu chuỗi trong tay, đi nhiễu quanh tháp. Đó là cách ngài xuất hiện đối với những người bình thường. Ngài có thể xuất hiện giống như ngài không biết gì hết, nhưng thực ra ngài hiểu mọi sự.
Đôi khi ngài đi nhiễu cùng với mọi người và nếu đúng thời, nếu đó là ngày may mắn của họ thì ngài thình lình biến thành một người lạ và nói: “Anh không còn sống lâu nữa đâu,” hay “Anh sắp chết trong vòng một tháng”; “Cách tốt nhất là lễ lạy Ba Mươi Lăm Vị Phật.” Đại loại như thế. Rinpoche sẽ tiên tri và khuyên người ta phải làm những gì. Nhưng nếu không đúng lúc, nếu không phải là ngày may mắn của bạn thì cho dù bạn có hỏi thẳng ngài điều gì đó, ngài sẽ nói: “Ồ, tôi không biết gì hết. Tôi hoàn toàn ngu dốt.”
Lần đầu tiên tôi nghe nói tới Serkong Dorje Chang là khi tôi ở Buxa – những câu chuyện về việc ngài thình lình biến mất và lại xuất hiện ở nơi khác và những thị giả của ngài phải đi tìm ngài; nhiều câu chuyện như thế. Vì thế, ngay khi tới Nepal chúng tôi rất nóng lòng đi tới Swayambhunath để gặp ngài. Ngài đang ở nhà của một tín chủ bởi ngài không có tu viện riêng vào lúc đó và bởi một vài vấn đề chính trị ngài đã bị đuổi khỏi tu viện đang ở. Đó là nhà của một người Nepal và ngài đang ở trên lầu. Khi chúng tôi tới, vị tu sĩ rất đơn sơ này bước xuống những bậc thang và chúng tôi hỏi ông: “Serkong Dorje Chang ở đâu?” Ông bảo chúng tôi chờ và trở vào nhà bằng cửa khác, không phải cửa mà ông vừa đi ra. Sau đó chúng tôi lên lầu tới phòng của Rinpoche, và vị tu sĩ đơn giản mà chúng tôi đã nhìn thấy xuống thang ban nãy đang ngồi trên giường. Đó là Serkong Dorje Chang.
Đệ tử Tây phương đầu tiên của chúng tôi, người đã được thọ giới làm ni cô, Công chúa Zina Rachevsky – xuất thân từ giai cấp quý tộc Nga – cùng sống với chúng tôi vào lúc đó. Serkong Dorje Chang có một chồng lớn các bản văn bên cạnh giường, vì thế cô buột miệng: “Xin đọc cho chúng con điều nào đó trong này.” Thông thường thì bạn không yêu cầu như thế! Thật ra, thường thì khi chúng tôi đưa cô tới gặp những Lạt ma cao cấp, chúng tôi giúp cô chuẩn bị những vấn đề về Pháp mà cô sẽ hỏi. Dù thế nào đi nữa thì đó là điều cô ta đã nói và Serkong Dorje Chang trả lời: “Không, không, không, tôi không biết gì hết, tôi không biết gì hết.” Nhưng sau đó Rinpoche ban một vài giáo lý sâu xa không thể tin nổi. Tôi không thể nhớ chúng là gì! Tôi không thể nhớ được! Nhưng chúng sâu xa thật khó tin; thực sự sâu xa.
Tất cả những gì tôi có thể nhớ là tinh túy của nó: “Nếu guru của bạn ngồi đó trên sàn nhà, bạn phải nghĩ rằng đó là Đức Phật Guru Thích Ca Mâu Ni đang an tọa ở đó.” Tôi không thể nhớ chính xác những ngôn từ, chúng nhiều hơn thế, nhưng đó là tinh túy của lời khuyên của Rinpoche dành cho cô.
Một trong những người hộ trì cho Rinpoche là một người Tây Tạng xứ Amdo. Ông là tín chủ lớn nhất của tu viện. Mỗi năm ông mời Rinpoche và các tu sĩ của ngài tới nhà ông để tụng 100.000 ngàn lần những Lời Tán thán Hai mươi mốt Tara và dù thế nào chăng nữa thì họ cũng ở đó nhiều tuần để thực hiện công việc đó. Serkong Dorje Chang ở đó trong suốt thời gian này.
Vị thí chủ quan trọng này đã xây tất cả những gian phòng của các tu sĩ tại tu viện; một điều thật ý nghĩa. Một hôm ông tới tu viện thăm Rinpoche và Rinpoche nói: “Và ông là ai?” khi giả vờ không biết ông ta. Khi ấy thị giả của Rinpoche giải thích ông ta là ai, nhưng Rinpoche vẫn không lộ bất kỳ dấu hiệu nào là nhận ra được ông ta. Người đàn ông này là một đại thương gia và thường buôn bán các tượng Phật để nuôi gia đình.
Hẳn là ông ta đã làm điều gì đó thực sự tiêu cực ngay trước khi tới thăm Rinpoche, vì thế có lẽ là một biểu hiện của sự che chướng đó, Rinpoche đã lộ ra vẻ không biết ông là ai. Không có cách nào khiến ngài có thể quên ông ta.
Tu viện thường có một cái bình rất lớn để pha chế trà và thực phẩm cho tất cả các tu sĩ. Một hôm nó bị đánh cắp, nhưng khi các tu sĩ nói với Rinpoche về điều đó thì ngài nói: “Hãy mời những kẻ cắp tới đây và tặng cho họ một khatag (khăn choàng) để cảm ơn việc họ đã lấy cái bình đó.” Nhưng tôi không chắc là tu viện có hoàn thành điều đó hay không!
Có lần Bồ Tát Togme Zangpo, tác giả của Ba Mươi Bảy Thực Hành của các Bồ Tát được mời tới một tu viện để ban những giáo lý và dự một lễ puja, và nhận nhiều vật cúng dường. Không lâu sau khi rời tu viện ngài và đoàn người của ngài bị những tên cướp chặn đường, chúng trói họ lại và lấy đi tất cả những vật cúng dường. Tôi không rõ chúng có đánh họ hay không, nhưng chắc chắn là chúng cướp đi mọi thứ. Trước khi bọn cướp bỏ đi, Bồ Tát Togme Zangpo yêu cầu chúng đợi một lát để ngài có thể hồi hướng cho chúng mọi thứ chúng đã lấy. Dĩ nhiên là chúng đã lấy mọi vật chất, nhưng ngài nhất định yêu cầu được cầu nguyện cho sự an lành của chúng. Sau đó ngài khuyên chúng tránh tới gần tu viện khi chúng ra đi, nếu không các tu sĩ nhận ra là chúng đã cướp những vật cúng dường và sẽ đánh đập chúng!