CHƯƠNG IX: LỜI KHAI THỊ BẰNG MIỆNG VỀ THỰC HÀNH
NAMO GURU DEVA DAKINI HUNG
Đại sư Padmakara, người giữ gìn cột trụ đời sống của lời tất cả chư Phật, giúp đỡ dân chúng Tây Tạng đi vào cửa Pháp. Dầu họ thích quy y Tam Bảo, họ không biết làm sao hướng tâm đến thực hành. Khi bất hạnh như là bệnh tật xảy đến, họ nhút nhát cầu viện đến bói toán, bùa phép và chiêm tinh. Bởi thế, Padmakara ban cho họ lời dạy miệng về thực hành. Các hành giả Tây Tạng của thời suy thoái này, hãy ghi nhớ nó trong lòng!
Để làm cho sự thực hành tâm linh của con có ý nghĩa, hãy áp dụng nó bất cứ lúc nào con cần một phương thuốc. Nếu con có một kinh nghiệm kinh khủng, hãy giữ Tam Bảo trong tâm! Trong mọi hoạt động của đời sống hàng ngày đi, đứng, nằm, ngồi, hãy nhớ thầy con ở trên đỉnh đầu! Tách lìa Bồ đề tâm là nguyên nhân hư nát của căn cội Đại thừa, thế nên chớ bao giờ lìa khỏi sự khởi tâm đặt vào giác ngộ.
Cảm thấy keo kiệt khi bố thí gây ra sự tái sanh thành một ngạ quỷ, thế nên chớ lạc vào sự bủn xỉn khi dù cho một vật nhỏ nhất! Để cho khởi lên ham muốn khi giữ lời nguyện trong sạch gây ra sự tái sanh nơi địa ngục thi thể thối rữa, thế nên chớ trau dồi dục vọng xác thịt! Giận dữ khi đang tu hành nhẫn nhục và Bồ đề tâm dẫn đến kinh nghiệm hấp hối bị đốt trong lò nấu bên trong một thùng sắt, nên chớ bao giờ lìa võ khí của nhẫn nhục!
Nếu con lọt vào sự lười biếng khi cố gắng thành tựu giác ngộ không gì sánh, hãy nhớ trong tâm rằng đời con đi mất không một khoảnh khắc chần chờ, thế nên chớ sa vào bẫy biếng nhác! Cuộc đời con trượt xa như đêm tiếp theo ngày: chớ quên điều đó!
Khi theo một thực hành tâm linh có chương trình, quan trọng nhất là hồi hướng công đức của việc tuân thủ các điều luật sáu lần mỗi ngày và đêm. Ngủ như một xác chết thì còn tệ hơn là một con bò. Không tu hành Pháp sau khi có được một thân người thì còn đáng ghê tởm hơn một người cùi lở lói. Không sợ sự chín dần của nghiệp trong khi biết nhận ra hành động tốt và xấu thì cũng giống như một kẻ điên. Hãy biết rằng một sự vi phạm nhỏ có thể chín thành một trái núi khổ đau. Hãy nhớ điều đó trong tâm!
Tối quan trọng là yêu mến dù chỉ một hành động đức hạnh nhỏ nhất như đối với trái tim mình! Lấy đi cuộc đời của người khác thì không khác gì giết cha mẹ hay con cái của con! Cảm thấy ham muốn khi thấy một người đàn bà gây ra sự tái sanh thành một con vi trùng trong tử cung, thế nên hãy áp dụng phương thuốc từ bỏ! Định lấy cái thuộc về người khác mà không được cho làm cho con sanh ra nghèo nàn và thiếu thốn nhiều kiếp. Hãy ý thức đến sự khốn khổ khi dấn thân vào việc nông trại, chăn nuôi và người làm công trong cuộc đời này!
Không phải nản chí khi nghĩ rằng: “Làm sao một người có nghiệp như tôi có thể thực hành Pháp?” Ngay cả Phật Thích Ca cao cả cũng có khi là Nangje, con của một người thợ gốm. Chớ cảm thấy kiêu hãnh tự phụ về vài đức hạnh bề ngoài con đã có. Tất cả chư Phật đều không tự phụ, dầu cho sự biết khắp và các phẩm chất của các vị vượt quá sự đo lường!
Khi gặp bất hạnh, nếu không đặt lòng tin vào Tam Bảo mà lại cầu viện đến các nghi thức bùa chú và nương nhờ vào các hồn linh thế tục, đó là dấu hiệu rằng con đã khởi sanh tà kiến về giáo lý Đại thừa. Chớ lúng túng với lời dạy của đức Phật!
Bất cứ lúc nào con đau khổ vì bất hạnh hay bệnh hoạn, hãy nghĩ: “Điều này đền trả lại món nợ nghiệp từ các đời trước và tịnh hóa nghiệp xấu của ta!” Bất cứ hạnh phúc nào con có, hãy nhìn nó như lòng tốt của Tam Bảo và khởi lên sự ngưỡng vọng mạnh mẽ của lòng biết ơn sùng tín! Khi gặp kẻ thù ghét mình, hãy nghĩ: “Đây là một thiện tri thức giúp đỡ ta trau dồi nhẫn nhục.” Hãy nghĩ: “Người giúp đỡ cho nhẫn nhục này là sứ giả được các bậc Điều Ngự gởi đến.”
Khi các bạn bè và thân thuộc bày tỏ tình cảm thương yêu, họ là những sợi dây trói của sanh tử, Hãy nghĩ rằng: “Các sự trói buộc này là các chướng ngại mà Ma gửi đến để ngăn cản tôi thành tựu giác ngộ không gì sánh!” Cũng nghĩ: “Tất cả chúng sanh của ba cõi là cha mẹ tôi. Đáng thương thay cho cha mẹ đang lang thang trong sanh tử! Nhưng thương hại thì không đủ: với bốn tâm vô lượng và phương tiện khác, tôi phải dẫn dắt họ ra khỏi sanh tử cho đến khi sanh tử bị trống không!” Hãy giữ điều ấy trong tâm!
Không kể sự hưởng thụ và giải trí nào con gặp trong đời này, hãy nghĩ: “Đây là sự quyến rũ của Ma để ngăn chặn tôi đạt đến giác ngộ không gì sánh. Ma này còn đáng sợ hơn cả rắn độc!” Hãy giữ điều ấy trong tâm! Dầu con có thể có những điều kiện tuyệt hảo trong cuộc đời này, chúng đều thoáng qua, vô ích và chốc lát. Hãy nhớ điều đó!
Bất cứ sở đắc gì con có trong thế giới này đều chỉ vụt qua, và sẽ hành hạ con với sự quấy nhiễu hư vọng! Hãy nhớ điều đó! Hãy nỗ lực xa lìa sự hư vọng này. Chắc chắn rằng con phải ra đi, bỏ lại đằng sau quốc gia, các vật đáng ưa và của cải của con! Không có gì ngoài Pháp có thể giúp con lúc đó! Hãy giữ điều này trong tâm! (24)
Bây giờ con phải tìm ra một người bạn đồng hành tốt cho giờ ra đi. Điều này tối quan trọng! Hãy nhớ lấy! Cũng như với sự đồng hành này, cần yếu trong đời này giữ mối liên hệ với bất cứ ai, bất cứ thứ gì trợ giúp con đạt đến giác ngộ. Hãy nhớ điều ấy! Khi con gặp bất hạnh, hãy hiểu rằng nó là người thầy khuyến khích con trên đường đức hạnh và vị thầy ấy tốt làm sao! Hãy giữ điều này trong tâm!
Khi thân thể con gặp bệnh nặng, hãy nghĩ: “Đây là một cây roi để điều khiển tôi tiến lên trên đường giác ngộ. Đây là chỗ nương nhờ dẫn tôi đi trên đường.” Thân thể tạm thời này đến lúc nào đó sẽ bị để lại như một xác chết tầm thường. Không có cách nào tránh điều đó! Khi bám vào hỗn hợp của thịt và máu này như là tự ngã, hãy nghĩ rằng: “Đây là một con ma xấu xa vào trong lòng tôi.” Không lơi lỏng, hãy làm bất cứ điều gì con có thể để trục xuất con ma xấu xa đó. Các kinh nghiệm của cuộc đời này đều không có tự tánh, như mộng như ảo. Hãy giữ điều ấy trong tâm!
Con và tất cả các người khác đều bị mê lầm do không nhận ra cái vốn không có tự tánh. Sự mê lầm này phải được hoàn trả lại tức thời vào pháp tánh. Hãy giữ trong tâm điều ấy! Chớ làm điều gì sẽ đưa con đi lang thang không ngừng nghỉ trong sanh tử và sẽ chồng chất sự khổ đau không thể chịu đựng. Hãy bỏ mọi hoạt động khác và nỗ lực chỉ trong sự thực hành Pháp nó sẽ cho phép con thành tựu giác ngộ không gì sánh. Đây là điều rất quan trọng! Vì đối với sự thực hành Pháp, “đã thực hành” thì chưa đủ. Con phải áp dụng các lời chỉ dạy sâu xa một cách đúng đắn. Hãy nhớ điều ấy!
Khi con thực hành đúng đắn theo đường lối này, dòng sanh tử sẽ chảy ngược lại. Khi dòng này chảy ngược trở lại, dòng của đại lạc sẽ không ngừng. Hãy nhớ điều đó! Những hành giả các thế hệ tương lai sẽ không nghe theo lời chỉ dạy của ta. Họ sẽ đặt niềm tin của họ vào bói toán và bùa chú và sẽ thất vọng! Hãy nhớ điều ấy!
Khi con cẩn thận nghe điều này và đem nó vào trong thực hành, con sẽ chắc chắn tự động nhận được sự ban phước. Khi con hòa trộn lòng từ vào trong tâm con, con sẽ được mọi chúng sanh thương mến. Khi con đem tâm bi vào lòng, mỗi người sẽ yêu quý con như con đẻ. Khi con giữ sự không thiên lệch trong tâm, con sẽ thoát khỏi kẻ thù và thành kiến. Khi con làm đầy tâm con bằng niềm vui thiện cảm, các hoạt động của con sẽ hòa điệu với mọi người.
Khi con vất đi tư tưởng làm hại người khác, con sẽ ít gặp xung đột. Khi con thuần hóa tâm mình và rất quảng đại, nhiều đệ tử sẽ tụ tập chung quanh con. Khi con thanh toán ghen ghét và kiêu ngạo, con sẽ ít bị vu khống. Khi con vất bỏ sự hoạt động không ngừng và hối hả bận rộn, con sẽ có ít lỗi hơn.
Khi tâm con xa lìa thèm khát, thì thực phẩm, thịnh vượng và hưởng thụ sẽ tự động đến với con. Khi con giữ nghiêm giới luật một cách trong sạch trong thân tâm mình, tâm con trở nên mềm dẻo. Khi con không có bất kỳ tham vọng hay ham muốn nào, các tích tập sẽ tự nhiên hoàn thành. Khi con hiểu các đặc điểm của sanh tử, tâm con sẽ lìa xa các theo đuổi thế gian.
Khi tâm con được tham dự vào lời dạy sâu xa về pháp tánh và con áp dụng nó trong thực hành, con sẽ gặp nhiều bất hạnh và trở ngại. (25) Khi con giữ sự liên hệ với một bậc thầy xuất sắc, các đức tính của ngài sẽ tự động ảnh hưởng đến con. Khi sự sùng mộ của con với Tam Bảo không ngừng nghỉ, con sẽ nhanh chóng nhận được những sự ban phước.
Khi con nghiên cứu và tư duy không thành kiến, con sẽ kém phe phái với những giáo lý và những trường phái triết học. Khi con thực hành giai đoạn phát triển và giai đoạn thành tựu sâu xa, con sẽ có các thần lực và ban phước. Khi hình tướng bên ngoài của con phù hợp với các quy ước thế gian, con sẽ ít gặp các lời phê bình.
Khi con buông bỏ sự trụ vào do gắn bó và bám chấp, thân thể và tâm thức con sẽ được thoải mái. Khi con sống trong các chỗ ẩn cư trên núi, kinh nghiệm sẽ hiện lên. Khi con vất đi sự yêu mến bản ngã và sự chấp chặt vào cái ta, con sẽ không bị Ma chướng ngại. Khi tâm con nhìn vào chính nó, pháp tánh sẽ hiện lên từ bên trong.
Khi con thường trực nỗ lực trong thực hành, các đức hạnh vô biên sẽ xuất hiện. Khi con nhận ra bản tánh của tâm, con sẽ được giải thoát một cách tự nhiên khỏi mọi tạo tác và cố gắng. Khi con thấu hiểu sanh tử và Niết Bàn là Pháp thân, con không cần đem cố gắng vào trong sự thực hành thiền định. Khi sự thực hành của con không lạc vào lười biếng, con sẽ không cảm thấy hối tiếc vào lúc chết.
Hỡi các người may mắn phước đức, hãy trộn lẫn tâm mình với Pháp và cái hạnh phúc của Phật tánh sẽ hiện ra bên trong con!
Lại nghe đây! Trừ phi con thuần hóa phiền não, con sẽ có các địch thủ và chống đối, nhưng phiền não và sự thuần hóa đều không có điểm trụ, thế nên hãy để tâm con yên lặng tự do!
Con có thể trợ giúp cho gia đình và bè bạn, nhưng vào lúc chết mọi hành động nào khác ngoài sự thực hành Pháp đều sẽ vô ích. Thế nên hãy thường trực đắm mình trong các thực hành tâm linh trong tư tưởng, lời nói và việc làm!
Con có thể theo đuổi danh tiếng và lợi lạc thế gian, nhưng trừ phi con theo các lời dạy của Phật, các hoạt động thế kia chỉ sẽ là nguyên nhân ném con trở lại sanh tử luân hồi thêm nữa. Thế nên hãy gắn bó với Phật pháp.
Lâu đài của con bằng đất và đá có thể rất đẹp, nhưng trừ phi con ở trong pháo đài của cái bất động, con phải ra đi và bỏ nó lại đằng sau. Thế nên hãy giữ cái pháo đài của cái bất động!
Con có thể góp nhặt sự sung túc và của cải, nhưng chỉ có hai sự tích tập là có thể hưởng thụ sau khi chết. Thế nên hãy góp nhặt hai sự tích tập càng nhiều càng tốt!
Con có thể ăn mọi loại thức ăn ngon lành, nhưng trừ phi con gắn bó với cam lồ của tự tánh, còn tất cả đều trở thành một đống nhơ bẩn. Thế nên hãy uống nước cam lồ của các giáo huấn sâu xa!
Con có thể trân quý thân thể máu thịt này và bám chấp vào nó như là chính con, nhưng vì nó chỉ là sự vay mượn từ các nguyên tố, nên trừ phi con đạt được Pháp thân vô sanh, nó sẽ nhanh chóng vuột mất. Thế nên, hãy trân quý và nắm chắc lấy Pháp thân vô sanh!
Con có thể phối kết với một ngàn bạn tình, nhưng trừ phi con phối kết với phương tiện và trí huệ, con sẽ sớm cách lìa họ. Thế nên hãy phối kết với phương tiện và trí huệ!
Danh tiếng danh vọng của con có thể đầy cả tỷ thế giới, nhưng trừ phi con nhận biết bản tánh bất khả tư nghì của con, thì tất cả các thứ đó chỉ là sự thử thách của Ma quyến rũ con. Thế nên hãy theo đuổi bản tánh bất khả tư nghì ấy!
Con có thể có sức mạnh và quyền uy của một nhà cai trị thế giới, nhưng trừ phi con có được sự thống trị trên chính tâm con, thì khi cái chết đến con còn không có được một chút quyền tự do. Thế nên hãy có được sự thống trị trên tâm mình!
Con có thể có sự can trường của một chiến sĩ mạnh mẽ, nhưng trừ phi con có được sức mạnh thông tuệ của trí huệ phân biện, con sẽ không chuyển được xu thế trong trận chiến với sanh tử. Thế nên hãy có được sức mạnh thông tuệ của trí huệ phân biện!
Con có thể nói năng như Sư Tử của Ngôn Ngữ (Văn Thù), nhưng trừ phi con thấm thía bản tánh bổn nhiên thanh tịnh của tánh Không vang dội, không thì ngôn ngữ kia chẳng thể ngăn chặn được sự chín của nghiệp. Thế nên, hãy thấm thía bản tánh bổn nhiên thanh tịnh của tánh Không vang dội.
Con có thể cỡi con ngựa giống khôn lanh nhất, nhưng trừ phi con khám phá ra đại lạc ở trong con, nó sẽ không đưa con thoát khỏi khổ đau của sanh tử. Thế nên hãy tìm kiếm bản tánh của đại lạc!
Thân thể con có thể tráng lệ như một vị trời, nhưng trừ phi con trang hoàng chính mình với các phẩm tính siêu việt của Phật tánh, nó cũng chẳng quyến rũ nổi thần Chết. Thế nên hãy trang sức chính mình với những đức tính siêu việt của các bậc Điều Ngự.
Trừ phi con tìm kiếm sự che chở từ thầy con và Tam Bảo, không có cái gì có thể cứu con khỏi sự tấn công của phiền não. Thế nên hãy tìm kiếm người che chở từ guru và Tam Bảo!
Trừ phi con thấu hiểu rằng tự tâm con là Phật, còn không con sẽ bị đánh lừa bởi vô số tư tưởng danh tướng. Thế nên hãy thấu hiểu rằng tự tâm con là Phật!
Tóm lại, những sự theo đuổi thế gian chúng không phải là nguyên nhân cho giải thoát hay của toàn giác, mà chỉ là phù phiếm, mất thì giờ, chỉ gây thêm thống khổ trong sanh tử. Thế nên cốt yếu là con hãy nỗ lực, tất cả tâm hồn và trong tư tưởng, lời nói và hành vi, để hoàn thành giác ngộ không gì sánh được!
Hãy nghe thêm một lần nữa! Lý do tại sao người ta không xoay tâm họ khỏi các theo đuổi thế gian là vì họ không hiểu nhân quả và các tính cách của sanh tử luân hồi. Nguyên nhân của sanh tử là không bỏ được sự bám trụ nhị nguyên vào một tự ngã. Bởi vì trong trạng thái giác ngộ của tâm, ta và các chúng sanh khác là một, nên người phân biệt giữa cái ta và cái khác ta là một kẻ điên! Bởi vì mỗi một chúng sanh của ba cõi, lần lượt là cha mẹ thân yêu của con, cho nên người nào thấy người khác là thù hay bạn là điên!
Bởi vì vào lúc này chúng ta phải tách lìa sanh tử và Niết bàn, nên người nào tìm thấy thời giờ để hướng theo các sự theo đuổi thế gian là kẻ điên! Vì cuộc đời này kéo dài chỉ một lúc ngắn, như phòng trọ của một du khách, cho nên người nào bận rộn với sự xây nhà xây cửa là một kẻ điên! Vì thân thể này chứa đầy các chất bất tịnh và không thể chịu nổi sự xúc chạm ngay cả một cây gai, cho nên người nào bám níu vào nó như tự ngã của mình là một kẻ điên!
Bởi vì gia đình và bè bạn đều vô thường và qua đi, người nào hy vọng sống chung vĩnh viễn là điên rồ! Bởi vì con sẽ phải trắng tay khi chết, người nào theo đuổi thực phẩm và sung túc bằng mọi loại hành nghiệp xấu xa là một kẻ điên! Bởi vì các hình tướng bên ngoài biến đổi và chết đi, người nào mong mỏi những hưởng thụ của nó kéo dài vĩnh viễn là điên rồ!
Bởi vì đời con giảm dần như bóng mặt trời lặn, người nào uể oải lười biếng là một kẻ điên! Bởi vì sự thực hành Pháp đem lại hạnh phúc cho đời này và mai sau, người nào quay lưng với nó và dấn thân vào đời sống gia đình là điên rồ! Bởi vì chắc chắn người ta sẽ đọa vào các cõi thấp do mắc phải các hành nghiệp xấu, người nào không sợ sự trổ quả của nghiệp là điên rồ!
Người nào không chịu nổi sự xúc chạm của một đốm lửa vào lúc này mà hy vọng có thể chịu đựng ở các địa ngục nóng, là một kẻ điên rồ! Người nào không chịu nổi một đêm đông lạnh mà hy vọng có thể trải qua các địa ngục lạnh là một kẻ điên rồ! Người nào không chịu nổi chỉ ba ngày nhịn đói và khát mà hy vọng có thể chịu đựng sự khốn khổ của ngạ quỷ là điên rồ! Không thể chịu nổi sự khó nhọc phải mang một món hàng dầu một lúc ngắn, mà người ta hy vọng có thể chịu đựng sự khốn khổ của một con vật chở nặng là điên rồ!
Bởi vì đây là lúc người ta cần những lời khuyên tốt, người nào không nghe ngay một vị thầy đang chỉ dạy là một kẻ điên rồ! Bởi vì đây là lúc người ta có một ít tự do để chọn lựa, người nào tự làm cho mình thành nô lệ của lạc thú giác quan là một kẻ điên rồ! Lơi lỏng thực hành Pháp dầu chỉ một khoảnh khắc, người nào hy vọng hưởng thụ hạnh phúc dồi dào trong các đời sau là một kẻ điên rồ!
Cái chết là tài sản bẩm sinh khi con vừa sanh ra, người nào thấy nhàn rỗi để sửa soạn cho ngày mai và không biết sự kề cận của cái chết là điên rồ! Bây giờ con có sự chọn lựa đi lên hay đi xuống; người nào không dấn mình vào thực hành Pháp đưa đến giải thoát là kẻ điên rồ! Những hạnh nghiệp sanh tử chỉ kết cục trong đau khổ; người nào không từ bỏ sự đau khổ tự tạo này là điên rồ! Bởi vì con lang thang không nghỉ trong sanh tử, người nào cứ duy trì sự tự đánh lừa mình là một kẻ điên rồ!
Khi thời đại băng hoại của kiếp này đã tới, mọi người đều là người tự đánh lừa mình, là cố vấn tồi tệ cho mình, người tạo ra sự ngu si cho mình, nói dối với mình và làm mình thành ngu dại. Buồn thay cho những người ấy, có một hình thức con người nhưng không có tri giác hơn một con bò!
Hãy nghe thêm một lần nữa: Người nào muốn thực hành Pháp từ trong thâm tâm, hãy làm thế này: Tuân theo thầy của con và Tam Bảo với một sự tin tưởng sùng mộ liên tục như dòng nước chảy của một con sông! Chăm sóc cho các đệ tử của con, các người phục vụ và mọi chúng sanh khác với lòng từ bi, thương mến như bà mẹ chăm lo cho đứa con độc nhất của mình!
Hãy có được sức mạnh và khả năng, hãy giải phóng những kẻ thù của Phật pháp: hãy mạnh mẽ như sấm sét! Chớ có biếng lười, mà nỗ lực với các hoạt động đạo đức trong tư tưởng, lời nói, hành vi và cũng mạnh mẽ như một cô gái kiêu căng mà mái tóc bị lửa cháy! Hãy ý thức về tốt và xấu, và với một sự chú tâm tinh tế như bột lúa mì về nhân quả của các hành động gây nghiệp, lánh xa nghiệp xấu như thuốc độc!
Quyết tâm so sánh với công hạnh của tất cả các vị Tổ cao cả và noi gương các bậc Thánh. (26) Lấy các vị guru, bổn tôn, dakini và hộ pháp như là những người làm chứng cho các lời nguyện của con, và tuân thủ những lời nguyện ấy một cách cẩn thận, với thiện ý! Dùng chính con như tiêu chuẩn so sánh của nhẫn nhục và chớ làm tổn hại người khác!
Bất cứ điều gì con làm, chớ bao giờ bắt đầu từ cái có tác ý, ý đồ, mà hãy hướng tư tưởng, lời nói, hành vi về Pháp! Chớ phê bình người khác; mà ngược lại, hãy phơi bày lỗi lầm của con trước thế giới! Hãy giúp đỡ người có lòng tin đi vào Pháp trong bất cứ đường lối nào thích hợp nhờ chỉ dạy ý nghĩa khế cơ hay chân thực.
Mọi loại vô thường, như cái chết hay sự chia ly, là các thông điệp cho con, nên hãy lưu ý! Chớ bận rộn với nhiều hoạt động phóng tâm, mà hãy thư giãn thân tâm của con! Thực hành bằng cách áp dụng các giáo huấn sâu xa vào trạng thái tâm của chính con!
Bất kể thiếu thốn cơ cực thế nào, chớ bị lừa bịp bằng cách tìm kiếm thức ăn và sung túc! Khi tâm con tràn đầy sợ hãi, chớ đối địch với các hồn ma ngăn chướng! Ngay vì một quốc gia, chớ có làm tổn hại chúng sanh khác!
Vì thời gian cái chết là bất định, hãy nắm bắt cho chắc bản tánh của tâm! Hãy tìm kiếm một vị thầy có thẩm quyền, luôn luôn tôn kính ngài trên đỉnh đầu của con, và phát triển sự khao khát đức tin và sùng mộ!
Bởi vì con không biết cái gì là cần thiết trong đời này, hãy nghiên cứu mọi chủ đề của kiến thức! (27) Bất cứ cái học nào con sở đắc, sự kiêu căng sẽ cho con quỷ gây tai họa một chỗ đặt chân, thế nên hãy khiêm hạ!
Luôn luôn duy trì những chỗ ở trong núi hẻo lánh, bởi vì cô tịch là suối nguồn của hạnh phúc! Chớ sống đời sống của một gia chủ xấu xa, vì điều đó gây ra khổ đau cho đời này và các đời sau! Vì đồng bạn ảnh hưởng lên hành vi hàng ngày của con, hãy sống chung với người hòa hợp với Pháp!
Cho đến khi con đạt đến chứng ngộ qua việc tu hành thiền định, chớ có khoác lác hay hành động sơ suất. Vất xa thành kiến và đầu óc phe nhánh, vì chúng là những dây xích của sanh tử! Chớ có đạo đức giả hay ngạo mạn, vì chúng bị những người có trí khinh bỉ và coi thường.
Chớ lưu lại giữa những người bình thường; tính khí xấu sẽ tự nhiên lây nhiễm! Chớ đặt niềm tin vào hiện tượng do duyên sanh; cái gì cũng là hình tướng ảo huyễn! Hãy có được sự xác tín vào tự tâm con; trạng thái giác ngộ thì không ở đâu khác!
Khi con từ bỏ và nắm lấy các đường lối nói ở trên, con sẽ hoằng dương giáo lý của Phật Thích Ca.
Hãy nghe một lần nữa! Nếu con muốn thực hành Pháp từ trong thâm tâm con, hãy đặt sự thực hành Pháp của con trên nền tảng tuân thủ các giới luật vững chắc như đất! Hãy hoàn thiện các thừa của Kinh Giáo trong một cái thấy rộng rãi như không gian! Bằng cách phân biệt các chi tiết rõ ràng như các sắc màu của một cầu vồng, giữ mọi lời dạy trong tâm, rạch ròi và không lẫn lộn!
Hướng dẫn những người có duyên với trình tự đúng đắn của các giáo lý, giống như lột vỏ dần dần một cây chuối! Nuôi dưỡng các đệ tử định mệnh và xứng đáng với các giáo huấn khẩu truyền, từ ái như con chăm sóc các hạt giống.
Hãy nhớ sự hành thiền một cách rõ ràng và sống động như hoa trong mùa thu! Như một người chữa bệnh, lấy các lời dạy từ mọi hướng và áp dụng chúng bất cứ lúc nào cần đến! Hãy điều độ, như khi nêm muối vào thức ăn.
Cắt đứt ngay sự bất hạnh, như một con trâu yak hoang dã hướng thẳng đến điểm cao nhất của thung lũng. Khi con gặp phiền não, hãy từ bỏ chúng như ghét kẻ thù. Khi cái đối trị của chúng là tánh Giác bổn nguyên đã sanh ra trong con, hãy giữ gìn nó trong dòng sống của mình cẩn thận như với đôi mắt!
Khi quét sạch tà kiến và nghi ngờ qua học hỏi và tư duy, hãy phụng sự một vị thầy với sự linh hoạt của một con nai tơ. Liên quan đến việc đời, hãy bướng bỉnh như một con bò mộng già, không cho ai xỏ mũi dắt đi. Khi tu hành bốn tâm vô lượng, hãy cân bằng chúng với sự chịu đựng của một con cừu.
Nếu đến lúc dùng cái học của con qua tranh luận, hãy cắt đứt bằng trí huệ vô ngại như lưỡi kiếm của một chiến sĩ. Khi tìm kiếm nghĩa qua tư duy, hãy thuần hóa hôn trầm và lay động như thuần hóa một con ngựa giống hoang dã. Khi hấp thụ kinh nghiệm vào trong chính con, hãy vất xa mọi sự chạy theo thế gian, giống như một người sang trọng đụng phải bệnh cùi!
Tóm tắt, để nhanh chóng chứng ngộ và hoàn thành giác ngộ vô thượng, cần yếu phải tự quan sát mình trong mọi tình huống và kiểm soát mình theo nhân quả cẩn thận như một cô dâu mới cưới.
Lại nghe đây! Một tâm trạng bình tĩnh và một lối ăn nói dễ thương là cần thiết để khuyến trợ cho sự nảy sanh tâm từ trong con. Sự ham hiểu biết và một tâm linh hoạt cho con dễ dàng cảm được đức tin. Một cảm giác tự trọng và khiêm tốn cho con đức tính kiên trì trong thực hành Pháp.
Gặp bất hạnh và khổ đau cho con đức tính hướng sự quan tâm về Pháp. Chân thật và đáng tin cậy cho con đức tính có thể chịu đựng sự khó khăn. Tính kiên trì và tình thương sâu xa làm phát sanh đức tính thật sự có thể phụng sự cho thầy mình.
Không thích lợi danh cho con đức tính không phe phái trong Phật Pháp. Không quan tâm việc đời cho con đức tính có khả năng lớn hơn để hộ trì chánh pháp. Giữ đúng theo lời nói cho con đức tính hòa hợp được với Pháp.
Cương quyết và bền bỉ cho con đức tính xuất sắc hơn trong khi thực hành Pháp. Giữ một gương mặt tươi cười và thái độ dễ mến cho con đức tính samaya thanh tịnh với các bạn đạo của con. Không trụ trước và tự nhiên suốt các hoạt động hàng ngày cho con đức tính cắt đứt ngay suy nghĩ ý niệm.
Mặt khác, các tính cách này có thể trở thành khuyết điểm nếu người ta bị chúng áp đảo, như thế này: Người ta với một tâm thái bình tĩnh và một lối ăn nói dễ thương có nguy cơ làm mồi cho các lỗi lầm là giả vờ và không chân thật. Người ham hiểu biết với tâm linh hoạt có lỗi là dễ dàng từ bỏ sự thực hành Pháp. Người có cảm giác tự trọng và khiêm tốn có lỗi lầm là không bỏ lại các chuyện thế gian phía sau.
Người kinh nghiệm nhiều khổ đau và bất hạnh có nguy cơ là không tìm ra thời gian rảnh để thực hành Pháp. Người chân thật và đáng tin cậy có nguy cơ là rơi vào lỗi không hiểu được Pháp. Người kiên trì và tình thương sâu đậm đối với các người thân thuộc có lỗi lầm là không cắt được các trói buộc của công việc thế gian.
Người chán lợi danh có thể rơi vào bẫy không áp dụng đối trị trong thực hành Pháp. Người không màng việc đời có thể rơi vào việc không tiến đến cùng cực của việc thực hành Pháp. Người giữ đúng theo lời nói có nguy cơ rơi vào lỗi lầm các lời nói cứng cỏi dẫn đến biện luận và cãi cọ.
Người cương quyết và bền bỉ có nguy cơ khó bỏ được các ý định sai lầm. Người giữ bộ mặt tươi cười và thái độ dễ mến có nguy cơ đạo đức giả và lãng mạn. Người không trụ trước và tự nhiên không nỗ lực trong các hoạt động về Pháp, có nguy cơ là rơi vào lỗi lầm xem thường nghiệp quả.
Tất cả các con muốn đi vào cửa Pháp: nếu con vất bỏ mọi lỗi lầm và nỗ lực có được mọi đức hạnh, con sẽ hoàn thành giác ngộ vô thượng không khó khăn, thế nên hãy giữ điều này trong tâm!
Hãy nghe một lần nữa! Có nhiều người không hòa hợp được với Pháp dầu họ đã vào cửa, bởi thế con phải chắc chắn rằng điều ấy không xảy ra cho con! Con có thể đã thọ giới, nhưng không là một người thực hành Pháp nếu các phương tiện sinh sống và sở hữu cũng giống như một người chủ gia đình. Con có thể bỏ đi các hoạt động thế gian, nhưng con không phải là một hành giả của Pháp nếu con không từ bỏ các chuyện bàn luận nhàn rỗi vô ích.
Con có thể ở nơi ẩn cư, nhưng con không là một hành giả của Pháp nếu các hoạt động của con cũng giống như một người thế tục. Con có thể bỏ quê nhà lại đằng sau, nhưng con không là một hành giả của Pháp nếu con không cắt đứt các mối trói buộc với người thế gian. Con có thể kiên trì trong thực hành, nhưng con không phải là một hành giả của Pháp nếu tâm con không rời khỏi ham muốn.
Con có thể chịu đựng nhiều thứ khó nhọc, nhưng con không là một hành giả của Pháp nếu con không thể mang lấy sự bị tổn thương do người khác đem lại. Con có thể thực hành các giai đoạn phát triển và thành tựu, nhưng con không là một hành giả của Pháp nếu con hy vọng dời bỏ chướng ngại bằng bói toán và bùa phép. Con có thể tu hành cái vô nhị, nhưng con không phải là một hành giả của Pháp nếu con hy vọng vào sự giúp đỡ từ chư thiên và sợ hãi sự làm hại từ ma quỷ.
Con có thể đã vào con đường Đại thừa, nhưng con không là một hành giả của Pháp nếu con không cố gắng làm lợi lạc cho chúng sanh. Con có thể hoạt động cho sự lợi lạc cho chúng sanh nhưng con không là một hành giả của Pháp nếu những mục tiêu sâu xa nhất của con không có Bồ đề tâm bao bọc. Con có thể đã hiểu được cái thấy, nhưng con không là một hành giả của Pháp nếu con không chú ý đến sự chín thành của nghiệp.
Con có thể hiểu chín thừa thứ bậc, nhưng con không là một hành giả của Pháp nếu con không hòa nhập tâm con với Pháp. Con có thể thực hành nhất tâm trong mọi lúc, nhưng con không là một hành giả của Pháp nếu con không hủy diệt được sự trụ vào hình tướng như là có thật. Con có thể có ba sự tu hành (Giới, Định, Huệ), nhưng con không là một hành giả của Pháp nếu con bị phát động bởi lòng kiêu mạn tham lam.
Trong bất cứ hoạt động tâm linh nào con dấn thân, nếu con không bao trùm nó với cái tuyệt hảo có ba phần là sửa soạn, phần chính và kết thúc, con không phải là một hành giả của Pháp. Con có thể tự nhiên trong các sinh hoạt hàng ngày của tư tưởng, lời nói và hành vi, nhưng con không là một hành giả của Pháp nếu con lạc vào các phiền não bình thường. Người nào vất bỏ các thực hành cho sự thành tựu vào ngay bây giờ, và rồi phát nguyẹân cho sự thành tựu trong tương lai không phải là hành giả.
Con không phải là một hành giả nếu con mong mỏi đạt đến quả trong tương lai mà bây giờ không nhận biết khuôn mặt bổn nhiên của tâm con. Con có thể tạo ra các thiện nghiệp, nhưng con không là một hành giả của Pháp nếu con không lìa bỏ tám mối quan tâm thuộc thế gian.
Hỡi các người của tương lai, tám mối quan tâm của thế gian này là các ma quỷ táo bạo sống trong mỗi người, dầu cao hay thấp. Tám cái này là vui mừng khi được khen và không vui khi bị trách mắng; vui mừng khi có tiếng thơm và buồn bã khi có tiếng xấu; vui mừng khi có sự vui thích, buồn bã khi không như ý; và vui mừng trong được và buồn bã trong mất.
Con phải tự xem xét cẩn thận để thấy mọi thiện căn con đã tạo ra trong quá khứ qua tư tưởng, lời nói và hành vi có hay không bị ảnh hưởng của tám thứ này, trong những hành vi hiện tại con có chúng hay không và khi con hoạch định các hành vi trong tương lai có bị chúng len lỏi vào hay không. Cốt yếu là đừng để cho chúng tham dự vào!
Hỡi tất cả những người mai sau nào đã theo Padma, bất kỳ Pháp nào các con dấn thân vào, hãy thực hành một con đường không lỗi lầm để nhanh chóng đạt đến giác ngộ và Phật tánh! Hãy thực hành nghĩa rộng rãi và sâu xa! Hãy thực hành khi có được tất cả các giáo lý của bậc giác ngộ chân thật và viên mãn!
Hãy thực hành khi có được nghĩa của chín thừa thứ lớp, theo cách sự hoàn thiện đi lên, trong tâm của chỉ một người! (28) Hãy thực hành bất cứ mục tiêu hay hành vi nào bằng cách nhận biết rằng không có gì là đã hoàn tất!
Hãy thực hành trong trạng thái trong đó mọi hiện tượng của sanh tử và Niết bàn đều là Nhất Chân Pháp Giới của Pháp Thân! Hãy thực hành đặc biệt phù hợp với các lời dạy này của ta! Hãy thực hành không nghi ngờ hay do dự về quả của giác ngộ!
Đây là lời khuyên bảo bằng miệng về hạnh ban cho tăng chúng Tây Tạng, và bất cứ ai muốn thực hành Phật Pháp. Samaya.
Mong rằng lời này sẽ gặp người xứng đáng có duyên!