Tôi xin thành tâm kính lễ dòng Kagyu quý báu. Dù đã đạt được giác ngộ viên mãn từ vô lượng kiếp các ngài vẫn biểu lộ trong đủ loại thân để giáo hóa những ai cần cứu độ. Chỉ nghe danh các ngài cũng đủ loại trừ những sợ hãi của sanh tử.
Sau khi đảnh lễ Guru của tôi và dòng truyền thừa, tôi sẽ nói ít lời về Đại Ấn, cái Ấn lớn của tánh Không, tinh túy sâu thẳm nhất của Kim Cương thừa, để khuyến khích những đệ tử đang ước mong Giải Thoát. Đây là con đường độc nhất mà tất cả chư Phật đã đi qua và có hơi ấm không suy chuyển của những ban phước từ những lời dạy khẩu truyền bên tai truyền liên tục từ Phật Thích Ca Mâu Ni đến Guru gốc của tôi. Tinh túy của tâm Phật ba thời, đó là phương pháp thành tựu Giác Ngộ, trạng thái hợp nhất của Vajradhara, trong chỉ một đời.
Để nghe hay học Pháp một cách thích hợp, cốt yếu là có động cơ đúng đắn. Nhớ tất cả chúng sanh đã từng là mẹ của bạn trong những đời trước và đã cho bạn lòng tốt lớn lao như thế nào, bạn cần khai triển lòng bi và mong muốn đền ơn họ. Cách duy nhất để có thể thực sự làm điều đó và cởi gỡ sự khổ đau của họ là tự mình phải giác ngộ. Có ước nguyện ban đầu là thành Phật, hay như trong các tantra, thành Vajradhara, để giúp đỡ những người khác gọi là Động cơ Giác Ngộ của Bồ đề tâm. Với sự phát tâm cao nhất này, bạn đọc, học, thực hành những giáo lý này.
Có ba lỗi lầm thí dụ cái đồ chứa mà bạn cần tránh. Thứ nhất, chớ có làm như một cái đồ chứa úp ngược, đó là tâm thức si mê, đến độ giáo pháp không thể thấm vào. Chớ giống như một đồ chứa có lỗ thủng dưới đáy, chẳng giữ lại cái gì bạn đã học. Hơn nữa, khác với một đồ chứa dơ bẩn, bạn cần thoát khỏi những thành kiến, định kiến và những mê lầm nặng nề làm nhiễm ô dòng tâm thức khiến bạn không thể nghĩ đến cái gì khác và hiểu sai mọi cái bạn nghe.
Cũng có sáu nhiễm ô cần loại bỏ. Thứ nhất là kiêu mạn hay kiêu ngạo một cách ngu si; bạn phải nghe một cách khiêm tốn nếu bạn muốn học một cái gì. Nếu bạn không có niềm tin hay quá phê phán, bạn sẽ không thu nhận được gì. Nếu bạn không hứng thú, bạn thiếu động cơ và cần tái xác định nó. Chớ xao lãng bởi những đối tượng giác quan như tiếng ồn hay đám đông, mà chú tâm vào những lời dạy. Tuy nhiên, chớ trầm mình trong một tập trung sâu đến độ bạn không còn chú ý và cảnh giác. Sự tập trung như vậy cần có trong thiền định, nhưng có thể là một chướng ngại cho việc nghe hay học. Cuối cùng, chớ thất vọng, nản lòng nếu chưa hiểu ngay khi mới đọc. Cần có thời gian và sự quen biết.
Hơn nữa, còn có năm loại nắm hiểu không đúng cách. Chớ nắm hiểu chỉ những ngôn từ mà không biết ý nghĩa của chúng hay chỉ nắm lấy ý nghĩa mà không để ý đến ngôn từ. Chớ xem cả hai ngôn từ và ý nghĩa đều không quan trọng. Cũng chớ nắm hiểu giáo lý theo một thứ tự sai lầm hay hiểu sai.
Nếu bạn tự xem mình là một người bệnh, khổ đau vì những mê lầm vọng tưởng, xem vị Guru như là thầy thuốc của bạn và những giáo lý như thuốc, chắc chắn bạn sẽ được lợi lạc.