LỜI CHÚ CỦA TÁC GIẢ - BÀI NGUYỆN ĐẠI ẤN
LỜI CHÚ CỦA TÁC GIẢ
Không gom những trích dẫn kinh điển…, tôi đã giải nghĩa Đại Ấn bằng cách xem điều chính yếu là việc nhận ra bản tánh của tâm, chỉ thẳng vào sự thực hành. Dù bản thân không có kinh nghiệm, tôi, Mipham Cho-wang hay Vajresvara (Karmapa thứ Chín Wangchug Dorje, 1556-1603), đã mượn lời của chư Guru đời trước viết ra bản văn này ở tu viện Zhokawor trong những thời thiền định theo sự yêu cầu khẩn khoản của Samde Lama Rabjam Mawa Samtan Kunga. Nó gồm hai mươi, hai mươi hay hai mươi lăm chủ đề tham thiền.
Công đức này, nguyện tôi và tất cả chúng sanh là cha mẹ nhiều đời của tôi thoát khỏi sự hấp dẫn ám ảnh của hình tướng thế gian và thấy tánh.
Shubham satu sarvajagatam, nguyện toàn thế giới được thanh tịnh.
Bản văn này đã được giải thích với sự bình giảng miệng của Jamyang Khyentse Wangpo Rinpoche thứ Ba, hợp theo những lời dạy của Guru của mình là Đức Karmapa thứ Mười Sáu, Rangjung Rigpai Dorje. Nó được dịch sang tiếng Anh và kết tập bởi Alexander Berzin, và được dạy bằng tiếng Tây Tạng ở Bồ Đề đạo tràng, Ấn Độ, giữa tháng Mười Hai năm 1976 và tháng Giêng 1977.
BÀI NGUYỆN ĐẠI ẤN
Karmapa thứ Ba Rangjung Dorje
Những Lời Dạy của
những Thành tựu giả Tối Thượng
1. Kính lễ Guru! Chư lama và yidam,
chư Phật ba thời mười phương và Phật tử
thương tưởng đến con, ban phước những lời cầu nguyện,
giúp chúng được thành tựu đúng như ý nguyện.
2. Nguyện công đức con lìa dơ nhiễm tam luân
tuôn ra từ ngọn núi tuyết của chính con
và những tâm hạnh trọn sạch của thảy chúng sanh
chảy vào đại dương bốn thân của chư Phật.
3. Dù có lâu dài bao nhiêu để thành tựu
trong mọi kiếp kia sự tiếp nối nhiều đời
nguyện âm thanh “ác”, “khổ” không còn nghe được,
nguyện thường được thọ hưởng biển pháp thiện lạc.
4. Đủ rảnh rang, tín, thiện xảo và trí huệ,
gặp đạo sư, nguyện được giáo huấn khẩu truyền,
không chướng ngại trong việc như pháp tu trì,
nguyện đời đời thực hành pháp tối thượng.
5. Học thánh pháp giải thoát khỏi vô minh chướng.
Suy nghĩ những lời dạy xua tan nghi ám.
Thiền định, phóng ánh sáng soi chiếu tâm địa.
Nguyện ánh sáng của ba bát nhã (trí huệ) tăng trưởng.
6. Nghĩa “nền tảng” là hai đế, lìa có-không.
“Con đường” hai sự tích tập, lìa tăng giảm.
“Quả” vượt khỏi sanh tử Niết Bàn đạt được.
Nguyện gặp pháp không lầm cũng không lạc lối.
7. Gốc tịnh hóa là Tánh (của tâm): Trí-Không hợp nhất.
Yoga kim cương Đại Ấn, thường làm tịnh.
Nguyện những nhiễm ô huyễn hóa vô căn được tịnh,
Pháp thân không vết nhơ rõ ràng hiển lộ.
8. Nơi nền tảng, bỏ thêm thắt: “kiến” bảo đảm.
Hộ trì “kiến” không xao lãng là tham thiền.
Trọn thành thạo trong tham thiền là tối hạnh.
Nguyện kiến, thiền, hạnh xác thực như tánh.
9. Mọi hiện tượng là những xuất hiện của tâm.
Nhưng tâm không có đó, vì tâm vốn không,
không mà không đoạn, không gì chẳng hiển hiện.
Nguyện khéo quán sát, đoạn gốc rễ căn bản.
10. Vốn không, tự hiện mà mê cho là cảnh.
Vô minh, tánh tự giác lầm cho là ngã.
Vì hai chấp, mãi lang thang trong biến hiện.
Nguyện lột bỏ vô minh, nguồn cội mê lầm.
11. Nó là không, chư Phật còn chẳng thấy nó.
Nó không là không, gốc sanh tử Niết bàn.
Đây là trung đạo hợp nhất, không nhị biên.
Nguyện chứng ngộ pháp tánh vô biên của tâm.
12. Không có cái gì để chỉ “nó là có.”
Không có bác bỏ nào để nói “nó không.”
Pháp tánh không do tạo tác, lìa tâm ý.
Nguyện xác chứng được tánh toàn thiện, tối hậu.
13. Không chứng ngộ nó, khuấy lên biển sanh tử;
chứng ngộ nó, không còn giác ngộ đâu khác.
Tất cả là nó, không gì chẳng phải nó.
Nguyện khám phá pháp tánh bao la, thâm mật.
14. Hình tướng là tâm, tánh Không cũng là tâm,
chứng ngộ là tâm, mê lầm cũng là tâm,
khởi là tâm, diệt ấy cũng là tâm,
Nguyện sạch mọi thêu dệt, tăng giảm trong tâm.
15. Không mờ bởi thiền định chủ tâm, tạo tác,
cũng lìa nhiễu loạn của thế gian trói buộc
thường an trụ trong cái tự nhiên không tạo,
nguyện khéo hộ trì điểm cốt lõi của tâm.
16. Các sóng niệm thô tế lặng trên chính chúng
và dòng phẳng lặng của tâm nhẹ nhàng ngừng.
cũng lìa cấu nhiễm của hôn trầm trạo cử.
Nguyện đại dương thiền định thường trụ bất động.
17. Nhìn thẳng mãi vào cái tâm không thể quán,
thấy rõ nghĩa chân thật, đúng như chính nó.
Với sự cắt đứt mọi nghi ngờ có-không,
Nguyện tinh túy bản lai tự thân hiển lộ.
18. Khi nhìn cảnh, thấy tâm không thấy cảnh.
Khi nhìn tâm, tâm không bản tánh không.
Nhìn cả hai, ngã-pháp liền tự giải thoát.
Nguyện chứng ngộ quang minh, nền tảng của tâm.
19. Thoát khỏi do tâm tạo, đây là Đại Ấn;
thoát khỏi cực biên, đó là Đại Trung Đạo;
nó gồm chứa tất cả, cũng là Đại Toàn Thiện.
Biết cái một, nguyện chứng nghĩa của tất cả.
20. Đại lạc do không bám luyến thường tương tục.
Quang minh do không bám tướng thường vô ngại.
Vô niệm vượt khỏi trí thức thường tự nhiên.
Nguyện kinh nghiệm không tìm xảy ra không dứt.
21. Bám luyến kinh nghiệm tự giải thoát ngay khi khởi.
Vọng niệm tự tịnh hóa trong cõi tự nhiên.
Bình thường tâm vốn không nắm bỏ, được mất
Nguyện chứng pháp tánh lìa tạo dựng, hý luận.
22. Bản tánh của chúng sanh vốn hằng giác ngộ,
bởi không rõ, lang thang sanh tử không ngừng.
Nguyện lòng bi mãnh liệt khởi lên trong con
cho thảy chúng sanh, khổ đau không bờ bến.
23. Trong tình thương, năng lực Đại Bi vô ngại
Tánh Không vô biên sáng soi không một vật.
Nguyện không hề lìa con đường chân hợp nhất
Và thực hành nó mọi thời, ngày và đêm.
24. Với nhãn và những thông khởi từ thiền định,
thành thục chúng sanh, thanh tịnh những cõi Phật.
Viên mãn những đại nguyện, những pháp của Phật.
Nguyện thành thục, thanh tịnh, viên mãn, giác ngộ.
25. Qua lòng bi chư Phật, Phật tử mười phương
và năng lực tất cả công đức vô nhiễm,
Nguyện thanh tịnh rốt ráo mình người, pháp giới.
Nguyện tất cả thành tựu tự nhiên như Pháp.