Giáo Lý Khẩu Truyền Về Tám Đoạn Kệ Luyện Tâm
Các đoạn kệ do Geshe Langri Tangpa soạn
Khenpo Sodargye Rinpoche bình giảng
(Phần 1) Đoạn kệ 1: Luôn luôn xem người khác là thân thương và quý báu
Bằng cách nghĩ về tất cả hữu tình chúng sinh Quý báu hơn cả viên ngọc như ý Để đạt được mục đích cao nhất Nguyện con luôn xem họ là thân thương, Và nỗ lực vì lợi lạc của họ.Mỗi hành giả Pháp chân chính cần luôn luôn giữ ước nguyện chẳng hạn: ‘Tôi sẽ nghĩ về mọi hữu tình chúng sinh trong tam giới’ hay ‘về vô số hữu tình chúng sinh đang trôi lăn trong luân hồi, còn quý báu hơn cả viên ngọc như ý. Vì lý do này, tôi quyết tâm nỗ lực vì lợi lạc rốt ráo và an lạc của mọi hữu tình chúng sinh, người mà tôi sẽ luôn xem là thân thương và quý báu. Tôi sẽ hân hạnh làm điều này’.
Viên ngọc như ý chỉ có thể trao tặng cho chúng ta những lợi lạc tạm thời, chẳng hạn kho tàng của cải và tiền bạc. Nó không có sức mạnh trao cho chúng ta lợi lạc lớn nhất, đó là Niết bàn rốt ráo. Vì điều này, chúng ta có thể hướng về vô lượng hữu tình chúng sinh, những vị mà tự thân tạo thành cánh đồng công đức thù thắng. Nếu chúng ta gieo hạt giống Bồ đề trên cánh đồng màu mỡ này, nó sẽ cho chúng ta vụ mùa của hạnh phúc thế gian tạm thời trong ngắn hạn, cũng như hạnh phúc rốt ráo, siêu việt, sau cùng.
Ví dụ, về bố thí ba la mật, một trong sáu ba la mật: nếu không có hữu tình chúng sinh, sẽ chẳng có đối tượng cho sự hành trì bố thí, nghĩa là chẳng có cách nào để chúng ta tiến hành hành động bố thí. Về trì giới ba la mật, bởi những cảm xúc phiền não khởi lên bởi hữu tình chúng sinh, sẽ chẳng có cách nào để trì giới được thực hiện để chống lại các cảm xúc phiền não nếu không có con người nào liên quan. Hơn thế nữa, trong trường hợp của nhẫn nhục ba la mật, như Bồ Tát Tịch Thiên từng nói: “Nhẫn nhục ba la mật không đến khi không có nguy hại”. Nếu không có hữu tình chúng sinh cảm thấy thù ghét, sẽ chẳng có nhẫn nhục siêu việt nào có thể được thực hành, cũng chẳng thể có công đức của nhẫn nhục siêu việt. Danh sách vẫn tiếp tục; các ba la mật của sự tinh tấn, thiền định và trí tuệ chỉ có thể được viên thành nhờ nương tựa hữu tình chúng sinh. Nếu không có hữu tình chúng sinh, chẳng thể hoàn thiện sáu ba la mật và mười nghìn hoạt động của một Bồ Tát, và vì thế đạt được Phật quả vô song sẽ chỉ là giấc mơ xa vời không thể chạm đến. Vì thế, chúng ta cần nỗ lực để hoàn thành cả mong ước tạm thời và rốt ráo của hữu tình chúng sinh thông qua các thực hành tâm linh, thứ bao gồm việc giữ tâm yêu thương và quan tâm với hữu tình chúng sinh, trong từng phút, từng giây của đời sống hàng ngày. Các hành giả với những phẩm tính như vậy có thể được xem là sở hữu tâm từ và bi thực sự; tâm như vậy là sự hiển bày đích thực của tinh thần Bồ Tát thừa, được biết đến là Bồ đề tâm.
Chư đạo sư Kadampa vĩ đại trong quá khứ, như Đức Geshe Langri Tangpa [1], có sự trì giới cao quý và tính cách thiện lành. Đây là những điều mà hành giả Đại thừa ngày nay cần nỗ lực học hỏi. Nếu không, mong ước trở thành một vị Bồ Tát hay một vị Phật, sẽ chỉ là từ ngữ trống rỗng. Thật đáng tiếc khi trong xã hội ngày nay, phần lớn mọi người, bất kể họ là Phật tử hay không, thiếu đi tính cách cao quý, chứ đừng nói đến Bồ đề tâm Đại thừa!
Thậm chí trong số những hành giả Phật giáo tận tụy, có những vị bày tỏ thái độ cực kỳ sai lầm với hữu tình chúng sinh. Một mặt, trong khi họ có thể thường đối xử với hữu tình chúng sinh bằng sự sân hận và thù ghét, hay thậm chí hành xử như thể hữu tình chúng sinh là kẻ thù của họ, trong khi mặt khác, họ có thể nuôi dưỡng trong tâm sự kính trọng và tôn kính chư Phật và Bồ Tát. Bồ Tát Tịch Thiên, trong bộ luận
Nhập Bồ Tát Hạnh (Bodhicaryavatara) nghi ngờ hành vi này bằng cách hỏi rằng, “Kiểu thực hành nào mà chỉ tôn kính chư Phật, chứ không phải hữu tình chúng sinh?”. Các chỉ dẫn như – “Con chỉ nên kính trọng chư Phật và Bồ Tát, chứ không phải hữu tình chúng sinh” – không bao giờ có thể được tìm thấy trong bất cứ giáo lý Phật Đà nào. Bồ Tát Tịch Thiên chỉ trích hành vi sai lầm này bằng cách đưa ra câu hỏi tu từ như vậy.
Nếu người ta không thể xoay sở để làm một hành động lớn lao như “hoàn thành những mong ước của hữu tình chúng sinh và luôn xem họ là thân thương và quý báu” – dù họ có thể mong cầu Giáo Pháp khắp nơi, thực hành của họ chắc chắn sẽ chẳng được đáp lại bằng sự thành công. Có một câu chuyện để minh họa điều này trong Kinh điển:
Ngày xưa, có một người cha và con trai sở hữu viên ngọc như ý. Ngày nọ, khi họ đang đi du hành, người cha mệt và muốn nghỉ một chút. Trước khi nằm xuống, ông ấy nói với con trai rằng: “Hãy để ý đến viên ngọc như ý, và trong lúc bố nghỉ, chắc chắn đừng đưa nó cho ai”. Chẳng mấy chốc, người cha nhắm mắt và thiếp đi. Không lâu sau, một nhóm trộm cướp xuất hiện. Thấy người con cầm viên ngọc như ý, họ yêu cầu cậu bé đưa nó. Đứa bé đáp: “Tôi không thể trao nó bởi trước khi đi ngủ, bố tôi đã bảo không được trao nó cho ai khác”. Một trong những tên trộm lục tìm trong túi và lấy ra một gói kẹo và lấy một cái kẹo ngọt cho cậu bé. “Viên đá sáng mà cháu đang cầm là vô ích, nhưng đống kẹo này rất ngon và cháu có thể ăn ngay bây giờ. Nào, hãy trao đổi”. Đứa bé háo hức nhìn vào túi kẹo trong tay tên trộm và chỉ chần chừ một chút, đã trao viên ngọc như ý để đổi lấy túi kẹo. Khi người cha tỉnh lại và biết rằng con trai đã đổi tất cả những tài sản diệu kỳ của viên ngọc như ý để lấy túi kẹo bình thường, ông rất đau buồn và thất vọng.
Thực hành Pháp cũng giống như vậy: khi bạn từ bỏ nguyên tắc quan trọng của nó, dù cho bạn nhận được vài sự an lành nhỏ bé, bạn sẽ chẳng bao giờ nhận ra những lợi lạc lớn lao nhất. Ví dụ, nếu bạn đánh giá một hữu tình chúng sinh là thấp kém và người khác là không hấp dẫn, nếu bạn cảm thấy sân hận hay thù ghét với họ, bạn đã từ bỏ Bồ đề tâm và thứ được gọi là sự hành trì của bạn sẽ mang lại rất ít, nếu không muốn nói là không có, công đức thực sự.
Khi chúng ta đọc tiểu sử của chư đạo sư tâm linh vĩ đại ở Ấn Độ, Tây Tạng hay Trung Hoa, trong quá khứ hay hiện tại, chúng ta thấy rằng tâm trí và hành vi của chư vị, không ngoại lệ, rõ ràng hiển bày lòng đại bi luôn chăm sóc mọi hữu tình chúng sinh và mong muốn hoàn thành ước nguyện của họ. Bởi vậy, ở đây chúng ta có thể thấy rằng đoạn kệ này nói về chỉ dẫn cốt tủy rốt ráo và thù thắng nhất trong thực hành Đại thừa, về việc làm lợi lạc hữu tình chúng sinh.
Đoạn kệ 2: Xem bản thân là thấp kém nhất trong tất cả
Bất cứ khi nào con tiếp xúc với người khác, Nguyện cầu con xem bản thân là thấp kém nhất trong tất cả, Và từ sâu thẳm trái tim, Nguyện con nghĩ về việc làm lợi lạc tha nhân, Và kính trọng họ là tối thượng. [Đoạn kệ nghĩa là:] Dù con ở đâu và tiếp xúc với ai, con sẽ xem bản thân là thấp kém nhất trong tất cả và luôn khiêm nhường trước họ. Từ sâu thẳm trái tim, con sẽ liên tục suy nghĩ về việc làm lợi lạc tha nhân. Nhờ liên tục xem tha nhân là cao hơn và đối xử với họ bằng sự kính trọng và tôn kính, con sẽ điều phục sự kiêu mạn và cao ngạo của bản thân và giữ họ cao hơn mình.
Trong
Bình Giảng Về Năm Mươi Đoạn Kệ Về Sùng Mộ Đạo Sư của Tổ Je Tsongkhapa, có một dòng trong đoạn kệ đỉnh lễ nói rằng, “Liên tục ở trên tất cả, nhưng cũng là đầy tớ của hữu tình chúng sinh”. Điều này nghĩa là một lời tán thán Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Mặc dù Ngài là thầy của tất cả chư Phật và là tối thắng trong tất cả hữu tình chúng sinh, Bồ Tát Văn Thù vẫn phụng sự tất cả chúng sinh như là đầy tớ. Và đây cũng là hành động của tất cả chư Phật, Bồ Tát và chư đạo sư tâm linh vĩ đại, người mà, mặc dù sở hữu công đức và thiện hạnh xuất thế gian, vẫn phụng sự thế giới như là kẻ tôi tớ. Giống như Đấng Toàn Tri Drime Ozer (Đức Longchenpa) nói trong bộ luận của Ngài với tựa đề
An Trú Trong Chân Tính Về Đại Viên Mãn, “Sự giác ngộ của bậc thầy vượt xa chúng sinh bình phàm. Dù vậy, Ngài vẫn phụng sự thế gian và tiến hành các hoạt động từ ái vì lợi lạc của hữu tình chúng sinh. Là hành giả Pháp, chúng ta cần noi theo tấm gương tuyệt vời này”.
Đoạn kệ này chủ yếu dạy rằng chúng ta cần quán sát bản tính tâm và chắc chắn rằng nó sẽ không làm khởi lên những cảm xúc của sự cao ngạo hay kiêu mạn với bất cứ hữu tình chúng sinh nào. Tây Tạng có một ngạn ngữ như sau: “Đỉnh núi kiêu ngạo không thể giữ được dòng suối công đức”. Vì thế, mọi người, dù họ vốn đã có đầy đủ công đức thù thắng, phải thoát khỏi sự ngạo mạn hay kiêu ngạo, và liên tục giữ trong tâm thức mong ước kính trọng và làm lợi tha nhân. Chỉ khi chúng ta nghĩ về việc làm lợi lạc tha nhân một cách nhất tâm, chúng ta mới có thể xem hữu tình chúng sinh là viên ngọc như ý và kính trọng họ là vô cùng quý báu, theo cách mà chúng ta làm với chư Phật, Bồ Tát và chư đạo sư từ ái vô biên. Ví dụ, đại nguyện của Bồ Tát Địa Tạng là: “Nếu địa ngục chưa hết chúng sinh khổ đau, con nguyện chưa đạt Phật quả; và hơn thế, chỉ khi hữu tình chúng sinh cuối cùng được biến chuyển và cứu giúp, con mới thành tựu quả Bồ đề”. Nếu Bồ Tát Địa Tạng không thấy hữu tình chúng sinh là tối thắng và cao quý hơn chính Ngài, Ngài sẽ không bao giờ có thể phát khởi đại nguyện như vậy. Nếu Ngài đặt bản thân cao hơn người khác và hành xử như một hoàng đế, làm sao Ngài có thể chứng ngộ sự thành tựu viên mãn của đại nguyện sâu sắc như vậy? Trong hành động hàng ngày của chúng ta và trong sự tương tác qua lại với người khác, một mặt, chúng ta cần phát khởi Bồ đề tâm vĩ đại với hữu tình chúng sinh và mặt khác, thấy bản thân là thấp kém nhất trong tất cả, và thực sự suy nghĩ về việc làm lợi lạc tha nhân từ sâu thẳm trái tim. Đức Atisha, trong suốt cuộc đời, ban ba chỉ dẫn cốt tủy vĩ đại. Đầu tiên, quán sát tâm thức liên tục; thứ hai, điều phục tâm thức bằng sự chú tâm và cảnh giác; thứ ba, bằng cách liên tục làm vậy, phát khởi Bồ đề tâm trong dòng tâm thức.
Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo của Thogme Rinpoche nói rằng:
“Nói ngắn gọn, bất cứ điều gì con đang làm, Hãy tự hỏi bản thân, ‘Trạng thái của tâm thức là gì?’ Với sự tỉnh thức và cảnh giác liên tục, Thành tựu lợi ích tha nhân. Đó là thực hành của một vị Bồ Tát”. Từ điều này, chúng ta có thể thấy rằng, ý định của Đức Atisha và Thogme Rinpoche hoàn toàn giống nhau.
Đoạn kệ 3: Đẩy lùi phiền não ngay khi chúng khởi lên
Trong mọi hành động của con, Nguyện con kiểm soát tâm thức, Và ngay khi những phiền não tinh thần và cảm xúc khởi lên Bởi chúng đe dọa con và người khác Nguyện con dũng mãnh đối mặt và đẩy lùi chúng. [Đoạn kệ này nghĩa là:] Trong mỗi hành động, lời nói và hành vi trong đời sống hàng ngày, con sẽ quán sát tâm mình và ngay khi những phiền não tinh thần và cảm xúc khởi lên, bởi chúng gây hại cho chính con và người khác, con sẽ tìm ra và chống lại chúng một cách nhanh chóng và vững chắc đẩy lùi chúng không chậm trễ.
Trong cõi Ta Bà này, mỗi hữu tình chúng sinh đều có những phiền não về tinh thần và cảm xúc, nhưng về nguyên nhân gốc rễ của những phiền não hay lỗi lầm này, cả Phật giáo Kinh thừa và Mật thừa đều có những giảng giải tương ứng. Trong giáo lý Kinh thừa, gốc rễ của khổ não hay phiền não cảm xúc, là những yếu tố tinh thần không tốt và vô minh. Trong giáo lý Mật thừa, các điều kiện phụ thuộc của tâm, làm khởi lên bám víu nhị nguyên, là những cơn gió nghiệp vi tế hay tinh dịch, máu và năng lượng khí vi tế, từ đó các thói quen tập khí của sự chuyển di “ba hình tướng” dựa trên. Kết quả là, truyền thống Kinh thừa và Mật thừa có những cách thức khác nhau trong việc đối phó với phiền não tinh thần và cảm xúc: con đường Kinh thừa biến các nguyên nhân thành thực hành Pháp và con đường Mật thừa đưa những kết quả thành con đường. Bây giờ, tôi sẽ không đi vào chi tiết của sự khác biệt này.
Đức Aitsha kế thừa những ý định của Bồ Tát Vô Trước và Đức Jetsun Langri Tangpa mang phong cách của Tổ Atisha. Tổ Atisha thường chỉ ra rằng: “Nếu một người mong cầu Giáo Pháp nhưng không áp dụng nó trong việc đối trị lại những phiền não cảm xúc hay khổ não, thực hành của anh ta sẽ vô ích”. Nếu mục đích nghiên cứu Giáo Pháp và thực hành tâm linh không hướng về việc tiêu trừ các phiền não tinh thần và cảm xúc, thì phương pháp đối trị nào mà chúng ta sẽ dùng để tiêu trừ chúng?”. Ở đây, chỉ dẫn cốt tủy của Geshe Langri Tangpa là quán sát và kiểm tra tâm trong mọi kiểu hoạt động, chẳng hạn ngồi, đứng, nằm hay đi, để xem liệu nó có trong trạng thái tích cực, tiêu cực hay trung lập. Nếu nó ở trong trạng thái tiêu cực, điều gì trong năm khổ não độc hại mà nó làm khởi lên? Nó có đến và đi nào hay không? Nó có hình dạng, màu sắc hay bản tính cố hữu không? Bằng cách lặp lại nhiều lần và cẩn thận quán sát dòng tâm thức theo cách như vậy, một người thông minh sẽ có thể đối mặt với các phiền não tinh thần và cảm xúc bằng sự tỉnh thức và cảnh giác. Khi các cảm xúc tiêu cực hay tư tưởng xấu khởi lên, anh ta sẽ từ bỏ chúng ngay lập tức và sám hối với sự ăn năn sâu sắc. Nhưng người thiếu trí tuệ làm ngược lại: anh ta không thể biết điều gì tốt hay điều gì xấu và thậm chí còn nhầm lẫn giữa cả hai; kết quả là, anh ta không thể tự mình sửa chữa các phiền não tinh thần.
Các phiền não tinh thần và cảm xúc của chúng ta khởi lên trong tâm. Tuy nhiên, nếu tâm không khởi lên những phiền não này, dù cho chúng ta gặp phải nghịch cảnh, chẳng hạn bệnh tật hay sự tàn tật vật lý, chúng ta sẽ không thể bị nguy hiểm. Y khoa và sinh lý học hiện đại cũng tin rằng khổ đau và hạnh phúc được quyết định chủ yếu bởi trạng thái tinh thần. Khi người ta hạnh phúc, thậm chí nhận thức về đau đớn vật lý cũng suy giảm. Mặt khác, nếu người ta chìm trong khổ đau tinh thần, cảm giác đau đớn vật lý được trải nghiệm còn mạnh mẽ hơn.
Người ta tin rằng, trong Phật Pháp, khổ não là sự hiển bày của các thói quen tập khí trong tâm và có thể được tiêu trừ hoàn toàn nhờ những phương pháp nhất định. Ví dụ, trong tứ chúng học trò người Hoa, một số có tính cách bướng bỉnh, với những phiền não tinh thần và cảm xúc mạnh mẽ, lúc họ mới đến Phật học viện. Sau một khoảng thời gian nhất định, nhờ lắng nghe Giáo Pháp, quán chiếu và thiền định, họ trở nên chân thành hơn, có tính cách tốt hơn và trí tuệ tăng trưởng dần dần. Cùng với đó, phiền não tinh thần và cảm xúc của họ suy giảm. Tuy nhiên, khi họ ít chú ý hơn đến phương pháp đối trị, phiền não trước kia và các tập khí dần dần xuất hiện trở lại. Nếu họ có thể giữ sự hành trì với sự tinh tấn và bền bỉ, theo thời gian, tâm họ dần dần được điều phục và các cảm xúc phiền não mạnh mẽ được đưa vào con đường. Đây là điều gì đó được trải nghiệm bởi mỗi hành giả trong quá trình thực hành tâm linh.
Ở đây, “khi phiền não tinh thần và cảm xúc khởi lên” nghĩa là, ngay khi một cảm xúc gây rối, chẳng hạn sân hận, khởi lên trong tâm, chúng ta phải dập tắt nó ngay lập tức và đẩy lùi nó không chậm trễ. Như
Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo có nhắc đến:
“Cảm xúc phiền não thói quen rất khó để ngăn cản nhờ hành động-chống lại. Được trang bị các phương pháp đối trị, những vị bảo vệ của sự tỉnh thức và cảnh giác, Phá hủy các cảm xúc phiền não, chẳng hạn tham, ngay khi chúng khởi lên. Đó là thực hành của một vị Bồ Tát”. Nếu các cảm xúc phiền não không bị cắt đứt ngay khi chúng khởi lên, chúng sẽ làm hại chúng ta và người khác. Ví dụ, khi chúng ta gặp kẻ thù, ngay từ đầu, chúng ta cần quán chiếu rằng, người này, giống như mọi hữu tình chúng sinh, có Phật tính; vì thế, anh hay cô ta cần được đối xử ngang bằng. Nếu chúng ta không khởi lên ý nghĩ hay sự quán tưởng này, ngay từ đầu, trước khi chúng ta bắt đầu cãi cọ và đạt đến đỉnh cao của sự sân hận, chúng ta sẽ không thể chống lại với các cảm xúc phiền não nhờ sự tỉnh thức và cảnh giác. Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche cũng nói rằng: “Nếu một cảm xúc làm phiền nhiễu không được chống lại ngay khi nó khởi lên, khi nó đã phát triển đến một mức độ, sẽ thật khó khăn để điều phục”. Mặc dù trong Đại Viên Mãn (Dzogchen) vô song có nhắc rằng: “Hãy mang những phiền não vào con đường, bản tính cố hữu của phiền não là Bồ đề và tất cả (hiện tượng) là thanh tịnh và bình đẳng”, là con người, nhận thức của chúng ta bị nhiễm ô. Điều duy nhất chúng ta có thể làm, có lẽ, là phát khởi một nguyện ước trong tim, và cầu nguyện rằng chúng ta sẽ đạt được trạng thái tâm linh trong đó, phiền não được đưa vào con đường và mọi hiện tượng trở nên thanh tịnh và bình đẳng, càng nhanh càng tốt. Cùng lúc, trong hành động, chúng ta cần hành xử dựa trên quan điểm Kinh thừa của giai đoạn nguyên nhân, phá hủy năm độc, tức tham, sân, si, kiêu mạn và đố kỵ. Nếu không, chỉ một khoảnh khắc sân hận cũng đủ để phá hủy công đức mà chúng ta đã tích lũy và gây hại cho cả bản thân và người khác; một khoảnh khắc của sự tham luyến mạnh mẽ cũng đủ để phá hỏng sự trì giới của chúng ta, cũng như của người khác.
Vì thế, chúng ta cần xem xét tâm mình, lúc này sang lúc khác, và thường xuyên đẩy lùi những tư tưởng xấu ác của bản thân. Trước đây, bất cứ khi nào chư đạo sư Kadampa vĩ đại khởi lên ý niệm xấu, chư vị sẽ ngừng ăn và uống, và quở trách bản thân hay thậm chí đánh đập chính mình, để điều phục phiền não tinh thần. Chỉ dẫn cốt tủy này nghe có vẻ dễ dàng, nhưng nó cực kỳ sâu xa. Mỗi hành giả Đại thừa cần nương tựa vào chỉ dẫn cốt tủy này và liên tục thực hành điều này một cách tinh tấn sử dụng ba cánh cửa của thân, khẩu và ý.
Ở đây, điều cần đặc biệt nhấn mạnh là chúng ta cần chú ý đến và kiểm tra lời nói của chính mình và từ bỏ việc nói lỗi lầm của người khác.
Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo nói rằng:
“Bởi ảnh hưởng của các cảm xúc phiền não, Nếu con chỉ ra lỗi lầm của một vị Bồ Tát khác, Chính con sẽ bị suy giảm, Vì thế đừng nhắc đến những lỗi lầm của các vị đã bước vào Đại thừa. Đó là thực hành của một vị Bồ Tát”. Nếu chúng ta nói về lỗi lầm của người khác, chúng ta đã phạm giới của Bồ Tát. Phần lớn mọi người ở đây đã thọ giới Bồ Tát và là hành giả đã phát khởi Bồ đề tâm Đại thừa, vì thế, có thể bất cứ điều gì mà họ làm và cách mà họ hành xử, đang phù hợp với phương tiện thiện xảo của chư Bồ Tát nhằm giúp đỡ hữu tình chúng sinh. Bởi vậy, chúng ta không nên nhận xét một cách cẩu thả, cũng không nên nhắc đến lỗi lầm của người khác. Đấng Chiến Thắng (Đức Phật) tuyên bố rõ ràng rằng: “Rất ít người có thể hiểu được thiên hướng và căn cơ của hữu tình chúng sinh, ngoài chư Phật”. Nếu chúng ta là Phật, chúng ta có thể chỉ ra lỗi lầm của người khác một cách trực tiếp, nhưng mọi người, xin hãy tự hỏi, “Tôi đã đạt Phật quả chưa?”.
Có lẽ, ai đó sẽ hỏi rằng: “Thưa Khenpo, Ngài yêu cầu chúng con không nhắc đến lỗi lầm của người khác, nhưng tại sao trong lớp, ngài nhắc đến lỗi của chúng con mỗi ngày?”. Câu trả lời là nó được phép trong những hoàn cảnh riêng biệt. Trong quá khứ, khi vị thầy gốc của Khenpo Menser và là đệ tử đời thứ hai của Patrul Rinpoche – Khenpo Achung đang thuyết Pháp, Ngài đánh học trò bằng một tập kinh hay một chiếc cốc bất cứ khi nào phát hiện ra lỗi của học trò và thường đánh học trò đến khi chảy máu. Hành vi này là được phép với các vị Kim Cương Sư. Tuy nhiên, một mặt, mỗi ngày mà tôi đề cập đến lỗi lầm của các bạn, tôi rất lo rằng các bạn sẽ đau khổ vì cảm xúc phiền não khi nghe điều này, vì thế tôi nói càng ít càng tốt hoặc cố gắng nhắc nhở theo những cách tương đối ôn hòa. Tuy nhiên, mặt khác tôi sợ rằng các bạn sẽ không nhận ra lỗi lầm của bản thân và vì thế, tôi cảm thấy mình cần phải nói về chúng. Điều này khác với việc đơn giản chỉ ra lỗi lầm của người khác. Trong hơn một thập niên vừa qua, tôi chưa bao giờ gây xung đột giữa thầy và trò bởi đề cập đến lỗi lầm của người khác trong lớp. Trái lại, nhiều người có thể thấy rõ ràng hơn lỗi lầm của họ và chấm dứt những lỗi lầm này trong dòng tâm thức họ.
Tuy nhiên, khi người bình phàm nói về lỗi lầm của người khác, bạn đang không làm vậy vì lòng bi mẫn vị tha mà thay vào đó, chỉ bởi những cảm xúc phiền não của chính bạn. Cả hai sẽ phá hủy cội nguồn công đức của bạn và làm sâu sắc thêm thiên kiến của bạn với người khác. Nó giống như sương giá của những chướng ngại bao trùm mùa màng của sự hành trì và cũng sẽ gieo mối bất hòa ngăn cản sự hòa hợp trong Tăng đoàn. Hành vi như vậy chẳng đem lại lợi lạc nào, với cả bạn hay người khác. Bởi thế, khi luyện tâm, chúng ta cần thường xuyên xem xét mỗi phần của lời nói và hành động, kiểm tra điều chúng ta làm và cách chúng ta hành xử, và dần dần học cách điều phục tính cách ngang bướng, để dòng tâm thứ trở nên dễ uốn nắn hơn.
Đoạn kệ 4: Nguyện cầu con trưởng dưỡng kho tàng quý báu này
Khi con thấy những chúng sinh với thiên hướng xấu Bị đè nén bởi ác hạnh và khổ đau nặng nề, Nguyện cầu con, như thể tìm thấy một kho tàng ngọc báu, Trưởng dưỡng họ như thứ gì đó cực kỳ quý giá – Bởi rất hiếm tìm được họ! [Đoạn kệ này nghĩa là:] Vô số chúng sinh, những vị có thiên hướng tiêu cực hay tính cách không dễ chịu và người liên tục bị chèn ép bởi ác hạnh, thói quen xấu và khổ đau, tích lũy ác nghiệp không ngừng, gây nguy hiểm cho cả bản thân và người khác. Khi con, là một hành giả, gặp được những chúng sinh như vậy, nguyện cầu con xem họ quý báu như một kho tàng hiếm có, để họ trở thành đối tượng đặc biệt của tình yêu thương và nhẫn nhục siêu việt.
Chỉ dẫn này cực kỳ quý giá. Nếu một hành giả Đại thừa chưa phát triển hoàn toàn công đức như vậy, đạt Phật quả trong một đời là điều không thể và thậm chí các thành tựu thế gian thông thường cũng nằm ngoài tầm với. Bởi vậy, chúng ta cần trân trọng chỉ dẫn cốt tủy tuyệt diệu này của thực hành Đại thừa.
Trong thời đại suy đồi hiện nay, phần lớn hữu tình chúng sinh dường như đều có thiên hướng rất tiêu cực: xấu xa, suy đồi, thô lỗ và vô lý; dòng tâm thức của họ tràn ngập sự hiểu sai lầm, ý niệm xấu và tà kiến. Bất chấp điều này, chúng ta phải quyết định cách thức đúng đắn để đối xử với họ. Hiển nhiên, sẽ là không đúng nếu chúng ta đáp lại thiên hướng suy đồi của những hữu tình chúng sinh này với sự khinh thường và thù ghét và rời xa họ. Để biết thêm chi tiết về các chỉ dẫn này, các bạn có thể tham khảo
Nhập Bồ Tát Hạnh.
Ở cấp độ của bản tính cố hữu và chân lý rốt ráo, hữu tình chúng sinh và Phật giống nhau; nhưng về hình tướng hiển bày, hữu tình chúng sinh chìm trong cảm xúc phiền não và chẳng có tự do nào về thân hay tâm, điều giải thích tại sao họ lại có những thiên hướng xấu như vậy. Nói cách khác, bởi hữu tình chúng sinh đã tích lũy nhiều ác nghiệp trong vô lượng kiếp của các đời quá khứ và bây giờ bị nghiệp hay ác hạnh này đè nặng, họ không thể có tự do, và vì thế, đã có những thiên hướng thái cực và tồi tệ.
Tuy nhiên, chúng ta cần chắc chắn rằng phần lớn hữu tình chúng sinh, đặc biệt những vị tin tưởng Đức Phật hay những hành giả Phật Pháp, muốn chinh phục phiền não tinh thần của họ, nhưng, bị ảnh hưởng bởi sức mạnh nghiệp, họ không thể hành xử theo mong ước đẹp đẽ này. Lấy ví dụ, người thường xuyên sân hận mạnh mẽ sẽ cảm thấy một cách sâu sắc nỗi khổ đau gây ra bởi sân hận này. Khi sân hận an dịu, họ cảm thấy ghê tởm và giằng xé trong tâm, bị cắn rứt bởi sự ăn năn mạnh mẽ. Họ có thể nghĩ rằng, “Lần sau, tôi sẽ không như vậy nữa”. Thế nhưng, lần sau khi họ gặp phải tình thế chọc tức họ, lịch sử lại lặp lại, lần này đến lần khác, họ cứ bị giày vò bởi những phiền não như vậy. Mặc dù nghiệp chướng sâu dày được tích lũy từ vô thủy, nếu chúng ta không thể cắt đứt những phiền não này tận gốc trong đời này nhờ sự bền bỉ nhiệt thành và hành trì, đời sau chúng ta sẽ thống thiết, đau khổ hơn và chúng ta sẽ có ít tự do hơn. Cuối cùng, chúng ta sẽ rơi vào ba cõi thấp hơn và chịu sự đau khổ bất tận, không ngừng và không thể hiểu được.
Đa số chúng sinh hiện nay, bởi thiếu tự do trong thân và tâm, thường làm những việc xấu với chúng sinh khác. Những hành động này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu và thường xuyên, không có lý do nào. Chúng ta, những hành giả, nếu phiền não tinh thần chưa được tiêu trừ, sẽ vẫn là những người có thể bị ảnh hưởng bởi các điều kiện bên ngoài. Chúng ta chắc chắn sẽ phải đối mặt với nguy hại từ những chúng sinh xấu và trải qua nỗi đau đớn và lo âu. Làm sao chúng ta có thể phản ứng lại với tình thế như vậy? Chúng ta cần sử dụng các chỉ dẫn then chốt được trao ở đây. Đoạn kệ này có chút giống với đoạn kệ đầu tiên, nhưng đoạn này cung cấp cho chúng ta những minh chứng rõ hơn về chỉ dẫn cốt tủy của thực hành sâu sắc hơn.
“Như thể tìm thấy một kho tàng ngọc báu” nghĩa là: Mặc dù có mọi kiểu hữu tình chúng sinh, những vị có thể có tham, sân, si, kiêu mạn hay hoài nghi mạnh mẽ, chúng ta không thể để sự thù ghét hay xa lánh với họ khởi lên trong chúng ta. Thực sự, chúng ta không thể không phản ứng lại với chúng. Điều này được giải thích trong đoạn kệ đầu tiên của
Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo. Nó cũng nhắc đến rằng:
“Với chư Bồ Tát mong muốn của cải của thiện hạnh, Những vị làm hại giống như kho tàng quý báu. Vì thế, với tất cả, hãy vun bồi hạnh nhẫn nhục không thù địch. Đó là thực hành của một vị Bồ Tát”. Bất cứ khi nào hữu tình chúng sinh làm hại chúng ta, chúng ta không nên khởi lên sự thù ghét hay sân hận, mà trái lại, chúng ta cần xem họ là kho tàng bảo châu vĩ đại. Chỉ dẫn này nói thì dễ hơn làm. Thật khó để quán chiếu điều này, chứ đừng nói đến việc thực hiện nó. Tuy nhiên, đầu tiên chúng ta cần hiểu điều nên làm và điều nên tránh, và dần dần, cách đưa nó vào thực hành. Vạn sự khởi đầu nan. Các thói quen trở thành bản tính thứ hai nhờ trở nên quen thuộc với chúng, từng chút từng chút. Chẳng mấy chốc, chúng ta bắt đầu hành xử theo cách này một cách tự nhiên. Lấy ví dụ, khi đầu tiên chúng ta cố gắng học sử dụng máy tính, chúng ta có thể bị rối loạn bởi những quy trình vận hành phức tạp, nhưng khi thông thạo, dùng máy tính là cách rất tiện lợi để làm việc. Khi chúng ta bắt đầu thực hành chỉ dẫn tâm linh này, chúng ta có thể cảm thấy thật khó để quen thuộc. Nhưng nếu cứ cố gắng, với sự gia trì của bậc thầy kết hợp với sự hành trì miên mật, chúng ta cuối cùng sẽ thấy bản thân có thể áp dụng nó một cách tự tại trong việc liên hệ với các kiểu người khác nhau.
Như Bồ Tát Tịch Thiên từng nói: “Thậm chí nếu con không thể phát triển lòng bi dành cho tất cả những người như vậy, người mà bởi những cảm xúc phiền não, bắt đầu cố giết hại con hay tương tự, con cần ít nhất từ bỏ việc sân hận”. Và một lần, Đức Dromtonpa từng hỏi Tổ Atisha rằng: “Nếu người ta đánh đập con, nguyền rủa con hay cố giết con, con nên làm gì?”. Đức Atisha đáp lại theo cách thức khá gần với ý nghĩa mà Thogme Rinpoche đáp lại câu hỏi này,
“Dù ai đó cố gắng chặt đầu con, Khi con chẳng làm điều gì sai dù nhỏ bé nhất, Vì lòng bi mẫn, hãy nhận lấy mọi ác hạnh của anh ta về mình. Đó là thực hành của một vị Bồ Tát”. Có một vị Lama nổi tiếng gọi là Garcho Rinpoche ở tỉnh Thanh Hải, người bị ngược đãi trong thời Cách mạng Văn hóa. Mỗi lần Ngài bị buộc phải nghe những lời buộc tội chống lại Ngài, Ngài sẽ giải thích, một cách bình tĩnh, “Hôm nay, tôi đang thực hành nhẫn nhục ba la mật vì lợi lạc của mọi hữu tình chúng sinh”. Như thế, Ngài hiển bày “sự xuất sắc trong động cơ”. Lúc bị ngược đãi, khi người ta đánh đập Ngài, sỉ nhục hay nói xấu Ngài, Ngài an trú trong trạng thái tính không, thoát khỏi sự quan niệm hóa và Ngài thực hành nhẫn nhục ba la mật. Đây được gọi là “sự xuất sắc trong hành động”. Và khi sự hành hạ tạm thời kết thúc, Ngài hồi hướng, trong âm thầm, “Nhờ công đức thực hành nhẫn nhục, nguyện cầu tất cả những người đánh đập và nguyền rủa con và mọi hữu tình chúng sinh đều đạt Phật quả”. Đây lại là “sự xuất sắc trong hồi hướng”. Khi thời kỳ Cách mạng Văn hóa kết thúc, và môi trường chính trị trở nên tự do hơn với các tín ngưỡng tôn giáo, nhiều người đã tham gia vào việc ngược đãi vị Lama đã đến gặp Garcho Rinpoche để sám hối và ăn năn. Tuy nhiên, Ngài luôn đáp lại rất nhân hậu rằng, “Con chẳng có gì phải sám hối. Không có con, thầy sẽ không thể thực hành nhẫn nhục ba la mật, và đó là một sự thoải mái tối thượng. Thầy không ghét các con chút nào. Trái lại, mỗi người các con đã tích lũy công đức. Vì thế, xin hãy quên việc sám hối đi!”. Đây là hành động độc đáo và thiện lành của một vị Bồ Tát Đại thừa!
Thực sự, người cố gắng làm hại chúng ta giống như viên ngọc như ý bởi họ là những nhân tố hỗ trợ không thể thiếu được để đạt Phật quả. Đức Phật nói rằng chỉ những vị có nhẫn nhục ba la mật mới có thể trở thành chư Bồ Tát thực sự. Dù đó là trong
Nhập Bồ Tát Hạnh,
Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo hay
Tám Đoạn Kệ Luyện Tâm, một tiêu chuẩn giống nhau được đặt ra với hành giả Đại thừa. Vì thế, khi đối mặt với kẻ thù, chúng ta cần đền đáp lòng từ ái với sự biết ơn, giống như chúng ta làm với bậc thầy quý báu và từ ái. Với chúng ta, những hành giả Đại thừa, những người thực hành nhẫn nhục ba la mật, kẻ thù là kho tàng không vơi cạn, giúp chúng ta hoàn thiện công đức của nhẫn nhục ba la mật. Vì thế, chúng ta thực sự cần chăm sóc họ liên tục, như một kho tàng quý báu hiếm khi được tìm thấy.
(Còn tiếp) Khenpo Sodargye Rinpoche bình giảng Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.Xem tiếp phần 2 tại đây: https://lienhoaquang.com/thu-vien_Giao-Ly-Khau-Truyen-Ve_mltltmgl_web_baingan.html________________
Chú thích:[1] Geshe Langri Tangpa (1054-1123) tức Langthangpa Dorje Senge là vị đạo sư Kadampa lỗi lạc và là học trò của Tổ Potowa Rinchen Sal. Ngài nổi tiếng về việc biên soạn Tám Đoạn Kệ Luyện Tâm.Nguồn: thuvienhoasen.org