Jigme Lingpa Khai Mở Phục Điển Longchen Nyingthik
Năm hai mươi tám tuổi, ngài khám phá sự hiển lộ phi thường của giáo khóa
Longchen Nyingthig, các giáo lý của Pháp Thân và Guru Rinpoche, như terma tâm. Tối ngày hai mươi lăm tháng mười năm Hỏa Ngưu thuộc chu kỳ Rabjung thứ mười ba (1757), ngài đi ngủ với một lòng sùng mộ vô bờ đối với Guru Rinpoche trong tim ngài. Vì không được nhìn thấy Guru Rinpoche, ngài ràn rụa nước mắt và không ngớt cầu nguyện theo hơi thở của ngài.
Ngài an trụ trong kinh nghiệm thiền định sâu xa về sự quang minh chói lọi đó (
‘Od gSal Gyi sNang Ba) trong một thời gian dài. Khi đắm chìm trong sự quang minh đó, ngài chứng nghiệm mình cưỡi trên một con sư tử trắng bay một quãng trên không trung. Cuối cùng ngài tới một con đường vòng mà ngài nghĩ là con đường để đi nhiễu của Charung Khashor, ngày nay được gọi là Bảo Tháp Bodhnath, một đài kỷ niệm Phật Giáo quan trọng thuộc kiến trúc vĩ đại ở Nepal.
Trong sân phía tây của tháp, ngài thấy Pháp Thân xuất hiện trong thân tướng của một dākinī trí tuệ. Bà giao cho ngài một cái tráp bằng gỗ tuyệt đẹp và nói:
Đối với các đệ tử có tâm thức thanh tịnh, Ngài là Trisong Detsen. Đối với các đệ tử có tâm thức bất tịnh, Ngài là Senge Repa. Đây là kho tàng tâm của Samantabhadra (Phổ Hiền), Những chữ viết tượng trưng của Rigdzin Padmasambhava, và Những kho tàng bí mật vĩ đại của các dākinī. Các dấu hiệu đã kết thúc! Vị dākinī biến mất. Với một kinh nghiệm vô cùng hỉ lạc, ngài mở cái tráp. Trong đó ngài tìm thấy năm ống giấy cuộn màu vàng với bảy hột pha lê. Trước tiên, chữ viết khó đọc, nhưng sau đó nó biến thành chữ Tây Tạng. Một trong những cuộn này là
Dug-ngal Rangtröl, Sādhana của Đức Avalokiteshvara, và cuộn khác là
Nechang Thukkyi Drombu, cẩm nang tiên tri của
Longchen Nyingthig. Rāhula, một trong những vị Hộ Pháp, hiện ra trước ngài tỏ lòng tôn kính. Khi ngài được dākinī khác khuyến khích, Jigme Lingpa nuốt tất cả các cuộn giấy vàng và những hột pha lê. Ngay lập tức, ngài có kinh nghiệm đáng kinh ngạc rằng toàn thể các chữ trong giáo khoá
Longchen Nyingthig cùng các ý nghĩa của nó được đánh thức trong tâm ngài như thể chúng được in lên đó. Ngay cả khi đã dứt kinh nghiệm thiền định đó, ngài vẫn an trụ trong sự chứng ngộ giác tánh nội tại, sự hợp nhất vĩ đại của đại lạc và tánh Không.
Như vậy, giáo lý
Longchen Nyingthig và sự chứng ngộ, là những gì được Guru Rinpoche trao phó và cất giấu trong ngài nhiều thế kỷ trước, đã được đánh thức, và ngài đã trở thành một tertön, người khám phá giáo khóa
Longchen Nyingthig. Ngài lần lượt chép lại giáo lý
Longchen Nyingthig, bắt đầu bằng
Nechang Thukkyi Drombu.
Ngài giữ bí mật mọi giáo lý ngài đã khám phá trong bảy năm vì chưa đến lúc giảng dạy cho người khác. Đối với một tertön, đó cũng là điều cốt yếu vì trước tiên bản thân ngài phải thực hành giáo lý.
Mặc dù đang duy trì cuộc sống của một yogī ẩn mật nhưng bởi ngài đã toàn thiện năng lực của bốn hoạt động mà không cần phải dụng công, những người sống quanh ngài đã phát triển lòng tôn kính và tin tưởng một cách tự nhiên đối với ngài, và ngài trở thành một suối nguồn lợi lạc cho nhiều người.
Năm ba mươi mốt tuổi, ngài bắt đầu thực hiện cuộc nhập thất ba năm lần thứ hai tại Chimphu gần Samye. Trước tiên ngài bắt đầu nhập thất trong một hang động được gọi là động Nyang Thượng. Sau đó ngài khám phá hang động khác và nhận ra nó chính là động Sangchen Metok hay động Nyang Hạ, nơi Vua Trisong Detsen đã nhận giáo lý Nyingthig từ Nyang và đã thiền định về các giáo lý đó. Trong thời gian còn lại của cuộc nhập thất, ngài sống tại động Sangchen.
Trong cuộc nhập thất tại Chimphu, sự chứng ngộ tối cao về Đại Viên mãn thức tỉnh trong Jigme Lingpa, và thức giác đó có được là nhờ ba linh kiến thanh tịnh về thân trí tuệ của Longchen Rabjam (1308-1363), Pháp Thân trong sự hiển lộ thuần tịnh. Trong động Nyang Thượng ngài có linh kiến đầu tiên, trong đó ngài nhận sự gia hộ của thân kim cương của Longchen Rabjam. Jigme Lingpa nhận được sự truyền dạy về ngôn từ lẫn ý nghĩa của giáo lý của Longchen Rabjam. Sau khi di chuyển tới Sangchen Phuk (Động Đại Linh Thánh), ngài có linh kiến thứ hai và thứ ba. Trong linh kiến thứ hai ngài nhận sự gia hộ về ngữ của Longchen Rabjam, nhờ đó ngài xiển dương và truyền bá giáo lý sâu xa của Longchen Rabjam như người đại diện của vị Thầy này. Trong linh kiến thứ ba Jigme Lingpa nhận sự gia hộ của tâm trí tuệ của Longchen Rabjam, nó đánh thức hoặc trao truyền cho ngài năng lực không thể diễn bày của sự tỉnh thức giác ngộ nội tại của Longchen Rabjam.
~ Trích "Các Đạo Sư của Sự Thiền Định và Những Điều Huyền Diệu", Tulku Thondup (Chương XI: Rigdzin Jigme Lingpa)