Chương X: Künkhyen Longchen Rabjam
(1308-1363) KÜNKHYEN Longchen Rabjam sinh tại Tötrong trong Thung lũng Tra miền nam của trung tâm Tây Tạng, vào ngày mồng mười tháng hai năm Thổ Thân thuộc Rabjung thứ năm (1308). Thân phụ ngài là Tenpa Sung, một hành giả Mật thừa thuộc bộ tôc Rok. Thân mẫu ngài là Sönam Gyen thuộc bộ tộc Drom. Lúc mang thai ngài, mẹ ngài mơ thấy một mặt trời đặt trên đầu một con sư tử chiếu sáng toàn thể thế giới. Lúc ngài ra đời, nữ Hộ Pháp Namdru Remati xuất hiện trong hình tướng của một người đàn bà màu đen. Ôm đứa bé trong tay, bà nói: “Ta sẽ bảo vệ cậu bé,” và bà trao đứa bé lại cho mẹ nó rồi biến mất.
Longchen Rabjam là một hóa thân, hay tülku, của Công chúa Pemasal, con gái của Vua Trisong Detsen, là người mà Guru Rinpoche đã giao phó việc trao truyền
Khandro Nyingthig. Trong chuỗi các cuộc đời của bà, hóa thân ngay trước Longchen Rabjam là Pema Ledreltsal, người đã khám phá các giáo lý
Khandro Nyingthig như một terma.
Từ thời thơ ấu Longchen Rabjam đã có niềm tin, lòng bi mẫn, và trí tuệ, những phẩm tính cao quý của một Bồ Tát. Khi ngài lên năm, ngài học đọc và viết thật dễ dàng. Năm lên bảy, thân phụ ngài ban cho ngài những quán đảnh, giáo huấn, và tu tập thực hành
Những Phương diện An bình và Phẫn nộ của Guru và
Kagye Deshek Düpa. Thân phụ cũng dạy ngài y học và thuật chiêm tinh.
Năm mười hai tuổi, Longchen Rabjam thọ giới sa di từ Khenpo Samdrup Rinchen tại Tu viện Samye và được ban cho Pháp danh Tsültrim Lodrö. Ngài tinh thông Vinaya (Luật), những bản văn về giới luật đạo đức của tu sĩ, và có thể giảng dạy những bản văn đó từ năm mười bốn tuổi.
Năm mười sáu tuổi, cùng với Đạo sư Tashi Rinchen và những vị khác, ngài bắt đầu học nhiều tantra thuộc về dòng Tân Mật điển, chẳng hạn như hai truyền thống của quả và con đường (
Lam ‘Bras), hai truyền thống sáu yoga (
Ch’os Drug),
Kālachakra (Thời Luân), cắt đứt [bản ngã] (
gChod), và các truyền thống ba cách làm an dịu (Zhi Byed).
Năm mười chín tuổi, ngài đi tới Tu viện Sangphu Neuthang nổi tiếng, và nghiên cứu Kinh điển Phật giáo về triết học, luận lý, và thiền định trong sáu năm. Từ các Đạo sư Lopön Tsen-gönpa và Chöpal Gyaltsen ngài đã nghiên cứu năm bản văn Đại thừa của Maitreya (Di Lặc), các luận thuyết về luận lý của Dignāga (Trần Na) và Dhamakīrti (Pháp Xứng), và nhiều bản văn về triết học Madyamaka (Trung Đạo) và
Prajnāpāramitā (Bát Nhã Ba La Mật). Ngoài ra, cùng với dịch giả Lodrö Tenpa xứ Pang ngài đã nghiên cứu Phạn ngữ, thi ca, tiểu luận, kịch, và nhiều Kinh điển và các bản văn Bát Nhã Ba La Mật. Sau đó từ Đạo sư Zhönu Töndrup, ngài nhận những nhập môn và giáo huấn về những tantra quan trọng của phái Nyingma, Do (Kinh điển) của Anuyoga,
Māyājāla-tantra của Mahāyoga, và Semde (giáo khóa về tâm) của Atiyoga (Đại Viên mãn).
Với khoảng hai mươi vị Thầy, trong đó có Đạo sư Zhönu Gyalpo, Zhönu Dorje, Lama Tampa Sönam Gyaltsen (1312-1375) của phái Sakya, và Karmapa Rangjung Dorje (1284-1339) của phái Kagyü, ngài đã nghiên cứu các giáo lý và nhận những trao truyền Kinh điển và Mật điển.
Trong khi nghiên cứu, ngài cũng luôn luôn dấn mình vào việc tu tập thiền định trong các ẩn thất, và ngài nhìn thấy những linh kiến thanh tịnh của Đức Manjushrī (Văn Thù), Sarasvatī, Achala, Vajravārāhī, và Tārā, và đã chứng ngộ những thành tựu tâm linh. Việc tu tập nghiên cứu và thiền định của ngài đã mở ra cánh cửa kho tàng ngôn ngữ. Những người hiểu rõ ngài thừa nhận ngài bằng danh hiệu Đạo sư của sự Chứng ngộ Bao la (Longchen Rabjam) và Đạo sư Kinh điển từ Samye (bSam Yas Lung Mang ba).
Năm hai mươi bảy tuổi, như được tiên tri bởi Đức Tārā, vị Phật trong thân tướng nữ nhân, ngài đi gặp Đạo sư Rigdzin Kumārādza (1266-1343), vị hộ trì các giáo lý
Vima Nyingthig, trong một trại ẩn thất, nơi khoảng bảy mươi đệ tử đang sống trong những nơi trú ẩn tạm thời trong các cao nguyên thuộc Thung lũng Yartö Kyam. Đạo sư vô cùng hoan hỉ tiếp đón Longchen Rabjam và ban tiên tri rằng ngài sẽ là vị hộ trì-trao truyền của các giáo lý
Vima Nyingthig.
Ngài đã học với Rigdzin Kumārādza trong hai năm, nhận những giáo huấn về tất cả ba phạm trù của Dzopa Chenpo: Semde, giáo khóa về tâm; Longde, giáo khóa về Pháp giới tối thượng; và Me-ngagde, giáo khóa về những giáo huấn tối thượng. Nhưng điểm quan trọng chính yếu của việc nghiên cứu của ngài là các bản văn về bốn phần của Me-ngagde, đó là những giáo lý Ngoại, Nội, Bí mật và Bí mật Thâm sâu. Những bản văn này là mười bảy tantra và nhánh hay những giáo lý giáo huấn, có nghĩa là: bốn quyển sáchvới một trăm mười chín luận thuyết về những giáo huấn xa rộng.
Rigdzin Kumārādza ban tất cả những giáo lý Nyingthig cho Longchen Rabjam và tuyên bố Longchen Rabjam là vị kế tục dòng truyền thừa của ngài. Trong khi học với Rigdzin Kumārādza, Longchen Rabjam đã sống trong cảnh cực kỳ túng thiếu. Để chiến đấu với sự bám luyến của ngài vào vật chất, thực hành của Rigdzin Kumārādza buộc phải liên tục di chuyển từ nơi này sang nơi khác thay vì định cư ở một nơi và dính mắc vào đó. Trong chín tháng Rigdzin Kumārādza và các đệ tử chuyển trại chín lần, khiến cho Longchen Rabjam và những người khác phải chịu những gian khổ ghê gớm. Ngay khi Longchen Rabjam bắt đầu sống cuộc đời đơn giản của mình ở một chỗ trú ẩn tạm thời, thường là một hang động che chở ngài không bị mưa và lạnh, thì lại đến lúc phải di chuyển. Ngài có rất ít thực phẩm và chỉ có một cái bao rách vừa làm nệm vừa làm mền để che chở ngài trước cái lạnh khủng khiếp của mùa đông. Chính trong những hoàn cảnh này mà Longchen Rabjam đã có được những giáo lý hiếm có và quý báu nhất của các tantra và giáo huấn về ba giáo khóa của Đại Viên mãn. Cuối cùng, Đạo sư gia lực cho ngài là vị hộ trì dòng truyền thừa của sự trao truyền Nyingthig.
Sau đó trong bảy (hay sáu) năm ngài tiến hành nhập thất thiền định, chủ yếu là ở Chimphu. Ngoài thiền định Đại Viên mãn, ngài cũng thực hành những hình thức và nghi lễ của những bậc linh thánh khác nhau, và ngài nhìn thấy những linh kiến thanh tịnh về các thân tướng an bình và phẫn nộ của Guru Rinpoche, Vajrasattva, và những Bổn Tôn an bình và phẫn nộ.
Năm ba mươi hai tuổi, trong khi vẫn còn nhập thất, lần đầu tiên Longchen Rabjam ban quán đảnh và những giáo huấn của
Vima Nyinghthig cho các đệ tử của ngài tại Nyiphu Shuksep, gần Kang-ri Thökar. Trong một thời gian, tất cả những vùng xung quanh biến thành ánh sáng thanh tịnh, những âm thanh huyền bí, và những linh kiến thiêng liêng.
Chẳng bao lâu đệ tử hành giả của ngài là Özer Kocha tìm thấy bản văn Khandro Nyingthig, do Pema Ledreltsal (1291-?), hóa thân đời trước của Longchen Rabjam khám phá như một terma, và Özer Kocha cúng dường nó cho Longchen Rabjam. Nữ Hộ Pháp Shenpa Sogdrubma cũng tặng ngài một bản sao của bản văn đó. Mặc dù ngài là hóa thân của người khám phá các giáo lý, nhưng để biểu thị tầm quan trọng của việc bảo tồn sự trao truyền cho những môn đồ trong tương lai, ngài đi tới gặp Shö Gyalse, một đệ tử của Pema Ledreltsal, và nhận sự trao truyền
Khandro Nyingthig. Năm ba mươi ba tuổi, ngài ban giáo lý
Khandro Nyingthig cho tám đệ tử nam và nữ trong đó có yogī (hành giả) Özer Kocha tại Samye Chimphu. Trong thời gian ban các lễ quán đảnh, Nữ Hộ Pháp của Tantra (sNgags Srung Ma) nhập vào một trong những yoginī (nữ hành giả) và ban những tiên tri và giáo huấn. Một vài đệ tử nhìn thấy Longchen Rabjam biến thành hình thức Báo thân. Một trận mưa hoa đổ xuống và những vòng cung, tia sáng, và những vòng ánh sáng có những màu sắc khác nhau được chứng kiến khắp ngọn núi. Tất cả những người tụ hội ca hát và nhảy múa với năng lực trí tuệ tràn trề. Longchen Rabjam có linh kiến về Guru Rinpoche và vị phối ngẫu ban các quán đảnh và giao phó việc trao truyền
Khandro Nyingthig cho ngài. Các vị ban cho ngài các danh hiệu Ogyen Tri-me Özer và Dorje Ziji. Các vị Hộ Pháp xuất hiện trong thân tướng vật lý và nhận các món cúng dường. Trong một thời gian dài, có lẽ một tháng, tâm của các đệ tử hành giả tan hòa vào một sự quang minh chói lọi sâu xa, là trạng thái siêu việt sự thức hay ngủ. Longchen Rabjam hát ca năng lực du già của ngài trong những vần kệ:
Ồ các yogī, ta rất sung sướng và hoan hỉ.
Đêm nay chúng ta ở trong Cõi Tịnh Độ Vô song.
Trong thân chúng ta, cung điện của Các Bổn Tôn An bình và Phẫn nộ,
Nở rộ hội chúng của Đức Phật, sự hợp nhất của quang minh và tánh Không.
Phật quả không ở đâu khác mà ở trong chúng ta.
Ồ các thiền giả, những người nhất tâm hộ trì tâm của mình,
Đừng ôm giữ tâm quý vị ở một nơi, mà để nó thoải mái.
Tâm rỗng rang [hay mở trống], dù nó vận hành hay yên vị.
Bất kỳ điều gì xuất hiện trong tâm chỉ là sự phô diễn của trí tuệ. Theo khẩn cầu của nữ Hộ Pháp Yudrönma, ngài di chuyển trụ xứ tới Ogyen Dzong Özer Trinkyi Kyemö Tsal (Pháp đài Oddiyāna trong Vườn Hỉ lạc của Những Đám Mây Ánh sáng) tại Kang-ri Thökar, nơi ngài biên soạn vài tác phẩm nổi tiếng và trải qua một phần lớn đời mình. Tại nơi này sự chứng ngộ thiền định của ngài đã đạt tới trạng thái viên mãn của giác tánh (Rig Pa Tshad Phebs) nhờ việc tu tập sự tiếp cận trực tiếp (Thod rGal) của Nyingthig.
Trong một linh kiến thanh tịnh Vimalamitra dạy ngài và giao phó cho ngài các giáo lý
Vima Nyingthig. Được cảm hứng bởi Vimalamitra, ngài viết
Yangtig Yizhin Norbu (còn gọi là
Lama Yangtig), một tuyển tập gồm ba mươi lăm luận văn về
Vima Nyingthig.
Longchen Rabjam rút vàng được cất dấu trong một terma ra và với số vàng đó ngài tài trợ cho việc sửa chữa chùa Uru Dza ở Drikung, được xây dựng bởi Nyang Tingdzin Zangpo, một trong những đại đệ tử của Guru Rinpoche và Vimalamitra. Trong khi việc sửa chữa đang được tiến hành thì những người thợ tình cờ đào được nhiều vật đã được chôn dấu dưới ngôi chùa để điều phục năng lực của những thế lực tiêu cực, và chúng bay lượn trên không trung. Longchen Rabjam tự biến thành tướng phẫn nộ của Guru Rinpoche và chôn cất lại các đồ vật đó với cử chỉ năng lực huyền bí.
Khi rất có nguy cơ xảy ra một trận nội chiến ở miền trung Tây Tạng do mưu đồ của Kün-rik, một vị lãnh đạo kiêu ngạo của Drikung, Longchen Rabjam đã thực hiện một tiên tri liên quan tới một hóa thân của Đức Văn Thù bằng cách làm Kün-rik đổi hướng từ con đường chiến tranh sai lầm sang con đường của Giáo Pháp và mang lại sự an bình. Thoạt đầu Tai Situ Phagmo Trupa (1302-1364), kế đó tới vua Tây Tạng, nghi ngờ Longchen Rabjam và gởi lực lượng tới giết ngài, bởi ngài là vị Thầy của Drikung, kẻ thù không đội trời chung của ông ta. Nhờ năng lực thần diệu của ngài, Longchen Rabjam trở nên vô hình khi lực lượng tới nơi. Nhưng hoàn cảnh đã bắt buộc Longchen Rabjam phải di chuyển tới Bhutan. Ở đó ngài ban những giáo lý và đôi khi tập họp khoảng một trăm ngàn đệ tử. Tại Bumthang ngài đã thiết lập Tu viện Tharpa Ling. Ở Bhutan ngài và vị phối ngẫu Kyipa xứ Bhutan có một con trai tên là Tülku Trakpa Özer (1356-1409?), và con trai của ngài trở thành một vị hộ trì dòng truyền thừa. Sau này, Tai Situ hiểu được thái độ vô phân biệt của Longchen Rabjam và trở thành một đệ tử, và Longchen Rabjam trở về Tây Tạng.
Longchen Rabjam là một trong những học giả vĩ đại nhất và những hiền giả chứng ngộ của Tây Tạng, nhưng ngài đã hiến dâng toàn bộ đời mình cho kỷ luật tâm linh cực kỳ vi tế và nghiêm ngặt trong việc học tập, giảng dạy, biên soạn, và thiền định để hoàn thành mục đích của sự hiển lộ giác ngộ của ngài. Điều đó phải là một khuôn mẫu cho một người tu tập và một vị Thầy giảng dạy Giáo Pháp. Tâm ngài và cuộc đời ngài giản dị và khoáng đạt, tự nhiên, thuần tịnh, và sâu xa. Dù ngài sống ở đâu hay đang làm gì, ngài luôn luôn ở trong trạng thái thiền định một cách tự nhiên.
Ngài thường xuyên viếng thăm Đạo sư Rigdzin Kumārādza của ngài để hoàn thiện sự hiểu biết và chứng ngộ. Ngài đã năm lần dâng toàn bộ những sở hữu ít ỏi của ngài cho Đạo sư để tẩy sạch sự bám chấp của ngài vào những đối tượng vật chất. Nhờ danh tiếng của sự uyên bác và chứng ngộ của ngài, ngài có thể dễ dàng xây dựng những tu viện khổng lồ hay những ngôi nhà, nhưng ngài đã tránh những công việc như thế bởi ngài không quan tâm tới việc thiết lập bất kỳ tổ chức nào. Tất cả những gì được cúng dường cho ngài với lòng tin, ngài hoàn toàn sử dụng để phụng sự Pháp và không bao giờ dùng cho những mục đích khác, mà cũng không bao giờ dùng nó cho bản thân ngài. Ngài không bao giờ biểu lộ sự tôn kính đối với một người thế tục, dù là người có địa vị cao trong xã hội. Ngài nói: “Sự tôn kính nên được dành cho Tam Bảo chứ không dành cho những người thế tục. Đảo lộn vai trò của Lạt ma và người bảo trợ là không đúng.” Dù những vật cúng dường cho ngài có to lớn tới đâu, ngài không bao giờ biểu lộ sự biết ơn, ngài nói: “Hãy để những nhà bảo trợ có cơ hội tích tập công đức thay vì đền đáp việc cúng dường bằng cách biểu lộ lòng biết ơn.” Thiện tâm của ngài đối với những người nghèo khó và đau khổ thật bao la, và ngài rất hoan hỉ khi thưởng thức những thực phẩm đơn sơ mà những người nghèo khó cúng dường cho ngài, và sau đó đọc những lời ước nguyện cho họ.
Trong hầu hết cuộc đời ngài, Longchen Rabjam sống trong cô tịch, ở các hang động trong núi non, trước hết là ở Chimphu gần Samye và sau đó phần lớn là ở Kangri Thökar. Môi trường thiên nhiên thanh bình và trong trẻo tạo nên sự an bình và quang minh trong tâm những người tu tập; khi đó toàn thể tan hòa thành một, sự hợp nhất của an bình và quang minh. Longchen Rabjam tóm tắt những công đức của sự cô tịch:
Xa những thị trấn đầy thú tiêu khiển,
Sống trong những khu rừng phát triển tự nhiên sự thiền định an bình,
Hòa hợp cuộc sống trong Pháp, điều phục tâm,
Và khiến ta đạt được hỉ lạc tối thượng. Ngài ban giáo lý trong mọi lãnh vực của Phât giáo, nhưng chủ yếu nhấn mạnh tới Đại Viên mãn. Khi tóm tắt thiền định Đại Viên mãn, ngài khuyên nhủ bằng những lời giản dị:
Điều quan trọng là phải nhìn thẳng vào bản tánh của những tư tưởng khi chúng phát khởi.
Điều quan trọng là phải an trụ trong bản tánh khi quý vị chắc chắn về việc nhận ra nó.
Điều quan trọng là phải có sự thiền định không thiền định như thiền định của quý vị.
Không dao động, hãy duy trì nó. Đây là lời khuyên của ta. Và:
Tâm hiện tại, là cái gì không bị ngăn trở –
Không bám vào “cái này” hay “cái kia”, không có bất kỳ chỉnh sửa hay sự pha tạp nào, và
Không bị ô nhiễm bởi sự nhị nguyên của đối tượng bị bám chấp và người bám chấp –
Là bản tánh của chân lý tối thượng. Hãy duy trì trạng thái này. Tại Lhasa, Longchen Rabjam được đón tiếp bằng kèn đại lễ, và ngài trải qua khoảng hai tuần ở đó. Giữa Jokhang và Ramoche ở Lhasa, an tọa trên Pháp tòa, ngài ban giới nguyện Bồ đề tâm và nhiều giáo lý cho một hội chúng khổng lồ thuộc mọi tầng lớp xã hội. Nhờ sự uyên bác và chứng ngộ của ngài, Longchen Rabjam đã điều phục những tâm thức kiêu ngạo của nhiều học giả và gây truyền hứng khởi cho họ để đạt được tâm thanh tịnh của Pháp. Ngài đã gieo trồng hạt giống khát khao Giáo Pháp thuần tịnh trong trái tim của nhiều người. Ngài được gọi là Künkhyen Chöje, Bậc Toàn trí của Pháp. Sau đó ngài đi Nyiphu Shuksep và ban giáo lý Dzogchen cho khoảng một ngàn đệ tử. Kế đó tại những ngọn đồi đá gần Trok Ogyen, ngài ban các quán đảnh và giáo lý Dzopa Chenpo cho khoảng ba ngàn người, trong đó có bốn mươi người được coi là các Đạo sư của Giáo Pháp.
Năm năm mươi sáu tuổi, vào năm Thủy Mẹo (1363) thuộc Rabjung thứ sáu, ngài thình lình tuyên bố di chúc tâm linh, có tựa đề là Trima Mepe Ö (Sự Chói lọi Tinh khiết), gồm những dòng sau:
Bởi đã lâu lắm rồi, ta chứng ngộ bản tánh của samsara (sinh tử),
Không có bản chất trong những hiện hữu thế gian.
Giờ đây, khi ta đang rời khỏi tấm thân huyễn hóa vô thường này,
Ta sẽ chỉ cho các con những điều lợi lạc; xin lắng nghe ta.
Các con đang coi cuộc đời của mình là có thực, nhưng nó sẽ lừa dối các con.
Bản tánh của nó là biến đổi và không có sự xác thực.
Bằng cách thấu hiểu đặc tính không đáng tin cậy của nó,
Xin thực hành Pháp ngay ngày hôm nay.
Thay đổi là bản tánh của bằng hữu, giống như một cuộc hội họp của những người khách.
Tụ hội trong một lát nhưng nhanh chóng xa lìa vĩnh viễn.
Bằng cách tự giải thoát mình khỏi những bám luyến vào bằng hữu,
Xin thực hành Pháp làm lợi lạc các con mãi mãi.
Của cải như mật ngọt trôi đi ngay cả khi các con tích lũy nó.
Mặc dù các con kiếm được, người khác sẽ thụ hưởng nó.
Giờ đây, trong khi các con có năng lực, hãy đầu tư nó để làm hành trang cho những đời sau,
Bằng cách tạo công đức nhờ việc cho đi vì lòng nhân ái..
Con người thì vô thường như những nhóm khách đến trước và sau.
Người lớn tuổi đi sớm. Người nhỏ tuổi sẽ đi sau.
Những người đang sống, sẽ chẳng ai sống một trăm năm.
Xin nhận ra điều đó [bản tánh của sự vô thường] ngay lúc này đây.
Những hình tướng của đời này xảy ra như những sự kiện của ngày hôm nay.
Những hình tướng của bardo sẽ xảy ra như những giấc mộng trong đêm.
Những hình tướng của đời sau sẽ xuất hiện nhanh như ngày mai.
Xin thực hành Pháp ngay lúc này..
Trong tất cả các pháp, cốt tủy tối hậu của sự quang minh chói lọi
Là Nyingthig, ý nghĩa thiêng liêng.
Đây là con đường siêu việt dẫn các con tới Phật quả trong một đời duy nhất.
Bằng con đường này xin thành tựu sự siêu phàm phổ quát hỉ lạc vĩ đại..
Bản tánh của tâm là Pháp giới tối thượng, giống như không gian.
Bản tánh của Pháp giới là bản tánh của tâm, bản tánh cố hữu,
Trong ý nghĩa chúng không phân cách. Chúng là sự nhất thể, Đại Viên mãn.
Xin nhận ra bản tánh ngay giây phút này.
Những hiện tượng khác nhau giống như những phản chiếu trong một tấm gương.
Chúng trống không trong khi đang xuất hiện, và tự thân sự xuất hiện là tánh Không.
Chúng là [những hiện tượng] hỉ lạc, thoát khỏi những định danh là một hay nhiều.
Xin nhận ra bản tánh ngay giây phút này…
Sự vui sướng của ta trước cái chết còn to lớn hơn
Niềm vui của những thương nhân phát đạt nơi biển cả,
Các vua trời tuyên bố chiến thắng trong chiến tranh,
Hay những hiền giả đang an trụ trong thiền định.
Giờ đây Pema Ledreltsal [Longchen Rabjam] sẽ không còn ở đây lâu nữa.
Ta sẽ đi bảo vệ bản tánh đại lạc và vô sanh. Sau đó, khi ngài tới Chimphu và khi đang du hành qua Samye, ngài nói ngài sắp chết ở đó, và thân thể ngài bắt đầu biểu lộ vẻ bệnh tật. Nhưng ngài vẫn giảng dạy một hội chúng đông đảo đang đi theo ngài hay tụ hội để nhận những giáo lý từ ngài. Vào ngày mười sáu tháng mười hai, cùng những người khác, ngài cử hành một lễ cúng dường trọng thể. Sau đó ngài ban cho các đệ tử giáo lý sau cùng của ngài về lẽ vô thường và truyền cảm hứng cho họ thực hành Trekchö và Thögal với lời khuyên:
Nếu các con có bất kỳ khó khăn nào trong việc thấu suốt các giáo lý của ta, hãy đọc Yantig Yizhin Norbu [còn gọi là Lama Yangtig]; nó sẽ giống như một viên ngọc như ý. Các con sẽ chứng ngộ trạng thái của sự tan hòa mọi hiện tượng vào dharmatā (Pháp tánh), bản tánh tối thượng.
Vào ngày mười tám, an tọa trong tư thế Pháp thân, tâm ngài tan hòa vào Pháp tánh tuyệt đối. Những người có mặt cảm thấy mặt đất rung động và nghe những tiếng ầm ầm. Trong khi nhục thân của ngài được giữ gìn trong hai mươi lăm ngày, một chiếc lều ánh sáng liên tục uốn cong qua bầu trời. Thậm chí trong những tháng lạnh nhất ở Tây Tạng, trái đất trở nên ấm áp, băng tan, và hoa hồng nở rộ. Lúc hỏa thiêu, trái đất rung động ba lần và mọi người nghe thấy một âm thanh lớn vang lên bảy lần. Nhiều ringsel (xá lợi) và năm loại dungchen (xá lợi lớn) xuất hiện từ những miếng xương như một biểu thị về việc ngài đã thành tựu năm thân và năm trí tuệ của Phật quả.
Longchen Rabjam đã nhận các giáo lý và những trao truyền của tất cả những dòng truyền thừa của Phật giáo đang hiện diện ở Tây Tạng. Đặc biệt là mọi dòng của những truyền dạy Đại Viên mãn hội tụ trong ngài. Trong số những giáo lý Nyingthig của Đại Viên mãn mà ngài được thừa hưởng có
Vima Nyingthig và Khandro Nyingthig.
Longchen Rabjam đã biên soạn hơn hai trăm năm mươi luận thuyết về lịch sử, các giáo huấn đạo đức, những giáo lý về Kinh điển và Mật điển, và đặc biệt là về Đại Viên mãn nói chung và đặc biệt là Nyingthig. Ngài đã trình bày tất cả giáo lý của ngài trong hình thức tác phẩm văn chương. Nhưng nhiều học giả khẳng định rằng hầu hết những tác phẩm của ngài về các tantra và Đại Viên mãn thực sự là gongter, các kho tàng tâm, được khám phá bằng năng lực giác ngộ của ngài.
Chương XI: Rigdzin Jigme Lingpa
(1730–1798) RIGDZIN Jigme Lingpa là tülku (hóa thân) của Vua Trisong Detsen (790-858) và Vimalamitra. Ngài cũng được gọi là Khyentse Özer, Những Tia sáng Trí Tuệ và Đại Bi. Ngài đã khám phá giáo khóa rộng lớn và sâu xa
Longchen Nyingthig như terma tâm.
Trong
Tiên tri Bí mật của Lạt ma Gongdü, do Sangye Lingpa (1340-1396) khám phá, Guru Rinpoche tiên đoán sự xuất hiện của Jigme Lingpa bảy trăm năm sau:
Ở miền nam Tây Tạng sẽ xuất hiện một tülku tên là Özer.
Ngài sẽ giải thoát chúng sinh bằng giáo lý sâu xa Nyingthig,
và sẽ dẫn dắt tất cả những ai được nối kếi với ngài tới cõi tịnh độ của các vidhyādhara (Trì Minh Vương). Jigme Lingpa sinh vào sáng sớm ngày mười tám tháng mười hai năm Thổ Dậu thuộc Rabjung thứ mười hai (1730) tại một ngôi làng trong Thung lũng Chongye miền Nam Tây Tạng, không quá xa lăng mộ các vị vua của triều đại Chögyal, được gọi là “các lăng mộ đỏ.” Mặc dù cha mẹ của ngài xuất thân từ những gia đình quyền quý trong quá khứ, nhưng của cải của họ thật khiêm tốn và Jigme Lingpa hiểu rằng đó là một sự gia hộ cho phép ngài đảm đương đời sống tu hành của mình, không bị thúc ép phải tham gia các nghĩa vụ xã hội hay vẻ hào nhoáng quý tộc.
Từ thời thơ ấu, ngài đã nhớ lại các hóa thân đời trước của mình, chẳng hạn như là đại Tertön Sangye Lama (1000-1080?). Một trong những chiếc răng của ngài được đánh dấu với chữ ĀH - ngữ của Phật, được coi là dấu hiệu của việc ngài là hóa thân của Vimalamitra. Cũng thế, như được biểu thị trong một tác phẩm tiên tri, ngài có ba mươi nốt ruồi nhỏ hơi đỏ trong hình dạng một chày kim cương nơi tim, khoảng ba mươi nốt ruồi nhỏ hơi đỏ tại rốn trong hình dạng một cái chuông nghi lễ, và trên ngón cái phải của ngài có những đường vạch trong hình dạng một chữ HYA hay HRĪH, chủng tự của Bổn Tôn Hayagrīva. Từ thời thơ ấu tâm ngài không dính mắc những vui thú thế gian, và ngài có lòng bi mẫn, thông tuệ, và can đảm phi thường.
Ngài được xác nhận là hóa thân thứ mười ba của Gyalse Lhaje, người thọ nhận giáo lý
Kadü Chökyi Gyatso từ Guru Rinpoche, tất cả các ngài đều là những tertön. Cũng thế, trong bài cầu nguyện dòng truyền thừa tối yếu viết cho các đệ tử, Jigme Lingpa đề cập tới nhiều đời quá khứ và một đời trong tương lai của ngài như thể ngài nhìn thấy rõ ràng điều đó:
1- Samantabhadra (Phổ Hiền), đấng trùm khắp sinh tử và Niết bàn, sự tương tục của nền tảng, tinh túy rốt ráo của Phật tánh,
2- Sau đó [sự hợp nhất của] lòng đại bi và tánh Không xuất hiện như Đức Avalokiteshvara (Quán Thế Âm), và
3- Prahevajra, con khẩn nguyện các ngài.
4- Sau đó hiển lộ là trưởng tử của Vua Krikrī trong sự hiện diện của Đức Phật Kāshyapa (Ca Diếp),
5- Nanda, bào đệ của Đức Phật,
6- Ākarmati, một hiển lộ của Vua Songtsen Gampo, và
7- Vua Trison Detsen, con khẩn nguyện các ngài.
8- Đại thành tựu giả Virvapa của Ấn Độ, [9] Công chúa Pemasal,
10- Gyalse Lhaje, Pháp vương trong thân người,
11- Tri-me Künden (của Ấn Độ), 12- Yarje Ogyen Lingpa (1323-?),
13- Daö Zhönu (1079-1153) phái Kagyü và 14- Trakpa Gyaltsen (1147-1216) phái Sakya, con khẩn nguyện các ngài.
15- Sau đó Longchen Rabjam (1308-1363), sự hiển lộ của chính Đại thành tựu giả Vimalamitra,
16- Ngari Penchen (1487-1542), 17- Chögyal Phüntsok (thế kỷ thứ 16, nam tử của Drikung Rinchen Phüntsok),
18- Changdak Tashi Tobgyal (1550-1602?), 19- Dzamling Dorje (xứ Kongpo) và
20- Jigme Lingpa (1730-1798), con khẩn nguyện các ngài.
21- Sau vị Thầy này, hiển lộ qua hóa thân của Yeshe Dorje [1800-66].
Năm lên sáu, như một sa di bình thường, ngài gia nhập Tu viện Palri (Shrīparvata) trong Thung lũng Chongye, trụ xứ của Trangpo Terchen Sherap Özer (1517-1584). Tsogyal Tülku Ngawang Lobzang Pema ban cho ngài pháp danh Pema Khyentse Özer.
Như ngài nói, từ sáu tới mười ba tuổi, ngài dùng nhiều thời giờ để “nghịch đất” với các sa di cùng trang lứa hơn là để học. Ngài sống cuộc đời của một sa di nghèo ít thuận lợi trong việc học tập, và năm này qua năm khác phải đương đầu với những thầy trợ giáo hết sức nghiêm khắc. Tuy nhiên, nhiệt tâm mãnh liệt của ngài dành cho Pháp, lòng sùng mộ tự nhiên đối với Guru Rinpoche, và lòng bi mẫn bẩm sinh của ngài đối với tất cả chúng sinh, đặc biệt là với thú vật, đã trợ lực cho ngài và khiến cho tuổi thơ của ngài tràn đầy niềm vui và ý nghĩa. Mặc dù có vẻ là một sa di tầm thường, đời sống nội tâm của ngài thật phong phú. Ban ngày của ngài ngập đầy những thành tựu thiền định và cảm hứng những thị kiến thanh tịnh. Vào ban đêm, ngài hòa nhập trong những giấc mộng là những kinh nghiệm và thị kiến tâm linh.
Trong những hoàn cảnh như thế, ngài đã tinh thông văn phạm, luận lý, chiêm tinh, thi ca, lịch sử, y khoa, và nhiều Kinh điển và Tantra (Mật điển). Ngoài việc nhận lãnh những trao truyền quán đảnh bí truyền, ngài không cảm thấy cần phải có một Đạo sư hay học tập chi tiết bất kỳ chủ đề trí thức nào như những người học đạo nghiêm túc khác đã làm. Ngài học hỏi các chủ đề khác nhau chỉ bằng cách nghe trộm những đoạn giáo lý của các lớp học của những đệ tử khác hay liếc nhìn các bản văn.
Nhiều Đạo sư trở nên thông thái nhờ việc nghiên cứu và sau đó chứng ngộ nhờ thiền định. Jigme Lingpa thông thái tự bẩm sinh, là kết quả của sự tỉnh giác chứng ngộ trí tuệ trong bản thân ngài. Tuy nhiên, hiển lộ bên ngoài là sự bùng nổ cuối cùng và viên mãn của trí tuệ bao la của ngài thì mãi sau này mới xảy ra, khi ngài có các thị kiến về Longchen Rabjam vào năm ba mươi mốt tuổi. Ngài viết:
Một cách tự nhiên, tôi cảm thấy thật sung sướng khi có thể nghiên cứu bất kỳ chủ đề nào, chẳng hạn như ngôn ngữ, những tác phẩm cổ điển, Kinh điển cùng các bình giảng của chúng, hay giáo lý Kim Cương thừa về bản tánh tối hậu. Tôi nghiên cứu tất cả những điều đó cả ngày lẫn đêm với sự tôn kính lớn lao. Nhưng tôi khó có cơ hội để phát triển sự hiểu biết bằng cách học tập với một Đạo sư, ngay cả chỉ trong một ngày. Tuy nhiên, tại Tu viện Samye Chimphu vinh quang, nhờ ba lần nhìn thấy thân trí tuệ của Longchenpa, và nhờ nhận lãnh các sự gia hộ qua những dấu hiệu khác nhau, nghiệp của tôi về “trí tuệ-hiểu biết” được đánh thức từ sự sâu thẳm của Đại Viên mãn.
Từ Neten Kunzang Özer, lần đầu tiên ngài nhận sự truyền dạy chính yếu của mình, sự trao truyền giáo lý
Trölthik Gongpa Rangtröl do Trengpo Terchen Sherap Özer (còn được gọi là Drodül Lingpa) khám phá, giáo khóa
Lama Gongdü do Sangye Lingpa (1340-1396) khám phá, và
Bảy Kho tàng và
Ba Cỗ Xe của Longchen Rabjam (1308-1363).
Năm mười ba tuổi, Jigme Lingpa gặp tertön vĩ đại Rigzin Thukchok Dorje và lập tức trải nghiệm một lòng sùng mộ mãnh liệt đánh thức tâm trí tuệ của ngài. Từ vị tertön ngài nhận các truyền dạy và giáo huấn về Mahāmudrā (Đại Ấn) và những giáo lý khác. Thukchok Dorje trở thành vị Thầy gốc của ngài, và ngài nhận các sự gia hộ từ vị Thầy này trong các linh kiến ngay cả sau khi Đạo sư đã thị tịch. Jigme Lingpa cũng nhận các truyền dạy từ nhiều vị Thầy khác, kể cả Thekchen Lingpa Drotön Tharchin (còn gọi là Trime Lingpa, 1700-1776), chú của ngài là Dharmakīrti, Chakzampa Tendzin Yeshe Lhündrup thứ bảy, Thangdrok Tülku Pema Rigdzin Wangpo xứ Kongpo, Trati Ngakchang Rigpe Dorje (còn gọi là Kong-nyön) xứ Kongpo, và Mön Dzakar Lama Dargye.
Đầu năm hai mươi tám tuổi, ngài bắt đầu một cuộc nhập thất ba năm nghiêm nhặt tại Tu viện Palri và trì giữ bảy lời nguyện trong cả thảy bảy năm. Những giới nguyện này cho ta thấy tầm quan trọng của việc hoàn thiện chính mình trước khi đi ra giúp đỡ người khác để hoàn thành mục đích của cuộc đời. Bảy lời nguyện của ngài như sau:
1- Ngài không vào nhà của bất kỳ cư sĩ nào, cũng không hưởng thụ bất kỳ trò giải trí nào.
2- Cho dù đang sống trong một cộng đồng, ngài hạn chế tiếp xúc với nhiều người (trong phòng của ngài) hay điều khiển bất kỳ sự tụ hội nào nuôi dưỡng lòng sân hận hay tham đắm.
3- Ngài không liên lạc thư từ với bất kỳ ai, không nhận cũng như không gởi bất kỳ ngôn từ nào.
4- Ngài duy trì một cuộc đời khổ hạnh và tự chế không đổi Giáo Pháp để lấy lợi lộc vật chất.
5- Ngài tự chế mọi hoạt động xao lãng, chỉ hiến dâng mọi nỗ lực của mình cho mười hoạt động liên quan tới việc tu tập Pháp.
6- Ngài sống bằng phương tiện đơn giản và thận trọng không hưởng thụ mọi vật chất được cúng dường do đức tin.
7- Ngài không thực hiện bất kỳ điều nào trong bốn hành động và hồi hướng mọi hoạt động cho sự giải thoát khỏi sinh tử.
Ngài tập trung việc thiền định vào giai đoạn phát triển và toàn thiện, được đặt nền trên
Trolthik Gongpa Rangtröl. Sự tỉnh giác chánh niệm của ngài khiến ngài bảo vệ được tâm thức thoát khỏi các phóng tâm trong thiền định, dù chỉ lâu bằng thời gian của tiếng bật ngón tay. Khi ngài đọc
Bảy Kho tàng của Longchen Rabjam, bộ sách này đã giải đáp mọi vấn đề ngài có về các kinh nghiệm thiền định nội tâm của mình.
Khi tiến bộ qua các giai đoạn chứng ngộ, ngài đã kinh nghiệm nhiều dấu hiệu thành tựu trong tâm và thân. Ngài kinh nghiệm các linh kiến của nhiều Lạt ma và những bậc linh thánh, kể cả Guru Rinpoche, Yeshe Tsogyal, Manjushrīmitra, và Hūmkara, các linh kiến này đánh thức những giai đoạn khác nhau của trí tuệ sâu xa của ngài. Thình lình ngài nhận ra rằng điểm quy chiếu của mọi kinh nghiệm trong tâm ngài đã bị nhổ bật gốc. Ngài đã nắm được quyền thống lãnh tiến trình của những nghiệp lực của ngài. Mọi hang ổ của những hình tướng dối gạt (nghĩa là những đối tượng, trên đó tâm thức nương tựa để rèn đúc luân hồi sinh tử nhị nguyên) hoàn toàn bị sụp đổ. Nhờ sức mạnh của sự chứng ngộ tỉnh giác, ngài đã có thể nhớ lại thật rõ ràng nhiều đời trong quá khứ. Trong tâm chứng ngộ của ngài, tất cả những kinh nghiệm và linh kiến đó có bản tánh nhất như.
Nhờ những tu tập du già, ngài đã thành tựu việc kiểm soát các kinh mạch, năng lực, và tinh chất của thân kim cương của ngài. Kết quả là cổ họng của ngài mở rộng như “giáo khóa tài bảo” của giáo lý. Những kinh mạch trong thân ngài chuyển hóa thành “những đám mây chữ.” Mọi hình tướng hiện tượng biến thành những “dấu hiệu/cử chỉ của Pháp.” Lời nói (ngữ) của ngài trở thành những chứng đạo ca sâu xa. Các tác phẩm của ngài trở thành những luận thuyết tràn đầy năng lực trí tuệ vĩ đại và sự uyên bác. Một đại dương vô tận các hiện tượng có tính chất giáo lý tiếp tục nổ bùng ra bởi ngài và từ nơi ngài.
Sau đó ngài biên soạn tác phẩm quan trọng đầu tiên là
Khyentse Melong Özer Gyawa, một luận giảng về giáo khoá
Lama Gongdü.
Xuất hiện trong một linh kiến, Guru Rinpoche ban cho ngài pháp danh Pema Wangchen. Trong một linh kiến, Manjushrīmitra gia hộ cho ngài, nhờ đó ngài chứng ngộ ý nghĩa của trí tuệ tượng trưng (
mTshon Byed dPe’i Ye Shes). Về sau, ngài thay đổi những chiếc y màu nâu sẫm thành y phục đơn giản của một nhà tu khổ hạnh, những áo choàng trắng giản dị và để tóc dài không cắt.
Năm hai mươi tám tuổi, ngài khám phá sự hiển lộ phi thường của giáo khóa
Longchen Nyingthig, các giáo lý của Pháp Thân và Guru Rinpoche, như terma tâm. Tối ngày hai mươi lăm tháng mười năm Hỏa Ngưu thuộc chu kỳ Rabjung thứ mười ba (1757), ngài đi ngủ với một lòng sùng mộ vô bờ đối với Guru Rinpoche trong tim ngài. Vì không được nhìn thấy Guru Rinpoche, ngài ràn rụa nước mắt và không ngớt cầu nguyện theo hơi thở của ngài.
Ngài an trụ trong kinh nghiệm thiền định sâu xa về sự quang minh chói lọi đó (
‘Od gSal Gyi sNang Ba) trong một thời gian dài. Khi đắm chìm trong sự quang minh đó, ngài chứng nghiệm mình cưỡi trên một con sư tử trắng bay một quãng trên không trung. Cuối cùng ngài tới một con đường vòng mà ngài nghĩ là con đường để đi nhiễu của Charung Khashor, ngày nay được gọi là Bảo Tháp Bodhnath, một đài kỷ niệm Phật Giáo quan trọng thuộc kiến trúc vĩ đại ở Nepal.
Trong sân phía tây của tháp, ngài thấy Pháp Thân xuất hiện trong thân tướng của một dākinī trí tuệ. Bà giao cho ngài một cái tráp bằng gỗ tuyệt đẹp và nói:
Đối với các đệ tử có tâm thức thanh tịnh, Ngài là Trisong Detsen. Đối với các đệ tử có tâm thức bất tịnh, Ngài là Senge Repa. Đây là kho tàng tâm của Samantabhadra (Phổ Hiền), Những chữ viết tượng trưng của Rigdzin Padmasambhava, và Những kho tàng bí mật vĩ đại của các dākinī. Các dấu hiệu đã kết thúc! Vị dākinī biến mất. Với một kinh nghiệm vô cùng hỉ lạc, ngài mở cái tráp. Trong đó ngài tìm thấy năm ống giấy cuộn màu vàng với bảy hột pha lê. Trước tiên, chữ viết khó đọc, nhưng sau đó nó biến thành chữ Tây Tạng. Một trong những cuộn này là
Dug-ngal Rangtröl, Sādhana của Đức Avalokiteshvara, và cuộn khác là
Nechang Thukkyi Drombu, cẩm nang tiên tri của
Longchen Nyingthig. Rāhula, một trong những vị Hộ Pháp, hiện ra trước ngài tỏ lòng tôn kính. Khi ngài được dākinī khác khuyến khích, Jigme Lingpa nuốt tất cả các cuộn giấy vàng và những hột pha lê. Ngay lập tức, ngài có kinh nghiệm đáng kinh ngạc rằng toàn thể các chữ trong giáo khoá
Longchen Nyingthig cùng các ý nghĩa của nó được đánh thức trong tâm ngài như thể chúng được in lên đó. Ngay cả khi đã dứt kinh nghiệm thiền định đó, ngài vẫn an trụ trong sự chứng ngộ giác tánh nội tại, sự hợp nhất vĩ đại của đại lạc và tánh Không.
Như vậy, giáo lý
Longchen Nyingthig và sự chứng ngộ, là những gì được Guru Rinpoche trao phó và cất giấu trong ngài nhiều thế kỷ trước, đã được đánh thức, và ngài đã trở thành một tertön, người khám phá giáo khóa
Longchen Nyingthig. Ngài lần lượt chép lại giáo lý
Longchen Nyingthig, bắt đầu bằng
Nechang Thukkyi Drombu.
Ngài giữ bí mật mọi giáo lý ngài đã khám phá trong bảy năm vì chưa đến lúc giảng dạy cho người khác. Đối với một tertön, đó cũng là điều cốt yếu vì trước tiên bản thân ngài phải thực hành giáo lý.
Mặc dù đang duy trì cuộc sống của một yogī ẩn mật nhưng bởi ngài đã toàn thiện năng lực của bốn hoạt động mà không cần phải dụng công, những người sống quanh ngài đã phát triển lòng tôn kính và tin tưởng một cách tự nhiên đối với ngài, và ngài trở thành một suối nguồn lợi lạc cho nhiều người.
Năm ba mươi mốt tuổi, ngài bắt đầu thực hiện cuộc nhập thất ba năm lần thứ hai tại Chimphu gần Samye. Trước tiên ngài bắt đầu nhập thất trong một hang động được gọi là động Nyang Thượng. Sau đó ngài khám phá hang động khác và nhận ra nó chính là động Sangchen Metok hay động Nyang Hạ, nơi Vua Trisong Detsen đã nhận giáo lý Nyingthig từ Nyang và đã thiền định về các giáo lý đó. Trong thời gian còn lại của cuộc nhập thất, ngài sống tại động Sangchen.
Trong cuộc nhập thất tại Chimphu, sự chứng ngộ tối cao về Đại Viên mãn thức tỉnh trong Jigme Lingpa, và thức giác đó có được là nhờ ba linh kiến thanh tịnh về thân trí tuệ của Longchen Rabjam (1308-1363), Pháp Thân trong sự hiển lộ thuần tịnh. Trong động Nyang Thượng ngài có linh kiến đầu tiên, trong đó ngài nhận sự gia hộ của thân kim cương của Longchen Rabjam. Jigme Lingpa nhận được sự truyền dạy về ngôn từ lẫn ý nghĩa của giáo lý của Longchen Rabjam. Sau khi di chuyển tới Sangchen Phuk (Động Đại Linh Thánh), ngài có linh kiến thứ hai và thứ ba. Trong linh kiến thứ hai ngài nhận sự gia hộ về ngữ của Longchen Rabjam, nhờ đó ngài xiển dương và truyền bá giáo lý sâu xa của Longchen Rabjam như người đại diện của vị Thầy này. Trong linh kiến thứ ba Jigme Lingpa nhận sự gia hộ của tâm trí tuệ của Longchen Rabjam, nó đánh thức hoặc trao truyền cho ngài năng lực không thể diễn bày của sự tỉnh thức giác ngộ nội tại của Longchen Rabjam.
Vì không có mục tiêu (điểm quy chiếu) khách quan nào nên giờ đây đối với Jigme Lingpa mọi sự xuất hiện bên ngoài trở nên vô cùng rộng lớn. Không có sự thiền định hay trạng thái thiền định riêng biệt nào để theo đuổi. Bởi không có mục tiêu chủ quan nào trong thâm tâm ngài nên tất cả trở nên giải thoát một cách tự nhiên và hoàn toàn mở trống trong sự nhất như. Ngài biên soạn Künkhyen Zhallung và một vài tác phẩm khác là chân nghĩa của
Bảy Kho tàng của Longchen Rabjam, chúng thức giấc trong tâm trí tuệ của ngài. Ngài đã biểu lộ năng lực trí tuệ trong các bài ca kim cương cho những người bạn ẩn sĩ sùng tín của ngài, liên quan tới những tình huống khác nhau:
Bản tánh của tâm giống như không gian rộng lớn,
Nhưng nó siêu việt, bởi nó sở hữu trí tuệ.
Quang minh chói ngời như mặt trời và mặt trăng,
Nhưng nó siêu việt, bởi không có chất thể.
Giác tánh nội tại như một quả cầu pha lê,
Nhưng nó siêu việt, bởi không có những chướng ngại hay ngăn che. Và:
Nam tử, tâm đang ngắm nhìn tâm
Không phải là sự tỉnh giác của bản tánh bẩm sinh.
Vì thế, trong tâm hiện tại, không có những chỉnh sửa và
Những lay động, hãy chỉ an trụ tự nhiên.
Nam tử, sự hiểu biết (bất kỳ điều gì) với những hồi ức của con
Không có những thiện xảo cốt yếu của sự thiền định.
Vì thế, trong trạng thái tự nhiên và tươi mới của sự tỉnh giác nội tại,
Hãy an trụ không chút bám níu.
Nam tử, người ta nghĩ rằng sự an trụ (nhất tâm) (của tâm) là thiền định,
Nhưng nó thiếu sự hợp nhất của sự an định và nội quán.
Vì thế, không lấy và bỏ những an trụ hay những phóng chiếu của tâm,
Hãy để sự tỉnh giác nội tại an trụ tự do không có bất kỳ điểm quy chiếu nào.
Và:
Nam tử, sự quán tưởng thô cứng, rõ ràng và vững chắc
Không phải là Mahāyoga toàn hảo.
Tan hòa tâm bám níu nơi mặt và tay của các Bổn Tôn, hãy an trụ trong cái bao la rộng lớn,
Đại Viên Mãn của tính chất nhất thể của giác tánh nội tại và tánh Không.
Nam tử, sự bám níu vào những kinh nghiệm của bốn hỷ lạc
Không phải là Anuyoga toàn hảo.
Khi tâm và năng lực đã nhập vào kinh mạch trung ương,
Hãy an trụ trong (sự hợp nhất của) đại lạc và tánh Không, sự đại giải thoát khỏi các niệm tưởng..
Nam tử, chỉ hiểu biết về sự thành tựu tự nhiên của ba thân,
Thì không phải là Atiyoga tối hậu.
Trong bản tánh của nội quán chuỗi-kim cương,
Hãy để lầm lạc của sự phân tích trong tâm sụp đổ. Và:
Bệnh tật là những cây chổi quét sạch những ác hạnh của con,
Coi bệnh tật như những vị Thầy, hãy khẩn cầu chúng..
Bệnh tật đang đến với con nhờ thiện tâm của các vị Thầy và Tam Bảo.
Bệnh tật là những thành tựu của con, vì thế hãy tôn thờ chúng như các Bổn Tôn.
Bệnh tật là những dấu hiệu cho thấy nghiệp xấu của con đang bị cạn kiệt.
Đừng nhìn vào mặt bệnh tật của con, nhưng nhìn vào kẻ (tâm) đang bệnh.
Đừng đặt bệnh tật trên tâm con, nhưng hãy đặt giác tánh nội tại trần trụi của con trên bệnh tật.
Đây là giáo huấn về bệnh tật xuất hiện như Pháp Thân.
Thân xác thì vô tri và tâm là tánh Không.
Cái gì có thể khiến một vật vô tri đau đớn hay làm hại tánh Không?
Hãy tìm xem bệnh tật từ đâu tới, chúng đi đâu, và chúng an trụ ở đâu.
Bệnh tật chỉ là những phóng chiếu bất ngờ của những niệm tưởng của con.
Khi những niệm tưởng ấy tan biến, bệnh tật cũng biến mất..
Để đốt cháy các nghiệp xấu thì không có nhiên liệu nào tốt hơn bệnh tật.
Đừng dính mắc vào một tâm thức buồn bã hay những quan điểm tiêu cực về bệnh tật,
Mà hãy nhìn chúng như những dấu hiệu cảnh báo cho các nghiệp xấu của con, và hãy hoan hỉ vì chúng. Sau đó ngài nhận những truyền dạy
Mười bảy Tantra Nyingthig, Vima Nyingthig, Lama Yangtig, và một vài sự truyền dạy và giáo lý Nyingma khác từ Drubwang Ogyen Palgön (Shrīnatha) của Tu viện Mindroling, cũng là người có họ xa với Jigme Lingpa. Lúc đầu ngài cũng nhận những truyền dạy các giáo lý Nyingthig và các tác phẩm của Longchen Rabjam từ Thangdrokpa và Neten Künzang. Tuy nhiên, dòng truyền dạy ngắn và tuyệt đối của các giáo lý Nyingma tối hậu đến với ngài trực tiếp từ Longchen Rabjam trong ba linh kiến thanh tịnh.
Khi ngài ra khỏi thất, ngài nhận ra rằng thân thể ngài hoàn toàn suy kiệt do thiếu thực phẩm và y phục thích hợp trong những năm sống trong hang động. Ngài viết:
Bởi thực phẩm ít ỏi và phải sống trong một môi trường khắc nghiệt, tất cả những gì còn sót lại của những ác nghiệp và các món nợ nghiệp trong những đời trước của tôi bắt đầu thuần thục trên thân thể tôi. Bởi những chất dịch của khí (rlung), lưng tôi đau đớn như thể bị đánh bằng một hòn đá. Là một hậu quả của việc khí huyết dấy động, ngực tôi đau đớn như thể bị đóng đinh vào người. Thân tôi rất nặng nề, chân bị sưng tấy lên bởi bệnh phù chân voi. Như một ông già trăm tuổi, năng lực thể xác của tôi hoàn toàn suy kiệt. Tôi không thấy thèm ăn.. Chỉ đi ba bước là thân tôi đã bắt đầu nghiêng ngả. Nhưng tôi nghĩ: “Nếu tôi chết, tôi sẽ hoàn thành lời khuyên dạy của những bậc Thầy lúc ban đầu, các ngài nói: ‘Hãy giao phó tâm con cho Pháp. Hãy giao phó việc thực hành Pháp của con cho cuộc đời của một kẻ hành khất.’” Vì tôi đã đạt được xác quyết trong sự chứng ngộ Đại Viên mãn, ngay cả một niệm lo lắng cũng không hiện diện trong tâm tôi, nhưng trong tôi khơi dậy một lòng bi mẫn lớn lao đối với những người đang đau khổ bởi tuổi già và bệnh tật.
Sau đó ngài có một linh kiến thanh tịnh về Thangtong Gyalpo, một hiền giả của sự trường thọ, và đối với Jigme Lingpa mọi sự việc tan hòa vào sự hợp nhất của đại lạc và tánh Không. Do đó, ngài ngợi ca năng lực chứng ngộ của ngài trong những lời sau:
Con cúi lạy đấng Hiền giả Vĩ đại Thangtong Gyalpo! Tôi đã chứng ngộ tuyệt đỉnh của những cái thấy (kiến), Dzogpa Chenpo Ở đó không có gì để thiền định, vì mọi sự được giải thoát như cái thấy. Tôi đã phất lá cờ thiền định, vua của các hoạt động (hành). Giờ đây, tôi, kẻ hành khất, không có gì phải ăn năn, cho dù tôi phải chết.. Tôi, kẻ hành khất, kẻ biết “cách chuyển hóa bệnh tật thành con đường,” Khi quán tưởng Đạo sư, suối nguồn của các đức hạnh, Tại luân xa hỉ lạc trên đầu tôi, Tôi thiền định về con đường sâu xa Guru Yoga. Bởi bệnh tật và khổ đau là những cây chổi quét sạch các ác nghiệp, Bởi nhận thức rằng bệnh tật là sự gia hộ của Đạo sư, Tôi thiền định về bệnh tật như Lạt ma và thọ nhận bốn quán đảnh từ chúng. Sau cùng, bởi nhận thức Lạt ma như bổn tâm tôi, Tôi giải thoát mọi sự vào chân tánh của tâm, nó thanh tịnh tự nguyên thủy và thoát khỏi bất kỳ nơi y cứ (điểm quy chiếu) nào. Ngài đã chứng ngộ khuôn mặt của Đức Phổ Hiền tối thượng, Pháp Thân, và mọi bệnh tật tan biến vào pháp giới tối hậu. Thật nhanh chóng, thân ngài cũng tràn đầy năng lực, không còn đau đớn hay gặp chướng ngại nào nữa.
Rồi đã tới lúc hiển lộ các giáo lý
Longchen Nyingthig cho các đệ tử sau bảy năm giữ ẩn mật. Mặc dù chẳng ai có chút manh mối nào về việc khám phá
Longchen Nyingthig, Đạo sư-đệ tử Kongnyön Bepe Naljor của ngài, nhờ sự thấu thị, đã khẩn cầu Jigme Lingpa truyền dạy giáo lý terma tâm của ngài. Như một điềm lành, ngài cũng chấp nhận những khẩn cầu để tiết lộ các giáo lý với những sự cúng dường của ba tülku quan trọng ở Nam Tây Tạng.
Vào ngày mồng mười tháng sáu năm Thân Mộc (1765), lần đầu tiên Jigme Lingpa ban các quán đảnh và giảng dạy giáo khóa
Longchen Nyingthig cho mười lăm đệ tử. Dần dần nhưng nhanh chóng, các giáo lý
Longchen Nyingthig đi tới mọi ngóc ngách của thế giới Nyingma và cho tới ngày nay đã trở thành tâm yếu của các giáo huấn thiền định cho nhiều thiền giả chứng ngộ và những nghi lễ.
Năm ba mươi bốn tuổi, từ Chimphu, Jigme Lingpa đi tới Tsering Jong, Xứ Trường Thọ trong Thung lũng Tönkhar miền Nam Tây Tạng. Ở đó, với sự bảo trợ của dòng họ Depa Pushü, ngài xây một ẩn thất với một học viện thiền định và đặt tên nó là Tharpa Chenpö Trongkhyer Pema O Ling, Hoa viên Nguyệt Quang của Kinh thành Đại Giải thoát. Ngài không muốn có một kiến trúc đồ sộ bị ràng buộc vào thể chế và thường xuyên trích dẫn
Ba mươi Lời Khuyên Trọng yếu của Longchen Rabjam, như cẩm nang của ngài:
Tập hợp nhiều người đồng sự bằng những phương tiện khác nhau,
Sở hữu một tu viện với những tiện nghi thoải mái-
Nếu các con cố gắng, điều ấy sẽ xảy tới trong một thời gian, nhưng nó làm xao lãng tâm.
Vì thế lời khuyên tâm huyết của ta là hãy ở một mình.
Tsering Jong trở thành trụ xứ của Jigme Lingpa trong phần còn lại của đời ngài. Một dòng các đệ tử vĩ đại đi tới ẩn thất vô cùng đơn sơ này để nhận những giáo lý và truyền dạy sâu xa như cam lồ từ Rigdzin Jigme Lingpa, Đạo sư vĩ đại nhất của Đại Viên mãn, nhưng sau đó các đệ tử trở về bản xứ của họ để chia sẻ giáo lý cho những người khác. Vì thế Tsering Jong vẫn là một ẩn thất đơn sơ và Jigme Lingpa vẫn là một ẩn sĩ khiêm tốn.
Ngài không quan tâm tới của cải hay quyền hành và sử dụng mọi vật cúng dường cho ngài vào các mục đích tôn giáo. Suốt đời ngài, ngài cũng tích cực chuộc lại mạng sống của thú vật từ tay những thợ săn và đồ tể. Ngài nói:
Ta không quan tâm tới bất kỳ hoạt động nghề nghiệp hay thu hoạch nào.
Ta không lang thang cử hành các nghi lễ trong những phố thị (để có những tặng vật).
Ta không giữ bên mình hơn mười khal lúa mạch (như phương tiện sinh sống).
Chừng nào ta còn sống, ta nguyện tiếp tục cuộc đời khổ hạnh này. Đã có một thời sau thời đại của Jigme Lingpa, ẩn thất Tsering Jong trở thành một nữ tu viện, và nó vẫn tồn tại như thế cho tới khoảng năm 1959, khi mọi sự bị biến hoại trong cuộc biến động chính trị. Từ đầu thập niên 1980, một lần nữa Tsering Jong được tái lập thành một nữ tu viện.
Tánh khí của Jigme Lingpa sâu sắc, mạnh mẽ, và thẳng thắn, nhưng ngài cũng mẫn cảm, đơn giản và dễ gần gũi. Ngài viết:
Tri giác của tôi trở nên tương tự như tri giác của một đứa trẻ. Thậm chí tôi vui thích khi chơi đùa với trẻ con. Khi gặp những người có khiếm khuyết nặng nề, tôi ném vào mặt họ những lỗi lầm riêng tư của họ, cho dù họ là những nhà lãnh đạo tâm linh khả kính hay nhà bảo trợ Giáo Pháp hào phóng..Trong mọi việc như ngồi, đi, ngủ, hay ăn uống, tôi giữ gìn tâm tôi không bao giờ tách lìa sự chói ngời của bản tánh tối hậu. Nếu đó là việc phụng sự Giáo Pháp, tôi hiến mình cho sự toàn thiện của Pháp, cho dù điều đó được coi là bất khả.
Năm bốn mươi ba tuổi, ngài thâu thập và ủy thác việc sao chép các Tantra Nyingma trong hai mươi lăm pho sách, và sáng tác
Lịch sử các Tantra Nyingma. Sau này, theo lời khuyên của Jigme Lingpa và Dodrupchen, nhà vua và hoàng hậu nhiếp chính xứ Dege đã đặt làm những bản khắc gỗ tuyển tập Tantra Nyingma của ngài, và hiện nay những bản khắc này vẫn còn được dùng để in ấn.
Năm năm mươi bảy tuổi, theo lời mời của Sakya Trichen là Ngawang Palden Chökyong, ngài tới Sakya và ban các giáo lý cùng sự truyền dạy cho Trichen, anh của vị Thầy này, và Ānanda Shrībhava, vị khenchen (đại tu viện trưởng, đại học giả) an trụ ở Sakya, và nhiều người khác.
Khi ngài từ Sakya trở về, Lạt ma Sönam Chöden mà sau này được gọi là Dodrupchen (1745–1821) từ xứ Kham đến nhận giáo lý nơi ngài. Dodrupchen coi ngài như Thangtong Gyalpo, ngược lại Jigme Lingpa xác nhận Dodrupchen là tülku của Lhase Murum Tsepo và ban cho vị này pháp danh Jigme Thrinle Özer. Qua Dodrupchen, Dzogchen Rinpoche đệ tam và vua xứ Dege gửi sứ giả mời ngài tới Kham, nhưng ngài từ chối vì lý do tuổi tác và sức khỏe, cũng như bởi ngài quan tâm tới nỗi nhọc nhằn của những con ngựa trong cuộc hành trình gian khổ.
Barchung Gomchen Rigdzin và Mange Pema Künzang từ Kham tới nhận giáo lý và sự truyền dạy. Về sau Pema Kunzang trở thành Jigme Gyalwe Nyuku (1765–1843), một đệ tử nổi tiếng của Jigme Lingpa. Trong khi Rigdzin và Pema Künzang ở Lhasa, trước khi các ngài tới Tsering Jong, có kẻ lấy cắp một miếng bạc là vật duy nhất mà các ngài có để sinh sống và chi dụng trong cuộc du hành. Jigme Lingpa viết một bài thơ để an ủi các ngài:
Nếu các ông biết cách đem đau khổ vào con đường của vị bình đẳng,
Mọi hoàn cảnh bất hạnh sẽ xuất hiện như sự hỗ trợ cho các đức hạnh.
Vì thế hãy tự chế việc nuôi dưỡng những quan điểm đối nghịch.
Nếu các ông thực hành như ta giảng dạy,
Tâm các ông và tâm ta sẽ hợp nhất làm một.
Sự chứng ngộ siêu vượt mọi khái niệm sẽ sinh khởi, và
Các ông sẽ an trú trong bản tánh bao la của Pháp Thân, trong đó không có sự nhị nguyên.
Cầu mong ước nguyện của các ông được hoàn thành. Năm 1788, khi ngài sáu mươi tuổi, Jigme Lingpa ban các giáo lý và sự truyền dạy cho vua và hoàng hậu xứ Dege tại Samye. Họ trở thành những người sùng mộ của ngài và hoàng hậu trở thành một trong những nhà bảo trợ chính.
Năm sáu mươi hai tuổi, theo khẩn cầu của Göntse Tülku, ngài viếng thăm Göntse Gönpa xứ Tsona ở Mön và ban giáo lý cùng các sự truyền dạy.
Vào lúc này, Jigme Lingpa có một bệnh về mắt. Dodrupchen phải nhân danh ngài trao truyền bản văn (lung) cho các đệ tử kể cả Götsang Tülku Jigme Tenpe Gyaltsen. Họ phái Jigme Gyalwe Nyuku đi mời một thầy thuốc, vị này đã thực hiện thành công một cuộc giải phẫu.
Năm ngài sáu mươi ba tuổi (1791), quân đội Nepal tấn công miền Tây Tây Tạng và nhiều người phải chịu đau khổ. Jigme Lingpa cử hành nhiều buổi lễ và gởi phẩm vật cúng dường tới nhiều ngôi chùa để cầu xin hòa bình và sự bảo hộ.
Năm sáu mươi lăm tuổi, Ngài và vị phối ngẫu là Gyalyum Drölkar ở trụ xứ của Depa Pushü, có một con trai tên là Gyalse Nyinche Özer (1793-?).
Jigme Lingpa không thể nhận nhiều lời mời thỉnh. Tuy nhiên, nhờ Gyantse ngài đi tới Tu viện Thekchok Chöling ở Tsang và ban các giáo lý cùng các sự truyền dạy cho nhiều đệ tử mà đứng đầu là Khenpo Ogyen Palgön, và ở nhiều địa điểm trên đường đi. Tu viện này đã tu tập theo dòng
Longchen Nyingthig. Ở Tu viện Dorje Trak, Ngài ban một loạt giáo lý và truyền dạy cho Rigdzin Chenmo và những vị khác.
Ngài nhận những thư khẩn cầu và vật cúng dường từ vua Mông Cổ Chögyal Ngawang Dargye (1759–1807), một đệ tử của Dodrupchen và Đạo sư của Zhapkar Tsoktruk Rangtröl (1781–1851).
Trong khi đó, dựa trên sự giao thiệp giữa vị Dzogchen Rinpoche cuối cùng và Jigme Lingpa, các Lạt ma của Tu viện Dzogchen thiết tha hỏi xem con trai của ngài có thể là tülku (tái sinh) của Dzogchen Rinpoche thứ ba hay không, nhưng Jigme Lingpa không biểu lộ bất kỳ dấu hiệu nào là việc này có thể xảy ra. Chính Gyalse đã nhớ lại đời quá khứ của mình và cứ nói: “Tôi thuộc về Drikung,” từ khi còn nhỏ. Sau đó Sakya Trichen xác nhận cậu bé là tái sinh của Chökyi Nyima (1755–1792), vị Chungtsang thứ tư, một trong hai vị lãnh đạo của truyền thống Drikung Kagyü.
Năm sáu mươi chín tuổi, với nghi lễ long trọng, tráng lệ do các tín đồ Drikung tổ chức, Jigme Lingpa cùng con trai du hành tới Drikung để dự lễ tôn phong cho người con. Đó là một cơ hội hi hữu để mọi người ở những nơi khác nhau dọc theo con đường được nhìn thấy và nghe ngài, bậc Đạo sư vĩ đại. Nhưng vì phải du hành dài ngày và liên tục thực hiện các Phật sự, Đạo sư già yếu đã suy kiệt thể xác. Chẳng bao lâu, do thay đổi nước và môi trường, ngài ngã bệnh trầm trọng, và có lúc mọi người đã không còn hy vọng ngài có thể hồi phục. Rồi thật bất ngờ, từ thánh địa Yama Lung một đệ tử của ngài đem về một viên thuốc Tây Tạng được gọi là
karpo chikthup, và sau khi uống thuốc Ngài hồi phục một cách kỳ diệu và thậm chí còn tươi trẻ hơn trước, giống như một người mới.
Năm bảy mươi tuổi, từ Drikung ngài trở về Tsering Jong, dừng lại ở rất nhiều thánh địa trên đường và cử hành các buổi lễ, cúng dường, và ban các giáo lý. Sức khỏe có vẻ khả quan nhưng ngài ít quan tâm tới việc ăn và ngủ. Ngày lẫn đêm, ngài vẫn an tọa trong tư thế Tỳ Lô Giá Na hay tư thế hiền giả. Đôi mắt ngài không chớp. Ngài nói rằng ngài còn sống là nhờ làm chủ được sinh lực của mình. Nhiều lần, ngài nói bóng gió rằng chẳng bao lâu nữa ngài sẽ mất. Nhưng khi các đệ tử trở nên bấn loạn lo buồn thì ngài thay đổi đề tài hoặc đôi khi còn nói: “Ồ, sẽ không có gì nguy hiểm cho tánh mạng của ta đâu.” Ngài nói riêng với một đệ tử thân tín rằng ngài sắp chết và sẽ tái sinh, nhưng không cần phải tìm kiếm hóa thân mới của ngài. Ngài bảo họ nên tổ chức một tang lễ đơn giản và bằng cách giảng những cách thức thực hiện, ngài gợi ý rằng họ nên bảo quản thi hài. Khi các đệ tử tỏ ý muốn mời một y sĩ, Ngài nói: “Ừ! Nếu muốn thì các con có thể mời; nhưng ta không có bệnh thì y sĩ chữa trị cái gì? Dầu sao chăng nữa cũng đừng mời y sĩ ở phương xa tới, điều đó chỉ gây thêm nhọc mệt cho người và thú.”
Thật điềm tĩnh, ngài vẫn chăm sóc mọi người và ban gia hộ cùng các giáo lý khi được yêu cầu. Trong nhiều ngày, mưa hoa rơi xuống quanh trụ xứ của ngài và liên tiếp xảy ra các trận động đất nhẹ. Một hôm ngài di chuyển tới Namtröl Tse, ẩn thất mới ở trên cao, và tỏ ra hết sức vui thích được ở đó. Ngài tiếp vài người khách và ban giáo lý.
Ngay ngày hôm sau, ngày mồng ba tháng chín năm Thổ Ngọ (1798), ngài ban một giáo lý về thiền định Tārā Trắng. Từ sáng sớm, một mùi hương đậm đà và ngọt ngào tràn ngập toàn bộ ẩn thất. Bầu trời thật trong trẻo và không một chút gió nhưng từ bầu trời xanh, một trận mưa dịu lắc rắc liên tục. Mọi người kinh ngạc nhưng lo âu. Sau đó, khi màn đêm buông xuống, ngài yêu cầu sắp các món cúng dường mới lên bàn thờ. Khi ngài an tọa trong tư thế hiền giả, mọi hiển lộ của ngài tan hòa trong bản tánh nguyên sơ.
Các đệ tử của ngài khám phá hai di chúc khác nhau được cất dấu ở hai nơi riêng biệt. Chúng bao gồm các giáo lý thiền định cho các đệ tử và những chỉ dẫn về tang lễ và hóa thân của ngài. Một trong hai di chúc có những dòng sau:
Ta luôn luôn ở trong trạng thái tối hậu;
Đối với ta không có đi hay ở.
Cuộc phô diễn của sinh và tử chỉ là tương đối.
Ta giác ngộ trong sự giải thoát nguyên sơ vĩ đại! Vài tháng sau tang lễ, tại Tsering Jong và nhiều tu viện và đền thờ ở miền Trung và miền Đông Tây Tạng và Bhutan, di hài của ngài được đặt trong một stüpa (tháp) nhỏ bằng vàng ở ẩn thất Tsering Jong, và nó được giữ gìn ở đó cho tới khi ni viện Tsering Jong bị phá hủy hai thập niên trước.
Sau khi ngài thị tịch, các hóa thân nổi tiếng của ngài gồm: Do Khyentse Yeshe Dorje (1800–1866), được coi là hóa thân về thân của ngài, Paltrül Rinpoche (1808–1887), hóa thân về ngữ; và Jamyang Khyentse Wangpo (1820–1892), hóa thân về tâm.
Jigme Lingpa viết năm pho sách gồm các luận thuyết sáng tác và các bản văn terma được khám phá. Các tác phẩm nổi tiếng trong số đó là
Longchen Nyingthig, một tuyển tập các giáo huấn thiền định và bản văn nghi lễ trong hai (hay ba) quyển, chúng được khám phá như các giáo lý terma;
Phurba Gyüluk, một quyển sách về nghi lễ Vajrakīla, được coi là terma và Kinh điển;
Yönten Rinpoche Dzö với tự thuật gồm hai quyển, tác phẩm uyên áo nổi tiếng nhất của ngài; và
Yeshe Lama, tác phẩm trở thành cẩm nang bao quát nhất về thiền định Dzogpa Chenpo trong truyền thống Nyingma.
Longchen Nyingthig vẫn tồn tại như một truyền thống terma quan trọng, và với các tác phẩm uyên áo của ngài, dòng truyền thừa của Jigme Lingpa trở thành một trong những phụ phái phổ biến nhất của truyền thống Nyingma cho tới ngày nay. Trong dòng
Longchen Nyingthig, tất cả các đệ tử và đại đệ tử đều là những đại hành giả lão luyện, như chính Jigme Lingpa đã tiên đoán:
Trong dòng truyền thừa Nyingthig Quang minh Chói lọi của ta, sẽ xuất hiện những đứa con (đệ tử) vĩ đại hơn cha và những đứa cháu vĩ đại hơn ông của họ.
Trong số những đại đệ tử của ngài, những người chính yếu đã được Guru Rinpoche tiên đoán trong
Nechang Thukkyi Drombu, cẩm nang tiên tri của
Longchen Nyingthig:
Nhờ những hóa thân của Namkhe Nyingpo, Nyang, Chok-yang, Và Hoàng tử Linh thánh, cánh cửa của các giáo lý sẽ được mở ra. Các đệ tử là Nyangtön Trati Ngakchang Rikpe Dorje (còn gọi là Kong-nyön Bepe Naljor), hóa thân của Namkhe Nyingpo; Lopön Jigme Küntröl xứ Bhutan, hóa thân của Nyang Tingdzin Zangpo; Thekchen Lingpa Drotön Tharchin (
Dri Med Gling Pa, 1700-1776), hóa thân của Ngenlam Gyalwa Chok-yang; và Dodrupchen Jigme Thrinle Özer, hóa thân của Hoàng tử Murum Tsepo. Thekchen Lingpa, Thangdrokpa, và Trati Ngakchang vừa là Thầy vừa là đệ tử của Jigme Lingpa.
Trong số các đệ tử của ngài, những Đạo sư có ảnh hưởng nhất trong việc truyền bá giáo lý
Longchen Nyingthig là: Jigme Thrinle Özer (1745-1821) - Dodrupchen đệ nhất – là vị Hộ trì Giáo lý chính yếu (
rTsa Ba’i Ch’os bDag) của
Longchen Nyingthig. Dodrupchen đã xây dựng ba tu viện: Drodön Künkhyap Ling tại Shukchen Tago ở Thung lũng Do, và Yarlung Pemakö trong Thung lũng Ser. Jigme Gyalwe Nyuku ở Kham Dzachukha vẫn ở tại ẩn thất Tramalung trong nhiều năm và về sau di chuyển tới nơi ẩn tu Dzagya. Jigme Küntröl xứ Bhutan xây dựng Tu viện Dungsam Yonglha Tengye Riwo Palbar Ling ở miền Đông Bhutan. Ngày nay nó được gọi là Yongla Gön ở phía dưới Quận Pema Gatsal, miền Đông Bhutan. Danh hiệu của những đệ tử chính yếu khác của Jigme Lingpa được liệt kê trong cây truyền thừa (ở cuối sách).
Trong số những nhà bảo trợ chính của ngài có Depa Pushü đã bảo trợ việc xây dựng ẩn thất của ngài tại Tsering Jong, nhà vua và đặc biệt là Hoàng hậu Tsewang Lhamo xứ Dege, là người được tiên tri là hóa thân của Phokyongza Gyalmotsün, Hoàng hậu của Vua Trisong Detsen, đã đặt làm những bản khắc gỗ của các
Tantra Cổ (
rNying Ma rGyud ‘Bum ), nhiều pho sách của Longchen Rabjam, và chín quyển sách của Jigme Lingpa. Ngoài ra còn có Tatsak Tenpe Gönpo (mất năm 1810), nhiếp chính của Tây Tạng, và Karmapa thứ mười ba Düdül Dorje (1733-1797), vị này rất tôn kính ngài khi tham vấn qua thư từ.
Mặc dù các đệ tử là thành phần lỗi lạc của xã hội Tây Tạng đã quây quần chung quanh Jigme Lingpa, ngài chỉ quan tâm tới việc tìm những vị hộ trì dòng truyền thừa thực sự, là những người hầu như xuất thân từ tầng lớp xã hội bình thường. Nhắc tới những Đạo sư trong quá khứ, ngài biểu lộ quan điểm:
Có một kẻ hành khất duy nhất có thể hộ trì dòng truyền thừa thì tốt hơn là có một ngàn người lỗi lạc như các đệ tử của ông.
Cuộc đời của Jigme Lingpa có vô số những điều huyền diệu, nhưng ngài dấu kín năng lực huyền bí của mình và sống một cuộc đời hết sức đơn giản. Ngài là một học giả bẩm sinh không tu hành những giới luật truyền thống, nhưng mọi sự biểu lộ của ngài được chuyển hóa thành các giáo lý và mọi hoạt động là để phục vụ cho người khác. Ngài sống ẩn dật như một ẩn sĩ ở một nơi hiu quạnh tại Tsering Jong, nhưng ánh sáng trí tuệ của ngài đã vươn tới tận mọi ngóc ngách của thế giới Phật giáo của phái Nyingma, và nó vẫn còn sáng ngời trong nhiều trái tim rộng mở khắp thế giới. Ngài ra đời với những dấu hiệu tốt lành trên thân, một chữ ĀH trên răng, một chữ HYA nơi ngón tay cái, một hình dạng vajra (chày kim cương) nơi tim, và hình một chuông nghi lễ tại rốn. Ngài có những linh kiến về các vị Phật, Bổn Tôn, những Đạo sư dòng truyền thừa, và đã nhận những giáo lý và gia hộ do sự trao truyền. Răng và tóc của ngài biến thành xá lợi như dấu hiệu của việc ngài đã đạt được những thành tựu Đại Viên mãn cao cấp. Ảnh hưởng quan trọng nhất mà ngài để lại cho chúng ta là những ngôn từ của Pháp Thân, chân lý tối hậu trong hình thức những tác phẩm và những giáo lý được khám phá (terma) của ngài.