B. Chương IV - VIII
Chương IV: Prahevajra (Garab Dorje)
PRAHEVAJRA (dGa’ Rab rDo rJe) là một Nirmānakāya (Hóa thân), thân hiển lộ của Đức Phật xuất hiện như Đạo sư Đại Viên mãn đầu tiên trong loài người. Theo những nguồn mạch của Đại Viên mãn, Prahevajra sinh làm con gái của Vua xứ Oddiyāna. Theo một vài học giả thì Oddiyāna ở khu vực quanh Thung lũng Swat mà hiện nay là Pakistan. Oddiyāna là suối nguồn quan trọng nhất của các giáo lý Phật giáo, hay tantra (Mật điển) bí truyền. Nó là một địa điểm đầy năng lực và là xứ sở của các dākinī, nhiều tài nguyên thiên nhiên, rừng rậm và dã thú. Tại Oddiyāna cũng có một ngôi chùa tráng lệ tên là Deche Tsekpa (Vô số Hỉ lạc) có 6.108 ngôi chùa nhỏ bao quanh. Tất cả đều rất hưng thịnh.
Cách đó không xa lắm, trên một hòn đảo có cát vàng bao phủ, một sư cô tên là Sudharmā, con gái của Vua Uparāja và Hoàng hậu Ālokabhāsvati (Bậc Chiếu sáng) xứ Oddiyāna đang thiền định trong một túp lều cỏ đơn sơ với một thị giả tên là Sukhasāravati (Trái tim Hỉ lạc). Một đêm, sư cô có một giấc mơ trong đó một người đàn ông tinh khiết với nước da trắng xuất hiện và đặt một bình pha lê lên đầu cô ba lần. Chiếc bình có tô điểm năm chữ tượng trưng cho năm vị Phật và phát ra những tia sáng, và cô có thể nhìn thấy ba cõi thật rõ ràng.
Sau giấc mơ, vào ngày mồng mười, sư cô sinh ra một cậu con trai tô điểm những dấu hiệu kiết tường. Đứa trẻ này là tái sinh của Adhichitta, một hiển lộ của Vajrasattva (Kim Cương Tát Đỏa), đấng xuất hiện trong cõi trời để truyền bá Đại Viên mãn ở đó. Sư cô hoảng sợ và xấu hổ. “Đứa trẻ không cha này chính là một tinh linh xấu ác!” cô la lên và ném nó vào một hố tro, mặc dù cô thị giả, là người có những phẩm tính tốt lành, đã cảnh báo sư cô rằng đứa trẻ là một hiển lộ giác ngộ. Vào lúc đó, người ta nghe thấy những âm thanh kỳ diệu, và những tia sáng xuất hiện. Ba đêm sau đó, sư cô tìm lại được đứa bé, nó bình yên vô sự. Cô nhận ra rằng đứa bé là một hiển lộ giác ngộ, và cô đưa nó về nhà, quấn nó trong một miếng lụa trắng và tắm cho nó. Vào lúc đó, các dākinī và hiền nhân ca ngợi và cúng dường đứa trẻ, và từ trên không trung các vị trời tán thán:
Ồ Vị Bảo trợ, Đạo sư, Đấng Thế Tôn,
Bậc Thủ hộ của thế giới, người khám phá chân tánh,
Xin là vị bảo trợ mạnh mẽ của chúng con.
Kim cương của Pháp giới, chúng con khẩn cầu ngài.
Khi đứa trẻ lên bảy tuổi, tràn đầy năng lực trí tuệ, cậu nài nỉ mẹ cho cậu đi gặp các học giả để có thể thảo luận với họ về giáo thuyết tôn giáo. Khi được cho phép, cậu vội vã chạy tới ông của cậu là Vua Uparāja, và khẩn cầu được gặp các học giả. Cậu thảo luận với năm trăm học giả, không ai có thể đánh bại cậu. Họ đồng lòng chấp nhận cậu là một hóa thân giác ngộ và đặt bàn chân cậu lên đầu họ trong cử chỉ vô cùng tôn kính. Họ tặng cậu bé danh hiệu Prajnābhava (Bản tánh Trí tuệ). Nhà vua rất vui và tặng cho đứa trẻ danh hiêu Prahevajra (Kim cương Cực Hỷ). Cậu cũng được gọi là Vetālasukha và Rolang Thaldok (Thây ma sống lại Hỉ lạc và Thây ma sống lại màu Tro), bởi cậu đã được cứu sống từ tro tàn nơi cậu bị chôn vùi.
Sau đó ở phương bắc, trên vách đứng Núi Sūryaprakāsha (Núi Rực Nắng), trong một túp lều cỏ, Prahevajra an trụ trong thiền định cho tới khi ngài ba mươi hai tuổi. Trong chốc lát, ngài nhận những quán đảnh, giáo huấn, và phó chúc của các tantra Đại Viên mãn từ Vajrasattva và đạt được cấp độ “vô tu,” Phật quả. Trái đất rung động bảy lần, người ta nghe thấy những âm thanh từ không trung, và một trận mưa hoa đổ xuống.
Khi nghe thấy những âm thanh chiến thắng đó, một vị vua dị giáo phái người tới giết Prahevajra, nhưng họ không thể làm hại ngài, bởi thân ngài vô hình giống như những tia sáng mặt trời. Ngay sau đó Prahevajra xuất hiện trong không trung, nhà vua và các thần dân tăng trưởng niềm tin nơi ngài và trở thành những Phật tử.
Năm ba mươi hai tuổi, ngài đi đến núi Malaya. Ngài ở trên đỉnh núi ba năm và chép lại các giáo lý của chư Phật trong quá khứ và đặc biệt là 6.400.000 câu kệ của Đại Viên mãn đang hiện diện trong ký ức của ngài, với sự trợ giúp của các Dākinī Vajradhātu và Anantagunā. Sau đó ngài giao cho Khandro Ngönpar Jungwar chăm sóc giáo lý và giao trách nhiệm cho Dākinī Semden thực hiện những lễ cúng dường cho Kinh điển thiêng liêng.
Với sự phô diễn thần diệu, Prahevajra đi tới đại bảo tháp ở Shītavana, mộ địa huyền bí. Ở đó ngài ban giáo lý cho nhiều đệ tử kể cả Dākinī Suryakiranā. Trong thời gian đó, phù hợp với lời tiên tri của Đức Văn Thù, Đạo sư Manjushrīmitra tới mộ địa Shītavana và nhận những giáo lý Nyingthig từ Prahevajra trong bảy mươi lăm năm.
Theo Khandro Nyingthig và những nguồn mạch khác, Shrīsimha cũng tới mộ địa Shītavana và nhận Khandro Nyingthig và những giáo lý khác từ Prahevajra, và sau này ngài trao truyền những giáo lý đó cho Guru Padmasambhava và Vairochana.
Cuối cùng, tại nguồn con sông Danatika, thân xác của Prahevajra tan biến vào Pháp giới thuần khiết, giữa những dấu hiệu kỳ diệu như trái đất rung động, một khối vĩ đại ánh sáng cầu vồng, và những âm thanh khác nhau.
Khi Manjushrīmitra dâng những lời cầu nguyện bi thương, từ giữa một khối ánh sáng trong không trung, Prahevajra xuất hiện, và một chiếc hộp bằng vàng lớn bằng một móng tay hạ xuống bàn tay Manjushrīmitra. Chiếc hộp này có đựng di chúc của Prahevajra, tên là Ba Lời Thâm nhập điều Cốt tủy. Nó bao gồm những lời sau:
Kính lễ sự chứng ngộ điều xác quyết nơi tự tánh!
[Bản tánh của] giác tánh là thoát khỏi sự hiện hữu,
Và những xuất hiện khác nhau của những sự tự-xuất hiện thì bất tận.
Vì thế mọi vật hiện hữu có tính chất hiện tượng đang xuất hiện như cõi tịnh độ của Pháp thân,
Và mọi sự xuất hiện được giải thoát trong bản tánh [của giác tánh] tự thân.
[Cái thấy:] Sự Giới thiệu bản tánh tự thân [giác tánh của riêng ta].
[Con Đường:] Trở nên xác quyết về điểm duy nhất [của việc duy trì bản tánh tự thân].
[Kết quả:] Có sự xác quyết nơi sự giải thoát [của mọi sự vào bản tánh nguyên sơ].
Chỉ bằng cách đọc di chúc, Manjushrīmitra đã đạt được một sự chứng ngộ tương đương với sự chứng ngộ của Prahevajra.
Chương V: Manjushrīmitra
MANJUSHRĪMITRA (‘Jam dPal bShes gNyen) sinh trong một gia đình bà la môn trong thành phố Dvikrama ở hướng tây của Bodhgayā tại Ấn Độ. Thân phụ ngài là Sādhushāstrī, và thân mẫu là Pradīpālokā. Ngài trở thành một học giả của cả năm lãnh vực học thuật.
Trong một linh kiến thanh tịnh, Đức Văn Thù ban cho ngài lời tiên tri này: “Ồ nam tử của gia đình tốt lành, nếu con muốn đạt được Phật quả ngay trong đời này, hãy đi tới mộ địa Shītavana.” Manjushrīmitra tới đó và nhận giáo lý từ Prahevajra trong bảy mươi lăm năm. Prahevajra bảo ngài:
Bản tánh của tâm là Phật từ nguyên thủy.
Tâm, giống như không gian, không có sinh hay diệt.
Khi đã hoàn toàn chứng ngộ ý nghĩa của sự nhất như của mọi hiện tượng,
an trụ trong nó, không tìm kiếm, là thiền định.
Manjushrīmitra đã chứng ngộ ý nghĩa của giáo lý của Prahevajra và diễn tả sự chứng ngộ của ngài cho Prahevajra:
Con là Manjushrīmitra.
Con đã đạt được sự thành tựu Yamāntaka.
Con đã chứng ngộ sự bình đẳng vĩ đại của sinh tử và Niết bàn.
Trí tuệ nguyên sơ thấu suốt mọi sự phát khởi trong con.
Khi Prahevajra đạt được Niết bàn giữa những dấu hiệu kỳ diệu, Manjushrīmitra nhìn thấy Prahevajra trong không trung giữa một khối ánh sáng, và ngài đã thốt ra lời than thở này:
Than ôi, than ôi, than ôi! Ồ sự Bao la Rộng lớn!
Nếu ánh sáng ngọn đèn của vị Thầy bị che khuất,
Ai sẽ xua tan bóng tối của thế giới?
Từ khối ánh sáng với âm thanh của một tiếng sấm xuất hiện một hộp bằng vàng lớn bằng một móng ngón tay cái. Trên không trung chiếc hộp đi nhiễu quanh Manjushrīmitra ba lần. Sau đó nó hạ xuống lòng bàn tay phải. Khi mở hộp, ngài tìm thấy di chúc Ba Lời Thâm nhập điều Cốt tủy của Prahevajra viết bằng chất nước ma-la-chít (malachite) màu xanh dương trên một cái lá làm bằng năm chất quý báu. Chỉ nhìn thấy nó ngài đã đạt được một sự chứng ngộ tương đương với chứng ngộ của Prahevajra. Sau đó Manjushrīmitra phân loại 6.400.000 câu kệ của Dzopa Chenpo thành ba phạm trù (sDe):
1. Các giáo lý nhấn mạnh cách thức tâm “an trụ”, ngài đã phân loại là Semde
2. Các giáo lý nhấn mạnh việc thoát khỏi những nỗ lực, ngài đã phân loại là Longde
3. Các giáo lý nhấn mạnh những điểm cốt tủy, ngài đã phân loại là Me-ngagde
Manjushrīmitra phân chia Nyingthig, giáo lý phi thường nhất của Me-ngagde thành hai nhóm:
1. Những giáo lý khẩu truyền (sNyan rGyud)
2. Các tantra có tính cách giải thích (bShad rGyud)
Ngài đã ghi lại những giáo lý khẩu truyền. Nhưng đối với những tantra có tính cách giải thích, ngài không tìm được đệ tử xứng đáng để có thể truyền những giáo lý này, vì thế ngài cất dấu chúng trong một tảng đá mòn được đánh dấu bằng một chày kim cương đôi (xếp chéo) ở phía bắc Bodhgayā.
Ngài trải qua một trăm lẻ chín năm tại mộ địa Sosadvīpa ở phía tây Bodhgayā, an trụ trong thiền định, thực hành giới luật bí mật với vô số dākinī, và ban cho họ các giáo lý. Ở đó ngài trao truyền giáo lý Đại Viên mãn cho Shrīsimha.
Lúc cuối đời, giữa những dấu hiệu, âm thanh, tia sáng, và ánh sáng kỳ diệu, ngài tan biến thành thân chói lọi. Bởi những lời cầu nguyện sùng mộ của Shrīsimha, di chúc của Manjushrīmitra, Gom-nyam Trukpa (Sáu Kinh nghiệm Thiền định) hạ xuống bàn tay của Shrīsimha. Trong đó có những lời này:
Ồ nam tử của gia đình tốt lành! Nếu con muốn nhìn thấy sự tương tục của giác tánh tuyệt đối trần trụi,
[a] hãy tìm kiếm đối tượng của giác tánh [bầu trời trong trẻo]
[b] ấn vào những điểm trong thân thể [bằng tư thế],
[c] đóng lại đường đến và đi [sự hô hấp],
[d] tập trung vào mục tiêu [Pháp giới tối thượng],
[e] nương tực vào sự bất động [của thân, đôi mắt, và giác tánh], và
[f] nắm giữ không gian bao la [bản tánh của giác tánh tự thân].
Các Đạo sư Shrīsimha và Buddhajnāna là đệ tử của Manjushrīmitra và thậm chí một số người còn cho rằng có lẽ các ngài chỉ là một người.
Sau này, Manjushrīmitra tái sinh bằng cách sinh trong hoa sen tại một nơi được gọi là Serkyi Metok Ki Gyenpe Ling (Đảo Tô điểm Hoa Vàng) ở miền tây Ấn Độ và được gọi là “Manjushrīmitra cuối cùng.” Ngài ban giáo lý Đại Viên mãn cho Guru Padmasambhava (Đức Liên Hoa Sanh) và Đạo sư Āryadeva (Thánh Thiên).
Chương VI: Shrīsimha
ĐẠO SƯ Shrīsimha (dPal Gyi Seng Ge) sinh trong một thành phố tên là Shokyam trên đảo Sosha ở Trung quốc. Thân phụ ngài là Gewe Denpa (Bậc Đức hạnh) và thân mẫu là Nangwa Salwa Raptu Khyenma (Bậc Trong sáng và Uyên thâm). Năm mười lăm tuổi, ngài đi tới Cây Bồ đề ở Trung quốc và tu học với Đạo sư Haribhala trong ba năm, và ngài tinh thông năm môn học (ngũ minh). Sau đó, trong khi đang du hành bằng lạc đà theo hướng tây về phía thành phố Suvarnadvīpa (Đảo Vàng), Shrīsimha nhìn thấy linh kiến về Avalokiteshvara (Đức Quán Thế Âm) trong không trung. Đức Avalokiteshvara nói: “Ồ nam tử may mắn của gia đình tốt lành, nếu con thực sự ước muốn đạt được kết quả, có một thành phố ở Ấn Độ tên là Sosadvīpa, hãy tới đó.” Shrīsimha hài lòng với tiên tri, nhưng ngài tự nghĩ: “Tuy nhiên, trước tiên, ta phải học toàn bộ các tantra ngoại và nội để dễ thấu triệt những giáo lý phi thường.” Vì thế ngài đi tới Ngũ Đài Sơn để tưởng nhớ Đức Văn Thù, và ở đó ngài đã nghiên cứu toàn bộ các tantra ngoại và nội với Đạo sư Bhelakīrti trong bảy năm. Ngài thọ giới tu sĩ (Tỳ khưu) và trì giữ giới luật trong ba mươi năm. Đức Avalokiteshvara lập lại lời tiên tri của ngài trước đây. Ngay sau đó Shrīsimha nghĩ: “Cách hay nhất là du hành tới Sosadvīpa một cách kỳ diệu để không gặp bất kỳ chứng ngại nào trên đường đi.” Vì thế ngài đã thực hành một sādhana trong ba năm và đạt được năng lực. Sau đó ngài đi như gió, khoảng hai phút (0,6m) trên mặt đất. Ngài tới Sosadvīpa và gặp Manjushrīmitra. Ở đó ngài nhận các giáo lý trong hai mươi lăm năm và thực hành chúng.
Y theo Khandro Nyingthig và những suối nguồn khác, Shrīsimha cũng đi tới Shītavana và trực tiếp nhận những giáo lý Nyingthig từ Prahevajra, và sau đó trao truyền các giáo lý đó cho Guru Padmasambhava và Vairochana.
Sau đó Đạo sư Manjushrīmitra nhập Niết bàn và thân ngài tan biến trên đỉnh bảo tháp trong một hầm mộ ở trung tâm của Sosadvīpa. Không gian tràn ngập âm nhạc và bầu trời chói lòa ánh sáng. Shrīsimha dâng một bài cầu nguyện bi thương, nói rằng:
Than ôi, than ôi, than ôi! Ồ sự Bao la Rộng lớn!
Nếu ánh sáng Đạo sư Kim cương bị che khuất,
Ai sẽ xua tan bóng tối của thế gian?
Thình lình Manjushrīmitra xuất hiện trên bầu trời và duỗi bàn tay phải ra, ngài đặt vào bàn tay Shrīsimha một hộp nạm ngọc quý bằng một móng tay. Trong đó Shrīsimha tìm thấy di chúc Gomnyam Trukpa (Sáu Kinh nghiệm Thiền định) của Manjushrīmitra, được viết trên một chiếc lá được tạo bằng năm kim loại quý với loại mực làm bằng một trăm chất quý báu.
Shrīsimha đạt được sự hoàn toàn xác quyết nơi sự chứng ngộ của ngài và thấu suốt những tantra phi thường, cả ngôn từ lẫn ý nghĩa, không chút sai lầm. Ngài lấy ra những bản văn đã được Manjushrīmitra chôn dấu tại Bodhgayā và trở về Trung quốc.
Tại Trung quốc ngài sắp xếp những giáo lý Me-ngagde thành bốn giáo khóa (sKor): Ngoại, Nội, Bí mật, và Bí mật Thâm sâu. Ngài chọn ba giáo khóa đầu làm “những giáo lý phức tạp” và chôn dấu chúng trong ban công của ngôi chùa gần Cây Bồ đề ở Trung quốc. Ngài giữ những giáo lý Bí mật Thâm sâu, Nyingthig, ở bên người không hề rời xa nhưng sau đó, như một dākinī chỉ dẫn, ngài chôn dấu chúng trong một cây cột của chùa Tashi Trigo (Vô số Cổng Tốt lành) và phó chúc những giáo lý này cho Ekajatī. Sau đó, thụ hưởng những bài tập bí mật, ngài ở tại mộ địa Siljin (Người Mang lại sự Mát mẻ) ở Trung quốc như Đạo sư của tập hội daka và dākinī.
Ngài đã ban những khẩu truyền của các giáo khóa Me-ngagde Ngoại, Nội, và Bí mật cho Vimalamitra. Ngài ban khẩu truyền của bốn giáo khóa Me-ngagde cùng những bản văn của chúng cho Jnānasūtra. Ngài cũng ban cho Jnānasūtra những giáo lý và quán đảnh của Me-ngagde được gọi là quán đảnh phức tạp, quán đảnh đơn giản, quán đảnh rất đơn giản, và quán đảnh cực kỳ đơn giản.
Sau đó Shrīsimha tan biến trong thân chói lọi, và di chúc Zerwu Dünpa (Bảy Chiếc Đinh) của ngài hạ xuống bàn tay của Jnānasūtra. Nó bao gồm những dòng sau:
Kính lễ sự viên mãn của trí tuệ nguyên sơ, [sự hợp nhất của] quang minh và tánh Không.
Trí tuệ tỉnh giác, trùm khắp tất cả và xuất hiện trong tất cả,
Mở trống và vô phân biệt.
Để hộ trì [giác tánh] trên nền tảng bất biến,
Bằng cách đặt bảy chiếc đinh vĩ đại trên con đường hẹp của sinh tử và Niết bàn.
Đại lạc bất biến xuất hiện trong tâm con..
[a] Hãy đóng chiếc đinh trí tuệ không bị chướng ngại của sự quang minh ở chỗ nối liền sinh tử và Niết bàn [để hợp nhất chúng như sự nhất như].
[b] Hãy đóng chiếc đinh ánh sáng tự xuất hiện ở chỗ nối liền tâm và các đối tượng.
[c] Hãy đóng chiếc đinh cốt tủy thuần tịnh tự nhiên ở chỗ nối liền tâm và vật.
[d] Hãy đóng chiếc đinh của sự thoát khỏi những cái thấy ở chỗ nối liền không và sự vĩnh cửu.
[e] Hãy đóng chiếc đinh giác tánh siêu vượt các hiện tượng ở chỗ nối liền các hiện tượng và bản tánh của các hiện tượng.
[f] Hãy đóng chiếc đinh của năm cửa [các giác quan] hoàn toàn giải thoát ở chỗ nối liền sự kích động (trạo cử) và uể oải (hôn trầm).
[g] Hãy đóng chiếc đinh Pháp thân nguyên sơ viên mãn ở chỗ nối liền các hình tướng và tánh Không.
Chương VI: Jnānasūtra
JNĀNASŪTRA (Ye Shes mDo) sinh ở miền đông thành phố Kamalashila ở miền đông Ấn Độ. Thân phụ ngài là Shāntihasta (Bàn tay Hòa bình), và thân mẫu là Kalyānachitta (Có Thiện Tâm), trong một gia đình shūdra (đẳng cấp thấp kém nhất). Ngài trở nên uyên bác và đi tới Bodhgayā, ở đó ngài sống với năm trăm học giả. Trong số đó có Vimalamitra và mối liên hệ của Jnānasūtra với vị học giả này rất chặt chẽ bởi những đời trước của các ngài.
Một hôm Jnānasūtra và Vimalamitra đi bộ khoảng hai dặm về hướng tây của Bodhgayā. Vào lúc đó, từ không trung, Đức Phật Vajrasattva xuất hiện và tuyên bố: “Ồ các nam tử của gia đình tốt lành, các con đã tái sinh năm trăm đời làm học giả, nhưng các con không đạt được Phật quả. Nếu các con muốn đạt được sự giác ngộ của sự tan biến thân ô trược ngay trong đời này, hãy đi tới ngôi chùa gần Cây Bồ đề ở Trung quốc.”
Vimalamitra đi Trung quốc, nhận những khẩu truyền của các giáo khóa Ngoại, Nội và Bí mật, và trở về Ấn Độ. Ngài và Jnānasūtra gặp lại nhau ở ngoại ô của thành phố Gache Kyi Tsal (Vườn Hỉ lạc). Vimalamitra thuật lại cho Jnānasūtra về việc ngài gặp Đạo sư Shrīsimha ở Trung quốc.
Sau đó tới lượt Jnānasūtra đi Trung quốc và bằng năng lực kỳ diệu, chỉ trong một ngày ngài đã đi được một quãng đường mà người bình thường phải mất chín tháng. Khi ngài tới ngôi chùa gần Cây Bồ đề ở Trung quốc, ngài gặp một cô gái đẹp mang một cái bình đựng đầy nước. Cô chỉ thị cho ngài đi Tashi Trigo. Khi ngài tới một ngôi chùa khổng lồ, tráng lệ, một dākinī chỉ thị cho ngài đi tới mộ địa Siljin. Ngài đi tới đó và gặp Đạo sư Shrīsimha bằng xương bằng thịt trong một ngôi chùa làm bằng những chiếc sọ người. Để làm vui lòng Đạo sư Shrīsimha, ngài phụng sự Đạo sư trong ba năm. Sau đó với những món cúng dường ngài khẩn cầu Đạo sư ban cho các giáo lý. Shrīsimha dạy ngài các giáo lý khẩu truyền trong chín năm. Shrīsimha rút những bản văn ẩn dấu của các giáo lý này từ ngôi chùa gần Cây Bồ đề và giao phó chúng cho Jnānasūtra.
Sau đó Jnānasūtra hài lòng và chuẩn bị khởi hành. Shrīsimha hỏi ngài: “Con có hài lòng không?” Jnānasūtra trả lời: “Có, con hài lòng.” Shrīsimha nói: “Con chưa được phó chúc các giáo lý.” Jnānasūtra nghĩ: “Có lẽ vẫn còn những giáo lý sâu xa hơn nữa,” và ngài khẩn cầu Shrīsimha ban những giáo lý đó cho ngài. Shrīsimha trả lời: “Cần phải có những quán đảnh.” Trong chùa Tashi Trigo ngài ban cho Jnānasūtra toàn bộ quán đảnh phức tạp, kế đó là những giáo lý về giáo khóa Bí mật Thâm sâu trong ba năm. Nhưng Đạo sư không ban cho ngài các bản văn và nói: “Khi đúng thời các bản văn sẽ xuất hiện cho con.” Sau đó, trong một thị trấn vắng vẻ, Shrīsimha cũng ban cho ngài quán đảnh đơn giản. Khi Jnānasūtra chấm dứt một năm tu tập những bài tập chuẩn bị về những kinh nghiệm về sinh tử và Niết bàn trên đỉnh Núi Kosala, Shrīsimha ban cho ngài những giáo lý quán đảnh đơn giản nhất, và một sự xác quyết phi thường đã phát triển trong Jnānasūtra. Kế đó, sau khi tu tập một tháng, Jnānasūtra được ban quán đảnh đơn giản nhất, và ngài chứng ngộ việc hoàn toàn kiểm soát tâm mình. Jnānasūtra ở lại với Shrīsimha mười sáu năm nữa, tu tập thiền định và tuân thủ những giới luật của Đạo sư. Đạo sư vẫn hành xử theo những cách thế huyền bí, lang thang trong các mộ địa, tự biến thành những thân tướng khác nhau, và hòa lẫn với các dākinī và những chúng sinh khủng khiếp mà không chút sợ hãi.
Sau đó Đạo sư được Vua Paljin (Người Mang lại Vinh quang) của xứ Li thỉnh mời và ngài tới đó, xuyên qua bầu trời, cưỡi một con sư tử trắng, an tọa trong một chiếc lều lụa dưới ba lớp dù, được sáu dạ xoa trẻ mạnh mẽ nâng lên. Buổi sáng ngày thứ bảy sau khi ngài khởi hành, người ta nghe thấy một âm thanh lớn trong không trung. Jnānasūtra nhìn lên bầu trời và thấy Đạo sư ngôi giữa một khối ánh sáng. Jnānasūtra nhận ra rằng nhục thân của Đạo sư đã tan biến. Jnānasūtra dâng những lời cầu nguyện, và di chúc Zerbu Dünma (Bảy Chiếc Đinh) hạ xuống tay ngài.
Shrīsimha cũng ban cho ngài giáo huấn tiên tri này: “Những bản văn của giáo lý Bí mật Thâm sâu, Nyingthig, được cất dấu trong một cây cột ở Tashi Trigo. Hãy lấy chúng ra và đi tới mộ địa Bhasing.” Sau đó Jnānasūtra rút những bản văn ra và đi tới mộ địa Bhasing tuyệt đẹp, kinh khiếp và mãnh liệt nhất, ở một nơi cách xa về phía đông Bodhgaya. Trong khi Jnānasūtra ở đó thực hiện những bài tập bí mật và ban giáo lý cho các dākinī thì Vimalamitra cũng đang thực hiện những thực hành bí mật, nhận một tiên tri từ một dākinī và tới gặp Jnānasūtra. Jnānasūtra ban cho Vimalamitra những quán đảnh và giáo lý phức tạp, đơn giản, rất đơn giản, và vô cùng đơn giản, và cũng giao phó cho Vimalamitra các bản văn.
Lúc cuối đời Jnānasūtra thành tựu sự tan biến nhục thân, và khi Vimalamitra dâng những lời cầu nguyện bi thương, Jnānasūtra xuất hiện và ban cho Vimalamitra di chúc Zhakthap Zhipa (Bốn Phương pháp Thiền định) của ngài. Nó bao gồm những câu sau:
Kính lễ tánh Không thuần tịnh nguyên sơ..
Kỳ diệu thay! Nếu con tu tập những giáo lý này, hỉ lạc sẽ xuất hiện tự nhiên.
Nếu con muốn đạt được trạng thái bình đẳng vĩ đại, hãy chứng nghiệm [trong những thiền định sau đây] trong mọi lúc.
[a] Nếu con ước muốn được tu tập mọi “hoạt động” bí mật, hãy duy trì mọi sự xuất hiện trong tính trực tiếp (Cher) của thiền định tự nhiên.
[b] Nếu con ước muốn có được sức mạnh trong “thiền định” của con, hãy an trụ trong sự hợp nhất tâm và vật nhờ cái thấy của sự thiền định tự nhiên như đại dương.
[c] Nếu con ước muốn đạt được sự tự-giải thoát khỏi mọi “cái thấy” [những ý niệm], hãy đưa mọi vật hiện hữu tới chỗ tịch diệt của chúng bằng sự thiền định tự nhiên như ngọn núi.
[d] Nếu con ước muốn đạt được mọi “kết quả,” như chúng là, hãy giải thoát mọi sai lầm trong sự tu tập nhờ cái thấy như ngọn núi.
Chương VIII: Vimalamitra
VIMALAMITA (Dri Med bShes gNyen) sinh tại Rừng Voi (Glang Po’i Tshal) ở miền tây Ấn Độ. Thân phụ ngài là Deden Khorlo, và thân mẫu là Dak-nyid Salma. Ngài trở thành một học giả của Thanh Văn thừa và Đại thừa.
Ngài là một trong năm trăm học giả đang cư trú tại Bodhgayā (Bồ đề đạo tràng). Một hôm, để đỡ nóng, Vimalamitra và Jnānasūtra đi khoảng hai dặm về hướng tây của Bodhgayā tới một cái đầm có nhiều loại hoa thơm ngát. Từ không trung Vajrasattva xuất hiện và nói với họ: “Ồ các nam tử của gia đình tốt lành, mỗi người trong các con đã năm trăm đời sinh làm các học giả, nhưng cho tới nay các con chưa bao giờ thành tựu kết quả siêu việt, mà trong tương lai cũng sẽ như vậy. Nếu các con muốn đạt được giác ngộ của việc tan biến thân ô trược ngay trong đời này, hãy đi tới ngôi chùa gần Cây Bồ đề ở Trung quốc.”
Vimalamitra tràn đầy sự tinh tấn. Ngay lập tức, ngài cầm chiếc bình bát, vật sở hữu duy nhất của ngài, và khởi hành đi Trung quốc. Ngài gặp Shrīsimha tại ngôi chùa gần Cây Bồ đề và nhận khẩu truyền Nyingthig Me-gagde và những giáo lý của các giáo khóa Ngoại, Nội, và Bí mật trong hai mươi năm. Nhưng Shrīsimha không cho ngài các bản văn của những giáo lý này. Hoàn toàn hài lòng, Vimalamitra trở về Ấn Độ và thuật lại những thành tựu của ngài cho Jnānasūtra. Jnānasūtra đi tới Trung quốc và nhận từ Shrīsimha giáo lý của tất cả bốn giáo khóa Nyingthig. Ngoài ra Jnānasūtra được nhận những bản văn. Shrīsimha cũng để lại cho Jnanasūtra di chúc của ngài khi ngài đã đạt được thân cầu vồng. Sau đó Jnānasūtra trở về Ấn Độ và sống ở mộ địa Bhasing, thuyết giảng cho các dākinī.
Vimalamitra thực hành các bài tập bí mật trong mộ địa ở Thachung. Một hôm khi ngài đang cưỡi một con voi xanh lang thang trong mộ địa, thượng y của ngài vắt trên vai phải và cầm một chiếc dù che đầu, Dākinī Palkyi Lodrö xuất hiện trong bầu trời và ban lời tiên tri này: “Ồ người may mắn, nếu ông muốn nhận những giáo huấn Nyingthig sâu xa hơn trước đây, hãy đi tới rừng mộ địa Bhasing.” Ngài lập tức đến đó và gặp Jnānasūtra. Vimalamitra cầu khẩn Jnānasūtra ban cho ngài những giáo lý sâu xa. Để biểu lộ năng lực của sự chứng ngộ, Jnānasūtra phát ra một tia sáng từ urna (một nhúm lông ở trán, bạch hào) và với một cái liếc nhìn làm không gian ngập tràn sự phô diễn của cõi tịnh độ Báo thân. Vimalamitra đã phát triển lòng tin không thể bị lay chuyển ở ngài. Ngay lập tức, Jnānasūtra ban cho ngài quán đảnh phức tạp, và urna của Vimalamitra được mở ra. Jnānasūtra cũng giao phó cho Vimalamitra các bản văn và giáo huấn của ba giáo khóa Nyingthig đầu tiên. Một năm sau tại một ngôi chùa, Jnānasūtra ban quán đảnh đơn giản, và hơi nước xuất hiện từ mỗi lỗ chân lông của thân Vimalamitra. Ngài được ban cho bản văn giáo khóa Nyingthig Bí mật Sâu xa. Sau khi thực hành những bài tập chuẩn bị về những kinh nghiệm trong sinh tử và niết bàn trong sáu tháng trên đỉnh Núi Söche, Vimalamitra nhận quán đảnh vô cùng đơn giản, kế đó là những giáo huấn. Ngài đã thành tựu những kinh nghiệm và chứng ngộ phi thường, và trên chóp mũi của ngài xuất hiện một chữ AH trắng, nó có vẻ như sắp bị rớt. Sáu tháng sau Vimalamitra được ban toàn bộ quán đảnh vô cùng đơn giản, và ngài đã chứng ngộ bản tánh trần trụi của tâm. Ngài cũng được ban những giáo huấn đầy đủ về những điểm trọng yếu của Nyingthig. Sau đó Vimalamitra ở lại với vị Thầy trong mười bốn năm, hoàn thiện sự chứng ngộ Nyingthig của ngài.
Sau đó Jnānasūtra nhập Niết bàn mà không để lại thân xác. Khi Vimalamitra cầu nguyện với lòng sùng mộ, từ giữa một khối ánh sáng chói lọi trong bầu trời, cẳng tay của Đạo sư xuất hiện và đặt vào bàn tay Vimalamitra một chiếc hộp có nạm năm loại ngọc quý. Từ chiếc hộp đó Vimalamitra khám phá di chúc Bốn Phương pháp Thiền định, và ngay lập tức ngài thành tựu sự chứng ngộ tương đương với chứng ngộ của Đạo sư của ngài.
Sau đó, sống trong một túp lều tre, Vimalamitra làm Thầy giáo của Vua Haribhadra (Sư tử Tuyệt hảo) trong thành phố Kāmarūpa ở miền đông Tây Tạng trong hai mươi năm. Sau đó ngài đi miền đông Ấn Độ. Kế đó ngài đi tới thành phố Bhirya ở miền tây Ấn Độ và chấp nhận lòng sùng mộ và những việc phụng sự của Vua Dharmapāla.
Kế đó, trong bảy năm, với tập hội đông đảo dākinī, ngài đã thực hành Nyingthig ở Prabhāskara, một mộ địa bí mật không xa thành phố Bhirya lắm. Khi theo đuổi những bài tập bí truyền bằng những hình thức và phương pháp khác nhau, ngài ban giáo lý cho vô số đệ tử. Ngài đạt được linh kiến về sự toàn thiện của giác tánh nội tại (Rig Pa Tshad Phebs), cấp độ thứ ba trong bốn cấp độ của Đại Viên mãn, và sau đó thành tựu thân ánh sáng của sự đại chuyển hóa (‘Pho Ba Ch’en Po) và đưa ba ngàn người tới sự giác ngộ. Sau đó, trong mười ba năm, ngài vẫn ở tại mộ địa đó trong những hiển lộ khác nhau.
Trong mộ địa này ngài đã thực hiện ba bản sao các bản văn linh thánh của Nyingthig. Ngài đã cất dấu một bản trong hòn đảo bị che phủ bởi cát vàng trong đại dương của xứ Oddiyāna ở miền tây Ấn Độ. Ngài chôn dấu một bản khác trong một hang động ở Suvarnadvīpa tại Kashmir, và bản cuối cùng thì ngài giữ gìn ở mộ địa Prabhāskara như đối tượng của lòng sùng mộ đối với các dākinī.
Vimalamitra cũng nhìn thấy Prahevajra bảy lần trong một linh kiến thanh tịnh và trực tiếp nhận các giáo huấn.
Vào lúc đó, Vua Trisong Detsen của Tây Tạng đã thiết lập Phật pháp ở Tây Tạng. Một Đạo sư Tây Tạng vĩ đại tên là Tingdzin Zangpo thuộc gia đình Nyang cho nhà vua lời khuyên có tính chất tiên tri rằng vua nên mời Đạo sư bí mật vĩ đại Vimalamitra xứ Ấn Độ. Tingdzin Zangpo có thể kéo dài thời gian thiền định trong bảy năm và có thể nhìn thấy bốn đại lục nhờ năng lực của đôi mắt trần của ngài, là năng lực siêu nhiên nhận thức được những hiện tượng vật lý. Vì thế, Vua Trisong Detsen phái các dịch giả Kawa Paltsek và Chok-ro Lü’i Gyaltsen tới Ấn Độ với quà tặng là vàng và một thông điệp cho Vua Indrabhūti trẻ tuổi của cung thành Serkya, nói rằng: “Xin gởi một Đạo sư Mật thừa vĩ đại trong số năm trăm Thầy giáo học giả của ngài.” Khi đó Vimalamitra đã đạt được thân của sự đại chuyển hóa (‘Pho Ba Ch’en Po) và đang lưu lại như một trong năm trăm Thầy giáo của nhà vua. Vua Indrabhūti và những học giả của ông đồng ý về việc chọn Vimalamitra là người được phái sang Tây Tạng. Nhận thấy đó là thời điểm thích hợp để đi Tây Tạng, Vimalamitra chấp nhận lời thỉnh mời.
Vimalamitra đi Tây Tạng cùng với Đạo sư Kshitigarbha như thị giả của vị Thầy này, mang theo một bản sao của những bản văn Nyingthig linh thánh. Vào lúc ngài khởi hành nhiều người ở Ấn Độ có những giấc mơ xấu, những điềm chiêm tinh xấu xảy ra, hoa và những cây ra quả hướng về phía Tây Tạng, và những dấu hiệu xuất hiện cho thấy sự ganh tị của các dākinī ở mộ địa. Do bởi những điềm đó, những người Ấn Độ nhận ra rằng những giáo lý bí mật đã tuột khỏi tay họ, và họ phái các sứ giả đi nhanh để tạo ra những mối nghi ngờ trong tâm người Tây Tạng. Các sứ giả đặt những tấm áp phích ở chỗ nối liền các thung lũng và các giao lộ trong các thành phố, viết rằng: “Hai tu sĩ Tây Tạng đã bắt đi một nhà huyền thuật Ấn Độ, người này sắp hủy diệt Tây Tạng.” Vì thế khi Vimalamitra tới Samye, những người Tây Tạng đang ở trong tình trạng nghi ngờ ngài. Khi ngài đảnh lễ một pho tượng của Đức Phật Vairochana (Tỳ Lô Giá Na), pho tượng tan ra thành bụi đất trước mặt ngài. Khi ngài gia hộ cho đống đất, pho tượng tự phục hồi lại và còn uy nghi hơn trước. Niềm tin nơi Vimalamitra dần dần phát triển trong những người Tây Tạng, và ngài có thể ban các giáo lý cho họ.
Một hôm, trong khi ngài đang ban những giáo lý Kinh điển cho một hội chúng các đệ tử, ngài trở lại đại sảnh sau giờ giải lao và tìm thấy một bức thư ngắn trên ghế của ngài. Thư viết:
Phật quả không thể đạt được bằng Pháp như trẻ con của các Thanh văn;
không thể bao phủ khoảng cách bằng những bước chân kim cương của con quạ.
Những cuộc điều tra đã được lập ra, và tác giả của bức thư đã được khám phá. Khi được hỏi là ai, ông ta trả lời: “Tôi là Yudra Nyingpo, một đệ tử của đại dịch giả Pakor Vairochana.” Vào lúc đó Vairochana đang bị lưu đày ở Gyalmo Rong, miền Đông Tây Tạng. Vimalamitra và Yudra Nyingpo so sánh những giáo lý và chứng ngộ của các ngài và thấy chúng tương đương nhau.
Sau đó trong mười năm, Vimalamitra cùng làm việc với một nhóm dịch giả. Với Yudra Nyingpo, ngài đã dịch mười ba “bản văn được dịch sau” của Semde, bởi Vairochana đã dịch năm “bản văn được dịch trước” trong mười tám bản văn Semde. Cùng với Nyak Jnānakumāra, ngài đã dịch Guhyagarbha-māyājāla-tantra, trong số những bản văn khác của Mahāyoga, và một vài bản văn giáo huấn của Semde và Longde. Ngài đã dịch những bản văn gốc và những bản văn giáo huấn của các giáo khóa Me-ngagde Ngoại, Nội, và Bí mật với Nyak Jnānakumāra. Những giáo lý của giáo khóa Bí mật Thâm sâu, Nyingthig của Me-ngagde, được giữ kín giữa Đạo sư, nhà vua, và Nyang, và được dịch hoàn toàn bí mật. Những giáo lý Nyingthig do Vimalamitra mang tới Tây Tạng được gọi là Vima Nyingthig.
Vimalamitra có thể nhận ra rằng không có đệ tử nào khác thích hợp để giao phó các bản văn của giáo khóa Bí mật Thâm sâu (bốn quyển, v.v.. về Nyingthig). Ngài đã chôn dấu những bản dịch tiếng Tây Tạng tại Trakmar Gekong ở Chimphu gần Tu viện Samye.
Sau khi ở Tây Tạng mười ba năm, Vimalamitra khởi hành đi Ngũ Đài Sơn ở Trung quốc. Bởi ngài đã đạt được thân cầu vồng của sự đại chuyển hóa, để hoàn thành ước nguyện của ngài, ngài sẽ an trụ ở đó cho tới khi nào Phật Pháp còn hiện hữu. Ngài đã hứa trong mỗi thế kỷ ngài sẽ gởi một hóa thân của chính ngài tới Tây Tạng để thực hiện công việc duy trì và phổ biến giáo lý Nyingthig cho tới khi nào Phật Pháp còn hiện hữu. Khi Phật giáo không còn tồn tại, Vimalamitra sẽ tan biến vào Pháp giới tối thượng tại Bodhgayā.
Những người có tín tâm tin rằng nếu đôi mắt tâm linh của quý vị trong sáng, quý vị có thể nhìn thấy ngài bằng xương bằng thịt tại Ngũ Đài Sơn. Có nhiều sự kiện nhìn thấy và thọ nhận giáo lý từ Vimalamitra tại Ngũ Đài Sơn. Khi tôi còn trẻ, tôi đã nghe nhiều câu chuyện từ vị Thầy Kyala Khenpo Rinpoche của tôi. Đây là một chuyện tôi có thể thuật lại: Một Lạt ma quan trọng tôi không nhớ tên đi hành hương Ngũ Đài Sơn cùng các đệ tử. Một hôm khi sắp đi nhiễu, họ nhìn thấy một người thợ đóng giày người Trung quốc đang ngồi dưới một tảng đá cạnh một con đường nhỏ. Vị Lạt ma ngồi trước mặt người thợ giày với vẻ tôn kính. Không chút ngần ngại, người thợ giày đặt đôi giày ông ta đang làm lên đầu vị Lạt ma và cho Lạt ma uống nước dơ mà ông để ở bên cạnh. Tất cả các đệ tử của vị Lạt ma choáng váng và xấu hổ, bởi nhiều khách hành hương đang nhìn và cười vị Lạt ma. Sau đó, các đệ tử được Lạt ma cho biết rằng thực ra người thợ giày chính là Vimalamitra, và Lạt ma đã được nhận những quán đảnh. Các đệ tử vội vã quay lại tảng đá nhưng không thể tìm thấy dấu vết nào chứng tỏ là đã có người ở đó. Trừ phi quý vị là một bậc thành tựu, cách hay nhất là quý vị có thể nhìn thấy Vimalamitra như một con chim, một ánh sáng cầu vồng, hay một người bình thường và đại loại như vậy.
Năm mươi lăm năm sau ngày Vimalamitra khởi hành đi Ngũ Đài Sơn, Nyang xây Chùa Zha trong Thung lũng Drikung thuộc Tỉnh Uru. Trong ngôi chùa đó ngài đã chôn dấu những bản văn của các tantra có tính chất giải thích của ba giáo khóa đầu tiên cũng như những bản văn thuộc về sự khẩu truyền và một vài bản văn Sâu xa. Những lời của sự khẩu truyền được truyền cho Dro Rinchen Bar. Cuối cùng, Nyak tan biến thân ngài thành thân cầu vồng.
Dro Rinchen đã truyền những khẩu truyền cho Be Lodrö Wangchuk, vị này truyền các giáo lý đó cho Neten Dangma Lhüngyal (thế kỷ 11). Neten cũng khám phá những bản văn được Nyang chôn dấu và giao phó sự trao truyền cho Chetsün Senge Wangchuk (thế kỷ 11-12). Chetsün cũng khám phá các bản văn Nyingthig cùng với di chúc của Vimalamitra, được Vimalamitra cất dấu tại Gekong ở Chimphu và trao truyền cho Zhangtön Tashi Dorje (1097-1167).
Danh hiệu của những vị Thầy dòng truyền thừa của Vima Nyingthig từ Dharmakāya (Pháp thân) xuống tới những Đạo sư hiện tại đã được đưa ra trước đây.