Chương XVII: Gyalse Zhenphen Thaye
1800-? GYALSE Zhenphen Thaye là một trong những Đạo sư quan trọng nhất của phái Nyingma. Ngài sinh năm Kim Thân thuộc Rabjung thứ mười ba (1800) trong nhóm bộ tộc Gemang ở Dzachukha. Ngài cũng được gọi là Gyalse Rikpe Dorje. Ngài được nhiều người thừa nhận là một tülku của Minling Terchen. Ngài nhận những giáo lý từ nhiều vị Thầy, trong đó có Dodrupchen đệ nhất, Jigme Gyalwe Nyuku, Dola Jigme Kalzang, Dzogchen Rinpoche đệ tứ, và Shengtruk Pema Tashi và nhiều Đạo sư khác của Tu viện Mindroling.
Ngài đã tu học ở các tu viện Dzogchen và Mindroling và trở thành một học giả nổi tiếng. Ngài cũng thiền định tại nhiều thánh địa, từ Núi Kailasha ở miền Tây Tây Tạng cho tới Núi Ome (gLang Ch’en) ở Trung quốc, và trở thành một bậc lão thông thành tựu.
Gyalse Zhenphen Thaye đi tới Yarlung Pemakö để nhận các giáo lý từ Dodrupchen một lần nữa. Ngài nhìn thấy địa điểm đó như một Cõi Tịnh Độ Vô song của Pháp thân. Sau khi Dodrupchen mất, Gyalse trở về để phụng sự nhiếp chính của Dodrupchen trong một thời gian. Gyalse bắt đầu một khóa giảng dạy và thực hành
Guhyagarbha-māyājāla-tantra (Mật điển Bí mật tập hội) hàng năm kéo dài bốn mươi lăm ngày tại Yarlung Pemakö, trụ xứ chính của Dodrupchen. Paltrül Rinpoche làm vị trợ giảng cho Gyalse trong năm đầu tiên, và sau đó chính Paltrül chịu trách nhiệm khóa giảng dạy này thêm hai năm nữa.
Gyalse tiếp tục trách nhiệm xây dựng lại Tu viện Dzogchen sau khi nó hầu như bị phá hủy hoàn toàn bởi một trận động đất năm 1842. Tuy nhiên ý nghĩa chính yếu của đời ngài là ba đóng góp chính mà ngài thực hiện cho phái Nyingma.
Ngài xây Shedra (học viện Kinh điển) Shrīsimha nổi tiếng của Tu viện Dzogchen, và ở đó ngài và các đệ tử của ngài giảng dạy Kinh điển và Mật điển. Shedra này trở thành một tổ chức để nghiên cứu và một mô hình cho những học viện Kinh điển tại nhiều tu viện Nyingma khác.
Ngài làm cho Vinaya, hay giới luật tu viện, thành thực hành hàng ngày và thiết lập những khóa nhập thất mùa mưa hàng năm cho các tu sĩ tại Tu viện Dzogchen, một tục lệ mà các tu viện Nyingma khác cũng tuân theo.
Theo khẩn cầu của Sangye Künga, vị hộ trì Pháp tòa thứ bảy của Tu viện Mindroling, và Paltrül Pema Wangyal, ngài tập hợp các giáo lý kama của truyền thống Nyingma trong một tuyển tập. Sau đó ngài đề xướng các thực hành của mười ba sādhana kama trong hội chúng tu sĩ trong Tu viện Dzogchen, từ đó các thực hành này lan rộng tới nhiều tu viện Nyingma khác ở miền Đông Tây Tạng.
Thật không may, tôi không nghĩ là đã có sự thừa nhận thích đáng đối với những công việc vĩ đại mà ngài đã làm cho phần cốt lõi của truyền thống Nyingma. Trong số những đại đệ tử của ngài có Khenchen Pema Dorje, Paltrül Rinpoche, và Do Khyentse.
Ngài mất tương đối trẻ, nhưng tôi không có thông tin về thời gian và ngài mất ra sao. Tülku của ngài là Gyakong Khenpo Chökyi Nangwa (Zhenga, 1871-1927) của Tu viện Dzogchen.
Chương XVIII: Dzogchen Khenpo Pema Dorje
Thế kỷ mười chín KHENCHEN Pema Dorje là một Đạo sư vĩ đại của Kinh điển lẫn Mật điển. Ngài cũng được gọi là Pema Vajra, Pema Badzar, và Pema Tamchö Özer. Ngài là một trong những khenpo, hay học giả nghiên cứu nổi tiếng nhất của Tu viện Dzogchen. Ngài đã tu học dưới chân của Gyalse Zhenphen Thaye, Dzogchen Rinpoche đệ tứ, Khenchen Sengtruk Pema Tashi, Paltrül Rinpoche, và nhiều Đạo sư khác. Ngài là một học giả của cả Kinh điển lẫn Mật điển. Ngài nhận các trao truyền
Longchen Nyingthig từ Jigme Gyalwe Nyuku, Dzogchen Rinpoche đệ tứ, Khyentse Yeshe Dorje, và Gyalse Zhenphen Thaye.
Trong số những tác phẩm của ngài có
Nyingme Gal-len Rikpe Kyareng, một phản bác những công kích vào những quan điểm Nyingma, và
Một Dẫn nhập vào việc Trì tụng Avalokiteshvara của Longchen Nyingthig. Tülku của ngài là Choktrül Dega Rinpoche của Tu viện Dzogchen. Tülku của Choktrül Dega là Tülku Kalzang, người tiên phong trong việc xây dựng lại Tu viện Dzogchen trong những năm qua.
Chương XIX: Paltrül Jigme Chökyi Wangpo
(1808 – 1887) PALTRÜL Rinpoche Ogyen Jigme Lingpa Chökyi Wangpo là hóa thân về ngữ của Đức Jigme Lingpa. Ngài là một trong những Đạo sư và tác giả Nyingma vĩ đại, cuộc đời và các tác phẩm của ngài được ngay cả những học giả của những trường phái khác trích dẫn. Mặc dù là một trong những học giả và bậc lão thông vĩ đại nhất của phái Nyingma, ngài đã sống như một ẩn sĩ khiêm tốn và giản dị nhất. Ngài nói năng thẳng thắn và lớn tiếng, nhưng mỗi lời ngài nói ra là ngôn từ của chân lý, trí tuệ, và sự quan tâm.
Ngài sinh trong bộ tộc Getse Kongma thuộc dòng Mukpo Dong ở Karchung Ko-ö trong Thung lũng Dzachukha vào năm Thìn Thổ thuộc Rabjung thứ mười bốn (1808). Thân phụ ngài là Lhawang thuộc nhóm Gyalthok, và thân mẫu là Dolma thuộc nhóm Tromza. Sau khi sinh ra không bao lâu, ngài cố gắng nói OM.., nhưng không rõ ràng. Nhưng vào ngày thứ năm, ngài nói OM MANI PADME HŪM thật rõ. Các chữ của thần chú OM MANI PADME HŪM cũng được nhìn thấy nơi cổ, và một chữ HRīH hiện trên lưỡi ngài.
Mặc dù là một tülku (tái sinh) của Jigme Lingpa, ngài được Dola Jigme Kalzang xác nhận là tülku của Palge Samten Phüntsok. Khi chứng thực (phê chuẩn) sự xác nhận này, Dodrupchen đệ nhất nói với Jigme Kalzang: “Ta phó chúc cho cậu bé và trao truyền giáo lý
Longchen Nyingthig viên mãn với pháp danh Ogyen Jigme Chökyi Wangpo.” Chẳng bao lâu, Palge Könchok, một người cháu của Palge cuối cùng, đem Paltrül tới Palge Latrang, trú xứ của Palge cuối cùng.
Paltrül đã học tập các giáo lý Kinh điển và tantra (Mật điển) với nhiều Đạo sư, trong đó có Dola Jigme Kalzang, Jigme Ngotsar, Gyalse Zhenphen Thaye, Sönam Palge, và Zhechen Thutop Namgyal. Ngài Sengtruk Pema Tashi ở Tu viện Dzogchen đã cho ngài thọ giới xuất gia.
Tuy nhiên, các vị Thầy gốc của ngài là Jigme Gyalwe Nyuku và Do Khyentse. Với Jigme Gyalwe Nyuku, ngài đã học tập từ ngöndro, tu tập chuẩn bị, cho tới những giáo lý tsalung và Dzogpa Chenpo (Đại Viên mãn). Từ Gyalwe Nyuku, ngài thọ nhận các giáo lý ngöndro
Longchen Nyingthig hai mươi lăm lần, và đã thực hiện nhiều tu tập về các giáo lý này. Sau này ngài biên soạn những lời dạy của vị Thầy của ngài về ngöndro là bản văn nổi tiếng Künzang Lame Zhalung (Những Lời Dạy từ Kim khẩu của Lạt ma Phổ Hiền – Lời Vàng của Thầy tôi).
Một hôm Do Khyentse, vị Thầy lang thang trong khi thực hiện những bài tập bí truyền, thình lình xuất hiện trước lều của Paltrül. Do Khyentse la lên: “Ồ Palge! Nếu mi can đảm thì bước ra đây!” Khi Paltrül bước ra một cách cung kính, Do Khyentse túm lấy tóc ngài, ném ngài trên mặt đất, và lôi ngài xềnh xệch. Lúc đó, Paltrül ngửi thấy mùi rượu trong hơi thở của Do Khyentse và nghĩ: “Đức Phật đã giảng dạy về những nguy hiểm của rượu, vậy mà ngay cả một bậc lão thông như ngài cũng có thể say rượu như thế này.” Ngay lúc đó, Do Khyentse buông Paltrül ra và la lớn: “Chao ôi! Người thông tuệ như ông mà cũng có thể có những tư tưởng xấu xa như thế! Đồ Chó Già!” Do Khyentse đánh vào mặt ngài, giơ ngón tay út ra (một cử chỉ nhục mạ), và ra đi. Paltrül nhận ra rằng: “Ồ ta sai lầm rồi. Ngài đang thực hiện một bài tập bí truyền để giới thiệu cho ta bản tánh giác ngộ của ta.” Paltrül bị giằng xé bởi hai cảm xúc mâu thuẫn: đau buồn về những tư tưởng tiêu cực của chính mình và sửng sốt trước sự thấu thị của Do Khyentse. Ngồi bật dậy, ngài lập tức thiền định về bản tánh giác ngộ của tâm ngài, và một sự tỉnh giác nội tại, trong trẻo, mở trống như bầu trời đã thức giấc trong ngài. Do đó, sự chứng ngộ trong trẻo và toàn triệt như mặt trời mọc đã thức dậy trong ngài, siêu vượt sự chứng ngộ như bình minh mà ngài đã nhận được nhờ Gyalwe Nyuku khai mở. Kể từ lúc đó, ngài giữ danh hiệu “Chó Già” với vẻ đùa bỡn như cái tên bí truyền hay thiêng liêng của ngài.
Khi Paltrül khoảng hai mươi tuổi, vị tổng quản lý của Palge Latrang là Palge Konchok qua đời. Paltrül đóng cửa trụ xứ Palge và bắt đầu sống như một ẩn sĩ lang thang.
Tại Tu viện Dzogchen, ngài nhận những trao truyền Nyingthig Yabzhi và
Longchen Nyingthig từ Dzogchen Rinpoche đệ tứ và Gyalse Zhenphen Thaye. Sau đó ngài nhập thất dài hạn tại động Shinje (động Yamantaka hay Tử Thần) và động Tsering gần Tu viện Dzogchen, nơi có lần Dodrupchen đã thực hiện một cuộc nhập thất dài hạn.
Khoảng năm 1851, từ đại học giả Gyawa Do-ngak Gyatso, một đệ tử của Paltrül và Zhapkar Tsoktruk Rangtröl (1781-1851), Paltrül được nghe những chi tiết về cuộc đời đầy cảm hứng của Zhapkar. Khi ngài tới Golok trên đường đi gặp Zhapkar, ngài nghe hung tín rằng Zhapkar vừa mất. Ngài quay trở lại và đến Yarlung Pemako, trụ xứ của Dodrupchen. Tại Yarlung, ngài kết giao với Gyalse Zhenphen Thaye (1800-?), vị Thầy này đang sống ở đó như nhiếp chính của Dodrupchen quá cố và đang bắt đầu một khóa giảng và thực hành hàng năm kéo dài bốn mươi lăm ngày về
Guhyagarbha-māyājāla-tantra (Mật điển Bí mật tập hội). Paltrül nhận giáo lý
Guhyagarbha-tantra từ Gyalse và làm trợ giảng cho vị Thầy này trong năm đầu tiên. Sau đó bản thân ngài đảm nhiệm những khóa giảng hàng năm trong hai năm nữa.
Ngài đi khắp các thung lũng Ser, Do, Mar, và Dzika và nhiều lần ban các giáo lý về
Bodhicharyāvatāra (Nhập Bồ Tát Hạnh) và truyền cảm hứng cho toàn bộ dân chúng trì tụng OM MANI PADME HŪM. Trong những vùng đó, ngài rất thành công trong việc bãi bỏ hệ thống phục vụ thịt cho các Lạt ma khi họ tới cử hành các buổi lễ. Ngài tuyên bố các luật lệ chống lại việc trộm cắp và săn bắn. Ngài đã mang Phật giáo đến với cuộc sống của mọi người và tới mọi nhà, khiến cho Phật Pháp không bị giới hạn trong giới tu sĩ hay các tu viện và gompa (tu viện hay ẩn thất).
Ngài thăm viếng Tu viện Shukchung, và sau đó trong một thời gian dài ngài ở Shukchen Tago, trụ xứ chính thức của Dodrupchen đệ nhất. Mặc dù Dodrupchen đã bỏ trụ xứ này khoảng nửa thế kỷ trước nhưng nó vẫn được dùng như một ẩn thất. Tại đây ngài tụng Kanjur ba lần và học thuộc lòng nhiều bộ Kinh.
Sau đó ngài sống dưới một gốc cây tại Ari Nak (còn được gọi là Dhichung Phuk) một thời gian dài. Đó là một bãi đất cao và trống giữa một cánh rừng rậm. Chưa từng có ai tới đó, và những người duy nhất mà thỉnh thoảng người ta có thể nhìn thấy là những lữ khách ở bên kia Thung lũng Do, cách bên kia Sông Do khoảng nửa dặm. Rừng Ari trên bờ Sông Do ở nửa đường giữa Shukchen Tago và Tu viện Dodrupchen hiện tại.
Trước tiên, Paltrül và Nyoshül Lungtok, người sống gần Paltrül và học với ngài trong hai mươi tám năm, sống đơn độc tại Rừng Ari trong sáu tháng. Một túi tsampa nhỏ làm lương thực, y phục khoác trên người, và đôi ba quyển sách là những vật sở hữu duy nhất của các ngài. Vào giữa trưa họ họp lại và dùng một ít tsampa. Sau đó họ buộc miệng túi tsampa vào một gốc cây và để nó ở đó cho tới ngày hôm sau. Sau đó, Paltrül giảng cho Lungtok đôi câu kệ trong
Bodhicharyāvatāra (Nhập Bồ Tát Hạnh). Rồi khoác mảnh vải trắng rách rưới là y phục duy nhất của ngài, với một chiếc gậy trong tay, Paltrül biến mất vào rừng, nói to,
Ha! Ha! Ha! như một bài tập thiền định. Buổi trưa hôm sau họ lại cùng nhau tụ họp và làm những việc tương tự.
Chẳng bao lâu, nhiều đệ tử đến Rừng Ari, và Paltrül bắt đầu giảng dạy
Semnyi Ngalso, Yönten Dzö và những giáo lý khác. Paltrül Rinpoche ban giáo lý và sau đó các đệ tử thiền định về các giáo lý ấy ở trong rừng. Bởi không chú tâm nhiều vào việc tổ chức cuộc sống nên họ có rất ít thực phẩm để dùng. Mặc dù ở trong rừng rậm nhưng cũng không có rau trái có thể ăn được. Loại trà họ uống rất đặc và ngon khi pha lần đầu với lá trà tươi; nhưng sau đó họ cứ đổ thêm nước vào trà cũ khiến trà càng lúc càng lạt đi và mất màu. Họ đùa bỡn về độ đậm lạt khác nhau của trà, gọi đó là trà “ba thân.” Trà đặc là trà của Hóa thân phức tạp, trà lạt là trà của Báo thân mộc mạc, và trà vô vị là trà của Pháp thân không tánh rỗng rang. Paltrül nhận ra rằng tài sản và những thuận duyên, chẳng hạn thực phẩm ê hề, y phục hảo hạng, chỗ ở tiện nghi, những lời tán tụng và tiếng tăm là những chướng ngại hơn là sự hỗ trợ cho tiến bộ tâm linh. Ngài viết:
Đau khổ thì tốt và hạnh phúc thì không tốt.
Hạnh phúc làm năm độc của dục vọng thêm lẫy lừng.
Đau khổ khiến ác nghiệp tích tập trong quá khứ bị cạn kiệt.
Đau khổ là ân phước của Lạt ma.
Chỉ trích thì tốt và tán tụng thì không tốt.
Nếu tôi được tán tụng, tôi sẽ phình lớn sự kiêu mạn.
Nếu tôi bị chỉ trích, lỗi lầm của tôi sẽ được phơi bày..
Nghèo khó thì tốt và thịnh vượng thì không tốt.
Thịnh vượng tạo thêm những thống khổ ghê gớm của việc mưu sinh và duy trì nó.
Nghèo khó mang lại sự cống hiến và thành tựu Thánh Pháp.
Sau đó Paltrül đi tới tu viện Dzamthang, một trung tâm vĩ đại của học phái Jonang. Ở đó ngài thuyết giảng về
Uttaratantra (Đại Thừa Tối Thượng Mật điển) dựa trên những giải thích của Künkhyen Dolpo. Tại Minyak ngài gặp Dra Geshe Tsültrim Namgyal, một học giả vĩ đại phái Geluk, người rất kinh ngạc trước sự uyên bác của Paltrül. Tại Tu viện Gyaphak, ngài ban các quán đảnh và giáo lý
Longchen Nyingthig viên mãn, là giáo lý ngài hiếm khi truyền dạy. Tại Golok, ngài điều phục những kẻ trộm cướp phóng túng và thợ săn hung ác bằng năng lực của sự hiện diện và ngôn từ phù hợp lẽ phải của ngài. Tại Marung ngài dạy dân chúng nhắc lại ngôn từ của lòng bi mẫn OM MANI PADME HŪM, bởi thậm chí họ không biết đọc thần chú đó ra sao. Sau đó ngài trở về Rừng Ati trong Thung lũng Do và ở đó một thời gian.
Năm 1856/57 Paltrül nghe nói là từ Tarsedo, Do Khyentse đã đến Núi Yutse ở Golok. Paltrül tới đó sau nhiều ngày du hành để gặp Do Khyentse. Paltrül khẩn cầu Do Khyentse ban cho ngài quán đảnh
Yumka Dechen Gyalmo của
Longchen Nyingthig. Do Khyentse nói: “Ta đã giữ nó bí mật trong nhiều năm, nhưng bây giờ ta sẽ ban nó cho con,” và hết sức hoan hỉ, Do Khyentse truyền quán đảnh cho ngài. Trong số nhiều tiên tri mà Do Khyentse đã ban, có một tiên tri nói rằng Paltrül sẽ sống đến tám mươi tuổi. Sau đó Do Khyentse, Dodrupchen đệ nhị và Paltrül cùng cử hành một lễ cúng dường khói (sang ceremony), nó trở thành một dấu hiệu cho thấy các ngài sẽ tái sinh làm anh em ruột. Paltrül trở về Thung lũng Do và ban giáo lý về Bodhicharyāvatāra ở nhiều nơi.
Sau khi sống khoảng mười năm quanh các thung lũng Do và Ser, quanh các trụ xứ của Dodrupchen, Paltrül trở về Tu viện Dzogchen. Tại các ẩn thất Padme Thang, Nakchung, và học viện Shrīsimha của Tu viện Dzogchen, ngài giảng dạy
Bodhicharyāvatāra, Abhisamayālamkāra (Hiện Quán Trang nghiêm),
Madhyamakāvatāra (Nhập Trung Luận),
Mahāyānasūtrālamkāra (Đại thừa Trang nghiêm Kinh luận),
Abhidharmakosha (A tỳ đạt ma Câu xá luận),
Guhyagarbha-māyājāla (Bí Mật Tập Hội),
Yönten Dzö (Kho tàng của những Phẩm tính Cao quý),
Domsum Namnge (Sự Xác quyết của Ba Thừa), và nhiều bản văn khác trong nhiều năm. Ngài hành hương đến Kathok và giảng
Bodhicharyāvatāra. Ngài tiếp đón Tertön Chogyur Lingpa ở Tu viện Dzogchen và nhận những trao truyền.
Cuối cùng, ngài trở về Dzachukha, quê hương của ngài. Ngài viếng thăm hầu hết tu viện và ẩn thất trong Thung lũng Dzachukha, đặc biệt là các ẩn thất Gekong và Changma, và giảng
Bodhicharyāvatāra và những bản văn khác của triết học Đại thừa. Nhưng trong hầu hết phần đời còn lại của ngài, ngài sống quanh Dzagya Gön, trụ xứ của bổn sư Gyalwe Nyuku của ngài, nơi di cốt của Gyalwe Nyuku được giữ gìn trong một bảo tháp. Tại Dzagya, ngài thiết lập một khóa giảng và thực hành
Bodhicharyāvatāra hàng năm kéo dài ba tháng, và một khóa giảng và thực hành về Cõi Tịnh Độ của Đức Phật Vô lượng Quang A Di Đà trong một tuần lễ. Mỗi lần ngài đi vào điện thờ di cốt của vị Thầy của ngài, ngài luôn luôn tụng lớn tiếng những lời ước nguyện sau:
Trong mọi cuộc đời của chúng con, cầu mong không bao giờ chúng con bị ảnh hưởng bởi mọi ác hữu. Trong mọi cuộc đời của chúng con, cầu mong không bao giờ chúng con xâm phạm ngay cả một sợi tóc của người khác. Trong mọi cuộc đời của chúng con, cầu mong không bao giờ chúng con xa rời ánh sáng của Thánh Pháp.
[Tiếp theo là một bài kệ lấy từ Kinh điển:]
Bất kỳ ai nhận giáo lý từ ta, và
Thậm chí nhìn thấy ta, lắng nghe ta, nghĩ tới ta, hay có quan hệ với ta qua việc trò chuyện,
Cầu mong cánh cửa tái sinh của họ trong những cõi thấp được đóng kín,
Và cầu mong họ tái sinh trong Cõi Cực Lạc Potala (Phổ Đà).
Ở Mamö Do tại Dhachukha ngài dâng hiến nỗ lực trong nhiều năm cho việc phát triển một Dobum nổi tiếng, một quần thể những bức tường đá đồ sộ thật đáng kinh ngạc, và trên mỗi hòn đá có khắc nhiều thần chú OM MANI PADME HŪM. Bức tường này được bắt đầu từ vị tiền nhiệm của Paltrül. Trong lần đầu tiên ngài bắt đầu chấp nhận mọi vật cúng dường và dùng từng mẩu bơ như tiền trả lương cho những người được thuê khắc những lời cầu nguyện. Khi bức tường đá được hoàn tất, ngài gởi một sứ giả đến thỉnh cầu ngài Khyentse Wangpo tới làm lễ hiến cúng. Vào ngày đặc biệt này, những hạt gia trì của lễ hiến cúng mà ngài Khyentse Wangpo ném từ một nơi cách xa tám ngày đường trên lưng ngựa, rơi xuống bức tường đá trước mắt mọi người.
Ở Tramatung, ngài giảng dạy và hướng dẫn thực hành về các tu tập chuẩn bị duy nhất, Trekchö và Thögal. Sau này, Tendzin Norbu (Tenli), đệ tử chính của ngài, nhận xét: “Tôi đã có một ít hiểu biết về Đại Viên mãn trước đó, nhưng ở Tramatung, tôi hoàn toàn thấu suốt và chứng ngộ những điều này.”
Khoảng năm 1872, Dodrupchen đệ tam, lúc đó tám tuổi, đến Dzagya Gön để nhận các giáo lý và trao truyền từ Paltrül. Sau khóa giảng, theo khẩn cầu của chính Paltrül, Dodrupchen ban giáo lý về Bodhicharyāvatāra cho đại chúng, kể cả bản thân Paltrül. Sau đó Paltrül gởi tin lành đến cho Khyentse Wangpo, nói rằng: “Về việc học Pháp, Dodrupchen đã ban giáo lý về Bodhicharyāvatāra năm lên tám tuổi. Đối với việc chứng ngộ Pháp, Nyakla Pema Düdül [1816-1872] vừa đạt được thân cầu vồng. Vì thế giáo pháp của Đức Phật không bị suy giảm.”
Vào lúc đó, thỉnh thoảng Dodrupchen nghe giọng nói của Paltrül lọt qua tường, nói rằng: “Đức Liên Hoa Sanh vĩ đại, xin đoái tưởng tới con. Con không có người nào khác để tin cậy...” – những lời khẩn cầu Guru Rinpoche trong bản văn ngöndro
Longchen Nyingthig. Điều này cho thấy chắc hẳn ngöndro là một trong những thực hành chính của ngài.
Từ năm bảy mươi mốt tuổi, ngài bắt đầu tiết kiệm lương thực, chỉ đủ để dùng khoảng một tuần, là việc mà trước đây ngài chưa bao giờ làm. Ngoài ra, ngài không nhận bất kỳ vật cúng dường nào, hoặc nếu có nhận thì ngài lập tức gởi nó cho quỹ xây tường đá mani. Thỉnh thoảng ngài để lại thực phẩm ở nơi nó được cúng dường cho ngài, khiến những người nghèo thường đi theo ngài để thâu thập những vật cúng dường mà ngài để lại.
Năm bảy mươi sáu tuổi, tại cánh đồng Dza Mamö, ngài ban giáo lý về
Lời Nguyện Khát khao Cõi Tịnh độ và
Mani Kabum cho khoảng một ngàn người. Sau đó ngài không ban giáo lý cho đại chúng nữa. Bất kỳ ai đến gặp ngài, ngài gởi tới Thầy Tenzin Norbu để học Pháp. Nếu ai cố nài nỉ thì ngài la rầy, nhưng ngài càng la rầy thì họ càng sùng mộ ngài. Đó là bởi trái tim bi mẫn và lời lẽ khiêm tốn của ngài.
Năm bảy mươi bảy tuổi, ngài đi tới Dzagya Gön và mời Dzogchen Rinpoche đệ ngũ, khi đó đang viếng thăm Dzachukha, và các ngài đã kỷ niệm ngày mồng mười tháng Thân năm Mùi, là sinh nhật của Guru Rinpoche.
Năm bảy mươi tám tuổi, Paltrül trở về Ko-ö, sinh quán của ngài. Năm tám mươi tuổi, vào ngày mười ba tháng tư năm Hỏa Hợi (1887), ngài bắt đầu có vấn đề về sức khỏe. Vào ngày mười tám tháng đó ngài dùng trà sáng như thường lệ. Sau đó, trước giờ trưa, ngài ngồi dậy trần trụi trong tư thế Phật và đặt bàn tay trên đầu gối. Khenpo Künpal có mặt ở đó, và Khenpo cố mặc quần áo lại cho ngài, nhưng ngài không phản ứng lại. Sau một lát, với đôi mắt mở trong vẻ thiền định, ngài búng ngón tay một lần và để tay trong tư thế thiền định, và tâm ngài tan hòa vào sự thuần tịnh nguyên thủy. Vào ngày hai mươi trong tháng, Tsamtrül Rinpoche cử hành lễ đánh thức tâm thức ngài ra khỏi thiền định.
Khi mất, ngài không để lại vật gì đáng giá. Có một bộ y tu sỹ, một bình bát khất thực, một khăn choàng vàng, một hạ y, thực phẩm đủ dùng khoảng mười ngày, một bộ gồm năm bản văn của Asanga (Vô Trước), và một bản chép Madhyamakāvatāra (Nhập Trung Luận). Có năm đồng bạc và một ít khăn choàng mà ngài chưa gởi cho quỹ xây tường đá. Đó là tất cả những gì ngài có.
Dodrupchen đệ tam mô tả giáo lý của Paltrül như sau:
Dù ban giáo lý nào, ngài không bao giờ trình bày với vẻ phô trương sự uyên bác của mình nhưng với mục đích làm những giáo lý ấy thích hợp với sự hiểu biết của người nghe. Nếu phân tích những lời dạy của ngài, ta sẽ thấy chúng hợp luận lý và đầy ý nghĩa. Thậm chí một người đần độn nghe những giáo lý ấy cũng có thể hiểu được dễ dàng. Bởi những giáo lý đó rất cô đọng nên người nghe dễ dàng nắm bắt. Lời giảng dạy có độ dài tương xứng, liên quan tới chủ đề và thật duyên dáng khiến cho người nghe say mê.
Mô tả nhân cách của Paltrül, Dodrupchen đệ tam viết:
Paltrül sử dụng ngôn từ cứng rắn có vẻ khủng khiếp và áp đảo, nhưng không có chút sân hận hay tham luyến trong những lời nói đó. Nếu quý vị biết cách lắng nghe thì chúng chỉ là những giáo lý trực tiếp hay gián tiếp. Mọi điều ngài nói ra thì rắn chắc như vàng – rất chân thật. Ngài đối xử với mọi người một cách bình đẳng, không tâng bốc khi họ có mặt mà cũng không nói xấu họ sau lưng. Ngài không bao giờ giả bộ là điều gì đó hay người nào đó. Vì thế mọi người, dù ở địa vị cao hay thấp, tất cả đều tôn kính ngài như một vị Thầy đích thực. Ngài không thiên vị đối với người có chức quyền cao mà cũng không coi nhẹ những người bình thường. Bất kỳ ai dính dáng tới những hoạt động phi đạo đức, trừ phi họ không thể thay đổi được, ngài lập tức nêu ra những lỗi lầm của họ và phơi bày chúng. Ngài tán thán và thôi thúc những người đang theo đuổi một đời sống tâm linh. Ngài có vẻ khó khăn trong việc đối xử nhưng nếu thân cận với ngài, quý vị không bao giờ thấy ngài biểu lộ sự thiếu trung thực, thiếu tin cậy, thiếu kiên định, hay đạo đức giả. Ngài không thay đổi trong tình bằng hữu, dễ dàng và thoải mái khi tiếp cận. Ngài kiên nhẫn trước những điều tốt và xấu. Khó có thể xa rời ngài. Mặc dù suốt đời ngài vẫn là một hành giả ẩn dật, mọi quan điểm của ngài đều lành mạnh, bởi ngài không bao giờ lạc hướng đối với các hoạt động của Bồ Tát. Như một tục ngữ có nói: “Cho dù vàng vẫn còn nằm dưới mặt đất, ánh sáng của nó chiếu rọi tận trời cao.” Nếu quý vị khảo sát ngài ở một mức độ nào đó quý vị sẽ thấy ngài trong sạch và thanh tịnh. Nếu quý vị nghĩ về ngài ở mức độ nào đó, niềm tin nơi ngài của quý vị sẽ tăng trưởng.
Mô tả về hình tướng vật lý của Paltrül, Dodrupchen đệ tam viết:
Đầu ngài lớn như một cái dù. Mặt ngài giống như một đóa sen nở, và những năng lực tri giác của ngài thì trong trẻo tinh khiết. Thường thì ngài rất ít bệnh tật. Từ thời thơ ấu ngài đã có trí tuệ và lòng bi mẫn vĩ đại, và là một diễn giả sáng chói.
Khenpo Künpal, người sống với Paltrül nhiều năm trong phần cuối cuộc đời của ngài, viết rằng một trong những lời cầu nguyện chính của ngài là
Manjushrīnamasamgitī (Hát tụng những Danh hiệu của Đức Văn Thù). Không chỉ không có của cải thế gian, ngài cũng không có nhiều Kinh sách, là thứ mà đối với một Đạo sư-học giả thường được cho là quan trọng nhất. Đôi khi ngài có một bản sao của
Bodhicharyāvatāra và một bản
Manjushrīnamasamgitī, là những bài nguyện hàng ngày của ngài. Nhưng đôi khi ngay cả những bản đó ngài cũng cho đi, bởi ngài đã thuộc lòng những bản văn đó. Ngài không có giấy hay một cây bút tre. Vì thế bất kỳ ngài ở đâu, khi đứng dậy, ngài sẵn sàng rời bỏ tức thì một nơi chốn.
Patrül đã ban những giảng dạy về những bản văn triết học thuộc Kinh điển, Mật điển, Đại Viên mãn và đã đánh thức hay trao truyền sự chứng ngộ tối thượng cho tâm thức của nhiều đệ tử hữu duyên. Tuy nhiên, dường như rất ít khi ngài ban quán đảnh hay cử hành những buổi lễ phức tạp.
Ngài có một quan điểm không bộ phái trong việc giảng dạy, cách viết và thực hành. Ngài đã nghiên cứu, thực hành và giảng dạy đầy đủ các truyền thống Phật Giáo của Tây Tạng. Ngài coi Đạo sư của những trường phái khác nhau ngang bằng với Đức Phật Trí tuệ:
Đức Sakya Pandita, đấng mang lại bình minh của ngũ minh,
Đức Tsongkhapa, suối nguồn của những giáo lý Kinh điển và Mật điển, và,
Đức Longchen Rabjam, Đạo sư của những giáo lý viên mãn của Đức Phật,
Là những Đức Văn Thù đích thực của Xứ Tuyết Tây Tạng.
Là một người vô cùng khiêm tốn và đơn giản, tuy thế ngài có thể giúp đỡ nhiều học giả cao quý, giàu có, đầy năng lực và nổi tiếng như các đệ tử của ngài. Nhiều đệ tử trong bộ quần áo gấm thêu có đoàn tùy tùng vây quanh đã đến quỳ dưới chân vị ẩn sĩ trong manh áo vải cũ kỹ, rách rưới, đắp vá này, là người khó có đủ tsampa để ăn hay đủ nhiên liệu để nấu trà. Thậm chí cũng có lúc vẻ khiêm tốn của ngài làm xấu hổ những người khoác áo thêu, đi ngựa và phô bày sự yếu đuối của họ.
Có lần Paltrül du hành tới một trại của người du cư, và ngài đi bộ như thường lệ. Ngài dừng chân tại một gia đình có một chiếc lều khổng lồ và xin họ cho ngài ở lại vài ngày bởi ngài đã kiệt sức. Gia đình đó nói: “Ông có đọc lời cầu nguyện được không?” Ngài trả lời: “Chút ít.” Sau đó họ bằng lòng cho ngài vào và để ngài ở một góc thấp nhất của chiếc lều. Nhiều người đang bận rộn làm các vật nghi lễ, dựng lều, làm ghế cao, và nấu thức ăn ngon cho một đại Lạt ma và đoàn của ngài sắp đến để cử hành một buổi lễ quan trọng. Sau vài ngày, họ nghe đồn là vị đại Lạt ma đang đến, và mọi người xô nhau ra đón Lạt ma. Paltrül không đi ra ngoài. Mọi người quát tháo ngài và hầu như lôi ngài ra để trình diện trước Lạt ma. Vị Lạt ma trong bộ quần áo thêu, đi tới với toàn bộ vẻ phô trương của khoảng bốn mươi kỵ binh hầu cận, cầm những lá phướn trong tay, như thể trong một vở tuồng. Paltrül không còn chọn lựa nào khác là phải tới trước vị Lạt ma, vì thế ngài đã làm như thế. Khi vị đại Lạt ma nhìn thấy Paltrül, ông ta nhảy xuống ngựa và sụp xuống chân Đạo sư, xấu hổ vì sự phô bày khoa trương vô nghĩa trước sự hiện diện khiêm tốn và đầy ý nghĩa của Paltrül vĩ đại. Vị Lạt ma là Minyak Kunzang Sönam, một đệ tử của Paltrül, người đã viết một bình giảng nổi danh về
Bodhicharyāvatāra. Từ ngày đó trở đi, vị Lạt ma từ bỏ lối sống khoa trương của mình, trở thành một ẩn sĩ, không bao giờ cưỡi ngựa nữa mà đi bộ cho dù du hành nơi đâu. Người ta tin rằng Paltrül đã biết trước kết quả của cuộc gặp gỡ này nhờ tài thấu thị của ngài, một khả năng mà ngài đã biểu lộ nhiều lần.
Các tác phẩm của ngài được thu thập trong sáu quyển sách, về Đại Viên mãn, Mật điển, Kinh điển, lời chỉ dạy, thi ca, và kịch. Các tác phẩm lừng danh của ngài là những giáo huấn công phu về thực hành chuẩn bị của
Longchen Nyingthig, có tựa đề là
Những Lời Dạy từ Kim khẩu của Lạt ma Phổ Hiền (Lời Vàng của Thầy tôi); một giáo huấn ngắn gọn nhưng kỳ diệu về thiền định Đại Viên mãn, có tựa đề là Ba Lời Đánh vào những Điểm Trọng yếu, và một bình giảng về
Abhisamayālamkāra (Hiện Quán Trang nghiêm).
Ở miền Đông Tây Tạng, có lẽ Paltrül là người có công lao to lớn nhất trong việc làm cho
Bodhicharyāvatāra (Nhập Bồ Tát Hạnh) thành một cẩm nang cho nhiều tu sĩ;
Lời Nguyện Khát khao được Tái sinh trong Cõi Tịnh Độ Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, một lời nguyện hàng ngày cho nhiều cư sĩ;
Guhyagarbha-māyājāla-tantra (Mật điển Bí mật tập hội), nền tảng của truyền thống Mật thừa Nyingma; các giáo lý Đại Viên mãn không chỉ là một truyền thống dựa trên văn tự mà là một chứng ngộ thiền định; và trên tất cả, OM MANI PADME HŪM như hơi thở bất tận của nhiều người.
Trong số những hóa thân của ngài có Jigme Wangpo xứ Dzagya Gön và Namkha Jigme xứ Dzachukha, một nam tử của Düdjom Lingpa.