F. Chương XIII - XV
Chương XIII: Jigme Gyalwe Nyuku
1765-1843
JIGME Gyalwe Nyuku là một thiền giả, Bồ Tát, và bậc lão thông vĩ đại. Ngài là một trong hai Đạo sư lãnh trách nhiệm truyền bá Longchen Nyingthig trên khắp xứ Tây Tạng, đặc biệt là miền Đông Tây Tạng. Khi còn trẻ ngài được gọi là Pema Kunzang và sau này được gọi là Jigme Gyalwe Nyuku, Nam tử Vô Úy của Đấng Chiến Thắng (Phật).
Gyalwe Nyuku sinh năm Mộc Dậu thuộc Rabjung thứ mười ba (1765) trong nhóm du cư Getse trong Thung lũng Dzachukha. Thân phụ ngài là Ogyen Tashi thuộc bộ tộc Mange của dòng Dong, và thân mẫu là Tashi Kyi thuộc bộ tộc Awö. Dzachukha là thung lũng gần nguồn của Sông Dza (Nyak Ch’u/Yalung). Gyalwe Nyuku là con thứ hai trong chín người con. Từ thời thơ ấu ngài đã không bao giờ quan tâm tới những vui thú thế tục. Vào mùa xuân, mỗi khi ngài nhìn thấy những đám mây mưa lơ lửng trên bầu trời và nghe tiếng sấm nhẹ nhàng, ngài kinh nghiệm một sự thôi thúc mãnh liệt giục giã ngài đi tới một nơi cô tịch trên đỉnh một ngọn núi cao và hiến mình cho việc thiền định Phật Pháp. Mọi người trong gia đình ngài đều muốn ngài trở thành một gia trưởng tài giỏi, ngoại trừ mẹ ngài, người rất mộ đạo và cố gắng giúp đỡ ngài thực hiện những ước nguyện về Pháp.
Năm mười hai tuổi, ngài có cơ hội tập đọc. Năm mười bốn tuổi ngài đi hành hương tới Lhasa, Samye, và nhiều nơi khác và trở về bình an.
Năm mười lăm tuổi ngài nhận những giáo huấn Đại Viên mãn và Tsasum Sangwa Nyingthig từ Getse Lama Rigdzin Gyatso (?-1816?). Lạt ma bảo ngài: “Để hoàn thiện việc thiền định của ông về bản tánh của tâm điều duy nhất ông cần làm chỉ là duy trì những gì ông đã chứng ngộ.” Ngài có những linh kiến phi thường và có thể tiên tri nhiều việc sẽ xảy ra sau này.
Năm mười sáu tuổi ngài bị bắt buộc phải đi theo anh của ngài trong những chuyến đi buôn. Trong những cuộc du hành này ngài bị tràn ngập bởi một nỗi khiếp sợ mãnh liệt vì việc nói dối và chửi rủa của những người thế tục.
Năm mười bảy tuổi ngài đưa thân mẫu đi hành hương Lhasa với vài người bạn. Trong khi họ ở miền Trung Tây Tạng, ngài và một người bạn cố chạy trốn để thực hành Pháp, nhưng những người bạn đã bắt họ lại và đưa họ về Kham.
Năm mười tám tuổi, ngài thực hiện một khóa nhập thất thiền định một trăm ngày. Năm mười chín tuổi, anh ngài mất. Hơn hẳn bất kỳ sự kiện đơn độc nào khác, điều này đã chuyển hóa tâm ngài hướng về Pháp một cách kiên định, nhưng Lobsang Chökyong, thủ lãnh của nhóm bộ tộc Getse, và những người thân của ngài bắt đầu thúc ép ngài kết hôn và chăm sóc gia đình. Tuy nhiên ngài không nhượng bộ chút nào khi quyết định từ bỏ cuộc đời của một gia chủ.
Bởi nếu ở lại Kham ngài không thể nào hiến mình cho một cuộc đời tu tập Pháp nên cùng một người bạn tên là Rigdzin, một thiền giả tu tập Pháp thuộc nhóm bộ tộc Barchung, ngài đã chạy trốn tới miền Trung Tây Tạng. Ngài đã chuẩn bị mang theo một nén bạc để chi dụng. Du hành qua Chabdo, Drikung, Gaden, Yamalung, và Samye, họ tới Lhasa. Gyalwe Nyuku không chỉ được phú bẩm trí tuệ tâm linh mà còn rất thông tuệ và thực tiễn. Anh bạn Rigdzin của ngài rất đáng tin cậy và tâm linh nhưng không thực tế và không có nhiều khả năng ngay cả việc kiếm củi để làm nhiên liệu trong núi non. Ở Lhasa một tên trộm trong y phục tu sĩ biết rằng họ muốn đổi nén bạc để lấy tiền. Một hôm khi Gyalwe Nyuku đi khỏi, tên trộm lại gặp Rigdzin và tỏ ý muốn đổi nén bạc thành đồng xu theo giá mà họ muốn. Rigdzin đưa nén bạc và tên trộm biến mất. Như thế, ngoại trừ một vài vật được tặng, họ không còn gì để sống. Thay vì quở trách bạn, Gyalwe Nyuku an ủi anh ta và nói: “Chúng ta mất nén bạc bởi ta không có công đức để sở hữu và sử dụng nó.”
Sau khi đi qua Drak Yangdzong, họ tới Samye. Ở đó họ gặp Dodrupchen đệ nhất, là người mà Rigdzin đã biết ở Kham. Dodrupchen khuyên họ:
Các con là những thanh niên thuộc những gia đình giàu có.. Các con nên thiền định tại Chimphu cùng với ta, bởi ta sắp đi tới đó, nhưng trước khi thiền định các con phải nhận những giáo huấn đúng đắn. Có một Lạt ma thấu suốt mọi sự mà không có chút chướng ngại nào, và ngài cũng ban giáo lý phù hợp với nhu cầu của đệ tử mà không lệ thuộc vào việc họ có những vật cúng dường hay không. Ngài là Khyentse Rinpoche [Jigme Lingpa], Đạo sư của ta. Ta sẽ gởi các con tới ngài với một lá thư. Hãy vui vẻ.
Theo lời khuyên của Dodrupchen, họ tới Tsering Jong và gặp Jigme Lingpa. Gyalwe Nyuku viết rằng khi họ nhìn thấy Jigme Lingpa, trong một lát mọi cảm nhận về cuộc đời này tan biến và ngài kinh nghiệm sự hỉ lạc như thể ngài đã đạt được con đường của sự nội quán. Sau đó trong mười lăm ngày họ nhận quán đảnh Rigdzin Düpa, khẩu truyền Yönten Dzö, và những giáo huấn chi tiết về thiền định Đại Viên mãn phù hợp với sự thuần thục của tâm họ (sMin Khrid).
Sau đó họ trở lại gặp Dodrupchen ở Samye. Sau một chuyến hành hương ngắn, họ tới Tsang để thăm Gomchen Kuzhap, Rigdzin Pema She-nyen lừng danh. Trên đường, mặc dù không biết bơi, họ đặt Rigdzin ở giữa Dodrupchen và Gyalwe Nyuku và vượt Sông Kyichu. Sau này Gyalwe Nyuku nghĩ rằng họ thành công chỉ nhờ sự gia hộ của Tam Bảo. Ở Tsang họ nhận nhiều sự trao truyền Changter (những Kho tàng Phương Bắc) từ Pema She-nyen và những trao truyền Chö từ Drupchen Thupten Tendzin.
Sau đó Dodrupchen dự tính đi Lhasa một mình để gặp bạn của ngài và trở về Kham. Gyalwe Nyuku nài nỉ xin được đi cùng ngài đến tận Lhasa. Trên đường đi Dodrupchen ngã bệnh trầm trọng, nhưng ngài chấp nhận bệnh tật của ngài với sự hoan hỉ lớn lao, và điều này khiến Gyalwe vô cùng cảm kích.
Từ Lhasa, Gyalwe Nyuku tới Tu viện Dorje Trak để gặp Pema She-nyen khi đó đang ban những trao truyền Rigdzin Chenmo. Sau đó họ trở về Tsang. Sau khi hoàn tất một khóa nhập thất hai năm chín tháng, Gyalwe và Rigdzin trở về Lhasa.
Tại Trak Yerpa, Gyalwe Nyuku gặp một Lạt ma với bộ quần áo rách rưới, đắp vá. Chỉ nhìn thấy Lạt ma không thôi đã đủ phát sinh trong lòng ngài một niềm tin mãnh liệt, như thể ngài nhìn thấy Guru Rinpoche bằng xương bằng thịt. Lạt ma ban cho ngài những giải thích làm sáng tỏ việc thiền định của ngài và tiên tri rằng trong giai đoạn đầu đời Gyalwe Nyuku không an trụ ở một nơi nhưng về sau ngài sẽ không muốn rời một thung lũng nhìn về hướng đông nam, và ở đó ngài sẽ thành tựu những mục đích đối với bản thân ngài và những người khác.
Gyalwe Nyuku tới Tsering Jong và nhận nhiều sự trao truyền và giáo huấn từ Jigme Lingpa. Theo lời khuyên của Jigme Lingpa, sau khi nhận quán đảnh Yumka ngài thực hiện hành trình gian khổ tới ngọn núi thiêng Tsāri. Trên đường đi ngài thiền định tại nhiều thánh địa trong một tuần hay hơn. Bởi ngài đã tặng đôi giày cho một người hành khất trước đó đã lâu, khi gần tới Tsāri ngài phải đi chân trần, ngay cả trong tuyết. Bàn chân ngài trở nên tê cứng và biến dạng, đến nỗi khi một vài đứa trẻ nhìn thấy vết chân của ngài trên đường họ trở về, đã sợ rằng đó là dấu chân của một con quái vật. Trong những hoàn cảnh gian khổ như thế, ngài mất nhiều ngày để đi nhiễu quanh Núi Tsāri. Ở một nơi, hy sinh sự an toàn của riêng mình, ngài cứu mạng một số người bị chôn dưới tuyết trên đường họ đi nhiễu. Thay vì hết sức đau đớn hay lo buồn, ngài liên tục kinh nghiệm mọi sự xuất hiện như Báo Thân, những thân tướng Phật bằng ánh sáng và tia sáng, sự xuất hiện tự nhiên không có những ý niệm nhị nguyên.
Trong chín tháng ngài ẩn cư nghiêm nhặt để thiền định tại Tsāri. Vào lúc bắt đầu ngài dùng một ít tsampa ba lần mỗi ngày với một loại súp làm bằng vỏ một loại cây. Sau một thời gian, ngài dùng tsampa mỗi ngày một lần. Sau đó tsampa đã cạn kiệt, và ngài đun sôi những torma cũ, bánh cúng khô mà ngài đã dâng cúng trước đó và uống chất súp của nó mỗi ngày một lần. Khi những món đó cũng hết, ngài không còn gì để ăn. Sau một thời gian, thậm chí ngài có thể nhìn thấy ánh nắng qua những khớp xương của ngài. Ngài đun sôi một ít cây tầm ma và uống chất nước, nhưng nó làm cổ họng ngài bị tổn thương. Sau đó ngài tìm thấy một cái xương hông cũ của một con cừu. Ngài nấu sôi nó và uống súp, điều đó mang lại một chút êm dịu cho cơ thể ngài.
Sau khi hoàn tất khóa nhập thất chín tháng, ngài sẵn sàng ra đi. Nương tựa vào sự hỗ trợ của một chiếc gậy chống bằng cách nắm chặt nó bằng cả hai bàn tay, ngài bắt đầu rời hang. Ngài cảm nhận trong mỗi bước đi là ngài sắp mất ý thức và ngã xuống. Ngài không thể đứng thẳng thân mình, bởi ngài cảm thấy ruột của ngài dính chặt vào xương sống. Cổ ngài rất dài, và những khớp xương ở cổ và xương sống của ngài dễ đếm. Việc uống một ly nước sẽ giúp ngài đi thêm vài bước nhưng sau đó nước khiến cho ngài vô cùng phiền hà khi đi tiểu. Sau khi đi theo cách này trong bốn ngày, cuối cùng ngài gặp vài người cho ngài thực phẩm, và từ từ ngài bắt đầu phục hồi sức khỏe mà không có biến chứng nào.
Sau khi du hành nhiều ngày, ngài tới được chỗ ở của Jigme Lingpa và nhận một gia hộ ngắn gọn. Sau đó ngài đi tới ẩn thất Ogyen Ling để nhập thất trong sáu tháng, trong thời gian đó ngài có nhiều kinh nghiệm và linh kiến. Một hôm ngài ra ngoài nắng, nhìn lên bầu trời về phía vị Thầy của ngài ở, và một nỗi nhớ vô hạn về bổn sư Jigme Lingpa và những vị Thầy khác phát khởi trong tâm ngài. Ngài cầu nguyện các Thầy với lòng sùng mộ mãnh liệt. Ngài kinh nghiệm một sự nhàm chán sinh tử mạnh mẽ hơn cảm xúc mà ngài từng có trước đây. Ngài khóc trong nhiều thời khóa thực hành. Sau đó, nghĩ rằng kinh nghiệm này có lẽ là một chướng ngại, ngài đã suy niệm về bản tánh tối thượng. Trong một lát, ngài như thể mất ý thức. Khi ngài tỉnh dậy, ngài nhận ra rằng không có gì để thấy hay thiền định, bởi tất cả những nhận thức về việc thực hành thiền định đã biến mất. Trước đó ngài đã có một điểm quy chiếu vi tế về cái thấy (kiến) và thiền định, nhưng bây giờ mọi sự đã trôi qua.
Sau đó Gyalwe Nyuku nhận một thông điệp từ Dodrupchen yêu cầu ngài tới gặp Dodrupchen ở Tsering Jong, nơi vị Thầy này vừa trở lại. Gyalwe vội vã đi Tsering Jong và gặp Jigme Lingpa lẫn Dodrupchen. Ngài dâng một bản mô tả chi tiết về kinh nghiệm thiền định của ngài, trong đó ngài có cảm tưởng là không có thiền giả thấu suốt việc thiền định. Jigme Lingpa hài lòng và nói:
Điều đó đúng! Sự chứng ngộ [bản tánh tối thượng] phải đến bằng một trong bốn cách khác nhau. Một vài thiền giả sùng mộ, tinh tấn, bi mẫn, và khôn ngoan chứng ngộ nó khi họ nhận “sự ban tặng trí tuệ” trong một lễ quán đảnh. Một số chứng ngộ nó khi họ nhận “sự đạt được những thành tựu,” khi họ đã hoàn tất việc thiền định và trì tụng một sādhana của Bổn Tôn. Một số chứng ngộ nó nhờ sự trao truyền chứng ngộ của Lạt ma cho họ bằng cách phát triển một niềm tin mãnh liệt nơi Lạt ma, bằng cách nhìn Lạt ma như một vị Phật thực sự. Một số chứng ngộ nó khi họ thành công trong việc làm an dịu những náo động quấy nhiễu phát khởi do ảnh hưởng của những thế lực tiêu cực ở những nơi linh thiêng hay bị ma ám chẳng hạn như các nghĩa địa. Bây giờ con đã chứng ngộ bản tánh tối thượng nhờ sự gia hộ của Lạt ma lẫn sự thành tựu Bổn Tôn.
Vì thế từ nay trở đi, như Đức Tampa [Sangye] Rinpoche nói:
Khi ta ngủ một mình trong sự ẩn nấp,
Ta an trụ trong giác tánh nội tại trần trụi.
Khi ta ở giữa nhiều người,
Ta nhìn [gương mặt] của mọi sự xuất hiện.
Hãy để Niết bàn được đạt tới trong trạng thái nguyên sơ, không đánh bẫy giác tánh nguyên sơ chứng ngộ, là sự hợp nhất của sự khoáng đạt và quang minh xuất hiện từ trạng thái nguyên sơ của nó, trong mạng lưới của sự tạo tác những đặc tính.
Vào lúc đó, Jigme Lingpa đang trải qua một vấn đề về mắt, và Gyalwe Nyuku được phái đi tìm một thầy thuốc. Vị Thầy thuốc tiến hành thành công một ca mổ mắt cho Jigme Lingpa.
Trước sự nài nỉ của Dodrupchen, Gyalwe Nyuku đồng ý trở về Kham với ngài. Thân mẫu của Gyalwe Nyuku đau yếu nhưng biểu lộ sự hạnh phúc về việc Gyalwe Nyuku hiến mình cho Pháp. Bà nói: “Nếu con có thể thành công trong việc thực hành Pháp thì không cần phải lo lắng về ta.” Sau khi được Dodrupchen cho phép, Gyalwe Nyuku thực hiện một khóa nhập thất trì tụng tại Barchung Latrang. Đó là năm 1793.
Kế đó Gyalwe Nyuku đi tới trại của Dodrupchen tại Mamö Do ở Dzachukha, nhưng Dodrupchen đã đi tới Cung điện Dege. Ngài thực hiện một khóa nhập thất một trăm ngày trong một hang động gần trại và có nhiều kinh nghiệm tâm linh và linh kiến. Sau khóa nhập thất, khi ngài gặp Dodrupchen từ Cung điện Dege trở về, Dodrupchen nói: “Trong một giấc mơ ta thấy mình trên một ngọn núi cao dẫn theo một bày thú nhỏ, và kế đó ta thấy ông ở dưới thấp, đang đưa lên nhiều con thú. Vì thế ông sẽ làm lợi lạc nhiều chúng sinh hơn ta.”
Gyalwe Nyuku phụng sự Dodrupchen một thời gian khi vị Thầy này đang giảng dạy ở gần Dzachukha. Sau đó Dodrupchen đi Amdo và Mông Cổ để đi Ngũ Đài Sơn, và ngài phái Gyalwe và người cháu là Jigme Changchup tới Tu viện Dzogchen.
Gyalwe Nyuku nhập thất ở Tsering Phuk, gần Tu viện Dzogchen, nơi có lần Dodrupchen đã thực hiện khóa nhập thất của riêng ngài. Chẳng bao lâu sau khóa nhập thất, ngài du hành tới miền Trung Tây Tạng để gặp Jigme Lingpa một lần nữa.
Tại Tsering Jong, ngài kinh nghiệm sự hoan hỉ lớn lao khi một lần nữa gặp Đức toàn trí Jigme Lingpa, lúc đó vị Thầy này không còn những bệnh về mắt nữa. Ngài cũng gặp Gyalse, con nhỏ của Jigme Lingpa. Ngài nhận những giáo lý sâu xa trong hai tháng rưỡi. Jigme Lingpa nói với ngài: “Trước đây, ta không biết là ông rất thông tuệ.. Nếu ông ở lại với ta trong ba năm, ta sẽ làm cho ông trở thành một người đặc biệt.” Gyalwe Nyuku thẳng thắn trình bày rằng ngài phải trở về quê hương vì những bổn phận với các bạn hữu của ngài. Jigme Lingpa trả lời:
Điều đó tốt. Sự đáng tin cậy là phẩm tính của một bằng hữu siêu việt. Thực ra, để thực hành Pháp chân thực, không cần biết quá nhiều thứ. Thông tin không nhất thiết mang lại lợi lạc cho tâm. Một thái độ tốt lành làm lợi ích tâm. Tuy nhiên, ông có đủ trí tuệ trong việc học tập, phân tích, và thiền định để độc lập. Không cần phải lệ thuộc vào những cấu trúc tu viện. Ông phải nỗ lực thiền định trong những hang động hay những túp lều, nơi sẽ không xuất hiện những hoàn cảnh tiêu cực. Nếu người ta đến gặp ông để xin giáo lý, hãy chỉ dạy họ với sự xác quyết. Bởi thái độ của ông tuyệt vời như vàng ròng, ông sẽ giúp ích cho chúng sinh.
Sau đó Gyalwe Nyuku trở về Kham. Ngài thực hiện một khóa nhập thất nhiều năm gần Tu viện Dzogchen và một khóa nhập thất ba năm tại Getse ở Dzachukha.
Năm 1799, ngài đi tới Shukchen Tago để giúp Dodrupchen xây gompa mới của ngài. Cùng với Dodrupchen ngài tới thăm Vua Tsewang Lhündrup (?-1825) xứ Tsakho tại Cung điện Phüntsok, tới vua xứ Choktse, và tới nhiều nơi khác trong Thung lũng Dzika để giúp Dodrupchen giảng dạy và gây quỹ xây dựng gompa.
Sau này Gyalwe Nyuku đích thân viếng thăm Cung điện Phüntsok. Nhà vua thỉnh cầu ngài ở lại làm vị trụ trì Chupho Gompa hay Namgyal Teng Gompa nhưng ngài từ chối.
Gaylwe Nyuku muốn đi Nakshö Sinmo Dzong để ở lại đó, nhưng trước sự nài nỉ của Dodrupchen, ngài đã hứa không đi tới những nơi xa quá năm hay sáu ngày đường.
Tại Lhalung Khuk ngài tham dự lễ tôn phong của Do Khyentse và nhìn thấy Dodrupchen. Được cảm hứng bởi Gyalwe Nyuku, nhiếp chính hoàng hậu xứ Dege muốn ngài an trụ ở Cung điện Dege, nhưng nhờ sự can thiệp khéo léo của Dodrupchen ngài có thể tránh được mệnh lệnh này.
Năm 1804, ở tuổi bốn mươi, Gyalwe Nyuku định cư tại Trama Lung, Thung lũng Những Cành Khô, ở Dzachukha. Sau một thời gian, ngài nhận một thông điệp từ Dodrupchen rằng nhiếp chính hoàng hậu xứ Dege muốn ngài tới Cung điện Dege. Ngài viết thư cầu cứu Dodrupchen, Dodrupchen thành công trong việc xin nhiếp chính hoàng hậu miễn cho Gyalwe Nyuku thi hành lệnh này. Là một đối tượng của nhiếp chính hoàng hậu, Gyalwe Nyuku phải khéo léo.
Tại Trama Lung, cùng vài ẩn sĩ, Gyalwe Nyuku sống trong sự thiền định và giảng dạy hơn hai mươi năm, và ngài được gọi là Dza Trama Lama, theo tên của địa phương. Trong thời gian đó, ngài không hoàn toàn ẩn dật như nhiều người nhập thất thường làm, mà giảng dạy và ban các quán đảnh tại Trama Lung và những nơi lân cận cho các thiền giả, tu sĩ, và cư sĩ.
Năm 1812 ngài có nhiều kinh nghiệm, chẳng hạn như chuyển hóa toàn bộ các hiện tượng thành một quả cầu ánh sáng xanh dương và sau đó tan hòa nó vào bản thân ngài, khi đó thân ngài tan thành một hiện tượng xuất hiện nhưng không thể nhận thức được, và sau đó cùng trở lại là thân ngài. Ngài nhận những quán đảnh từ Đại Thành tựu giả Kathok Getse khi vị Thầy này viếng thăm ẩn thất của ngài.
Năm 1814 tại Norbu Ri Gompa ngài ban các giáo lý cho Do Khyentse, hóa thân của vị Thầy của ngài, và nhiều người khác. Do Khyentse nguyện tụng thần chú của Đức Avalokiteshvara một trăm triệu lần.
Năm 1815 Do Khyentse đang đi qua Dzachukha trong chuyến viếng thăm miền Trung Tây Tạng lần thứ hai và là lần cuối cùng của ngài, và Gyalwe Nyuku đi tiễn ngài. Sau đó Gyalwe Nyuku đi tới Tu viện Gyarong để nhận một quán đảnh trường thọ từ Đạo sư Namkha Tsewang Chokdrup (1744-?). Ngài cũng được Jigme Kalzang, nhiếp chính của Dodrupchen, viếng thăm và nhận các quán đảnh từ ngài. Vào khoảng thời gian này, một trong hai vị Thầy của ngài ở Kham là Getse Lama Rigdzin Gyatso qua đời.
Năm 1816, Gyalwe Nyuku đi đón Do Khyentse trở về sau cuộc viếng thăm miền Trung Tây Tạng. Ngài gặp Do Khyentse và Dzogchen Rinpoche và nhận các quán đảnh từ hai vị Thầy này.
Năm 1817/18, sau khi nhận một thông điệp từ Dodrupchen mời ngài tới gặp, ngài và khoảng mười tu sĩ đi tới Yarlung Pemakö trong Thung lũng Ser. Cha và con (hay các huynh đệ) trong Pháp đã có một cuộc sum họp vui vẻ. Gyalwe và những người đồng hành của ngài nhận tất cả những giáo lý và quán đảnh mà họ mong ước. Đáp lại khẩn cầu của Gyalwe Nyuku, Do Khyentse đưa ra một tiên tri với mô tả chi tiết về một địa điểm mà Gyalwe Nyuku nên đặt trụ xứ chính của ngài. Tiên tri nói:
Ở phía Tây của Dagyal [Dzagyal] Lhünpo năm ngọn, một địa điểm cô tịch,
Có một nơi giống như một đóa hoa nở.
Ngọn núi phía sau như một đại thiền giả đang suy niệm.
Ngọn núi trước mặt giống như một cái bình được đưa lên.
Ngọn núi bên phải như một cuộn vải mở ra trong không trung..
Nước đổ xuống ca hát những nguyên âm và phụ âm.
Xứ sở nhiều màu sắc với cây cối và hoa lá.
Hãy sắp xếp để sống ở nơi chốn tuyệt vời đó.
Ngay khi Gyalwe Nyuku trở về Dzachukha, ngài di chuyển tới Gyagö Photrang, địa điểm được phú tặng những tính chất được Dodrupchen tiên tri. Ngài ở đó hơn mười năm.
Một đêm, Gyalwe Nyuku có một giấc mơ về những Bổn Tôn an bình và phẫn nộ trong không trung, và một dākinī nói với ngài rằng đây là lúc ngài ra đi. Sau đó bốn dākinī trang điểm tuyệt đẹp bằng bốn màu khác nhau nâng ngài và dākinī thứ nhất lên không trung trên một cuộn lụa mở ra. Nhưng vào lúc đó ngài nhìn thấy Dodrupchen từ bầu trời đi xuống, bảo các dākinī đưa ngài trở lại, bởi bây giờ không phải là lúc ngài ra đi, vì thế họ đưa ngài trở về. Sau đó chư Phật tan biến vào ngài, và ngài thức dậy khỏi giấc ngủ. Ngay cả khi ngài thức giấc vào ban ngày, ngài vẫn có những kinh nghiệm khác nhau. Chẳng hạn như ngài nhìn thấy mọi hình tướng biến thành những Bổn Tôn hòa bình và phẫn nộ; họ tan biến vào ngài; thân ngài nổ tung thành một hiện tượng xuất hiện nhưng không thể nhận thức được; hay đôi khi mọi sự trở nên hoàn toàn trống không.
Một đêm, trong một giấc mơ, ngài được một dākinī dẫn tới một nơi thật lạ lùng. Trong đó ngài ngồi giữa Jigme Lingpa và Dodrupchen. Ngài sung sướng tới nỗi ngài khẩn cầu các ngài cho ngài ở lại, nhưng các ngài nói: “Không, ông chỉ là một người khách. Bây giờ không phải lúc ông tới. Chớ ngã lòng bởi con người của thời đại tăm tối, hãy duy trì hai giới nguyện Bồ đề tâm của ông. Hãy làm tràn đầy cuộc đời của ông bằng những hoạt động của bánh xe Pháp (Pháp luân). Không có gì ngăn cách giữa chúng ta và ông.”
Năm 1820, tại Tu viện Dzogchen, ngài nhận nhiều quán đảnh từ Dzogchen đệ tứ. Ngài cũng ban giáo lý cho Dzogchen Rinpoche và những người khác.
Vào ngày mười bảy tháng tám năm Kim Tỵ (1821), Do Khyentse, khi đó đang viếng thăm một khu khác của Dzachukha, bảo với các môn đồ của ngài rằng ngài đã nhận được một tiên tri nói rằng ngài sẽ lìa bỏ thân xác vào ngày hai mươi lăm cũng trong tháng đó. Chỉ có một người thuộc về gia đình Hoa sen (Liên hoa bộ) và được gọi là Pema, có thể ngăn cản điều đó. Do Khyentse nói rằng người đó là Gyalwe Nyuku. Chẳng bao lâu Gyalwe Nyuku nghe được những lời đó, ngài đi cả đêm để gặp Do Khyentse đang khỏe mạnh. Với khoảng năm mươi tu sĩ, ngài bắt đầu tổ chức một buổi lễ. Vào ngày hai mươi bốn, Do Khyentse thình lình ngã bệnh. Gyalwe Nyuku cử hành lễ Sündok của Yumka Dechen Gyalmo suốt đêm. Do Khyentse đang hấp hối và mọi người kêu khóc. Với lòng sùng mộ mãnh liệt, thiền định sâu xa, và những lời cầu nguyện dũng cảm nhất Gyalwe Nyuku đã làm hết khả năng của ngài, và cuối cùng những dấu hiệu của việc quét sạch các chướng ngại đã xuất hiện trong các nghi lễ, và ngay lập tức Do Khyentse biểu lộ những dấu hiệu của sự hồi sinh.
Năm 1821 Gyalwe Nyuku tham dự tang lễ của Pönlop đệ tam (1806-1821?) tại Dzogchen và tẩy trừ những chướng ngại cho cuộc đời của Dzogchen Rinpoche đệ tứ và ban cho vị Thầy này các giáo lý.
Năm 1830, ngài dời trụ xứ của ngài từ Gyagö Photrang tới Dzagyal Dünlung. Gyagö Photrang là một nơi rất tốt cho ngài, một địa điểm kiết tường mà ngài và các đệ tử của ngài đã đạt được những thành tựu vĩ đại, nhưng hiện nay, do một sự thay đổi khí hậu, mặt đất trở nên ẩm ướt và không tốt cho sức khỏe nếu sống ở đó lâu dài.
Năm 1833 Gyalse Zhenphen Thaye tới nhận thêm giáo lý từ ngài. Năm 1834 Gyalwe Nyuku ban những trao truyền Longchen Nyingthig cho Dodrupchen đệ nhị (1824-1863/64) và gia lực cho vị Thầy này là vajracharya (Kim cương sư) siêu việt.
Ngài kết thúc tự truyện của ngài năm bảy mươi tư tuổi (1838).
Năm bảy mươi chín tuổi, vào ngày hai mươi lăm tháng giêng năm Thủy Mão, ngài thị tịch. Trong một linh kiến, Dzogchen Rinpoche đệ tứ đã nhận được di chúc của Gyalwe Nyuku. Di cốt của ngài được giữ gìn tại Tu viện Dzagya ở Dzachukha.
Theo lời khuyên của Jigme Lingpa, Gyalwe Nyuku đã hiến dâng toàn bộ phần cuối đời ngài cho việc giảng dạy bất kỳ ai tới nghe ngài nói, ban những quán đảnh hay những giáo huấn thiền định cho tất cả những ai sùng mộ và chân thành trong việc thiền định. Chẳng hạn như, Paltrül Rinpoche đã nhận những giáo lý về Ngöndro Longchen Nyingthig hai mươi lăm lần từ ngài. Paltrül đã ghi lại những lời dạy của Gyalwe Nyuku về Ngöndro trong tác phẩm Künzang La-me Zhalung (Lời Vàng của Thầy tôi).
Tülku (tái sinh) của ngài là Künzang Dechen Dorje, người đã được Dzogchen Rinpoche đệ tứ xác nhận.
Chương XIV: Dola Jigme Kalzang
Thế kỷ mười chín
DOLA Jigme Kalzang là một thiền giả, học giả, và Bồ Tát vĩ đại. Ngài đã truyền bá truyền thống Longchen Nyingthig tại Kham và Amdo. Ngài cũng được gọi là Chökyi Lodrö và Zhönu Yeshe Dorje.
Có một lần, trong một hang động gần Sông Ma (Hoàng Hà), ngài bắt đầu một khóa nhập thất ba năm ở nơi hoàn toàn hẻo lánh để chuẩn bị thực hành sādhana Vajrakīla. Ngay đêm đầu tiên của khóa nhập thất, một khách hành hương trú ẩn ở cửa hang của Jigme Kalzang. Sử dụng một cái trống tay và một cái chuông, khách hành hương hát tụng Khandrö Kegyang, một nghi lễ Chö. Trong hang động, Jigme Kalzang nghe bài hát và cảm động bởi ý nghĩa sâu xa và kết cấu tuyệt đẹp của nó đến nỗi ngài không thể cưỡng lại được việc ra ngoài ẩn thất vào buổi sáng để gặp người khách hành hương. Ngài hỏi ai là người đã sáng tác nghi lễ Chö và biết được rằng Jigme Lingpa đã khám phá nghi lễ đó như một terma nhưng Jigme Lingpa đã mất. Jigme Kalzang hỏi có đệ tử chính yếu nào của Jigme Lingpa còn sống không. Khách hành hương trả lời rằng đệ tử lớn nhất của Jigme Lingpa là Dodrupchen Rinpoche hiện sống và giảng dạy tại Golok. Bởi Dodrupchen là tên của vị Thầy định mệnh của ngài nên vừa nghe đến tên Dodrupchen, Jigme Thrinle Özer, Jigme Kalzang phát khởi lòng sùng mộ bất biến và lập tức ra đi để gặp Thầy.
Từ Dodrupchen ngài nhận những giáo lý nói chung và đặc biệt là những trao truyền Longchen Nyingthig. Ngài trở thành một trong những vị hộ trì dòng truyền thừa chính yếu của Longchen Nyingthig.
Jigme Kalzang đã xác nhận Paltrül Rinpoche là tülku của Palge Lama của Tu viện Dzogchen, và sau này Dodrupchen đệ nhất phê chuẩn điều đó. Trong những năm cuối đời của Dodrupchen, ngài ban những trao truyền quán đảnh và giáo huấn, và Jigme Kalzang ban sự trì tụng Kinh điển (Lung) nhân danh Dodrupchen. Ngoài ra, khi Dodrupchen không rời ẩn thất, Jigme Kalzang là Lạt ma thay mặt Dodrupchen đi truyền bá Longchen Nyingthig và nhiều sự trao truyền Nyingma khác của dòng Dodrupchen ở Dege và Amdo.
Jigme Kalzang đã truyền các tantra (Mật điển) Nyingma và giáo lý Nyingthig cho nhiều Lạt ma quan trọng của các tu viện Kathok, Dzogchen, và Zhechen, và trong phần cuối đời ngài, ngài đã truyền bá giáo lý ở Amdo và trong những người Mông Cổ ở miền Thanh Hồ.
Jigme Gyalwe Nyuku viết rằng năm 1815/16, “Đức Lạt ma Jigme Kalzang, nhiếp chính tối thượng của Đức Dodrupchen cha và Đạo sư của việc nghiên cứu và thành tựu, đã tới Dzachukha để phụng sự Pháp. Tôi đã mời ngài tới ẩn thất của tôi và nhận những quán đảnh.” Một lần nữa, ngài viết rằng năm 1820, “với nhiều vật cúng dường tôi đi đón Jigme Kalzang, Đạo sư của sự nghiên cứu và thành tựu, bởi ngài đã đến [Dzachukha] trong chuyến viếng thăm Trung quốc của ngài.”
Vào lúc cuối đời, khi ngài đang đi bộ một mình trên một con đường trong một thị trấn ở Trung quốc, ngài nhìn thấy một tên cướp sắp bị tử hình bằng cách thiêu sống trên một con ngựa bằng đồng đỏ được đốt nóng bằng lửa ở bên trong. Tên cướp gào thét cầu cứu. Cảm thấy vô cùng bi mẫn, Dola Jigme Kalzang bảo những người cầm quyền rằng tù nhân không có tội và chính ngài mới thực sự là tên cướp. Khi các đệ tử tìm thấy ngài thì đã quá muộn. Ngài đã bị tử hình thay cho tên cướp. Như thế ngài đã chấm dứt cuộc đời mình khi phô diễn thực hành đích thực của một Bồ Tát bằng cách hiến tặng đời mình để chuộc lấy cuộc đời của một người vô danh đau khổ trong một con phố xa lạ.
Trong số những hóa thân của ngài có Yukhok Chatralwa Chöying Rangtröl trong Thung lũng Ser và Kalzang Dorje của Tu viện Sanglung trong Thung lũng Dzika.
Chương XV: Dzogchen Mingyur Namkhe Dorje Đệ Tứ
(1793 - ?)
Dzogchen Rinpoche đệ tứ Mingyur Namkhe Dorje (Jigme Khyentse Wangchuk) là một trong những bậc lão thông phi thường và kỳ dị, bậc đã sở hữu sự thấu thị và không có sự phân biệt giữa cái tốt và cái xấu.
Ngài sinh năm 1793 trong Thung lũng Dan. Thân phụ ngài là Sönam Rapten, một thủ lãnh xứ Rakho, và thân mẫu là Namkhadzin Wangmo. Trong những câu kệ tiên tri Jigme Lingpa đã xác định nơi Dzogchen Rinpoche đệ tứ sẽ được tìm ra, và chính Dzogchen Rinpoche đệ tam cũng chỉ ra nơi ngài sẽ sinh ra. Từ thời thơ ấu, trong khi đánh một cái trống ngài đã đọc thần chú Guru Rinpoche và lập lại từ Dzogchen.
Năm lên bảy tuổi, ngài biểu lộ những hồi ức về đời quá khứ của ngài trước nhiều đại Lạt ma, và giữa niềm hân hoan to lớn ngài được các tu sĩ của Tu viện Dzogchen và Cung điện Dege trang trọng đưa về và tôn phong tại Tu viện Dzogchen. Namkha Tsewang Choktrup ở Tu viện Gyarong cử hành lễ thế phát (cắt tóc) và ban cho ngài Pháp danh Jigme Khyentse Wangchuk. Ngài nhận nhiều sự trao truyền từ Nyima Trakpa Mingyur Phende đệ tam. Đặc biệt là ngài nhận những trao truyền Khandro Nyingthig, Sangwa Nyingthig, và Dorsem Nyingthig từ Namkha Tsewang Choktrup, và ngài đã thành tựu những tu tập khác nhau.
Từ năm mười hai tuổi, trong bảy năm, mỗi năm ngài nhập thất nghiêm nhặt ít nhất sáu tháng. Ngài đã nhận những giáo lý và trao truyền từ Namkha Tsewang Choktrup, Dodrupchen đệ nhất, Cheyö Rigdzin Chenmo, Zhechen Rabjam đệ tam, Zhechen Gyaltsap đệ nhất, Khenchen Rigdzin Zangpo, Gyalwe Nyuku, Jigme Ngotsar, và Gyalse Zhenphen Thaye.
Năm hai mươi tuổi, Dzogchen Rinpoche tới gặp Dodrupchen một lần nữa tại Yarlung Pemakö. Với Do Khyentse, Dzogchen Pönlop, và khoảng sáu mươi người khác, ngài đã nhận nhiều sự trao truyền, trong đó có Nyinthig Yabzhi, Gyü Chudun, Damchö Dechen Lamchok, và Nyen-gyü Dorje Zampa.
Một hôm Dodrupchen ban một tách sọ người đầy bia chang cho Dzogchen Rinpoche. Là một tu sĩ, trước đó ngài không bao giờ nếm rượu, nhưng ngài đã uống tách bia bởi đó là một gia hộ của Lạt ma. Nhờ uống nó, sự chứng ngộ của Dodrupchen được di chuyển sang Dzogchen Rinpoche một cách tự nhiên, và ngài đã đạt được trạng thái Chönyi Zepa, sự tan hòa những tri giác về các hiện tượng tương đối thành bản tánh tuyệt đối. Về sau Dzogchen Rinpoche trở thành một bậc lão thông nổi tiếng nhất, bậc thấu suốt mọi sự và không có sự phân biệt. Ngài không trông chờ điều tốt hay sợ hãi điều xấu. Có một câu tục ngữ nói rằng: “Ảnh hưởng bởi rượu của những người khác qua đi, nhưng ảnh hưởng do rượu của Dodrupchen thì không bao giờ mất.”
Vào lúc bắt đầu, những người nắm giữ trọng trách của Tu viện Dzogchen khó chịu với Dodrupchen trong việc biến đổi Dzogchen Rinpoche thành một người mất mọi thiện xảo về ngoại giao và hành chánh, là những điều được coi là các phẩm tính quan trọng cho việc lãnh đạo một đại tu viện với nhiều nhánh phụ. Nhưng về sau này, khi nhận ra tính chất vĩ đại của trí tuệ và năng lực tâm linh của Dzogchen Rinpoche, tất cả các ngài trở nên hết sức biết ơn.
Năm hai mươi hai tuổi, ngài đi hành hương tới miền Trung Tây Tạng. Ngài gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ chín, là anh em họ với ngài. Ngài đi tới tất cả những thánh địa quan trọng, thực hiện những lễ cúng dường và thiền định. Ngài nhận những giáo lý và trao truyền từ Longchen Rölpatsal, Terchen Dawe Özer, Khardo Chökyi Dorje, Chakla Thukse của tu viện Dorje Trak, Trichen Pema Wangyal của tu viện Mindroling, và Chakzam Choktul. Ngài được Nhiếp chính Temo Lobzang Thupten Gyaltsen ban giới cụ túc.
Ngài luôn luôn ban giáo lý và những trao truyền cho bất kỳ ai tới khẩn cầu ngài. Đôi khi ngài giảng những bản văn khó hiểu nhất thật rõ ràng chi tiết. Nhưng vào những lúc khác ngài giảng ngay cả những bản văn dễ hiểu theo cách không dính dáng gì tới thật nghĩa. Đôi khi trong các buổi lễ, sau khi ngài bắt đầu đánh trống tay, người nào đó phải nắm tay ngài và lấy cái trống tay đi, nếu không ngài sẽ không ngừng lại, bởi ngài đã vượt lên sự phân biệt tầm thường.
Một hôm ngài được mời tới một buổi lễ lớn trong một thung lũng khác. Ngài đang ngồi trên một ngai tòa cao, và những loại thực phẩm tuyệt hảo được dọn ra. Thình lình ngài nói: “Ta không ăn.” Thị giả của ngài van nài và nói: “Xin ngài dùng món gì đó, nếu không hội chúng của chúng ta không vui.” Sau bữa ăn, ngài nói: “Bây giờ ta sắp chết.” Mọi người kinh hoảng và hỏi: “Tại sao?’ Ngài nói: “Thức ăn bị tẩm thuốc độc, ta không ăn, nhưng ông yêu cầu ta ăn. Bây giờ ta sắp chết.” Mọi người khẩn cầu ngài làm việc gì đó để tránh điều này, bởi ngài có năng lực. Khi đó ngài nói: “Ta sẽ trục nó ra nhé?” Mọi người van xin: “Vâng, xin ngài!” Rồi ngay trên ngai tòa ngài trục thực phẩm ra, và ngài qua khỏi mà thậm chí không bị bệnh.
Cứ ba năm một lần trong nhiều năm, ngài đi tới Cung điện Dege để giảng dạy và chủ tọa một buổi lễ quan trọng. Sau đó năm năm mươi tuổi (1842), khi rời tu viện để đi Dege, ngài bị trượt chân ở ngưỡng cửa và ngài thốt ra một thành ngữ địa phương điển hình biểu lộ sự cáu giận: “Cầu mong ta không bao giờ đặt chân lên mi nữa.” Và sau đó ngài nói thêm: “Ồ, phải, dù sao chăng nữa ta sẽ không cần phải làm như vậy!” Rồi tại Dege, đêm trước ngày bắt đầu buổi lễ kéo dài bảy ngày, ngài vẫn nói trong giấc ngủ, nhưng mọi người chỉ nghe được một câu: “Gönla [người cử hành lễ Hộ Pháp] đã bay đi.” Qua ngày hôm sau ngài nói: “Ta phải trở về. Sự hiện diện của ta có lợi cho Dege và Tu viện Dzogchen cần ta.” Ngài không nói gì thêm, và thị giả của ngài khẩn cầu ngài ở lại; bởi đây là một buổi lễ quan trọng đối với Cung điện Dege và vương quốc. Sau đó ít ngày họ được tin là Tu viện Dzogchen hầu như hoàn toàn bị tiêu hủy bởi một trận động đất trong đó có nhiều người chết. Gönla, người mà ngài đã nói đến, bị ném một quãng xa và sống sót với một cái chân gãy.
Sau đó với sự trợ giúp rộng rãi của Dege và những nhà bảo trợ khác, và đặc biệt là dưới sự hướng dẫn của Gyalse Zhenphen Thaye và những Lạt ma khác, ngài xây dựng lại tu viện, làm cho nó còn rộng lớn hơn trước.
Kế đó dưới sự hướng dẫn của Dzogchen Rinpoche và sự giám sát của Zhenphen Thaye, Shrīsimha, một tu học viện Kinh điển, được thiết lập. Sau này nó trở thành tổ chức kiểu mẫu cho việc nghiên cứu và tu tập trong phái Nyingma.
Khi Gönpo Namgyal (?-1865), thủ lãnh độc ác của Nyak-rong, chiếm giữ Tu viện Dzogchen, Ponlop chỉ thị Dzogchen Rinpoche nói rằng vị thủ lãnh vĩ đại biết bao, Tu viện Dzogchen nghèo khổ như thế nào, và v.v.. Khi vị thủ lãnh tới gặp Dzogchen Rinpoche, ngài lập lại mọi điều như ngài được truyền đạt. Sau đó ngài nói thêm: “Đó là những gì ngài Pönlop chỉ thị cho tôi nói với ông,” và sau đó ngài nói cho ông ta những chi tiết thật sự của Tu viện Dzogchen. Vị thủ lãnh hỏi: “Tôi sẽ tái sinh ở đâu?” Ngài nói: “Trong địa ngục.” Thay vì bị xúc phạm hay sung công tài sản của tu viện, vị thủ lãnh ra đi với một vật cúng dường là thỏi bạc cho Dzogchen Rinpoche với lời khẩn cầu: “Xin chăm sóc tôi khi tôi chết.”
Tuy nhiên, khi không đúng lúc để tiết lộ các sự việc, ngài có thể che dấu chúng. Một buổi sáng ngài nói: “Đêm qua có người lấy trộm chóp vàng của ngọn phướn trong sảnh đường.” Mọi người đổ xô đi kiểm tra và thấy đúng là như vậy. Họ khẩn cầu ngài cho biết ai đã làm điều đó. Ngài nói: “Ta biết hắn. Trong khi tên trộm leo xuống với cái chóp vàng, anh ta gần như ngã xuống, và cầu nguyện ta: ‘Ôi Mingyur Namkhye Dorje.’ Ta đã cứu anh ta. Tuy nhiên ta không nói cho các ông, bởi nếu ta nói, các ông sẽ phạt anh ta.”
Tôi không có nguồn thông tin nào về thời gian ngài mất và mất ra sao.