G. Chương XVI
Do Khyentse Yeshe Dorje
(1800 – 1866)
DO KHYENTSE Yeshe Dorje là hóa thân về tâm của Jigme Lingpa. Ngài đã biểu lộ năng lực tâm giác ngộ của ngài trong hình thức thần diệu phi thường, và về mặt này ngài là Đạo sư vĩ đại nhất của truyền thống Phật giáo Mật thừa Tây Tạng trong nhiều thế kỷ qua.
Mẹ ngài mang thai ngài với một người cha không sống trong cõi người. Ngài sinh ra với những dấu hiệu kỳ diệu. Ngay từ thời thơ ấu, ngài đã bắt đầu nói và biểu lộ năng lực, nhận những gia hộ và giáo lý từ chư Phật và các Đạo sư trong những linh kiến thanh tịnh, khám phá nhiều đồ vật và giáo lý ẩn dấu như terma, đánh thức sự chứng ngộ trong nhiều đệ tử, truyền bá Giáo Pháp bí truyền không hề mệt mỏi, và dẫn dắt nhiều chúng sinh trong cõi người và phi-nhân đến với Giáo Pháp. Ngài được bảo vệ và trông nom bởi sự hiện diện của các phi-nhân, thân ngài biến mất trong nhiều ngày để viếng thăm các cõi Tịnh độ, tâm ngài du hành tới các cõi Tịnh độ, làm hồi sinh nhiều người chết hay bị giết, và để lại những dấu vết của thân ngài trên nhiều tảng đá như thể ở trên bùn.
Do (mDo) Khyentse cũng được gọi là Yeshe Dorje, Rigdzin Jalü Dorje, và Trakthung Lekyi Pawo. Ngài được sinh ra trong (và thuộc về) một bộ tộc Golok, nhưng ngài đã sống hầu hết phần cuối cuộc đời ở gần Tartsedo (Dar rTse mDo, ngày nay gọi là Kanding), vì thế ngài được gọi là Khyentse xứ Do (mDo). Khyentse có nghĩa là “Bậc có Trí tuệ và lòng Bi mẫn, là một trong những danh hiệu của Jigme Lingpa, hóa thân trước đây của Do Khyentse.
Trong một chuyến du hành, khi cha mẹ ngài ở Lhasa, tại lăng mộ Machik Pal-lha, hai người đàn bà dẫn mẹ ngài đi qua một bức tường mà bà nhận thức như một cái cửa, và bà đi vào một cung điện lộng lẫy và tuyệt đẹp. Sau khi kinh nghiệm một sự thân mật với một người trẻ trung quý phái ở cung điện, bà được hai người đàn bà đó đưa trở ra và thấy mình ở cùng lăng mộ đó. Chồng bà và những người khác đã tìm kiếm bà trong ba ngày. Người thanh niên đó tên là Nyenchen Thanglha (sự hiện diện thiêng liêng tại rặng núi Thanglha của Tây Tạng), một trong những vị bảo hộ đất đai quan trọng nhất của Tây Tạng.
Chẳng mấy chốc, mẹ của Do Khyentse trở thành một người trung gian, và tất cả những người trong gia đình không ngừng chứng kiến những hiện tượng ánh sáng, linh kiến, tiếng nói, và các thông điệp. Cha mẹ và bạn hữu của Do Khyentse vui thích nhưng hoảng sợ và bối rối. Họ trông chờ sự gia hộ của một hóa thân Phật và sợ bị ám chướng bởi một thế lực quỷ ma ác hại.
Do Khyentse ra đời vào ngày mười lăm tháng mười năm Kim Thân thuộc Rabjung thứ mười ba (1800) tại Kongser Khado trong Thung lũng Ma, một cánh đồng rộng lớn và đẹp là nơi Sông Machu (Sông Hwang hay Hoàng Hà) chảy qua. Cha nuôi của ngài là Sönam Phen của nhóm bộ tộc Chökor thuộc bộ tộc Golok Akyong, và mẹ ngài là Tsewang Men thuộc bộ tộc Dawa.
Ngay sau khi ngài sinh ra vào buổi sáng một ngày trăng tròn, Do Khyentse ngồi trong tư thế thiền định và chạm tay vào những tia nắng mặt trời đi vào lều, ngài hát những mẫu tự chữ Phạn.
Ba ngày sau khi sinh, ngài biến mất khỏi lòng mẹ, nhưng vào ngày thứ ba ngài xuất hiện trở lại ngồi trên đầu gối mẹ. Trong thời gian đó, như ngài viết sau này, một người đàn bà có màu đỏ mang ngài tới một cõi tịnh độ. Trong một cung điện như pha lê, nhiều Lạt ma và dākinī tẩy tịnh cho ngài bằng nước tinh khiết lấy từ một cái bình pha lê. Họ ban cho ngài những gia hộ và lời tiên tri. Sau đó, ngài luôn luôn nhìn thấy ở quanh ngài những tia sáng và những vòng ánh sáng với hình ảnh của chư Phật trong đó. Ngài luôn luôn có cảm tưởng rằng có hai đứa trẻ cùng nô đùa với ngài.
Một hôm, nhờ bàn tay trợ giúp của những đứa trẻ vô hình, ngài đứng dậy nhìn lên bầu trời và nhìn thấy Zangdok Palri, cõi tịnh độ của Guru Rinpoche. Trong cõi tịnh độ Guru Rinpoche và tập hội các Trì minh vương và dākinī đang thọ dụng một lễ cúng dường tiệc (Tshogs). Nhìn thấy cảnh tượng này, tâm ngài tràn đầy lòng sùng mộ và mắt ngài đẫm lệ. Vào lúc đó mẹ ngài nhìn thấy ngài và kêu to: “Em bé đứng!” Âm thanh đó làm ngài thức dậy khỏi kinh nghiệm và ngã xuống đất. Sau lần đó ngài giống một đứa trẻ bình thường hơn một chút.
Mỗi khi cha mẹ du mục của ngài đi đây đó tới những địa điểm cắm trại, ngài nhìn thấy hình tướng kỳ lạ của những chúng sinh tiễn ngài đi với vẻ buồn rầu và những người khác đón chào ngài tới những địa điểm mới của họ với vẻ hết sức vui mừng và hoan hỉ. Ngài luôn luôn được các Hộ Pháp bảo vệ, họ lau rửa, cho ngài ăn và gia hộ cho ngài.
Một hôm ngài nhìn thấy một yogī (hành giả) Mật thừa nói ông ta là Nyang Nyima Özer (1124-1192) và bảo ngài đi tìm Lạt ma Sönam Chöden, là Sangye Lingpa (1340–1396) trở lại thế giới con người. Sau đó, ngài bắt đầu yêu cầu cha mẹ ngài đưa tới Lạt ma Sönam Chöden, nói rằng nếu không thì ngài sẽ chết, nhưng không ai biết vị Lạt ma đó.
Dodrupchen đệ nhất đang viếng thăm một nơi gần đó, và thân phụ của Do Khyentse thuật lại những câu chuyện của đứa con trai của ông cho vị Thầy này nghe và hỏi: “Ngài có biết Lạt ma Sönam Chöden là ai không?” Dodrupchen nhìn chăm chú lên bầu trời một lát rồi chắp tay nơi tim trong cử chỉ sùng mộ, ngài nói: “Có, ta biết ngài rất rõ. Ngài là một Pháp lữ (bạn đạo) của ta. Dù thế nào chăng nữa, ta sẽ tới thăm con trai ông.”
Khi tới nơi, Dodrupchen hỏi đứa trẻ: “Con biết ta không?” Do Khyentse, chỉ mới hơn một tuổi, cậu nói: “Biết, ngài là Sönam Chöden. Con biết ngài. Ngài đã rời bỏ con?” Dodrupchen bế đứa bé lên và mắt đẫm lệ, ngài nói: “Đúng, con nói đúng. Ta có thể hiểu được vì sao con lại cảm nhận theo cách đó. Nhưng trước đây ta không tìm ra con. Bây giờ ta sẽ chăm sóc con.” Sau này Do Khyentse viết rằng ngài đã nhìn thấy Dodrupchen trong thân tướng của Đức Guru Rinpoche. Dodrupchen tụng những lời cầu nguyện cần thiết và gia hộ cho đứa trẻ, và nói với cha mẹ cậu bé: “Sönam Chöden là tên của ta, nhưng ngoại trừ một Lạt ma, không ai biết tên đó. Bây giờ tất cả quý vị nên đến chỗ của ta; nếu không con trai quý vị có thể không sống được.”
Theo tiểu sử của Jigme Lingpa, vào lúc Dodrupchen từ trụ xứ của Jigme Lingpa ra đi, Dodrupchen khẩn cầu Jigme Lingpa tái sinh trong xứ của Dodrupchen để họ có thể tụ hội với nhau. Vì thế đó là một bắt buộc mà Dodrupchen phải hoàn thành; vả lại, Do Khyentse là tái sinh của vị Thầy của Dodrupchen.
Vì thế cha mẹ của Do Khyentse, đi ngược lại với những lý lẽ của thân quyến vô thần, đã mang ngài tới Shukchen Tago Gompa của Dodrupchen. Do Khyentse cứ nhìn thấy Dodrupchen trong những hình tướng khác nhau giữa những loại hiện thể và những điều huyền nhiệm, và chỉ sau này ngài mới nhận ra rằng đây không phải là những tri giác bình thường. Về sau, Do Khyentse, chị ngài, và cha mẹ ngài đi theo Dodrupchen khi vị Thầy này du hành tới Tu viện Dzogchen và Cung điện Dege.
Chị ngài, Dākinī Losal Dölma (1802-1861), là Đức Tārā trong thân tướng con người, một Đạo sư vĩ đại và một bậc lão thông. Từ thời thơ ấu cho tới khi chết, bà đã hiến dâng đời mình cho Do Khyentse như đệ tử, bằng hữu và người dẫn dắt thân thiết của ngài.
Trong khi ngài đang ở gần Tu viện Dzogchen, một người bạn nói với ngài: “Đó là con đường đi tới Lhasa.” Câu nói đó đánh thức trong ngài một cảm xúc vô cùng buồn bã, và sau đó những hồi ức về Tsering Jong và Chimphu lóe lên trong tâm ngài. Vào ban đêm, ngài mơ thấy vị bảo trợ của Samye Chimphu, một người đàn ông mặc y phục trắng cưỡi một con ngựa trắng, ông ta khẩn cầu ngài trở về ẩn thất của ngài cùng với vợ, con trai và các đệ tử của ngài ở miền Trung Tây Tạng.
Từ Dodrupchen, cùng với Zhechen Rabjam đệ tam, Kathok Situ đệ nhất, và khoảng một trăm người, ngài nhận những trao truyền văn bản và các quán đảnh Nyingthig Yabzhi, Dzödün, Longchen Nyingthig, và những tác phẩm của Jigme Lingpa.
Mặc dù Dodrupchen đã xác nhận ngài là hóa thân của Jigme Lingpa nhưng điều này được giữ bí mật, bởi phải có sự phê chuẩn chính thức của miền Trung Tây Tạng, từ trụ xứ và gia đình của Jigme Lingpa thì mới đúng cách.
Sau đó tin tức về việc Sakya Kongma Wangdüd Nyingpo và các tülku Drikung phê chuẩn xác nhận Do Khyentse là tülku (tái sinh) của Jigme Lingpa đến với những người đã đưa ngài tới Drikung. Sakya Kongma là một đệ tử của Jigme Lingpa, và hai vị lãnh đạo của Drikung là các con trai của Jigme Lingpa và Kong-nyön, đệ tử chính yếu của ngài. Sau đó, trước sự hiện diện của Dodrupchen, nhiếp chính hoàng hậu, và thái tử xứ Dege, với những người đại diện của các tu viện Kathok, Dzogchen, Zhechen, và Drikung, Do Khyentse vượt qua những kiểm tra chính thức nhờ nhận ra được các pháp khí thuộc về Jigme Lingpa. Mọi người tràn ngập niềm vui và lòng kính ngưỡng. Sau đó ở Lhalung Khuk ở Dege, một lễ tôn phong trang nghiêm được cử hành dưới sự bảo trợ của Cung điện Dege và các tu viện.
Cung điện Dege thực hiện mọi chuẩn bị cần thiết cho chuyến du hành dài tới miền Trung Tây Tạng của ngài. Vào lúc khởi hành, Do Khyentse buồn vì phải rời Dodrupchen đến nỗi trái tim ngài như thể bị chẻ ra, và hai bàn tay nhỏ bé của ngài cứ níu chặt lấy Dodrupchen. Jigme Changchup, một người cháu của Dodrupchen, phải dùng sức mạnh để gỡ ngài ra.
Do Khyentse, cha mẹ và chị ngài tới nơi cùng với một tiệc liên hoan lớn tại Yang-ri Gar ở Drikung sau một chuyến du hành kéo dài nhiều tháng. Ngài được đón tiếp bởi hai vị lãnh đạo của dòng Drikung là Zhaptrung Tendzin Pema Gyaltsen (1770-1826), nam tử của Kong-nyön, và Gyalse Nyinche Özer (hay Chökyi Gyaltsen, 1793-?), nam tử của Jigme Lingpa. Ở đó ngài được tôn phong trong một buổi lễ trang trọng. Sau đó ngài lập Photrang Dzongsar ở Drikung làm trụ xứ chính của ngài. Từ Tsering Jong, Gyalyum Drolkar và Özer Thaye, vị phối ngẫu và cháu của Jigme Lingpa, đến thăm ngài. Sau một thời gian, cha mẹ và chị ngài đi Golok.
Trong khi ngài tập đọc, ngài có thể nhớ được một trang mỗi ngày, đó là điều tốt đẹp. Nhưng ngài có thể lập lại tất cả những giáo lý khẩu truyền do một học giả ban cho, điều này thật hiếm có. Vị học giả nói: “Do Khyentse sẽ trở thành một người uyên bác về ý nghĩa hơn là trong ngôn từ.” Trước hết, Changchup, một người cháu của Dodrupchen, lưu lại làm Thầy trợ giáo của ngài và sau đó Dodrupchen gởi Nyima Gyaltsen tới giúp Changchup.
Ngài nhận nhiều truyền dạy từ Zhaptrung, Gyalse, và Gyaltsap của tu viện Tsurphu và kinh nghiệm nhiều linh kiến.
Năm 1810, khi ghé qua Samye, Chimphu, Densathil, Zang-ri Kharmar, và Yarlung, ngài viếng thăm Tsering Jong, và ngài trở về Drikung Dzongsar qua Palri, Sheltrak, và Yama Lung. Ngài viết: “Trong động Sheltrak, từ trái tim của pho tượng “Trông Giống Ta” của Guru Rinpoche, một tia sáng xuất hiện và chạm vào trái tim tôi. Tôi cảm thấy kinh nghiệm kéo dài một lát trong giác tánh nội tại thuần tịnh nguyên sơ, vượt khỏi những biểu lộ. Nhưng vào lúc ấy tôi không ý thức được thực sự điều đó là gì.” Tại Yamalung ngài nhìn thấy Longchen Rölpatsal, một trong những đệ tử chính của Jigme Lingpa và nhận quán đảnh trường thọ.
Năm 1811, cha của Do Khyentse và những người khác từ Golok trở về với một lá thư của Dodrupchen yêu cầu Do Khyentse viếng thăm ngài. Do Khyentse đi Lhasa và được chính phủ cho phép trở lại Kham. Ngài được ban tặng mũ và quần áo của một khenpo và được Temo Thupten Jigme (mất năm 1819), tân nhiếp chính của Tây Tạng, xác nhận.
Năm 1812, ngài được sum họp với mẹ và chị ngài trên đường đi tới Yarlung Pemakö, sau đó ngài quay trở về.
Năm 1813, cùng với Dzogchen Rinpoche đệ tứ, Pönlop đệ tam, và khoảng sáu mươi đệ tử, ngài nhận Nyingthig Yabzhi, Gyü Chudün, Damchö Dechen Lamchok, và nhiều trao truyền khác từ Dodrupchen. Cùng với Shichen Lama Ogyen Norbu, Repa Tamtsik Dorje, và những người khác, ngài nhận Gewa Sumkyi Donkhri, Machik Nyen-gyü, và những giáo lý khác. Cùng với Changlung Palchen Namkha Jigme (còn được gọi là Trupwang) của tu viện Rekong, ngài nhận Münpe Naljor Yangti Nagpo Serkyi Druchik, Dzogchen Ati Zabdön, và những trao truyền khác từ Dodrupchen.
Năm 1814, ngài viếng thăm Cung điện Dege và ban quán đảnh Longchen Nyingthig. Tại Dzachukha ngài gặp Gyalwe Nyuku và Gilung Lama Jigme Ngotsar, cả hai đều là những đệ tử chính của Jigme Lingpa. Trên đường trở về Yarlung, ngài nhận giáo lý về Yönten Dzö, Takpö Thargyen, và Yeshe Lama từ Dodrupchen.
Năm 1815, khi mười sáu tuổi, ngài được Dodrupchen gởi tới miền Trung Tây Tạng cùng với khoảng một trăm người để cúng dường cho các Lạt ma và tu viện. Khi chỉ thị cho ngài trở về trong một năm, Dodrupchen ban cho ngài năm mục tiêu chính cần hoàn thành trong cuộc hành trình này: (1) Nhận các quán đảnh Hayagrīva và Trường Thọ từ Ra-nyak Gyalse, (2) thực hiện một trăm ngàn cúng dường mạn đà la tại Samye, (3) thực hiện nhập thất bảy ngày tại Chimphu về lời cầu nguyện của Guru Rinpoche, (4) tiệt trừ những chướng ngại khuấy động tại Kordzö Ling ở Samye bằng mọi giá, và (5) thiếp lập một mối liên hệ tâm linh với thánh địa Chakpori.
Trên đường đi, Do Khyentse tới gặp Ra-nyak Gyalse, bậc đang phô diễn hành vi ngông cuồng. Khi đó Do Khyentse là một sa di và thoạt tiên không thể nhận thức sâu sắc những gì ngài nhìn thấy, nhưng bởi Thầy của ngài chỉ thị là phải tới gặp Ra-nyak Gyalse, Do Khyentse khẩn cầu vị Thầy này ban quán đảnh Hayagrīva. Thay vào đó, Gyalse chĩa một khẩu súng vào tim ngài và bắn. Viên đạn không làm ngài bị thương nhưng biến thành một hình ảnh Hayagrīva. Khi Do Khyentse khẩn cầu một quán đảnh Trường Thọ, ngài được ban cho một ít tro từ tẩu thuốc của Gyalse trộn với nước bọt trong một cái tách, chúng lập tức biến thành cam lồ thanh tịnh.
Trên đường tới Lhasa, một hôm Do Khyentse dẫn Riktsal và Ödzer tới một trại du cư khét tiếng ở miền Gegye để mua thịt. Một con chó trắng và một con chó đen thoát ra và tấn công các ngài, và Do Khyentse chặt chúng ra làm hai bằng lưỡi kiếm của ngài. Khi những người du cư tới phản đối các ngài vì đã giết chó của họ, Do Khyentse ráp thân trên của con chó trắng với thân dưới của con chó đen, và thân trên của con chó đen với thân dưới của con chó trắng, và hai con vật đứng dậy rồi bỏ chạy. Những người du cư hết sức kinh ngạc, họ lập tức xin lỗi và hứa sẽ luôn luôn thực hiện những hành vi đúng đắn. Sau này khi những con chó chết, để tưởng nhớ sự kiện huyền diệu này, người ta lưu giữ da của chúng tại một tu viện tên là Gegye Dzogchen.
Tại Drikung, Do Khyentse sung sướng được tụ hội với Zhaptrung và Gyalse và nhận các quán đảnh từ các ngài. Tại Lhasa, Nhiếp chính Temo rất hữu ích, và Do Khyentse nhận những trao truyền từ Longchen Rölpatsal một lần nữa. Ngài đi hành hương tới nhiều thánh địa và thực hiện những lễ cúng dường.
Tại Samye, trước tượng Jowo, ngài tích tập một trăm ngàn lễ cúng dường mạn đà la cát. Ở Parkhang Yuzhal Barwa trong chùa chính tại Samye, ngài nhất tâm cầu nguyện trong khóa nhập thất một tuần lễ. Một đêm, một yogī trông khủng khiếp thình lình tới nhảy múa và ban cho ngài các tiên tri. Một tối khác, một người đàn bà đưa ngài lên lầu và ngài nhìn thấy bốn hình ảnh Vairochana ngồi đâu lưng lại nhau. Họ cùng nói:
Bởi sự phô diễn huyền nhiệm của sự hiểu biết và không hiểu biết [thực tại],
Sinh tử và Niết bàn được phân chia riêng rẽ.
Từ những mê lầm do các niệm tưởng lộn xộn tạo ra
Cái gọi là thế giới của sáu cõi được thiết lập.
Trong sự hiển lộ thanh tịnh của bốn thân Phật,
Không có gì ngoài những cõi tịnh độ của ba Phật thân..
Bốn hình ảnh ban cho ngài các giáo lý, quán đảnh, và tiên tri. Ngài trở lại giường với sự đại lạc trong thân và sự chứng ngộ phi thường trong tâm thức.
Tại động Tragmar Keutsang ngài thực hiện một trăm cúng dường tsog trước tượng “Trông Giống Ta” của Guru Rinpoche. Sau khi có những linh kiến trong giấc mơ, ngài thức dậy và nhìn thấy hình ảnh của Guru Rinpoche trong thân ánh sáng phát ra những tia sáng chói lọi tràn ngập toàn thể điện thờ. Những tia sáng trắng, đỏ, và xanh dương chạm vào ngài. Ngài nghe âm thanh của nhiều giọng hát tụng Lời Cầu nguyện Bảy Dòng trong những quãng âm cao, và những người đang ngủ gần đó nghĩ rằng Do Khyentse đang hát tụng vào lúc nửa đêm.
Sau đó ngài di chuyển tới động Sangphuk hạ ở Chimphu. Ngài kinh nghiệm mãnh liệt về sự vô thường của cuộc đời, và không tìm được giải pháp nào khác, ngài tập trung cầu nguyện Guru Rinpoche với lòng sùng mộ nhất tâm. Một đêm, ba dākinī khủng khiếp xuất hiện và nói: “Trong thế giới loài người, ngài bị ô nhiễm bởi tử cung con người. Bởi bám chấp vào “bản ngã” của những hình tướng hão huyền, sự vô minh của việc bám chấp và bị bám chấp đã hiển lộ. Không có cách nào khác ngoài việc phải tách lìa ngài khỏi thân thể xấu xa của ngài.” Họ cắt thân ngài thành nhiều mảnh và ăn hết, kể cả tâm thức của ngài; vì thế ngài rơi vào sự vô ý thức. Khi ngài nhận thức trở lại, ngài nhìn thấy những phối ngẫu Vajrasattva trước mặt ngài. Nhờ ánh sáng phát ra từ các vị phối ngẫu Vajrasattva chạm vào ngài, ngài cảm thấy mình có một thân ánh sáng. Các Lạt ma và dākinī ban cho ngài những gia hộ và tiên tri về việc ngài sẽ khám phá terma tâm.
Kế đó ngài trải qua bảy đêm tại Kordzö Ling, chùa Hộ Pháp tại Samye, thực hành pháp chö để tiệt trừ tận gốc sự xao động của những cảm xúc và ý niệm tiêu cực. Ngày hôm sau, vị vấn linh của Samye, trong khi được Hộ Pháp nhập vào, đã tới và nhốt ngài trong hầm chứa. Ở đó hoàn toàn tối tăm. Ngài đã thực hiện một thực hành chö và thiền định tốt nhất trong khả năng của ngài. Ngài nhìn thấy những hình tướng khác nhau và nghe những âm thanh đe dọa và gọi tên ngài, và điều đó thật khủng khiếp. Ngài nghĩ: “Đây là điều Pháp vương Dodrupchen đã chỉ thị cho ta làm. Vì thế để làm thực hành này, cho dù phải mất mạng, ta cũng chẳng sợ hãi hay hối tiếc. Nếu ta không sợ chết thì cho dù toàn thể thế giới xuất hiện như kẻ thù của ta, điều đó không làm phiền ta chút nào.” Sau đó mọi khuấy động (Slong Tshad) được làm an dịu. Chẳng bao lâu, vị vấn linh - được Hộ Pháp nhập vào - mở cửa, đưa ngài ra ngoài, và tỏ lòng tôn kính ngài.
Tại Tsering Jong, ngài thực hiện những lễ cúng dường trước di cốt của Jigme Lingpa. Ngài muốn ở lại một lát, nhưng việc đó không thực hiện được. Sau đó tại Tu viện Palri, từ Tülku Tsogyal, ngài nhận các trao truyền Trölthik và những giáo lý khác.
Sau khi viếng thăm các tu viện Mindroling và Dorje Trak, ngài tới Chagzam Chuwo Ri và cúng dường tsok trong hang động linh thiêng. Trong một giấc mơ ngài nhìn thấy Thangtong Gyalpo, nhận những gia hộ khiến ngài tràn ngập những kinh nghiệm đại lạc, sự quang minh và tánh Không. Ở đó, Do Khyentse đã khám phá một hình ảnh Guru Rinpoche Kutsap như một terma, và vị bảo trợ terma yêu cầu ngài không cho mọi người thấy nó cho tới khi ngài gặp Dodrupchen.
Ngài cúng dường cho lễ cầu nguyện Mönlam tại Lhasa. Nhiếp chính Temo tỏ ra hết sức tôn kính và biết ơn ngài.
Bởi Dodrupchen đã già và Do Khyentse rất cần phải nhận toàn bộ giáo lý từ vị Thầy này, các tülku Drikung rất buồn khi phải đồng ý để Do Khyentse trở về Kham trong lúc này. Khi ngài và nhóm của ngài đến miền tây tỉnh Kham, một sứ giả của Dodrupchen đến gặp và nói rằng xin đến mau mau. Để những đại diện của Drikung và Dege ở lại với nhóm chính, Do Khyentse và mười người phi ngựa thật nhanh, không nghỉ, ngoại trừ một ngày nghỉ ngơi tại ẩn thất của Gyalwe Nyuku ở Dzachukha.
Sau vài ngày, vào ngày mồng mười tháng bảy năm Dậu Hỏa (1816), Do Khyentse có mặt ở Yarlung Pemakö trước sự hiện diện của Dodrupchen. Dodrupchen nói: “Ta có nhiều giấc mơ tiên tri, và sức khỏe của ta cũng không tốt. Nhưng mọi chướng ngại cho sinh mạng của ta đã bị tiêu diệt trong một thời gian nhờ năng lực của Döpa Khamkyi Wangchugma, ngoại trừ những linh kiến của ta bị che chướng.” Ngài nói thêm: “Trong mùa đông ông nên đi tới Tu viện Kathok để nhận một vài giáo lý cần thiết từ Mahāpandita (đại thành tựu giả) Getse và từ Tülku Zhingkyong nữa. Ta muốn thấy ông hoàn tất những nghiên cứu cần thiết trước khi ta chết.” Do Khyentse nhận thêm những minh giảng và giáo huấn về các giáo lý tsalung và Guhyagarbha-tantra.
Tại Kathok, Do Khyentse nhận nhiều quán đảnh, giáo lý và những tu tập từ Đại Thành tựu giả Getse. Chúng gồm có những quán đảnh phức tạp Düpa Do trong mười lăm ngày và những trao truyền kama và terma khác. Getse nói: “Như đã được vị Khyentse tiền nhiệm [Jigme Lingpa] tiên tri, Tu viện Kathok là một vị hộ trì giáo lý Longchen Nyingthig. Vì thế trong tương lai ông nên phụng sự Giáo pháp bằng cách kết hợp hai truyền thống [Kathok và Longchen Nyingthig] lại với nhau.” Do Khyentse cũng nhận giáo lý từ các tülku Zhingkyong và Moktsa của Tu viện Kathok, và Namkha Tsewang Choktrup của Tu viện Gyarong.
Ngài đã nhận lung (truyền khẩu) Nyingma Gyübum từ Jigme Ngotsar của Tu viện Kilung, một đệ tử của Jigme Lingpa. Trong sự trao truyền đó, trong một giấc mơ ngài nhận những giáo lý và sự giao phó Guhyagarbha-tantra từ Vimalamitra, và trong một tháng ngài cảm thấy mình đã nhớ lại tất cả những chữ và nghĩa của tantra.
Năm 1818, khi đang ở Dzachukha, ngài có một kinh nghiệm: một người đàn bà với một đoàn tùy tùng đông đảo dẫn ngài tới một cung điện pha lê, ở đó ngài nhìn thấy Guru Rinpoche hợp nhất với vị phối ngẫu. Do Khyentse nhận bốn quán đảnh từ các phối ngẫu của Guru Rinpoche, và sau đó họ tan hòa vào Do Khyentse. Trong một lát, Do Khyentse đắm chìm trong bản tánh tối thượng thoát khỏi những sự diễn bày. Khi ngài rời cung điện pha lê, ngài được gặp những vị bảo trợ xứ Ling, họ cũng ban cho ngài các gia hộ. Sau đó, cưỡi một con ngựa trắng, ngài trở về trụ xứ của ngài và tỉnh dậy. Gyalwe Nyuku và Lobzang Norbu đang chờ đợi với sự lo lắng và nói: “Ngài rơi vào giấc ngủ và không thức dậy trong ba ngày. Dzogchen Rinpoche đã tới cầu nguyện và nói: ‘Chẳng có gì phải lo.’” Gyalwe nói xen vào: “Mọi linh kiến mà ngài có được, khi chưa tới lúc, xin đừng thuật lại cho bất kỳ ai, kể cả Dzogchen Rinpoche. Nếu ngài không giữ bí mật các linh kiến, có thể có nhiều trở ngại. Nếu ngài giữ bí mật, những thành tựu sẽ đến thật nhanh chóng.” Mặc dù Do Khyentse không thuật lại điều gì, Gyalwe Nyuku đã biết những linh kiến đó là gì nhờ sự thấu thị của ngài. Do Khyentse đã khám phá Giáo khóa về Pema Gyalpo như một terma.
Do Khyentse sống thêm một thời gian ở cung điện của Tsewang Dorje Rigdzin, vua xứ Dege, mà lẽ ra không cần thiết phải như thế. Lý do là vì các thị giả của ngài thích ở đó hơn nơi ẩn tu của Dodrupchen, do bởi sự thịnh vượng, cao quý và năng lực ở đó. Một hôm Do Khyentse chỉ dẫn cho chị của ngài và một thị giả: “Có một bà lão hành khất trong thung lũng kia; hãy biếu bà ấy tsampa, thịt, và bia chang này dùm tôi.” Khi họ tới đó, bà lão giận dữ ném tsampa đi nhưng thưởng thức thịt và bia chang. Chị ngài nhìn thấy bà lão trong thân ánh sáng và ngửi thấy một mùi hương ngọt ngào từ nước tiểu của bà. Trong khi la mắng người chị dữ dội, bà lão đưa cho người chị thức gì đó để uống và gởi một ít dütsi (một chất thuốc được gia hộ) cho Do Khyentse với thông điệp: “Con trai yêu quý, đừng ở xứ này quá lâu. Ở đây những nguyên nhân tốt lành đã trở nên u ám.” Hôm sau, họ trở lại nơi đã tìm thấy bà lão ngày hôm trước với một ít thực phẩm nữa, nhưng không có chút vết tích gì chứng tỏ là từng có người sống ở đó.
Vua xứ Dege và các thị giả của Do Khyentse trở nên bối rối, sợ rằng Do Khyentse có thể trở thành một ẩn sĩ hay yogī cuồng ngông. Người ta đã không hết sức tôn kính sự chứng ngộ và năng lực của ngài. Họ cho rằng để trở thành một Lạt ma vĩ đại, ngài nên sống như một tu sĩ giữ gìn giới luật nghiêm minh và một học giả uyên bác.
Do Khyentse nói thẳng với triều đình Dege rằng ngài sẽ không là một Lạt ma quan trọng, vì thế hoặc là họ phải để ngài trở thành một ẩn sĩ hoặc họ bỏ tù ngài. Nhà vua nói: “Ngài Sakya Kongma ở miền Trung Tây Tạng và Dodrupchen Rinpoche ở Kham và nhiều vị có uy quyền thiêng liêng quan trọng khác của Tây Tạng đồng ý rằng ngài là tülku của Bậc Toàn trí Khyentse Özer [Jigme Lingpa]. Từ thời của người mẹ quá cố của tôi, ngài đã được xác nhận là thầy giáo của triều đình Dege và Pháp bảo của truyền thống Nyingma. Vì thế làm sao ngài có thể ra đi làm một ẩn sĩ - và làm thế nào tôi có thể truy tố ngài vì việc đặc biệt yêu quý Giáo Pháp? Bây giờ bản thân tôi và các tu viện Dzogchen và Kathok sẽ cử đại diện tới xin ý kiến của ngài Dodrupchen. Chúng tôi không thể vi phạm bất kỳ mệnh lệnh nào Lạt ma đã ban cho chúng tôi, cả ngài cũng không thể.” Do Khyentse đồng ý. Ngài và đại diện của các tu viện Dege, Dzogchen, Kathok và Drikung đi tới Yarlung để trình bày cho Dodrupchen về trường hợp của họ.
Dodrupchen không nói một lời nào trong ba ngày. Sau đó ngài nói với Do Khyentse: “Mọi người muốn thấy ông như một tu sĩ hộ trì truyền thống tu viện. Nhưng từ những hoạt động trong quá khứ của ông và những tiên tri, ta có thể nói rằng điều đó sẽ không xảy ra. Trong một thời gian ông nên trở thành một ẩn sĩ và về sau là một Vajradhara (Kim Cương Trì), một Đạo sư của giới luật bí truyền… Một vài người cũng muốn tôi bảo ông ở lại làm nhiếp chính của tôi. Điều đó sẽ trở thành một chướng ngại cho ông, và sẽ đi nghịch lại ước muốn của ông… Cuối năm Thìn [1821] ta cũng sẽ đi tới chỗ của riêng ta [chết]. Vì thế hãy ở lại đây trong mùa đông và mùa xuân để nhận thêm những minh giải về các giáo huấn. Cuối mùa hè tới, hãy làm những gì ông thích. [Nói cách khác, hãy ra đi trước khi ta chết.] Nếu không, [nếu ông không đi trước khi ta chết,] mọi người có thể trách ông không tuân theo những ước nguyện của ta.” Do Khyentse chỉ có thể nói vâng, bởi ngài bàng hoàng khi nghe nói chẳng bao lâu nữa Dodrupchen sẽ chết. Sau đó Dodrupchen truyền đạt quyết định tương tự cho những người đại diện.
Ngay hôm sau, vào ngày mồng mười tháng bảy năm Thổ Mẹo (1820), sau lễ cúng dường tsok, Do Khyentse cúng dường Dodrupchen mọi vật sở hữu ngài mang theo người. Dodrupchen ban gia trì cho tóc của Do Khyentse, khiến từ đó trở đi ngài có thể để tóc dài, và vị Thầy cũng gia trì một bộ y trắng mới và ban nó cho ngài, nói rằng: “Trong hai năm rưỡi, hãy mặc bộ quần áo này; sau đó ông sẽ khám phá một điều mới lạ.” Ngay lập tức, Do Khyentse tự thay đổi thành một hành giả bạch y Mật thừa.
Sau đó, cùng những người đại diện, Do Khyentse đi tới Dege để truyền đạt quyết định cho nhà vua. Vua nói: “Khi Đấng Bảo trợ Dodrupchen ban một lệnh như thế, tôi không dám nói ngài điều gì ngoại trừ ‘Xin làm tất cả những gì ngài muốn.’” Do Khyentse gởi một nửa của cải ngài sở hữu cho Drikung, và nửa kia ngài phó thác cho Dege.
Bây giờ cùng với hai bạn đồng hành, Do Khyentse trở về trụ xứ của Dodrupchen như một nhà tu khổ hạnh khiêm tốn. Dodrupchen rất vui khi nhìn thấy ngài trong hình tướng này, và vị Thầy nói: “Bây giờ ông là một ẩn sĩ. Hãy giữ một địa vị thấp kém không có bất kỳ tham muốn quyền lực hay danh tiếng nào. Hãy mặc những áo choàng vá cũ kỹ. Hãy thực hành như câu nói: ‘Hiến tặng mọi lợi lạc và vinh quang cho người khác. Nhận vào mình mọi thiệt thòi và thất bại.’” Trong ngày đó Do Khyentse nhận từ Dodrupchen những quán đảnh Khandro Yangtig và những giáo lý chi tiết Yeshe Lama. Vào ban đêm, trong giấc mơ chói ngời, ngài nhận lãnh từ Longchen Rabjam những giáo huấn chi tiết về ý nghĩa của Khandro Yangtig.
Dodrupchen có vẻ vui và khỏe mạnh. Đôi khi ngài bất thần hát những bài ca du già. Ngài thường mô tả các linh kiến của ngài. Do Khyentse và những người khác vẫn nhìn thấy thân ngài trong những hình tướng khác nhau, và đôi khi không có thân mà chỉ là bộ quần áo của ngài trên ghế ngồi. Giữa những điều kỳ diệu bất tận này, nếu có ai nhớ lại bất kỳ vấn đề nào về các giáo lý, ngài sẽ trả lời một cách tự nhiên mà không cần được hỏi.
Vào ngày mồng mười tháng sáu năm Kim Thìn (1821), Đạo sư và đệ tử từ biệt nhau trong đời này với nỗi đau buồn vô hạn. Trên đèo Garlung, Do Khyentse và Palge lễ lạy Dodrupchen một trăm lần với những lời cầu nguyện. Do Khyentse đổi tên thành Repa Yongtrak và với một ít người, ngài đi tới Thugje Chenpo thuộc Tỉnh Trokyap và sau đó tới nhiều nơi ở Amdo, trong đó có Amchok, Latrang, và Tso Ngönpo và Rekong. Sau đó ngài cho tất cả những người đồng hành với ngài về nhà ngoại trừ Lhaksam Rapkar.
Tại Rekong, ngài tới một nghĩa địa để thực hành trong ba đêm và biểu lộ những dấu hiệu thành công trong việc khuấy động những cảm xúc và ý niệm và làm an dịu chúng, nhưng sau đó sức khỏe của ngài sa sút vì bệnh đậu mùa. Dường như ngài đi vào một trạng thái vô thức trong hơn hai tuần lễ. Trong thời gian đó, ngài nhìn thấy những cảnh giới khác nhau trong thế giới. Ngài kinh nghiệm thân thể ngài bị những Bổn Tôn phẫn nộ ăn nuốt để tịnh hóa những bất tịnh của thân thể vật lý của ngài. Trong cõi tịnh độ Zangdok Palri ngài đã tham dự một lễ cúng dường tsok trong bảy ngày với Guru Rinpoche và nhiều Đạo sư vĩ đại trong quá khứ. Khi kết thúc lễ tsok, Guru Rinpoche giao cho ngài bảy hộp terma với những trao truyền phó chúc và tiên tri. Guru Rinpoche nói:
Con trai của ta, sau khi chứng ngộ tính chất hư huyễn của các tri giác,
Sẽ có chút lợi lạc khi sống trong sự cô tịch.
Khi những sai lầm của hình tướng hiện tượng sụp đổ vào nơi chốn của riêng chúng,
Và bản tánh cố hữu không bị áp chế của các hiện tượng được nhận ra,
Đừng rơi vào sự phân biệt những hình thức vi tế của việc bám chấp và bị bám chấp
Và đừng dính mắc vào những thiện hạnh bị ô nhiễm,
Xin mạnh mẽ hộ trì sự thuần tịnh nguyên sơ bao la rộng lớn.
Sau đó ngài trải nghiệm việc đi gặp Dodrupchen. Rất vui khi gặp lại ngài, Dodrupchen nói: “Tháng giêng sang năm ta sẽ ra đi. Ta sẽ nhờ chị con nhắn lại cho con lời chỉ dạy của ta.. Bây giờ những chướng ngại của đời con đã bị đẩy lui.” Do Khyentse nhìn thấy một chữ ĀH trắng nơi tim Dodrupchen. Bằng cách tập trung sự tỉnh giác vào nơi đó, tâm ngài tan hòa vào một trạng thái không thể diễn tả. Sau đó, khi cảm thấy rằng ngài đang chạm vào thân của chính mình, ngài trở về với ý thức vật lý. Bệnh tật của ngài biến mất, nhưng ngài mất một tháng để hoàn toàn phục hồi sức khỏe.
Vào ngày mười ba tháng giêng năm Kim Tị (1821), Do Khyentse nhìn thấy Dodrupchen trên không trung trong một thân ánh sáng chói ngời kỳ diệu, được bao phủ trong ánh sáng. Dodrupchen đang ngồi trên một cái chăn giống như gấm thêu được bốn dākinī nâng đỡ, và ngài ban di chúc bằng một giọng nói quyến rũ. (Xin đọc những giòng di chúc trong chương 12.) Những tia sáng năm màu phát ra từ chữ ĀH trắng nơi tim Dodrupchen và tan hòa vào Do Khyentse. Sau đó từ chữ ĀH một chữ ĀH thứ hai xuất hiện và tan vào tim Do Khyentse. Trong một lát, Do Khyentse mất ý thức và tan hòa vào kinh nghiệm về những con sóng kim cương. Khi ngài phục hồi ý thức, Lạt ma đã biến mất. Trong ba ngày, ngài ở nguyên trong trạng thái trong đó mọi tư tưởng thô và tế tan biến đi và giác tánh nội tại tỉnh thức một cách tự nhiên. Sau lúc đó ngài cảm thấy đau buồn ghê gớm khi nhận ra là Dodrupchen đã thị tịch.
Ngài gặp Pema Rangtröl, Kyanglung Gönpo Gyal, và Chöying Tobden Dorje, các đệ tử của Dodrupchen, và ban giáo lý cho họ. Nhiều tháng sau chị ngài và những người khác từ Yarlung Pemakö đến với tin tức về cái chết của Dodrupchen, và chị ngài nhắc lại những lời chỉ dạy mà Lạt ma dặn bà nói lại cho Do Khyentse. Ngài đi tới Yarlung để tỏ lòng tôn kính di cốt của Dodrupchen, nhưng từ chối ở lại làm nhiếp chính của Dodrupchen.
Vào khoảng thời gian này ngài đã thay đổi từ bộ y trắng của hành giả mật thừa thành y phục của một cư sĩ. Ngài viếng thăm Dege trong một thời gian ngắn, mọi người ở đó bị choáng váng và khó xử bởi bề ngoài mới lạ của ngài. Ở đó ngài gặp Gyalwe Nyuku, vị Thầy này yêu cầu ngài mặc một bộ y phục của tertön (hay y Mật thừa). Do Khyentse trả lời: “Con không là một tertön mà cũng chẳng phải là một người tuân giữ các giới nguyện tu sĩ, vì thế điều thích hợp cho con là y phục cư sĩ.” Mặc dù điều này, Dzogchen Rinpoche tán thán ngài, và Pönlop hiến dâng phần còn lại của đời mình để kéo dài thọ mạng của Do Khyentse. Do Khyentse lang thang trong xứ Golok không người như một thợ săn và làm hồi sinh nhiều người và thú vật bị giết hay đã chết.
Năm 1823, phối ngẫu của ngài, là con gái của Akyong Lhachen, hạ sinh một bé gái tên là Khaying Dölma giữa những dấu hiệu kỳ diệu. Khaying Dölma kết hôn với vua xứ Trokyap năm 1841 nhưng đã mất năm 1855 mà không có con.
Do Khyentse bắt đầu ban những trao truyền và giáo lý Longchen Nyingthig cho chị ngài và những người khác. Đôi khi ngài ở Dordzong (rDo rDzong) ở Golok. Sau này ngài thiết lập một gompa của truyền thống Longchen Nyingthig, nó thuộc về nhóm bộ tộc Muk-yang. Kế đó ngài giảng dạy ở nhiều nơi ở Gyalmorong, Dzika, và Thung lũng Ser.
Bây giờ tiếng tăm là một Đạo sư của ngài đã bay đến Dege, và do sự nài nỉ của nhà vua, ngài viếng thăm xứ Dege một lần nữa trong một thời gian ngắn. Nhưng Do Khyentse từ chối ở lại làm thầy giáo bởi ngài đã bị nghi ngờ trong thời gian qua, khi ngài xuất hiện như một cư sĩ, và điều đó đã làm tổn hại những hoàn cảnh tốt lành. Thay vào đó, ngài tỏ ý muốn ở lại như một dünhor (hội viên hội đồng), là điều những Lạt ma khác thất vọng, bởi nó không phải là một chức vụ thích hợp đối với một đại Lạt ma.
Do Khyentse đi tới Dzachukha và thình lình bị bệnh nặng, như đã được tiên tri trước đây. Nhờ lời cầu nguyện mãnh liệt của Gyalwe Nyuku, ngài đã hồi phục.
Năm 1825, cùng với chị ngài và những người khác, ngài đi tới Thung lũng Ma và khám phá những kho tàng xứ Ling. Sau đó ngài đi Phuntsok Dzong, cung điện của Vua Tsewang Lhündrup (chết năm 1827) xứ Gyarong, và ban các giáo lý. Sau đó ngài đi tới địa điểm hành hương Kaulong Senge Yongdzong và ban giáo lý cho Vua Namkha Lhündrup xứ Trokyap ở Gyarong. Các ngài có một mối liên hệ Đạo sư-đệ tử và đã xây dựng một ngôi chùa, mà về sau được gọi là Gomsar (Gompa Mới).
Một hôm, ở Núi Murdo xứ Gyarong, Do Khyentse đưa con trai ngài tới một hang động trong một ngọn núi dốc đứng và yêu cầu cậu chờ ngài. Do Khyentse trở về trại của họ trong khi Raltri chờ trong hang. Khi trời tối mà cha cậu vẫn không trở lại, Raltri hầu như không thể di chuyển được vì sợ chết. Thình lình cậu nghe tiếng cha cậu gọi cậu đến và nhìn thấy một tấm thảm ánh sáng phía trước cậu. Không chút do dự hay nghi ngờ, cậu ngồi lên đó và lập tức thấy mình ở trong trại.
Có một lần Do Khyentse đang du hành trên một con đường núi rất hẹp ở Trakwar tại Dzigak xứ Gyarong. Ngài bảo Riktsal Thogme: “Nếu ông can đảm, hãy xô tôi và con ngựa của tôi xuống!” Riktsak xô họ xuống Sông Gyalmo Ngülchu (tên Trung quốc là Dadu), ở sâu bên dưới hàng trăm phút (1 phút = 0,30m). Riktsal nghĩ: “Đạo sư của ta chết rồi,” và ông nhảy xuống theo họ. Những dấu tích của Do Khyentse, con ngựa, thanh kiếm của ngài và Riktsal in hằn trên tảng đá như thể ở trên bùn, và ta vẫn có thể nhìn thấy những dấu tích ấy vào mùa đông, khi mực nước sông xuống thấp. Sau đó Do Khyentse yêu cầu Riktsal ngồi lên yên ngựa phía sau ngài, và họ leo lên núi đá dốc đứng, in những dấu tích trên mỗi bước đi. Từ đó trở đi, người ta nói rằng cái chết do bị rơi xuống vực sâu đã thôi xảy ra trên con đường nguy hiểm đó.
Như chính Dodrupchen đã tiên tri, năm 1829, Sherap Mebar, con trai của Do Khyentse, là tülku của Dodrupchen, ra đời với những dấu hiệu kỳ diệu. Từ thời thơ ấu cậu đã không ăn thịt. Thật không may, cậu chết năm 1842, ở tuổi mười bốn. Rikpe Raltri (1830-1874), con trai thứ hai của Do Khyentse, là tülku của Gyalse Nyinche (1793-?), con trai của Jigme Lingpa, và là thân phụ của Zilnon Gyepa Dorje, Do Rinpoche thứ hai (1890-1953).
Năm 1831 Do Khyentse được vua xứ Chakla mời tới Tartsedo và những nơi khác trong miền. Từ lúc đó, chủ yếu Do Khyentse sống ở miền Tartsedo, và vua xứ Chakla trở thành một trong những người bảo trợ chính của ngài.
Năm 1832, trong một linh kiến trong giấc mộng, ngài nhận các giáo lý và tiên tri từ Machik Lapdrön cùng với năm dākinī. Về sau, những chướng ngại xuất phát từ tham vọng tiêu cực được làm yên dịu, và ngài bắt đầu thực hiện vai trò Thủ hộ của các Yogī.
Có một lần khi đang cắm trại trong Núi Zhak-ra, vua xứ Chakla tới thăm ngài. Một hôm, cưỡi ngựa và cầm đèn bơ trong tay, Do Khyentse, nhà vua, và Tongza Özer phi ngựa vào một cái hồ. Khi nước lên tới bờm ngựa, nhà vua sợ hãi và quay trở lại. Do Khyentse và Özer biến mất. Sau một lát họ cùng nổi lên an toàn. Theo Özer, họ đã đi xuống nước mà không ướt quần áo hay bị tắt đèn. Rồi họ tới một ngôi nhà nhiều tầng có ba bức tường bao quanh với đủ loại thú vật ở quanh nhà. Özer ở bên ngoài ngôi nhà trong khi Do Khyentse được những người mặc y phục trắng dẫn vào trong nhà, và sau đó họ lại đưa ngài ra ngoài. Không ai biết Do Khyentse mang cái gì ra ngoài với ngài.
Một hôm ở miền Datha, hai cậu bé chăn cừu nhìn thấy Do Khyentse và đoàn của ngài đi qua. Chúng muốn thử xem thực sự Do Khyentse có tài thấu thị hay không. Một trong hai cậu bé chăn cừu giả bộ chết, và cậu bé kia chạy tới đoàn của Lạt ma để xin cầu nguyện cho người chết. Do Khyentse đi tới xác chết và hút ba tẩu thuốc, để tro lên đầu cậu bé chăn cừu. Sau đó ngài bỏ đi mà không nói một lời cầu nguyện nào. Sau khi đoàn đã lên đường, cậu bé nhận thấy bạn mình đã chết thật. Cậu chạy theo sau đoàn người, thú nhận sự thật và khẩn cầu Lạt ma làm cho bạn cậu sống lại. Do Khyentse quay trở lại và nói: “Dza,” ngài làm một cử chỉ triệu thỉnh và lại bỏ đi. Chẳng bao lâu cậu bé phục hồi ý thức và biểu lộ sự đau buồn về việc bị đưa trở về, bởi cậu đã được gởi tới một cõi tịnh độ đầy hỉ lạc. Ngay lập tức, cậu đi theo Do Khyentse và về sau trở thành một thiền giả thành tựu.
Một lần vào đầu mùa hè, Do Khyentse đang cắm trại qua đêm tại Dora Karmo ở Minyak trên đường ngài tới Tartsedo. Ngài bắn một mạc-mốt và bảo Özer chôn cái xác, là thứ mà ngài sẽ cần tới trên đường trở về. Vào mùa thu, khi họ trở về nơi đó, ngài yêu cầu Özer mang cái xác lại mà không để sót ngay cả một sợi lông. Cái xác hầu như biến mất, nhưng Özer đã thâu thập và ráp tất cả các mảnh lại với nhau trước mặt ngài. Do Khyentse chạm tay vào xác mạc-mốt, nó bỏ chạy và kêu lên the thé. Özer nhận xét là ông đã từng nhìn thấy nhiều trường hợp người chết được làm cho sống lại, nhưng đây là trường hợp một thú vật đã chết quá lâu.
Một hôm vua Chakla khẩn cầu một quán đảnh. Khi Özer đã chấm dứt những việc chuẩn bị, họ nhận ra là họ không mang theo bản văn đã được tụng đọc ở ẩn thất của họ, rất xa nơi đây. Do Khyentse nói: “Không thành vấn đề.” Ngày hôm sau, ngay trước lúc bình minh, những người ở giữa đường tới ẩn thất nhìn thấy ngài đi qua, và vào lúc bình minh người ta thấy ngài ở ẩn thất. Vào giờ điểm tâm, những người hầu của cung điện báo cáo cho nhà vua là Do Khyentse vừa đi vào cung điện bằng chân trần, nhưng nhà vua nói: “Không, ngài đang dùng điểm tâm.” Nhưng vì nghi ngờ, và vua và các người hầu vội vã chạy tới phòng của Do Khyentse, và họ thấy ngài đẫm mồ hôi, và bản văn đang ở trên bàn. Do Khyentse nói: “Ta mệt, ta đã đi lấy bản văn!”
Sau này, Do Khyentse thiết lập Kyilung Gompa trong miền Geshe xứ Gyarong, ban quán đảnh Longchen Nyingthig, và dạy ngöndro, tsalung, và Yeshe Lama cho khoảng một trăm đệ tử. Về sau, Kyilung Gompa trở thành trụ xứ của Zenkar Rinpoche đệ nhất và là một trong các trụ xứ chính của Zenkar Rinpoche hiện tại, Thupten Nyima (sinh năm 1943), là những hóa thân của Do Khyentse.
Do Khyentse đi gặp Gönpo Namgyal (mất năm 1865), thủ lãnh độc ác xứ Nyarong, kẻ gây ra nhiều đau khổ cho nhiều vùng của tỉnh Kham. Một hôm vị thủ lãnh nói với Do Khyentse: “Ngài mang một khẩu súng – hãy bắn con quạ đó.” Do Khyentse làm như thế. Sau đó viên thủ lãnh nói: “Ngài cho mình là một Phật tử đầy lòng bi mẫn, nhưng ngài đang giết thú vật. Làm sao có thể như thế được?” Do Khyentse búng ngón tay, và con quạ bay đi. Viên thủ lãnh nhận xét: “Khẩu súng tuyệt vời – không thể giết ngay cả một con quạ.” Một ngày khác, họ đang cùng nhau cưỡi ngựa trên tuyết. Con ngựa của Do Khyentse đang cưỡi không để lại dấu vết nào. Viên thủ lãnh nói: “Ồ, ngài có một con ngựa hay. Chúng ta hãy đổi ngựa.” Khi họ đã đổi ngựa, một lần nữa, con ngựa mà Do Khyentse cưỡi cũng không để lại dấu vết, và viên thủ lãnh bình luận: “Ngài là một kỵ mã hảo hạng.” Sau khi tạo được sự ngưỡng mộ và bình an trong tâm của viên thủ lãnh, Do Khyentse góp phần vào việc phóng thích nhiều tù nhân.
Một hôm họ đang ở trong Núi Zhak-ra Lhatse xứ Minyak, một người đàn ông ngông cuồng (Mi rGod, yeti?) đem Do Khyentse đi. Ngài bị bỏ mặc trong một cái hang giữa một ngọn đồi đá dốc đứng. Ở đó ngài đắm mình trong thiền định, trong đó ngài có một linh kiến về một dākinī ban cho ngài các giáo lý, tiên tri, và cam lồ. Khi ra khỏi thiền định, chị ngài và những người khác được một người lạ hướng dẫn đi tới chân đồi và gọi lớn tên ngài. Họ không leo lên được mà ngài cũng không thể tụt xuống. Với sự nhất tâm các môn đồ của ngài cầu nguyện chư Phật và Lạt ma, và lập tức ngài xuất hiện dưới chân ngọn đồi đá. Sau đó ngài ban những trao truyền Longchen Nyingthig và Khandro Yangtig với những dấu hiệu và linh kiến kỳ diệu.
Năm 1836, ngài đi tới Lauthang và ban các trao truyền Longchen Nyingthig. Lauthang đã trở thành một trong những trụ xứ của Do Khyentse. Trong thời gian vừa qua, Lauthang Gompa là trụ xứ của Lauthang Tülku Drachen (mất năm 1959), một tülku của Dodrupchen.
Trong khi họ ở Lauthang, Do Khyentse dẫn Raltri, con trai ngài, vào một ngôi nhà kỳ lạ. Nhiều dākinī dọn ra cho họ nhiều loại thực phẩm và cho họ xem một trưng bày các kho tàng thật lạ lùng. Do Khyentse ban một phurbu (lưỡi dao) cho Raltri, và sau đó họ ra khỏi nhà. Khi Raltri nhìn trở lại, ngôi nhà không còn nữa, nhưng phurba vẫn còn ở bên cậu.
Năm 1844 Khyentse viếng thăm Yarlung Pemakö và ban các trao truyền Longchen Nyingthig cho Jigme Phuntsok Jungne, Dodrupchen đệ nhị. Sau đó ngài tiết lộ các giáo lý terma của riêng ngài cho đại chúng. Những giáo lý đó gồm có Yangsang Khadrö Thukthik và Chö Dzinpa Rangtröl.
Năm 1847 tại Lauthang, ngài tôn phong Tri-me Trakpa xứ Yuthang là tülku của con trai quá cố Sherap Mebar của ngài, một tülku của Dodrupchen. Tri-me Trakpa, người cũng từ chối ăn thịt từ thời thơ ấu, sau này được nhiều người biết đến với cái tên Do (mDo) Rinpoche.
Năm 1856/57, trong khi đang viếng thăm Núi Yutse ở Golok, Paltrül Rinpoche đến nhận quán đảnh Yumka Dechen Gyalmo. Sau đó, cùng với Dodrupchen đệ nhị, ba vị thực hiện những lễ cúng dường sang (đốt hương).
Mặc dù có mọi bằng chứng, một số người hoài nghi về năng lực giác ngộ của Do Khyentse. Một người chú của ngài không tin cách thức trì giữ giới luật của ngài. Một hôm khi Do Khyentse bắn một mạc-mốt, chú ngài quở trách và nói: “Làm sao một tülku có thể giết thú vật như một tên tội phạm?” Khi đó Do Khyentse dùng roi da đánh vào cái xác, và mạc-mốt bỏ chạy. Trước cảnh tượng đó người chú trách ngài: “Bây giờ thì ngài học cả mánh lới ảo thuật nữa!”
Trong Núi Yutse, ban ngày Do Khyentse chơi cờ và thiền định vào ban đêm. Người ta tin rằng ngài đã đưa nhiều người và vô số phi nhân tới con đường an bình của Giáo Pháp. Theo lời mời của Vua Samang xứ Gyarong, ngài ban giáo lý cho vua và thần dân của nhà vua. Giờ đây ngài trở thành thầy giáo của tất cả mười tám lãnh địa xứ Gyarong.
Năm 1858, ngài bắt đầu viết tiểu sử của ngài tại Kaukong Senge Yongdzong ở Trokyap, và năm 1860 ngài kết thúc tiểu sử khi ban những giáo huấn Đại Viên mãn cho vua xứ Trokyap và những người khác. Tất cả đều kinh nghiệm những chứng ngộ cao cấp và chứng kiến những dấu hiệu phi thường.
Trong khi ngài ở Kaukong, vào sáng sớm ngày mồng tám tháng giêng năm Thổ Mùi (1860), ngài nhìn thấy Dodrupchen trong thân tướng Milarepa và nghe những lời sau:
Những cái thấy của Madhyamaka (Trung Đạo), Mahāmudrā (Đại Ấn), và Dzopa Chenpo (Đại Viên mãn)
Là bản tánh của nền tảng, con đường, và quả.
Thoát khỏi những tạo tác của bốn cực đoan
Được gọi là Madhyamaka thô bên ngoài.
Cái thấy đó với sự hiểu biết sắc bén, không có những lỗi lầm,
Trí tuệ với tinh túy cốt tủy,
Là Phật tánh, nền tảng tương tục.
Là Madhyamaka vi tế bên trong.
Có cái thấy đó, nhờ nương tựa phương tiện thiện xảo mang lại sự chứng ngộ, và
Qua sự tu tập bốn yoga,
Hoàn thiện kết quả không-thiền định
Là phương cách tiến triển theo con đường Mahāmudrā (Đại Ấn),
Ý nghĩa [hay sự hợp nhất] tánh Không và sự quang minh, không bám chấp, của tâm..
Trong Đại Viên mãn tự nhiên,
Trực tiếp nhận ra giác tánh nội tại
Tháo gỡ mọi trói buộc của sự bám chấp và người bám chấp.
Sau đó, nhờ nhận ra những hình ảnh và vòng [ánh sáng],
Năng lực hiển lộ của giác tánh nội tại sẽ được viên mãn như Báo Thân.
Khi sự quang minh của bốn linh kiến được viên mãn,
Các hiện tượng tan vào sự bao la vĩ đại của bản tánh tối thượng,
Và sự giải thoát vào pháp giới tối thượng của “thân trẻ trung trong một tịnh bình” sẽ được thành tựu..
Sau đó các ánh sáng và hơi nóng xuất phát từ Đạo sư và đi vào đầu Do Khyentse, tràn ngập thân ngài và tịnh hóa ngay cả những ô nhiễm vi tế nhất của ngài, và làm ngài tràn ngập trí tuệ của đại lạc.
Năm 1866 ngài trở về Tarsedo và ban giáo lý cho mọi người ở khắp nơi, ngay cả trên những con đường trong thị trấn. Sau đó, vào ngày hai mươi tháng hai, an tọa trong tư thế Pháp Thân, ngài tan hòa tülku (hóa thân) vật lý của ngài vào bản tánh tối thượng. Ngay tức thì, người ta nghe thấy những âm thanh khác nhau, mặt đất rung chuyển, và những ánh sáng cầu vồng trong hình dạng những đường sọc, vòng tròn, và những chiếc cột tràn ngập bầu trời trong nhiều ngày. Trong lễ trà tỳ của ngài, các đệ tử tìm thấy trong tro tàn nhiều xá lợi, trong đó có một xá lợi ngũ sắc lớn bằng một quả trứng.
Trong những tülku của ngài có Pema Ngödrup Rolwe Dorje (1881-1943), Alak Zenkar đệ nhất của Tu viện Kyilung xứ Gyarong, và Khyentrül Dzamling Wangyal (?-1907), một nam tử của Düdjom Lingpa.
Trích: “Các Đạo Sư của Thiền Định và những điều huyền diệu: Cuộc đời của các Đạo Sư Phật Giáo vĩ đại của Ấn Độ và Tây Tạng”, trang 149 – file PDF.