C. Chương IX
Guru Rinpoche, Padmasambhava
GURU RINPOCHE,98 một trong những bậc lão thông của Phật giáo Ấn Độ, là vị sáng lập Phật giáo ở Tây Tạng. Ngài được gọi là Padmasambhava (Padma ‘Byung gNas), Liên Hoa Sanh, và Guru xứ Oddiyāna. Ở Tây Tạng ngài thường được gọi là Guru Rinpoche, Đạo sư Tôn quý. Những hành giả phái Nyingma tôn kính ngài như Đức Phật thứ hai.
Trước khi đi vào cuộc đời của Guru Rinpoche, tôi muốn thảo luận một ít về những vấn đề mà chúng ta có thể có trong việc thấu hiểu một cuộc đời đầy năng lực, bí mật, huyền bí và giác ngộ như cuộc đời của Guru Rinpoche.
Làm cách nào một bậc lão thông có thể thực hiện những điều huyền nhiệm và đạt được thân ánh sáng? Prahevajra, Manjushrīmitra, Shrīsimha, Jnanasūtra, Vimalamitra, và Guru Rinpoche và những phối ngẫu của ngài, cũng như nhiều đệ tử của ngài, là những hiển lộ của chư Phật hay những bậc giác ngộ cao cấp. Cuộc đời và thọ mạng của các ngài không bị giới hạn như cuộc đời của một người bình thường. Những hiển lộ của chư Phật trong thân tướng của những bậc lão thông vĩ đại thỉnh thoảng xuất hiện trong lịch sử của thế giới, nhưng rất hiếm hoi. Prahevajra, Manjushrīmitra, Shrīsimha, và Jnanasūtra đã tan hòa thân hiển lộ của các ngài vào Pháp thân, không để lại nhục thân vào cuối đời. Bởi các ngài đã thành tựu việc làm chủ được thọ mạng của mình nên các ngài sống nhiều thế kỷ. Nhờ sự uyên bác và hiến dâng cho thiền định Nyingthig, Vimalamitra đã thành tựu thân của sự đại chuyển hóa, và ngài vẫn còn ở trong thân ánh sáng này và sẽ ở trong thân tướng đó hàng ngàn năm. Và mặc dù là một hiển lộ của Đức Phật A Di Đà, Đức Phật Vô Lượng Quang, nhưng Guru Rinpoche đã hiển lộ là một bậc đầy năng lực đang theo đuổi việc tu tập bí mật để thành tựu những kết quả hầu mang lại lợi lạc cho chúng sinh. Ngài cũng được tin là ở trong thân ánh sáng của sự đại chuyển hóa.
Những thành tựu của các vị lão thông này không chỉ ở sự trường thọ của thân khả tử (có thể chết) của các ngài hay ở việc đạt được một thân siêu cảm giác (an astral body - thể vía), mà còn ở chỗ thành tựu thân giác ngộ, ánh sáng tự-xuất hiện của giác tánh nội tại, Phật tánh. Mặc dù đối với những người bình thường như chúng ta, ta không thể nhìn thấy thân ánh sáng như nó là, nhưng khi ta có thể nhận được những lợi lạc thì ta sẽ nhìn thấy nó trong những hình thức thích hợp với bản tánh của ta.
Khi chúng ta nghe kể những câu chuyện về những bậc lão thông sống hàng thế kỷ hay phô diễn những điều huyền diệu, hầu hết chúng ta đều do dự trong việc chấp nhận những chuyện như thế, đó là may mắn lắm. Ngoài ra cũng có những người đọc về các bậc lão thông và thưởng thức những câu chuyện về sự trường thọ và những điều huyền diệu nhưng không thể chấp nhận những câu chuyện đó bởi chúng không phù hợp với những điều họ đang kinh nghiệm. Tuy thế hầu hết các nền văn hóa và tôn giáo cổ đã ghi chép những sự kiện có liên quan tới những người siêu phàm, và những thành tựu siêu nhiên chẳng hạn như sự trường thọ và phô diễn những năng lực huyền diệu, là kết quả của sức mạnh tâm linh sâu thẳm và năng lực thiền định, chứ không phải bởi năng lực vật chất.
Ngày nay chúng ta đang chứng kiến những điều huyền diệu về vật chất, là những điều mà thời xa xưa người ta không thể nào tin được, nhưng chúng ta đã hay đang mất đi sự tiếp xúc với năng lực thâm sâu của ta. Chúng ta đã trở thành những nô lệ đơn thuần của thế giới vật chất bên ngoài. Vì thế vấn đề không nằm ở chỗ những năng lực bí mật có vô căn cứ hay không, mà đúng hơn chúng ta đang tự biến mình thành những kẻ xa lạ với năng lực thực sự của chân lý thâm sâu của chính ta, giống như một người dấu kín của cải ở nhà và đi ăn xin trong đường phố.
Tại sao cần phải nghiên cứu những hiển lộ của Đức Phật? Nếu những Đạo sư như Guru Rinpoche là những hiển lộ của chư Phật, thì tại sao các ngài phải kinh qua việc tu tập mãnh liệt và tại sao các ngài phải đối mặt với những chướng ngại? Có hai vấn đề. Trước hết, những hiện thân của chư Phật sẽ xuất hiện và sẽ thực hiện những hoạt động của các ngài một cách nghiêm nhặt trong bất kỳ thân tướng và vai trò nào mà các ngài hiển lộ. Nếu các ngài hiển lộ như những viên chức xã hội, các ngài sẽ hoàn thành vai trò đó bằng cách trở thành người cung cấp thực phẩm, chỗ ở, và thuốc men, hay các ngài sẽ làm việc để củng cố những giá trị đạo đức và gia đình, cho dù các ngài là những hiện thân Phật. Vì thế, nếu những bậc lão thông đã hiển lộ như các Đạo sư bí mật, các ngài sẽ đóng vai trò học tập như những học viên, thực hành như những thiền giả, và thành tựu như những bậc lão thông – giống như, nếu quý vị làm một cái muỗng bằng vàng, nó sẽ thực hiện chức năng là một cái muỗng, và nếu quý vị làm một vật trang sức bằng vàng thì nó sẽ thực hiện chức năng của một vật trang sức; cho dù vàng là một kim loại quý có thể được giữ gìn như một phần của các kho tàng quốc gia.
Thứ hai, những hiển lộ (Nirmānakāya, Hóa thân) khác nhau xuất hiện không phù hợp với viễn cảnh của Đức Phật mà phù hợp với viễn cảnh của những người bình thường, bởi các ngài xuất hiện với những người này để phụng sự họ. Thông thường, những người bình thường không có nghiệp và những tính khí tốt nhất để có thể nhìn thấy, cảm nhận, hay đón tiếp những đấng tuyệt hảo trong các hiển lộ. Tùy theo tính chất về nghiệp hay cảm xúc của họ, vai trò của sự hiển lộ cũng sẽ bị giới hạn. Ngay cả những bậc lão thông vĩ đại như Guru Rinpoche cũng bị những người bình thường nhìn thấy trong thân tướng bình thường hay giống như thân tướng bình thường chứ không ở trong thân ánh sáng của sự đại chuyển hóa. Khi Guru Rinpoche ở Tây Tạng, có một thời gian Vua Trisong Detsen khó có thể tin rằng Đức Liên Hoa Sanh ở trong thân ánh sáng. Trước sự nài nỉ của Guru Rinpoche, nhà vua dùng nắm tay đấm ngài ba lần, và mỗi lần như thế nhà vua không thể chạm vào thân ngài mà chỉ chạm vào ghế ngồi của ngài.99
Những bậc lão thông vĩ đại chẳng hạn như Prahevajra và Guru Rinpoche không chỉ là các hiển lộ của chư Phật, mà hiển lộ như những bậc có tài năng với những phẩm tính của các bậc lão thông. Các ngài có năng lực và trí tuệ giác ngộ phi thường. Các bậc lão thông như các ngài đã biểu lộ năng lực hiển lộ nhiều thân tướng trong một thời gian, làm cho nhiều thân tướng biến thành một, và phô diễn những yếu tố (các đại) đối nghịch, chẳng hạn như nước và lửa hòa hợp nhau, phù hợp với tính chất của nghiệp và tâm thức và nhu cầu của các đệ tử là thính giả của các ngài. Tất cả những hiển lộ kỳ diệu đó có thể có do bởi nghiệp thuần thục của nhiều người ở thời gian và nơi chốn đó.
Tại sao có những tường thuật khác nhau về cuộc đời của những bậc lão thông? Đặc biệt là cuộc đời của Guru Rinpoche là một trong những cuộc đời kỳ diệu nhất có thể có trong bất kỳ lịch sử của thế giới tâm linh nào, và vì thế nó xuất hiện với rất nhiều biến thể. Những tường thuật khác nhau không hàm ý một tường thuật là đúng và những tường thuật khác là sai. Những hiển lộ của cuộc đời của các bậc lão thông xuất hiện một cách khác biệt cho những người khác nhau ở những nơi chốn và thời gian khác nhau để họ được phụng sự trong cách thế thích hợp nhất. Trong nhiều trường hợp, một hiển lộ duy nhất trong một phút chốc duy nhất được những người khác nhau nhìn một cách khác biệt. Đó là bởi năng lực giác ngộ của các bậc lão thông, sự điều phục tối thượng của các ngài đối với những hình thức huyễn hóa, thời gian, và không gian của các hiện tượng bình thường. Đó là vấn đề rốt ráo, nó làm cho năng lực của các Đạo sư hoàn toàn thành tựu trở nên phi thường, và tạo nên một suối nguồn vĩ đại của sự gia hộ và năng lực tích cực cho những người khôn ngoan, khoáng đạt, và sùng mộ. Ngoài ra, toàn bộ lý do tại sao những hiển lộ của Đức Phật xuất hiện trước những người bình thường như chúng ta là bởi những tính chất và nhu cầu của ta, là những chúng sinh khác nhau, chứ không phải bởi áp lực thuộc về nghiệp và tập khí của những ý niệm, cảm xúc, và hành động của các hiển lộ.
Trong số nhiều bản tường thuật khác nhau về tiểu sử của Guru Rinpoche do các đại học giả biên soạn hay do các đại tertön, là những người thừa kế tâm linh của ngài, khám phá, có nhiều bản mà những người bình thường như bản thân tôi có thể nhận thức được. Dựa vào những nguồn mạch đó, dưới đây là một tường thuật vắn tắt về cuộc đời của Guru Rinpoche.
Sau khi Đức Phật nhập diệt tám năm (hay theo một số người thì là mười hai), một hiển lộ của Đức Phật A Di Đà mà sắc thân được tô điểm bằng những tướng tốt ra đời không bằng thai tạng của một người đàn bà (thai sanh) mà được sinh ra một cách tinh khiết (hóa sanh) trong một hoa sen trong Biển Sữa ở tây bắc của xứ Oddiyāna giữa những dấu hiệu kỳ diệu.
Vào lúc đó, có một vị vua vĩ đại rộng lượng tên là Indrabhūti ở Oddiyāna. Trong nhiều năm, ngài đã cung cấp mọi nhu cầu vật chất cho những người nghèo khó cho tới khi nhà kho của ngài trống không. Giờ đây ngài không còn gì để bố thí và ngài cũng mất thị lực. Ngài không có con kế nghiệp để chăm sóc cho thần dân. Mặc dù vậy, với lòng can đảm và nhiệt thành thường có trong việc cung cấp những nhu cầu cho dân chúng, bất chấp những chống đối của các thượng thư, đích thân ngài cùng với vị thượng thư trung thành Krishnadhara và một số đông thủy thủ vượt biển để tìm những viên ngọc như ý. Trên đường trở về, sau khi đã có những viên ngọc và cũng phục hồi được thị lực nhờ năng lực của những viên ngọc, nhà vua và vị thượng thư nhìn thấy một đứa trẻ khoảng tám tuổi đẹp lạ lùng đang ngồi trên một hoa sen nở giữa Biển Sữa. Hết sức kinh ngạc, nhà vua hỏi cậu bé: “Cha mẹ của ngươi là ai? Ngươi thuộc dòng dõi nào? Tên ngươi là gì? Ngươi ăn gì? Ngươi làm gì ở đây?” Để trả lời cậu bé hát những vần kệ sau đây bằng một giọng thật quyến rũ.
Cha tôi là giác tánh nội tại, Samantabhadra (Phổ Hiền).
Mẹ tôi là Pháp giới tối thượng, Samantabhadrī.
Dòng dõi của tôi là sự hợp nhất giác tánh nội tại và Pháp giới tối thượng.
Tên tôi là Liên Hoa Sanh vinh quang [Padmasambhava].
Xứ sở của tôi là pháp giới vô sanh.
Tôi ăn những tư tưởng bất nhị.
Vai trò của tôi là thành tựu những hoạt động của chư Phật.
Khi họ nghe những lời này, lòng tin và niềm hỉ lạc bừng nở trong trái tim của mỗi người. Cậu bé chấp nhận lời mời của vua và đi theo họ. Nhà vua nuôi cậu bé và đưa về cung điện, ở đó nhà vua phong cho cậu bé làm thái tử. Vào lúc đó Guru Rinpoche được gọi là Padmasambhava (hay Padmakara), Liên Hoa Sanh.
Thêm một lần nữa, nhà vua và các thần dân vui hưởng sự thịnh vượng. Vua ban những tặng phẩm hào phóng cho tất cả những người nghèo khó trong quốc gia. Cả nước đều được hưởng hạnh phúc và an bình. Thái tử trẻ tuổi được học nhiều bộ môn và xuất sắc trong việc học tập và những cuộc thi đấu điền kinh. Sau đó ngài cưới Dākini Prabhāvatī (Bậc có Ánh sáng) và phụng sự vương quốc phù hợp với luật lệ của Giáo Pháp. Vào lúc đó ngài được gọi là Vua Shikhin (Đấng đội Khăn Xếp).
Guru Rinpoche biết rằng bằng cách phụng sự trong vai trò của một vị vua, ngài sẽ không thể phục vụ những nhu cầu thực sự, những lợi lạc tâm linh của những người khác. Ngài thỉnh cầu nhà vua cho phép ngài từ bỏ vương quốc nhưng bị từ chối. Sau đó ngài nhận ra những phương tiện thiện xảo để tẩu thoát. Nhờ năng lực của sự tiên tri, ngài nhận ra rằng cái chết sắp đến với con trai của vị thượng thư độc ác Kamata do nghiệp trước đây của cậu bé. Vì thế trong khi họ đang cùng nhau nhảy múa, Guru Rinpoche để cho chiếc chĩa ba của ngài tuột khỏi tay và giết chết cậu bé. Thật đau buồn, nhà vua chiếu theo luật lệ nghiêm khắc của vương quốc và đày ngài đi lang thang trong các hầm mộ. Khi cáo từ, Guru Rinpoche hát cho cha mẹ ngài:
Mặc dù hiếm khi nhận ra thiện tâm của cha mẹ,
Các ngài đã chăm sóc con như cha mẹ và tôn phong con.
Con trai của thượng thư đã chết dưới tay con bởi món nợ nghiệp của nó.
Cho dù con bị trục xuất, nhưng không có gì phải sợ hãi, bởi con không dính mắc điều gì.
Cho dù con bị tử hình, không có gì phải sợ hãi, bởi đối với con sinh và tử đều như nhau.
Thật là tuyệt vời khi con bị trục xuất, bởi đối với nhà nước, luật lệ thật thiêng liêng.
Cha và mẹ, xin ở lại an lành.
Do mối liên hệ nghiệp, chúng ta sẽ còn gặp lại.
Guru Rinpoche bị đày ở mộ địa Shītavana. Ở đó ngài thực hành những bài tập bí mật và nhìn thấy những Bổn Tôn hòa bình. Kế đó ngài đi tới mộ địa Rừng Hoan hỉ (Nandanavana; dGa’ Ba’i Tshal) và nhận những quán đảnh bí mật từ Dakini Marajita (bậc Điều phục những Thế lực Tiêu cực). Ngài đi tới mộ địa Sosadvipa và được Dākinī Shāntarakshitā (bậc Giữ gìn Hòa bình) gia hộ. Chỉ huy tập hội dākinī, ngài thụ hưởng những giới luật bí mật trong những mộ địa khác nhau. Khi đó Ngài được gọi là Shāntarakshitā (bậc Giữ gìn An bình).
Ngài đi tới đảo Dhanakosha, ở đó ngài nói với các dākinī bằng ngôn ngữ biểu tượng của họ và đặt họ dưới sự chỉ huy của ngài. Tại mộ địa Parushakavana, trong khi thực hành những bài tập bí mật, ngài nhìn thấy linh kiến thanh tịnh về Vajravārāhī và nhận những gia hộ của bà. Với năng lực giác ngộ, ngài đã điều phục các nāga (rồng) trong một đại dương và các za (xem chú thích 257) trong bầu trời. Những dāka và dākinī trí tuệ ban những thành tựu cho ngài. Khi đó ngài được gọi là Dorje Trakpo Tsal (Sự Phẫn nộ Kim cương Khổng lồ).
Ngài đi tới Vajrāsana (Bodhgaya, Bồ đề đạo tràng) và phô diễn nhiều điều huyền diệu, thừa nhận rằng ngài là một vị Phật tự-chứng ngộ. Với nhiều mục đích trong tâm, ngài đi tới xứ Sahor và nhận giới luật xả ly từ Đạo sư Prabhāhasti. Khi đó ngài được gọi là Shākyasimha (Sư tử của các Shākya – Thích Ca).
Ngài nhận những giáo lý Yogatantra mười tám lần và nhìn thấy linh kiến thanh tịnh về các Bổn Tôn Yogatantra. Ngài nhận quán đảnh từ Ānandā, một dākinī trí tuệ trong thân tướng một sư cô. Bà đã biến Guru Rinpoche thành một chữ HŪM và bà nuốt chữ này. Trong thân bà Guru Rinpoche được ban cho toàn bộ những quán đảnh Ngoại, Nội, và Bí mật, và bà đẩy ngài ra khỏi thân bà qua padma (hoa sen, âm hộ) của bà.
Tại bảo tháp Deche Tsekpa, ngài nhận những quán đảnh và giáo huấn về tám mạn đà la từ tám Vidyādhara (Trì minh vương), đó là Manjushrīmitra, Nāgārjuna, Hūmkara, Vimalamitra, Prabhāhasti, Dhanasamskrita, Rombuguhya, và Shantigarbha. Ngài nhận Guhyagarbha-tantra từ Buddhaguhya, và Đại Viên mãn, đặc biệt là Nyingthig, từ Manjushrīmitra. Tại mộ địa Tsubgyur Tsal, ngài gặp Shrīsimha và nghiên cứu các tantra Me-ngagde và giáo lý Khandro Nyingthig trong hai mươi lăm năm. Ngài nhìn thấy những linh kiến thanh tịnh về nhiều bậc linh thánh ngay cả khi không làm bất kỳ thực hành hay thiền định đặc biệt nào về các vị này. Ngài đạt được trạng thái của vị Hộ trì trí tuệ với dư nghiệp (rNam sMin Rig ‘Dzin). Khi đó ngài được gọi là Loden Chokse (Đam mê Siêu việt Uyên bác).
Theo truyền thống Kinh thừa của Phật giáo, những giai đoạn (cấp độ) thành tựu được phân loại theo mười cấp độ (thập địa) và năm con đường, và chúng là những bước để đạt được Phật quả. Trong những truyền thống Mật thừa, những cấp độ được phân ra hay phân loại bằng những cách khác nhau. Hầu hết các Kinh điển Mật thừa của phái Nyingma có bốn thành tựu, được gọi là những vị hộ trì trí tuệ (trì minh vương, vidyādhara).
Vị hộ trì trí tuệ với những dư nghiệp là vị đầu tiên trong bốn vị hộ trì trí tuệ. Vị này có ba đặc tính. Tâm ngài đã toàn thiện hay thuần thục như Bổn Tôn, nhưng những gì còn lại của nghiệp quả về thân vật lý thô nặng chưa từ bỏ được, và ngay lập tức sau khi rời khỏi thân khả tử (chết), ngài sẽ đạt được vị hộ trì trí tuệ của dấu hiệu lớn (Phyag rGya’i Rig ‘Dzin), thành tựu thứ ba, mà tôi sẽ thảo luận sau này.
Ngài đi tới xứ Sahor, ở đó ngài gặp Công chúa Mandāravā, con gái của vua, khi đó đang thực hành Pháp trong cô tịch như một sư cô. Bởi ý nghĩa bí mật của mối quan hệ của ngài với công chúa bị hiểu lầm, ngài đã bị thiêu sống trên một giàn thiêu khổng lồ theo lệnh của nhà vua. Thay vì bị đốt cháy, ngài đã biến ngọn lửa thành một khối nước và nhiên liệu thành một hoa sen. Ngày hôm sau, người ta nhìn thấy Guru Rinpoche đang ngồi trên hoa sen giữa hồ. Người ta tin rằng cái hồ là Hồ Rewalsar thuộc Quận Mandi ở Himachal Pradesh miền bắc Ấn Độ. Để chuộc lỗi, vua xứ Sahor cúng dường ngài vương miện của vua, áo, và giày cùng toàn thể vương quốc, và Công chúa Mandāravā là phối ngẫu tâm linh của ngài. Guru Rinpoche ban giáo lý cho vua và các thần dân, và nhiều người đạt được chứng ngộ. (Trong hầu hết những miêu tả về Guru Rinpoche, ta thấy ngài đội mũ hoa sen, áo choàng không tay bằng gấm thêu, và đi đôi giày do vua xứ Sahor cúng dường để biểu thị năng lực giác ngộ của ngài.)
Sau đó ngài và Mandāravā đi tới Động Māratika ở Nepal, và trong ba tháng các ngài thực hiện sādhana trường thọ. Đức Phật Amitāyus xuất hiện trước các ngài và ban quán đảnh trường thọ, nhờ đó các ngài không thể xa lìa Đức Phật Amitayus. Các ngài đã thành tựu trạng thái của vị hộ trì trí tuệ (trì minh vương), là trạng thái kiểm soát được đời sống. Nhờ sự thành tựu thứ hai này, không chỉ tâm ngài được viên mãn như Bổn Tôn, mà ngay cả thân thô nặng của ngài cũng được toàn thiện. Sự thành tựu này có đặc tính là không bị bốn ô nhiễm (Zag Pa). Bốn ô nhiễm là những cảm xúc phiền não của tà kiến, sự mất thân thể (chết) mà không có sự kiểm soát hay chọn lựa, không làm chủ được sự hòa hợp của những yếu tố (tứ đại) của thân thể (sức khỏe), và tái sinh theo nghiệp. Những vị hộ trì trí tuệ thứ nhất và thứ hai tương đương với con đường nội quán, con đường thứ ba, và cấp độ đầu tiên trong hệ thống mười cấp độ (thập địa) của truyền thống Kinh điển. Trong cấp độ này quý vị từ bỏ che chướng của những phiền não thuộc cảm xúc (phiền não chướng) (Nyon sGrib), cái đầu tiên trong những che chướng, che chướng thứ hai là những che chướng thuộc trí thức (sở tri chướng).
Sau đó, cùng với Mandāravā, ngài trở về xứ Oddiyāna. Trong khi các ngài đang khi khất thực, ngài bị nhận ra là người đã giết con trai của thượng thư. Bởi ngài không tuân theo bản án trục xuất, họ thiêu cháy ngài và vị phối ngẫu trong một đống lửa khổng lồ. Nhưng một lần nữa, ngày hôm sau họ tìm thấy cả hai đang an tọa trên một hoa sen trong một cái hồ, đeo những vòng sọ người quanh cổ. Sau đó ngài được gọi là Pema Thötreng Tsal (Liên Hoa Sanh, Đeo Vòng hoa-Sọ người Vĩ đại).
Cùng với vị phối ngẫu, Guru Rinpoche ở Oddiyāna mười ba năm như quốc sư của vương quốc, và ở đó ngài ban những quán đảnh và giáo huấn Kadü Chökyi Gyatso. Nhà vua và nhiều thần dân may mắn đã đạt được chứng ngộ siêu việt và thành tựu thân ánh sáng. Sau đó ngài được gọi là Padmarāja (Vua Sanh Trong Hoa Sen).
Guru Rinpoche đã tự hiển lộ là Indrasena, một tu sĩ thành tựu đã cùng với một sa di của ngài làm cho Hoàng đế Ashoka (thế kỷ thứ ba trước Công nguyên) cải đạo sang Phật giáo. Ashoka, nhà cai trị vĩ đại nhất của lịch sử Ấn Độ, đã truyền bá Phật pháp vượt qua biên giới Ấn Độ.
Một vài người chống Phật giáo dâng thuốc độc cho Guru Rinpoche, nhưng ngài vẫn bình yên vô sự. Một số người ném ngài xuống sông Hằng, nhưng ngài được đưa ngược dòng. Sau đó ngài được gọi là Khyeu Khadeng Tsal (Chim Garuda Khổng lồ Trẻ trung).
Tại những mộ địa khác nhau, kể cả Kula Dzok, ngài ban những giáo lý Mật điển cho các dākinī, và ngài đã trích xuất sinh lực từ những tinh linh đầy năng lực, là những người mà ngài đã chỉ định là những vị Hộ Pháp. Ngài được gọi là Sūryarashmi (Những Tia Sáng Mặt trời).
Tại Bodhgayā, trong một cuộc tranh luận, ngài đã đánh bại năm trăm người giữ những tà kiến. Khi họ cố gắng chiến thắng ngài bằng huyền thuật, nhờ năng lực của những thần chú của Dākinī Mārajitā, nữ Bổn Tôn đầu sư tử, ngài làm cho huyền thuật quay trở lại họ. Khi các vị Thầy này bị buộc phải im lặng, ngài ổn định các ngôi làng và khiến họ cải đạo sang Phật giáo. Vì thế ngài được gọi là Simhanāda (Tiếng Gầm của Sư tử).
Sau đó tại Yangle Shö, hiện nay được gọi là Pharping ở Nepal, cùng với vị phối ngẫu Shākyadevi, con gái của Vua Punyadhara (Người Giữ gìn Đức hạnh) của Nepal, ngài thực hành sādhana của mạn đà la Yangdak (Shrīheruka). Vào lúc đó, trời không mưa trong ba năm bởi những che chướng do các tinh linh hùng mạnh gây ra. Bệnh tật và nạn đói lan rộng. Ngài yêu cầu mang các bản văn Vajrakīla ở Ấn Độ về cho ngài. Khi hai kiện hàng tới nơi, những tai ách gây đau khổ cho xứ sở được làm yên dịu. Kể từ đó có câu tục ngữ: “Yangdak dồi dào những thành tựu, như một thương gia. Nhưng Vajrakīla thì cần thiết cho sự bảo vệ, giống như một người lính gác.” Ngài và vị phối ngẫu đạt được trạng thái của một vị hộ trì trí tuệ (Trì minh vương) của Đại Ấn (Phyag rGya’i Rig ‘Dzin; Vidyādhara Đại Ấn). Trong thành tựu này thân căn bản của hành giả (hay thân thực sự) ở trong hình tướng của Bổn Tôn. Để làm lợi lạc chúng sinh, nó xuất hiện trong những thân hóa hiện khác nhau. Năng lực của sự tiên tri của hành giả và những năng lực khác thì trong sáng hơn, thanh tịnh hơn, và kiên cố hơn năng lực của vị Trì minh vương với sự làm chủ đời sống và tương tự (nhưng không tương đương) với những phẩm tính của thân hỉ lạc. Đây là sự tương đương với những chứng ngộ tới cấp độ thứ chín (cửu địa), và con đường thiền định, con đường thứ tư của truyền thống Phật giáo thông thường.
Ở mộ địa Sosadvīpa, Guru Rinpoche, người đã là một Đạo sư Mật thừa thành tựu cao cấp, nhận sự trao truyền cùng những giáo lý của ba giáo khóa Đại Viên mãn với những tantra và Khandro Nyingthig từ Shrīsimha. Ngài đã tu tập những giáo lý này trong ba năm và thành tựu thân ánh sáng của sự chuyển hóa vĩ đại (‘Pho Ba Ch’en Po).
Các thiền giả thành tựu Đại Viên mãn cao cấp nhất làm cạn kiệt mọi sự thành chân tánh và hợp nhất tâm họ thành bản tánh giác ngộ tối thượng, sự thuần tịnh nguyên sơ. Nếu họ quyết định, họ cũng có thể tan biến hay chuyển hóa thân vật lý của mình thành sự thuần tịnh. Có hai phạm trù chính của sự thành tựu, đó là thân cầu vồng và thân cầu vồng của sự đại chuyển hóa. Nhờ sự hoàn thành thiền định cắt đứt (Khreg Ch’od), vào lúc họ mất (suốt thời gian vài ngày), thân họ tan rã và biến mất. Họ không để lại tử thi thô nặng gồm thịt, xương, hay da mà chỉ để lại hai mươi cái móng và tóc của thân thể. Mặc dù đây là một sự tan rã của thân và không phải là một sự chuyển hóa thân thành một thân ánh sáng, nó được gọi là thân cầu vồng, bởi trong thời gian tiến trình tan rã luôn luôn xuất hiện những chiếc lều, những vòng cung, và những vòng ánh sáng nhiều màu khác nhau như cầu vồng quanh thân và nhà ở. Nhờ thực hành sự tiếp cận trực tiếp (Thod rGal), họ chuyển hóa xác của mình thành thân ánh sáng vi tế và an trụ ở đó cho tới khi có một công việc để thực hiện vì lợi lạc của chúng sinh. Đối với một người như thế, không chỉ thân của họ mà tất cả những xuất hiện có tính chất hiện tượng đều chuyển hóa thành hình thức và bản tánh của ánh sáng vi tế. Tuy nhiên, những người bình thường sẽ không nhìn thấy thân ánh sáng của họ như nó là, mà sẽ chẳng nhìn thấy gì hết hay sẽ thấy nó trong thân tướng bình thường, như đã đề cập trước đây trong chương về Vimalamitra. Cũng có nhiều bậc lão thông Đại Viên mãn vĩ đại lìa bỏ thân xác của họ trong hình thức xá lợi (Ring bSel), những hình ảnh, và/hay những chữ, như đối tượng của sự cảm hứng và các môn đồ.
Guru Rinpoche đã viếng thăm nhiều nơi trên khắp xứ Ấn Độ và nhiều xứ sở và hòn đảo, phụng sự chúng sinh bằng phương tiện của năng lực huyền diệu và những giáo lý giác ngộ của ngài. Thậm chí ngài đã viếng thăm Zhangzhung, hiển lộ là Tavihricha (‘Od Kyi Khyeu), và dạy Dzogchen Nyen-gyü, mà hiện nay được biết là một trong những giáo lý chính của Đại Viên mãn trong đạo Bön, để dẫn dắt nhiều chúng sinh đạt được tâm giác ngộ và thân ánh sáng.
GURU RINPOCHE VIẾNG THĂM TÂY TẠNG
Vào thế kỷ thứ chín, Vua Trisong Detsen, nhà cai trị thứ ba mươi bảy của triều đại Chögyal của Tây Tạng, viếng thăm Shāntarakshita ở Ấn Độ với ý định củng cố đạo Phật.
Shāntarakshita (Tịch Hộ), tu sĩ trong dòng truyền thừa Sarvāstivadin (Nhất thiết hữu bộ), là một trong những học giả và người đề xướng nổi tiếng của triết học Svātantrika thuộc Đại thừa Phật giáo. Trong số những tác phẩm nổi tiếng của ngài có Madhyamakālamkāra (Trung quán trang nghiêm luận) về triết học trung đạo và Tattvasamgraha (Nhiếp chân thật luận) về luận lý. Sau khi đến Tây Tạng, trong sáu tháng ngài ban những luận thuyết về mười thiện hạnh và lý duyên khởi, và đặt nền móng cho Tu viện Samye. Điều này đã kích động các tinh linh địa phương của Tây Tạng, là những vị bảo hộ của đạo Bön, tôn giáo bản xứ thờ phụng các tinh linh này với những vật hiến tế. Kết quả là Cung điện Phangthang bị lũ lụt quét sạch và Cung điện Đồi Đỏ, cấu trúc nguyên thủy của Cung điện Potala hiện nay, bị sấm sét tiêu hủy. Bệnh tật, nạn đói, hạn hán, và những trận bão mưa đá làm xứ sở khốn khổ. Tất cả những gì xây dựng được vào ban ngày tại tu viện Samye đều bị những lực lượng thù địch phá hủy ngay đêm ấy. Các thượng thư chống Phật giáo, là những người bắt đầu phản đối nhà vua, đã yêu cầu đuổi Shāntarakshita đi. Vì thế Shāntarakshita nói với nhà vua: “Ngài phải mời Guru Padmasambhava. Vị Đạo sư này là bậc lão thông uy dũng nhất đang sống trên trái đất. Bởi trong những đời trước chúng ta đã cùng nhau lập nguyện nên sẽ không khó khăn để đưa ngài vào đây.” Sau đó Shāntarakshita rời Tây Tạng trong một thời gian và đi Nepal.
Nhà vua phái bảy sứ thần dưới sự hướng dẫn của Nanam Dorje Düdjom đi mời Guru Rinpoche. Nhờ tài tiên tri, Guru Rinpoche biết được sứ mạng của họ. Ngài đến tận Mang-yül Kungthang và gặp họ ở đó. Ngài chấp nhận lời mời của họ nhưng khuyên họ trở về quê hương, bởi sau này đích thân ngài sẽ tới. Ngài rải những miếng vàng được gởi cho ngài như tặng phẩm của nhà vua, ngài nói: “Nếu ta cần vàng thì đối với ta, mọi sự hiện hữu hiện tượng đều là vàng.” Ngài đưa một nắm cát cho các sứ thần, và tất cả chúng biến thành vàng.
Vào năm Kim Dần (810) Guru Rinpoche tới Tây Tạng. Khi đó ngài hơn một ngàn tuổi. Với năng lực giác ngộ, ngài đã du hành khắp ba tỉnh của Tây Tạng: Ngari, tỉnh ở phía trên hay miền tây; Ü và Tsang, tỉnh ở trung tâm; và Dokham, tỉnh ở phía dưới hay miền đông. Khi phô diễn những điều huyền diệu giác ngộ của ngài tại nhiều nơi ở Tây Tạng, bằng giới nguyện, ngài đã buộc những tinh linh phi nhân hùng mạnh của Tây Tạng bảo vệ Giáo Pháp và những môn đồ. Những vị này gồm có mười hai tenma, mười ba gur-lha, và hai mươi mốt ge-nyen.
Nhà vua đón tiếp Guru Rinpoche trong vườn Tragmar Ombu. Khi Guru Rinpoche hiến cúng Chùa Tragmar Drinzang, các pho tượng đi ra đi vào và ăn thực phẩm cúng dường như thể chúng là con người. Sau đó ngài đi tới đỉnh Đồi Hepori và làm cho tất cả những tinh linh của Tây Tạng nằm dưới sự chỉ huy của ngài bằng cách nhảy múa qua bầu trời bằng những bước kim cương dữ dội và biểu lộ bài ca “áp đảo tất cả những kẻ kiêu ngạo”:
Ồ các vị trời và quỷ thần, hãy xây dựng ngôi chùa!
Với sự khiêm tốn và tuân thủ, tất cả hãy tụ họp ở đây để làm việc!
Hãy hoàn thành những ước nguyện của Trisong Detsen!
Sau đó, với sự giúp đỡ của các tinh linh, Tu viện Samye, Bậc Không thể nghĩ bàn, được xây dựng mà không có trở ngại nào. Mô phỏng theo Tu viện Odantapurī của Ấn Độ, Tu viện Samye được xây dựng theo phác họa của vũ trụ Ấn Độ truyền thống. Ngôi chùa chính ở giữa có ba tầng tượng trưng cho Núi Tu Di. Tầng thấp nhất tượng trưng cho cõi tịnh độ Hóa thân, được xây theo kiểu kiến trúc Ấn Độ; tầng giữa, tượng trưng cho Báo thân, theo kiểu kiến trúc của Trung quốc; và tầng trên cùng, tượng trưng cho Pháp thân, theo kiểu kiến trúc của Tây Tạng. Ở bốn hướng của ngôi chùa chính là bốn ngôi chùa lớn tượng trưng cho bốn đại lục; tám ngôi chùa nhỏ ở giữa các ngôi chùa này tượng trưng cho tám tiểu lục địa. Hai ngôi chùa được xây ở phía đông và tây tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng. Ở bốn góc có bốn đại bảo tháp. Nơi tắm rửa, thay quần áo, và chỗ ở cũng được sắp xếp. Một bức tường cao bao quanh tất cả những cấu trúc này và được phủ lên một trăm lẻ tám bảo tháp nhỏ. Bên ngoài bức tường là ba ngôi chùa lớn do ba hoàng hậu xây dựng. Toàn bộ công trình xây dựng tu viện được hoàn tất trong năm năm. Guru Rinpoche và Shāntarakshita đã cử hành lễ hiến cúng. Trong buổi lễ, những dấu hiệu tốt lành và huyền diệu đã xuất hiện. Những pho tượng các Bổn Tôn trong chùa đi ra và đi vào như thể chúng đang sống. Một trận mưa hoa đổ xuống từ bầu trời trong trẻo. Người ta nghe thấy âm nhạc ngọt ngào và thỉnh thoảng họ vẫn được nghe âm nhạc ấy. Những tia sáng và lều cầu vồng uốn vòng cung ở khắp nơi. Mọi người tán thán với sự kinh ngạc và sùng mộ. Thực phẩm và những trò tiêu khiển được hiến tặng để mọi người thọ hưởng. Guru Rinpoche và Shāntarakshita, những vị Phật thực sự trong thân tướng con người, đã hiện diện trước mắt mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội. Ánh sáng của Pháp đã được củng cố ở Tây Tạng trong nhiều thế kỷ. Không có gì khác ngoài sự hỉ lạc và an bình.
Samye trở thành địa điểm quan trọng nhất của sự thiền định, thờ phụng, giảng dạy, nghiên cứu, và sáng tác. Samye là một thư viện, viện bảo tàng, và kho báu vĩ đại của Kinh điển Phật giáo, các pháp khí, và những kho tàng vô giá cùng những phẩm vật được mang đến từ Ấn Độ, Trung quốc, Nepal, và Trung Á. Đây là trụ xứ nơi các Đạo sư vĩ đại thuyết giảng, những đệ tử may mắn trở thành các học giả và bậc lão thông thành tựu, và những học giả Ấn Độ và Tây Tạng phiên dịch những Kinh điển Phật giáo sang tiếng Tây Tạng.
Dưới sự bảo trợ của Vua Trisong Detsen, Tu viện trưởng Shāntarakshita, Guru Rinpoche, Đạo sư Vimalamitra, và những học giả Ấn Độ và Tây Tạng khác, Phật giáo đã được củng cố vững chắc ở Tây Tạng. Những học giả ban các giáo lý về Kinh điển lẫn Mật điển, và nhiều người Tây Tạng đã xuất hiện như những học giả và bậc lão thông vĩ đại. Nhiều dịch giả Tây Tạng vĩ đại, chẳng hạn như Vairochana, Kawa Paltsek, Chok-ro Lü’i Gyaltsen, và Zhang Yeshe De, đã phiên dịch nhiều Kinh điển và Mật điển sang tiếng Tây Tạng dưới sự giám sát của các học giả Ấn Độ vĩ đại như Vimalamitra, Shāntarakshita, Guru Rinpoche và Kamalashīla.
Shāntarakshita đã làm lễ xuất gia cho bảy thanh niên Tây Tạng trong dòng Sarvāstivādin (Nhất thiết hữu bộ) để xem người Tây Tạng có thể sống cuộc đời tu sĩ hay không. Các tu sĩ này được gọi là bảy người thử nghiệm. Sau sự thành công của họ trong giới luật tu sĩ, hàng trăm người khác đã đi theo họ, dẫn tới sự hình thành của một trong những cộng đồng tu sĩ vĩ đại nhất trong thế giới. Ngoài các Nyingmapa, nhiều tu sĩ Gelukpa cũng được thọ phong trong dòng Sarvāstivādin, là dòng được Shāntarakshita mang sang Tây Tạng.
Guru Rinpoche ban cho nhà vua và các thần dân của vua nhiều giáo lý, quán đảnh, và những phó chúc tantra khác nhau, đặc biệt là sādhana vĩ đại của tám mạn đà la (sGrub Pa bKa’ brGyad) mà ngài đã nhận từ tám Đạo sư vĩ đại ở Ấn Độ. Trong số nhiều người thọ nhận quán đảnh này, tám vị đã trở thành những bậc lão thông thành tựu nổi tiếng của tám sādhana này.
Trong thời kỳ này hai hệ thống tăng lữ được thành lập. Các tu sĩ khoác y màu vàng nghệ là những người độc thân, sống trong các tu viện, và những người mặc y phục trắng (bạch y), để tóc dài, là những hành giả cư sĩ Mật thừa, sống trong các ngôi chùa và làng mạc. Việc đưa hệ thống bạch y cư sĩ mang lợi lạc của giáo lý đến gia đình những người nam và nữ, khiến cho Giáo Pháp vươn xa và được bảo tồn ở mức độ căn bản. Trái lại, trong thời kỳ sau của Giáo Pháp ở Tây Tạng, các trường phái khác đã tập trung hơn nữa vào việc học tập và thực hành Phật giáo giữa các tu sĩ trong tu viện để giữ gìn sự thanh tịnh của giới luật.
Guru Rinpoche và phối ngẫu Yeshe Tsogyal của ngài đã du hành khắp Tây Tạng nhờ năng lực thần diệu và đã làm việc không mệt mỏi vì hạnh phúc, sự an ninh và trí tuệ của người Tây Tạng và chúng sinh trong tương lai. Các ngài đã thực hiện những sādhana, gia hộ, và để lại những vết tích của thân thể, bàn tay, và bàn chân của mình. Các ngài đã cất dấu nhiều terma. Một số trong những thánh địa quan trọng mà các ngài đã viếng thăm và gia hộ là hai mươi ngọn núi tuyết và đá (Gangs Brag) ở Ngari, hai mươi mốt địa điểm sādhana (sGrub gNas) ở Ü và Tsang, hai mươi lăm địa điểm hành hương vĩ đại (gNas Ch’en) ở Dokham; ba (hay bốn) xứ sở ẩn mật chính yếu (sBas Yul rGyal Mo), năm hẻm núi (Lung lNga), và ba thung lũng (lJongs gSum).
Ở mười ba địa điểm khác nhau với tên gọi là Taktsang (Hang Cọp), chẳng hạn như Mönkha Nering và Senge Dzong (hiện nay ở Bhutan), Guru Rinpoche đã hiển lộ trong một thân tướng phẫn nộ và ngài đã ràng buộc tất cả những chúng sinh phi-nhân cao và thấp bằng mệnh lệnh của ngài. Vì thế ngài được gọi là Dorje Trolö (Kim Cương Phẫn nộ Hoang dã).
Trong thời gian Guru Rinpoche viếng thăm Tây Tạng, ngài đã hoàn thành ba mục tiêu chính. Trước hết, như chúng ta đã thảo luận trước đây, nhờ sự hiển lộ của năng lực tâm linh, ngài đã làm an dịu những thế lực của con người và phi-nhân đang gây chướng ngại cho việc thiết lập nền móng của Giáo Pháp ở Tây Tạng. Thứ hai, ngài mang Phật giáo nói chung và đặc biệt là sự trao truyền giáo lý và những năng lực gia hộ của tantra cho nhiều đệ tử Tây Tạng của ngài và những môn đồ của họ. Thứ ba, để ngăn ngừa những giáo lý sâu xa và những đối tượng linh thánh không trở nên lộn xộn, pha tạp, hay bị mai một trong tương lai xa xăm, và để duy trì những năng lực gia hộ được tươi mới cho các môn đồ tương lai, Guru Rinpoche và Yeshe Tsogyal đã cất dấu chúng như terma. Nhờ truyền thống terma của Guru Rinpoche, ngay cả trong hiện tại, các môn đồ của ngài đang nhận lãnh các giáo lý và tiên tri thật hợp thời với năng lực gia hộ mới mẻ. Trong thế giới này có nhiều hệ thống những khám phá huyền diệu, do bởi năng lực tâm lý, năng lực tinh thần, các linh kiến thanh tịnh, và thậm chí năng lực tâm linh thứ yếu, nhưng sự khám phá truyền thống terma của Guru Rinpoche thì quả là độc nhất vô nhị trong tiến trình và thực chất của nó. Khi viện dẫn những giải thích của Dodrupchen đệ tam, tôi muốn viết vài hàng về điều này.
Guru Rinpoche đã cất dấu nhiều giáo lý như terma, trong khi trao truyền những giáo lý bí mật cho các đệ tử chứng ngộ của ngài. Đó là một sự cất dấu các giáo lý và những thành tựu bí mật như terma trong bản tánh thanh tịnh, sự tỉnh giác nội tại của tâm thức của các đệ tử chứng ngộ nhờ năng lực giác ngộ của Guru Rinpoche với nguyện ước rằng khi đến thời điểm thích hợp, terma có thể được khám phá vì sự lợi lạc của chúng sinh. Nhờ năng lực của phương pháp này nên cái được gọi là sự trao truyền ủy thác tâm (gTad rGya), những khám phá thực sự các giáo lý có thể thực hiện được.
Như thế, khi đến lúc làm lợi lạc chúng sinh bằng một giáo lý đặc biệt, những hóa thân của các đệ tử chứng ngộ của Guru Rinpoche khám phá terma, là giáo lý đã được Đạo sư trao truyền và cất dấu trong các ngài trong một đời quá khứ của các ngài.
Những trao truyền terma được chuyển đi bằng sáu dòng truyền thừa: (1) trao truyền tâm-giác ngộ-tới-tâm-giác ngộ của chư Phật, (2) trao truyền biểu tượng của các trì minh vương, (3) sự khẩu truyền của những đệ tử bình thường, (4) trao truyền quán đảnh ước nguyện hay sự trao truyền ủy thác tâm, (5) trao truyền qua sự ủy thác có tính chất tiên tri, và (6) sự phó chúc cho các dākini.
Trong các terma, do bởi cách thức khám phá, có hai loại terma chính. Thứ nhất là terma đất (Sa gTer). Nó bao gồm sự khám phá những vật liệu thuộc về đất chẳng hạn như những chữ biểu tượng (brDa Yig) được viết trên một cuộn giấy được gọi là một cuộn giấy vàng (Shog Ser). Tuy nhiên, những chữ biểu tượng chỉ trở thành chìa khóa của sự khám phá; chúng không là giáo lý terma đích thực mà cũng không phải là sự trao truyền thành tựu, là điều chỉ xuất hiện từ tâm của các tertön. Khi tertön khám phá một chữ biểu tượng, ngài nhìn thấy hay thiền định chữ biểu tượng hay hợp nhất trí tuệ trần trụi của ngài với nó, và nhờ đó đánh thức năng lực của sự trao truyền trí tuệ ngữ kim cương của Guru Rinpoche, là điều đã được cất dấu trong vị tertön. Việc thiền định các chữ biểu tượng cho phép vị tertön giải mã các chữ của chúng, và điều đó đánh thức chính sự trao truyền được cất dấu của các giáo lý và thành tựu. Ngoài những chữ biểu tượng, có những khám phá hàng ngàn bản văn trọn vẹn, các dược liệu, hình tượng, và những pháp khí nghi lễ được khám phá từ những tảng đá, ao hồ, đất, hay không trung như terma hay như những chất thể terma hỗ trợ (gTer rDzas).
Loại thứ hai là terma tâm (dGongs gTer). Những nguyên lý chính yếu của sự cất dấu, trao truyền, và khám phá thì tương tự như terma đất, ngoại trừ việc terma tâm không dựa trên sự hỗ trợ bên ngoài hay hỗ trợ của đất, chẳng hạn như những cuộn giấy vàng, như chìa khóa của sự khám phá. Trong nhiều trường hợp của terma tâm, việc nhìn thấy hay nghe những chữ hay âm thanh biểu tượng trong các linh kiến tạo nên sự khám phá nhưng thường thì việc khám phá không nương tựa vào bất kỳ nguồn mạch bên ngoài nào và không dính dáng gì tới những đối tượng thuộc về đất như phương tiện để khám phá terma. Một vị tertön khám phá terma tâm bằng cách đánh thức sự trao truyền ủy thác-tâm một cách tự nhiên từ sự rộng lớn của giác tánh nội tại của tâm ngài, khi hoàn cảnh và thời gian đã chín mùi.
Cũng có một hệ thống quan trọng thứ ba trong việc khám phá huyền bí các giáo lý được gọi là linh kiến thanh tịnh (Dag sNang). Những giáo lý linh kiến thanh tịnh không phải là terma. Chúng chỉ đơn thuần là những giáo lý do Đức Phật, các Bổn Tôn, và các vị Thầy ban cho trong những linh kiến. Tuy nhiên, có những trường hợp các giáo lý terma được khám phá hay xác định là những giáo lý linh kiến thanh tịnh, và như thế, thực ra đó là những giáo lý terma chứ không phải là một khám phá linh kiến thanh tịnh bình thường.
Liên quan tới những giáo lý Nyingthig, Guru Rinpoche đã truyền riêng mười bảy tantra và Longsal-tantra Megagde của Dzopa Chenpo, kể cả Khandro Nyingthig, cho Yeshe Tsogyal tại Tidro ở Zhotö trong Thung lũng Drikung. Sau này, ở Chimphu gần Samye, khi Công chúa Pemasal, con gái của Vua Trisong Detsen, mất lúc tám tuổi, Guru Rinpoche đã dùng năng lực của ngài để triệu hồi ý thức trở về thân xác. Khi cô phục hồi được ý thức, ngài giao phó cho cô những giáo huấn và trao truyền của Nyingthig như di sản Giáo Pháp của cô, và khi cô mất, Guru Rinpoche đã chỉ dẫn cho Yeshe Tsogyal như sau: “Đây là thời điểm để Vima Nyingthig làm lợi lạc các môn đồ Nyingthig. Nhưng khi Vima Nyingthig suy giảm, Khandro Nyingthig sẽ làm lợi lạc con người. Vì thế hãy cất dấu các giáo lý Khandro Nyingthig như terma.” Guru Rinpoche nói với nhà vua:
Emaho! Đức vua vĩ đại, xin lắng nghe tôi:
Những công việc thế gian không có thực chất.
Thay vì quay cuồng không ngơi nghỉ trong vòng đau khổ không biết bao nhiêu lần,
Hãy chắc chắn là sẽ đạt được vương quyền bất diệt của vua Pháp thân.
Hãy nhận ra thực chất của các sự vật, pháp giới tối thượng vô sanh.
Hãy an trụ trong thực chất của nơi chốn, sự cô tịch trong những cánh rừng.
Hãy tìm kiếm thực chất của những ẩn thất, bản tánh tối thượng, [sự hợp nhất của] quang minh và tánh Không.
Hãy nghỉ ngơi trong thực chất của căn nhà, bản tánh cố hữu của tâm.
Hãy tạo lập thực chất của nhà bếp, sự chánh niệm và tỉnh giác.
Hãy phát triển thực chất của kho tàng, hai loại tâm giác ngộ (Bồ đề tâm).
Hãy có thực chất của của cải, hai thứ tích tập.
Hãy nỗ lực trong thực chất của các công đức, mười thiện hạnh.
Hãy có thực chất của cương vị người cha, lòng bi mẫn đối với chúng sinh.
Hãy duy trì cương vị người mẹ, bản tánh rỗng rang (trống không).
Hãy có thực chất của con cái, sự bất khả phân của các giai đoạn phát triển và thành tựu.
Hãy thiền định về thực chất của vợ chồng, sự quang minh, đại lạc và vô niệm.
Hãy nhìn thực chất của bằng hữu, những giáo lý của Đấng Thiện Thệ.
Hãy tuân thủ thực chất của mạn đà la, sự quang minh bất biến.
Hãy vâng lời thực chất của các giáo lý, sự điều phục tâm của chính mình.
Hãy nhận ra thực chất của cái thấy, sự quang minh và tánh Không bất biến.
Hãy an nghỉ trong thực chất của thiền định, bản tánh của tâm, như nó là.
Hãy triệt phá những mê lầm nhị nguyên, thực chất của những hoạt động.
Hãy thành tựu thực chất của những kết quả, sự viên mãn tự nhiên không cần nỗ lực.
Rồi ngài sẽ hạnh phúc trong đời này lẫn đời sau.
Và nhanh chóng đạt được Phật quả.
Theo chỉ thị của Guru Rinpoche, Yeshe Tsogyal đã cất dấu các tantra và những giáo huấn Me-ngagde tại Senge Trak ở Bumthang tại Nepal và những giáo lý dành cho các khất sỹ (Khandro Nyingthig) ở Tramo Trak tại Takpo Tanglung. Nhiều thế kỷ sau, Pema Ledreltsal (1291-1319?), tái sinh của Công chúa Pemasal, đã lấy ra terma Khandro Nyingthig được cất dấu tại Tramo Trak. Longchen Rabjam (1308-1363), tülku (tái sinh) kế tiếp của bà, gánh vác việc phổ biến rộng rãi giáo lý Nyingthig bằng cách giảng dạy và biên soạn các giáo lý đó.
Trên tầng hai của ngôi chùa chính của Tu viện Samye, Guru Rinpoche ban các giáo lý và truyền tâm (phó chúc) Longchen Nyingthig cho Vua Trisong Detsen, Khandro Yeshe Tsogyal, và Vairochana. Ngài ban những quán đảnh tiên tri, nói rằng những giáo lý này sẽ được Jigme Lingpa, một tülku của Vua Trisong Detsen và Vimalamitra, khám phá.
Vua Trisong Detsen mất năm sáu mươi chín tuổi. Thái tử Mu-ne Tsepo là người kế vị nhưng đã mất khi mới trị vì được một năm bảy (hay sáu) tháng và được người em là Hoàng tử Mutik Tsepo kế tục.
Sau khi ở Tây Tạng năm mươi lăm năm và sáu tháng, vào năm Mộc Thân (864 sau Công nguyên), không lưu ý tới những lời khẩn cầu của Vua Mutri Tsepo và thần dân, cùng với nhà vua và đông đảo các môn đồ, Guru Rinpoche tới Đèo Kungthang ở Tỉnh Mang-yül để rời Tây Tạng đi Zangdok Palri (Núi Màu-Đồng đỏ), cõi tịnh độ được hiển lộ của ngài. Trên Đèo Kungthang, nhà vua than khóc những lời sau:
Vua Trisong Detsen đã về trời.
Guru xứ Oddiyāna đi tới cõi tịnh độ của ngài.
Mutri bị bỏ lại ở Tây Tạng.
Thọ mạng của Vua cha quá ngắn ngủi.
Thiện tâm của Guru thì quá giới hạn.
Công đức của ta quá mỏng manh.
Giờ đây giới luật của những thể chế Giáo Pháp đã suy giảm.
Niềm vui của những thần dân Tây Tạng bị cạn kiệt.
Trong khi Guru và Vua cha còn hiện diện,
Tại sao ta không chết đi!
An ủi nhà vua và các thần dân của ông, Guru Rinpoche nói:
Trong khi ngài còn trẻ, hãy nỗ lực thực hành Pháp,
Bởi khó lĩnh hội được Pháp khi đã già.
Ồ Đức vua và các thần dân, cuộc đời thì thoáng qua.
Khi ngài có một tư tưởng thô thiển, hãy nhìn vào chủ thể [tâm],
Hãy thư thản tự nhiên không có những phân biệt.
Ồ Đức vua và các thần dân, điều chính yếu là xác định cái thấy (kiến)..
Nếu không có lòng bi mẫn, cội gốc việc tu tập Pháp của ngài bị mục nát.
Hãy suy nghĩ không ngừng về tính chất đau khổ của sinh tử.
Ồ Đức vua và các thần dân, đừng trì hoãn việc hiến dâng cho Pháp.
Những người sùng mộ tự thân thành tựu mục đích của mình.
Không có lý do nào biện minh cho việc bỏ mặc sự thực hành Pháp cho người khác..
Hãy đạt được kinh nghiệm về Pháp trước khi ngài mất.
Là quá trễ khi ngài trông cậy vào những buổi lễ sau cái chết..
Đối với những người sùng mộ, Padmasambhava không đi bất kỳ nơi đâu.
Đối với những người cầu nguyện ta, ta [luôn luôn] ở cửa nhà họ..
Giờ đây Padmasambhava sẽ không ở Tây Tạng mà sẽ đi tới xứ của các la sát,
Như những con chim bay đi từ những ngọn cây.
Từ không trung giữa những đám mây nhiều màu sắc một con ngựa thiêng với những vật trang sức xuất hiện. Cưỡi trên lưng ngựa, Guru Rinpoche nổi lên và hướng lên bầu trời, ngài bay về hướng tây cùng với Yeshe Tsogyal và một đại dương những bậc linh thánh giữa âm thanh ngọt ngào của âm nhạc và những bài tán ca. Hình ảnh của Guru Rinpoche và đoàn của ngài mỗi lúc một nhỏ hơn khi họ bay đi, và tiếng nhạc từ từ biến mất. Rồi không còn gì khác ngoài bầu trời yên tĩnh, trong trẻo và trống trải của xứ Tây Tạng trên đầu nhà vua và hội chúng thần dân của ngài. Tuy nhiên, người ta có những tri giác khác nhau về việc lên đường của ngài. Một số người nhìn thấy ngài ra đi bằng cách cưỡi trên một con sư tử và những người khác thì thấy ngài cưỡi trên những tia sáng mặt trời.
Sau đó Guru Rinpoche và Yeshe Tsogyal đáp xuống hang động Tsawa Rong. Sau khi ban thêm giáo lý và tiên tri, ngài xuất hiện trên không trung với những ánh sáng. Từ giã vị phối ngẫu, với lòng thương yêu và thiện tâm Guru Rinpoche đã nói những lời sau đây với bà rồi bay đi:
Kyema, Yeshe Tsogyal, xin hãy lắng nghe!
Padmasambhava đi tới xứ sở của đại lạc.
Ta an trụ trong Pháp thân, sự thiêng liêng bất tử.
Không giống sự chia lìa thân và tâm [vào lúc chết] của những người bình thường..
Hãy thiền định về Guru Yoga, là tinh yếu của việc tu tập.
Trên đỉnh đầu con 0,6 m, trên hoa sen và mặt trăng, giữa những ánh sáng,
Hãy quán tưởng Padmasambhava, Lạt ma của chúng sinh..
Khi việc quán tưởng trở nên rõ ràng, hãy nhận các quán đảnh và suy niệm về nó..
Hãy tụng thần chú Guru siddhi, tâm yếu của những lời cầu nguyện.
Cuối cùng, hãy hợp nhất ba cửa (thân, ngữ và tâm) của con với ba cửa của ta, không thể chia lìa.
Hãy hồi hướng và nguyện ước đạt được chứng ngộ tâm của Guru.
Hãy suy niệm về tinh túy của Dzogchen (Đại Viên mãn) mà không cần dụng công.
Không có giáo lý nào siêu việt hơn giáo lý này.
Lòng từ của Padmasambhava không xuất hiện hay biến mất mà luôn luôn hiện diện.
Sự nối kết ánh sáng lòng đại bi của ta đối với Tây Tạng sẽ không bao giờ bị cắt đứt [ngay cả sau khi ta đã rời đi].
Đối với các con ta, những người cầu nguyện ta, ta luôn luôn ở trước mặt họ.
Đối với những người có lòng tin, không có sự chia cách với ta.
Người ta tin rằng Guru Rinpoche vẫn hiện diện như bậc hộ trì trí tuệ (Trì minh vương) của sự thành tựu tự nhiên (Lhun Grug Rig ‘Dzin) ở Zangdok Palri, một cõi tịnh độ hiển lộ (sPrul Ba’i Zhing), mà chúng sinh bình thường không thể nhìn thấy. Vị hộ trì trí tuệ của sự thành tựu tự nhiên là cấp độ thứ tư và năm của sự thành tựu, trước khi lập tức trở thành một vị Phật toàn giác. Những chứng ngộ và hoạt động của quả vị này thì giống như những chứng ngộ và hoạt động của một vị Phật, và những thân tướng của quả vị này thì tương tự những thân tướng của thân hỉ lạc. Thành tựu này tương đương với cấp độ thứ mười và con đường thiền định, con đường thứ tư của Phật giáo thông thường. Ngoài ra, trong các thành tựu thứ ba và thứ tư, hành giả từ bỏ những che chướng tri thức (sở tri chướng) cùng những dấu vết của nó. Vì thế Guru Rinpoche là một vị Phật trong tâm nhưng xuất hiện như một bậc lão thông đang ở những cấp độ cuối cùng của sự thành tựu, không tan biến vào Pháp thân, bằng cách mang hình thức của thân ánh sáng của sự đại chuyển hóa.
Guru Rinpoche sẽ an trụ trong cõi tịnh độ hiển lộ của ngài chừng nào điều đó còn làm lợi lạc nhiều chúng sinh, vì thế ngài đã hiển lộ là một bậc lão thông, bậc đã đạt được những thành tựu thân kim cương bất tử và sự đại chuyển hóa.
Trong nhiều đệ tử của Guru Rinpoche ở Tây Tạng, những bậc vĩ đại nhất là đức vua và hai mươi lăm thần dân, tám mươi bậc lão thông, là những vị đã đạt được thân cầu vồng ở Yerpa, một trăm lẻ tám đại thiền giả của Núi Chuwo, ba mươi tāntrika vĩ đại của Yangdzong trong Thung lũng Drak, năm mươi lăm bậc chứng ngộ tại Sheltrak trong Thung lũng Yarlung, hai mươi lăm dākinī, và bảy yoginī.
Ngài có nhiều nữ đệ tử chứng ngộ cao cấp ở Tây Tạng. Tisam thuộc gia đình Dro bay trong không trung nhờ năng lực tâm linh của bà. Rinchentso thuộc gia đình Mago treo những chiếc y của bà trên những tia sáng mặt trời. Kargyalpak thuộc gia đình Oche nhìn thấy những linh kiến về các Bổn Tôn. Changchup thuộc gia đình Chok-ro phô diễn đồng thời cả hai sự đối lập là lửa và nước trong thân bà. Khandro Yeshe Tsogyal thuộc gia đình Kharchen đã hiển lộ sự hiện diện của chư Phật trong những bộ phận khác nhau của thân bà. Lhakarma thuộc gia đình Dzin bay trong không trung và đi vào lòng đất không gặp chướng ngại. Sherap Phagma thuộc gia đình Shuk giữ những tuyển tập lớn giáo lý của Đức Phật trong ký ức của bà. Lhamoyang thuộc gia đình Ba đã hoàn thành những ước nguyện của con người nhờ năng lực của việc hoàn thiện thiền định của bà. Dorjetso thuộc gia đình Shelkar đứng trên một cây tre vượt Sông Tsangpo (Brahmaputra).
NĂM PHỐI NGẪU CHÍNH CỦA GURU RINPOCHE
YESHE TSOGYAL XỨ TÂY TẠNG
Yeshe Tsogyal là Đức Phật Vajravārāhī trong thân tướng con người và cũng là một hóa thân của Đức Tārā và Buddhalochanā. Bà ra đời giữa những dấu hiệu kỳ diệu tại Dragda, trong bộ tộc Kharchen. Thân phụ bà là Namkha Yeshe, vua của Kharchen, một lãnh địa quan trọng ở miền trung Tây Tạng, và thân mẫu là Gewa Bum. Lúc bà sinh ra, một cái hồ lớn thình lình hình thành bên cạnh nhà. Nó được gọi là Tsogyal Latso, hay hồ linh của Tsogyal. Thậm chí hiện nay cũng có một cái ao, là những gì còn lại của cái hồ. Khi là một đứa trẻ, bà đã in dấu vết của bàn chân trên một tảng đá gần nhà, và cho tới gần đây người ta vẫn có thể nhìn thấy dấu vết đó.
Lúc đầu bà trở thành một trong những phối ngẫu của Vua Trisong Detsen, vua Tây Tạng. Về sau vua dâng bà cho Guru Rinpoche như việc cúng dường mạn đà la trước khi nhận lễ quán đảnh, và bà trở thành phối ngẫu của Guru Rinpoche. Khi bà nhận quán đảnh từ Guru Rinpoche, hoa của bà đáp xuống mạn đà la Vajrakīla. Nhờ thực hành sādhana của Vajrakīla, bà nhìn thấy linh kiến thanh tịnh về Vajrakīla và đạt được những thành tụu.
Bà làm hồi sinh nhiều người đã bị giết chết trong khi chiến đấu. Tại Nepal, bà làm một cậu bé đã chết sống lại, và sau đó với vàng mà bà được cúng dường với lòng biết ơn, bà trả tiền chuộc Āchāraya Sa-le, người được tiên tri là người hỗ trợ cho việc tu tập bí mật của bà.
Bà nhận hầu hết những giáo lý mà Guru Rinpoche ban ở Tây Tạng, và nhờ thực hành những giáo lý ấy bà đã đạt được chứng ngộ tối thượng. Cùng với Guru Rinpoche bà du hành khắp Tây Tạng bằng năng lực huyền diệu của các ngài, đã thiền định ở hàng trăm địa điểm, và gia hộ cho những nơi đó như những địa điểm năng lực. Bởi đã thành tựu trí nhớ không quên (Mi brJed Pa’i gZungs), nhờ năng lực của trí nhớ, bà đã thâu thập những giáo lý bao la không thể nghĩ bàn mà Guru Rinpoche đã ban truyền ở Tây Tạng. Theo lệnh của Guru Rinpoche, bà đã cất dấu các giáo lý ở những địa điểm khác nhau như terma, những kho tàng ẩn dấu vì lợi lạc của các môn đồ tương lai. Đặc biệt là tại Tidro xứ Zhotö trong Thung lũng Drikung, bà nhận lãnh Khandro Nyingthig, các giáo lý bí mật thâm sâu của Đại Viên mãn, và sau này đã chôn dấu các giáo lý ấy như terma.
Yeshe Tsogyal ở Tây Tạng nhiều năm sau khi Guru Rinpoche rời xứ này, chôn dấu lại các terma ở những địa điểm khác nhau. Cuối cùng, từ Shang Zabulung bà và Kālasiddhi và Tashi Chidren, thay vì để lại thân xác, đã bay qua không trung tới Zangdok Palri, cõi tịnh độ hiển lộ của Guru Rinpoche.
Các môn đồ của Guru Rinpoche coi Yeshe Tsogyal như một người có sự duyên dáng và thiện tâm vô song của một bà mẹ đối với họ và với người dân Tây Tạng.
CÔNG CHÚA MANDĀRAVĀ XỨ SAHOR
Mandāravā, một hóa thân của Dhātvīshvarī, ra đời giữa những dấu hiệu kỳ diệu tại Cung điện Ratnapurī xứ Sahor. Hầu hết các học giả đồng ý rằng Sahor là địa điểm mà ngày nay được gọi là Mandi ở Himachal Pradesh, miền bắc Ấn Độ. Thân phụ bà là Vua Ārshadhara và thân mẫu là Hauki.
Tiếng tăm và sắc đẹp của bà khiến cho nhiều vị thượng thư đến triều đình khẩn cầu và đe dọa để bà làm phối ngẫu cho vua của họ. Bà rất phiền lòng vì những điều này. Bà cảm thấy vô cùng nhàm chán đời sống thế gian. Vì thế không ai có thể ngăn cản bà từ bỏ đời sống của một gia chủ và trở thành một nữ tu sĩ.
Nhờ năng lực của sự tiên tri, Guru Rinpoche nhận thấy đã tới lúc để gặp Mandāravā. Ngài đi tới tu viện nơi bà và năm trăm thị nữ của bà đang sống như các sư cô, và ngài ban cho họ các giáo lý. Ở đây, những báo cáo hiểm độc được trình cho nhà vua. Vua ra lệnh thiêu sống Guru Rinpoche trên giàn hỏa khổng lồ và Mandāravā bị ném vào một cái hầm đầy gai. Nhờ năng lực giác ngộ, Guru Rinpoche biến lửa thành một cái hồ. Ở giữa ngọn lửa, người ta thấy Guru Rinpoche đang an tọa trên một hoa sen. Cái hồ được cho là Hồ Rewalsar ở Quận Mandi và hiện nay vẫn là một địa điểm hành hương nổi tiếng. Sau đó, với sự thống hối và niềm tin mới được trải nghiệm, nhà vua và các thượng thư van xin Guru Rinpoche tha thứ những hành động xấu xa của họ và dâng cho ngài vương quốc cùng với Công chúa Mandāravā.
Tại vương quốc Sahor, Guru Rinpoche ban những giáo lý Mật thừa và nhiều người, trong đó có nhà vua, công chúa, và các thượng thư, đã đạt được trạng thái của những vị hộ trì trí tuệ (Trì minh vương). Mandāravā trở thành phối ngẫu tâm linh của Guru Rinpoche. Guru Rinpoche và Mandāravā đi tới Động Māratika, hiện nay được cho là hang động Haileshi ở Sagarmatha ở Nepal, và thiền định về Đức Amitāyus, Đức Phật Vô Lượng Thọ. Các ngài trông thấy linh kiến về Đức Phật Vô Lượng Thọ và thành tựu vị hộ trì trí tuệ với việc làm chủ sinh mạng.
Mandāravā đã hiến mình cho sự lợi lạc của chúng sinh tại Ấn Độ, và Guru Rinpoche đi tới Tây Tạng. Mandāravā cũng có hai lần viếng thăm Tây Tạng bằng năng lực huyền diệu của bà và sống trong thân ánh sáng-kim cương.
CÔNG CHÚA SHĀKYADEVĪ XỨ NEPAL
Shākyadevī là một hóa thân của Māmakī. Thân phụ bà là một vị vua tên là Punyadhara ở Nepal, nhưng sau khi thân mẫu mất khi bà còn thơ ấu, bà bị bỏ trong một mộ địa cùng với tử thi của mẹ bà. Bà được bí mật đưa lên dưới sự chăm sóc của những con khỉ và có mọi dấu hiệu tốt lành của một dākinī.
Về sau bà gặp Guru Rinpoche và nhận những giáo lý từ ngài. Bà trở thành người hỗ trợ tâm linh cho Guru Rinpoche để thiền định về Chín Bổn Tôn Yangdak (Shrīheruka) tại Yangle Shö, hiện nay được gọi là Pharping, trong Thung lũng Kathmandu. Guru Rinpoche đã đạt được sự chứng ngộ mahāmudrā (Đại Ấn), và Shākyadevī đạt được những thành tựu của Māmakī. Lúc cuối đời bà đạt được thân ánh sáng kim cương.
Với sự hỗ trợ của Shākyadevī, Guru Rinpoche hiển lộ trong nhiều thân tướng để đáp ứng ước nguyện của những người sùng mộ, và ngài được gọi bằng hai mươi danh hiệu biểu thị những năng lực huyền diệu khác nhau của ngài. Chính bà là người đầu tiên đã truyền cảm hứng cho Guru Rinpoche trong truyền thống chôn dấu những giáo lý như terma, vì thế chúng ta, những môn đồ của Guru Rinpoche, đặc biết biết ơn bà.
KĀLASIDDHI XỨ ẤN ĐỘ
Kālasiddhi, một hóa thân của Pāndaravāsinī, sinh làm con gái của những người dệt vải trong tỉnh Ngathupchen ở Ấn Độ với mọi dấu hiệu của một dākinī. Thân mẫu bà mất khi bà còn nhỏ, và bà bị bỏ lại trong mộ địa cùng với tử thi của mẹ bà. Khi ấy Công chúa Mandāravā đang thực hành trong rừng, tự biến thành một con cọp cái, tìm ra đứa bé bị bỏ lại và đưa em bé lên.
Khi Kālasiddhi trưởng thành, Guru Rinpoche nhận thấy bà có thể trở thành đệ tử của ngài. Guru Rinpoche hiển lộ là một vị Thầy tên là Saukhyadeva (Phan bDe’i Lha) và ban cho bà các quán đảnh và giáo lý. Sau đó, tại rừng Trawachen, các ngài cùng nhau thực hành những phương tiện thiện xảo.
Sau này, Kālasiddhi gia hộ cho một đứa con trai của một nông dân xứ Ngathupchen và trở thành Đạo sư Hūmkara, một trong những Đạo sư Mật thừa nổi danh nhất của Phật giáo Ấn Độ. Vào cuối đời bà đạt được thân hợp nhất của đại lạc và tánh Không và đi tới Zangdok Palri mà không để lại thân xác.
TASHI KHYIDREN XỨ MÖN
Tashi Khyidren (hay Tashi Chidren), một hóa thân của Samayatārā, sinh tại Tsa-ok ở Mön. Mön là tên gọi của vùng núi Hy mã lạp sơn miền nam Tây Tạng, tiếp giáp Ấn Độ, kể cả Sikkim và Bhutan. Niềm tin ở Pháp của bà được đánh thức trong thời thơ ấu. Sau đó, được cảm hứng bởi tiên tri của một dākinī xuất hiện với bà trong một giấc mơ, bà đi tới Lhotrak ở miền nam Tây Tạng. Bà gặp Yeshe Tsogyal ở đó và nhận các quán đảnh và giáo lý từ nữ Đạo sư này. Về sau bà gặp Guru Rinpoche và được ngài ban cho tinh túy của những giáo huấn sâu xa. Nhờ thực hành, bà đã đạt được những thành tựu bí mật, và bà trở thành phối ngẫu-hành động của Guru Rinpoche.
Tại Patro Taktsang ở Bhutan, Guru Rinpoche thực hành sādhana Vajrakīla với bà. Khi ngài hiển lộ là Dorje Trolö, bà tự biến mình thành một con cọp cái và trở thành ngựa cưỡi của ngài. Các ngài cùng kết buộc mọi tinh linh phi-nhân hùng mạnh của Tây Tạng bằng lời nguyện. Bà giúp ngài chôn dấu nhiều terma. Ngoài Yeshe Tsogyal ra, Tashi Khyidren là dākinī khả ái nhất đối với xứ Tây Tạng. Sau này bà đi tới cõi tịnh độ Zangdok Palri mà không để lại thân xác.
NHỮNG ĐỆ TỬ CHÍNH CỦA GURU RINPOCHE Ở TÂY TẠNG
Có hai truyền thống về cách tính hai mươi lăm đệ tử chính của Guru Rinpoche ở Tây Tạng, được gọi là “vua và hai mươi lăm thần dân” (rJe ‘Bangs Nyer lNga). Theo một truyền thống, các ngài là vua và hai mươi bốn thần dân, gồm cả Yudra Nyingpo hay Kharchen Palkyi Wangchuk. Truyền thống khác về cách tính là vua cộng thêm với hai mươi lăm thần dân, trong đó gồm cả Yudra Nyingpo và Kharchen Palkyi Wangchuk. Ở đây chúng tôi theo truyền thống thứ hai.
VUA TRISONG DETSEN
Vua Trisong Detsen (790-858 sau Công nguyên) là bậc trị vì thứ ba mươi bảy của Tây Tạng trong triều đại Chögyal (Pháp Vương), là triều đại được bắt đầu với Vua Nyatri Tsenpo. Nyatri được tin là một hoàng tử xứ Ấn Độ, người trở thành vị vua đầu tiên của Tây Tạng vào năm 127 trước Công nguyên. Vua Trisong là nam tử của Vua Me Aktsomchen và Công chúa Chin Ch’eng Kun Chu, con gái của Vua Li Lung Chi của Trung quốc. Năm mười ba tuổi, ngài được tôn phong là vua thứ ba mươi bảy của Tây Tạng. Ngài là một nhà cai trị khôn ngoan và đầy năng lực đã mở rộng vương quốc của ngài vượt xa các biên giới trước đó của Tây Tạng.
Ngài viếng thăm Shāntarakshita, học giả Đại thừa nổi tiếng xứ Ấn Độ, để thiết lập Phật Pháp ở Tây Tạng và xây dựng Tu viện Samye. Nhưng những trở ngại xuất hiện trong hình thức những tinh linh tiêu cực và những thượng thư chống lại Phật giáo ở Tây Tạng, và các ngài không thể thực hiện được kế hoạch. Sau đó Shāntarakshita làm một tiên tri, theo đó nhà vua đã thỉnh mời Guru Padmasambhava, bậc vĩ đại nhất trong các tāntrika (hành giả Mật thừa) của Phật giáo Ấn Độ vào thời đó, đến Tây Tạng. Guru đến Tây Tạng, điều phục mọi chướng ngại do con người và phi-nhân gây ra bằng năng lực giác ngộ của ngài, và buộc tất cả những tinh linh ở Tây Tạng phải phụng sự Pháp.
Từ đó xứ Tây Tạng gọi Guru Padmasambhava là Guru Rinpoche, Đạo sư Tôn quý. Sau đó, đại Tu viện Samye đã hoàn thành trong năm năm. Một trăm lẻ tám học giả Ấn Độ, trong đó có Guru Rinpoche, Shāntarakshita, và Vimalamitra, và những học giả-dịch giả Tây Tạng kể cả Vairochana, Kawa Paltsek, Chok-ro Lu’i Gyaltsen, và Zang Yeshe De, đã dịch vô số Kinh điển của Tiểu thừa, Đại thừa, và Kim cương thừa từ các ngôn ngữ Ấn Độ, chủ yếu là từ Phạn ngữ. Ở nhiều nơi, những tổ chức được xây dựng để nghiên cứu và tu tập các giáo lý Kinh điển và Mật điển.
Tại Samye Chimphu, Guru Rinpoche đã ban những quán đảnh của các sādhana vĩ đại của tám mạn đà la (sGrub P Ch’en Po bKa’ brGyad) của Mahāyoga cho các đệ tử chính của ngài, vua và hai mươi lăm thần dân. Nhờ thực hành các sādhana của các Bổn Tôn bảo hộ khác nhau, tất cả các ngài đã đạt được những thành tựu. Trong lễ quán đảnh, hoa cúng dường của nhà vua rơi trên mạn đà la Chechok Deshek Düpa, một trong tám mạn đà la. Việc ném một bông hoa lên một nhóm mạn đà la giúp cho đệ tử xác định Bổn Tôn bảo hộ thích hợp để thực hành. Nhờ thực hành sādhana của Chechok (Mahottaraheruka/Vajramahāheruka), vua đã thành tựu thiền định kiên cố.
Những tác phẩm văn học của ngài gồm có Ka Yangtakpe Tsema và Bumtik. Bằng năng lực, ngài đã đưa xá lợi của Đức Phật từ Magadha (Ma kiệt đà) ở miền trung Ấn Độ và xây dựng nhiều ngôi chùa và bảo tháp để lưu giữ xá lợi.
Nhà vua mất ở tuổi năm mươi lăm (hay năm mươi chín). Sau khi mất, ngài tái sinh làm nhiều đại học giả, thánh nhân, và tertön, để giữ gìn và truyền bá Giáo Pháp cho những môn đồ trong tương lai. Trong số những tái sinh của ngài có Sangye Lama (1000-1080?), Nyang Nyima Özer (1124-1192), Guru Chöwang (1212-1270), Ogyen Lingpa (1329-1360/7), Pema Wangyal (1487-1542), Tashi Tobgyal (1550-1602), và Đạt Lai Lạt Ma thứ năm (1617-1682). Jigme Lingpa (1730-1798) và Khyentse Wangpo (1820-1892) là những hóa thân của nhà vua và Vimalamitra.
Vua có ba con trai và hai con gái. Tất cả các con ngài đều là những đại đệ tử của Guru Rinpoche và những nhân vật quan trọng trong dòng truyền thừa của Giáo Pháp. Tuy nhiên, trong lịch sử có những khác biệt về con số, tên, và mức độ thâm niên của các con trai của ngài. Một vài học giả đồng ý rằng ngài có ba con trai và người lớn tuổi nhất là Mu-ne Tsepo, con trai giữa là Murup (hay Murum) Tsepo, và con trai nhỏ nhất là Mutik (hay Mutri) Tsepo.
Khi Vua Trisong Detsen hai mươi tuổi, Hoàng hậu Tsepongza hạ sinh thái tử Mu-ne Tsepo. Mu-ne nhận các giáo lý và quán đảnh từ Guru Rinpoche và thực hành chúng. Năm bốn mươi bảy tuổi, thái tử trở thành bậc trị vì thứ ba mươi tám của Tây Tạng, nhưng ngài mất sau khi trị vì chưa tới hai năm. Trong triều đại ngắn ngủi của ngài, ngoài việc thiết lập nhiều tổ chức Phật Giáo, ngài đặc biệt được biết tới là, ngài đã ba lần cố gắng phân phát của cải đồng đều cho người giàu và người nghèo. Điều đáng chú ý là Rahula Sankritayana (1893-1903), một đại học giả Phật Giáo người Ấn Độ, thậm chí đã đề tặng một trong những quyển sách của ông cho Thái tử Mu-ne Tsepo, nói rằng thái tử là người đầu tiên theo chủ nghĩa xã hội, một vị vua theo chủ nghĩa xã hội, trong thế giới. Trong số những hóa thân của Mu-ne Tsepo có Tülku Zangpo Trakpa (thế kỷ 14), Drikung Rinchen Phüntsok (1509-1557), và Yonge Mingyur Dorje (1628-?).
Khi vua Trisong Detsen hai mươi hai tuổi, Hoàng hậu Tsepongza hạ sanh Hoàng tử Murup (hay Murum) Tsepo, tức là Lha-se Tamdzin Yeshe Rölpatsal. Hoàng tử nhận những giáo lý và quán đảnh từ Guru Rinpoche và những vị Thầy khác. Ngài trở thành một đại học giả của các tantra, và nhờ thực hành sādhana Vajrakīla, ngài trở thành một bậc đại lão thông. Ngài cũng được Guru Rinpoche giao phó giáo khóa Lama Gongdü. Bởi rủi ro, ngài làm chết con trai của một thượng thư và bị đày tới phía bắc biên giới Tây Tạng và Trung quốc làm một nhà chỉ huy quân đội trong chín năm. Sau này ngài sống ở Kongpo. Dưới sự chỉ huy của ngài, người Tây Tạng đã đánh bại các lực lượng Trung quốc và Thổ nhĩ kỳ. Vào cuối đời, ngài biến thành thân ánh sáng. Trong số những hóa thân của ngài có Sangye Lingpa (1340-1396), người khám phá Lama Gongdü, Zhikpo Lingpa (1464-1523), Pema Norbu (1679-1757), Dodrupchen Jigme Thrinle Özer (1745-1821), và Chogyur Dechen Lingpa (1829-1870).
Hoàng hậu Tsepongza hạ sinh công chúa Nujin Sa-le. Tôi không tìm được bài viết nào về cuộc đời của bà.
Công chúa Pemasal sinh làm con Hoàng hậu Dromza Changchup. Tuy nhiên, cô mất năm lên tám tuổi. Guru Rinpoche viết một chữ NRI màu đỏ nơi tim tử thi của bà, và nhờ năng lực giác ngộ của ngài, ngài đã triệu hồi tâm thức bà trở về thân xác. Khi bà sống lại và có thể nói được, Guru ban cho bà quán đảnh Khandro Nyingthig và ban cho danh hiệu bí mật là Pema Ledreltsal. Ngài đặt chiếc hộp đựng giáo lý Khandro Nyingthig lên đầu bà và nói lời nguyện ước sau đây: “Trong tương lai cầu mong con tìm ra giáo lý này, và cầu mong nó làm lợi lạc cho nhiều chúng sinh.” Sau đó ngài ghi lại những sự kiện này và yêu cầu Khandro Yeshe Tsogyal cất dấu giáo lý Khandro Nyingthig cho những môn đồ tương lai. Sau đó các bản văn được cất dấu ở hai địa điểm khác nhau. Các giáo lý phức tạp được cất dấu tại tảng đá giống-sư tử ở Bumthang hạ và những giáo lý cô đọng sâu xa của các tantra Nyingthig dành cho những người khất thực được cất dấu tại Tanglung Tramo Trak trong Thung lũng Takpo. Sau đó các giáo lý đó được giao phó cho các dākinī Đạo sư-kho tàng và các vị bảo hộ Za và Mamo, những vị được Guru Rinpoche chỉ thị truyền những giáo lý này cho vị tertön thích hợp trong tương lai.
Trong số các hóa thân của bà có Pema Ledreltsal (1291-1319?), người khám phá giáo lý Khandro Nyingthig từ Tanglung Tramo Trak, Longchen Rabjam (1308-1368), bậc đã truyền bá giáo lý bằng cách sáng tác và giảng dạy; Pema Lingpa (1450-1521); và Lhatsün Namkha Jigme (1597-?)
Khi nhà vua năm mươi chín tuổi, Hoàng hậu Droza Changchup hạ sanh Hoàng tử Mutik (hay Mutri) Tsepo, tức là Senalek Jing-yön. Hoàng tử trở thành vua thứ ba mươi chín của Tây Tạng. Ngài nhận những giáo lý và trao truyền từ Guru Rinpoche và đạt được những thành tựu cao cấp. Ngài là cha của năm con trai: Tsangma, Gyalse Lhaje (còn được gọi là Choktrup Gyalpo), Lhündrup, Tri Ralpachen, vua thứ bốn mươi, và Lang Darma, vua thứ bốn mươi mốt và cuối cùng của triều đại Chögyal. Như đã đề cập ở trên, Mutri là vua Tây Tạng khi Guru Rinpoche từ giã xứ này.
Trong số những hóa thân của ngài có Guru Jotse, Karma Chagme (1613-1678), Zhechen Rabjam Tenpe Gyaltsen (1650-1704), và Apang Terton (?-1945).
HAI MƯƠI LĂM THẦN DÂN (ĐỆ TỬ) CỦA GURU RINPOCHE Ở TÂY TẠNG
1. Nupchen Sangye Yeshe sinh tại Thung lũng Drak trong bộ tộc Nup. Từ năm lên bảy ngài đã học với Otren Palkyi Zhönu và trở thành một Đạo sư của các tantra. Khi ngài nhận quán đảnh sādhana vĩ đại của tám mạn đà la từ Guru Rinpoche, hoa của ngài rơi trên mạn đà la Yamāntaka, Đức Văn Thù Phẫn nộ, là mạn đà la thân của tất cả chư Phật. Sau khi thực hành trong hai mươi mốt ngày, ngài nhìn thấy linh kiến thanh tịnh của Bổn Tôn. Bằng năng lực huyền diệu của ngài, ngài đã hủy diệt ba mươi bảy ngôi làng trong Thung lũng Drak và thiêu cháy lực lượng của họ bằng lửa thần diệu của ngài. Trong hang động Drak Yangdzong cùng với phurbu (dao nghi lễ thần diệu, kīla) bằng gỗ, ngài đâm vào tảng đá như thể đâm vào bùn. Năm 1956, khi tôi đến viếng thăm địa điểm đó thì phurbu vẫn còn ở trong tảng đá.
Nupchen đã viếng thăm Ấn Độ, Nepal, và Trusha (ở Trung Á) bảy lần và đã nhận các giáo lý từ Shrīsimha, Vimalamitra, Shāntigarbha, Dhanashīla, Vasudhara, và Chetsen Kye. Ở Tây Tạng ngài nhận những giáo lý khác nhau từ Nyak Jnānakumāra, Sokpo Palkyi Yeshe, và Zhang Gyalwe Yönten. Những trao truyền Mật thừa của Mahāyoga, Anuyoga, và Semde (giáo khóa về tâm) của Atiyoga được hội tụ trong ngài.
Khi Vua ác Lang Darma bắt đầu hủy diệt Giáo Pháp ở Tây Tạng, vua mời Nupchen và các đệ từ của ngài tới và hỏi ngài: “Ông có loại năng lực nào?” Nupchen nói: “Xin tuân theo năng lực của tôi có được nhờ việc trì tụng một thần chú,” và ngài đưa bàn tay lên trên đầu ngài trong một cử chỉ giục giã. Nhà vua nhìn thấy trên đầu của Nupchen chín con bọ cạp lớn bằng những con bò yak. Nhà vua sợ hãi kêu lên: “Nupchen, tôi sẽ không làm hại các tāntrika cao quý.” Nupchen nói: “Xin cũng nhìn điều này,” và trong một cử chỉ thúc dục ngài chỉ tay vào một tảng đá, và sét đánh xuống, chẻ tảng đá thành nhiều mảnh. Nhà vua sợ hãi nói: ‘Tôi sẽ không làm hại ngài và các môn đồ của ngài,” và ông ta thả họ ra. Nhờ Nupchen, Vua Lang Darma đã không hủy diệt giáo lý Mật thừa và những môn đồ bạch y, tóc dài.
Nupchen là người thứ hai trong ba người vĩ đại nhất thọ nhận (Babs Sa) của tantra, là những người đã trao truyền và truyền bá các giáo lý Mahāyoga, Anuyoga, và Semde của Atiyoga thuộc truyền thống Niyngma của Tây Tạng. Người đầu tiên là Nyak Jnānakumāra, một trong những đệ tử chính của Guru Rinpoche. Ba Đạo sư của bộ tộc Zur cùng được tính là người thứ ba. Đó là Zurchen Shākya Jungne, cháu của ngài là Zurchung Sherap Trakpa, và Zur Shākya Senge, con trai của Zurchung.
Nupchen có nhiều đệ tử gồm có Khulung Yönten Gyatso, và ngài đã biên soạn nhiều bản văn quan trọng. Ngài sống tới 130 tuổi, mặc dù có những bản văn khác nói rằng ngài mất ở tuổi 111 hay 113. Ngài sống trong thời đại của Ngadak Palkhortsen, cháu của Vua Lang Darma, và chính ngài đã viết trong một tác phẩm của ngài:
Ta, Sangye, vị Thầy trẻ tuổi xứ Nup,
Đã sống đến tuổi một trăm ba mươi.
Trong số những hóa thân của ngài có Dumgya Zhingtrom, Tri-me Künga (cuối thế kỷ 14), Tsasum Lingpa (đầu thế kỷ 15), và Sangdak Thrinle Lhündrup (1611-1662).
2. Gyalwa Chok-yang sinh tại Phen-yul trong bộ tộc Ngen-lam. Ngài thọ giới cụ túc với Shāntarakshita trong nhóm bảy người Tây Tạng đầu tiên thọ giới xuất gia. Ngài nổi danh vì đời sống giới luật. Khi ngài nhận quán đảnh sādhana vĩ đại của tám mạn đà la từ Guru Rinpoche, hoa của ngài rơi xuống mạn đà la Hayagrīva. Hayagrīva là hiện thân của ngữ của chư Phật. Ngài đã thực hành sādhana của Hayagrīva tại Wentsa, và ngài tự biến thành Bổn Tôn Hayagrīva, và nghe tiếng hí của con ngựa trên đỉnh đầu ngài. Ngài cũng đạt được năng lực làm chủ đời sống. Khi Ngadak Palkhortsen, cháu của Vua Lang Darma bị bệnh, Gyalwa Chok-yang cử hành Gyalpo Tsedö, và Ngadak đã hồi phục.
Trong số các hóa thân của ngài có Guru Tseten (thế kỷ 13), Gyatön Pema Wangchuk (thế kỷ 13), và Thekchen Lingpa (1700-1775/6). Karma Pakshi (1206-1283), Karmapa đệ nhị, đã thừa nhận mình là một hóa thân của vị lão thông này.
3. Namkhe Nyingpo sinh tại Lhotrak trong bộ tộc Nup. Ngài cũng được Shāntarakshita ban giới nguyện tu sĩ. Trong khi nhận quán đảnh sādhana vĩ đại tám mạn đà la, hoa của ngài rơi trên mạn đà la Yangdak (Shrīheruka). Bổn Tôn này là hiện thân của tâm chư Phật. Nhờ thực hành sādhana, ngài di chuyển đây đó bằng cách cưỡi trên những tia sáng của mặt trời. Ngài học Phạn ngữ và đi Ấn Độ, ở đó ngài nhận giáo lý từ Đại Thành tựu giả Hūmkara và những vị Thầy khác. Khi ngài trở về Tây Tạng, những thượng thư ủng hộ đạo Bön phỉ báng ngài thật hiểm độc, và ngài bị dồn vào thế phải sống lưu vong ở Lhotrak Kharchu ở miền nam Tây Tạng. Khi ngài sống ở đó trong một hang động tên là Tragmar gần làng quê của ngài, anh ngài, một nông dân nghèo, đến hỏi xin ngài một ít hạt giống để trồng trọt. Ngài nói với người anh: “Anh là nông dân, và nếu anh không có hạt giống thì một yogi như tôi tìm ra nó ở đâu trong một cái hang?” Sau đó ngài đưa cho ông ta một vài viên sỏi và nói: “Thật là xấu hổ trước mặt người khác nếu anh không có gì để trồng trọt; vì thế hãy ném những viên sỏi này trong cánh đồng của anh và giả bộ là anh đang gieo trồng.” Anh ngài làm như ngài nói, và mùa hè năm sau ông ta có một vụ mùa bội thu trong thung lũng.
Có lần khi Namkhe Nyingpo đang bay qua bầu trời, xâu chuỗi của ngài rơi xuống một thung lũng. Khi bay xuống và nhặt xâu chuỗi, ngài tạo ra những dấu vết to lớn của năm ngón tay ngài đầy những bông hoa, và sau đó, các dākinī đã xây năm bảo tháp ở đó. Có lần ngài cho vài người sùng mộ những viên sỏi. Họ ném chúng đi nhưng có một người vẫn giữ lại. Về sau những viên sỏi trở thành những viên lam ngọc lộng lẫy.
Ngài thực hành chủ yếu ở Lhotrak Kharchu và nhìn thấy những linh kiến thanh tịnh của bậc linh thánh bảo hộ. Ngài đi tới cõi tịnh độ thiêng liêng mà không để lại thân xác thô nặng.
Trong số các hóa thân của ngài có Changchup Lingpa (thế kỷ 14), Trati Ngakchang (thế kỷ 18), và Rigdzin Tsewang Norbu (1698-1755).
4. Jnānakumāra sinh tại Yarlung Cho ở miền nam Tây Tạng trong bộ tộc Nyak. Trên cổ họng ngài có những nốt ruồi trong hình dạng những chiếc chày kim cang đôi. Ngài cũng được gọi là Gyalwe Lodrö và thọ giới xuất gia với Shāntarakshita. Ngài trở thành một đại học giả và đã dịch nhiều Kinh điển và Mật điển. Ngài nhận giáo lý từ Guru Rinpoche, Vimalamitra, Vairochana, và Yudra Nyingpo và trở thành người đầu tiên trong những người thọ nhận vĩ đại Mahāyoga, Anuyoga, và Semde của Atiyoga ở Tây Tạng. Khi Guru Rinpoche ban quán đảnh sādhana vĩ đại tám mạn đà la, hoa của ngài, giống như hoa của nhà vua, hạ xuống mạn đà la Chechok. Ngài đã thực hành Dütsi Chechok, và nhờ đó tại Yarlung Sheltrak, ngài tạo ra một dòng suối từ một tảng đá khô bằng cách dùng ngón tay chọc thủng tảng đá.
Ngài đối mặt với nhiều nguy hiểm, trong đó có ba lần nguy hiểm cho mạng sống của ngài. Ngài thực hành sādhana Vajrakīla và nhờ năng lực thành tựu ngài đã tiệt trừ mọi thế lực tiêu cực. Ngài có thể tự biến mình thành những thân tướng khác nhau. Ngài dịch nhiều bản văn Phật giáo sang tiếng Tây Tạng.
Trong nhiều đệ tử của ngài, ngài có tám đệ tử chính, trong đó có Sokpo Palkyi Yeshe và Otren Palkyi Zhönu. Trong số những hóa thân của ngài có Ramo Shelmen (thế kỷ 12), Nyi Ösal (thế kỷ 13), Khedrup Lodrö Gyaltsen, và Kathok Gyurme Tsewang Choktrup (thế kỷ 15).
5. Khandro Yeshe Tsogyal. Một ghi chép tóm tắt về cuộc đời của Khandro Yeshe Tsogyal đã được đưa ra ở trên trong mục năm phối ngẫu của Guru Rinpoche. Trong nhiều hóa thân của bà có Chomo Menmo, Pema Tsokyi (1248-1283?), Khandroma Künga Bum (thế kỷ 14), và Rigdzin Thrinle Namgyal.
6. Palkyi Yeshe sinh tại Yadrok trong bộ tộc Drogmi. Ngài trở thành một dịch giả uyên bác của nhiều tantra, đáng kể nhất là các tantra của các Bổn Tôn Mamo Mātarah Bötong. Trong quán đảnh sādhana vĩ đại tám mạn đà la, hoa của ngài đáp xuống mạn đà la La-me Heruka của Mamo Bötong và ngài trở thành một bậc lão thông của mạn đà la này. Ngài đã điều phục những tinh linh thế tục, đặc biệt là các mamo, và buộc họ là những người phục vụ.
Trong số những hóa thân của ngài có Rashak Chöbar và Kharak Dechen Lingpa.
7. Palkyi Senge sinh trong bộ tộc Lang. Ngài đi Ấn Độ và Oddiyāna và trở thành một dịch giả. Trong quán đảnh sādhana vĩ đại tám mạn đà la, hoa của ngài đáp xuống mạn đà la Jikten Chötö (Lokastotrapūja). Ngài đã đạt được năng lực bí mật vĩ đại và có thể làm cho các tinh linh thế tục phải phục tùng. Tại Patro Taktsang ở Bhutan, nơi ngài làm các thực hành sādhana, ngài nhận linh kiến của Đức Phật Phẫn nộ Trakpa Kündü của mạn đà la Jikten Chötö. Ngài đã đạt được những thành tựu thông thường và siêu việt.
Trong số những hóa thân của ngài có Ratön Tobden Dorje và Dzogchen Pema Rigdzin (1625-1697).
8. Vairochana là dịch giả lỗi lạc của Kinh điển Phật giáo trong lịch sử Tây Tạng. Ngài gánh vác trách nhiệm đưa Giáo Pháp vào Tây Tạng và dịch nhiều Kinh điển và Mật điển, đặc biệt là hai trong số ba phạm phù của giáo lý Dzopa Chenpo, đó là Semde và Longde.
Ngài sinh tại Nyemo Chekhar trong Tỉnh Tsang, là con trai của Dorje Gyalpo thuộc bộ tộc Pakor. Trong thời thơ ấu, ngài đã phô diễn nhiều năng lực thần diệu chẳng hạn như bay trong không trung, tạo những dấu vết trên những tảng đá, và tiên đoán những sự kiện trong tương lai. Ngài có sự thông tuệ đặc biệt.
Phù hợp với lời tiên tri của Guru Rinpoche, Vua Trisong Detsen đưa ngài tới Samye và đào tạo ngài thành một dịch giả. Ngài trở thành một trong bảy người Tây Tạng đầu tiên thọ giới tu sĩ từ Shāntarakshita và được ban Pháp danh là Vairochanarakshita. Trong quán đảnh sādhana vĩ đại tám mạn đà la, hoa của ngài đáp xuống mạn đà la Möpa Tra-ngak (Vajramentrabhīru). Theo lời khuyên của nhà vua, Vairochana và tu sĩ Lektrup ở Tỉnh Tsang đi Ấn Độ để tìm cầu Giáo Pháp, như hai người trong số những nhà truyền giáo đầu tiên. Trên đường đi các ngài gặp nhiều gian khổ khiến ngài suýt chết năm mươi bảy lần, nhưng ngài không đếm xỉa tới những trở ngại và tới được Ấn Độ. Các ngài bí mật gặp Shrīsimha trong rừng Tsenden Silche tại Dhanakosha. Một đêm các ngài nhận các giáo lý Semde trong sự bí mật tuyệt đối. Vairochana đã ghi lại mười tám tantra của Semde trên vải trắng bằng sữa của một con bò trắng để người ta không thể đọc các bản văn. Khi ngài muốn có bản thảo để đọc, Ngài hơ nó trên khói và đọc được bản văn. Tu sĩ Lektrup hài lòng với những gì họ đã thành tựu và khởi hành đi Tây Tạng. Trên đường trở về Lektrup bị những người gác đường giết chết.
Vairochana khẩn cầu Shrīsimha ban thêm giáo lý, và ngài đã nhận các giáo lý và giáo huấn của toàn bộ sáu mươi tantra của Semde. Ngài cũng được dạy ba phạm trù của Longde. Vairochana cũng nhận các giáo lý của sáu triệu bốn trăm ngàn tantra (hay các bài kệ) của Đại Viên mãn từ Prahevajra trong linh kiến thanh tịnh và nhận những gia hộ từ Đạo sư Manjushrīmitra trong thân-trí tuệ-huyễn hóa của ngài.
Vairochana tới Tây Tạng bằng thần túc thông, và ở đó ngài ban cho nhà vua những giáo lý thông thường vào ban ngày và Dzopa Chenpo vào ban đêm. Trong số những tác phẩm khác, ngài đã dịch năm tantra đầu trong số mười tám tantra của Semde. Tuyển tập này được gọi là Năm Bản dịch Ban đầu của Semde.
Vào lúc đó một vài người Ấn Độ ghen tị đã phái các sứ giả đi rêu rao lời phỉ báng, nói rằng giáo lý mà Vairochana mang từ Ấn Độ về không phải là Phật giáo. Do bởi những nguyện ước sai lầm và thế lực của Hoàng hậu Tsepongza và một vài thượng thư độc ác, thật đáng tiếc, nhà vua bị bắt buộc phải trục xuất Vairochana tới Gyalmo Tsawe Rong (còn gọi là Gyarong), một miền ở biên giới Tây Tạng và Trung quốc. Ở nơi lưu đày Vairochana đã khiến nhà vua, các thượng thư và dân chúng của Gyarong cải đạo sang Phật giáo. Hoàng tử Yudra Nyingpo, tái sinh của Lekrup xứ Tsang, đã trở thành một trong những đệ tử chính của ngài và một học giả và vị hộ trì dòng truyền thừa nổi tiếng. Yudra Nyingpo tới Samye và gặp Vimalamitra. Theo lời khẩn cầu của Vimalamitra, nhà vua mời Vairochana trở về Tây Tạng. Trên đường tới Tây Tạng, Vairochana gặp một người đàn ông tám mươi lăm tuổi tên là Mipham Gönpo, và ngài ban cho ông ta giáo lý Đại Viên mãn. Mipham Gönpo không thể ngồi trong tư thế thiền định vì đã cao tuổi, vì thế ông phải nương cậy vào một sợi giây thiền định và gậy đỡ để ngồi thẳng và không cử động. Ông lão đã đạt được thân cầu vồng.
Ngoài Yudra Nyingpo và Mipham Gönpo, các đệ tử chính của Vairochana là Nyak Jnānakumāra và Sherap Dölma xứ Li. Sau này Sherap Dölma thỉnh mời Đạo sư của ông tới xứ Li. Từ nơi đó Vairochana đi tới rừng Bhashing ở Nepal, ở đó ngài tan biến thành thân cầu vồng.
Vairochana là dịch giả siêu phàm của Phật giáo Tây Tạng. Ngài đã dịch nhiều bản văn thuộc Kinh điển và Mật điển, sự uyên bác và thiện xảo của ngài với tư cách là một dịch giả thì thật vượt trội nếu so với tất cả những dịch giả khác trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng. Ngok Loden Sherap (1059-1109), một trong những dịch giả vĩ đại nhất trong giai đoan tân dịch thuật, nói:
Vairochana giống như bầu trời trong.
Kawa Palsek và Chokro Lu‘i Gyaltsen giống như mặt trời và mặt trăng.
Rinchen Zangpo [958-1051, dịch giả vĩ đại nhất của giai đoạn tân dịch thuật] giống như vì sao lúc bình minh.
Và chúng ta chỉ là những con đom đóm.
Trong số nhiều hóa thân của ngài có Trapa Ngönshechen (1012-1090?), Dorje Lingpa (1346-1405), Künkyong Lingpa (1396-1477?), Chöden Do-ngak Lingpa (thế kỷ 15), Trengpo Sherap Özer (1518-1572), Minling Terchen (1646-1714), Rongtön Dechen Lingpa (1663-?). Gyalse Zhenphen Thaye (1800-?) và Kongtrül Yönten Gyatso (1813-1899).
9. Yudra Nyingpo là một hoàng tử của Gyalmo Tsawe Rong (còn gọi là Gyarong) ở miền Đông Tây Tạng. Khi Vairochana bị đày tới Gyalmo Tsawe Rong, ngài nhận những giáo lý từ Vairochana và trở thành một đại học giả và dịch giả. Yudra tới miền Trung Tây Tạng và nhận những giáo lý từ Guru Rinpoche, và trong số nhiều tác phẩm, ngài đã dịch mười ba bản văn cuối cùng trong số mười tám bản văn của Semde. Là kết quả của những thành tựu của ngài, ngài có thể mang những thân tướng khác nhau chẳng hạn như một chày kim cương bằng vàng. Ngài nổi danh nhờ sự chứng ngộ tuyệt hảo về Đại Viên mãn. Ngài trở thành một trong những Đạo sư vĩ đại nhất của giáo lý Semde và Longde của Đại Viên mãn ở Tây Tạng.
Trong số những hóa thân của ngài có Minling Lochen Dharmashrī (1654-1717), Tertön Dorje Thogme, và Minling Khenchen Ogyen Tendzin (thế kỷ 15).
10. Dorje Düdjom sinh tại Tsang-rong trong bộ tộc Nanam. Khi còn trẻ ngài đã trở thành một thượng thư của Vua Trisong Detsen, và với tư cách là phái viên của nhà vua, ngài đi Nepal để thỉnh mời Guru Rinpoche tới Tây Tạng. Ngài trở thành một đệ tử của Guru Rinpoche và đạt được những thành tựu nhờ thực hành sādhana Vajrakīla. Nhờ làm chủ được tâm và không khí, ngài du hành qua không gian với tốc độ của gió và ở gần Samye, ngài đi qua một ngọn núi mà không bị ngăn trở.
Trong số những hóa thân của ngài có Palpo Ahung (thế kỷ 13), Rigdzin Gödem (1337-1408), và Rigdzin Legdenje (thế kỷ 15).
11. Yeshe Yang là một tu sĩ và một trong tám người viết chữ đẹp chính yếu của các bản văn terma. Ngài đã nhận những giáo lý từ Guru Rinpoche và có thể đi tới những cõi tịnh độ của chư Phật và nhận giáo lý từ các ngài.
12. Sokpo Lhapal là một thợ rèn. Nyak Jnānakumāra thấy rõ ở nơi ngài có những dấu hiệu thích hợp để trở thành một bậc lão thông của sādhana Vajrakīla và nhận ngài làm đệ tử. Nyak và Guru Rinpoche đã ban các giáo lý và quán đảnh cho Lhapal. Ngài đã thành tựu năng lực bí mật nhờ thực hành sādhana Vajrakīla. Nhờ đó, bằng một cử chỉ ngài có thể bắt một con gấu nguy hiểm; và trong ba dịp với năng lực huyền diệu ngài làm an dịu những kẻ thù của Nyak, vị Thầy của ngài.
13. Nanam Yeshe được cho là Zhang Yeshe De, một trong ba dịch giả ngang hàng với Vairochna về sự uyên bác và thiện xảo. Hai vị kia là Kawa Paltsek và Chok-ro Lü’i Gyaltsen. Ngài đã thành tựu năng lực bí mật nhờ sādhana Vajrakīla và trở thành một Đạo sư vĩ đại của giáo lý Vajrakīla. Kết quả của việc thành tựu là ngài có thể bay như chim.
14. Palkyi Wangchuk của bộ tộc Kharchen là anh của Yeshe Tsogyal. Ngài là một cư sĩ Mật thừa đã đồng hành với Guru Rinpoche khi ngài đi tới những khu vực khác nhau của Tây Tạng. Ngài đạt được năng lực bí mật nhờ thực hành Vajrakīla, kết quả của điều này là bằng cách chỉ phurbu (lưỡi dao) vào họ, ngài có thể dẹp yên những kẻ thù của Giáo Pháp.
15. Denma Tsemang sinh trong Thung lũng Den thuộc Tỉnh Kham. Ngài là một trong những người viết chữ đẹp nổi danh nhất, và ngài đã sao chép nhiều bản văn terma và trở thành một đại dịch giả. Ngài nhận nhiều giáo lý Mật thừa từ Guru Rinpoche và có năng lực “trí nhớ không quên.”
16. Kawa Paltsek sinh tại Kawa trong Thung lũng Phenpo. Ngài là một trong ba dịch giả vĩ đại nhất của Tây Tạng, và vai trò của ngài được Guru Rinpoche tán thán. Ngài ở trong số bảy tu sĩ người Tây Tạng đầu tiên được thọ giới ở Tây Tạng. Nhờ thực hành ngài đã thành tựu năng lực thấu suốt được tư tưởng của người khác. Ngài đã dịch nhiều Kinh điển và Mật điển và cũng là một trong những người viết chữ đẹp nổi danh và là tác giả của nhiều bản văn.
Trong số những hóa thân của ngài có Trawa Ngönshe (1012-1090?), người đã khám phá bốn quyển Gyüzhi của y học Tây Tạng như một terma. Cho tới nay, những bản văn này là nguồn mạch chính của y học Tây Tạng. Một số người nói rằng Trawa Ngönshe là một hóa thân của Vairochana và Shüpu Palkyi Senge.
17. Shüpu Palkyi Senge sinh trong cùng bộ tộc với nhà vua. Khi còn trẻ ngài là một thượng thư trong triều đình của nhà vua, và là một trong những sứ thần đi Nepal để thỉnh mời Guru Rinpoche tới Tây Tạng. Ngài đã dịch nhiều bản văn Mamo, Yamāntaka, và Vajrakīla, và ngài là một trong tám bậc kiệt xuất nhất của Tây Tạng trong thời đại của ngài. Ngài đã thành tựu năng lực bí mật nhờ các sādhana Mamo và Vajrakīla. Ngài đã biểu lộ năng lực bí mật bằng cách làm đảo ngược dòng sông Ngamshö, khiến dòng Chimphu đi ngược lên, và bằng cách chỉ phurbu của ngài vào một tảng đá, ngài làm tảng đá vỡ tan thành nhiều mảnh. Trong lễ hiến cúng Tu viện Samye, ngài đã phân phát bơ được tinh lọc qua những ống dẫn như một dấu hiệu của sự thịnh vượng và hiến dâng của ngài.
Trong số những hóa thân của ngài có Namchö Mingyur Dorje (1645-1667).
18. Dre Gyalwe Lodrö khi còn trẻ là một thành viên của giới bí mật trong triều đình của nhà vua. Sau này ngài xuất gia và trở thành một trong những đệ tử chính của Guru Rinpoche và là một dịch giả. Ngài viếng thăm Ấn Độ và nhận những giáo lý Yangdak từ Đạo sư Hūmkara. Nhờ năng lực bí mật, ngài đã giải thoát mẹ ngài khỏi một tái sinh thấp kém, và ngài cũng biến một tử thi thành vàng. Ngài thành tựu pháp trường thọ và còn sống trong thời đại của Rongzom Chözang (thế kỷ 11).
19. Khyechung Lotsā thuộc bộ tộc Drogmi. Khi còn rất trẻ ngài đã trở thành một dịch giả, kể từ đó ngài nhận danh hiệu của ngài, có nghĩa là “cậu bé dịch giả.” Ngài nhận những giáo lý từ Guru Rinpoche và sống như một tāntrika (hành giả Mật thừa) gia chủ. Nhờ thành tựu năng lực bí mật, bằng một cử chỉ của những ngón tay, ngài có thể triệu hồi chim đang bay trong không trung.
Trong số những hóa thân của ngài có Terchen Düdül Dorje (1615-1672), Zhechen Rabjam Tenpe Gyaltsen (1650-1704), Khordong Nüden Dorje (thế kỷ 18-19), Düdjom Lingpa (1835-1904) và Kyabje Dudjom Rinpoche (1904-1987).
20. Trenpa Namkha là một Đạo sư vĩ đại của đạo Bön và cũng được gọi là Kyerpön Chenpo. Ngài được các môn đồ đạo Bön tôn kính như một hóa thân của người sáng lập đạo Bön, vị này cũng có tên là Trenpa Namkha. Ngài trở thành một đệ tử của Guru Rinpoche và một dịch giả những bản văn Phật giáo. Nhờ năng lực bí mật ngài có thể triệu hồi những con trâu yak hoang ở những cánh đồng phía bắc Tây Tạng chỉ bằng một cử chỉ.
Trong số những hóa thân của ngài có Bönpo Traktsal (thế kỷ 11) và Rigdzin Lhündrup (1611-1662), vị này là hóa thân của cả Nupchen lẫn Trenpa Namkha.
21. Otren Palkyi Wangchuk sinh tại Oyugda. Ngài sống như một tāntrika gia chủ và trở thành một đệ tử tâm yếu của Guru Rinpoche và một đại học giả của tantra. Ngài thành tựu năng lực bí mật nhờ thực hành sādhana Guru trong Thân tướng phẫn nộ. Nhờ năng lực huyền diệu của ngài, ngài có thể vượt qua con sông lớn như một con cá, mặc dù ngài không biết bơi.
22. Ma Rinchen Chok sinh tại Thung lũng Phenpo. Ngài là một trong chín người thông tuệ nhất ở Tây Tạng trong thời đại của ngài. Ngài ở trong số bảy người Tây Tạng đầu tiên thọ giới tu sĩ từ Shāntarakshita. Ngài là môn đồ của triết học Nāgārjuna (Long Thọ) và một học giả của Guhyagarbha-māyājāla-tantra (Mật điển Bí mật tập hội). Ngài đứng sau Kamalashīla trong những môn đồ của dòng truyền thừa của Shāntarakshita, trong cuộc tranh luận Samye nổi tiếng trong đó các ngài đánh bại địch thủ là vị Thầy Đại thừa Hvashang người Trung quốc. Ngài đã dịch nhiều bản văn Phật giáo và nhận nhiều giáo lý từ Guru Rinpoche. Nhờ thực hành những giáo lý đó ngài đã đạt được chứng ngộ. Ngài đã biểu lộ năng lực bí mật bằng cách chặt tảng đá thành nhiều mảnh như thể nó là bột nhão và ăn nó như thực phẩm. Ngài đã viếng thăm Kham, nơi Tsuk-ru Rinchen Zhönu trở thành một trong nhiều đệ tử của ngài.
23. Lhalung Palkyi Dorje sinh tại Kungmo Che. Khi còn trẻ ngài đóng quân ở biên giới Trung quốc và Tây Tạng, ở đó ngài đánh bại lực lượng quân Trung quốc đông đảo. Cùng với hai người anh ngài thọ giới tu sĩ với Vimalamitra. Ngài nhận Bồ Tát giới và những quán đảnh Mật thừa từ Guru Rinpoche, và nhờ sự thành tựu, ngài có thể đi xuyên qua núi mà không bị trở ngại. Khi Vua Lang Darma hủy diệt những tổ chức Phật giáo và giết hại các Phật tử, Lhalung Palkyi Dorje giết vua bằng một mũi tên và trốn thoát tới Kham. Khi ngài mất, thân ngài biến thành thân cầu vồng.
Trong số những hóa thân của ngài có Palyül Pema Norbu (1679-1757) và Rigdzin Nyima Trakpa (1647-1710).
24. Langtro Könchok Jungne sinh tại Chang Tanak ở Tsang và trở thành một thượng thư tại triều đình của nhà vua. Về sau ngài trở thành một tu sĩ và một dịch giả, và đã nhận những giáo lý Mật thừa từ Guru Rinpoche. Nhờ thực hành ngài trở thành một bậc lão thông Mật thừa vĩ đại và có thể phóng ra những tia sét giống như những mũi tên bắn tới bất kỳ nơi nào ngài muốn.
Trong số những hóa thân của ngài có Ratna Lingpa (1403-1471/8), Rigdzin Longsal Nyingpo (1625-1692), và Dzogchen Pema Rigdzin (1625-1697).
25. Lasum Gyalwa Changchup là một trong nhóm bảy người Tây Tạng đầu tiên được thọ giới làm tu sĩ và là một trong chín người thông tuệ nhất trong thời đại của ngài. Ngài nhận những giáo lý và quán đảnh từ Guru Rinpoche, viếng thăm Ấn Độ nhiều lần, và dịch nhiều bản văn. Nhờ thực hành, ngài có thể ở lơ lửng trên không trung trong tư thế thiền định.
Trong số các hóa thân của ngài có Rigdzin Künzang Sherap (1636-1699).