J. Chương XXII - XXV
Chương XXII: Nyoshül Lungtok Tenpe Nyima
1829 - 1901/2
NYOSHÜL Lungtok Tenpe Nyima262 là một trong những Đạo sư thiền định vĩ đại nhất của Dzogpa Chenpo (Đại Viên mãn) trong dòng Longchen Nyingthig. Ngài là đệ tử chứng ngộ vĩ đại nhất của Paltrül Rinpoche. Có một câu tục ngữ: “Nếu không có Lungtok, Paltrül không có con.”
Ngài được coi là tülku (tái sinh) của Shāntarakshita, Kong-nyon Bepe Naljor, và Jewön Küntröl Namgyal. Ngài sinh ra trong bộ lạc Nyoshül thuộc dòng Mukpo Dong, là con trai của Chösung Tadrin.
Ngài tu học với Gyalse Zhenphen Thaye, Khenchen Pema Dorje, Dzogchen Rinpoche đệ tứ, và về sau học với Khyentse Wangpo. Ngài được ngài Gyalse Zhenphen Thaye cho thọ giới xuất gia và ban pháp danh là Lungtok Tenpe Nyima.
Vị Thầy gốc (bổn sư) của Lungtok là ngài Paltrül Rinpoche. Khi sống với Paltrül hai mươi năm không chút ngăn cách, ngài nhận lãnh sự truyền dạy những giáo lý khác nhau và đặc biệt là giáo lý Nyingthig của Longchen Rabjam và Jigme Lingpa. Ngài đã nhận những giáo huấn về giáo lý Trekchö và được giới thiệu sự thuần tịnh nguyên thủy hiện diện như bản tánh tối hậu của mọi hiện hữu hiện tượng. Ngài thọ nhận các giáo huấn về giáo lý Thögal, giới thiệu cho ngài những sự xuất hiện chói ngời là ba thân Phật. Cùng với Paltrül Rinpoche, ngài sống khoảng mười năm quanh các trụ xứ của Dodrupchen ở các thung lũng Ser và Do.
Tại rừng Ari trong Thung lũng Do cách Tu viện Dodrupchen hiện tại vài dặm, Lungtok và thầy Paltrül sống đơn độc với nhau trong sáu tháng. Một bao nhỏ đầy tsampa làm thực phẩm, bộ quần áo đang mặc, và đôi quyển sách là những vật sở hữu duy nhất của các ngài. Vào buổi trưa, các ngài tụ lại và dùng một ít tsampa. Rồi các ngài cột bao tsampa vào một gốc cây và để mặc nó cho tới ngày hôm sau. Sau đó ngài Paltrül giảng cho Lungtok một hai câu kệ trong Bodhicharyāvatāra (Nhập Bồ Tát Hạnh). Không lâu sau đó, nhiều đệ tử tới Rừng Ari, và Paltrül bắt đầu giảng Ngalso Korsum và Yönten Dzö và những giáo lý khác. Ngài Paltrül ban một giáo lý, sau đó đệ tử thiền định về nó trong rừng trong nhiều ngày. Ban đầu họ có một ít tsampa để dùng mỗi ngày, nhưng chẳng bao lâu tsampa cạn kiệt. Sau đó họ thu lượm thức ăn dành cho chó của dân du cư hay thực phẩm được bỏ lại, và nhờ đó họ sống thêm một thời gian nữa. Họ không muốn đi quanh lều trại của người du cư để khất thực, nhưng rất vui thích được sống bằng những gì họ vứt bỏ.
Trong Rừng Ari, một ngày kia ngài Paltrül hỏi Lungtok: “Ông có nhớ mẹ ông không?” Lungtok nói: “Không nhiều lắm, thưa thầy.” Ngài Paltrül nói: “Đó là bởi ông không thiền định về lòng bi. Bây giờ hãy đi tới những cây liễu kia và thiền định về ‘nhận ra tình mẫu tử’ và ‘tưởng nhớ lòng tốt của bà mẹ’ trong bảy ngày.” Lungtok đã thiền định như ngài Paltrül chỉ dạy, và Bồ Đề tâm của lòng từ và bi phát triển tự nhiên trong ngài mà không cần nỗ lực nào nữa.
Trong Rừng Ari, sau các giáo lý của Paltrül, Lungtok thiền định về ý nghĩa của Ngơi nghỉ trong Bản tánh Huyễn hóa (Gyuma Ngalso) của Longchen Rabjam. Những ý niệm của ngài về sự bám chấp những thực thể thực sự hiện hữu bị sụp đổ, và mọi hiện hữu hiện tượng xuất hiện như cái gì không thực như những ảo tưởng. Sau này Khenpo Ngachung hỏi ngài: “Đó có phải là một sự chứng ngộ không? “Ngài trả lời: “Không, nhưng là một kinh nghiệm hay” (Nyams).
Cùng với Paltrül, Lungtok rời Golok đi tới Tu viện Dzogchen. Lungtok thực hiện một cuộc nhập thất ba năm tại Kangtrö gần Tu viện Dzogchen để cầu nguyện cho sự trường thọ của Dzogchen Rinpoche đệ tứ. Ngài không có nhiều thực phẩm để dùng, cũng không có y phục ngoại trừ những chiếc y. Ngài dùng một hòn đá phẳng làm gối để ngồi trong kỳ nhập thất ba năm.
Sau đó Lungtok ở với ngài Paltrül tại ẩn thất Nakchung gần Tu viện Dzogchen. Mỗi ngày lúc chạng vạng tối, Paltrül thực hiện một thời khóa thiền định về sự tu tập của Namkha Sumtruk, nằm duỗi ngửa trên một tấm thảm len mới trên một khoảnh cỏ bằng kích thước của ngài. Một buổi tối, trong khi Paltrül đang nằm ở đó như thường lệ, ngài hỏi Lungtok: “Lungche [Lung thân mến]! Ông nói rằng ông không hiểu được chân tánh của tâm à?” Lungtok trả lời: “Vâng, thưa ngài, con không hiểu.” Paltrül nói: “Ồ, có gì mà không hiểu. Lại đây.” Thế là Lungtok đi tới chỗ vị thầy. Paltrül nói: “Nằm xuống như ta và nhìn bầu trời.” Khi Lungtok nằm xuống, cuộc đối thoại tiếp tục như sau:
“Ông có thấy những ngôi sao trên trời?”
“Dạ có”
“Ông có nghe tiếng chó sủa trong Tu viện Dzogchen [ở một quãng xa]?”
“Dạ có”
“Tốt, đó là thiền định.”
Ngay lúc đó, Lungtok đạt được xác tín trong sự tự chứng. Ngài được giải thoát khỏi những gông cùm ý niệm của “nó là” hay “nó không là.” Ngài đã chứng ngộ trí tuệ nguyên sơ, sự hợp nhất trần trụi của tánh Không và giác tánh nội tại, Tâm Phật.
Lungtok và những Pháp hữu quý mến của ngài, Tendzin Norbu, Khenpo Könchok Özer, Minyak Kunzang Sönam, và Naktha Tülku khẩn cầu ngài Paltrül cho phép họ được tiếp tục làm những ẩn sĩ lang thang trong phần đời còn lại của họ. Nhưng ngài Paltrül bổ nhiệm Könchok Özer làm một khenpo của Tu viện Dzogchen; ngài bảo Tendzin Norbu giảng dạy tại Tu viện Gemang, còn ba người kia trở về quê hương và duy trì những ẩn thất. Vì thế Lungtok trở về quê hương và trụ trong nhiều ẩn thất, nhưng chính yếu là tại một ẩn thất có tên là Jönpa Lung.
Tại ẩn thất Shuku Shar, Lungtok thiền định về Bodhicharyāvatāra trong mười năm và về Ngalso Korsum trong ba năm. Về sau, ngài nói với vẻ diễu cợt: “Suốt mười ba năm phóng chiếu và thu thúc tư tưởng, tôi cố gắng gò ép tư tưởng của mình khiến chúng không thể tăng trưởng. Nếu tôi thiền định về Dzogpa Chenpo ngay từ đầu thì bây giờ tôi đã có thể chứng ngộ một cái thấy và thiền định tốt đẹp.”
Năm 1883, khi ngài ở ẩn thất Gyaduk, một bé trai năm tuổi được người cha đưa tới gặp ngài. Bé trai ấy sau này là Khenpo Ngawang Palzang (1879-1941), người hộ trì dòng truyền thừa chính của ngài.
Khoảng năm 1895, Lungtok di chuyển tới Pema Ritho và thiết lập một khu trại của những ẩn sĩ, và Ngawang Palzang chính thức trở thành đệ tử của ngài bằng sự tu tập ngöndro và những giáo lý khác cùng nhiều người khác.
Ngài Lungtok nói: “Tôi chưa từng làm điều gì nghịch lại lời chỉ dạy của Paltrül Rinpoche, trừ một điều là ngài đã bảo tôi đừng dạy Dzogpa Chenpo trước năm mươi tuổi. Sau đó, nếu có thể, tôi nên dạy nó. Nhưng trước năm mươi tuổi, tôi đã dạy chút ít cho Önpo Tenzin Norbu khi ông ta nài nỉ. Vì thế samaya của tôi với vị thầy của tôi là một dây xích vàng không đứt đoạn.”
Sau này, ngài bảo các đệ tử: “Nếu các ông thiền định đúng đắn, những thiền giả xuất sắc nhất sẽ tiến bộ mỗi ngày, các thiền giả trung bình sẽ tiến bộ mỗi tháng, và các thiền giả kém hơn sẽ tiến bộ mỗi năm. Đối với việc thiền định, điều quan trọng là phải hiểu rõ những thiện xảo cốt yếu [gNad] của sự thiền định. Cho dù các ông thiền định, nếu không có tiến bộ thì đó là dấu hiệu cho thấy các ông thiếu sự hiểu biết về những thiện xảo cốt yếu của sự thiền định.”
Trong suốt đời ngài, ngài đã chia sẻ những giáo lý của Paltrül với tất cả những ai đến với ngài, và đặc biệt là sau tuổi năm mươi, ngài đã ban giáo lý Dzogpa Chenpo. Tuy nhiên, giống như Paltrül Rinpoche, ngài khó khăn khi ban bất kỳ sự trao truyền lễ quán đảnh nào ngoại trừ ban cho Sershül Khenpo Ngawang và Anye Khenpo Tamchö của Tu viện Dodrupchen, Lạt ma Ngawang Tendzin, Lạt ma Dorli, Khenpo Ngawang Palzang, và một quán đảnh kama tại Khangtsik Gar.
Ngài đã viết một giáo huấn chi tiết về thiền định Trekchö cho Nyakla Rangrik, khi ấy ông ta đang ở Trung Tây Tạng, và ngài yêu cầu ông đốt nó đi sau khi đọc. Nyakla Rangrik đốt giáo huấn này theo lời dạy của vị thầy, nhưng sứ giả đã nhìn thấy nó ở dọc đường và sao chép trước khi nó tới tay Nyakla Rangrik. Nhiều tác phẩm gây kinh ngạc của Khenpo Ngawang Palzang cũng chính là những lời giảng của Nyoshül Lungtok, có nguồn gốc từ Paltrül Rinpoche.
Ngài Nyoshül Lungtok thị tịch ngày hai mươi lăm tháng năm, năm Mộc Ngưu thuộc Rabjung thứ mười lăm (1925) ở tuổi bảy mươi hai. Khi ấy, ánh sáng cầu vồng uốn cong trên đầu, một trận mưa hoa nhẹ nhàng rơi, và người ta nghe được tiếng âm nhạc du dương. Sau lễ hỏa thiêu, xá lợi xuất hiện từ tro tàn như những dấu hiệu của sự thành tựu và là đối tượng kính ngưỡng cho các đệ tử của ngài.
Hóa thân của ngài là Shedrup Tenpe Nyima (1920-?).
Chương XXIII: Önpo Tendzin Norbu
Thế kỷ mười chín
ÖNPO Tendzin Norbu263 là một trong những học giả vĩ đại nhất trong những đệ tử thân thiết nhất của Paltrül Rinpoche. Ngài cũng được gọi là Önpo Tenli hay Tenga. Ngài là một önpo (cháu trai) của Gyalse Zhenphen Thaye (1800-?).
Ngài đã nghiên cứu Madhyamakakarika (Trung Quán Luận Tụng), Domsum, Bodhicharyāvatāra (Nhập Bồ Tát Hạnh), Semnyi Ngalso, Yönten Dzö, Guhyagarbha-tantra, Ösal Nyingpo Gyü, và nhiều bản văn khác với Thầy Paltrül. Đặc biệt là tại Tramalung ở Dzachukha, Paltrül đã dạy ngài và một vài đệ tử giáo lý Đại Viên mãn, bắt đầu từ những tu tập chuẩn bị duy nhất và những tu tập chính yếu Trekchö và Thögal, từng bước một và phù hợp với những kinh nghiệm tu tập của các đệ tử. Paltrül không chỉ dạy đệ tử mà bản thân ngài còn tham dự việc tu tập. Sau này, Tendzin Norbu nói với Dodrupchen đệ tam: “Trước đây, tôi nỗ lực thiền định về Đại Viên mãn và dạy nó cho người khác, nhưng đây chỉ là những ý niệm tổng quát. Nhưng từ khi chúng ta được đào tạo ở Tramalung, tôi nghĩ rằng tôi có một hiểu biết toàn hảo và sự chứng ngộ Đại Viên mãn.”
Ngài muốn trở thành một ẩn sĩ lang thang, nhưng Paltrül Rinpoche khuyên ngài giảng dạy tại Tu viện Gemang ở Dzachukha, và ngài đã làm như thế trong phần đời còn lại của ngài.
Ngài nói với các đệ tử: “Tại sao chúng ta không thể thực hành Pháp? Đó là bởi ta không tin vào nghiệp. Nếu chúng ta tin tưởng ở nghiệp, chúng ta sẽ trở nên giống như Abu nhân từ của tôi [sư huynh, Paltrül].”
Từ năm 1883, Paltrül Rinpoche không giảng dạy cho đại chúng nữa. Bất kỳ ai tới gặp ngài, ngài gởi họ tới Tendzin Norbu để học Pháp.
Sau khi Paltrül thị tịch, Önpo Tendzin Norbu lo việc tổ chức tang lễ. Ngài cũng thâu thập những tác phẩm của Paltrül và sắp xếp thành sáu quyển.
Chương XXIV: Adzom Drukpa Drodül Pawo Dorje
1842 – 1924
ADZOM Drukpa Drodul Pawo Dorje264 là một trong những vị hộ trì dòng truyền thừa và nhà truyền bá vĩ đại nhất của giáo lý Longchen Nyingthig. Ngài cũng được gọi là Natsok Rangtröl.
Ngài sinh ngày mười lăm tháng sáu năm Thủy Dần thuộc Rabjung thứ mười bốn (1842). Thân phụ ngài là Atra có gốc gác Mông Cổ. Ngài được Tri-me Zhingkyong Chökyi Dorje xác nhận là tülku của Adzom Sangye Tashi, và cũng được Gyalwa Changchup ở Trom xác nhận là một tülku của Pema Karpo (1526-1592), Đạo sư nổi tiếng của phái Drukpa Kagyü. Vì thế ngài được gọi là Adzom Drukpa.
Ngài được Öntrul Thutop Namgyal ở Zhechen ban giới nguyện quy y. Khi ngài mười ba tuổi, tại Tu viện Kathok, Kathok Situ Chökyi Lodrö đệ nhất dạy ngài ngöndro Dorje Nyingpo. Nhờ thực hành pháp này, ngài đã phát triển một kinh nghiệm mạnh mẽ về sự vô thường của cuộc đời, và ngài chú trọng việc thiền định về sự tịnh hóa trong một số năm. Sau đó từ Kathok Situ, ngài nhận các giáo lý tsalung và Đại Viên mãn. Năm hai mươi mốt tuổi, ngài chứng ngộ chân tánh của tâm, giác tánh nội tại. Từ đó cho tới năm ba mươi bốn tuổi, ngài tập trung vào việc thiền định về việc an trụ trong bản tánh chứng ngộ của giác tánh nội tại và đạt được giai đoạn thành tựu tối thượng.
Situ Chökyi Lodrö cũng ban cho ngài quán đảnh Do Gongpa Düpa, Giáo khóa Khakhyap Rangtröl và nhiều quán đảnh khác. Ngài phụng sự Pema Düdül (1816-1872) xứ Nyak-rong, người mà cuối cùng đã đạt được thân cầu vồng, và ngài nhận những giáo lý của giáo khóa Khakhyap Rangtröl và nhiều giáo lý khác. Từ lúc đó, phù hợp với lời khuyên dạy mạnh mẽ của Pema Düdül, Adzom Drukpa giữ mái tóc dài và mặc y phục Mật thừa.
Từ Gyatrül Do-ngag Tendzin ngài nhận những trao truyền của giáo khóa Namchö và Zhitro Gongpa Rangtröl. Từ Alak Chushö Tsang, ngài nhận các giáo lý Changchup Lamrim của truyền thống Geluk và nghiên cứu nhiều tác phẩm của Je Tsongkhapa, các giáo lý này làm sáng sủa nhiều vấn đề của ngài.
Từ Khyentse Wangpo ngài nhận Nyingthig Yabzhi, Longchen Nyingthig, Khandro Sangwa Kündü, Gongpa Zangthal, và nhiều trao truyền khác. Từ Kongtrül Yonten Gyatso ngài nhận Rinchen Terdzö và Kagyü Ngakdzö. Từ Khenpo Pema Badzar ngài nhận các giáo lý về Lama Yangtig. Từ Paltrül Rinpoche ngài nhận các giáo lý về Kunzang Lame Zhalung (Lời Vàng của Thầy tôi), Yeshe Lama, và nhiều giáo lý khác. Từ Nyoshül Lungtok ngài nhận giáo lý về Ngalso Korsum. Từ Ju Mipham, ngài nhận những giải thích về Deshek Nyingpö Tongthün, Ngeshe Drönme, và những giáo lý khác.
Suốt trong phần cuối cuộc đời ngài, ngài giảng dạy những Lạt ma vĩ đại của các tu viện Kathok, Dzogchen, Zhechen, và Palyül. Ngài đã biên tập và xuất bản nhiều bản văn Nyingma quan trọng, trong đó có toàn bộ tác phẩm và giáo lý terma của Longchen Rabjam và Jigme Lingpa. Ngài đã khám phá nhiều giáo lý như terma dưới tên Ösal Dorje Sangdzö (Kho tàng Chói lọi Kim cương). Ngài đã thiết lập trụ xứ chính của ngài tại Tashi Dungkar Khyil, Vỏ Ốc Xà cừ Xoắn ốc Tốt lành, mà thường được gọi là Adzom Chögar, Trại Pháp của Adzom.
Năm tám mươi ba tuổi (1924), với những dấu hiệu kỳ diệu gồm các vòng ánh sáng, những tia sáng, và những âm thanh khác nhau, ngài tan biến vào nền tảng tối thượng.
Ngài có hai con trai, Gyurme Dorje (cũng được gọi là Agyur Rinpoche, 1895?-1959?), một Đạo sư Đại Viên mãn vĩ đại, và Pema Wangyal, và một con gái là Semo Chi-med. Tülku của ngài, Druktrül Rinpoche (sinh năm 1926), vẫn còn sống tại Adzom Chögar ở Kham.
Chương XXV: Lushül Khenpo Könchok Drönme
1859 – 1936
KHENPO Könchok Drönme265 (Könme) là một trong bốn đại khenpo nổi danh của Tu viện Dodrupchen. Ngài là một Đạo sư uyên bác và bậc lão thông thành tựu. Khenpo cũng được gọi là Lushül Khenpo, Dowa Khenpo, Könme Khenpo, và Lobzang Künkhyap. Ngài được coi là tülku của Tri Kongthang Tenpe Drönme (1762-1823) của Tu viện Labrang.
Khenpo sinh năm Thổ Mùi thuộc Rabjung thứ mười bốn (1859) trong nhóm bộ tộc Lushül ở Dzachukha trong một gia đình đã di cư từ Thung lũng Do ở Golok. Từ thời thơ ấu, ngài đã có khả năng thiên phú là chỉ cần nghe một lần với một cái liếc mắt là có thể thấu suốt các bản văn.
Từ Paltrül Rinpoche ngài nhận nhiều giáo lý, trong đó có Bodhicharyāvatāra (Nhập Bồ Tát hạnh). Một hôm ngài đi gặp Paltrül Rinpoche, người đang ở trong một cái lều nhỏ gần một gia đình có chiếc lều lớn. Vào lúc đó Paltrül không tiếp mọi người, và gia đình có nhiều chó dữ không để cho ai lại gần. Nhưng dù thế nào đi nữa thì Khenpo cũng không dừng lại. Ngài lén đi dọc theo một cái rãnh hẹp và chạy tới lều của Paltrül mà không bị người và chó phát hiện. Paltrül dũng cảm và thẳng thắn, nhưng Khenpo thì không sợ hãi. Paltrül nói: “Ông là một tên trộm hay đại loại như thế?” Khenpo nói: “Vâng, Abu Tsang [Bậc Trưởng lão]! Con muốn ăn trộm một ít giáo huấn vàng ròng của ngài.” Paltrül thích những người nói năng thẳng thắn và dũng cảm hơn là những lời lẽ có tính cách ngoại giao, lễ phép, hay xu nịnh, vì thế Khenpo đã nhận được câu trả lời cho những câu hỏi của ngài. Trong khi Khenpo ở với Paltrül, Paltrül cũng hoàn thành bức tường cầu nguyện khổng lồ bằng đá nổi tiếng của ngài và những hạt gia trì của Khyentse Wangpo trong lễ hiến cúng đã rơi xuống bức tường đá. Với Önpo Tendzin Norbu, Khenpo đã nghiên cứu bình giảng hai quyển sách Yönten Rinpoche Dzö.
Chẳng bao lâu cùng với gia đình, khi đi theo Dodrupchen đệ tam, Khenpo trở về Thung lũng Do, quê hương của tổ tiên ngài. Với Gyawa Dongak Gyatso, một đệ tử chính của Zhapkar Tsoktruk Rangtröl và Paltrül Rinpoche, ngài nghiên cứu hầu hết những bản văn Đại thừa của Asanga (Vô Trước), Nāgārjuna (Long Thọ), Chandrakīrti (Nguyệt Xứng), Dharmakīrti (Pháp Xứng), và Dignāga (Trần Na) và nhiều bản văn Mật thừa khác. Sau này ngài cũng nhận nhiều sự trao truyền sâu xa và những giáo huấn từ Dodrupchen đệ tam.
Khenpo trở thành một đại học giả về những bản văn Kinh thừa và Mật thừa của cả hai truyền thống Nyingma và Geluk. Ngài cũng biết về y học và bận rộn chẩn đoán và tặng thuốc miễn phí cho dân chúng địa phương. Ngài uyên bác về khoa chiêm tinh cũng như thiên văn học.
Bổn Tôn bảo hộ chính yếu của ngài là Chakrasamvara của truyền thống Đại Thành tựu giả Luyipa. Ngài đã trì tụng hơn ba trăm triệu thần chú của Chakrasamvara. Ngài nổi danh về việc đạt được huyễn thân (sGyu Lus) nhờ thực hành Chakrasamvara. Một bậc thành tựu huyễn thân có thể chuyển hóa tâm ngài thành thân thiêng liêng của Bổn Tôn và du hành tới những cõi tịnh độ khác nhau và sau đó quay trở lại thân bình thường của ngài. Tuy nhiên, Khenpo không công khai thừa nhận thành tựu như thế và chỉ nói: “Bởi lòng sùng mộ mãnh liệt của tôi, bất kỳ khi nào tôi nhớ tới Bổn Tôn bảo hộ của tôi, tôi lập tức cảm thấy một sự hỉ lạc làm dựng tóc gáy. Tôi vô cùng hài lòng với một thành tựu như thế.” Ngài có nhiều linh kiến thanh tịnh về chư Phật và Bổn Tôn và nhận những gia hộ và thành tựu.
Ngài có thể nhìn thấy chúng sinh trong những hình tướng khác nhau mà chúng ta không thể nhìn thấy. Chẳng hạn như, khi còn trẻ ngài có một linh kiến trước sau như một về một người đàn bà trông già nua, xấu xí, và giận dữ, nhưng là một thiền giả, Khenpo đã nhìn bà như một hình ảnh thiêng liêng. Những năm sau này, bà biến thành hình ảnh thanh tịnh của Ekajatī, suối nguồn và người bảo quản các tantra (Mật điển).
Ngài cũng có nhiều lần chạm trán với Nyima, một thế lực tinh linh hãm hại luôn luôn quấy nhiễu ngài. Người ta nói rằng thế lực này đã gây nên bệnh tật cho Düdjom Lingpa và Dodrupchen đệ tam. Một hôm, thế lực tinh linh lại tới gặp ngài. Với lòng đại bi trong tâm, Khenpo lập lại ba lần: “Ta sẽ không bao giờ từ bỏ ông với lòng bi mẫn của ta cho tới khi ông trở nên giác ngộ!” Sau đó, không chỉ Khenpo mà ngay cả những đệ tử của ngài cũng được tinh linh để yên.
Một hôm, một đệ tử đang cố gắng thắp một ngọn đèn bơ trong một thời gian dài nhưng không thành công. Khi ấy Khenpo cười, và tim đèn lập tức bắt lửa. Đệ tử hỏi Khenpo: “Điều gì xảy ra?” Khenpo nói: “Với ý nghĩ ngọn đèn là một thân của nước, ta tan hòa vào thiền định.”
Trong phần cuối của đời ngài, Khenpo chủ yếu sống tại Tu viện Dodrupchen như một trong bốn Khenpo chính và đặc biệt tập trung vào việc giảng dạy và thiền định. Ngài không chỉ là một học giả vĩ đại mà còn là một người đọc được tâm của các đệ tử một cách nhanh chóng. Các bài nói chuyện của ngài thật sống động, dễ hiểu, giảng giải chi tiết, và có ý nghĩa sâu xa.
Ngài cao và lớn xương, với xương sọ lớn và xương gò má cao như xương của một con sư tử. Trong nhiều thập niên ở cuối đời ngài, ngài trở nên thật nặng nề và không thể ra khỏi nhà của ngài ở trên đồi nếu không có hai người mạnh mẽ giúp đỡ với toàn thể sức mạnh của họ.
Khenpo sống trong một ngôi nhà hai tầng với sách và những pháp khí. Nhà của ngài ở giữa những tảng đá và cây bách xù, giữa đồi và phía sau Tu viện Dodrupchen, nhìn xuống toàn bộ tu viện và cánh đồng Tsangchen. Ngài sống một mình trong nhà. Trước lúc bình minh ngài đã bắt đầu cho các thực hành thiền định và trì tụng. Sau đó ngài dùng điểm tâm gồm sữa chua và bánh (zhun). Chẳng bao lâu ngài lại tiếp tục khóa thiền định kéo dài cho đến khi một số đệ tử của ngài tới vào khoảng mười một giờ. Các đệ tử rửa sạch và rót đầy nước vào sáu trăm chén cúng dường, một số người thực hiện lễ cúng dường hàng ngày của ngài gồm một trăm đèn bơ, và một người làm bữa trưa (hay chỉ là trà) cho ngài. Khi các đệ tử đã chuẩn bị việc cúng dường xong, ngài chấm dứt bữa trưa, và họ cùng nhau đọc bài nguyện cúng dường. Sau đó ngài bắt đầu giảng dạy.
Khi thầy tôi, Kyala Khenpo, đang học với ngài, Khenpo Könchok Drönme dạy hai hay ba lớp, hay thỉnh thoảng thậm chí tới bảy lớp mỗi ngày. Ngài dùng hầu hết thời gian để dạy khoảng bảy mươi đệ tử. Ngài không có khóa giảng dạy đặc biệt mà dạy theo ước muốn và nhu cầu của các đệ tử. Ngài có thể dạy các tantra cho những đệ tử tiến bộ nhất; Madhyamaka (Trung quán), Prajnāpāramitā (Bát nhã ba la mật), hay Abhidharma (Vi diệu pháp, A tỳ đàm) cho những đệ tử cao cấp, luận lý cho người mới bắt đầu, và những bản văn đơn giản cho các đệ tử bình thường trong cùng một ngày. Ngôn từ và ý nghĩa của những bản văn gốc của Nāgārjuna (Long Thọ), Asanga (Vô Trước), Dharmakīrti (Pháp Xứng), Chandrakīrti (Nguyệt Xứng), và những người khác thì ở trong trí nhớ của ngài. Ngài cũng nhớ ý nghĩa của nhiều bình giảng của các vị Thầy đó. Thường thì ngài không chấm dứt những bài giảng trước khi trời tối. Sau đó một số đệ tử sẽ thắp những ngọn đèn bơ và cùng nhau tụng bài cầu nguyện. Kế đó Khenpo dùng trà. Khi những ngọn đèn bơ đã được đốt hết, các đệ tử lau chùi đèn và để Khenpo ở lại một mình cho tới trưa hôm sau. Về cấu trúc của các khóa học của ngài, Lauthang Tülku Drachen viết:
Trước tiên ngài dạy các bản văn Tuyển tập các Vấn đề Cơ bản (bsDus Gra), Khoa học về Trí tuệ (Blo Rigs), Khoa học về Lý luận (rTags Rigs), và Năm Bản văn (bKa’ Bod lNga),
Kế đó là bình giảng về chương giới luật của bodhisattvabhumi (Bồ Tát địa),
Và sau đó Năm mươi Bài Kệ về việc Có một vị Thầy và những bản văn về các giới luật Mật thừa.
Bình giảng về Năm Giai đoạn của Guhyasamaja về những quán đảnh và giai đoạn phát triển, và
Sau đó các tantra của Vajrabhairava, Chakrasamvara, và Kālachakra.
Tiếp theo là Guhyagarbha-māyājāla-tantra (Mật điển Bí mật tập hội).
Ngài kết thúc những giáo lý này bằng dẫn nhập thiêng liêng của Đại Viên mãn.
Đây là truyền thống giảng dạy của Lạt ma Cao quý Toàn tri.
Bởi cách tiếp cận không bộ phái của Khenpo đối với sự uyên bác và việc các giáo lý của ngài gồm các bản văn Nyingma và Geluk nên một số học giả Nyingma cảm thấy không thoải mái. Có một tin đồn là khi Kathok Situ Chökyi Gyatso (1880-1925) viếng thăm Khenpo, các thị giả của Situ đã chứng kiến các tác phẩm của Tsongkhapa được bọc trong lụa và gấm thêu và những tác phẩm của Longchen Rabjam thì phủ đầy bụi. Điều đó hoàn toàn không đúng. Các tác phẩm của Longchen Rabjam được gói trong hai lớp bao, lụa hay gấm thêu và vải, như những tác phẩm của Tsongkhapa.
Khi viếng thăm nhiều tu viện và địa điểm ở Golok, Khenpo giảng dạy những bản văn uyên thâm và ban những trao truyền Mật thừa. Ngài đã làm lễ thọ giới cho hàng trăm tăng và ni và đã thiết lập những truyền thống nhập nhất trong mùa mưa hàng năm ở nhiều tu viện.
Trong sáu tháng tại Tu viện Tarthang ở Golok ngài đã ban toàn bộ giáo lý về Abhisamayālamkāra (Hiện Quán Trang nghiêm) và những bản văn chính yếu khác cho Choktrul Rinpoche, Thupten Chökyi Dawa (1894-1959), và những đệ tử được tuyển chọn khác, và Akong Khenpo làm vị trợ giảng (sKyor dPon) cho ngài. Đối với các tülku và tu sĩ trẻ của Tarthang, ngài ban các giáo lý về Bodhicharyāvatāra (Nhập Bồ Tát hạnh). Tại Tu viện Göde Dzogchen Namgyal Ling, trụ xứ của Chöying Tobden Dorje tại Rekong, ngài giảng dạy và thiết lập khóa nhập thất mùa mưa hàng năm.
Sau khi ba đại khenpo khác đã mất và sau đó ngài Dodrupchen qua đời năm 1926, toàn bộ trách nhiệm duy trì mức độ uyên bác độc nhất vô nhị của Tu viện Dodrupchen được đặt lên vai Khenpo. Trong hơn một thập kỷ ngài đã giảng dạy không ngừng và không để cho tu viện bị ảnh hưởng bởi những mất mát to lớn. Quả thực mọi người hầu như không cảm thấy việc tu viện đề cao sự học tập phải chịu bất kỳ tác động nào. Vào thời đó, hầu như không học giả nào ở những vùng Golok hay Ser mà không là đệ tử của Tu viện Dodrupchen và của bản thân Khenpo. Sau khi Khenpo mất, mặc dù có những đại khenpo ở Tu viện Dodrupchen, những đệ tử giỏi đến từ những tu viện và miền khác đã trở về quê hương của họ, và Tu viện Dodrupchen trải qua một sự suy tàn ghê gớm trong ngót hai thập kỷ. Khi hồi tưởng lại, tôi có thể thấy là tu viện đã sa sút ra sao vào thời điểm tôi đến đó.
Khenpo không sống như một ẩn sĩ, như Amye Khenpo và Garwa Khenpo của Tu viện Dodrupchen đã làm. Ngài nổi danh về việc có những tiện nghi của một căn nhà đẹp, thực phẩm ê hề, và quần áo tuyệt đẹp, ngoài ra còn có thư viện riêng khổng lồ và bộ sưu tập tuyệt vời những pháp khí cũ và mới. Tuy nhiên, ngài đã sử dụng tất cả những vật chất khác mà người ta cúng dường cho ngài để bảo trợ cho việc phát thuốc miễn phí, cho những lễ cúng dường đèn bơ hàng ngày của ngài, và để chi trả cho việc in ấn và kéo những lá cờ thần chú Trường Thọ đầy ngập ngọn đồi quanh nhà ngài. Tu viện Dodrupchen nằm trong một miền nghèo khổ, nhưng sau này tiêu chuẩn sống của vùng này đã được cải thiện. Nhiều người tin rằng đó là nhờ những công đức được khơi dậy bởi những vật cúng dường rộng rãi quanh năm của Khenpo. Ngoài ra, trong nhiều năm, Tu viện Dodrupchen phải chịu những bệnh dịch. Phù hợp với những điềm trong giấc mơ của ngài, Dodrupchen đệ tam đã khuyên Khenpo bao quanh tu viện bằng những lá cờ thần chú Trường Thọ. Khenpo đã thực hiện điều này và duy trì nó năm này sang năm khác, và từ đó trở đi dân chúng không bị bệnh dịch nữa.
Bản thân Khenpo thừa nhận rằng ngài thành công trong việc phụng sự Giáo Pháp. Kyala Khenpo nhắc tới ngài khi nói: “Tôi có cảm tưởng rằng không có điều gì mà chúng ta không làm để truyền bá Pháp, cả Kinh điển lẫn Mật điển, tại Do-me [miền Đông Tây Tạng], với Rinpoche như thân cây và chúng ta, các khenpo, như những cành cây.”
Trong số những tác phẩm chính yếu của ngài có Đề cương của Abhisamayālamkāra (Hiện Quán Trang nghiêm) và một Bình giảng về Luận lý, nhưng cả hai đã biến mất trong những chuyển biến chính trị. Hôm nay, những gì chúng ta có trong những tác phẩm chính của ngài là La-me Gonggyen (Pháp bảo của những Linh kiến của Lạt ma), một bản văn làm sáng tỏ những vấn đề quan trọng của nền tảng, con đường, và quả của Đại thừa và đặc biệt là của các tantra nội; Một Chú giải về Đề cương của Guhyagarbha-tantra; và Một Chú giải về Yumka Dechen Gyalmo.
Năm 1934, Khenpo bắt đầu ban những bài học cho hai vị Dodrupchen Rinpoche. Sau khi chấm dứt các lớp học về các bản văn cơ bản, ngài giảng cho các vị Thầy này Yönten Rinpoche Dzö với những bình giảng. Ngài đã chấm dứt phần Kinh điển của bản văn và đang bắt đầu phần Mật điển. Bất thình lình, vào tuổi bảy mươi bảy, Khenpo suy sụp bởi một loại bệnh hàn hay cúm. Có vẻ không nghiêm trọng, nhưng ngài ngừng dạy một thời gian. Ngài di chuyển tới chùa Guhyagarbha-tantra để gần hội chúng các tu sĩ, những người đang cử hành lễ cầu trường thọ trong nhiều ngày cho ngài. Rồi lúc đầu buổi tối ngày hai mươi tám tháng mười hai năm Mộc Hợi (1936) ngài bảo các đệ tử của ngài, Khenpo Jamtön, Kutruk của Gunang, và Kulo của Rekong, những người đang có mặt với ngài vào lúc đó:
“Ta có một giấc mơ [mặc dù các đệ tử của ngài đang nhìn ngài đoan chắc rằng ngài không ngủ]. Một người đàn bà bảo ta: ‘Sokhe Chomo nói: “Sự thiền định chói lọi hiện tại là sự chứng ngộ tánh Không. Đó là bởi nếu đây không phải là tánh Không, bản tánh của sự hiểu biết nguyên sơ, thì trí tuệ nguyên sơ của Pháp giới tối thượng của Phật quả cuối cùng sẽ không thể được thiết lập bởi không thể phân biệt được. [Sự thiền định chói lọi hiện tại] này là đức hạnh tráng lệ quý báu [Yon Tan Rin Ch’en rGyal Po]. Đó là bởi nếu mọi đức hạnh của kết quả không hiện diện tự nhiên [trong đó] mà không cần phải tìm kiếm thì trí tuệ nguyên sơ của chư Phật và sự thiền định chói lọi hiện tại sẽ không thể được thiết lập bởi không thể phân biệt được.”’
“Ta nói với người đàn bà: ‘Phải, đó là một sự hiểu biết viên mãn. Trong mọi trường hợp, nếu ta mở rộng điều đó thêm nữa bằng cách thiền định về nó bằng con đường của sự suy niệm tự nhiên không chỉnh sửa [Ma bChos Chog bZhag], và nếu ta chứng ngộ sự viên mãn tuyệt đối của giác tánh nội tại, thì [sự thiền định chói lọi] này sẽ trở thành năm trí tuệ nguyên sơ. Sự quang minh và vô niệm không xuất hiện như hai che chướng là trí tuệ nguyên sơ như gương (Đại viên cảnh trí). Sự thoát khỏi việc rơi vào những thiên kiến và giới hạn là trí tuệ nguyên sơ của nhất thể tánh (Bình đẳng tánh trí). Sự thấu suốt mọi sự hiện hữu có tính chất hiện tượng mà không lầm lạc là trí tuệ phân biệt nguyên sơ (Diệu quan sát trí).
Sau đó Khenpo uống một hớp nước nghệ tây, và an tọa trong tư thế “thư thản trong trạng thái tự nhiên của tâm” và nói: “Các ông nghĩ gì?”
Với những lời đó, ngài tan hòa vào thiền định chói lọi của bản tánh tối thượng, về điều mà ngài đang nói. Ngài an trụ trong thiền định chói lọi trong vài ngày, là điều thông thường đối với nhiều thiền giả vĩ đại. Trong thời gian đó, mặc dù tim ngài đã ngừng đập và mạch không nhảy, ngài vẫn ngẩng đầu, giữ thân thẳng thắn, và duy trì một ít hơi ấm trong tim, là dấu hiệu cho thấy ngài vẫn ở trong thiền định chói lọi, hay ngài có một kinh nghiệm tốt đẹp về thiền định chói lọi. Một thiền giả chứng ngộ và duy trì thiền định chói lọi của tâm họ có thể hợp nhất nó với thiền định chói lọi phổ quát hay bên ngoài khiến mọi hình tướng xuất hiện tự nhiên như năng lực hiển nhiên của chính tâm của họ. Đó là sự thành tựu Phật quả hay Pháp thân, chân lý tối thượng.
Theo truyền thống, sau một vài ngày, bằng những buổi lễ và những lời cầu nguyện, nhục thân của Khenpo được hỏa thiêu trong một bảo tháp là một kiến trúc tạm thời mà sau đó được đóng kín lại. Sau vài ngày, khi các đệ tử mở bảo tháp để thâu thập tro cốt của ngài, họ tìm thấy hàng trăm xá lợi có màu trắng, đỏ, vàng, và xanh dương, xuất hiện và đang xuất hiện từ xương bị đốt cháy. Xá lợi nhiều màu thật hiếm có và là một dấu hiệu của thành tựu vĩ đại nhờ thiền định Đại Viên mãn. Sau này, các đệ tử xây một bảo tháp bằng vàng và đặt hầu hết xá lợi ở trong đó. Trong mề đay của tôi có một bộ bốn viên xá lợi bốn màu, nhưng cũng vào khoảng thời gian bảo tháp bằng vàng ở Tu viện Dodrupchen bị phá hủy thì tôi mất chiếc mề đay ở Ấn Độ. Có vẻ là khi tới lúc, mọi sự được cho là tiến triển theo cách này hay cách khác.
Tại tu viện Dodrupchen, Kyala Khenpo được chỉ định là một khenpo, để thay thế cho vị Đạo sư quá cố của ngài. Ta-re Lhamo (Namkhe Pumo, sinh năm 1937), con gái của Apang Tertön Ogyen Thrinle Lingpa (?-1945); và tác giả quyển sách này, Tülku Thondup (sinh năm 1939), được xác nhận là các tülku của Lushül Khenpo.