Chương II: Phật giáo ở Tây Tạng
PHẬT GIÁO ở Tây Tạng bắt đầu từ thế kỷ thứ bảy, trong triều đại của Vua Songtsen Gampo (617-698). Trong thế kỷ thứ chín, vào thời của Vua Trisong Detsen (790-858), Shāntarakshita, Guru Rinpoche (Đức Padmasambhava, Liên Hoa Sanh), Vimalamitra, và nhiều học giả và hiền nhân vĩ đại nhất của thời đại đó ở Ấn Độ đã được mời sang Tây Tạng. Với hàng trăm dịch giả, các ngài đã dịch giáo lý Hīnayāna, Mahāyāna, và Vajrayāna sang tiếng Tây Tạng. Tây Tạng trở thành một trung tâm phát triển cho toàn bộ các loại giáo lý đạo Phật. Từ thế kỷ thứ chín cho tới giữa thế kỷ hai mươi, Tây Tạng đã bảo tồn giáo lý của ba thừa trong một sự trao truyền không đứt đoạn.
Tất cả những người Tây Tạng đều là Phật tử, theo Mahāyāna và Vajrayāna. Giữa Hīnayāna và Mahāyāna có nhiều khác biệt về triết học, giới luật, và những nguyện ước, nhưng thái độ được cho là vấn đề chính yếu để phân biệt hai thừa này. Người thực hành Phật giáo chủ yếu là vì hạnh phúc và sự giải thoát của bản thân là một người theo Hīnayāna. Người thực hành với Bồ đề tâm, thái độ nhận trách nhiệm vì hạnh phúc và sự giải thoát của những người khác, là một người theo Mahāyāna, một Bồ Tát. Ở Tây Tạng, ít nhất vào lúc bắt đầu một thời khóa thực hành, nếu ta bắt đầu với sự phát triển Bồ đề tâm, thì ta đang cố gắng để trở thành một môn đồ của con đường Mahāyāna (Đại thừa).
Không những trong các Lạt ma và tu sĩ mà cả các cư sĩ, không ai ở Tây Tạng mà không nhận những quán đảnh để tu tập Mật thừa; vì thế, tất cả những người Tây Tạng cũng là các môn đồ của Mật thừa. Ở Ấn Độ cổ, tantra được thực hành bí mật, nhưng ở Tây Tạng hầu hết các tantra được thực hành mà không bị nhiều hạn chế. Các vị Thầy quan sát rằng việc thực hành tantra tùy thuộc vào lòng kính ngưỡng (sùng mộ) đối với giáo lý, đến nỗi lòng kính ngưỡng bảo đảm cho một người được nhận các giáo huấn. Xứ Ấn Độ không bao giờ hoàn toàn hiến mình cho Phật giáo, nhưng toàn bộ xứ Tây Tạng theo đạo Phật; vì thế sự cần thiết phải giữ bí mật và sự phân biệt trong việc cho phép nghiên cứu các tantra ở hai nơi này thì không giống nhau.
Ngoài các giáo lý Mahāyāna và Vajrayāna, nhiều Kinh điển Hīnayāna, chẳng hạn như bốn sự phân chia các bản văn vinaya (Luật tạng) và nhiều Kinh điển, tạo thành nền tảng của thực hành Phật giáo ở Tây Tạng. Vì thế Tây Tạng là một xứ sở trong đó toàn bộ giáo lý Phật giáo được bảo tồn và thực hành triệt để.
Các trường phái khác nhau – bốn truyền thống chính và nhiều truyền thống phụ – của Phật giáo đã xuất hiện ở Tây Tạng. Những cách hiểu giáo lý Kinh điển thay đổi với những học giả Tây Tạng, nhưng những phân biệt chính yếu nằm trong những cách hiểu và thực hành tantra. Các tantra được dịch từ Phạn ngữ trước thế kỷ mười một được gọi là Ngak Nyingma, “tantra cũ,” và các tantra được dịch trong và sau thế kỷ mười một được gọi là Ngak Sarma, “tantra mới.” Có những tantra được dịch trong thời kỳ đầu lẫn thời kỳ sau, nhưng nhiều tantra được dịch trong thời kỳ đầu nhưng không được dịch lại trong thời kỳ sau. Một số tantra được dịch trong thời kỳ đầu đã bị thất lạc, vì thế chỉ những bản dịch trong thời kỳ sau là còn tồn tại. Và một số bản dịch lúc đầu được hiệu đính trong thời kỳ sau và tồn tại như các tantra của những trường phái lúc ban đầu và sau này. Các tantra riêng của phái Nyingma là ba tantra nội, tức là các tantra Mahāyoga, Anuyoga, và Atiyoga.
Kết quả là bốn dòng hay trường phái chính đã phát triển ở Tây Tạng. Trường phái của truyền thống Phật giáo Mật thừa nguyên thủy của Tây Tạng được gọi là Nyingma, Cổ Phái. Các môn đồ của tân tantra đã phát triển thành ba trường phái khác:
1. Kagyü, do Marpa Lotsāwa (1012-1099) sáng lập
2. Sakya, do Khön Könchok Gyalpo (1034-1102) sáng lập
3. Geluk, do Je Tsongkhapa (1357-1419) sáng lập
Trong truyền thống Kinh điển không có sự phân chia những bản dịch cũ hay mới (cựu dịch hay tân dịch). Nhưng sự phân chia áp dụng cho các Kinh điển ở Tây Tạng là phân chia của những truyền bá lúc ban đầu và sau này. Sự truyền bá lúc ban đầu (bsTan Pa sNga Dar) ám chỉ những giáo lý được truyền bá trước triều đại của Vua Lang Darma, người được quy cho tội hủy diệt Phật giáo, là tôn giáo ngoại quốc, ở Tây Tạng. Sự truyền bá sau này (Phyi Dar) bắt đầu với việc củng cố lại Kinh điển Phật giáo sau việc ám sát Lang Darma vào năm 906. Sự khẳng định có tính cách lịch sử của phái Nyingma liên quan tới thời kỳ chuyển tiếp do việc bỏ đạo của triều đình gây ra là trong khi Phật giáo Kinh thừa bị ngăn cấm thì sự bức hại đã không hủy diệt được việc thực hành Phật giáo Mật thừa, bởi việc thực hành đó không phụ thuộc vào một cấu trúc tu viện và có thứ bậc hữu hình, và cũng bởi sợ hãi năng lực của tāntrika vĩ đại Nupchen Sangye Yeshe, người đã đe dọa vua Lang Darma bằng một sự phô diễn những điều thần diệu.
Nhiều Kinh điển và tantra (Mật điển) đã được dịch thuật trong thời kỳ truyền bá ban đầu được dịch lại hay hiệu đính trong giai đoạn truyền bá về sau, khiến cho, mặc dù một vài thay đổi trong nguyên bản, chúng đều chung nhất trong cả hai giai đoạn. Ví dụ như những Kinh văn sau đây còn tồn tại các bản dịch lúc ban đầu và về sau: hầu hết trong số mười ba quyển Vinayapitaka (Luật Tạng); toàn bộ bản văn Prajnāpāramitā (Bát nhã ba la mật đa); toàn bộ sáu quyển Ratnakūta (Kinh Đại Bảo Tích); sáu quyển Avatamsaka (Kinh Hoa Nghiêm); nhiều Kinh điển và Mantrasamgraha; và Mahāparinirvāna-sūtra (Kinh Đại Bát Niết Bàn), tất cả những gì thuộc về Kanjur (bKa’ ‘Gyur), tuyển tập các giáo lý Kinh điển của Đức Phật (trong 104 quyển gồm khoảng 1.046 luận thuyết). Nhiều bản văn Tenjur (bsTan ‘Gyur), tuyển tập những tác phẩm của các học giả Ấn Độ (trong 185 quyển gồm khoảng 3.786 luận thuyết) được dịch sang tiếng Tây Tạng, cũng được giữ gìn trong cả tân dịch lẫn cựu dịch. Môn đồ của cả hai sự truyền bá đồng ý với nhau trong việc chấp nhận tất cả Kinh điển là xác thực và trong việc thực hành chúng. Những dị biệt xuất hiện do những cách giải thích khác nhau về các bản văn của các học giả Tây Tạng cũng như sự khác biệt trong việc định rõ những bản văn có “ý nghĩa tuyệt đối” (Nges Don, liễu nghĩa) và những bản văn có “ý nghĩa tương đối” (Drang Don, bất liễu nghĩa).
Liên quan tới việc phát hiện các tantra, các tantra chính trong Tân tantra được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng dạy trong khi Ngài tự hiển lộ là những Bổn Tôn Báo thân. Các môn đồ của Tân tantra đã phân loại Phật giáo như sau:
BA THỪA THUỘC NGUYÊN NHÂN:
Shrāvakayāna (Thanh Văn thừa)
Pratyekabuddhayāna (Độc Giác thừa)
Bodhisattvayāna (Bồ Tát thừa)
BỐN THẦN CHÚ THỪA THUỘC KẾT QUẢ:
Kriyāyoga
Charyāyoga
Yogatantra
ANUTTARATANTRA (Mật điển Du già Tối thượng):
tantra cha
tantra mẹ
tantra bất nhị
Theo các Nyingmapa, những môn đồ của các Tantra Cổ, hầu hết các tantra Nyingma do các thân trí tuệ của chư Phật ban cho những bậc lão thông Phật giáo vĩ đại. Nyingma phân loại toàn bộ giáo lý Phật giáo thành chín yāna (chín thừa).
BA THỪA BÍ MẬT:
1. Shrāvakayāna (Thanh Văn thừa) [Hīnayāna]
2. Pratyekabuddhayāna (Độc Giác thừa) [Hīnayāna]
3. Bodhisattvayāna (Bồ Tát thừa) [Mahāyāna]
Sáu Thừa Mật điển [Vajrayāna]:
BA THỪA NGOẠI:
4. Kriyāyoga
5. Charyāyoga
6. Yogatantra
BA THỪA NỘI:
7. Mahāyoga (Đại du già)
8. Anuyoga (A nậu du già)
9. Atiyoga (Đại Viên mãn)
Ba tantra nội là những tantra đặc biệt của Nyingma. Đặc biệt là Atiyoga, hay Dzopa Chenpo (Phạn ngữ: Mahāsandhi hay Ati), là đỉnh cao của Phật giáo. Một người có sự thông tuệ thượng thừa thực hành con đường này với sự tinh tấn sẽ đạt được trạng thái tuyệt đối trong ba năm; một người có mức độ thông tuệ trung bình sẽ đạt được trong sáu năm; và một người kém thông tuệ sẽ thành tựu trong mười hai năm.
Một số các tantra trong ba tantra nội được bao gồm trong tuyển tập Kanjur, nhưng có một tuyển tập riêng biệt của ba tantra nội được gọi là Nyingma Gyübum trong hai mươi lăm (hay ba mươi mốt) quyển. Cũng có nhiều tantra của truyền thống này xuất hiện tự nhiên trong tâm của các Đạo sư chứng ngộ. Có nhiều bản văn sādhana và tantra được Guru Rinpoche trao truyền, những giáo lý này do Guru Rinpoche và phối ngẫu của ngài cất dấu và được hàng trăm tertön khám phá lại như Terma (gTer) vào những thời đại khác nhau, từ thế kỷ mười một cho tới nay.
Tự thân Atiyoga có ba phần: Semde, Longde, và Me-ngagde. Đạo sư Shrīsimha phân chia Me-ngagde thành bốn giáo khóa, tức là các Giáo khóa Nội, Ngoại, Bí mật, và Bí mật Thâm sâu. Các giáo lý Me-ngagde nói chung, và đặc biệt là Giáo khóa Bí mật Thâm sâu, được gọi là Nyingthig (Tinh túy Thâm sâu).
Nhờ thực hành Trekchö (Khreg Ch’od, cắt đứt) của Atiyoga nói chung, và đặc biệt là của Nyingthig, nhiều thiền giả chứng ngộ bản tánh nội tại của tâm và nhanh chóng hòa nhập tâm mình vào bản tánh tối thượng, Phật quả, ngay trong đời này. Vào lúc chết, với những tia sáng, hương thơm, và những vòng ánh sáng, nhiều vị tan biến nhục thân, chỉ để lại tóc, móng tay, và móng chân. Điều đó được gọi là thành tựu thân cầu vồng hay thân ánh sáng cầu vồng (‘Ja’ Lus), bởi ánh sáng xuất hiện trong tiến trình tan rã và các ngài đã đạt được thân ánh sáng-trí tuệ của Báo thân.
Nhờ thực hành Thögal (Thod rGal, sự tiếp cận trực tiếp) của Nyingthig, các thiền giả vĩ đại cũng đạt được Phật quả, và vào lúc chết, nhiều vị chuyển hóa nhục thân thành thân ánh sáng, và an trụ lâu dài trong đó theo ý muốn, và chỉ có những bậc chứng ngộ mới có thể nhìn thấy thân ánh sáng đó. Điều này được gọi là thân cầu vồng của sự đại chuyển hóa (‘Ja’ Lus ‘Pho Ba Ch’en Po).
Ngoài mười bảy tantra (rGyud bChu bDun), Nyingthig bao gồm nhiều tantra và giáo lý khác do các tertön khám phá. Ví dụ như, Chetsün Nyingthig do Chetsün khám phá (và Khyentse Wangpo tái khám phá); Khandro Nyingthig do Pema Ledreltsal khám phá; Karma Nyingthig do Karmapa Đệ Tam Rangchung Dorje khám phá; Dorsem Nyingthig của truyền thống Vairochana do Künkyong Lingpa khám phá; Longchen Nyingthig do Jigme Lingpa khám phá; Bairö Nyingthig do Chögyur Lingpa khám phá, và Tsasum Ösal Nyingthig do Khyentse Wangpo khám phá. Những giáo lý tương tự cũng được tìm thấy trong nhiều giáo khóa của giáo lý Nyingma mà không được định rõ là Nyingthig, chẳng hạn như Gongpa Zangthal do Rigdzin Gödem khám phá; Dorje Nyingpo do Longsal Nyingpo khám phá; và Sangye Lakchang do Namchö Mingyur Dorje khám phá.
Trong tất cả những giáo lý Nyingthig này, Vima Nyingthig, được Vimalamitra trao truyền ở Tây Tạng, và Khandro Nyingthig do Guru Rinpoche trao truyền, mà về sau này được truyền bá nhờ những phát hiện và tác phẩm của Longchen Rabjam (1308-1363), là những giáo lý sâu xa và phức tạp nhất về Nyingthig.
Trong thế kỷ mười tám, Jigme Lingpa (1730-1798) đã khám phá giáo khóa Longchen Nyingthig cùng với một vài tantra Nyingthig nguyên thủy như terma. Sự khám phá này đã đưa các giáo lý Nyingthig tới chỗ được nhiều người yêu quý nhất. Ngày nay, Vima Nyingthig và Khandro Nyingthig được gọi là Cựu Nyingthig và Longchen Nyingthig được gọi là Tân Nyingthig.