Chương III: Ba cách trao truyền trực hệ của các Tantra Nyingma nội nói chung
Những giáo lý Mật thừa nội tuyệt đối bí mật của Nyingma xuất phát từ Đức Phật nguyên thủy và đi tới các vị Thầy của chúng ta nhờ ba cách trao truyền. Đó là cách truyền tâm của chư Phật, trao truyền bằng biểu tượng của các Trì minh vương, và khẩu truyền của các nhà khổ hạnh.
SỰ TRUYỀN TÂM CỦA CHƯ PHẬT
Sự truyền tâm của chư Phật (rGyal Ba dGongs brGyud) là sự trao truyền độc nhất vô nhị tồn tại giữa các vị Phật. Chỉ bằng việc nhận ra ý nghĩa của các tantra nhờ vị Thầy (Phật), đoàn tùy tùng gồm các đệ tử (chư Phật là những hiển lộ của bản thân Ngài) cũng có cùng sự chứng ngộ. Đây là sự trao truyền bản tánh tâm của Thầy và đệ tử. Cũng có loại truyền tâm thứ yếu hay tương tự trong đó các đệ tử không là một với vị Thầy sẽ trở nên bất khả phân trong tâm với vị Thầy nhờ phương tiện là sự gia hộ của Thầy.
Dharmakāya (Pháp thân) an trụ không biến đổi suốt ba thời (quá khứ, hiện tại, và tương lai) trong thị kiến chói ngời về sự bất khả phân của Pháp giới và trí tuệ nguyên sơ, là Đức Phật nguyên thủy và bản tánh tuyệt đối của mọi hiện tượng.
Nhờ năng lực sự phô diễn của lòng bi mẫn bao la và sự quang minh tự nhiên của cái thấy về Pháp thân, bản tánh của trí tuệ nguyên sơ là cái không thể chỉ ra mà cũng không thể mô tả, năm thuận cảnh của Báo thân hiện diện. Vì vậy trao truyền này được gọi là sự giảng dạy của Pháp thân, mặc dù việc giảng dạy trực tiếp không thực sự xảy ra. Năm thuận cảnh là:
NƠI CHỐN: Cõi tịnh độ vô song, xuất hiện tự nhiên như tri giác vô cùng thanh tịnh của trí tuệ nguyên sơ.
ĐẠO SƯ: Vajradhara (Kim Cương Trì), đấng được trang hoàng đầy đủ những hảo tướng chánh và phụ.
ĐỆ TỬ: Chư Phật thuộc năm bộ và những mạn đà la như đại dương gồm các Bổn Tôn hòa bình và phẫn nộ, những vị bất khả phân với bản thân vị Thầy.
GIÁO LÝ: Giáo lý khó diễn bày của Vajrayāna sâu xa và thiêng liêng; bản tánh tuyệt đối của các hiện tượng.
THỜI GIAN: Ba giai đoạn của thời gian không biến đổi.
NHỮNG TRAO TRUYỀN BIỂU TƯỢNG CỦA CÁC TRÌ MINH VƯƠNG
Sự trao truyền biểu tượng của các trì minh vương (Rig ‘Dzin brDa brGyud) là sự trao truyền từ một vị Thầy hộ trì-trí tuệ đã chứng ngộ và hoàn thiện trí tuệ nguyên sơ của tantra cho các đệ tử Bồ Tát mà tâm thức đã hoàn toàn thuần thục để thọ nhận giáo lý. Vị Thầy tập trung tâm ngài, trí tuệ tỉnh giác nguyên sơ, và đơn thuần đưa ra biểu thị hay cử chỉ tượng trưng (mudrā, ấn) và thốt lên những chữ linh thiêng, những câu hay những bài hát tụng (thần chú), và khi đó đệ tử lập tức thấu hiểu ý nghĩa viên mãn của tantra. Cách trao truyền này cũng được gọi là trao truyền tỉnh giác của các Bồ Tát.
Như thế, các tantra đến thế giới con người qua hai giai đoạn trao truyền biểu tượng:
1. Trao truyền cho các Trì minh vương Phi nhân. Vajradhara (Kim Cương Trì), vị Thầy Mật thừa, tự hiển lộ như các Bồ Tát trong ba loại hiện thể (Rigs gSum) – Manjushrī (Văn Thù) trí tuệ, Avalokiteshvara (Quán Thế Âm) bi mẫn và Vajrapānī (Kim Cương Thủ) năng lực – và đã trao truyền những tantra cho các cõi trời, người, rồng, và dạ xoa bằng sự trao truyền biểu tượng.
Trong Cõi Trời Trayatrimsha (Đao Lợi), Cõi của Ba mươi ba vị Trời, trời Zangkyong có năm trăm con trai sinh ra từ tâm thức. Người lớn tuổi nhất, Künga Nyingpo, siêu việt hơn những người khác về trí tuệ và lòng dũng cảm. Ông thích sống một mình trong thiền thất và thực hiện những sự trì tụng kim cương. Ông được gọi là Adhichitta (Tăng Thượng Tâm, Bậc Có Tâm Phi thường). Trong các giấc mơ ông nhìn thấy bốn loại dấu hiệu:
Những tia sáng phóng chiếu từ chư Phật mười phương bao quanh toàn thể chúng sinh và tan biến vào đỉnh đầu ngài.
Ngài nuốt Brahmā (Phạm Thiên), Vishnu, và Maheshvara (Đại Tự Tại Thiên).
Ngài ôm mặt trời và mặt trăng trong tay, và những tia sáng trải rộng khắp thế giới.
Một trận mưa cam lồ đổ xuống từ những đám mây có màu sắc quý báu trong không trung và sản sinh vô vàn cây cối và hoa trái.
Sáng hôm sau ngài thuật lại giấc mơ cho Kaushika (Kiều Thi Ca) [Indra, Trời Đế Thích], một trong những bậc thủ hộ của các vị trời, vị này tán thán ngài trong những câu thơ sau:
Kỳ diệu thay! Đây là lúc giáo thuyết của tinh túy không dụng công sẽ xuất hiện.
Ngài là hiển lộ của chư Phật và Bồ Tát trong ba thời.
Ngài là Đạo sư thập địa và ánh sáng tuyệt vời của thế giới.
Ngài là Pháp bảo của cõi trời. Tuyệt diệu thay!
Sau đó Kaushika giải thích ý nghĩa của các giấc mơ. Giấc mơ thứ nhất biểu thị rằng Adhichitta đã đạt được sự thấu suốt của tất cả chư Phật và trở thành vị nhiếp chính của các Ngài. Giấc mơ thứ hai biểu thị rằng Adhichitta đã diệt sạch ma quân (những thế lực tiêu cực) và ba độc: tham, sân, và si. Giấc mơ thứ ba cho thấy ngài đã xua tan bóng tối trong tâm các đệ tử và trở thành ngọn Pháp đăng. Giấc mơ thứ tư chỉ ra rằng ngài đã làm an dịu những đau khổ do sức nóng của các ô nhiễm bằng chất cam lồ của giáo lý Atiyoga tự sinh và thành tựu tự nhiên kết quả không cần dụng công của Atiyoga.
Sau đó tất cả chư Phật tụ hội và khuyến thỉnh Đức Vajrasattva bằng những câu kệ sau:
Ngài là đấng sở hữu phương tiện thiện xảo đầy năng lực thần diệu quý báu,
Xin mở toang cánh cửa dẫn tới việc đáp ứng tất cả những gì một đệ tử ước muốn.
Xin ban cho người ấy của cải của sự không dụng công [giáo lý Dzopa Chenpo].
Sau đó từ trái tim của Vajrasattva một bánh xe nạm ngọc chói lọi xuất hiện, và ngài trao nó cho Sattvavajra27 (Kim Cương Thủ), thúc dục vị này bằng những lời kệ:
Con Đường trí tuệ nguyên sơ bất nhị, ý nghĩa bí mật,
Vô hành, vô công (không cần dụng công), giác ngộ từ vô thủy,
Được gọi là Trung Đạo Vĩ đại:
Xin chỉ bày con đường này cho các đệ tử.
Trong những vần kệ sau, Sattvavajra hứa sẽ giảng dạy:
Vajrasattva, Pháp giới vĩ đại.
Không phải là đối tượng của sự diễn tả bằng lời;
Tôi thật khó trình bày.
Nhưng đối với những chúng sinh không chứng ngộ, nhờ biểu thị của ngôn từ,
Để đưa họ tới sự chứng ngộ,
Tôi sẽ giải thoát những người tu tập bằng mọi phương tiện thích hợp.
Sau đó Sattvavajra nhận toàn bộ giáo lý Atiyoga từ năm bộ Phật. Sattvavajra xuất hiện trước Devaputra Adhichitta trong cung điện chiến thắng ở Cõi Trayatrimsha (Cõi Trời Đao Lợi) của các vị trời và ban cho Adhichitta toàn bộ các nhập môn qua sự trao truyền biểu tượng. Chỉ trong khoảnh khắc, ngài ban tất cả những tantra và giáo huấn và quán đảnh (gia lực) cho Adhichitta là nhiếp chính của ngài. Kế đó ngài nói những lời kệ sau:
Cầu mong tinh túy của giáo lý kỳ diệu,
Sau khi được truyền bá khắp ba cõi trời
Nhờ nam tử-tâm yếu hiển lộ,
Được truyền bá ở trung tâm của lục địa Jambu (Diêm Phù Đề, trái đất).
Sau đó, Adhichitta giảng dạy giáo lý Dzopa Chenpo (Đại Viên mãn) và truyền bá trong cõi trời.
2. Trao truyền các Tantra cho các Trì minh vương Phi-nhân và Con Người. Theo các Kinh điển, hai mươi tám năm sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị tịch, năm bậc lỗi lạc (Dam Pa’i Rigs Chan Dra-Ma lNga) tức là trời Yashasvī Varapāla, rồng Takshaka, dạ xoa Ulkāmukha, la sát Matyaupāyika, và Licchavi Vimalakīrti (người) – xuất hiện từ sự thiền định của họ. Nhờ năng lực tiên tri, họ biết rằng Đức Phật đã thành tựu Đại Niết bàn. Nhờ năng lực thần diệu, họ đã tụ hội trên đỉnh Núi Malaya trong xứ Lankā. Họ hát hai mươi ba bài ca thống thiết, trong đó có những dòng:
Than ôi, than ôi, than ôi! Ôi Sự Rộng lớn Bao la!
Nếu ánh sáng ngọn đèn của Đạo sư tắt đi,
Ai sẽ xua tan bóng tối của thế gian?
Được chư Phật khuyến thỉnh, Bồ Tát Vajrapāni (Kim Cương Thủ) xuất hiện trước họ và ban giáo lý của thừa thiêng liêng, tantra (Mật điển), là giáo lý lừng danh trong ba cõi trời Akanishtha (Tối thượng, Sắc cứu cánh thiên), Tushita (Đâu Suất), và Trayatrimsha (Đao Lợi).
Dạ xoa Matyanpāyika viết các tantra trên những phiến vàng bằng mực ma-la-chít và cất dấu chúng trong không trung.
Núi Malaya, nơi Vajrapāni đã tiết lộ các tantra cho năm bậc lỗi lạc, được Đại Thành tựu giả Kathok Getse nhận ra là Đỉnh Adam (hay Shrīpāda) ở Sri Lanka, và Kyabje Dudjom Rinpoche28 đồng ý với điều đó.
SỰ TRUYỀN KHẨU CỦA CÁC NHÀ KHỔ HẠNH
Sự truyền khẩu của các nhà khổ hạnh (rNal ‘Byor sNyan brGyud) là một sự trao truyền không phải do các thần thánh hay chư Phật, mà qua một con người trong thân tướng bình thường. Tuy nhiên, điều này chủ yếu nói đến sự xuất hiện của các ngài đối với các đệ tử hơn là bản tánh thực sự của những người trao truyền, trong đó có chư Phật và Bồ Tát chẳng hạn như Prahevajra (dGa’ Rab rDo rJe) và Guru Rinpoche.
Trong Künzang Lame Zhalung (Lời Vàng của Thầy tôi), Paltrul Rinpoche đã định danh sự nối tiếp từ Vua Ja và Prahevajra xuống tới Guru Rinpoche và Vimalamitra,v.v.. là “sự trao truyền biểu tượng.” Sự phân chia này chủ yếu được tạo lập trên nền tảng của tính chất thực sự của những trao truyền này. Nhưng trong bản tường thuật hiện tại thì những phân chia được lập trên nền tảng của truyền thống Nyingma nói chung.
Chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã ban những giáo lý Mật thừa bằng cách hiển lộ như những Bổn Tôn khác nhau của tantra. Nhiều bậc lão thông cũng mang về các tantra của những thừa ngoại từ những xứ sở khác nhau và thực hành chúng hết sức bí mật. Nhưng những tantra nội của Nyingma, là những giáo lý mà các bậc lão thông vĩ đại nhận lãnh từ chư Phật trong các linh kiến thanh tịnh và được giữ gìn tuyệt đối bí mật ở Ấn Độ, đã tới Tây Tạng, ở đó chúng phát triển và trở thành những giáo lý thiêng liêng nhất của Nyingma. Các tantra nội có ba loại: Mahāyoga, Anuyoga, và Atiyoga.