N. Chương XXXIV - XXXVI
Chương XXXIV: Kyala Khenpo Chechok Thöndrup
1893 – 1957
KYABJE Kyala Khenpo Chechok Thöndrup (Chöchok), Đạo sư và thầy trợ giáo của tôi, là một Bồ Tát bằng xương bằng thịt và Đạo sư của Giáo pháp.
Ngài cũng được gọi là Lobzang Champa và Mati. Như một người tu học bình thường ngài đã dâng hiến trọn vẹn trong nhiều năm cho việc nghiên cứu và tu tập và trở thành một khenpo thành tựu cao cấp.
Khenpo sinh năm Thủy Tị thuộc Rabjung thứ mười lăm (1893) trong Thung lũng Mar ở Golok. Thân mẫu ngài là Sötso. Thân phụ ngài là Yumko thuộc bộ tộc Kyala. Từ nhiều đời trước, tổ tiên ngài đã di cư từ làng Kyala trong Thung lũng Dzika.
Ngài trưởng thành tại Trang Nyi Ha (“giữa hai đường núi”) ở Thung lũng Mar Thượng xứ Golok. Từ thời thơ ấu ngài đã là một cậu bé khác thường, có tình thương và niềm tin trong trái tim. Khi còn trẻ, ngài trải qua hầu hết ngày tháng như một người chăn cừu, trông coi đàn trâu yak và cừu giữa những rặng núi, đó là tiêu chuẩn dành cho các cậu con trai trong những trại du cư. Ngài sống hầu hết đời mình với thú vật, hát những lời ngọt ngào hay đọc những lời cầu nguyện vào tai chúng, không đánh đập chúng bằng những viên đá như những người chăn nuôi khác thường làm. Trong khi chăm sóc thú vật, đôi khi ngài dùng nhiều giờ để đưa những con cá con từ những ao nhỏ hình thành sau những trận mưa sang những cái ao lớn hơn, bởi những cái ao đang khô cạn và cá sắp chết.
Ngài có một ông chú (1865-?) là một Đạo sư thành tựu. Khi chú ngài bảy tuổi, ông đã đi với Dodrupchen đệ tam như bạn đồng hành trẻ con của vị Thầy này để nhận giáo lý từ Paltrül Rinpoche. Từ người chú này, trong khi chăm sóc những thú vật, Khenpo vẫn nhận các bài học trong việc đọc các bản văn và học ý nghĩa của Pháp và cuộc đời của các Đạo sư.
Từ khoảng mười lăm tuổi, mỗi năm ngài đã có thể trải qua vài tháng tại ẩn thất của Garwa Long-yang, một tertön nổi tiếng, nhận giáo lý và sự dạy dỗ.
Năm mười chín tuổi, sau khi Garwa Long-yang mất, Khenpo nói với thân phụ về việc ngài quyết định đi tới Tu viện Dodrupchen ở thung lũng kế bên, cách khoảng hai ngày đi ngựa. Thân phụ ngài không nói một lời nào về vấn đề này trong nhiều ngày, đó là một cử chỉ không tán thành. Sự truyền thông không bằng lời nói tiếp tục trong một thời gian, nhưng cuối cùng thân phụ ngài từ bỏ việc chống đối.
Tại Tu viện Dodrupchen, Khenpo bắt đầu học tập với Garwa Khenpo và sau đó với Khenpo Könme, người trở thành vị Thầy chính của ngài.
Năm hai mươi tuổi ngài thọ giới tu sĩ. Chẳng bao lâu ngài từ chối không nhận mọi sự giúp đỡ vật chất của cha mẹ ngài. Nếu một người bắt đầu tu tập nghiêm chỉnh trong việc tu hành duy trì mối liên hệ mật thiết với gia đình hay bạn hữu, người ấy không thể hiến trọn tâm mình cho việc tu hành tâm linh, bởi người ấy sẽ bị vướng kẹt do những ràng buộc cảm xúc và bổn phận. Kết quả của quyết định này là ngài phải đương đầu với vấn đề sinh kế. Tuy nhiên, ngài không bao giờ tiết lộ những khó khăn của ngài cho bất kỳ ai, bởi ngài sợ rằng người nào đó có thể đến giúp đỡ ngài và một sự trói buộc mới sẽ được tạo ra. Mỗi mùa thu, khi những người du cư đã thu thập bơ và phó mát và những nông dân đang thu hoạch, như tục lệ của nhiều tu sĩ, Khenpo đi khất thực ở một vài trại du cư lân cận hay các làng của những nông dân, và đôi khi tới cả hai vùng đó. Thực phẩm quyên góp được trong vài tuần khất thực đủ để ngài dùng trong cả năm.
Với Khenpo Könme, ngài học những tác phẩm của Dharmakīrti (Pháp Xứng) và Dignāna (Trần Na) về luận lý, sáu bản văn của Nāgārjuna (Long Thọ), năm bản văn của Asanga (Vô Trước), Madhyamakāvatāra (Nhập Trung Luận) của Chandrakīrti (Nguyệt Xứng), và Madhyamākalamkāra của Shāntarakshita về triết học Đại thừa, và Gunaprabha và Pema Wangyal về những giới luật. Ngài đã học các bản văn Lamrim Chenmo và ngöndro về những tu tập tổng quát, Gyhyasamaja, Guhyagarbha, và Ba Gốc của Longchen Nyingthig về tantra, và Yönten Dzö, Yeshe Lama, Dzödün, và Ngalso Korsum về Đại Viên mãn.
Trong quãng ngày tu học của ngài, ban ngày ngài dự các lớp học, tham gia những cuộc thảo luận, và dành nhiều giờ để học thuộc lòng những bản văn. Vào ban đêm ngài theo đuổi những nghiên cứu riêng và học thuộc lòng những bản văn trong phòng riêng. Những đêm có trăng, ngài đi ra ngoài đọc sách. Đôi khi, khi ánh trăng di chuyển lên sườn núi, ngài đi theo sau ánh trăng và đọc khi đi lên dốc. Đến sáng ngài phải xuống núi. Ngài đọc bằng ánh trăng bởi ngài không thể tạo ra nhiên liệu để đốt đèn. Khenpo luôn luôn bận rộn nghiên cứu những tác phẩm tôn giáo và triết học sâu xa, tụng đọc các bài nguyện, và thực hành thiền định và các sādhana của ngài. Ngài không bao giờ nghỉ ngơi, ngoại trừ khi ngủ khoảng bốn tiếng vào ban đêm.
Ngài đã nhận những giáo lý và trao truyền từ những khenpo khác và Tülku Pema Dorje của Tu viện Dodrupchen. Ngài cũng nhận những trao truyền từ Kathok Situ Chökyi Gyatso, Dzogchen Rinpoche đệ ngũ, Tertön Sögyal, và Rigdzin Chenmo ở Dorje Trak, khi các ngài viếng thăm Tu viện Dodrupchen.
Năm ngài khoảng ba mươi lăm tuổi, ngài bắt đầu tập trung vào những tu tập Mật điển và thiền định Đại Viên mãn. Nói chung ngài trải qua chín năm trong những khóa nhập thất dài hạn ở nơi hoàn toàn hẻo lánh. Trong một vài khóa nhập thất ngài được nghỉ vài ngày mỗi năm để nhận những quán đảnh từ Dodrupchen Rinpoche đệ tam và một vài giáo huấn từ Khenpo Könme, nhưng trong một vài khóa nhập thất ngài không có chút gián đoạn nào. Suốt đời ngài, ngài đã thực hiện những khóa nhập thất ngắn hay ít nghiêm nhặt kéo dài một trăm ngày hay một tháng. Ngài cũng thực hiện một vài khóa nhập thất trong một hay hai tháng về việc thụ hưởng tinh chất (bChud Len, rasāyana), tự duy trì sự sống chỉ bằng thuốc được rút ra từ tinh chất của hoa và một loại đá trắng được gọi là Chongzhi.
Công việc hàng ngày của ngài trong những khóa nhập thất dài hạn và nghiêm nhặt gồm có khoảng hai mươi phút cho bữa điểm tâm nhẹ, khoảng nửa giờ cho bữa trưa, và khoảng mười lăm phút cho bữa trà vào buổi tối. Vào ban đêm ngài ngủ khoảng bốn tiếng. Trong tất cả phần còn lại của ngày và đêm ngài nhất tâm trong thiền định.
Căn nhà mà ngài dùng để thực hiện hầu hết các khóa nhập thất ở ngay bên trên trụ xứ của Khenpo Könme trên một tảng đá, ẩn mình sau những tàng cây. Đó là một căn nhà nhỏ, gồm một phòng nhỏ, một cái bếp bé tí, một hàng hiên nhỏ xíu, và một nhà vệ sinh. Lúc bắt đầu một khóa nhập thất dài hạn, ngài đóng cửa căn nhà cho tới khi đầy đủ những tháng hay năm của khóa nhập thật. Ngài không thể nhìn thấy bất kỳ ai ở bên ngoài, cũng không ai nhìn thấy ngài. Ngài không thể nói chuyện với ai. Dĩ nhiên là cho tới khi kết thúc khóa nhập thất, không ai có thể vào nhà. Có một khoảng không gian trống trải ở trên mái cung cấp ánh sáng, qua đó ngài có thể nhìn thấy bầu trời, các đỉnh núi và cây cối. Những con chim nhỏ tới viếng thăm ngài qua cái mái mở ngỏ để thụ hưởng những món cúng dường của ngài. Đôi khi, một vài tiếng người nói hay những âm thanh của lễ nhạc được cử lên trong tu viện bay đến tai ngài. Có một cái lỗ nhỏ bên hông nhà qua đó một tu sĩ đưa thực phẩm và nước cho ngài trong những khoảng thời gian đều đặn.
Mọi người ngạc nhiên khi nhìn thấy ngài khỏe mạnh khi xuất hiện từ những khóa nhập thất dài hạn. Về sau ngài nói: “Trong thời gian đó tôi không bao giờ kinh nghiệm sự bực dọc nào. Và sau những tháng đầu tiên trong ẩn thất, tôi cảm thấy là mình sẽ không bao giờ ra khỏi đó, bởi trong sự cô tịch tôi đạt được sự an bình và hỉ lạc như thế. Cho dù tôi không thực hiện bất kỳ thiền định nào ở đó, ít nhất tôi đã được giải trừ khỏi những tư tưởng tiêu cực.”
Năm 1926, Khenpo ở trong ẩn thất. Ngài không biết là Dodrupchen đệ tam đã mất. Một buổi sáng trong bữa điểm tâm ngài nghe có người gọi người khác: “Lại đây và tham gia lau chùi quanh chùa. Từ ẩn thất nhục thân của Rinpoche sẽ được đưa vào trong.” Điều khác thường là cuộc chuyện trò nghe rất rõ và lớn. Ngài cảm thấy như bị sét đánh. Đối với ngài toàn thể thế giới trở nên trống rỗng và tăm tối. Ngài chỉ muốn đi thật xa, bởi không có lý do gì để sống quanh vùng đó nữa. Ngài chỉ còn biết nương tựa vào sự thiền định để sống còn, và ngài thiền định thêm nữa, điều đó mang lại sự tiến bộ và sức mạnh hơn nữa trong thiền định của ngài. Từ cái ngày ngài nghe nói Dodrupchen đã thị tịch, trong ba mươi năm còn lại của đời ngài, trừ phi ngài đang đi bộ hay đi ngựa, ngài luôn luôn an trụ trong tư thế tọa thiền mà không bao giờ nằm xuống. Ban đêm, ngài ngủ ngồi trong tư thế thiền định. Ngài nói: “Bằng cách ngồi, tôi ngủ bốn tiếng, nhưng nếu nằm xuống tôi sẽ ngủ lâu hơn, và như thế thời gian sẽ bị phí phạm thay vì được dùng để thiền định.”
Năm 1935, Khenpo thực hiện một khóa nhập thất nhẹ nhàng thay vì khóa nhập thất nghiêm nhặt, bởi Khenpo Könme đang bệnh. Trước khi ngài vào thất, ngài nói với Khenpo Könme: “Khi Dodrupchen mất, con cảm thấy không thể sống quanh đây được nữa. Nếu không có mặt ở đây để thiền định thì con đã bỏ đi rồi. Vì thế, khi ngài mất, con sẽ không thể sống ở đây. Ngài thực sự là người duy nhất mà con nương tựa.” Buổi sáng ngày hai mươi chín tháng mười hai (1936), có người gõ cửa phòng ngài và nói: “Khenpo [Könme] đã thay đổi cõi tịnh độ của ngài [đã mất] đêm qua.” Sau khi cử hành những nghi lễ kết thúc khóa nhập thất, ngày hôm sau ngài ra ngoài và tham dự tang lễ. Lần này ngài không kinh nghiệm nỗi đau buồn nhiều như khi Dodrupchen mất, và ngài tin rằng hẳn là Khenpo Könme đã cầu nguyện cho ngài.
Năm bốn mươi hai tuổi, sau cái chết của vị Thầy, ngài miễn cưỡng chấp nhận việc chỉ định ngài là một trong bốn khenpo chính yếu tại Tu viện Dodrupchen. Ngài bắt đầu ban giáo lý tại Dodrupchen và tại những tu viện khác cho các học viên trong đó có hai vị Dodrupchen Rinpoche trẻ tuổi.
Khi tôi được bốn tuổi (năm 1943), tôi được xác nhận và tôn phong là tülku của Khenpo Könme, tôi vô cùng may mắn khi Kyala Khenpo được chỉ định làm thầy trợ giáo của tôi. Từ năm 1944, tôi có cơ hội được học tập dưới chân ngài ngót mười bốn năm. Ngài không chỉ là một vị Thầy dạy Pháp của tôi mà còn là cha của tôi mà tôi thực sự biết rõ. Khi tôi còn nhỏ, tôi thường ngủ trong phòng ngài. Bất kỳ khi nào tôi thức dậy, tôi luôn luôn nhìn thấy khuôn mặt vui tươi của ngài, và ngài đang ngồi trong hộp thiền định, đang thiền định hay cầu nguyện, trong ánh sáng lờ mờ của những chiếc đèn bơ lung linh. Một năng lực vô biên của sự an bình, ấm áp, và kỳ diệu luôn luôn tràn ngập tâm thức đơn sơ của tôi và mang lại cảm xúc hoàn toàn an ổn, như nhiều người có thể nhớ lại những cảm xúc kỳ diệu như một đứa trẻ được bảo bọc bởi hơi ấm của cha mẹ thân yêu.
Trong khi tôi ở gần ngài, thời khóa biểu hàng ngày của Khenpo cũng giống như công việc thường nhật của Khenpo Könme thường là như sau. Hầu như ngài thức dậy khoảng ba giờ sáng và bắt đầu thiền định. Khoảng sáu giờ ngài dùng điểm tâm, nửa giờ sau tiếp tục thiền định. Khoảng mười một giờ tất cả chúng tôi tập họp lại, và sau khi cùng nhau cúng dường và cầu nguyện, chúng tôi dùng bữa trưa. Sau bữa trưa Khenpo bắt đầu việc giảng dạy, tổ chức từ một tới ba lớp mỗi ngày. Ngài giảng những bản văn sâu xa và khó hiểu nhất bằng những lời đơn giản nhất cùng những giải thích chi tiết. Giống như bất kỳ khenpo nào của Tu viện Dodrupchen, ngài không bao giờ nhận tiền thù lao của học viên. Trái lại, ngài thường tặng thực phẩm và cho những học viên nghèo mượn sách. Ngài vui thích dạy dỗ tới nỗi ngài không bận tâm tới việc cho họ thời gian của ngài, là điều ngài luôn luôn cảm thấy hết sức quý báu đối với ngài để thiền định. Vào buổi tối chúng tôi tụ họp lại vào khoảng sáu giờ để thắp đèn trên bàn thờ và cùng nhau dâng những lời cầu nguyện, sau đó chúng tôi dùng trà và đàm luận về những chủ đề khác nhau. Sau đó ngài tiếp tục thiền định tới khoảng mười giờ đêm. Kế đó ngài đi ngủ khoảng bốn tiếng.
Khenpoche thích kể những câu chuyện trong quá khứ, nhưng sau đó ngài thường cảm thấy thật tệ bởi đã phí phạm thời giờ quý báu của ngài trong việc kể chuyện mà ngài cho là vô ích.
Các thầy trợ giáo Tây Tạng thường nghiêm khắc trong việc rèn luyện học trò, nhưng Khenpo thì dịu dàng lạ thường, có lẽ quá dịu dàng. Khi tôi khoảng sáu tuổi, tôi kéo một trang giấy ra khỏi một quyển sách, và trang giấy mỏng manh tới nỗi bị rách làm hai mảnh. Tôi biết là mình đã làm một điều sai lầm và muốn che dấu điều đó, vì thế tôi vo trang giấy thành một trái banh nhỏ và ném nó vào một cái lỗ. Sau ngày hôm đó, Khenpo đến chỗ tôi, hết sức khó chịu và hỏi: “Con ném nó vào nhà vệ sinh phải không?” Tôi không nói một lời. Ngài nhấc tôi lên, giữ tôi thật chặt, và sau đó đặt tôi xuống sàn nhà và nói: “Ta sắp lấy một chiếc gậy đánh con.” Tôi hoảng sợ tới nỗi không nghĩ ngợi, những lời lẽ tuôn ra khỏi miệng tôi: “Con là tülku (tái sinh) của Lạt ma của thầy. Nếu thầy đánh con, điều đó sẽ tạo cho thầy một nghiệp khủng khiếp!” Dầu sao đi nữa, ngài đã không đánh tôi, tôi không biết tại sao. Nhiều năm sau, tôi nhận ra rằng mẩu giấy đó là một trang trong Gomchok Trilen của Jigme Lingpa, một trong những bản văn quan trọng nhất về thiền định, và nơi tôi ném nó là một nhà vệ sinh ở ngoài trời. Như thế tôi đã ném bản văn tôn kính nhất vào nơi tồi tệ nhất.
Bề ngoài ngài hết sức đơn giản, khiêm tốn, và dễ tính nhưng sự hiểu biết của ngài rất rộng lớn, trí tuệ của ngài sắc bén và sâu xa, tâm ngài dịu dàng và tốt lành. Ngài rất ít kiến thức về y học nhưng vẫn tặng thuốc cho mọi người mà không đòi hỏi bất kỳ thù lao nào cho bản thân ngài hay chi phí thuốc men, bởi việc phân phối thuốc này được bắt đầu bởi Khenpo Könme là một thầy thuốc. Khi những người bệnh đưa ra các chẩn đoán của y sĩ, ngài cho phép các học viên phát thuốc cho họ.
Ngoài Tu viện Dzogchen, ngài đã giảng dạy ở nhiều nơi. Ngài đã dạy ở Yarlung Pemakö trong Thung lũng Ser; Wang-röl Gompa trong Thung lũng Do; Kyala Gompa trong Thung lũng Dzika; Joro Gön, Dogar Gön, và Alo Gompa xứ Gyarong; Tertön Gar, Göde Gon, và Gon Lakha xứ Rekong; và Kongser Khado Gompa trong miền Trokho. Ngài đã thiết lập những drupdra (trường thiền định) ở Tertön Gar tại Rekong và Joro Gön ở Gyarong.
Khi giảng ý nghĩa của Ba Lời Trọng yếu của Prahevajra (Garab Dorje, Kim Cương Hỷ), Khenpo viết cho Thupten Thrinle Palzang Rinpoche:
Trí tuệ chói lọi sinh ra một cách tự nhiên, thuần tịnh từ nguyên thủy và không bị tạo tác,
An trụ như bản tánh cố hữu của những chu trình lầm lạc khác nhau, người bám chấp và những tư tưởng [nhị nguyên] bám chấp,
Trong hình thức của sự quang minh, tánh Không, thoát khỏi sự bám chấp và mở trống, các phương diện của Pháp Thân.
Xin nhận ra trạng thái tự nhiên tự thân, [sự hợp nhất] của tánh Không và giác tánh nội tại trần trụi [của tâm ngài].
Khi đã lập tức cắt đứt mọi hiểu biết của tâm thức khái niệm,
Trong trạng thái của sự tươi mới và giác tánh nội tại khoáng đạt, không có điểm quy chiếu,
Nhờ sự an trụ không có những chỉnh sửa và tạo tác,
Ngài sẽ nhận ra khuôn mặt của Pháp Thân tự-tỉnh giác, cho dù không tìm kiếm nó.
Hạnh phúc và đau khổ của sinh tử và Niết bàn, những họa tiết của tâm,
Dù xuất hiện trong cách thức nào, bản tánh của chúng là không có lúc bắt đầu.
Sau khi [mọi niệm tưởng] tan biến tự nhiên như pháp giới toàn khắp, thoát khỏi sự bám chấp,
Nghỉ ngơi trong tâm thư thản và an bình thì đầy hỉ lạc.
Nếu giác tánh nội tại cố hữu, là trí tuệ khoáng đạt và không bị chỉnh sửa,
Xuất hiện trần trụi như [sự hợp nhất] của đại lạc và tánh Không, không bị tạo tác,
Khi ấy hôn trầm và trạo cử [cao hay thấp], những kẻ thù của thiền định, sẽ được tịnh hóa một cách tự nhiên, và
Sẽ không cần nương tựa vào bất kỳ phương tiện nào khác để xua tan những chướng ngại hay phát triển các kinh nghiệm.
Mọi hình tướng xuất hiện đều là ánh sáng rực rỡ của Pháp thân bất sinh, [sự hợp nhất] của tánh Không và giác tánh.
Mọi âm thanh vang vọng đều là âm nhạc của tiếng gầm bất hoại [nāda].
Mọi niệm tưởng xuất hiện là bản tánh phổ quát [trùm khắp], thoát khỏi sự bám chấp.
Xin an trụ trong vương quyền của Pháp thân, [trạng thái] bất biến của giác tánh và tánh Không.
Một hôm vào năm 1957, Khenpo nói với tôi: “Ta không quan tâm tới sự an toàn của riêng ta, bởi ta có một cuộc đời ngắn ngủi, giống như độ dài của đuôi một con dê. Nhưng ta muốn cứu đời con. Ta đã khẩn cầu Rinpoche [Dodrupche đệ tứ Thupten Thrinle Palzang] cho chúng ta đi cùng với ngài, và ngài đã đồng ý. Vì thế chúng ta sẽ ra đi, nhưng chúng ta sẽ không nói cho ai biết ngoại trừ Loli.” – Lodi là anh của ngài. Nếu mọi người biết Rinpoche ra đi, có thể họ sẽ không để cho ngài đi, hay nhiều người khác muốn đi và nhà cầm quyền sẽ dễ dàng ngăn chặn chúng tôi.
Rinpoche bảo chúng tôi là mười ba người sẽ đi cùng với ngài và họ được chia thành ba nhóm. Khenpo và tôi đi trong nhóm đầu tiên. Rinpoche đi trong nhóm thứ hai.
Đối với những người trong vòng thân thiết của chúng tôi, ngoại trừ Loli, Khenpo và tôi phải nói: “Theo một tiên tri, Khenpo và tôi nên đi tới Núi Dongri, một thánh địa, để thực hiện một khóa nhập thất một tháng mà không để cho người khác biết. Vì thế Loli sẽ che đậy cho chúng tôi, giả bộ là chúng tôi đang ở trong thất, và chúng tôi sẽ đi với một vài người bạn như chúng tôi đã sắp xếp.” Họ không hỏi chúng tôi, bởi những sắp xếp như thế là bình thường trong một vài trường hợp, và họ chuẩn bị vài con ngựa và trợ giúp chúng tôi để giữ cho cuộc hành trình được cho là tới Núi Dongri được kín đáo.
Một buổi tối, hai ngày trước khi chúng tôi ra đi, Khenpo tới gặp Do Drupchen đệ tứ Rigdzin Tenpe Gyaltsen, người đang sống trong một ngôi chùa. Khi Khenpo bắt đầu rời Rinpoche, Rinpoche yêu cầu mọi người khác đang có mặt ở lại phía sau và ngài ra khỏi nhà trong bóng tối để từ giã Khenpo. Rồi Khenpo bước đi, nhưng Rinpoche lại đi theo ngài và từ giã một lần nữa. Khenpo lại đi và Rinpoche đi theo để nói lời chia tay với Khenpo lần thứ ba. Và sau đó Rinpoche quay trở về chùa. Sau này Khenpo nói với tôi: “Ta không tạo ra ngay cả một vết tích của việc ra đi. Nhưng chắc chắn là Rinpoche cảm thấy chúng ta đang nhìn nhau lần cuối. Ngài có vẻ rất xúc cảm và khó lòng chia tay. Điều đó có thể có nghĩa là có lẽ ta không trở lại trong đời này.”
Vào nửa đêm ngày mười ba tháng mười một năm Hỏa Thân (1957), khi mọi người đang ngủ và toàn bộ cộng đồng chìm ngập trong bóng tối, chúng tôi lặng lẽ rời tu viện. Tại đèo Chungnyak, từ nơi chúng tôi có thể nhìn thấy tu viện một lần cuối cùng, trong bóng tối Khenpo và chúng tôi lễ lạy tu viện, trụ xứ của các Lạt ma vĩ đại, và Rigdzin Tenpe Gyaltsen, người có thể đang ở trong giấc ngủ quang minh chói lọi hay đang dõi nhìn chúng tôi với đôi mắt trí tuệ toàn tri của ngài. Loli ở lại phía sau và che dấu việc trốn thoát của chúng tôi bằng cách đánh trống như thể Khenpo và tôi đang thực hiện một cuộc nhập thất tại nhà chúng tôi.
Một thời gian trước đó, Lạt ma Zhingkyong, một đệ tử của Kyala Khenpo, đã viết cho tôi một tiên tri mà không biết rằng chúng tôi sẽ ra đi. Trong một giòng có nói: “Khi quả trứng-lửa vỡ, ông sẽ tới miền Trung Tây Tạng.” Phù hợp với lời tiên tri, vào ngày mồng sáu tháng giêng năm Hỏa Dậu (1957), chúng tôi đến Lhasa. Khenpo đã ngã bệnh do chuyến đi và vì những vết thương ở chân gặp phải trên đường. Chúng tôi trải qua ít ngày tại Lhasa và nhờ một y sĩ Tây Tạng tên là Lhokha Amchi chữa trị cho Khenpo. Chúng tôi đến thăm pho tượng Jowo linh thiêng nhất ở Tây Tạng, và thực hiện một vài lễ cúng dường. Đối với Khenpo thì đây là lần thứ hai ngài đến Lhasa, lần đầu là một chuyến hành hương mà ngài thực hiện với cha mẹ ngài năm ngài bảy tuổi.
Sau vài ngày ở Lhasa, theo chương trình mà chúng tôi đã vạch ra với Rinpoche, chúng tôi đi Drak Yangdzong, một địa điểm hành hương nổi tiếng, để chờ Rinpoche. Sức khỏe của Khenpo bắt đầu xấu hơn, và ngài nói: “Từ khi ta còn trẻ, ta luôn luôn ước muốn được sống và thiền định tại một nơi được Guru Rinpoche gia hộ. Bây giờ ta không còn thời gian để thiền định, tuy nhiên ta sung sướng vì có thể sử dụng những ngày cuối cùng của ta ở nơi này.”
Chạng vạng tối ngày mồng hai tháng hai năm Hỏa dậu (1957), sau khi đọc ba chương đầu của Chöying Rinpoche Dzö, ngài thình lình tan hòa vào sự an bình tối thượng của cái chết. Ngày hôm sau ngài vẫn ở trong thiền định, và một Lạt ma địa phương chất phác đến và cử hành lễ đánh thức ngài khỏi đại định.
Trong số những tác phẩm của ngài có Bình giảng về Rigdzin Düpa, Một Chú Giải Tóm tắt về Palchen Düpa, Một Chú giải Tóm tắt về Vajrakīla, Một Giáo huấn Tóm tắt về Ba Tác phẩm Đánh vào Trái tim, và Bình giảng về Dagni Changchup Miche (đã thất lạc).
Chương XXXV: Dilgo Khyentse Tashi Paljor
1910 – 1991
Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche Tashi Paljor, là một trong vài vị hộ trì dòng truyền thừa, nhà biên soạn, Đạo sư, và người trao truyền vĩ đại của những giáo lý và năng lực của các Mật điển Nyingma nói chung và Longchen Nyingthig nói riêng đã đến được với nhiều đệ tử ở Tây Tạng, Ấn Độ, Nepal, Bhutan và Tây phương.
Ngài cũng được gọi là Gyurme Thekchok Tenpe Gyaltsen, Jigme Khyentse Özer, và Rapsal Dawa.
Ngài sinh ngày mười ba tháng tư năm Hỏa Tuất thuộc Rabjung thứ mười lăm (1910) trong gia đình Dilgo, một thượng thư (nyerchen) của vua xứ Dege trong bộ tộc Nyö ở Thung lũng Dan. Thân phụ ngài là Tashi Tsering. Đúng vào ngày ấy Đạo sư vĩ đại Mipham Namgyal và các đệ tử của ngài đang cử hành lễ tiệc khi hoàn tất khóa giảng kéo dài một tháng rưỡi về Bình giảng Kalachakra của ngài tại Dilgo. Mipham lập tức ban những viên thuốc Sarasvatī, vị Phật nữ trí tuệ, với những chữ DHIH và HRĪH thiêng liêng cho đứa bé ăn thậm chí trước khi nó bú sữa mẹ. Khoảng một tháng sau khi sinh, Mipham ban các quán đảnh tịnh hóa và trường thọ và đặt tên cho đứa bé là Tashi Paljor. Từ đó cho tới khi Mipham mất vào đầu năm 1912, Khyentse liên tục được ban các phẩm vật gia hộ.
Khi ngài chỉ mới bốn tháng tuổi, Ngor Ponlöp Loter Wangpo xác nhận ngài là Tulku của Khyentse Wangpo. Vào lúc Mipham mất, Zhechen Gyaltsap Pema Namgyal (1871-1926) nhìn thấy Khyentse và bảo gia đình tặng ngài cho Zhechen.
Năm lên sáu tuổi, tình cờ ngài bị phỏng nặng và bị bệnh trầm trọng trong khoảng sáu tháng, sự việc đó khiến cho ngài thọ giới xuất gia làm một sa di.
Khi ngài mười lăm tuổi, Gyaltsap xác nhận ngài là một tulku của Khyentse Wangpo, tôn phong ngài tại Tu viện Zhechen, và đặt tên cho ngài là Gyurme Thekchok Tenpe Gyaltsen. Vị Thầy này cũng ban cho ngài nhiều sự trao truyền, trong đó có những trao truyền Dam-ngak Dzö và Nyingthig Yabzhi. Từ Khenpo Pema Losal của Tu viện Dzogchen ngài nhận sự trao truyền Longchen Nyingthig. Từ Adzom Drukpa, ngài thọ nhận giáo lý Ngöndro Longchen Nyingthig.
Với Khenpo Zhenphen Chökyi Nangwa (Zhen-ga) ở Tu viện Dzogchen, Khenpo Thupten Chöphel (Thupga) ở ẩn thất Changma, Dza Mura Dechen Zangpo, và những Đạo sư khác, ngài đã nghiên cứu những bản văn của Nāgārjuna, Asanga, Abhidharma, Yönten Dzö, những bình giảng về Guhyagarbha-māyājāla-tantra: Mật điển Bí Mật Tập Hội, và nhiều bản văn khác. Khenpo Thupga xác nhận ngài là tülku của Önpo Tendzin Norbu (Tenli).
Sau đó từ Khyentse Chökyi Lodrö ngài nhận những trao truyền các giáo lý của phái Sakya, Kagyü, Geluk và Nyingma, kể cả Rinchen Terdzö, Nyingthig Yabzhi, Longchen Nyingthig, và Lama Gongdü. Từ Khenpo Tendzin Dargye của Tu viện Zhechen, ngài được trao truyền chín pho sách của Jigme Lingpa. Từ Zhechen Kongtrül (1901-1959?), ngài nhận những trao truyền mười ba pho sách của giáo khóa Minling. Ngài nhận giáo lý của mọi truyền thống Phật giáo Tây Tạng từ hơn bảy mươi vị Thầy. Trong số đó, Zhechen Gyaltsap và Khyentse Chökyi Lodrö là những vị Thầy chính yếu của ngài.
Bắt đầu từ năm mười tám tuổi, trong mười hai năm ngài sống ở những nơi cô tịch và thực hành những giáo lý khác nhau, trong đó có Các Sādhana Ba Gốc của Minling Terchen và Longchen Nyingthig.
Suốt đời ngài, ngài hiến mình cho việc giảng dạy và truyền Pháp cho tất cả những ai tới nhận giáo lý. Ngài viết rằng vào năm sáu mươi bốn tuổi, ngài đã ban các quán đảnh Nyingthig Yabzhi và Longchen Nyingthig hơn mười lần. Từ năm bốn mươi cho tới tám mươi hai ngài đã thuyết giảng về Chokchu Münsel, luận giảng về Guhyagarbha của Longchen Rabjam ít nhất mỗi năm một lần, và bình giảng rộng lớn về Yönten Dzö của Jigme Lingpa. Trong vô số những giáo lý khác, ngài đã năm lần ban những trao truyền Rinchen Terdzö, bốn lần ban những giáo lý của Nyingma Kama, ba lần các giáo lý của Dam-ngak Dzö, và hai lần các giáo lý Kanjur.
Rinpoche và vị phối ngẫu của ngài, Khandro Lhamo, có hai con gái. Nam tử của Chi-me La - con gái của ngài - là Zhechen Rabjam đệ thất.
Theo lời mời của hoàng gia xứ Bhutan, ngài sống nhiều năm ở Bhutan để giảig dạy và trao truyền giáo lý.
Từ đầu thập niên 1960, ngài đơn thương độc mã duy trì và truyền bá truyền thống bất bộ phái độc nhất vô nhị của các vị Khyentse, và với sự nhất quán liên tục không mệt mỏi, ngài không ngừng truyền bá giáo lý bằng cách du hành, giảng dạy, thực hành, và xây dựng những đài kỷ niệm vì lợi ích của Giáo Pháp và mọi người.
Năm 1980, ngài xây Tu viện Zhechen Tennyi Dargye Ling (lấy tên của tu viện cũ của ngài ở Tây Tạng) tại Baudhanath ở Nepal, một quần thể phức tạp với hơn hai trăm học viên tu sĩ. Năm 1988, ngài đã thiết lập một shedra (học viện Kinh điển) tại tu viện mới, ở đó các tu sĩ nghiên cứu những bản văn uyên áo.
Bắt đầu từ năm 1975, ngài đã nhiều lần viếng thăm nhiều quốc gia ở Tây phương và giảng dạy những cấp độ giáo lý và trao truyền khác nhau. Ngài cũng đã thiết lập Thekchok Ösal Chöling, một trung tâm Giáo Pháp tại Pháp. Từ hải ngoại, ngài đã viếng thăm Tây Tạng hai lần để giảng dạy và trợ giúp việc xây dựng lại các tu viện và niềm tin ở quê hương ngài.
Ngài đã ban cho Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Mười bốn nhiều quán đảnh và giáo lý về các luận giảng Guhyagarbha và Yönten Dzö và những giáo lý khẩu truyền Đại Viên mãn được kết hợp với các giáo lý Yeshe Lama.
Ngài đã khám phá nhiều giáo lý và sādhana là terma và biên soạn nhiều bản văn uyên áo và những luận giảng về những chủ đề khác nhau, tổng cộng hai mươi quyển sách. Trong số các tác phẩm của ngài về Longchen Nyingthig có một luận giảng về Palchen Düpa và Wangki Chokdrik.
Năm tám mươi mốt tuổi, lúc ba giờ sáng ngày hai mươi tháng tám năm Hỏa Mùi (28 tháng Chín năm 1991), tâm giác ngộ của ngài tan hòa vào sự khoáng đạt tối thượng tại một bệnh viện ở Thimbu, thủ phủ của Bhutan. Từ lúc ấy, vị trụ trì tu viện mới của ngài ở Nepal là Rabjam Rinpoche, Gyurme Chökyi Senge, là người kế thừa tâm linh và cháu ngoại của ngài.
Ngài là một trong những Đạo sư uyên bác và thành tựu vĩ đại nhất của Tây Tạng trong thời đại của chúng ta. Vóc người ngài cao lớn và khổng lồ. Khi ngài ở giữa những Đạo sư khác, ngài đứng sừng sững như một ngọn núi giữa những quả đồi hay chiếu sáng như mặt trăng giữa những vì sao, không phải vì thân thể ngài nổi bật mà bởi sự uyên bác và thánh thiện sâu rộng của ngài. Khi ngài ban giáo lý, lời dạy của ngài như một con sông trôi chảy, hầu như không ngừng nghỉ. Nếu những người ngoại quốc nghe bài giảng của ngài, lúc ban đầu họ có thể có ấn tượng là ngài đang đọc một bản văn tuyệt đẹp từ ký ức, bởi mỗi lời của bài giảng của ngài là thi ca, ngữ pháp của ngài toàn bích và ý nghĩa thật sâu xa.
Trí nhớ của ngài là một đặc điểm vô cùng kỳ lạ. Ngài không chỉ nhớ được những bản văn nghi lễ uyên áo và những chi tiết về các vị Thầy và bằng hữu của ngài, mà còn nhớ cả những người mà ngài chỉ nhìn thấy một lần nhiều năm trước.
Lòng tốt của ngài thật vô biên, và có thể dung chứa tất cả mọi người. Mỗi khi tôi được yết kiến ngài, ngài cho tôi cảm tưởng là tôi dành được một chỗ trong tâm thức bao la của ngài. Nếu quý vị nhìn kỹ, quý vị sẽ có cảm tưởng là ngài luôn luôn ở trong trí tuệ thiền định hay chứng ngộ của sự khoáng đạt và đi tới mọi người bằng năng lực của lòng từ bi và sự thẳng thắn, không chút thay đổi.
Hầu như ngài nắm giữ những sự trao truyền tất cả giáo lý đạo Phật ở Tây Tạng, nhưng ngài luôn luôn tìm kiếm những trao truyền bổ túc, bất luận chúng nhỏ bé ra sao. Ngài có cả một thư viện khổng lồ nhưng không bao giờ ngừng tìm kiếm ngay cả một trang của một tác phẩm hiếm có. Ngài cũng hết sức trung thực.
Trong chuyến đi cuối cùng từ Bhutan tới Kalimpong của ngài, thay vì đi máy bay, ngài đã nài nỉ thực hiện một hành trình gian khổ bằng xe hơi để thăm một đệ tử cũ của ngài trên đường đi. Trong khi nỗ lực đó có thể vắt kiệt sức mạnh thể chất của ngài, nó đã là niềm vui và sự hoàn thành của ngài, một hành động của lòng bi mẫn.
Urgyen Tendzin Jigme Lhundrup (sinh năm 1993), cháu của Tulku Ugyen Rinpoche (1919-1996) và là con trai của Kela Chokling Rinpoche và Dechen Paldron xứ Terdhe, đã được tôn phong là hóa thân của Dilgo Khyentse Rinpoche.
Chương XXXVI: Chatral Sangye Dorje
sinh năm 1913
KYABJE Chatral Sangye Dorje Rinpoche là một trong số rất ít những Đạo sư vĩ đại của dòng Longchen Nyingthig còn trụ thế.
Rinpoche sinh trong nhóm bộ tộc Abse ở Nyak-rong thuộc Tỉnh Kham và không bao lâu di cư tới Amdo cùng với nhóm bộ tộc của ngài.
Ngài nhận những trao truyền các giáo khóa terma của Düdjom Lingpa (1835-1903), Sera Khandro, và những giáo lý khác từ chính Đạo sư vĩ đại Sera Khandro Dewe Dorje (1899-1952?) và Tülku Dorje Dradül (1891-1959?), con trai út của Düdjom Lingpa.
Năm mười lăm tuổi, ngài từ bỏ những ràng buộc với gia đình và đi tới nhiều Đạo sư để học tập và thực hành. Ngài bỏ việc cưỡi ngựa và đi bằng chân. Ngài từ chối vào nhà hay lều của những gia chủ, chỉ ở trong những ẩn thất, hang động, hay túp lều nhỏ của riêng ngài.
Từ Kathok Khenpo Ngawang Palzang (1879-1941) ngài nhận những trao truyền và giáo lý Longchen Nyingthig và nhiều giáo lý khác. Khenpo trở thành Đạo sư gốc quan trọng nhất của ngài. Ngài cũng nhận nhiều trao truyền từ Khyentse Chökyi Lodrö và những Đạo sư khác của Dege. Ở miền Trung Tây Tạng, ngài trở thành một trong những đệ tử chính của Kyabje Düdjom Rinpoche, tülku của Dudjom Lingpa.
Rinpoche đã trao truyền những giáo lý hiếm có cho Shuksep Lochen, Khyentse Chökyi Lodrö, Düdjom Jitral Yeshe Dorje, và nhiều Đạo sư quan trọng khác. Gyaltsap Redring (mất ngày 8 tháng Năm, 1947), khi đó là nhiếp chính của Tây Tạng, đã mời Rinpoche tới Lhasa và nhận từ ngài nhiều trao truyền và giáo huấn thiền định Đại Viên mãn. Kết quả là một số đông người thuộc mọi tầng lớp xã hội, giới quý tộc và bình dân, với những món cúng dường đã lũ lượt tìm đến Rinpoche để nhận các giáo lý. Ngài nhận ra điều này như một sự xao lãng con đường của ngài, và ngài thình lình bỏ lại mọi sự, trốn vào hang động trong những núi non đã được Guru Rinpoche và những Đạo sư khác trong quá khứ gia hộ. Sau đó ngài sống như một ẩn sĩ trong nhiều thập niên và được gọi là Chatral, một ẩn sĩ, hay một người đã từ bỏ những hoạt động thế tục.
Cuối thập niên 1950, ngài di chuyển tới Bhutan và sau đó tới Ấn Độ. Ngài đã xây dựng lại một ngôi chùa đơn sơ ở phía trên làng Jor Bungalow gần Darjeeling và bắt đầu một drupdra ba năm, ở đó những thiền giả tu tập thực hành Longchen Nyingthig. Một drupdra là một trường nhập thất thiền định, ở đó một nhóm người ẩn cư trong một năm, ba năm hay hơn nữa. Hiện nay có nhiều drupdra khắp thế giới do các Lạt ma Tây Tạng thiết lập, nhưng khi Rinpoche xây dựng drupdra này thì đó là drupdra duy nhất do một Lạt ma tị nạn Tây Tạng lập nên.
Rinpoche cũng xây dựng nhiều ngôi chùa, bảo tháp, và một số drupdra khác ở Nepal và Ấn Độ. Hiện nay, ngài sống chủ yếu ở Pharping, một địa điểm hành hương quan trọng ở Nepal được Guru Rinpoche gia hộ.
Rinpoche chống lại mọi sự dính mắc vào những cấu trúc tu viện hay bộ máy quan liêu và duy trì một truyền thống ẩn sĩ. Ngài có vô số đệ tử người Tây Tạng, Bhutan, và Nepal cũng như một số đệ tử từ Tây phương. Rinpoche và vị phỗi ngẫu Kamala của ngài, con gái của Tertön Tulzhuk Lingpa, có hai con gái là Tārādevi và Saraswatī, một tülku của Sera Khandro.
Vào ngày 16 tháng Mười Một năm 1968, Cha Thomas Merton đã gặp Rinpoche và tả lại buổi gặp gỡ như sau: “Thông điệp không được nói ra hay được nói ra nửa chừng của cuộc trò chuyện là chúng tôi hoàn toàn thấu hiểu về nhau như những người bằng cách này hay cách khác đang ở bờ mé của sự đại chứng ngộ, hiểu nó và đang nỗ lực (chẳng biết làm sao) đi ra và lạc lối trong đó – và đó là một ân huệ để chúng tôi gặp gỡ nhau.”
Harold Talbott, người có mặt trong buổi gặp gỡ, nhớ lại Merton đã biểu lộ với ông sau cuộc gặp gỡ: “Đó là một người vĩ đại mà tôi từng gặp. Ngài là vị Thầy của tôi.”