QUYỂN 2: DÒNG TRUYỀN THỪA LONGCHEN NYINGTHIG - A. Chương I - III
Dòng Truyền thừa Longchen Nyingthig
Longchen Nyingthig là một tuyển tập các tantra và sādhana được Rigdzin Jigme Lingpa (1730-1798) khám phá như giáo lý “terma tâm”.
Giáo khóa này được gọi là Longchen Nyingthig do bởi ba lý do chính. Trước tiên, đó là Nyingthig, những giáo lý cốt tủy thâm sâu Me-ngagde, và được Jigme Lingpa khám phá nhờ những gia hộ ngài nhận được trong một loạt linh kiến thuần tịnh về Longchen Rabjam (1308-1363). Kế đó là những giáo lý cô đọng mọi giáo lý Nyingthig đến qua Longchen Rabjam. Thứ ba, đó là những giáo lý về chủ đề của Longchen, “sự bao la vĩ đại” hay phạm vi sâu xa nhất, và đó là Nyingthig, “tâm yếu” (hay cốt tủy thâm sâu) của tất cả các giáo lý. Jigme Lingpa viết: “Nó là phạm vi bao la vĩ đại và nó là tâm yếu.”
Longchen Nyingthig chủ yếu tập trung vào Nyingthig, giáo khóa tinh túy thâm sâu Me-ngagde. Ví dụ như, giai đoạn phát triển của sādhana Rigdzin Düpa xuất hiện như năng lực hiển lộ (rTsal) của giác tánh nội tại (Rig Pa), và nó cũng hòa vào Pháp giới tối hậu, sự thuần tịnh nguyên sơ trong giai đoạn hòa tan (viên mãn). Kyala Khenpo viết trong luận giảng về Rigdzin Düpa của ngài:
Trong những truyền thống Anuttaratantra khác, trước tiên hành giả làm thuần thục tâm mình bằng cách tu tập về giai đoạn phát triển và sau đó đi vào giai đoạn toàn thiện. Nhưng trong các thiền định Mahāyoga của Longchen Nyingthig, sau khi đã được giới thiệu giác tánh nội tại chói ngời (chân tánh của tâm ta) và nhận ra tính bất khả phân của giác tánh nội tại của ta và tâm giác ngộ của Lạt ma, thiền giả thiền định trạng thái chứng ngộ đó và tu tập về những sự xuất hiện [của các hình tướng] như mạn đà la của các Bổn Tôn [năng lực của giác tánh nội tại, Rig Pa]. Vì thế phương pháp độc nhất vô nhị của Longchen Nyingthig là tu tập về giai đoạn phát triển và giai đoạn toàn thiện trong sự hợp nhất. Bằng cách sử dụng sự hợp nhất tâm của ta và tâm giác ngộ của Lạt ma, sự chứng ngộ trí tuệ được đánh thức một cách mạnh mẽ.
Giáo lý Longchen Nyingthig
Longchen Nyingthig bao gồm một ít tantra và nhiều sādhana kèm theo những giáo huấn, luận giảng, và những bản văn bổ sung, trong hai (hay ba) quyển sách gốc (rTsa Pod). Các giáo lý này được Jigma Lingpa khám phá như một terma tâm. Ngoài hai quyển sách gốc, giáo khóa bao gồm Phurpa Gyüluk về Vajrakīla trong một quyển sách, nó được xác nhận là một khám phá terma tâm và là một sưu tập các tantra. Các giáo lý Longchen Nyingthig chính yếu được phân loại thành hai phạm trù. Chúng là các tantra nguyên thủy của Nyingthig và các sādhana và giáo lý Mật thừa.
Các tantra Nyingthig nguyên thủy là sự tương tục của bản tánh tuyệt đối (Pháp thân) xuất hiện như các giáo lý đối với bản thân Jigme Lingpa hay đối với những hóa thân trước đó của ngài và ngài đã đánh thức các giáo lý đó. Trong khi thực hành ẩn cư trong ba năm tại Samye Chimphu, Jigme Lingpa đã nghiên cứu những tác phẩm của Longchen Rabjam và cầu nguyện hết sức sùng mộ, nhìn thấy ngài như một vị Phật. Jigme Lingpa có ba linh kiến thanh tịnh về Longchen Rabjam và nhận những gia hộ của thân, ngữ và tâm của ngài. Trong linh kiến thứ ba, Longchen Rabjam nói ba lần: “Cầu mong những chứng ngộ ý nghĩa được trao truyền cho con, và cầu mong sự trao truyền những ngôn từ được hoàn toàn thành tựu.” Ngay sau đó, Jigme Lingpa chứng ngộ bản tánh của Đại Viên mãn thoát khỏi sự phân tích trong tâm và nhận sự trao truyền tuyệt đối (Don brGyud), và những tantra nguyên thủy linh thiêng của Nyingthig xuất hiện trong ngài. Những tantra nguyên thủy này xuất hiện trong ngài như cốt tủy được hợp nhất của cả ba cách thế trao truyền – tức là sự trao truyền tâm, trao truyền bằng sự biểu thị, và khẩu truyền – của ba thân Phật và những Đạo sư của tất cả dòng truyền thừa Dzopa Chenpo, kể cả Guru Rinpoche, Vimalamitra, và Longchen Rabjam.
Các sādhana và giáo lý Mật thừa Longchen Nyingthig là những giáo lý đến từ Jigme Lingpa qua Guru Rinpoche như một terma.
Trong khi Guru Rinpoche đang viếng thăm Tây Tạng, trên tầng hai ngôi chùa chính của Tu viện Samye, ngài đã ban giáo lý Longchen Nyingthig cho Vua Trisong Detsen, Khandro Yeshe Tsogyal, và Vairochana. Sau đó ngài giao phó những giáo lý cho các vị này bằng phương tiện của dākinī xuất hiện tự nhiên, trí tuệ, nguyên lý nữ của ba thân Phật. Ngài đã ban những quán đảnh tiên tri bằng cách nói rằng những giáo lý này sẽ được Jigme Lingpa, một hóa thân (tülku) của Vua Trisong Detsen, khám phá. Yeshe Tsogyal sắp xếp các giáo lý thành những chữ biểu tượng của ký ức không bị lãng quên trên những cuộn giấy vàng có năm màu xuất hiện tự nhiên. Với những quán đảnh ước nguyện, các ngài cất dấu những giáo lý trong chiếc hộp kho tàng tâm yếu chói lọi (hay kho tàng tâm) của các đệ tử. Các ngài phó chúc những giáo lý chôn dấu cho các dākinī, các trí tuệ Pháp giới tối thượng (Pháp giới thể tánh trí), để giữ gìn cho tới đúng lúc đánh thức các giáo lý từ trạng thái nội tại chói lọi trong tâm các vị khám phá terma.
Vì thế, nhiều thế kỷ sau đó, khi những quán đảnh tiên tri của Guru Rinpoche đã thuần thục và những thuận cảnh bắt đầu có kết quả, các giáo lý Longchen Nyingthig được cất dấu đã được đánh thức một cách phù hợp trong tâm giác ngộ của Jigme Lingpa như một terma tâm.
Jigme Lingpa là một hóa thân của chính Vimalamitra và Vua Trisong Detsen, là những vị nhận lãnh giáo lý Longchen Nyingthig từ Guru Rinpoche và Vimalamitra. Vì thế những giáo lý Nyingthig của hai dòng chính cùng chảy trong Jigme Lingpa. Longchen Nyingthig là cốt tủy hay hiện thân của hai truyền thống Nyingthig, Vima Nyingthig và Khandro Nyingthig. Phạm vi, ngôn ngữ, ý nghĩa, sự rõ ràng, và năng lực của Longchen Nyingthig làm cho hành giả dễ lãnh hội giáo lý và việc thực hành được mạnh mẽ, khiến cho trong những thế kỷ vừa qua việc nghiên cứu và thực hành Longchen Nyingthig đã trở nên phổ thông trong một số đông đảo các Nyingmapa (các hành giả phái Nyingma) ở Tây Tạng.
Những bản văn chính của Longchen Nyingthig là:
CÁC TANTRA GỐC (RGYUD) CỦA Longchen Nyingthig
1. Tantra gốc (rTsa rGyud): Küntu Zangpo Yeshe Longki Gyü (Kun Tu bZang Po Ye Shes Klong Gi rGyud)
2. Tantra đến sau: Gyü Chima (rGyud Phyi Ma)
3. Các giáo lý (Lung): Küntu Zangpo Gong-nyam (Kun Tu bZang Po’i dGongs Nyams)
4. Các giáo huấn (Me-ngag)
a. Các giáo huấn: Nesum Shenje và Neluk Dorje Tsigang (gNad gSum Shan ‘Byed và gNas Lug rDo rJe’i Tshigs rKang)
b. Các luận giảng của chúng: Yeshe Lama (Ye Shes Bla Ma) với các bản văn hỗ trợ của nó (rGyab Ch’os)
CÁC SĀDHANA VÀ GIÁO LÝ MẬT THỪA CỦA Longchen Nyingthig
1. Những vị Trì minh vương nam
a. Hòa bình:
ngoài: La-me Naljor (Bla Ma’i rNal ‘Byor)
trong: Rigdzin Düpa (Rig ‘Dzin ‘Dus Pa)
bí mật: Dug-ngal Rangtröl (sDug bsNgal Rang Grol)
bí mật tối thượng: Ladrup Thigle Gyachen (Bla sGrub Thig Le’i rGya Chan)
b. Phẫn nộ: xanh dương: Palchen Düpa (dPal Ch’en ‘Dus Pa)
đỏ: Takhyung Barwa (rTa Khyung ‘Bar Ba)
2. Nữ Trì minh vương
a. Hòa bình: sādhana gốc: Yumka Dechen Gyalmo (Yum Ka bDe Ch’en rGyal Mo)
b. Phẫn nộ: sādhana bí mật: Senge Dongchen (Seng Ge’i gDong Chan)
Dòng truyền thừa Các Đạo sư của Longchen Nyingthig
Dòng truyền thừa Longchen Nyingthig bắt đầu với Đức Phật nguyên thủy, hay tinh túy Phật tối thượng, và truyền xuống tới các Đạo sư đương thời nhờ một dòng trao truyền không đứt đoạn.
Dòng truyền thừa này bắt đầu từ ba thân Phật, Dharmakāya (Pháp thân), Sambhogakāya (Báo thân), và Nirmānakāya (Hóa thân), nguyên lý của Phật quả. Dharmakāya là bản tánh tối thượng không hình tướng. Sambhogakāya và Nirmānakāya là những sắc thân hiển lộ của Đức Phật. Ba thân Phật là suối nguồn tối thượng của tất cả các giáo lý tuyệt đối, chẳng hạn như Longchen Nyingthig. Từ ba thân Phật, các Đạo sư trong loài người nhận lãnh các giáo lý, như trong trường hợp của Đại Viên mãn thì Prahevajra đã nhận lãnh giáo lý này.
Prahevajra, Đạo sư đầu tiên trong loài người, đã trao truyền các giáo lý cho Manjushrīmitra, vị này truyền cho Shrīsimha. Tới lượt Shrīsimha truyền cho Jnānasūtra, Vimalamitra, Guru Rinpoche, và Vairochana. Vimalamitra cũng nhận các giáo lý này từ Jnānasūtra.
Vimalamitra và Guru Rinpoche đã truyền các giáo lý cho Vua Trisong Detsen và một ít người khác ở Tây Tạng. Guru Rinpoche đã chôn dấu nhiều giáo lý như terma. Ngài cũng truyền Khandro Nyingthig cho Lhacham Pemasal, hóa thân đời trước của Longchen Rabjam.
Hầu như tám thế kỷ sau khi Guru Rinpoche chôn dấu Longchen Nyingthig, tinh túy của các giáo lý Nyingthig, như một terma, Jigme Lingpa đã khám phá những giáo lý này như một terma tâm. Jigme Lingpa có thể khám phá các giáo lý bởi ngài đã có những trao truyền và phó chúc trong đời trước và đã nhận những gia hộ của Longchen Rabjam trong ba linh kiến thanh tịnh trong đời hiện tại của ngài.
Trong bài cầu nguyện dòng truyền thừa Longchen Nyingthig, Jigme Lingpa đề cập tới dòng truyền thừa của những Đạo sư sau đây, qua đó Longchen Nyingthig được trao truyền và khám phá:
Từ xứ sở không bị vướng bận bởi kích thước và thiên kiến,
Samantabhadra (Phổ Hiền), Đức Phật nguyên thủy Pháp thân,
Vajrasattva, năng lực hiển lộ của Báo thân, [xuất hiện] như một phản chiếu trong nước,
Và Prahevajra trong những thuộc tính hoàn toàn viên mãn của Hóa thân,
Con khẩn cầu các ngài. Xin ban [cho chúng con] những quán đảnh gia hộ.
Shrīsimha, kho tàng của Pháp tối thượng,
Manjushrīmitra, Đạo sư của cỗ xe chín thừa,
Jnānasūtra, và Vimalamitra,
Con khẩn cầu các ngài. Xin chỉ cho con con đường dẫn tới giải thoát.
Padmasambhava, Pháp bảo duy nhất của cõi Diêm phù đề,
Cùng với Đức Vua, các Thần dân, và người Hỗ trợ, những con cái-tâm yếu siêu việt của các ngài,
Longchen [Rabjam], bậc giải mã đại dương các kho tàng tâm,
Jigme Lingpa, bậc được phó chúc kho tàng tối thượng của các Dākinī.
Con khẩn cầu các ngài. Xin cho con đạt được kết quả và thành tựu giải thoát.
Chương I: Pháp Thân
Dharmakāya (Pháp thân), thân tối thượng, tạo thành nền tảng của mọi phẩm hạnh của vị Phật, và nền tảng năng lực của các ngài để hoạt động. Bản tánh của Pháp thân thì thanh tịnh tự trạng thái nguyên thủy của nó và thuần tịnh không bị mọi ô nhiễm ngẫu nhiên. Siêu vượt tư tưởng và sự biểu lộ bằng ngôn từ, Pháp thân an trụ không bị trói buộc trong những tính chất, giống như không gian. Không dời đổi khỏi trạng thái Pháp thân, nó đáp ứng những nhu cầu của mọi sinh loài nhờ sự hiện diện tự nhiên của hai sắc thân.
Trong những hình tượng của phái Nyingma, Pháp thân được tượng trưng bằng một vị Phật nam và nữ trần trụi trong sự hợp nhất, có màu thanh thiên (xanh dương nhạt), được gọi là Samantabhadra (Phổ Hiền).
Samantabhadra biểu thị phương diện chứng ngộ Pháp thân, bản tánh tối thượng của mọi phẩm tính tốt lành và xấu xa của sinh tử và niết bàn. Tự nguyên thủy, ngài chứng ngộ trí tuệ nguyên sơ của Pháp giới tối thượng, thoát khỏi sự ý niệm hóa. Nhờ sự chứng ngộ này ngài không an trụ trong những cực đoan của sinh tử mà cũng không an trụ trong sự an bình của niết bàn. Ngài được gia lực bằng sự thấu suốt chân lý tối thượng, và sự thấu suốt này là trí tuệ nguyên sơ hoàn toàn bình đẳng (bình đẳng tánh trí). Nó không là sự trống không đơn thuần do sự tịch diệt tạo nên. Thay vào đó, đối tượng của trí tuệ nguyên sơ phân biệt (diệu quan sát trí) của tất cả chư Phật, là tinh túy của trí tuệ nguyên sơ vi tế, an trụ như cõi tịnh độ của sự quang minh nội tại, “thân trẻ trung trong một tịnh bình.” Sự quang minh nội tại của mối liên hệ giữa trí tuệ nguyên sơ và đối tượng của nó có thể được ví như cách một miếng pha lê phóng chiếu một quang phổ ánh sáng, nhưng trên thực tế những tia sáng thì cố hữu trong miếng pha lê. Do bởi năng lực thiêng liêng này, sự quang minh nội tại, năm vị Thầy của năm loại mạn đà la Báo thân an trụ, nhờ sự cố hữu hiển lộ, trong sự phô diễn vĩ đại của những hình tướng và trí tuệ bất khả phân.
Pháp thân an trụ không có sự biến đổi, phân biệt, khác biệt, trong năm cách thế:
NƠI CHỐN: pháp giới tối thượng, cõi tịnh độ của “thân trẻ trung trong một tịnh bình”
ĐẠO SƯ: Phổ Hiền, sự tự-tỉnh giác vĩ đại, trí tuệ nguyên sơ của nhất thể-như thị
CÁC ĐỆ TỬ: Hội chúng như đại dương các trí tuệ nguyên sơ.
THỜI GIAN: Thời gian bất biến, sự như thị
GIÁO LÝ: Dzopa Chenpo (Đại Viên mãn) tối thượng, giáo lý của thân, ngữ, và tâm không bị tạo tác.
Pháp thân, thanh tịnh tự nguyên thủy, nhất vị, giống như không gian. Nó an trụ với ba loại trí tuệ nguyên sơ, siêu vượt sự khái niệm hóa của các cực đoan, thuyết thực thể (vĩnh cửu) và thuyết hư vô. Ba trí tuệ nguyên sơ là:
1. Trí tuệ nguyên sơ của tinh túy nội tại, thuần tịnh tự nguyên thủy, siêu vượt những cực đoan của sự khái niệm hóa và sự biểu lộ bằng ngôn từ, giống như pha lê trong suốt.
2. Trí tuệ nguyên sơ của bản tánh thành tựu tự nhiên; nó là sự quang minh vi tế, sâu xa, làm nền tảng cho sự xuất hiện của những thuộc tính của phương diện biểu lộ, và nó không hiện hữu như một cách thế đặc thù có tính chất hiện tượng.
3. Trí tuệ nguyên sơ của lòng bi mẫn trùm khắp (năng lực); nó an trụ giống như mặt đất không gây chướng ngại để sự sinh khởi xảy ra nhờ năng lực hiển lộ của tinh túy nội tại; nhưng sự tỉnh giác này không phân tích đối tượng của nó.
Nếu có bất kỳ sự thô lậu nào thì Pháp thân sẽ thuộc về hiện tượng và nó sẽ có những tính chất, trong trường hợp đó nó sẽ không đủ điều kiện như cái gì có sự an bình và thoát khỏi sự khái niệm hóa như ý nghĩa rốt ráo của nó. Nếu không có phương diện vi tế của sự quang minh sâu xa như nền tảng của sự xuất hiện thì Pháp thân sẽ chỉ đơn thuần là một sự vắng mặt, giống như một khoảng trống. Vì thế nó là một trí tuệ nguyên sơ của sự quang minh vi tế, mở trống, an trụ như nền tảng của sự xuất hiện, siêu vượt hai cực đoan của thuyết thực thể (vĩnh cửu) và hư vô.
Pháp thân sở hữu ba phẩm tính vĩ đại:
1. Thuần tịnh vĩ đại (sPang Pa Ch’en Po): hai che chướng thình lình và huyễn hóa với những tập quán của chúng, là cái thực ra không hiện hữu, hoàn toàn được tịnh hóa.
2. Sự chứng ngộ vĩ đại (rTogs Pa Ch’en Po): Nhờ trí tuệ nguyên sơ vĩ đại của sự bất nhị, Pháp thân nhìn tất cả sinh tử và niết bàn mà không rơi vào sự phân biệt.
3. Tâm vĩ đại (Sems Ch’en Po): Do bởi hai phẩm tính trước, những hiển lộ của Pháp thân đối với sự lợi lạc của tất cả chúng sinh thì tự nhiên và thành tựu một cách tự nhiên mà không có bất kỳ khái niệm nào.
Chương II: Báo Thân
Dharmakāya (Pháp thân) an trụ trong trạng thái của sự quang minh sâu xa và bản tánh tuyệt đối của các hiện tượng. Không chỉnh sửa bản tánh của Pháp thân, Sambhogakāya (Báo thân) tự-xuất hiện, thân hỉ lạc, hiển lộ tự nhiên. Từ tinh túy của Pháp thân, phương diện hiển lộ của trí tuệ nguyên sơ, vô số thân Phật và cõi tịnh độ xuất hiện như sự tự-tri giác, giống như những tia sáng năm màu xuất hiện từ một miếng pha lê nhờ những tia sáng mặt trời. Trong Báo thân, vị Thầy và các đệ tử được hợp nhất trong phạm vi của cùng một sự chứng ngộ. Vị Thầy không ban giáo lý mà đúng hơn, các giáo lý được tự xuất hiện trong trạng thái đồng nhất. Các Báo Thân xuất hiện tự nhiên như sự tự-tri giác theo năm cách thế:
NƠI CHỐN: “Cõi tịnh độ vô song của mạng lưới tuyệt đẹp” tự-tri giác
VỊ THẦY: Năm bộ Phật, chẳng hạn như Vajrasattva (Akshobhya, Phật Bất Động), được tô điểm ba mươi hai tướng tốt và tám mươi tướng phụ.
CÁC ĐỆ TỬ: Vô lượng chư Phật như đại dương, xuất hiện như sự tự-hiển lộ của trí tuệ nguyên sơ, không gì khác hơn chính là vị Thầy.
GIÁO LÝ: Cái thấy chói ngời vĩ đại, không thể diễn tả và thoát khỏi những sự khái niệm hóa của biểu thị và ngôn từ.
THỜI GIAN: Sự bất biến; chu kỳ thời gian luôn luôn tiếp diễn
Có hai loại trao truyền trong Báo thân:
1. Trong cõi tịnh độ vô song, các giáo lý tantra được Samantabhadra (Phổ Hiền) ban cho chư Phật Báo Thân tự-tri giác, chính là Đức Phổ Hiền, trong khi vị Thầy và các đệ tử an trụ trong trạng thái chứng ngộ không thể phân biệt. Điều này được gọi là sự trao truyền cùng một tâm của vị Thầy và đệ tử.
2. Nhờ sự gia hộ của vị Thầy, những đệ tử có tâm thức khác biệt với tâm của Thầy trở nên đồng nhất với tâm Thầy. Điều này được gọi là sự trao truyền việc trở nên bất khả phân của tâm Thầy và đệ tử.
Năm trí tuệ nguyên sơ của Báo thân là:
1. Pháp giới thể tánh trí (dharmadhātujnāna): Là sự hợp nhất bất khả phân của ba phương diện: tánh Không vĩ đại (sự mở trống), là nền tảng của sự giải thoát, thuần tịnh tự nguyên thủy; nền tảng của sự tự-quang minh, ánh sáng tự nhiên của trí tuệ nguyên sơ; và Pháp giới tối hậu của trí tuệ tỉnh giác.
2. Đại viên cảnh trí (ādarshajnāna): Những hình tướng xuất hiện trong giác tánh trống không-quang minh theo cách thế không bị chướng ngại, giống như sự xuất hiện của những phản chiếu trong một tấm gương. Trí tuệ nguyên sơ này là phương diện của nền tảng đối với sự xuất hiện của hai sắc thân, Báo thân và Hóa thân. Để đáp lại những đệ tử có thể nhìn thấy và tu tập, hai sắc thân của Đức Phật và ba trí tuệ nguyên sơ sau đây xuất hiện tự nhiên như một phản chiếu.
3. Bình đẳng tánh trí (samantājnāna): Đó là trí tuệ bình đẳng vĩ đại giải thoát tự nguyên sơ, trong đó mọi sự xuất hiện của các sắc thân của Đức Phật xuất hiện phù hợp với tri giác của các đệ tử, không rơi vào hay giữ bất kỳ cực đoan nào.
4. Diệu quan sát trí (pratyavekshanajnāna): là trí tuệ nguyên sơ đồng thời nhìn thấy rõ ràng mọi hiện tượng có thể nhận thức được không chút sai lầm.
5. Thành sở tác trí (krityānushthānajnāna): là trí tuệ nguyên sơ thành tựu những mục đích của riêng ta trong trạng thái của giác tánh nội tại, và phụng sự tự nhiên mọi nhu cầu của chúng sinh mà không cần nỗ lực, giống như một viên ngọc như ý.
Pháp giới thể tánh trí nhìn mọi sự như chúng là, chân lý tuyệt đối; và bốn trí tuệ nguyên sơ kia nhìn thấy cách thức mọi sự xuất hiện, chân lý tương đối.
Chương III: Hóa Thân
Trong khi Pháp thân an trụ mà không di chuyển khỏi sự nhất như vĩ đại của sinh tử và Niết bàn, sắc thân của Đức Phật, những hiển lộ lòng bi mẫn không cần dụng công, xuất hiện trong những phô diễn muôn hình vạn trạng không ngơi nghỉ, như sự phô diễn của những xuất hiện thần diệu.
Ngày nào sinh tử còn hiện hữu thì Nirmānakāya (Hóa thân), thân hiển lộ, sẽ còn xuất hiện để đáp ứng những nhu cầu của những chúng sinh bình thường. Đó là bởi khi mặt trăng được phản chiếu trong những thùng nước, thì có bao nhiêu thùng nước là có bấy nhiêu mặt trăng để tạo ra ánh phản chiếu của nó. Hóa thân có thể được phân thành ba loại:
1. Hóa thân tự nhiên (Rang bZhin sPrul sKu): Đối với các đệ tử có tri giác thanh tịnh, và những bậc đã đạt được cấp độ nào đó trong mười cấp độ (thập địa), hiển lộ Báo thân vĩ đại xuất hiện như tịnh độ vô song và những cõi tịnh độ của Năm Bộ Phật, chẳng hạn như Vajrasattva, và của Ba Bộ Phật, chẳng hạn như Vajrapāni (Kim Cương Thủ), giống như sự phản chiếu trong một tấm gương. Ở đây tâm của các đệ tử không đồng nhất với tâm của vị Thầy, Đức Phật, nhưng trong thực tế những cõi tịnh độ này là những cõi tịnh độ Báo thân, vì thế chúng được gọi là những cõi tịnh độ nửa-Báo thân và nửa-Hóa thân.
2. Những bậc Hóa thân điều phục chúng sinh (‘Gro ‘Dul sPrul sKu): Đây là hiển lộ của Hóa thân tuyệt hảo, có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi tướng phụ. Các ngài xuất hiện trong mỗi một cõi trong sáu cõi của vô số hệ thống thế giới. Bằng mười hai công hạnh và những phương pháp thiện xảo các ngài phụng sự các nhu cầu và sự giải thoát của tất cả chúng sinh. Hóa thân tuyệt hảo của cõi người trong hệ thống thế giới của chúng ta trong thời hiện tại là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Mười hai công hạnh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là (1) hạ thế từ cõi trời Tushita (Đâu suất), (2) vào thai tạng của thân mẫu, (3) đản sinh, (4) học các nghệ thuật, (5) lập gia đình, (6) từ bỏ đời sống gia chủ thế tục, (7) thực hành khổ hạnh, (8) du hành tới Cội Bồ đề, (9) chiến thắng ma quân, (10) đạt được Phật quả; và (12) nhập niết bàn.
3. Hóa thân của những Thân tướng Khác nhau (sNa Tshogs SPrul sKu): Trong hiển lộ Hóa thân này không có sự chắc chắn về nơi chốn, hình thức, hay khoảng thời gian của sự hiển lộ. Nó xuất hiện trong bất kỳ hình thức nào thích hợp với chúng sinh, chẳng hạn những sinh loài; như những hình tượng, Kinh điển, nhà cửa, vườn tược, thuốc men, cầu đường, và v. v..
Trí tuệ nguyên sơ của Hóa thân là sự chứng ngộ rằng bất kỳ hình thức Hóa thân nào xuất hiện trước chúng sinh thì không phải là những hình thức vô tri hay chỉ là những phản chiếu. Các ngài có hai loại trí tuệ nguyên sơ, và những trí tuệ đó xuất hiện một cách tự nhiên vì sự lợi lạc của chúng sinh.
Trí tuệ nguyên sơ “thấu suốt như nó là” là sự chứng ngộ bản tánh của chân lý tuyệt đối của mọi vật hiện hữu có tính chất hiện tượng, không có bất kỳ sai lầm nào. Trí tuệ này biểu lộ cho chúng sinh ý nghĩa của chân lý tuyệt đối, là chân lý thoát khỏi những sự khái niệm hóa của sinh và diệt, giống như không gian.
Trí tuệ nguyên sơ “thấu biết tất cả” những sự hiện hữu có tính chất hiện tượng đồng thời là sự chứng ngộ chân lý tương đối không lầm lẫn những tính chất khác biệt của các hiện hữu hiện tượng.
Sự trao truyền độc nhất vô nhị của Đại Viên mãn được Prahevajra (Garab Dorje, Kim Cương Hỉ) nhận từ Vajrasattva hay Vajrapāni. Vajrasattva và Vajrapāni là vị Phật xuất hiện trong hình thức Sambhogakāya (Báo Thân) hay nửa Báo Thân, và Prahevajra là vị Phật xuất hiện trong hình thức Hóa Thân.