M. Chương XXXI - XXXIII
Chương XXXI: Kathok Khenpo Ngawang Palzang
1879 – 1941
KHENPO Ngawang Palzang ở Tu viện Kathok là một trong những nhà biên soạn, Đạo sư, và người truyền bá dòng Longchen Nyingthig vĩ đại nhất trong thế kỷ này. Ngài được coi như một tülku (tái sinh) của Vimalamitra, và sẽ không cường điệu khi gọi ngài là Longchen Rabjam thứ hai.
Ngài thường được biết với danh hiệu Khenpo Ngachung (Ngak Con), và trong nhiều tác phẩm ngài tự ký là Ösal Rinchen Nyingpo Pema Ledreltsal hay Pema Ledreltsal.
Ở đây tôi xin đưa ra một bản tóm tắt tự thuật của Khenpo, Ngotsar Gyume Rölgar (Một Trò Nô đùa Kỳ diệu đáng Kinh ngạc). Nếu các bạn thích thú khi đọc tiểu sử của một Lạt ma về những thành tựu học thuật và tâm linh thì các bạn nên chọn bản tự thuật này. Trong một văn phong đẹp và cổ điển nhất thật hiếm thấy, bản tiểu sử này giới thiệu một cuộc đời tráng lệ.
Khenpo sinh ngày mồng mười tháng mười năm Thổ Mão thuộc Rabjung thứ mười lăm (1879) giữa những dấu hiệu kỳ diệu của ánh sáng cầu vồng và âm nhạc từ trên không. Cha ngài là Namgyal của nhóm bộ lạc Nyoshül, và mẹ ngài là Pematso thuộc nhóm bộ lạc Juwa.
Cả ngày lẫn đêm của ngài tràn ngập ánh sáng, những chứng nghiệm, linh kiến, âm thanh lạ lùng, và những giao tiếp với các bậc linh thánh. Khi được ba ngày tuổi, ngài tụng đọc thần chú Vajrakīla khi ngồi trong tư thế thiền định. Suốt trong mùa đông thứ nhất, trong thời tiết băng giá, em bé ngủ với mẹ. Nhưng bà mẹ không thể ngủ với ngài vì ngài phát ra quá nhiều nhiệt qua năng lực tâm linh. Bà mẹ nói: “Con là ai, là con của ma quỷ à?” Ngài hát:
Con đến từ hướng Latrang phía đông,
Con tự kiểm soát năng lực và nhiệt.
Con từng thành tựu pháp Guhyasamaja.
Nếu mẹ nhận ra con, con là Alak Rigdra.
Trước sự việc như thế bà mẹ nói: “Ai mà biết được? Hãy im lặng.” Cha mẹ và thân quyến của ngài lo lắng về đứa con khác thường của họ và cố giữ bí mật việc ngài hiển lộ những điều thần diệu.
Năm lên hai tuổi, cha ngài đưa ngài tới gặp ngài Nyoshül Lungtok tại Ẩn thất Gyaduk. Nhìn thấy ngài, Lungtok biểu lộ niềm vui cực độ và ban sự gia hộ cùng quà tặng cho ngài.
Khi ngài lên năm, gia đình ngài vô cùng khó khăn do một trận lụt, và một hôm ngài uốn một nhánh cây thành hình dáng một phurbu (lưỡi dao linh thiêng), và nói:
Con, như Vimalamitra ở Ấn Độ,
Đã đảo ngược giòng Sông Hằng.
Xá gì con lạch trong hẻm núi.
Mẹ ơi, nhìn xem điều tuyệt vời này!
Sau đó, chỉ cây phurbu vào con sông, ngài tụng thần chú Vajrakīla, và con sông đổi dòng chẩy như thể bị một trận bão xô đẩy.
Năm lên bảy, ngài được người chú dạy đọc những bài nguyện. Khi chú dạy một chữ thì ngài đọc chữ kế tiếp thay vì lập lại theo ông. Người chú trở nên khó chịu và nói: “Tại sao cháu cứ nhào lên trước thế? Cháu không nhận diện được các chữ.” Khi đó ngài học chậm lại và mất khoảng hai mươi ngày để học trang đầu của bài nguyện, và điều này làm người chú hài lòng. Vào một buổi tối, trong khi thiu thiu ngủ, ngài đọc toàn bộ Zangpo Chöpa, và chú của ngài nhận ra rằng ông đang đối xử với một người phi thường. Chú ngài đem đến cho ngài một số bản văn mới, và Khenpo đọc tất cả không chút khó khăn. Chú ngài thôi đưa các bài đọc cho ngài.
Từ năm lên tám, ngài bắt đầu nhận những giáo lý và quán đảnh từ nhiều vị thầy. Năm mười lăm tuổi, Khenchen Gyaltsen Özer cho ngài thọ giới Sa di, và Nyoshül Lungtok dạy ngài về tầm quan trọng của việc trì giữ các giới nguyện.
Cùng với Nyoshül Lungtok, ngài đi tới ẩn thất tên là Pema Ritho. Ở đó, từ Nyoshül Lungtok ngài nhận những giáo huấn chi tiết về thực hành ngöndro và hoàn tất những tích tập ngöndro. Trong thực hành mạn đà la thuộc ngöndro, ngài thấy Longchen Rabjam trong một giấc mộng. Đức Longchenpa đặt một trái cầu pha lê lên đầu ngài và nói:
Ah ! Bản tánh của tâm là tâm giác ngộ. Ah !
Ah ! tánh Không vĩ đại là phạm vi của Samantabhadra (Phổ Hiền). Ah !
Ah ! Giác Tánh nội tại mở trống là Dharmakaya (Pháp Thân). Ah !
Ah ! Từ năm ánh sáng chói lọi phát sinh mọi sự. Ah !
Ah ! Bản tánh của Giác Tánh nội tại siêu vượt cái thấy và thiền định. Ah !
Ah ! Giờ đây cầu mong chúng được an lập trong tim con. Ah!
Bởi sức mạnh của lòng sùng mộ, Khenpo ngất đi một lát. Từ pho tượng của Longchen Rabjam trên bàn thờ của ngài hoá ra xá lợi. Nyoshül Lungtok nói với những người khác rằng Khenpo có thể là tái sanh của Vimalamitra trong thế kỷ này, vì Vimalamitra đã hứa gởi một hóa thân chính tới Tây Tạng trong mỗi thế kỷ để truyền bá giáo lý Nyingthig.
Trước pháp guru yoga của thực hành ngöndro, ngài nhận quán đảnh của giáo khoá Longchen Nyingthig gồm hai pho sách từ Lạt ma Atop, một trong những đệ tử chính cua Nyoshül Lungtok. Nyoshül Lungtok chỉ ban một ít lễ quán đảnh trong suốt cuộc đời giống như vị Thầy Paltrül của ngài. Lungtok ban cho Khenpo những giáo huấn về Longchen Nyingthig nói chung và đặc biệt là pháp guru yoga.
Khenpo trì tụng thần chú siddhi (thành tựu) ba mươi triệu lần và thực hiện một trăm ngàn lạy dài cùng những hành vi tôn kính. Từ khi Khenpo bắt đầu nhận các giáo lý từ Nyoshül Lungtok, ngài không bao giờ nghĩ tưởng dù chỉ trong một giây rằng bậc thầy của ngài là một chúng sinh bình thường, mà luôn luôn nhìn Thầy như một vị Phật toàn giác. Ngài cũng không thể nhớ được có bao giờ nói năng không đúng đắn với các bạn Pháp (Pháp lữ) của ngài.
Suốt trong thời gian tu tập ngöndro, ngài duy trì kinh nghiệm rằng tâm ngài tan hòa vào một trạng thái vô niệm và sau đó mọi sự xuất hiện khách quan đều tan biến. Vị thầy của ngài làm giảm bớt vẻ quan trọng của những kinh nghiệm đó và nói: “Đó là nền tảng phổ quát,” một trạng thái trung tính, nhưng không phải là bản tánh giác ngộ.
Sau thực hành guru yoga, Lungtok ban những giáo lý chi tiết về tantra bao gồm ba cội gốc và nhiều bản văn khác. Khenpo thực hiện một cuộc nhập thất trì tụng nghiêm nhặt trong bốn mươi chín ngày về Rigdzin Düpa. Ngài đạt được sự quang minh to lớn trong giai đoạn phát triển, trì tụng thần chú siddhi mười triệu lần và thần chú Rigdzin Chitril một trăm triệu lần. Sau đó ngài thực hiện một cuộc nhập thất một tháng về Yumka Dechen Gyalmo và thực hành ngày lẫn đêm. Ngài có thể nghe năng lực âm thanh của thần chú mà không cần nỗ lực. Ngài có một chứng ngộ phi thường rằng những thị kiến về các hình tướng linh thánh hay bình phàm chỉ đơn thuần là những sự xuất hiện và định danh do tâm thức tạo tác.
Năm hai mươi tuổi, bởi được Lungtok tận tình khuyên bảo, Khenpo thọ cụ túc giới từ ngài Atop. Về sau, ngài trì giữ mỗi một trong 253 giới của một nhà sư và không giữ ngoại vật nào cho riêng mình. Khi phải giữ các ngoại vật để phụng sự Giáo Pháp hay cho người khác, ngài chỉ giữ chúng sau khi trì tụng tütren (Dus Dran), một cách thức để tự nhắc nhở về “chánh niệm về mục đích”, do ngài Panchen Lobzang Chögyen biên soạn.
Vị thầy của ngài ban cho ngài các giáo lý chi tiết về cuộc đời và sự trường thọ. Sau đó Khenpo thực hiện một cuộc nhập thất một trăm ngày về thực hành trường thọ của Longchen Nyingthig. Sau nhiều ngày trì tụng, ngài thấy ánh sáng phát ra từ những viên thuốc trường thọ trên bàn thờ, và sau đó chúng tan thành ánh sáng. Do chú tâm tu tập về năng lực (khí), ngài đã chứng nghiệm các thành tựu về sự thâm nhập, an trụ, và toàn thiện của những năng lực của ngài trong kinh mạch trung ương. Bằng pháp yoga nội nhiệt, ngài chứng nghiệm đại lạc và nhiệt trong thân và sự hợp nhất của lạc và tánh Không trong tâm ngài. Sự tiếp xúc với cái lạnh hoặc nóng bên ngoài khiến ngài phát sinh nhiệt và lạc. Nhờ tu tập về tinh chất vi tế, chẳng bao lâu tâm và các niệm tưởng của ngài đã ngừng dứt. Ngài an trụ trong một trạng thái vô niệm sâu dày, như đang ngủ, nhưng trước tiên với sự khoáng đạt rồi đó tâm thức đó cũng tan hòa trong trạng thái hợp nhất của tánh Không và quang minh. Ngài có thể an trụ trong trạng thái như thế trong suốt một khoá thiền định.
Khi Khenpo hai mươi mốt tuổi, mỗi ngày Nyoshül Lungtok ban cho ngài ít dòng giáo lý Nyingthig thâm sâu. Sau mỗi giáo lý, Khenpo thiền định về ý nghĩa của giáo huấn trong nhiều ngày, và sau đó là các cuộc thảo luận và minh giải.
Thầy Lungtok giảng rằng ngài đã nhận sự truyền dạy Nyingthig từ Dzogchen Rinpoche đệ tứ xuất phát từ Jigme Lingpa qua dòng truyền thừa của Dodrupchen. Ngài cũng nhận sự truyền dạy từ Paltrül Rinpoche lẫn Khyentse Wangpo đến từ Jigme Lingpa qua dòng truyền thừa của Gyalwe Nyuku.
Trong những tu tập này, Khenpo phát triển một sự xác tín không thể nghi ngờ rằng điều mà ngài đã chứng nghiệm suốt trong các tu tập ngöndro của ngài – đó là kinh nghiệm về trạng thái vô niệm, sau kinh nghiệm đó mọi sự xuất hiện khách quan đã tan biến - thì không đơn thuần là sự vắng mặt của các tư tưởng mà là sự hợp nhất trần trụi của giác tánh nội tại và tánh Không.
Ngài trình bày xác quyết của mình cho vị thầy. Vị thầy cười và nói: “Trong thời gian các tu tập tâm thức chuẩn bị [Blo sByong] của thực hành ngöndro, ông đã nói về một sự thiền định [về trạng thái vô niệm] và sự tan biến của các sự xuất hiện khách quan. Đó là cái nó là. Có hai loại tư tưởng, các tư tưởng chủ quan và các tư tưởng khách quan. Trong thiền định của các bậc chứng ngộ, trước tiên bám nắm chủ quan của họ tan biến. Vào lúc ấy, khi tư tưởng khách quan chưa bị tan biến, sẽ là những tư tưởng về các sự xuất hiện (các hình tướng). Sau đó những gì các tư tưởng đã bám níu một cách khách quan sẽ tan biến, và rồi ngay cả những sự xuất hiện đơn thuần cũng sẽ không có mặt trước tâm thiền định.”
Khenpo là một người tài ba nhất, đã có kinh nghiệm về chân tánh trong các tu tập thiền định lúc ban đầu của ngài. Tuy nhiên, vị thầy của ngài không nói với ngài rằng đây là một chứng ngộ quan trọng. Nếu vị thầy nói điều này quá sớm, trong tâm Khenpo có thể phát sinh một sự bám níu ý niệm vi tế, một sự dính mắc vào cái được gọi là “sự chứng ngộ quan trọng,” và thay vì Khenpo được khuyến khích bởi việc đạt được chứng ngộ vững chắc, ngài có thể bị xao lãng khỏi hành trình tu tập. Đó chính là lý do tại sao Paltrül Rinpoche nói: “Đừng vội gọi nó là Pháp Thân !”
Sau đó Nyoshül Lungtok ban một trong những quán đảnh hiếm hoi nhất của ngài, một Yeshe La-me Tsalwang, lễ quán đảnh năng lực giác tánh nội tại (hay sự nhập môn bản tánh của tâm) như được ban cho trong Yeshe Lama. Tiếp theo là các giáo lý về giáo huấn thâm sâu Đại Viên mãn, bao gồm Chöying Rinpoche Dzo.
Kế đó vị thầy của ngài bảo Khenpo rằng giờ đây ngài nên đến Tu viện Dzogchen để nghiên cứu các bản văn uyên áo. Ngài nghe nói rằng Mipham Namgyal cũng đang đến dạy tại tu viện. Khenpo không muốn đi nhưng phải tuân lời thầy. Với một món quà gồm mười ba cái bánh đường nâu và một khăn choàng dài, vị thầy tạm biệt đệ tử của mình bằng những lời cầu nguyện rồi nói thêm: “Ta đang thôi thúc con, trao quyền cho con, và chứng nhận con là người hộ trì bậc thứ mười ba, trạng thái của Vajradhara (Kim Cương Trì).” Với trái tim nặng trĩu, Khenpo cầu nguyện và cuối cùng từ giã vị thầy.
Cuối năm hai mươi hai tuổi, Khenpo tới Tu viện Dzogchen. Cùng ngài Minyak Lama Rigdzin Dorje và những người khác, ngài nghiên cứu Madhyamakālamkāra của Shantarakshita, Tsema Rikter của Sakya Pandita, Don Namnge, Kagye Namshe, và Ösal Nyingpo về Guhyagarbha của Mipham.
Với Khenpo Losal ngài nghiên cứu Domtik Paksam Nye của Dharmashrī, Mahayana-sutralamkara (Đại thừa Trang nghiêm Kinh luận), Madhayanta-vibhanga, và Dharmadharmatavibhanga với các bình giảng của Rongtön, Uttaratantra (Đại Thừa Tối Thượng Mật điển) với bình giảng của Dölpo, Guhyagarbha với các bình giảng của Longchen Rabjam, Rongzom, và Yungtön, Thekchen Tsüljuk và Nangwa Lhadrup của Rongzom, Yönten Dzö với các bình giảng của Dodrupchen và Tentar Lharampa, và Semnyi Ngalso và Gyuma Ngalso.
Với Khenpo Sönam Chöphel ngài nghiên cứu Abhisamayālamkāra (Hiện Quán Trang nghiêm) với các bình giảng của Je Tsongkhapa và Paltrül, Bodhicharyāvatāra (Nhập Bồ Tát Hạnh) với các bình giảng của Ngülchu Thogme và Künzang Sönam, và Norbu Ketara của Mipham, Prajnānāma-mūla-madhyamaka, Chatuhshataka-shāstra, Dültik Rinchen Trengwa, Dülwa Tsotik, Longchen Nyingtig Tsalung, Sangdak Gonggyen, và những tác phẩm khác.
Từ Mura Tülku Pema Dechen ngài nhận nhiều lễ quán đảnh và giáo lý về Yeshe Lama và những kinh điển khác. Từ Khenpo Konchok Norbu ngài nhận các giáo huấn duy nhất của Paltrül về Bodhicharyāvatāra (Nhập Bồ Tát Hạnh).
Với Apal ngài nghiên cứu Abhidharmakosha (A tỳ đạt ma Câu xá luận) với bình giảng và các bình giảng của Gyalpö Se, Chimchen, và Chimchung. Khenpo có một quãng thời gian cam khổ để thấu suốt lối giảng dạy tỉ mỉ của Apal. Ngài đi tới tảng đá ở Shrīsimha, nơi có lần ngài Paltrül giảng Abhidharmakosha và ước nguyện có thể hiểu được những gì ngài Vasubandhu linh thị trong bản văn của ngài. Ngài rơi vào giấc ngủ và trong một giấc mơ được Vasubandhu (Thế Thân) gia hộ, và Khenpo nhớ lại ngài đã từng là Sthiramati, đệ tử chính của Vasubandhu. Sau lần đó, ngài có thể thấu hiểu các giáo lý.
Sau đó Mipham Namgyal tới và ở ẩn thất Nakchung của Tu viện Dzogchen để biên soạn tác phẩm Khepala Jukpa. Một hôm Khenpo tới thăm ngài, và chính trong ngày ấy Mipham hoàn thành Khepala Jukpa, Mipham trao bản văn cho Khenpo và thôi thúc ngài giảng dạy nó. Khenpo cũng nhận lễ quán đảnh Jampal Gyüluk.
Ngài cũng nhận các quán đảnh Könchok Chidu từ Dzogchen Rinpoche thứ năm, Gongpa Düpa và Khandro Nyingthig từ Drukpa Kuchen của Tu viện Dzogchen.
Cuối năm hai mươi bốn tuổi (1902), ngài trở về ẩn thất của vị thầy và đau buồn khi biết tin ngài đã mất vào ngày hai mươi lăm tháng năm năm ngoái. Ngài làm một cuộc nhập thất trì tụng ba tháng về Vajrakīla Düpung Zilnön của Longchen Nyingthig. Ngài cũng thực hiện các tiệc cúng dường và ban giáo lý cho mọi người. Rồi ngài đi tới ẩn thất Kading và làm những cuộc nhập thất về Sādhana Māyājāla Hòa bình và Phẫn nộ và Jampal Gyüluk và ban các giáo lý. Ngài thiền định về Thögal và nhìn thấy ánh sáng và hình ảnh của chư Phật tràn đầy không gian, và sau đó năng lực của giác tánh nội tại trong hình tướng của giây xích kim cương, trí huệ vi tế nhất, tan biến thành pháp giới nội tại tối hậu. Bằng cách thực hành như thế, ngài đạt tới bản tánh tối hậu của trí huệ nguyên sơ, sự hợp nhất trần trụi của giác tánh nội tại và tánh Không. Mọi cấu trúc của kinh nghiệm đã tiêu tan. Mọi sự bám níu chủ quan và khách quan đã bị phá huỷ. Trong trọn nửa ngày, ngài an trụ trong sự quang minh chói ngời thoát khỏi các niệm tưởng. Như một dấu hiệu của việc ngài nhận ra rằng các hình tướng không thật như chúng được cho là thế, cái chuông của ngài rơi trên một tảng đá, và thay vì cái chuông bị vỡ như bình thường, có một dấu vết của cái chuông trên tảng đá và cũng có một dấu vết của tảng đá trên cái chuông.
Trong khi thiền định về Khandro Yangtig, trong một linh kiến ngài đi tới cõi tịnh độ vô song trong hình tướng của Lhacham Pemasal và nhận các quán đảnh từ vị thủ lãnh của các dākinī và được ban pháp danh Ösal Rinchen Nyingpo Pema Ledreltsal. Cũng như Longchen Rabjam, ngài nhận sự truyền dạy từ Rigdzin Kumārādza.
Năm ngài hai mươi chín tuổi, mẹ ngài mất giữa những biểu hiện ánh sáng và động đất. Từ Terchen Ngawang Tendzin ngài nhận các sự truyền dạy nguyên bản của Nyingma Gyübum.
Sau đó, ngài đi tới Tu viện Dzogchen một lần nữa. Với Khenpo Lhagyal của Dzogchen ngài nghiên cứu Pramānavārttika, và với Khenpo Zhen-ga ngài nghiên cứu các bình giảng về Madhyamakāvatāra (Nhập Trung Luận) và nhiều kinh điển khác.
Sau đó Dzogchen Rinpoche muốn bổ nhiệm ngài làm một khenpo, một tu viện trưởng của Tu viện Dzogchen, nhưng ngài từ chối, vì ngài được ngài Lungtok chỉ thị không dạy tại Tu viện Dzogchen mà dạy tại Tu viện Kathok.
Ngài trở về Jönpa Lung, trụ xứ của vị thầy của ngài, và bắt đầu ban thêm các giáo lý. Suốt trong lễ quán đảnh Yumka Dechen Gyalmo, chất cam lồ sôi lên trên bàn thờ mát mẻ, và các chữ chủng tự được viết trên một tấm gương có màu sắc nổi bật lên (‘Bur Dod). Trong thời gian truyền dạy bản văn Dzödun, một người đàn bà vô danh với nhiều món trang sức quý giá có mặt một lúc rồi biến mất. Khi Khenpo đang ban giáo lý Semnyi Ngalso, toàn thể thung lũng tràn ngập ánh sáng cầu vồng.
Từ ngài Adzom Drukpa, ngài nhận quán đảnh Gongpa Zangthal, Khandro Yangtig, và Lama Yangtig và các giáo lý ngöndro cùng các thực hành thực sự Dorje Nyingpo.
Năm ba mươi tuổi, do lời mời của Kathok Situ Chökyi Gyatso (1880-1925), ngài đi tới Tu viện Kathok. Ở đó ngài được chỉ định là một trợ giáo (sKyor dPon) trong shedra hay học viện kinh điển mới mở. Khenpo Kunpal giảng dạy Domsum Rabye, Pramanavarttika, Tsema Rikter, Yizhin Dzo, Men-ngak Dzo, và Choying Dzo, và Khenpo Ngachung duyệt lại giáo lý cho các học viên.
Năm ngài ba mươi mốt tuổi, Khenpo Künpal phải trở về Dzachukha. Khenpo Ngachung kế tục ngài làm khenpo của shedra (Học viện Kinh điển) và giảng dạy nhiều bản văn trong mười ba năm. Mỗi ngày ngài ban ít nhất ba bài giảng và đôi khi bảy bài. Ngài cũng ban các quán đảnh, bao gồm Nyingthig Yabzhi và Longchen Nyingthig hai mươi bảy lần, Dorje Nyingpo ba lần, và sự truyền dạy bản văn Dzödun mười ba lần. Ngài cho hơn bốn ngàn vị sư thọ cụ túc giới.
Trong khi giảng dạy, ngài thọ nhận Rinchen Terdzö, Düdül, và nhiều sự truyền dạy khác từ Kathok Situ, Jewön Rinpoche, và Khenpo Gyaltsen Özer. Từ Detso Khenpo Sönam Palden xứ Golok, ngài nhận giáo lý Lamrim Chenmo và nhiều giáo lý Geluk khác. Từ Pema Norbu thứ hai (1887-1932), ngài nhận Namchö, Ratna Lingpa, Chagter, Minling Terchö, Jatsön, và Trölthik.
Một lần nữa, ngài trở lại Jonpa Lung và thiết lập một tu viện theo lời dạy của Kathok Situ.
Sau đó ngài đi tới Tu viện Palyül để bắt đầu một shedra. Ngài ban nhiều giáo lý ngắn, kể cả Bodhicharyāvatāra (Nhập Bồ Tát Hạnh). Rồi ngài tới Tu viện Tralak Shedrup Ling trong Thung lũng Da theo lời mời của Chaktsa Tülku và ban quán đảnh Rinchen Terdzö, cùng với nhiều giáo lý và truyền dạy khác.
Tại Namoche trong Thung lũng Nyi Thượng ngài ban các quán đảnh Nyingthig Yabzhi và Longchen Nyingthig trong một trại và ban các giáo lý ngöndro và Yeshe Lama.
Năm ngài bốn mươi bảy tuổi (1925), theo chỉ thị của Kathok Situ, một cuộc tụ hội của một ngàn tu sĩ là đệ tử của truyền thống Katok được thỉnh mời tại Tu viện Kathok. Khenpo và nhiều người khác tụ hội, nhưng Kathok Situ bị bệnh nặng và nhanh chóng qua đời. Khenpo ban các quán đảnh Rinchen Terdzö.
Năm bốn mươi chín tuổi, ngài thiền định về nhiều sādhana chính yếu của Nyingma trong ẩn thất và chứng nghiệm nhiều thành tựu và linh kiến. Đặc biệt là trong thời gian thiền định về Ladrup Thigle Gyachen, ngài có một linh kiến về Longchen Rabjam và được truyền cảm hứng để viết các bản văn về Nyingthig. Kết quả là ngài đã biên soạn các tác phẩm nổi tiếng nhất của ngài, Künzang Thukkyi Tikka về Yeshe Lama, Nyen-gyü Chuwö Chüdü về Trekchö, Khandro Thukkyi Tilaka về Thögal, và Nyime Nangwa về Trekchö lẫn Thögal.
Năm năm mươi mốt tuổi, ngài viếng thăm Markham và ban các quán đảnh Nyingthig Yabzhi, Longchen Nyingthig, Rinchen Terdzö và các giáo lý Ngalso Korsum và Yeshe Lama. Sau đó tại Tu viện Gyalse ngài ban nhiều quán đảnh và giáo lý, công nhận và tấn phong tülku của Gyalse. Ngài cũng viếng thăm trại Nyakla Changchup Dorje và làm lễ thọ giới cho sáu mươi tư người dự tuyển làm sa di hay tu sĩ.
Năm năm mươi tư tuổi (1932), ngài tới Tu viện Tralak ở Thung lũng Da để thiết lập một shedra. Ngay sau đó ngài cảm thấy Pema Norbu thứ hai đang hấp hối, và Khenpo đã viếng thăm vị Thầy này trong thân thiền định của ngài và nói về tương lai. Pema Norbu bảo ngài rằng bởi thân ngài bị hư hỏng do bệnh tật và ngài sẽ chết. Khenpo gợi ý ngài về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà, nhưng Pema Norbu muốn tới tới Pema Ö, cõi tịnh độ của Guru Rinpoche, và trở lại để truyền bá giáo lý Nyingthig. Chẳng bao lâu Khenpo nhận được tin tình trạng của Pema Norbu rất trầm trọng, và Khenpo cấp bách lên đường để đến chỗ ngài. Bởi chuyến đi kéo dài nhiều ngày nên khi ngài tới nơi thì Pema Norbu đã mất trước đó năm ngày.
Theo khẩn cầu của Khyentse Chökyi Lodrö, Khenpo tới Kathok để điều khiển lễ tấn phong tülku của Kathok Situ.
Năm năm mươi lăm tuổi (1933) ngài thực hiện một cuộc nhập thất trì tụng về Vajrakīla Yangsang La-me được Ratna Lingpa khám phá, ngài có một linh kiến về Yeshe Tsogyal, và nhận các thành tựu Vajrakīla. Tự thuật của ngài chấm dứt năm ngài năm mươi lăm tuổi.
Năm sáu mươi hai tuổi (1941), ngài thị tịch với các dấu hiệu kỳ diệu. Những căn lều ánh sáng uốn cong trên địa điểm, người ta nghe được âm nhạc và cảm thấy mặt đất rung chuyển. Shedrup Tenpe Nyima, tülku của Nyoshül Lungtok, và Gyurme Dorje, nam tử của Adzom Drukpa, chủ tọa lễ hỏa thiêu.
Chương XXXII: Alak Zenkar Pema Ngödrup Rölwe Dorje
1881-1943
Alak Zenkar Pema Ngödrup Rölwe Dorje đệ nhất, hóa thân của Do Khyentse, sinh ở Rekong, Amdo. Hơn sáu thập niên trước khi ngài sinh ra, Dodrupchen đệ nhất đã tiên tri việc ngài ra đời, nói rằng:
Từ miền Ah sẽ xuất hiện một người tên là Pema Ngödrup,
Hóa thân của Khyentse, trong hình tướng của một nhà tu khổ hạnh.
Bất kỳ ai có mối liên hệ với ngài sẽ đạt được giải thoát khỏi sáu cõi.
Alak Zenkar nhận những trao truyền từ Gurung Tülku Rinpoche, đệ tử của Mipham (1846-1912). Sau này, vị Thầy của ngài gởi ngài tới Dege, nói rằng: “Vị Thầy định mệnh của con là Mipham Rinpoche. Con không thể gặp ngài, nhưng con phải cố gắng!” Ngài nói thêm: “Khi đó, trong một tu viện ở bên dưới một tảng đá màu hơi đỏ, con sẽ nhận những trao truyền giáo lý terma của Do Khyentse. Đó cũng sẽ là nơi con nên an trụ.”
Khi ngài đã đến gần Tu viện Zhechen, ngài có một linh kiến như giấc mơ trong đó ngài nhìn thấy một chöten (bảo tháp) bằng pha lê. Một Lạt ma trong bộ y phục học giả đang ngồi trong cửa sổ của bình chöten. Ngài nghe những giáo huấn cốt tủy về thiền định của Lạt ma. Sau đó Lạt ma và chöten tan thành ánh sáng trong hình dạng những chữ viết tượng trưng. Cuối cùng những chữ viết tượng trưng bằng ánh sáng tan vào ngài. Ngay lúc đó, ngài kinh nghiệm toàn bộ con người ngài tan thành bản tánh tỉnh giác nội tại cố hữu của riêng ngài, và toàn bộ các hiện tượng xuất hiện như thân, ngữ và tâm của Đức Phật, hoàn toàn bất khả phân với trí tuệ chứng ngộ của riêng ngài. Đó là sự trao truyền tối thượng ngài nhận từ Mipham. Sau đó ngài đi tới Tu viện Zechen và tỏ lòng tôn kính với di cốt của Mipham quá cố.
Sau đó ngài tới Tu viện Dzogchen và nhận những trao truyền từ Dzogchen Rinpoche đệ ngũ và nghiên cứu Guhyagarbha-tantra với Gyakong Khenpo. Ngài cũng nhận giáo lý từ Kathok Situ Chökyi Gyatso và Dzom-Drukpa.
Khi nhớ lại tiên tri của Gurung về nơi ngài nên an trụ, ngài đi tới miền Geshe xứ Gyarong. Khi ngài tới Mirha (Maha) và nhìn thấy Tu viện Kyilung (sKyid Lung), một trong những trụ xứ chính của Do Khyentse ở dưới một tảng đá có màu hơi đỏ, ngài đoan chắc rằng đây là chỗ đến của ngài.
Do Khyentse đã khuyên các đệ tử của ngài lúc ngài mất: “Đừng cố gắng tìm tülku của ta trong một cách thế phô trương. Bản thân ta sẽ xuất hiện như một nhà tu khổ hạnh từ nơi nào đó để chăm sóc tu viện.” Tuy thế, trong một thời gian dài, không ai biết rằng Alak Zenkar chính là nhà khổ hạnh đó. Khi đó Alak Zenkar ở độ tuổi ba mươi hay lớn hơn, ngồi ở cuối hàng trong các tu sĩ của tu viện. Từ Khenpo Rikten, ngài đã nhận những trao truyền các giáo lý terma của Do Khyentse. Mọi người gọi ngài là Alak Zenkar, Đạo sư với Khăn choàng Trắng, bởi ngài đang khoác một chiếc khăn trắng. Chẳng bao lâu người ta nhận ra sự uyên bác và chứng ngộ sâu xa của ngài. Ngài nhớ lại nhiều hành vi trong quá khứ của Do Khyentse ở tu viện, là điều mà chỉ có một ít đệ tử già còn sống là nhớ được. Ngài cũng có danh hiệu mà Dodrupchen đã tiên tri. Tất cả những dấu hiệu này thuyết phục mọi người rằng ngài là tülku của Do Khyentse mà họ đã chờ đợi nhiều thập niên.
Ngài giảng dạy và trông nom Tu viện Kyilung và mười ba tu viện phụ của nó. Sau đó ngài xây một ẩn thất tên là Ogyen Khachödo và ngài thường sống ở đây. Sau này trong đời ngài, ngài mở rộng cửa đối với tất cả mọi người, tăng, ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ đều tương tự như nhau. Ngài dạy họ và cử hành những lễ tsok cùng với họ, nhảy múa với những bài ca du già, dùng chung những chiếc tách và đĩa khi chia sẻ thực phẩm và thức uống, là điều hiếm có đối với văn hóa Tây Tạng. Một trong nhiều bài ca du già phổ thông của ngài bắt đầu bằng:
Trong Pháp giới tối thượng của sự thuần tịnh nguyên thủy
Những màu sắc [tự-xuất hiện] không hiện hữu như thực có.
Khi đã hoàn thiện năng lực xuất hiện tự nhiên của giác tánh nội tại,
Việc thành tựu thoát khỏi sự bám chấp vào cái “ta” là Pháp thân.
Ngài không bao giờ đi ngựa mà luôn luôn đi bộ. Tuy nhiên trong nhiều dịp ngài xuất hiện bằng năng lực kỳ diệu của ngài trong một thời gian ngắn, từ một nơi cách xa nhiều ngày đường, và không thể nào khẳng định là làm thế nào ngài tới đó được.
Năm sáu mươi ba tuổi (1943), trong một buổi tụ hội khác thường, khi uống bằng một cái tách, ngài nói: “Chiếc tách này dành riêng cho ta. Tự ta phải uống nó.” Sau khi uống, ngài nói: “Thức uống này có tẩm thuốc độc. Ta được cúng dường thuốc độc này lần thứ ba bởi cùng một người. Lần này ta dùng nó bởi thời điểm cái chết của ta cũng đã tới.” Sau đó ngài buộc mọi người có mặt phải hứa sẽ không làm hại người đó bằng mọi cách và viết một di chúc nói rõ yêu cầu đó. Và ngài thị tịch với những dấu hiệu kỳ diệu.
Tülku (tái sinh) của ngài, Alak Zenkar Thupten Nyima Rinpoche (sinh năm 1943), đã trở thành một trong những ánh sáng lỗi lạc nhất trong việc hồi sinh của Phật giáo và văn học Tây Tạng ở Kham trong những thập kỷ gần đây.
Chu0ơng XXXIII: Dzongsar Khyentse Chökyi Lodrö
1893-1959
KYABJE Khyentse Chökyi Lodrö của Tu viện Dzongsar là Đạo sư vĩ đại nhất của nhiều dòng truyền thừa của thế kỷ này (thế kỷ 20).
Ngài sinh năm Thủy Tị thuộc Rabjung thứ mười lăm (1893) tại Rekhe Ajam gần Tu viện Kathok. Thân phụ ngài là một Đạo sư Mật thừa tên là Gyurme Tsewang Gyatso, cháu của Tertön Düdül Rölpatsal ở Thung lũng Ser tại Amdo, và thân mẫu ngài là Tsültrim Tso ở Thung lũng Ser tại Amdo. Thân phụ ngài đặt tên cho ngài là Jamyang Chökyi Lodrö. Năm lên sáu tuổi, Khyentse học đọc các bản văn với chú của ngài thật dễ dàng.
Khi ngài lên bảy tuổi, Kathok Situ Chökyi Gyatso, cháu của Khyentse Wangpo, đưa ngài về Tu viện Kathok và tôn phong ngài là hiển lộ-hành động của Khyentse Wangpo, như được Kongtrül Yönten Gyatso tiên tri. Situ đã cử hành lễ xuống tóc và đặt tên cho ngài là Jamyang Lodrö Gyatso.
Situ chỉ định thầy trợ giáo riêng của ngài là Khenpo Thuten Rigdzin dạy dỗ Khyentse, và dưới sự chỉ dạy của vị Thầy, Khyentse đã học những bài cầu nguyện, văn phạm, thuật chiêm tinh, Phạn ngữ, và nhiều Kinh điển khác. Từ Kathok Situ ngài nhận sự trao truyền Nyingthig Yabzhi, các giáo khóa Longsal, và nhiều Kinh điển khác, và Situ trở thành người quan trọng nhất cho con đường tâm linh và cuộc đời thế tục của ngài.
Từ Adzom Drukpa ở Thung lũng Trom ngài nhận những trao truyền Longchen Nyingthig, Gongpa Zangthal, Lama Yangtig, và sự khai tâm vào thiền định Trechö.
Khi Khyentse mười ba tuổi, thầy trợ giáo của ngài, người đã chăm sóc ngài như một người cha, mất sau khi lâm trọng bệnh trong ba năm. Trong những năm cuối cùng này, đích thân Khyentse chăm sóc Thầy, nấu nướng, rửa ráy, cho Thầy uống nước và v.v.. Khyentse tin rằng sự hầu hạ của ngài không chỉ làm vui lòng Thầy trợ giáo mà còn tịnh hóa những phẩm tính trong bản thân ngài. Sau khi Thầy trợ giáo mất, Khyentse học Domsum, Yönten Dzö, Yibzhi Dzö, Khenjuk, và những bản văn của Asanga (Vô Trước) với Kathok Situ, Khenpo Kunpal, và nhiều vị Thầy khác.
Khi ngài mười lăm tuổi, bởi Khyentse Tulku trẻ tuổi ở Tu viện Dzongsar mất, Chökyi Lodrö dời trụ xứ chính của ngài tới Dzongsar, trụ xứ của Khyentse Wangpo. Với một người trẻ tuổi như thế thì việc tiếp nhận trụ xứ chính quả là một thách thức khó khăn khi ngài phải đặt mình trong một hoàn cảnh mới mẻ, đương đầu với rất nhiều sự chống đối. Nhưng dần dần ngài làm yên dịu mọi sự bằng năng lực của sự thiện xảo, vô úy, khoan dung, và bi mẫn của ngài. Cùng với Khenpo Champa Wangchuk ngài nghiên cứu Abhidharma (A tỳ đàm, A tỳ đạt ma), Abhisamayālamkāra (Hiện Quán Trang nghiêm), và Madhyamakāvatāra (Nhập Trung Luận). Chẳng bao lâu bản thân ngài bắt đầu giảng dạy nhiều bản văn cho các học viên được tuyển chọn tại Dzongsar.
Năm mười bảy tuổi, ngài nhận từ Thartse Pönlop Loter Wangpo những trao truyền Lamde Lopshe của phái Sakya, tantra Hevajra, và những kinh điển khác. Năm mười tám tuổi, từ thân phụ, ngài nhận những trao truyền Rinchen Terdzö và những giáo lý terma của Chogling. Năm mười chín tuổi, từ Khenpo Samten Lodrö ngài nhận Drupthap Küntü và những trao truyền khác. Trong năm đó thân phụ ngài, Đạo sư của các Mật điển, qua đời. Năm hai mươi tuổi, ngài nhận nhiều trao truyền từ Thartse Zhaptrung Champa Künzang Tenpe Nyima, nhưng sau đó Lạt ma mất.
Năm hai mươi sáu, ngài đi tới Tu viện Dzogchen và thọ giới xuất gia từ Khenpo Jigme Pema Losal. Ngoài ra, từ Zhechen Gyaltsap ngài nhận những trao truyền Changter, terma Minling, và nhiều giáo lý khác. Cũng trong năm này, ngài thiết lập một shedra (Học viện Kinh điển) được gọi là Khamche tại Tu viện Dzongsar. Ngài mời Zhenphen Chökyi Nangwa (còn gọi là Zhen-ga, 1871-1927) của Tu viện Dzogchen là khenpo đầu tiên để dạy tại shedra mới này. Sau này nó trở thành một tổ chức nổi tiếng từ đó xuất hiện nhiều học giả vĩ đại.
Năm hai mươi tám tuổi, ngài đi Golok nhiều tháng để thăm Dodrupchen đệ tam, Jigme Tenpe Nyima. Ngài nhận những quán đảnh Rigdzin Düpa và Ladrup Thigle Gyachen. Ngài cũng nhận những giáo lý về Yeshe Lama, Longchen Nyingthig, và Đề cương của Guhyagarbha-māyājāla-tantra. Từ Könme Khenpo của Tu viện Dodrupchen ngài nhận sự trao truyền giáo khóa Damchö Dechen Lamchok do Dodrupchen đệ nhất khám phá như một terma. Từ Tertön Sögyal ngài nhận những trao truyền Vajrakīla và Trölthik.
Năm ba mươi hai tuổi, tại tu viện Zhechen, một lần nữa ngài nhận nhiều sự trao truyền, trong đó có Dam-ngak Dzö và Changter từ Zhechen Gyaltsap Pema Namgyal, người trở thành một trong những vị Thầy quan trọng của ngài.
Năm ba mươi ba tuổi, ngài đi hành hương tới miền Trung Tây tạng. Tại Tu viện Mindroling ngài thọ giới tu sĩ lần thứ hai từ Khenpo Ngawang Thupten Norbu, bởi vị tiền nhiệm của ngài đã được thọ giới tại tu viện này trong dòng Vianaya (Luật) thấp hơn.
Ngay trước khi ngài từ miền Trung Tây Tạng trở về, Kathok Situ mất. Sau đó, trong khoảng mười lăm năm Khyentse cũng trông coi việc hành chánh của Tu viện Kathok. Ngài xây dựng nhiều đài kỷ niệm tôn giáo, củng cố thêm Học viện Kinh điển, và tôn phong tulku mới của Kathok Situ, khi được Dzogchen Rinpoche đệ ngũ xác nhận.
Ngài nhận nhiều quán đảnh Mật thừa của phái Geluk từ Jampal Rolwe Lodrö, thường được gọi là Amdo Geshe, sống tại Golok. Ngài nhận Lamdre Lopshe, Vajrabhairava, và những giáo khóa Mahākala từ Gaton Ngawang Lekpa. Từ Kathok Khenpo Ngawang Palzang ngài nhận những trao truyền của Khandro Yangtig, Longsal, và các giáo khóa Düdül. Tổng cộng, ngài đã học với khoảng tám mươi vị Thầy từ mọi truyền thống khác nhau của Phật Giáo Tây Tạng.
Ngài đã thành tựu nhiều thiền định và trì tụng vô số sādhana của các truyền thống Cổ và Tân của tantra, trong đó có tích tập năm lần một trăm ngàn của pháp ngöndro (đối với việc lễ lạy thì ngài chỉ thực hiện bốn mươi ngàn tích tập) và việc trì tụng các sādhana của Takhyung Barwa, Sengdongma, Ladrup Thigle Gyachen, Vajrakīla, Tārā và Palchen Düpa của Longchen Nyingthig, và Ladrup của Khandro Yangtig.
Ngài có nhiều linh kiến, đã đạt được nhiều thành tựu, và hiển lộ nhiều năng lực tâm linh, nhưng bởi tánh khiêm tốn nên ngài chỉ biểu thị một số ít những điều đó trong tự truyện của ngài:
Nếu tôi được học luận lý,
Tôi có thể có sự hiểu biết sâu xa về cách lập luận,
Nhưng nó sẽ mang lại lợi lạc không đáng kể.
Bởi tôi có thể học thuộc lòng
Các Sādhana Ba Gốc, Magön, và những lời cầu nguyện khác của Longchen Nyingthig, và
Một vài bài cầu nguyện tập hội của truyền thống Ngor,
Tôi có những thói quen tốt [hay những ký ức] về những đời trước..
Tôi nhớ lại Tu viện Sakya vinh quang,
Rõ ràng trong tâm tôi, liên tục, và
Tái sinh trong gia đình Khön,
Trong những đời quá khứ.
Tôi nhớ lại đã là Ngari Panchen, Lhatsun vĩ đại,
Ngawang Lobzang Gyatso,
Tsang-yang Gyatso, Palkhyen, và những vị khác..
Thangtong Gyalpo khai mở cho tôi
Bản tánh của giác tánh nội tại với sự hỗ trợ của một miếng pha lê.
Trong những giấc mơ tôi nhìn thấy Āryasthavira Angaja,
Vimalamitra, và Longchenpa.
Tôi đã nhận quán đảnh trường thọ từ Khyentse Wangpo.
Từ đại Bồ Tát Paltrül
Tôi nhận giáo huấn về ngöndro của Longchen Nyingthig.
Từ Nupchen Sangye Yeshe tôi nhận những trao truyền nhiều tantra.
Tôi đã kinh nghiệm hay mơ thấy được nhận các gia hộ
Từ một vài Lạt ma của Lamdre, Milarepa, và Tsongkhapa.
Tôi được chỉ dạy những giới luật Mật thừa
Bởi Lhatsün Namkha Jigme.
Có nhiều sự việc trong việc ngài phô diễn các năng lực. Có lần ngài gia hộ cho một pho tượng mới, và nó trở nên nóng khi chạm tay vào. Khi ngài gia hộ pho tượng Mahākala trong chùa Dzang Mahākala, pho tượng di chuyển như thể nó đang sống. Khi ngài chuẩn bị chất cam lồ, những tia sáng uốn cong quanh ngôi chùa. Vào thời gian có một lễ quán đảnh Vaishravana, bụi vàng đổ xuống từ không trung. Có nhiều lần, việc phân phối một số lượng nhỏ những viên thuốc gia hộ hay cam lồ đã trở thành một nguồn cung cấp phi thường cho tập hội khổng lồ những người sùng mộ.
Năm năm mươi sáu tuổi, ngài lập gia đình với Khandro Tsering Chödrön (sinh năm 1925) của gia đình Aduk Lakar như vị phối ngẫu tâm linh của ngài. Phù hợp với những tiên tri của riêng ngài và của Khyentse Wangpo và Kongtrül Yönten Gyatso, sự kết hợp này là để xua tan những chướng ngại và đẩy mạnh những hoạt động giác ngộ của ngài.
Ngài ban vô số những trao truyền các giáo lý Nyingma, Sakya, và Kagyü cho các đệ tử của những truyền thống Phật Giáo khác nhau của Tây Tạng, trong đó có ba lần ngài ban quán đảnh Yabzhi, nhiều lần ban quán đảnh Longchen Nyingthig và ban giáo lý về Yönten Dzö ba lần.
Năm ngài sáu mươi ba tuổi, khi du hành xuyên qua Lhasa, ngài tới Ấn Độ và tránh được những biến động chính trị của Tây Tạng. Ngài đi hành hương tất cả những thánh địa Phật Giáo ở Ấn Độ và Nepal. Sau đó ngài dùng Nhà nguyện Cung điện của vua xứ Sikkim làm trụ xứ chính tạm thời của ngài và tiếp tục không ngừng ban những giáo lý và trao truyền vô tận cho những người sùng mộ thuộc mọi tầng lớp trong xã hội.
Năm sáu mươi bảy tuổi, vào ngày mồng sáu tháng năm năm Thổ Hợi thuộc Rabjung thứ mười sáu (1959), ngài thị tịch giữa những dấu hiệu ánh sáng, động đất và âm thanh. Hiện nay hầu hết di cốt của ngài được lưu giữ trong một bảo tháp nhỏ bằng vàng tại Nhà Nguyện Hoàng gia Sikkim. Khandro Tsering Chödrön chăm sóc bảo tháp này trong khi dâng hiến đời mình cho việc thiền định và cầu nguyện.
Tülku của ngài là Thupten Chökyi Gyatso (Khyentse Norbu, sinh năm 1961?), nam tử của Dungse Thinley Norbu Rinpoche và Jamyang La quá cố, và cháu của Kyabje Dudjom Rinpoche và Lopön Sönam Zangpo xứ Bhutan.