L. Chương XXVII - XXX
Chương XXVII: Shuksep Lochen Chönyi Zangmo
1865 – 1953
JETSÜN Lochen Chönyi Zangmo279 của ni viện Shuksep là một trong những nữ Đạo sư lỗi lạc nhất trong những thế kỷ vừa qua của Phật giáo Tây Tạng.
Bà sinh ngày mười lăm tháng giêng năm Mộc Sửu thuộc Rabjung thứ mười bốn (1865) gần Rewalsar, Himachal Pradesh, Ấn Độ. Khi bà sinh ra trái đất rung động nhẹ nhàng, một trận mưa hoa đổ xuống và âm thanh OM MA NI PADME HŪM vang lên từ không trung. Cũng trong giờ đó, người hầu của gia đình sinh một bé gái và con cừu của gia đình cũng sinh con. Thân phụ của bà là Töndrup Namgyal, tức là Thonglek Tashi, người Tây Tạng, và thân mẫu là Pema Dölma, người Bhutan. Cha mẹ ngài gặp nhau trên đường đi hành hương và ở lại Ấn Độ. Mặc dù cha mẹ bà xuất thân từ những gia đình khá giả, nhưng họ đi Ấn Độ sống cuộc đời đạm bạc của những khách hành hương và khất thực để nuôi sống mình. Cha mẹ bà chia tay không lâu sau khi bà ra đời, và bà lớn lên với mẹ giữa sự nghèo nàn vật chất nhưng giàu có tâm linh. Từ thời thơ ấu Jetsün rất tôn kính mẹ và những người lớn tuổi, hòa đồng với bạn bè, sùng mộ Pháp, tử tế đối với tất cả chúng sinh, có những điều huyền nhiệm và trí tuệ thiên phú.
Ở Tây Tạng có một số người đã chết, trải qua những kinh nghiệm bardo, nhìn thấy những thế giới khác nhau của chúng sinh hay những cõi tịnh độ của chư Phật, và nhiều ngày sau đó trở về lại thân thể họ. Về sau họ sống khỏe mạnh và kể lại những câu chuyện về kinh nghiệm của họ trong nhiều năm. Họ được gọi là Delok, những người trở về từ cái chết. Jetsün đọc những câu chuyện Delok của Karma Wangdzin và Nangza Öbum. Nhờ đọc những câu chuyện đó vài lần, bà học thuộc lòng từng từ và ý nghĩa của nó.
Một đêm trong giấc mơ, Jetsün nhìn thấy một người đàn bà Delok hát tụng OM MANI PADME HŪM bằng những giai điệu quyến rũ. Jetsün hát cùng với bà và chứng tỏ là hát cũng hay như người đàn bà đó. Sau khi thức dậy Jetsün vẫn nhớ và hát những giai điệu ấy trước sự kinh ngạc của bạn bè.
Cùng với mẹ, Jetsün du hành tới những nơi tụ hội đông đảo chẳng hạn như các chợ búa và phiên chợ, ở đó thiếu nữ đầy tài năng phô bày những bức tranh của cô về những câu chuyện của các Delok, thuật lại những câu chuyện của họ, và hát OM MANI PADME HŪM bằng giọng hát mê hồn trong những giai điệu khác nhau suốt từ sáng đến tối. Mỗi nơi Jetsün đi qua, cô thu hút những đám đông, và những người nghe cô được gây truyền niềm tin ở nghiệp quả và lòng sùng mộ đối với Phật pháp. Nhiều người khóc khi nhớ lại những ác hạnh của họ, nhiều người thề không làm những hành vi xấu ác nữa, nhiều người cam kết sống cuộc đời tu tập Giáo Pháp, và cũng có nhiều người thực hiện những lễ cúng dường trọng thể.
Năm mười ba tuổi, theo lời khuyên của một sư cô ở Amdo tên là Lobzang Dölma, Jetsün và mẹ đi tới Ökar Trak gần Kyirong để gặp chú của sư cô là ngài Pema Gyatso (còn gọi là Chi-me Dorje, 1829-1890?), một Đạo sư xứ Amdo. Pema Gyatso trở thành một trong những Đạo sư định mệnh của Jetsün. Ngài là một đệ tử của Zhapkar Tsoktruk Rangtröl và Thatral Dorje. Thatral Dorje là một đệ tử trực tiếp của Dodrupchen đệ nhất. Từ Pema Gyatso Jetsün nhận các giáo lý về Künzang Lame Zhalung (Lời Vàng của Thầy tôi) và những quán đảnh Longchen Nyingthig. Lạt ma ban cho Jetsün tất cả các giáo lý nhưng đối xử với bà thật khắt khe, như Marpa đã đối xử với Milarepa. Jetsün cũng nhận các giáo lý từ Jinpa Norbu và Nangdze Dorje, các đệ tử của Zhapkar.
Tại ẩn thất Heri trong vùng Nupri, Jetsün thực hiện một cuộc nhập thất ba năm trong những hang động và hoàn tất tu tập ngöndro và những trì tụng của giáo khóa Longchen Nyingthig viên mãn. Trong khóa nhập thất này Jetsün đã chứng ngộ chân tánh và hát cho vị Thầy nghe bài ca chứng ngộ của bà:
Ý nghĩa siêu vượt sự hiểu biết của tâm.
Sự quang minh của năng lực chói sáng tự nhiên không ngừng dứt.
Nó âm vang, nhưng siêu vượt những tỏ bày của ngôn từ.
Nó trong sáng, nhưng vượt lên sự mô tả bằng lời nói.
Bởi sự thanh thản trong tâm con, con có được sự xác tín ở nó.
Những kinh nghiệm đại lạc, quang minh, và việc thoát khỏi những ý niệm thì hỉ lạc.
Mọi sự tạo tác của việc thỉnh mời [những kinh nghiệm trong tương lai] hay đuổi theo [những kinh nghiệm trong quá khứ] đã tan biến.
Không chỉ một lần, nhưng con đang liên tục kinh nghiệm nó.
Con bật cười khi nó xuất hiện tự nhiên trong con.
Con xác tín rằng không có gì để tìm kiếm ở một nơi nào khác.
Với Pema Gyatso bà tới Lhasa, và họ cùng nhận các giáo lý từ Dharma Senge. Năm 1890, Pema Gyatso mất, và một tháng sau Dharma Senge cũng qua đời. Dharma Senge bảo các đệ tử đưa cho Jetsün cái trống tay, chuông, và kèn trum pét để dùng cho các nghi lễ cho của ngài, nhưng bà chỉ nhận được kèn trum pét.
Jetsün cũng nhận các giáo lý từ Trülzhik Kunzang Thongtrol của Dongak Ling, Tertön Rang-rik Dorje (một đệ tử của Nyoshül Lungtok) của Nyakrong, Dzogchen Rinpoche đệ ngũ và Lama Sangye Tendzin, một đệ tử của Paltrül Rinpoche. Jetsün nhận Longchen Nyingthig và những trao truyền khác từ Matrül Thekchok Jigme Pawo, một đệ tử của Khyentse Wangpo, và Rinchen Terdzö từ Zhechen Rabjam. Mỗi ngày, không có ngoại lệ, Jetsün không ngừng thiền định về Giáo Pháp và làm những Phật sự.
Tại Zangri Kharmar bà nhận sự trao truyền Taphak Yizhin Norbu từ Thekchok Tenpe Gyaltsen, tülku của Zhapkar, và được ban danh hiệu Rigdzin Chönyi Zangmo. Taphak Yizhin Norbu là giáo lý và thực hành chính yếu của Chögyal Ngaki Wangpo và Zhapkar Tsoktruk Rangtröl. Bà đã thiền định về giáo lý này trong ẩn thất và kinh nghiệm nhiều điều. Những sự việc đó gồm có những vật rắn đặc trở nên nhẹ tênh, những chất nhẹ trở thành rắn chắc, và mọi loại hình tướng và hình ảnh xuất hiện trước bà. Hơn nữa, khi Jetsün tập trung đi bất kỳ nơi đâu, bà có thể đi tới đó; bà có thể nói bằng những ngôn ngữ của những cõi giới khác nhau; bà nhìn thấy những việc xảy ra trong thế giới như thể bà đang nhìn những đường chỉ tay; thân bà đầy nhiệt; tâm bà tràn đầy hỉ lạc; hầu như bà không thể ngừng ca hát hay nhảy múa; tâm bà không bao giờ tách lìa sự thiền định; và giác tánh nội tại của bà ở trong sự nhất như, nơi không có sự phân biệt trung tâm hay các thái cực.
Một hôm Jetsün ước muốn được nhìn thấy Karmapa [thứ mười lăm] Khakhyap Dorje (1871-1922) ở Tsurphu, và bà lập tức thấy mình đang ở trước mặt ngài và nhận các gia hộ. Không có thị giả nào của Đức Karmapa mà cũng không có bạn bè nào của bà biết được việc bà viếng thăm trụ xứ của Karmapa hay vắng mặt ở lều nhập thất của bà.
Sau đó tại Zang-ri Kharmar, bản thân Jetsün kinh nghiệm Delok, việc trở lại từ cái chết. Một hôm bà ngã trên mặt đất, thân bà lạnh đi, và bà ngừng thở. Lúc đầu mẹ của Jetsün và các bạn hữu nghĩ rằng bà đã chết, nhưng sau đó mẹ bà nhận thấy mặt bà là mặt của một người sống, không phải của người chết (bởi quả thực đã từng có những điều huyền diệu trong suốt cuộc đời bà). Họ kiểm tra tim của bà, và trái tim có hơi ấm, như hơi ấm trong thân một con chim. Điều đó xác nhận niềm tin của mẹ bà. Trong thời gian bà kinh nghiệm cái chết - kinh nghiệm này kéo dài ba tuần lễ - bà đi tới Zangdol Palri, cõi tịnh độ của Guru Rinpoche, và nhận những gia hộ và tiên tri từ Guru Rinpoche. Jetsün cũng kinh nghiệm sự du hành gian khổ qua tiến trình bardo, đối mặt Thần Chết, và nhìn thấy những đau khổ của chúng sinh trong những cõi giới khác nhau.
Từ Semnyi Deyang Rinpoche bà nhận toàn bộ quán đảnh và những trao truyền văn bản của Longchen Nyingthig hai lần và cũng nhận các giáo lý về Yonten Rinpoche Dzö. Jetsün đã thực hành những giáo lý trong các khóa nhập thất, kể cả khóa nhập thất trì tụng ba năm về Longchen Nyingthig.
Phù hợp với những tiên tri của Taklung Ma Rinpoche, Jetsün và mẹ của bà cư trú thường xuyên ở Shuksep, là nơi vị Thầy Semnyi Rinpoche của họ cũng đang sống.
Sau đó mẹ của Jetsün, người đã chín mươi chín tuổi và đã tụng OM AMIDEVA [TABHA] HRĪH, thần chú của Đức Phật Amitābha (A Di Đà), hàng tỉ lần, bà nhìn về phương tây, phương của cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà và nói:
Trong đời này, trong đời sau, và trong đời trung gian,
Trong tâm con, cầu mong phát sinh sự nhàm chán sinh tử, thái độ phi thường của lòng thương yêu đối với tất cả chúng sinh, và tri giác thanh tịnh;
Cầu mong con hoàn thiện sự thành tựu ba điều thiêng liêng;
Và cầu mong con trở thành một với Guru Amitābha.
Và bà thị tịch.
Sau này Jetsün sống tại ni viện Shuksep gần Kangri Thökar, ẩn thất chính của Longchen Rabjam. Bà giảng dạy vô số người và đặc biệt là các sư cô và nữ cư sĩ trong giới quý tộc của miền Trung Tây Tạng cũng như những người bình thường trong nhiều năm.
Bà cũng nhận những trao truyền từ Kathok Situ Chökyi Gyatso, Gyarong Namtrül Drodul Karkyi Dorje, Khyungtrül Rinpoche, Dzogchen Khenpo Chösö, và Lingtsang Gyalpo.
Khuyên nhủ đệ tử của bà là Nordzin Wangmo, Jetsün viết:
Sự tự chứng ngộ bản tánh tâm của riêng ta được gọi là giác tánh nội tại.
Bằng cách tịnh hóa vô minh lầm lạc thành sự thuần tịnh nguyên sơ,
Thành tựu tự nhiên ba thân Phật tự sinh,
Và hoàn thiện mọi đức hạnh, con sẽ đạt được sự giải tan hiện tượng trong bản tánh tối thượng.
Ý nghĩa siêu vượt những ý niệm trong tâm là cái thấy (kiến).
Sự an trụ trong cái thấy không xao lãng bởi hoàn cảnh là thiền định.
Giải thoát tất cả, mọi sự con làm là Phật sự.
Làm thuần thục kết quả của hành động là quả…
Bằng cách bắt đầu việc thiền định của con với thái độ thanh tịnh vào lúc đầu,
Duy trì giác tánh nội tại là thực hành chính yếu ở lúc giữa, và
Hồi hướng chúng bằng trí tuệ thoát khỏi những ý niệm vào lúc cuối,
Cầu mong con hoàn thiện ba phương diện thiêng liêng của thiền định và đạt được giải thoát.
Tự truyện của bà chấm dứt vào năm Thổ Sửu (1949/50). Vào tuổi tám mươi chín, cuối năm Thủy Thìn thuộc Rabjung thứ mười sáu (1953), bà thị tịch tại Kangri Thökar.
Jetsün Pemala (sinh năm 1955?), con gái của Ông và Bà Sönam Kazi ở Sikkim, Ấn Độ, và Dorje Rapten (sinh năm 1954), con trai của gia đình Traring ở Lhasa đã được xác nhận là các tülku của Jetsün Lochen.
Chương XXVIII: Dzogchen Thupten Chökyi Dorje Đệ Ngũ
1872-1935
Dzogchen Rinpoche Thupten Chökyi Dorje đệ ngũ sinh năm Thủy Thân (1872) gần Chabdo ở Kham. Ngài được Khyentse Wangpo và những Lạt ma khác xác nhận là tülku của Dzogchen Rinpoche đệ tứ và được tôn phong tại Tu viện Dzogchen năm 1875.
Rinpoche nhận những giáo lý và các trao truyền bí mật từ Paltrül Rinpoche, Khyentse Wangpo, Kongtrül Lodrö Thaye, Khenpo Pema Dorje và nhiều Đạo sư khác.
Với sự hỗ trợ của Gyakong Khenpo, Zhenpen Chökyi Nangwa, và những đại học giả khác, ngài đã biến Shrīsimha, Học viện Kinh điển của Tu viện Dzogchen, thành một trong những tổ chức nổi tiếng của việc nghiên cứu. Gyakong Khenpo là hóa thân của Gyalse Zhenphen Thaye và tác giả của những chú giải về “mười ba sách giáo khoa uyên áo chính yếu.”
Ngài dâng hiến đời mình cho việc phát triển tu viện của ngài và vô số những tu viện phụ, du hành và giảng dạy không ngừng nghỉ. Hoạt động tích cực của ngài tràn đầy những điều huyền diệu và thấu thị. Nhờ năng lực tiên tri của ngài, ngài xác nhận hầu hết các tülku quan trọng của phái Nyingma ở miền Đông Tây Tạng, là những vị sinh trong ba thập niên sau cùng của đời ngài. Những người đã biết ngài đều tin rằng ngài là một vị Phật bằng xương bằng thịt.
Trong phần sau của đời ngài, Rinpoche sống với khoảng hai mươi hay ba mươi tülku trẻ. Như một người cha, ngài giáo dục họ và tự tay nuôi dưỡng và chăm sóc việc ăn mặc của họ - là một việc hoàn toàn khác thường đối với một Lạt ma cao cấp. Về sau, những tülku trẻ này trở thành những người phụng sự vĩ đại cho các tu viện và nhiều người.
Một hôm, ngài cho người đi mời Nera Geshe của Dege và yêu cầu vị này đi vào rừng và xem có đủ gỗ để xây một tu viên hay không. Nera Geshe vào rừng bởi Rinpoche đã yêu cầu, nhưng ông chỉ nhìn quanh, nghĩ rằng tìm kiếm gỗ chẳng ích lợi gì bởi ông ta thấy chẳng có lý do gì để xây một tu viện. Nhưng ông đã báo cáo cho Rinpoche là trong rừng có đủ gỗ để xây tu viện. Sau đó một thời gian ngắn, ở tuổi sáu mươi tư (1935), thình lình Rinpoche qua đời. Năm sau, toàn bộ Tu viện Dzogchen bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn khổng lồ. Khi đó Nera Geshe mới hiểu tại sao Rinpoche phái ông vào rừng, và ông đã hiến dâng phần còn lại của đời mình để xây dựng lại tu viện.
Tülku của ngài, Dzogchen Rinpoche đệ lục, Jitral Changchup Dorje (1935- 1958/1959), mất khi còn trẻ trong cuộc biến động chính trị của Tây Tạng. Dzogchen Rinpoche đệ thất Jigme Losal Wangpo (sinh năm 1964) sống trong Tu viện Dzogchen mới của ngài ở hải ngoại tại miền Nam Ấn Độ.
Chương XXIX: Gekong Khenpo Künzang Palden
1872-1943
KHENPO Kunzang Palden sinh tại Thung lũng Dzachukha ở Kham vào năm Thủy Thân thuộc Rabjung thứ mười lăm (1872). Ngài cũng được gọi là Thupten Künzang Trakpa và Gekong Khenpo Künpal.
Từ thời thơ ấu ngài đã nhận những giáo lý của Kinh điển lẫn Mật điển và của dòng Nyingthig, đặc biệt là từ Paltrül Rinpoche, người đã chăm sóc ngài như đứa con ruột. Khenpo sống gần Paltrül cho tới khi Paltrül Rinpoche mất. Khenpo thường đọc Kinh điển lớn tiếng trong khi Paltrül lắng nghe. Khenpo được Khenpo Yönten Gyatso (Yon-ga) của Tu viện Dzogchen cho thọ giới xuất gia và trở thành một trong những nhà truyền bá vĩ đại nhất của giới luật tu viện. Ngài nghiên cứu hầu hết các bản văn uyên áo với Önpo Tendzin Norbu, cháu của Gyalse Zhenphen Thaye, và cũng học với Ju Mipham Namgyal. Ngài trở thành một trong những học giả vĩ đại.
Ngài nhận nhiều sự trao truyền, đặc biệt là Longchen Nyingthig từ Khyentse Wangpo, Dzogchen Rinpoche đệ ngũ, Dodrupchen đệ tam, và Dechen Dorje. Bằng cách đó, ngài trở thành một trong những vị hộ trì dòng truyền thừa vĩ đại của dòng Longchen Nyingthig. Ngài cũng nhận những giáo lý và trao truyền từ Adzom Drukpa, Kongtrül Yönten Gyatso, và Kathok Situ Chökyi Gyatso. Tại Thung lũng Ser, từ Düdjom Lingpa (1835-1903) ngài nhận những trao truyền các giáo lý terma mới do Düdjom Lingpa khám phá.
Ngài đã lập Tu viện Gekong ở Dzachukha làm trụ xứ chính của ngài. Ngài là vị Thầy đầu tiên giảng dạy tại Học viện Kinh điển mới của Tu viện Khathok, cùng với Khenpo Ngawang Palzang là người trợ giảng của ngài.
Năm 1937, cả hai vị Dodrupchen đệ tứ tới Dzachukha để nhận những trao truyền giáo lý Nyingthig từ Khenpo. Bởi thị lực của ngài trở nên kém sút, với rất nhiều gian khổ, ngài đã ban những trao truyền Nyingthig Yabzhi và Longchen Nyingthig cho hai vị Dodrupchen. Biểu lộ niềm vui của ngài, ngài nói: “Những trao truyền Nyingthig của ta thì độc nhất vô nhị về tính chất xác thực và chặt chẽ của chúng. Bây giờ ta đã có thể giao phó di sản của cha cho các con!”
Ngài sáng tác nhiều tác phẩm quan trọng, trong đó có những bình giảng về Ngeshe Dronme, Bodhicharyavatara (Nhập Bồ Tát Hạnh), và Những Câu chuyện về Luật. Năm bảy mươi hai tuổi, vào năm Thủy Mùi (1943), với nhiều dấu hiệu kỳ diệu, ngài thị tịch và để lại nhiều xá lợi như đối tượng của lòng sùng mộ cho các đệ tử.
Chương XXX: Yukhok Chatralwa Chöying Rangtrol
1872 – 1952
CHATRALWA Chöying Rangtröl là Vimalamitra đích thực trong thân tướng con người. Ngài sinh năm Thủy Thân thuộc Rabjung thứ mười lăm (1872) trong Thung lũng Yukhok. Thân phụ ngài là Khyishül Tratse, và thân mẫu là Adzi Zawalo.
Tên ngài là Chöying Rangtröl (sự Giải thoát Tự nhiên trong Pháp giới Tối thượng) và ngài được gọi là Yukhok Chatralwa, Ẩn sĩ ở Thung lũng Yukhok. Ngài được coi là một tülku (tái sinh) của Dola Jigme Kalzang.
Năm mười một tuổi, ngài được nhận vào Tu viện Lhatse thuộc dòng Palyül trong Thung lũng Ser Hạ. Nhờ sự thông tuệ thiên phú, việc học tập của ngài tiến bộ nhanh chóng. Ngài nhận nhiều sự trao truyền từ Lhatse Kyabgön.
Hôm hôm, khi đang du hành trên một con đường nguy hiểm trong Thung lũng Do Hạ để thu thập lương thực cho việc học tập và thiền định sau này, ngài bị một con báo mẹ và hai con của nó tấn công và chỉ nhờ năng lực của lời cầu nguyện của ngài mà ngài sống sót không bị chúng ăn ngấu nghiến. Trong một thời gian dài sau đó ngài có những ác mộng về những con báo. Một đêm trong một giấc mộng một người đàn bà mang những con báo lại cho ngài và nói: “Những con báo này là những xuất hiện của ta, nhưng người đã không nhận ra điều đó.” Sau đó những con báo tan biến vào người đàn bà, và bà cũng tan biến vào một chữ và biến mất. Sau này Kyabgön bảo ngài: “Kinh nghiệm của ông về những con báo là sự giũ sạch [sLong Tshad] những ý niệm và cảm xúc ẩn dấu của ông, nhưng nó kéo dài cho tới bây giờ để ông nhận ra nó. Bây giờ ông đã có thể chiến thắng chúng.” Chatralwa đọc tiểu sử của Milarepa và trong năm ngày ngài kinh nghiệm không có những điểm quy chiếu trong tâm ngài, và từ đó tâm ngài ngơi nghỉ trong sự thanh thản.
Có lần Thầy Lhatse Kyabgön của ngài bị bệnh nặng, và ngài mời một Đạo sư terma đầy năng lực là Rolwe Dorje mà đại chúng gọi là Chagmo Tülku. Nhờ những gia hộ của Chagmo Tülku, vị Thầy của ngài đã khỏi bệnh.
Chatralwa nhận ra rằng Chagmo Tülku sở hữu những giáo lý Đại Viên mãn độc nhất vô nhị. Ngài khẩn cầu Chagmo Tülku ban giáo huấn cho ngài. Thay vào đó, Chagmo Tülku khuyên Chatralwa đi tới vị Thầy của riêng mình là Dodrupchen đệ tam để thỉnh cầu giáo huấn. Nhưng Lhatse Kyabgön không cho phép Chatralwa đi. Cuối cùng Chagmo Tülku ban cho ngài những giáo huấn về Đại Viên mãn, kể cả những giáo lý về Yeshe Lama, nói rằng: “Đây là tinh túy những giáo huấn của Dodrupchen.” Với sự tinh tấn lớn lao, Chatralwa đã thiền định về những gì ngài được dạy. Sau một tuần, ngài cảm nhận nhiều kinh nghiệm. Khí nghiệp (hay năng lực) do sự bám chấp chủ thể-đối tượng tan biến vào Pháp giới tối thượng, và ngài an trụ trong sự vắng bặt của các tư tưởng. Đó không phải là một sự vô thức hay trạng thái trung tính của tâm. Giống như ánh sáng của một ngọn đèn trong một cái bình, chư Phật và các cõi tịnh độ thường trụ cũng như những âm thanh tối thượng hiện diện tự nhiên như sự chói lọi của giác tánh nội tại (chân tánh của tâm), trí tuệ nguyên sơ.
Nhiều năm sau này, sau khi Lhatse Kyabgön mất, Chatralwa đi thăm Düdjom Lingpa (1835-1903) và nhận Nangjang và những giáo lý khác trong nhiều tháng. Theo tiên tri của Düdjom Lingpa, ngài đi thăm Adzom Drukpa (1842-1924), vị Thầy định mệnh của ngài, và nhận những giáo lý bắt đầu từ ngöndro cho tới thiền định Trekchö của sự thuần tịnh nguyên thủy và thiền định Thögal của sự quang minh chói lọi, là những giáo lý được Khyentse Wangpo phó chúc cho Adzom Drukpa. Ngài cũng được ban các trao truyền của Nyingthig Yabzhi, Longchen Nyingthig, Chetsün Nyingthig, Gongpa Zangthal, và nhiều giáo lý khác.
Phù hợp với tiên tri của Adzom Drukpa, ngài tới Thung lũng Ser Hạ để truyền bá các giáo lý. Trên đỉnh của một ngọn núi cao, dốc, giống như ốc xà cừ, ngài xây dựng ẩn thất của ngài, là nơi được gọi là Yage Gar, Trại Tuyệt hảo. Nó cách làng Tsi vài dặm, nơi sinh của Dodrupchen Rinpoche đệ tứ. Chatralwa ở đó trong phần còn lại của đời ngài, chủ yếu giảng dạy thiền định Đại Viên mãn.
Sau một thời gian, Tertön Sögyal (1856-1926) từ Tu viện Dodrupchen di chuyển tới Thung lũng Ser Thượng, và Chatralwa trải qua một thời gian dài với ngài. Tertön Sögyal dạy ngài Dzökyi Demik, một bình giảng về Guhyagarbha-tantra của Dodrupchen đệ tam vào ban ngày và Ösal Nyingpo, một bình giảng về Guhyagarbha-tantra của Mipham Namgyal vào ban đêm. Ngài cũng dạy Chatralwa nhiều bình giảng khác về Guhyagarbha, và những giáo huấn về Đại Viên mãn.
Mỗi khi Tertön Sögyal trở về từ những cuộc viếng thăm Dodrupchen đệ tam, tertön trao truyền những giáo lý quan trọng mà ngài nhận được hay những sự thảo luận ngài có với Dodrupchen cho Chatralwa. Khi Chatralwa thuật lại cho chúng tôi điều này, tôi nhớ lại lời ngài: “A-we! Ta không quên chúng. Làm sao ta có thể quên những giáo lý vàng như thế? Ta không phải là kẻ điên.” Lòng sùng mộ của ngài đối với Dodrupchen thật to lớn, nhưng ngài không bao giờ có cơ hội gặp Dodrupchen.”
Năm tôi mười hai tuổi (1951), tôi tới gặp Chatralwa cùng với Thầy Kyala Khenpo của tôi và vài người khác. Tại ẩn thất của ngài có khoảng hai trăm tu sĩ. Phần lớn họ sống trong những túp lều và hang động nhỏ xíu có một chiếc giường vừa làm ghế ngồi, trên đó họ có thể ngủ, ngồi, thiền định, và nghiên cứu. Cạnh giường có chiếc lò nhỏ dùng để nấu trà trong khi ngồi trên giường. Cạnh chiếc gối có một bàn thờ nhỏ với vài quyển sách. Nhiều người hầu như không thể đứng dậy trong phòng nhỏ của họ. Nhiều đệ tử đang thực hành thiền định Đại Viên mãn, và đích thân Chatralwa hướng dẫn họ. Nhưng đa số các đệ tử đang thực hành các bản văn Kinh điển và Mật điển dưới sự hướng dẫn của những đệ tử thâm niên của ngài.
Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Chatralwa, ấn tượng mạnh mẽ nhất về ngài mà tôi có là vẻ cổ xưa, không có dấu vết thời gian và tuổi tác của ngài. Một tư tưởng xuất hiện trong tôi: “Ồ! Rigdzin Jigme Lingpa hẳn cũng như thế này.” Ngài đang ngồi trên ghế được bọc vải. Ngài có mái tóc xám, thưa, mọc dài và được bện lại chút ít. Tôi nhớ lại câu nói của ngài: “Thầy Adzom Drukpa của ta nói với ta rằng ta nên sống cuộc đời của một hành giả Mật thừa, và ngài đã tiên đoán rằng ta sẽ trở thành một tertön. Nhưng ta không muốn lập gia đình, bởi điều đó có thể khiến ta phải sống một cuộc đời tranh đấu, mà cũng không muốn khám phá bất kỳ giáo lý terma mới nào, bởi đã có quá nhiều giáo lý terma đích thực quý như vàng có thể dùng được. Vì thế, như một tượng trưng cho việc tuân thủ lời dạy của Thầy ta, ta giữ mái tóc dài này như y phục hành giả Mật thừa.” Mặc dù ngài không bao giờ gặp Dodrupchen đệ tam, một nửa những giáo lý của ngài là những trích dẫn từ những tác phẩm của Dodrupchen mà ngài đã nhận qua Chagmo Tülku và Tertön Sögyal.
Chatralwa có một ngôi nhà khá lớn, tiện nghi, với rất nhiều ánh nắng, tràn ngập các pháp khí và sách tôn giáo. Một hôm một Lạt ma nổi tiếng tên là Rinchen Dargye tới thăm ngài. Sau khi đi vào phòng của Chatralwa, Lạt ma cứ nhìn quanh thay vì ngồi xuống. Chatralwa hỏi ông ta bằng giọng gay gắt: “A-we! Ông mất cái gì thế?” Lạt ma trả lời: “Tôi nghe nói ngài là Chatralwa, một ẩn sĩ. Nhưng trên thực tế thì ngài đã thâu thập đủ để được gọi là một người giàu có.” Chatralwa trả lời: “Chatralwa có nghĩa là một người đã giũ sạch những tham luyến cảm xúc đối với vật chất thế tục hay với cuộc đời. Nó không có nghĩa là nghèo khổ và khao khát vật chất như nhiều người làm.”
Nếu quý vị cúng dường ngài một tặng phẩm, hầu như chắc chắn là ngài sẽ biểu lộ cơn thịnh nộ, và thậm chí ngài có thể ném quý vị ra ngoài. Nhưng nếu quý vị sửa soạn một cái đĩa tuyệt đẹp và đem nó tới cho ngài, ngài luôn luôn thưởng thức nó với câu nói nổi tiếng: “A-we! Nó đáng giá hàng trăm con ngựa và hàng ngàn con bò [mDzo].”
Trong những năm đầu của đời ngài, ngài dạy những bản văn Kinh điển và Mật điển uyên áo cho các đệ tử. Nhưng những năm về sau ngài không dạy bản văn nào nữa. Ngài chỉ ban những lời giảng để làm sáng tỏ những vấn đề khác nhau mà các đệ tử đưa lại cho ngài và đặc biệt là những giáo huấn về thiền định Đại Viên mãn.
Lối giảng dạy thiền định Đại Viên mãn của ngài được gọi là Nyamtri, những giáo huấn phù hợp với kinh nghiệm của hành giả. Ngài sẽ chỉ dẫn riêng từng đệ tử về cách bắt đầu thiền định. Sau đó, ngài ban những giáo lý hay những giảng nghĩa làm sáng tỏ chỉ phù hợp với những kinh nghiệm, vấn đề, hay sự tiến bộ mà các đệ tử đang có. Vì thế ngài ban những gia hộ, bí quyết, và những hỗ trợ, nhưng ngài để cho các đệ tử tự mình thức tỉnh, khai mở, hay tự nhận ra bổn tâm của họ.
Hầu hết các đệ tử của ngài sống trong cảnh đạm bạc, nhưng họ vui vẻ, hài lòng, an tĩnh, và bi mẫn. Nếu quý vị chứng kiến niềm vui trên khuôn mặt, sự yên bình trong giọng nói, vẻ điềm tĩnh trong những hoạt động, và thiện tâm cũng như sự ích lợi cho người khác của họ, quý vị sẽ có cảm tưởng rằng cái được gọi là sự thịnh vượng của cải vật chất không liên quan gì tới niềm vui chân thật của cuộc đời.
Khoảng năm 1940, Chatralwa bị bệnh ho đàm trầm trọng. Không báo trước, Dodrupchen Thupten Thrinle Palzang tới, và sau khoảng một giờ, Chatralwa bắt đầu ăn và sau đó hồi phục, không còn những triệu chứng của căn bệnh hay cần phải dùng thuốc nữa. Chatralwa nài nỉ được rót trà cho Rinpoche và nói: “Tôi buồn vì là một đệ tử cũ của Dodrupchen, vì thế tôi phải phụng sự ngài.” Chatralwa không bao giờ được chính thức thừa nhận hay tôn phong là tülku, nhưng ngài được coi là tülku của Jigme Kalzang. Những lời ngài nói về việc ngài là một đệ tử cũ của Dodrupchen được coi là một thừa nhận ngài là hóa thân của Jigme Kalzang.
Trong những lần gặp gỡ sau này, Chatralwa ban tinh túy của tất cả giáo lý và trao truyền của ngài cho Dodrupchen Rinpoche, như thể rót nước từ cái bình này sang bình khác.
Năm tám mươi mốt tuổi, sức khỏe của Chatralwa suy sụp, và ngài bảo các đệ tử mời Dodrupchen Rinpoche đến, khi đó vị Thầy này đang ở Tu viện Dzogchen. Ngài nói rằng không cần cử hành buổi lễ nào cho tới khi Dodrupchen tới, và khi Dodrupchen tới, họ nên để vị Thầy này làm bất kỳ những gì ngài thích. Như thế, vào ngày hai mươi hai tháng giêng năm Thủy Thìn (1952), Chatralwa Chöying Rangtröl thị tịch vào Pháp giới tối thượng. Vài ngày sau khi ngài mất, Dodrupchen từ Tu viện Dzogchen tới và cử hành tất cả những buổi lễ truyền thống. Nhiều đệ tử của Chatralwa trở về ẩn thất hay tu viện của họ, và một số tới Tu viện Dodrupchen. Ẩn thất Yage Gar hầu như bị giải tán. Tất cả những ngày trọng đại đã trôi qua chỉ trong thời gian ít tháng. Để đánh dấu sự chứng ngộ của ngài, Chatralwa đã viết:
Không thể tách lìa bản tánh của Pháp vương xứ Oddiyāna [Guru Rinpoche],
Ôi cha ơi, Lạt ma thành tựu, xin an trụ trên đỉnh đầu con.
Các đối tượng có tính chất hiện tượng xuất hiện như năng lực [của trí tuệ], thuần tịnh xa rời những ô nhiễm đột ngột, và,
Bản tánh trùm khắp của tâm là sự hợp nhất của sự thuần tịnh nguyên thủy và sự viên mãn tự nhiên.
Với những hồi ức như thế, mặc dù không có vẻ đẹp của thi ca,
Ta thích hát bài ca chứng ngộ về nền tảng, là sự giải thoát từ lúc ban đầu.
Nhờ chứng ngộ giác tánh nội tại sâu xa, là sự khoáng đạt, và vô ngã,
Những xuất hiện bên ngoài được giải thoát như sự tự do không có điểm quy chiếu.
Sau khi tịnh hóa giác tánh nội tại và những đối tượng xuất hiện như sự hợp nhất trong nhất thể tánh,
Việc hành giả đạt được thành lũy trong nền tảng tự do tự nguyên thủy sẽ được bảo đảm.
Khi đã vượt lên mọi hy vọng và sợ hãi phân biệt của “là” và “không là,”
Ngủ yên thanh thản, không bận tâm tới mọi hoạt động đạo đức, thì thật hỉ lạc!
Những toan tính về các con đường và giai đoạn, và những phân biệt về những cái thấy và thiền định –
Những vật che phủ như vỏ trứng của tâm hoài nghi bị vỡ nát.
Phẩm tính phi thường của con đường là không dụng công và thành tựu tự nhiên.
Giác tánh nội tại không bị tạo tác của bản tánh là trí tuệ nguyên sơ thành tựu tự nhiên.
Tính bình đẳng của sinh tử và niết bàn trong sự thuần tịnh của quả của chúng là sự thoát khỏi những phân biệt.
Như thế ta đã chứng ngộ bản tánh của Phật nguyên thủy tại nền tảng, và
Giờ đây không cần phải nỗ lực để đạt được Phật quả.
Xin thiền định về Đại Viên mãn. Đó là những đức hạnh phi thường để đạt tới.
Tại núi Sangdzong, gã hành khất tên là Chöying Rangtröl
Đã biểu lộ tự nhiên bài ca hỉ lạc này.2