I. Chương XX - XXI
Chương XX: Dodrupchen Đệ Nhị Jigme Phüntsok Jungne
1824-1863
Dodrupchen Rinpoche đệ nhị, Jigme Phüntsok Jungne, sinh trong bộ tộc Puchung thuộc dòng Mukpo Dong tại Dilsham Kathok ở đèo Thangyak trong Thung lũng Do. Thân phụ ngài là Puchung Chöphen, và thân mẫu là Apangza Tsomo.
Một hôm, khi ngài ở trong bụng mẹ, mẹ ngài lọt xuống Sông Thangyak và có nguy cơ bị chết đuối. Vào lúc đó bà nghe em bé của bà nói: “Đừng sợ, Mẹ.” Lúc ngài sinh ra có một trận mưa hoa, các cầu vồng uốn cong trên căn lều, và người ta nghe thấy âm nhạc trong không trung. Là một đứa trẻ, trong khi nô đùa ngài thường gài những cành con vào trong đá như thể vào trong bùn.
Dodrupchen đệ nhất đã tiên tri việc ngài sinh ra như hóa thân của chính ngài trong những dòng kệ sau:
Sau đời này bằng năng lực của ba thiền định
[Ta sẽ sinh là] Phüntsok Jungne,
Một sứ giả sẽ biểu lộ những hoạt động giác ngộ của ba thân Phật, và
Một người sáng tạo những điều huyền diệu như suối nguồn của những lợi lạc.
Việc xác nhận ngài là Dodrupchen được Sakya Kongma chứng thực và ngài được tôn phong tại Yarlung Pemakö. Thông minh khác thường, ngài tinh thông những việc nghiên cứu thông thường và phi thường không chút khó khăn. Ngài rất thiện xảo trong việc sáng tác và thi ca và viết chữ rất đẹp. Ngài được cho là đẹp trai tới nỗi người ta khó có thể tìm được sự bất toàn nào trong thân tướng của ngài.
Năm 1834 ngài tới Dzachukha và nhận những giáo lý Ngöndro, Rigdzin Düpa, và các giáo lý Dzopa Chenpo từ Jigme Gyalwe Nyuku. Jigme Gyalwe Nyuku, với nhiều món cúng dường, đã gia lực cho ngài là Vajrāchārya (Đạo sư Kim cương) Siêu việt. Năm 1844, Do Khyentse tới Yarlung Pemakö và trao truyền cho ngài tất cả những quán đảnh, Kinh điển, và những giáo huấn của Longchen Nyingthig. Ngài cũng nhận những giáo lý và trao truyền từ Dzogchen Rinpoche đệ tứ và Paltrül Rinpoche.
Từ thời thơ ấu ngài đã phô diễn vô số năng lực, khiến cho những điều kỳ diệu trở thành các hiện tượng thông thường đối với những người quanh ngài. Ngài đã nhiều lần làm hồi sinh cho những xác chết của các thú vật. Mỗi khi ngài cử hành pháp phowa (chuyển di tâm thức) cho người chết, những dấu hiệu được tin là những biểu thị của việc chuyển di tâm thức tới những cõi thuần tịnh luôn luôn xảy ra. Ngài có khả năng biết được quá khứ, tương lai và đọc được tâm của người khác. Trong phần sau của đời ngài, ngài ăn mặc như một cư sĩ. Mặc dù ngài cử hành những buổi lễ có tính chất tượng trưng và phô diễn những năng lực kỳ diệu, ngài từ chối ban bất kỳ giáo lý hay trao truyền chính thức nào.
Có lần, khi ngài đang du hành với một nhóm đông người trong một xứ–không–người, thình lình họ bị một nhóm cướp đông đảo vây kín. Dodrupchen khẩn cầu các Hộ Pháp, ngài nói: “Nếu ngài nổi giận, xin đổ Zas [gZa] và những hành tinh xuống mặt đất.” Thình lình, từ trên không trung hàng trăm Zas đổ xuống quanh đám cướp. Những tên cướp xin lỗi ngài và cúng dường nhiều con ngựa.
Một hôm, Do Khyentse giết một con cừu cái và mời Dodrupchen đệ nhị và Paltrül dùng bữa trưa. Các thị giả của Paltrül sợ rằng ngài sẽ cảm thấy rất khó chịu, bởi ngài phản đối kịch liệt việc ăn thịt và đặc biệt là giết bất kỳ sinh loài nào, ngay cả những con vật nhỏ nhất. Nhưng cả ba vị cùng ngồi trên một chiếc ghế và vui vẻ thưởng thức món thịt, trước sự ngạc nhiên của các đệ tử của Paltrül. Sau này, Paltrül nói với các đệ tử của ngài: “Làm thế nào một con cừu cái có thể được lợi lạc như thế từ xác thân của nó? Bởi những vị hộ trì trí tuệ này thưởng thức thân thể của nó, nó sẽ không còn bị những tái sinh thấp kém nữa.”
Trong rặng núi Yutse, Do Khyentse thực hiện một lễ cúng dường đốt hương trên một cái bệ. Sau đó Dodrupchen cử hành buổi lễ tương tự cũng trên chiếc bệ đó. Cuối cùng, Paltrül Rinpoche cũng thực hiện tương tự. Sau đó Paltrül nói: “Ta ước mong có thể chết trước các vị hộ trì trí tuệ, nhưng điềm này cho ta thấy Do Khyentse sẽ mất trước nhất, kế đó là Dodrupchen, và ta sẽ là người cuối cùng. Ngoài ra, bởi chúng ta đã cử hành những lễ cúng dường trên cùng một cái bệ, chúng ta sẽ được tái sinh làm những đứa con cùng cha mẹ.” Kết quả là Dodrupchen mất sớm nhất bởi những tình huống bất ngờ, nhưng tất cả các ngài đều tái sinh làm các con trai của Düdjom Lingpa.
Khi Gönpo Namgyal (?-1865), viên thủ lãnh độc ác của Tỉnh Nyak-rong, đang chuẩn bị tấn công Thung lũng Ser, ông ta viết thư cho Dodrupchen nói rằng ông sắp phá hủy Thung lũng Ser nhưng ông ta sẽ không làm hại Yarlung Pemakö, là nơi đội quân sẽ đi qua. Dodrupchen đệ nhị trả lời rằng dân chúng trong Thung lũng Ser là những người sống phụ thuộc (Lha sDe) vào ngài và nếu họ bị hại thì điều đó cũng làm hại tu viện của ngài. Viên thủ lãnh viết thư trả lời rằng khi quân đội của ông ta tới Thung lũng Ser, trước tiên ông ta sẽ hủy diệt Yarlung. Khi nghe tin này, tất cả những người sống tại Yarlung Pemakö chạy trốn, để lại nó trống không.
Do sự van nài của các môn đồ, Dodrupchen không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ Yarlung. Như vậy phù hợp với những tiên tri của các dākini, ngài di chuyển tới đồng bằng Tsangchen trong Thung lũng Do thượng. (Người ta cũng tin rằng Dodrupchen đệ nhất cũng xây dựng một địa điểm nhập thất ở cánh đồng Tsangchen trong quá khứ.) Trên cánh đồng Tsangchen có một ngọn đồi đá linh thiêng tên là Jikche Barma, Ngọn Lửa Khủng khiếp, người ta tin rằng nó là nơi trú ngụ của một nữ bảo trợ đầy năng lực. Cầm một phurbu trong tay, Dodrupchen thình lình bay vào ngọn đồi không chút chướng ngại. Bên trong ngọn đồi, ngài thuật lại, có một thị trấn đáng sợ. Trong một cung điện ở trong thị trấn, ngài được yêu cầu chia sẻ ngai tòa của vị thủ lãnh, một người đàn bà có hình tướng phẫn nộ. Theo lời khẩn cầu của ngài, bà cho phép ngài xây một gompa.
Năm 1862, ngài đặt nền móng của gompa mà nhiều thập kỷ sau này trở thành Tu viện Dodrupchen nổi tiếng. Chẳng bao lâu ngài lập Gyaza (hay Tsaza) Tamtsik là người phối ngẫu, và điều này đã chọc tức Chökor Kalzang Gelek, một vị lãnh đạo địa phương đầy năng lực, người đang hy vọng là cháu gái của mình sẽ trở thành phối ngẫu của Dodrupchen. Bởi việc này, Dodrupchen nhanh chóng khởi hành đi Tartsedo (hiện nay gọi là Kanding), để lại việc xây dựng gompa cho các đệ tử.
Ngài lưu lại và sống quanh Tartsedo như một trong những thầy giáo của vua xứ Chakla. Năm 1863, nhiều người ở Tartsedo chết trong một trận dịch đậu mùa. Dodrupchen hết sức đau buồn bởi nỗi khổ mà người dân đang phải gánh chịu trong thị trấn. Để chấm dứt đau khổ, ngài nhận bệnh dịch vào mình. Ngay khi ngài mắc bệnh, bệnh dịch chấm dứt trong thị trấn. Ngài nói: “Trong đời này, ta có rất nhiều vấn đề do các phụ nữ. Đời sau, ta sẽ tái sinh làm một người thậm chí không nhìn thấy mặt một người đàn bà.” (Tülku của ngài là Jigme Tenpe Nyima, một tu sĩ rất nghiêm ngặt.) Sau đó ngài nói: “Một yogī (hành giả) nên chết như một con chó đi lạc,” và nằm trên một đường phố ở Tartsedo, hướng đầu dốc xuống, ngài thị tịch.
Chẳng bao lâu Do Khyentse đến với con trai là Rikpe Raltri. Do Khyentse hét to trước nhục thân của Dodrupchen: “Vì sao ngài chết như một con chó đi lạc?” và ngài đá vào tử thi. Tử thi của Dodrupchen ngồi dậy trong tư thế thiền định như thể ngài còn sống và an trụ trong thiền định trong một tuần. Khi cậu bé ba tuổi Rikpe Raltri nhìn thấy xác của Dodrupchen ngồi dậy, cậu cảm thấy choáng váng, và sự choáng váng đó đã đánh thức sự chứng ngộ bản tánh tối thượng trong cậu. Từ đó trở đi, Rikpe Raltri luôn luôn nói: “Lạt ma siêu việt của ta là Dodrupchen Jigme Phüntsok Jungne.” Nhục thân của Dodrupchen được hỏa thiêu, và di cốt được mang trở về Dodrupchen Gompa và được giữ gìn trong một bảo tháp bằng vàng cho tới cuộc biến động chính trị năm 1959.
Trong số các hóa thân của Dodrupchen đệ nhị có Jigme Tenpe Nyima, Dodrupchen đệ tam, Pema Norbu Künzang Tendzin đệ nhị (1887-1932) của Tu viện Palyül, Tülku Drachen (mất năm 1959?) của Tu viện Lauthang, và Tsangpe Se Tülku của Tu viện Dzika. Cũng có một câu chuyện kể rằng Jamyang Zhepa đệ ngũ (1916-1946) của Tu viện Labrang là một hóa thân của Dodrupchen.
Chương XXI: Jamyang Khyentse Wangpo
(1820-1892)
Theo truyền thống Nyingma, Jamyang Khyentse Wangpo là hóa thân về thân của Jigme Lingpa. Ngài trở thành một trong những Đạo sư vĩ đại nhất, ở nơi ngài mọi dòng truyền thừa của Phật Giáo Tây Tạng tìm thấy chỗ tụ hội. Ngài trở thành một nhà truyền bá lỗi lạc của Nyingma, Sakya, Kagyü, và những dòng giáo lý khác. Ngài được những người theo phái Nyingma xác nhận là tái sinh của Jigme Lingpa (1730- 1798) và những người theo phái Sakya xác nhận là tái sinh của Nesar Khyentse (1524-?) và Thartse Champa Namkha Chi-me. Là Jigme Lingpa, ngài cũng là hiển lộ của Vua Trisong Detsen, Vimalamitra, và nhiều Đạo sư khác. Ngài là Đạo sư của mười ba dòng truyền thừa và được coi là một trong năm vị vua trong một trăm terton chính yếu của truyền thống Nyingma.
Ngài cũng được gọi là Dorje Ziji, Pema Do-ngak Lingpa, Jigpa Mepe De, Tsokye Lama Gyepe Bang, Kunkhyen Lama Gyepe Bang, Jigme Khyentse Dökar, Manjughosha, và Künga Tenpe Gyaltsen.
Ngài sinh ở gần Khyungchen Trak trong một gia đình thuộc bộ tộc Nyö thuộc làng Dilgo trong Thung lũng Terlung xứ Dege giữa những dấu hiệu kỳ diệu vào ngày mồng năm tháng sáu năm Kim Thìn thuộc Rabjung thứ mười bốn (1820). Thân phụ ngài là Rinchen Wangyal, một nhà hành chánh của Cung điện Dege, và thân mẫu là Sönamtso có gốc gác Mông Cổ.
Có lần thân phụ ngài hỏi Dodrupchen đệ nhất là ông có nên trở thành một tu sĩ không. Dodrupchen trả lời: “Đừng trở thành một tu sĩ. Nếu ông không trở thành một tu sĩ và lập gia đình, một tülku vĩ đại sẽ sinh làm con của ông. Tülku đó sẽ trở thành một nguồn mạch vĩ đại mang lại lợi lạc cho Giáo Pháp và chúng sinh.”
Từ thời thơ ấu, ngài đã có thể nhớ lại những đời trước của ngài, và người ta có thể nhìn thấy Ekajatī và Mahākala trong hình tướng và trong những năng lực quanh ngài để bảo vệ ngài.
Năm lên tám ngài bắt đầu học tiếng Tây Tạng, thuật chiêm tinh, y học, và những môn học khác với thân phụ ngài và Lamen Chötrak Gyatso. Ngài rất thông tuệ, và ngài đã hoàn thiện việc học thuộc lòng và học viết không chút khó khăn. Ngài cũng thấu hiểu ý nghĩa của những bản văn sâu xa chỉ bằng cách đọc chúng.
Một hôm khi ngài bị bệnh nặng, trong một linh kiến ngài được Guru Rinpoche và Yeshe Tsogyal ban quán đảnh Vajrakīla, và những điều chướng ngại cho đời ngài được lắng dịu.
Năm ngài khoảng mười một tuổi, ngài đi tới Tu viện Kathok, và chú ngài tên là Moktön đặt tên cho ngài là Jigme Khyentse Dökar, điều đó cho thấy ngài là tülku của Jigme Lingpa.
Năm mười hai tuổi, Thartse Khenpo Kün-ga Tenzin (1776-?) xác nhận ngài là tülku của vị Thầy và chú ngài, Ngor Thartse Khenchen Champa Namkha Chi-me, một đại Khenpo của Tu viện Ngor ở miền Trung Tây Tạng và là người sau này đã giảng dạy và mất tại Lhundrup Teng ở Dege. Kün-ga Tenzin đặt tên cho ngài là Jamyang Khyentse Wangpo Künga Tenpe Gyaltsen.
Năm mười lăm tuổi, trong một linh kiến thanh tịnh, ngài đi tới Bodhgayā (Bồ Đề Đạo tràng) và được phó chúc những kho tàng giáo lý Prajnāpāramitā (Bát Nhã Ba La Mật) và Anuttaratantra của Manjushrīmitra. Trước chùa Bodhgayā, ngài đã tịnh hóa những ô nhiễm của thân thô nặng bằng cách thiêu đốt và chuyển hóa nó thành một thân thanh tịnh giống như thân của Vimalamitra.
Năm mười sáu tuổi, trong một linh kiến, ngài đi tới Zangdok Palri, và từ Guru Rinpoche, cùng hội chúng dākinī, ngài nhận sự giới thiệu vào ba thân Phật và tiên tri rằng ngài sẽ trở thành “người nhận bảy dòng” (bKa’ Babs bDun). Sau đó Guru Rinpoche và các dākinī tan biến vào Khyentse và nói rằng:
Duy trì giác tánh nội tại rỗng rang trần trụi,
Không bị hoen ố bởi những đối tượng bám chấp
Hoặc không bị ô nhiễm bởi những tư tưởng bám chấp
Là thị kiến của chư Phật.
Năm mười tám tuổi ngài đi tới ẩn thất của Tu viện Zhechen, học Phạn ngữ, thi ca và những chủ đề khác với Gyurme Thutop của Tu viện Zhechen.
Năm mười chín tuổi, từ Jigme Gyalwe Nyuku ngài nhận những trao truyền giáo khóa Longchen Nyingthig với những dấu hiệu kỳ diệu. Sau đó Lạt ma Norbu, một đệ tử của Dodrupchen đệ nhất, giới thiệu cho ngài bản tánh của tâm trong khi trao truyền những giáo lý của Đức Phật A Di Đà do Dodrupchen khám phá. Thậm chí trong phần sau của đời ngài, Khyentse Wangpo cũng nói: “Trong việc chứng ngộ bản tánh của tâm thì không có gì tiến bộ hơn điều ngài đã chứng ngộ khi đó.”
Năm hai mươi tuổi, theo khẩn cầu của Thartse Khenpo, ngài đi tới Tu viện Ngor ở miền Trung Tây Tạng. Ở đó ngài khám phá nhiều giáo lý và những vật như terma đất. Chúng gồm có Thugje Chenpo Semnyi Ngalso, được khám phá tại Tragmar Drinzang; Lama Kuzhi Drupthap tại Damshö Nyingtrung; Tsasum Gyutrül Trawa tại Singu Yutso; và Tsasum Chidü tại Yarlung Sheltrak.
Năm hai mươi mốt tuổi, ngài thọ giới cụ túc từ Khenpo Rigdzin Wangpo tại tu viện Mindroling ở miền Trung Tây Tạng. Ngài nhận những giới nguyện Bồ đề tâm từ Sangye Kün-ga, vị hộ trì Pháp tòa thứ bảy của Mindroling.
Trước hai pho tượng Jowo tại Điện Jokhang ở Lhasa, những hạt gạo ngài ném khi cúng dường lập tức biến thành những bông hoa trắng, và một trăm ngọn đèn bơ cháy bùng lên mà không cần thắp. Trong khi ngài đọc những lời cầu nguyện cho sự lợi lạc của những người khác thì một số người xin ngài ước nguyện cho bản thân ngài. Ngài nói:
Không có người lãnh đạo nào ở đây [trong ta] hay người phục vụ nào ở đó,
Không có kẻ thù nào để khuất phục hay bạn hữu nào để bảo vệ,
Ở một nơi cô tịch, bằng cách điều phục tâm của riêng ta,
Cầu mong ta thành tựu những công hạnh bao la của chư vị Bồ Tát.
Năm hai mươi bốn tuổi, tại Oyuk, ký ức của ngài về việc ngài từng là Chetsün Senge Wangchuk và sự thành tựu thân ánh sáng xảy ra sau đó của sự đại chuyển hóa được đánh thức, và ngài khám phá giáo lý Chetsün Nyingthig sâu xa. Ngài thực hiện một chuyến hành hương xa rộng như một ẩn sĩ ở Tsang, Ngari, và miền Trung Tây Tạng. Tại nhiều nơi ngài tri giác những hình tượng như những vị Phật hay Đạo sư đích thực, và ngài nhìn thấy những linh kiến thanh tịnh và có những chứng ngộ. Cuối năm hai mươi bốn tuổi, ngài trở về Kham và nghiên cứu các giáo lý của truyền thống Ngor tại Tu viện Dzongsar Tashi Lhatse.
Năm hai mươi chín tuổi, ngài đi tới miền Trung Tây Tạng một lần nữa trong ba năm. Tại Gegye ở Changdrok, khi ngài đang nhận gia hộ từ Guru Rinpoche trong một linh kiến thanh tịnh, ngài khám phá Sangdrup Tsokye Nyingthig như terma tâm. Tại Samye, ngài nhìn thấy tượng Tsokye Dorje tự biến thành Guru Rinpoche thực sự và tan biến vào ngài. Kết quả là ngài khám phá Tsokye Nyingthig. Năm ba mươi mốt tuổi, trong khi ngài đang thiền định về Đức Tārā Trắng, ngài có linh kiến về Tārā. Kết quả là ngài đã khám phá Phagme Nyingthig.
Năm bốn mươi tuổi, là kết quả của một linh kiến thanh tịnh, ngài nhận những gia hộ từ Guru Rinpoche, điều đó khiến ngài nhìn thấy tất cả những tertön và mọi giáo lý terma đã xuất hiện trong quá khứ, đang xuất hiện, hay sẽ xuất hiện trong tương lai ở Tây Tạng. Từ đó ngài trở thành Đạo sư của tất cả những terma.
Từ Khenpo Pema Dorje ngài nhận nhiều sự trao truyền trong đó có Longchen Nyingthig, Gyutrül Zhitro, Düpa Do, và mười bảy tantra. Ngoài ra, từ Dzogchen Rinpoche đệ tứ ngài nhận những giáo lý ngöndro thông thường và phi thường của Longchen Nyingthig. Ngài cũng nhận các trao truyền Longchen Nyingthig từ Jigme Gyalwe Nyuku và Jetsün Sönam Chokden.
Sau đó ngài nhận những giáo lý của tất cả những dòng truyền thừa hiện hữu ở Tây Tạng từ khoảng một trăm năm mươi Lạt ma trong hơn mười ba năm. Ngài đã nghiên cứu hay nhận những sự trao truyền của hơn bảy trăm quyển sách. Chúng bao gồm các truyền thống Nyingma, Kadam, Sakya, Drikung, Taklung, Kamtsang, Drukpa, và những truyền thống khác.
Các vị Thầy chính của ngài là Trichen Tashi Rinchen của Sakya, Thartse Kün-ga Tendzin (1776-?), Champa Naljor, và Ngawang Lektrup của Ngor trong Tỉnh Tsang ở miền tây, Trichen Gyurme Sangye và Jetsün Thrinle Chödron của Tu viện Mindroling, và Lhatsun Rinpoche của Tu viện Drepung ở Tỉnh Ü, và Zhechen Gyurme Thutop, Jigme Gyalwe Nyuku, Migyur Namkhe Dorje, Khenpo Pema Dorje, và Kongtrül Lodrö Thaye của Tỉnh Kham ở miền đông.
Ngài đã thành tựu mọi điều ngài nghiên cứu. Tuy nhiên, theo Kyabje Dilgo Khyentse, thực hành chính của Khyentse Wangpo là pháp guru yoga của Longchen Nyingthig.”
Ngài lập Tu viện Dzongsar Tashi Lhatse thuộc truyền thống Sakya ở Dege làm trụ xứ chính của ngài và xây dựng lại nó sau khi bị lực lượng Nyakrong phá hủy.
Theo truyền thống Nyingma, ngài nhận những trao truyền hay trở thành người nhận lãnh bảy dòng (bKa’ Babs bDun) giáo lý:
1. Ngài đã nhận sự trao truyền của các Tantra (Mật điển) Cũ và Mật điển Mới.
2. Ngài đã khám phá nhiều kho tàng đất (Sa gTer).
3. Ngài đã khám phá lại nhiều kho tàng đất đã được các tertön trước đó khám phá.
4. Ngài đã khám phá nhiều kho tàng tâm (dGongs gTer).
5. Ngài đã khám phá lại hay đã đánh thức nhiều kho tàng tâm đã được những tertön trước đó khám phá.
6. Ngài đã khám phá nhiều giáo lý Linh kiến Thanh tịnh (Dag sNang).
7. Ngài đã nhận những giáo lý khẩu truyền (sNyan brGyud) trong linh kiến thanh tịnh từ nhiều bậc linh thánh.
Dodrupchen đệ tam, người đã học với ngài, mô tả những kinh nghiệm riêng của mình về Khyentse Wangpo:
Dù ngài sống ở đâu, một mùi thơm thật đậm đà và ngọt ngào tràn ngập những vùng lân cận, người ta tin rằng đó là dấu hiệu của việc ngài trì giữ nghiêm nhặt giới luật. Ngay cả một cử động của những ngón tay của ngài cũng gây truyền cảm hứng và đầy ý nghĩa, và mọi người trở nên bất lực không thể hiểu nổi mọi cử chỉ ngài làm. Dù ngài sống ở đâu, quý vị luôn luôn cảm thấy một hơi nóng dễ chịu, như thể từ một ngọn lửa trong cơn giá lạnh. Nhiều người nhìn thấy ngài trong những thân tướng khác nhau của chư Phật hay các Đạo sư trước đây. Dù đang ở mùa nào, khi có sự hiện diện của ngài, người ta luôn luôn có cảm tưởng đang sống trong sự vui vẻ và thịnh vượng của mùa hạ. Ngài đặc biệt chăm sóc những người nghèo và trò chuyện với họ thật dịu dàng. Những người kiêu ngạo và dữ tợn nổi danh là gan dạ tránh xa ngài mà không dám nhìn lại, như những người vượt ngục, hay quy phục như thể đầu họ bị rơi xuống đất. Đứng trước ngài, mọi Đạo sư vĩ đại hay những người quyền thế trở nên vô nghĩa và khiêm tốn. Ngài khiêm tốn, trung thực, và tốt lành. Ngài thiện xảo về những giá trị đạo đức thế tục lẫn Giáo Pháp. Trước ngài, không ai dám biểu lộ những lời nịnh nọt hay dối trá. Ngài giảng dạy tất cả những loại hội chúng với sự xác quyết lớn lao, như một con sư tử giữa những con thú khác. Giữa tập hội các đệ tử, ngài giản dị và hòa đồng với tất cả, và ngài nói đúng lúc và trong một khoảng thời gian thích đáng. Lý lẽ của ngài nhanh như một con sông đổ xuống một ngọn núi dốc. Giọng nói của ngài đầy ngập không gian như thể những con sóng của đại dương. Đôi khi ngài giảng dạy mà không quan tâm tới việc dùng bữa. Bởi sự vội vã của các đệ tử và gánh nặng của việc giảng dạy, đôi khi những người khách phải chờ đợi hàng tuần hay thậm chí hàng tháng để gặp ngài, nhưng mọi người đều cảm thấy hoan hỉ trong khi chờ đợi ngài.
Khyentse Wangpo đã xây dựng nhiều ngôi chùa và thư viện, và truyền cảm hứng cho hàng ngàn người thực hiện những hoạt động vì lợi lạc của Pháp. Ngài đặt làm khoảng hai ngàn pho tượng, sao chép khoảng hai ngàn quyển sách Kinh điển, khắc bản gỗ cho khoảng bốn mươi quyển sách, làm hơn một trăm tượng bằng đồng đỏ mạ vàng, và sửa chữa nhiều đền đài và tu viện có tính chất lịch sử.
Trong nhiều thập niên ngài ban các giáo lý và những trao truyền cho các đệ tử của những truyền thống khác nhau. Ví dụ như ngài ban những quán đảnh Vajrasattva do Minling Terchen khám phá khoảng năm mươi lần và những quán đảnh và giáo huấn của Longchen Nyingthig khoảng hai mươi lần.
Năm bảy mươi ba tuổi, vào đầu tháng giêng năm Thủy Thìn (1892), ngài nói ngài cứ nhìn thấy Đức Phật A Di Đà ở giữa một đại dương các đệ tử. Sau khi hoàn tất một buổi lễ trang nghiêm vào ngày hai mươi lăm tháng giêng, ngài nói với vị thầy cúng dường (mCh’od dPon) của ngài: “Từ nay trở đi ông không phải làm gì nữa.” Ngày hôm sau ngài bắt đầu biểu lộ vẻ đau yếu. Các đệ tử của ngài hỏi: “Chúng con nên tụng những bài cầu nguyện nào để ngài được trường thọ?” Ngài trả lời: “Không. Khoảng ngày hai mươi tháng tới ta sẽ hồi phục.” Khi họ nài nỉ, ngài nói; “Nếu các ông tụng càng nhiều càng tốt thần chú một trăm âm của Đức Vajrasattva thì thật tuyệt vời.”
Sau đó vào sáng ngày hai mươi mốt tháng hai, ngài rửa tay và nói: “Bây giờ hãy lấy đi mọi thứ trên bàn của ta. Mọi việc của ta đã hoàn tất.” Rồi đọc rất nhiều những lời cầu nguyện kiết tường, ngài ném những hạt hoa, là một dấu hiệu của sự hoàn tất. Sau ngày hôm đó, ngài rút vào sự rộng lớn của tâm giác ngộ của Vimalamitra. Ở vùng lân cận có những trận động đất nhẹ nhàng. Ngay cả sau khi ngài mất, gương mặt ngài trông sáng ngời như vầng trăng. Thân ngài trở nên nhẹ như thể làm bằng bông.
Các đệ tử Nyingma chính yếu của ngài được liệt kê trong cây truyền thừa (ở cuối sách). Trong số những người theo dòng Sakya có Sakya Dakchen, ba Jetsünma của Sakya, Kün-ga Tenzin của Ngor, Thartse Zhaptrung, Zhalu Losal Tenkyong, và Ngor Thartse Pönlop Loter Wangpo (1847-1914). Trong số các người theo phái Kagyü có Karmapa thứ mười bốn và mười lăm, Taklung Ma Rinpoche, Situ Pema Nyinche (1774-1853), Dazang Tülku, Dokhampa, Pandita Karma Ngedön, Kongtrül Yönten Gyatso (1813-1899), và Samding Dorje Phagmo. Trong số những người theo phái Geluk có Könchog Tenpa Rabgye của Tashi Khyil, Lhatsün Töndrup Gyaltsen, Hor Khangsar Kyabgön, và Lithang Champa Phüntsok.
Khyentse Wangpo đã đồng thời hiển lộ nhiều hóa thân. Đó là Chökyi Wangpo (1894-1909) của Tu viện Dzongsar, Chökyi Lodrö (1893-1959) của Tu viện Kathok, Karma Khyentse Özer (1896-1945) của Tu viện Palpung (Beri), Guru Tsewang (1897-?) của Tu viện Dzogchen, Künzang Drodül Dechen Dorje (1897-1946) của Tu viện Dza Palme, và Dilgo Khyentse Tashi Paljor (1910-1991) của Tu viện Zhechen. Trong số các ngài, Kathok Khyentse Chökyi Lodrö là vị Thầy kiệt xuất nhất. Sau khi Dzongsar Khyentse mất, Kathok Khyentse di chuyển về Tu viện Dzongsar, trụ xứ của Khyentse Wangpo trước đó, và từ đó Kathok Khyentse được gọi là Dzongsar Khyentse. Từ đầu thập niên 1960, Dilgo Khyentse Rinpoche, đã một thân một mình duy trì truyền thống độc nhất vô nhị của các hóa thân Khyentse, truyền bá Giáo Pháp không mệt mỏi ở Ấn Độ, Bhutan, Nepal, Tây Tạng, và Tây phương.