E. Chương XII
Dodrupchen Đệ Nhất Jigme Thrinle Özer
(1745 – 1821)
DODRUPCHEN Rinpoche Jigme Thrinle Özer là vị hộ trì giáo lý chính yếu (rTsa Ba’i Ch’os bDag) của giáo khóa Longchen Nyingthig.
Ngài được gọi bằng nhiều tên, trong đó có Künzang Zhenphen, Sönam Chöden, Changchup Dorje, và Drubwang Dzogchenpa.
Ngài sinh tại Thung lũng Do thượng của Tỉnh Golok ở miền Đông Tây Tạng vào năm Mộc Ngưu thuộc Rabjung thứ mười hai (1745). Thung lũng Do ở trong Tỉnh Golok trên biên giới của các miền Amdo và Kham. Zönkho, thân phụ của Dodrupchen, xuất thân từ một bộ tộc chiến sĩ tên là Puchung trong dòng Mukpo Dong. Thân mẫu của ngài là Sönamtso, xuất thân từ bộ tộc Nizok (Nubzur).
Việc ngài ra đời đã được Guru Rinpoche tiên tri:
Ở miền đông xuất hiện một người tên là Özer,
Có lòng sùng mộ mãnh liệt, hành vi phi thường, tâm thức mạnh mẽ, và tràn đầy trí tuệ.
Ngài sẽ hộ trì những giáo lý kho tàng tâm.
Và truyền bá các giáo lý này với sự hỗ trợ của nhiều người hữu duyên.
Khoảng ba tuổi, Dodrupchen bắt đầu tiết lộ những hồi ức về các đời trước của ngài. Cha mẹ ngài không muốn ngài nhắc lại những điều đó, bởi họ sợ ngài bị một thế lực quỷ ma ám nhập. Khoảng bốn hay năm tuổi, thỉnh thoảng ngài chứng kiến những ánh sáng diệu kỳ của các thị kiến Tögal, và ngài đắm chìm trong đó với một cảm xúc cả vui lẫn buồn.
Năm sáu hay bảy tuổi, ngài nhận ra và sau đó nhớ lại những nỗi khổ của con người do sự nghèo khó, bệnh tật, già nua, và cái chết. Bởi thế, một nỗi buồn vô biên xâm chiếm trái tim nhỏ xíu của ngài, và khuôn mặt nhỏ bé của ngài luôn luôn đẫm lệ.
Năm lên bảy, cha mẹ ngài gởi ngài tới người chú, là một Lạt ma, để học tiếng Tây Tạng và Kinh điển. Ngài có thể đọc được những lời cầu nguyện sau khi chú ngài dạy một lần, trong khi những người khác thì phải lập lại nhiều lần mới học được. Mặc dù Dodrupchen sinh ra như những Đạo sư vĩ đại trong những đời quá khứ của ngài, lúc còn nhỏ ngài không được thừa nhận là một tülku. Vì thế ngài được ban cho sự may mắn và những thách thức khi trải qua việc học tập và tu hành như một hành giả bình thường phải làm ở Tây Tạng.
Năm lên mười, ngài khám phá những giáo lý terma nhưng chúng không tồn tại bởi không ai nghĩ là chúng quan trọng. Ngài có vô số những thị kiến và những giấc mơ trong đó các Đạo sư giao phó các giáo lý và gia hộ cho ngài và cũng cảnh báo ngài về mối nguy hiểm nào đó đang tới. Thêm nữa, bởi tâm ngài luôn luôn tràn ngập lòng bi mẫn, khi cha mẹ ngài không để ý, ngài khóc nức nở trước những nỗi khổ mà mọi người đang trải nghiệm và cố gắng giúp đỡ họ, ít nhất là cầu nguyện cho họ. Ngài không bao giờ có ý xấu đối với bất kỳ ai, ngay cả với những người cố gắng làm hại ngài. Ngài luôn luôn thẳng thắn, dũng cảm, và mạnh mẽ trong việc biểu lộ những tư tưởng của ngài. Ngài rộng lượng và đầy nghị lực trong những sự phục vụ để cải thiện cuộc sống của người khác.
Năm mười bốn tuổi, ngài vào Tu viện Gochen thuộc dòng Palyül và nhận giáo lý từ Sherap Rinchen cho tới khi vị Thầy đó mất. Sherap Rinchen là một đệ tử của Pema Lhündrup Gyatso (1660-1727), đã tu học với Künzang Sherap (1636-1699), người sáng lập dòng Palyül. Sherap Rinchen ban cho ngài Pháp danh Sönam Chöden. Ngài đã học tập và thiền định về nhiều giáo lý, chủ yếu là Dzopa Chenpo và Tsalung, và đã đáp ứng yêu cầu của những việc trì tụng và tu tập. Tuy nhiên, ngài không có nhiều tiến bộ trong kinh nghiệm tâm linh ngoại trừ những kinh nghiệm ngài đã có.
Năm hai mươi mốt tuổi, Dodrupchen đi miền Trung Tây Tạng xuyên qua Dege cùng với sáu tu sĩ khác. Trên đường đi ngài nhận giáo lý từ Situ Chökyi Jungne (1700-1774) tại Tu viện Palpung ở Dege.
Cuối cùng họ tới Taklha Gampo, trụ xứ tu viện của Gampopa (1079-1153), đệ tử chính của Milarepa (1040-1123). Ở Taklha Gampo, Gampopa Jampal Thrinle Wangpo đệ Ngũ (Mipham Wangpo, 1757-?) đặt tên cho Dodrupchen là Sönam Chöden. Với Đạo sư Tamchö Wangchuk, một đệ tử của Gampopa Zangpo Dorje đệ Tam, Dodrupchen học Ngöndro, Chakchen Chödruk, và Phowa của các truyền thống Takpo và Zatsön và nhiều giáo lý khác. Sau đó ngài đi hành hương tới Tsāri, một trong những thánh địa ở Tây Tạng, với nhiều gian khổ về mặt thân xác. Ở đó, trong một linh kiến, ngài nhận những gia hộ của Đức Vajravārāhī, một vị Phật trong thân tướng nữ. Chẳng bao lâu mọi tiếng nói, nỗi sợ hãi, và gian khổ mà ngài đang kinh nghiệm trong chuyến hành hương biến thành một kinh nghiệm đại lạc, và ngài cảm thấy rất hoan hỉ và mãn nguyện.
Trên đường từ Tsāri trở về Taklha Gampo, Tamchö Wangchuk gởi ngài tới một nghĩa địa để thực hành pháp Chö vào ban đêm và nói: “Bất kỳ điều gì xảy ra, đừng bỏ cuộc!” Vì thế Dodrupchen đi tới nghĩa địa và thực hành Chö vào buổi tối. Lúc nửa đêm, khi ngài thức dậy, ngài nhìn thấy tảng đá phía sau ngài biến thành một con quái vật khổng lồ và khủng khiếp với mái tóc dài và những chiếc răng sắc nhọn. Dodrupchen hoảng sợ, và thân thể ngài run lên. Ngài không thể ngủ lại, nhưng nhớ lại lời dạy của Lạt ma, sau khi thực hiện thực hành Chö khác, ngài vẫn nằm ở đó, lưng ngài dựa vào con quái vật. Trước lúc bình minh ngài thực hiện thực hành Chö thứ ba và cuối cùng. Chẳng bao lâu trời sáng và không có gì ngoài tảng đá. Ngài cảm thấy rất hạnh phúc, như thể ngài đã được ban cho một cơ hội khác để sống. Từ chỗ đó, ngài đi thẳng tới trụ xứ của Lạt ma. Nhờ sự thấu thị vị Lạt ma biết những gì đã xảy ra và đang chờ ngài. Với một nụ cười rộng mở, Lạt ma hỏi: “Thiền định tốt đẹp của con vẫn còn đó chứ?” Dodrupchen trả lời: “Không, nó biến mất rồi!” Lạt ma nói: “Con đã thực hành rất tốt! Con bị vướng mắc vào cái gọi là những kinh nghiệm thiền định tốt đẹp của con, nó sẽ gây nên những tái sinh trong những cõi giới cao trong sinh tử. Ta gởi con tới nghĩa địa để làm tan biến những vướng mắc đó. Vì thế đừng cảm thấy hối tiếc là con đã mất những kinh nghiệm. Con đã thực hành tốt bởi không rời bỏ nghĩa địa.” Sau đó, sử dụng sự việc này như phương tiện để giới thiệu bản tánh tối thượng, Lạt ma hỏi: “Có thực thể nào thực sự hiện hữu trong những nỗi sợ đó không? Chúng không xuất hiện và tan biến trong bản tánh rộng mở của riêng chúng [thoát khỏi mọi giới hạn] sao?” Sau đó ở Ösal Phuk, Hang động Quang minh, Dodrupchen thực hiện một cuộc nhập thất dài hạn với rất ít thực phẩm.
Với những bạn đồng hành, Dodrupchen hành hương tới Samye, Lhasa, và những thánh địa khác ở miền Trung Tây Tạng. Sau đó họ trở về quê hương. Trên đường, tại Dege, Dodrupchen nhận các giáo lý từ Künzang Namgyal (1713-1769), Rabjam đệ Nhị của Tu viện Zhechen. Vị Thầy này ban cho ngài danh hiệu Künzang Zhenphen. Ngài cũng nhận giáo lý từ Küntröl Namgyal (1706-1773), Jewön đệ Nhất của Tu viện Dzogchen, và Karma Tashi (1728-1790), Karma Kuchen đệ Nhất của Tu viện Palyül.
Từ năm hai mươi lăm tới ba mươi tuổi, ngài ở gần thung lũng ở quê nhà vì một người chú già nhân danh Giáo Pháp đã nài nỉ ngài đừng bỏ đi cho tới khi ông chết. Bởi Dodrupchen thuộc về một nhóm bộ tộc hùng mạnh, những bổn phận truyền thống bắt buộc ngài chú ý tới những trách nhiệm của bộ tộc. Ngài là một diễn giả đầy sức thuyết phục với một trái tim vô úy và một nhân cách mạnh mẽ, điều đó làm ngài trở thành một nhân vật được ngưỡng mộ nhất của bộ tộc. Một hôm, ngài đang du hành trong thung lũng để thâu thập một ít công nợ và cưỡi một trong những con ngựa nổi tiếng nhất trong cộng đồng bộ tộc. Thình lình một sự hối tiếc mãnh liệt về sinh tử tràn ngập tâm hồn ngài. Điều này lập tức làm cho tất cả những hình tướng ở trước ngài biến thành Cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà. Đó là một bầu không khí tuyệt đẹp mà tâm thức không thể tưởng tượng nổi. Mọi sự bám chấp và tham muốn trong tâm ngài đã tan biến. Rồi với một giọng nói thật hấp dẫn, Đức Phật A Di Đà đại lạc nói: “Nam tử của gia đình tốt lành, đừng ở đây. Hãy đi bất kỳ nơi đâu con thích. Những mục đích của con sẽ được hoàn thành.” Sau đó Dodrupchen xuất định từ cõi giới linh kiến tâm linh và trải nghiệm cuộc đời bình thường, như thể ngài được đánh thức từ một giấc ngủ sâu. Dodrupchen viết: “Kinh nghiệm này có thể chỉ kéo dài trong thời gian dùng để uống hai tách trà,” có lẽ khoảng hai mươi phút. “Từ lúc đó, cảm nhận của tôi đối với ngay cả những loại thịnh vượng, quyền lực, và lợi lạc thế gian tuyệt vời nhất trở thành như thể thực phẩm ê hề ở trước mặt một người bệnh không cảm thấy thèm ăn chút nào.” Rồi ngài nói tiếp: “Mặc dù kinh nghiệm này có thể chẳng có ý nghĩa gì to tát, nhưng đó là phần tốt lành nhất trong câu chuyện của đời tôi.”
Dodrupchen đi tới Tu viện Dzogchen, ở đó ngài nhận những trao truyền Khandro Nyinthig và các giáo lý từ Pema Sang-ngak Tendzin (1731-1805), Pönlop thứ hai, và ngài thiền định về những giáo lý này.
Sau đó cùng với bốn tu sĩ khác ngài bắt đầu một chuyến du hành thứ hai tới miền Trung Tây Tạng. Trên đường đi ngài bị bệnh rất nặng, các thầy thuốc và bằng hữu của ngài rất ít hy vọng ngài hồi phục, nhưng ngài từ chối ngay cả việc dùng thuốc. Tuy nhiên, sau một thời gian ngài bình phục, chỉ nhờ năng lực của chuyến hành hương và sức mạnh thiền định thâm sâu của ngài.
Cuối cùng, họ tới Taklha Gampo một lần nữa và nhận giáo lý từ Gampopa Jumpal Thrinle Wangpo đệ Ngũ (Tsültrim Palbar). Sau đó họ đi hành hương tới Yarlung, Samye, Tashi Lhünpo, Sakya, Tsurphu, Lhasa, và Drikung. Ngài cũng nhận giáo lý từ Karmapa thứ Mười ba Düdül Dorje (1733-1797), vị này ban cho ngài Pháp danh Karma Wangtrak.
Sau đó ngài trở về Tu viện Dzogchen. Bởi ngài cảm thấy thiền định không thoải mái trong tu viện có quá nhiều phóng dật, ngài đi Kangtrö Ogma, Núi Tuyết Hạ, không quá xa Tu viện Dzogchen.
Năm ba mươi lăm tuổi ngài bắt đầu một cuộc nhập thất ba năm trong một hang động trong vùng núi cô tịch Kangtrö Ogma, thực hành Könchok Chidü và nhiều giáo lý khác, và đặc biệt là Tögal trong mùa hè và Tsalung vào mùa đông. Ngài thụ hưởng sự an bình tuyệt diệu của bầu không khí ở đó, nhưng ngài đã thệ nguyện hiến mình cho việc tu tập mà không để bản thân mình bị xao lãng ngay cả một giây trong việc thưởng thức ngoại cảnh. Tuy nhiên sau khoảng một tháng, một sự xáo trộn to lớn (Lhong Ch’a) phát khởi trong ngài. Ngài khó có thể làm dừng lại những con sóng náo động của tư tưởng, cảm xúc và những ảo ảnh. Bây giờ sinh lực (Srog rLung) của ngài bắt đầu có những rối loạn, những triệu chứng đưa ngài tới bờ vực của sự điên loạn. Mọi hình tướng xuất hiện như những kẻ thù. Thậm chí ngài nhìn thấy những con thú đáng sợ trong ấm trà. Ngài cảm thấy mình bị liên lụy trong cuộc chiến đấu bằng vũ khí. Một đêm trong giấc mơ ngài nghe một tiếng hét khủng khiếp, và ngài cảm thấy hầu như trái tim ngài bị chẻ ra. Ngay cả sau khi thức dậy, ngài vẫn nghe tiếng kêu tương tự và sau đó nhìn thấy ánh sáng tối tăm giống như một cây cột nối kết bầu trời và mặt đất. Thân ngài run lên dữ dội. Ngài cảm thấy một nỗi khiếp hãi không thể chịu đựng nổi và sợ rằng bầu trời và mặt đất lộn ngược lại. Nhưng sau một lát, mọi hình tướng rối loạn tan biến vào bản thân ngài, cái “tôi,” là cái đơn thuần phóng chiếu và kinh nghiệm mọi hình tướng đó. Sau đó ý niệm “tôi” cũng siêu vượt mọi tạo tác. Tâm thức sợ hãi và những đối tượng của sự sợ hãi tan hòa thành nhất vị của bản tánh tối thượng, sự hoàn toàn mở trống. Những nỗi sợ hãi về các giấc mơ và kinh nghiệm của ngài đã tan biến không còn để lại ngay cả một dấu vết. Vào lúc này, ngài viết: “Tôi kinh nghiệm một sự chứng ngộ trong đó không có sự định danh cái thấy nào để chứng ngộ hay sự thiền định nào để tuân theo. Nhờ ở trong trạng thái chứng ngộ, nỗi sợ của tôi về những kinh nghiệm tiêu cực cũng như niềm vui đối với những kinh nghiệm hỉ lạc không còn nữa.”
Ngay trước khi đạt tới một chứng ngộ cao, thường thì các thiền giả kinh nghiệm những cuộc chiến đấu quen thuộc, đầy cảm xúc, có tính chất quyết định trong tâm thức trong những hình thức khác nhau hay những cấp độ cám dỗ, những ảo tưởng đáng sợ, những âm thanh đe dọa, hay những cảm xúc đau khổ. Nhiều Đạo sư vĩ đại đã có những loại kinh nghiệm tương tự trước khi các ngài đi vào những trạng thái chứng ngộ cao cấp. Nếu quý vị không chịu thua những loại rối loạn vào giây phút cuối này do những tập khí vi tế ẩn dấu tạo ra và vượt lên tất cả những cuộc chạm trán này bằng cách an trụ trong trạng thái chứng ngộ, giống như rũ tấm thảm cho sạch bụi, quý vị sẽ đạt được sự tự do toàn triệt thoát khỏi những sở tri chướng và phiền não chướng với mọi dấu vết của chúng. Một người có một kinh nghiệm được gọi là kinh nghiệm thiền định êm ả có thể nghĩ: “Tôi đang thực hành tốt đến nỗi tôi không có những kinh nghiệm xáo trộn,” nhưng sự thực có thể là người ấy chưa tiêu diệt được tận gốc những sở tri chướng và phiền não chướng và những tập khí của họ.
Sau một thời gian, thực phẩm của Dodrupchen bị cạn kiệt và trong một thời gian dài, ngoại trừ một ít trà, ngài không có nhiều thực phẩm để dùng. Thân ngài trở nên yếu ớt, giống như một người ở trên giường bệnh. Hầu như ngài không thể di chuyển, hơi thở trở nên nặng nề và ngực của ngài bị nghẹt. Một hôm, khi bình nước đã cạn, ngài đi ra ngoài để lấy một ít nước từ một cái ao ở ngoài hang. Trên đường trở về, khi leo lên hang, bởi sức nặng của cái bình nên ngài ngã xuống và ngất đi. Sau một lát ngài lấy lại ý thức và cố gắng đứng dậy nhưng không thể được. Những tư tưởng xuất hiện trong tâm ngài: “Bây giờ thì không có cách nào thoát khỏi cái chết. Ta phải làm gì?” Rồi một tư tưởng khác phát sinh: “Thật buồn nếu ta chết trong khi đang làm những hành vi phi đạo đức, nhưng ta đang chết trong khi thực hành Pháp, vì thế ta nên hoan hỉ.” Tư tưởng này mang lại một cảm xúc hỉ lạc trong ngài, và niềm vui mang lại cho ngài sức mạnh để đứng dậy. Ngài trở về hang, tự chữa bệnh bằng khói từ việc đốt một ít tsampa mà ngài đã để dành để dùng vào mục đích làm an dịu những dịch khí mãnh liệt của ngài. Sau đó ngài dùng một cái bình nhỏ hơn và lấy một ít nước. Ngài pha và uống trà, nhưng ngài không có thực phẩm đặc trong một thời gian dài, trà làm cho thân thể ngài rung lắc dữ dội và ngài gặp nhiều khó khăn trong việc làm an dịu nó.
Sau đó ngài nghĩ: “Ta đi tới Tu viện Dzogchen và lấy một ít thực phẩm thì tốt hơn. Nếu không, ta sẽ chết, và điều đó sẽ là một chướng ngại cho việc thực hành.” Ngài rời hang động và theo một con đường nhỏ xuống đồi, nhưng ngài yếu đến nỗi lại ngã xuống. Khi đứng dậy, ngài nghĩ: “Ta mới điên làm sao. Các Lạt ma của ta chỉ thị ta thực hành. Tuân theo những giáo huấn của các Lạt ma là thực hành chính của ta. Đi tìm thực phẩm là sai lầm. Cho dù chết, ta sẽ không rời khỏi phòng thiền định cho tới khi chấm dứt khóa nhập thất.” Ngài trở về hang và lại tiếp tục thiền định như thường lệ. Sau một lát ngài nghe có tiếng gõ cửa, nhưng bởi đang thực hành nên ngài không để ý tới. Vào lúc nghỉ thực hành, ngài tìm thấy ở cửa một hũ sữa chua, ngài mang vào trong và ăn. Sữa chua được cho là có những phẩm tính chữa bệnh đặc biệt, không những giúp ngài phục hồi sức khỏe mà còn trợ giúp cho việc thiền định của ngài. Ta được biết là những nữ Hộ pháp Tseringma, các Chị em Trường Thọ, đã cúng dường sữa chua cho ngài. Từ lúc đó, những vùng xung quanh hang thiền định được gọi là Tsering Phuk, Động của Tseringma. Ít ngày sau các Pháp lữ (bạn Pháp) của ngài cung cấp thực phẩm cho ngài. Cái bình đựng sữa chua do Tseringma để lại, làm bằng đồng đỏ mạ vàng, được bảo quản mãi đến cuối thập niên 1950 trong một bảo tháp ở Tu viện Dzogchen.
Năm ba mươi tám tuổi Dodrupchen di chuyển tới Động Shinje (Động Tử Thần) gần Tu viện Dzogchen, và ở đó ngài thực hiện khóa nhập thất bốn năm khác, ngoại trừ một gián đoạn ngắn khi ngài phải đi tới tu viện. Ngài đã thực hành năm Bổn tôn Chakrasamvara của dòng Takpo, Mekhyil Guru Phẫn nộ và Vajrakīla Yangsang La-me, tất cả đều do Ratna Lingpa khám phá. Sau đó ngài thiền định về Shinje (Yamarāja, Tử Thần) và một hôm ngài dùng ngón tay viết thần chú trên đá như thể trong bùn. Từ lúc đó, hang động này được gọi là Động Shinje, và tôi được nghe nói rằng vẫn còn có thể nhìn thấy thần chú trên đá.
Sau đó ngài nhận sự trao truyền Tsasum Sangwa Nyingthig từ Dzogchen Rinpoche đệ tam (1759-1792), và ngài thực hiện một khóa nhập thất ngắn về giáo lý này với nhiều kinh nghiệm và linh kiến. Trong thời gian nhập thất đó, Dzogchen Rinpoche đệ tam gởi cho ngài một bản sao Yönten Rinpoche Dzö. Việc đọc bản văn này khiến ngài phát khởi “lòng sùng mộ tự nhiên” đối với tác giả của nó là Jigme Lingpa.
Dodrupchen đi gặp Dzogchen Rinpoche, người đã khuyến khích ngài tới gặp Jigme Lingpa và nói: “Việc tới thăm Jigme Lingpa sẽ làm lợi lạc cho ông hơn là ở trong ẩn thất.” Dzogchen Rinpoche cũng thúc giục Dodrupchen nhân danh ngài thỉnh mời Jigme Lingpa tới Kham hay ít nhất là mang lại sự trao truyền Longchen Nyingthig cho ngài và những người khác. Từ Dzogchen Rinpoche ngài nhận những trao truyền và giáo lý Nyingthig Yabzhi và nhiều giáo lý khác.
Tại một nơi nào đó ở Dege, Dodrupchen tới một con sông lớn nhưng không tìm được phương tiện để qua sông. Ngài an trụ trong thiền định nhìn con sông như mặt đất và băng qua con sông như thể trên đất khô ráo. Khi hầu như đã ở bên kia bờ, ngài nghĩ: “Ồ, việc thiền định của ta thật tuyệt,” và ngay lúc đó ngài chìm xuống sông và suýt chết đuối. Vì thế về sau ngài vẫn nói: “Tư tưởng thật là nguy hiểm.”
Năm bốn mươi mốt tuổi Dodrupchen đi miền Trung Tây Tạng lần thứ ba. Lần đầu tiên Ngài gặp Jigme Lingpa, guru theo nghiệp (vị Thầy định mệnh) của ngài tại nhà của Depa Pushü gần ẩn thất Tsering Jong trong Thung lũng Yarlung, miền Nam Tây Tạng. Đó là một thời điểm hết sức hoan hỉ, giống như sự sum họp của cha và con đã lạc nhau lâu ngày. Jigme Lingpa nói: “Đêm qua ta mơ thấy cuộc gặp gỡ với một Bồ Tát, và Bồ Tát đó hẳn là ông.” Dodrupchen nhìn Jigme Lingpa như Thangtong Gyalpo và kinh nghiệm nhiều linh kiến và những phát hiện.
Dodrupchen nhận Bồ Tát giới với Jigme Lingpa. Đêm hôm đó, trong giấc mơ chói ngời, Dodrupchen nhìn thấy những bát xá lợi và di cốt của Đức Phật Ca Diếp được rút ra từ một bảo tháp màu trắng. Đó là dấu hiệu cho thấy Dodrupchen đang hồi phục giới nguyện mà ngài đã thọ trước Đức Phật Ca Diếp khi ngài là nam tử của Vua Krikrī vào thời Đức Phật Ca Diếp.
Trong khi nhận quán đảnh Lama Gongdü, Dodrupchen nhớ lại thật rõ ràng không chút nghi ngờ trong tâm ngài rằng Jigme Lingpa là Nyang Nyima Özer (1124-1192) và bản thân ngài là Sangye Lingpa (1340-1396).
Jigme Lingpa ban cho Dodrupchen toàn bộ những trao truyền về các giáo lý kama và terma, kể cả Longchen Nyingthig, Yönten Dzö, cùng bình giảng của nó, Dzödün, Shingta Namsum, Trölthik, và Nying Gyü. Jigme Lingpa ban cho ngài danh hiệu Jigme Thrinle Özer, Những Tia sáng của Hành động Giác ngộ Vô úy.
Khi Dodrupchen ở Samye, Barchung Gomchen Rigdzin và Mange Pema Künzang từ Kham tới trong một chuyến hành hương. Với một lá thư, Dodrupchen gởi họ tới Jigme Lingpa để cầu xin giáo lý. Sau này Pema Künzang trở thành Jigme Gyalwe Nyuku, đệ tử lừng danh của Jigme Lingpa. Sau khi nhận giáo lý trong hai tuần, Rigdzin và Gyalwe Nyuku trở về Dodrupchen ở Samye. Tất cả các ngài cùng đi hành hương ở miền Trung Tây Tạng. Sau đó các ngài tới thăm đại thiền giả Rigdzin Pema She-nyen ở Tsang và nhận nhiều sự trao truyền Changter (Kho tàng phương Bắc).
Sau đó Dodrupchen từ Tsang trở về Lhasa cùng với Gyalwe Nyuku, người đang trên đường đi Kham. Trong khi các ngài đang vượt qua một xứ không người ở miền Yadrok Trung Tây Tạng, Dodrupchen bị bệnh nặng, nhưng tâm ngài vẫn rất phấn khởi. Gyalwe Nyuku viết:
Khi chúng tôi, Đạo sư và đệ tử, đang đi xuống Thung lũng Yadrok, Đức Lạt ma [Dodrupchen] bị bệnh khí và thấp khớp rất nặng. Ngài thường xuyên rất đau đớn và yếu tới nỗi hầu như ngài sắp chết. Chúng tôi không có nhiều thực phẩm ngoại trừ một mẩu mỡ thú vật thối rữa và một hũ dầu. Chúng tôi không có ngay cả một muỗng tsampa. Chúng tôi uống trà đen. Sau khi ngài ngồi xuống để nghỉ ngơi, để cho ngài đứng dậy, tôi phải giúp bằng cách kéo ngài lên với toàn bộ sức mạnh của hai bàn tay tôi. Mặc dù thể xác của ngài đang trong tình trạng nguy kịch, thay vì tuyệt vọng, ngài nói: “Ồ, hôm tay ta may mắn được theo đuổi một chút khổ hạnh trong việc thực hành Pháp bằng cách đặt một ít gánh nặng trên tử thi của ta và bằng cách điều phục tâm tham muốn của ta. Ta đang thành tựu mục đích đối với đời người quý báu của ta… Chắc chắn là những kinh nghiệm về nỗi gian khổ ta đang trải qua là những kết quả may mắn được tạo ra bởi việc tích tập những công đức và tịnh hóa các che chướng trong vô số cuộc đời của ta trong quá khứ.” Tâm ngài vô cùng hoan hỉ. Tôi cũng rất vui, nói rằng: “Thật kỳ diệu khi Đức Lạt ma này đang đưa vào thực hành [những gì Đức Phật đã dạy:]”
Hãy bảo tồn Pháp [sự chứng ngộ] vĩnh viễn,
Ngay cả phải trả giá bằng việc vượt qua một đống lửa hay một cánh đồng dao sắc.
Hơn nữa, thỉnh thoảng khi Lạt ma không nhìn, tôi kêu khóc rất nhiều và nghĩ rằng:
Con người thánh thiện này đang chết ở nơi đây mà thậm chí không ai biết tới.
Từ Lhasa, Gyalwe Nyuku trở lại Tsang, miền Tây Tây Tạng, và Dodrupchen đi Kham, miền Đông Tây Tạng. Nhưng sau một cuộc hành trình vài ngày, Dodrupchen không thể chịu đựng nổi việc rời xa vị Thầy mà không nhìn thấy ngài một lần nữa. Vì thế ngài trở về miền nam và đi thăm Jigme Lingpa, trước sự vô cùng ngạc nhiên và vui thích của vị Thầy. Dodrupchen nhận thêm các trao truyền và giáo lý. Jigme Lingpa xác nhận Dodrupchen là hóa thân của Thái tử Murum Tsenpo, nam tử của Vua Trisong Detsen, và trao quyền (gia lực) cho ngài là vị hộ trì chính yếu của giáo lý Longchen Nyingthig, như được tiên tri trong Nechang Thukkyi Drombu:
Một hóa thân của Lhase [Thái tử Siêu phàm]
sẽ mở ra cánh cửa của giáo lý [Longchen Nyingthig].
Trên đường về Thung lũng Do, theo khẩn cầu của Akyongza Paldzom, nữ thủ lãnh của Thung lũng Do Thượng, Dodrupchen đặt nền móng của một gompa tại Shukchen Tago, ở vị trí Tu viện Dodrupchen hiện nay đi xuống khoảng mười dặm. Nhưng không lâu sau đó ngài đi Dege và việc xây dựng bị ngưng lại.
Tại Tu viện Dzogchen, ngài trao truyền các văn bản của Longchen Nyingthig cho Dzogchen Rinpoche Đệ Tam (1759-1792) và Pönlop Đệ Nhị (1731-1805) của Tu viện Dzogchen. Một lần nữa với sự phê chuẩn của Dzogchen Rinpoche, Dodrupchen đi tới miền Trung Tây Tạng lần thứ tư và là lần cuối cùng, với những vật cúng dường khổng lồ. Đi cùng với ngài là Getse Lama Sönam Tendzin (Jigme Ngotsar) và một vài người khác. Lần này ngài nhìn thấy Jigme Lingpa tại nhà của Depa Lha Gyatri (Gyari).
Sau đó cùng với Jigme Lingpa ngài du hành tới Samye. Trong ngôi chùa chính ở Samye, Dodrupchen bảo trợ và tổ chức một lễ cúng dường tsok khổng lồ do Jigme Lingpa chủ tọa. Ngài nhận giới nguyện Bồ Tát một lần nữa từ Jigme Lingpa, và các ngài cùng nhau tụng nhiều Zangpo Chöpe Mönlam. Ngài bảo trợ một mendrup, sự chuẩn bị “thuốc gia hộ,” trong bảy ngày dưới sự chủ tọa của Jigme Lingpa. Xin nhớ rằng ngôi chùa chính của Samye là nơi Guru Rinpoche giao phó giáo lý Longchen Nyingthig cho Vua Trisong Detsen, một hóa thân đời trước của Jigme Lingpa, và đã trao truyền giáo lý cho Thái tử Murum Tsepo, hóa thân đời trước của Dodrupchen, trong một số thế kỷ trước.
Sau đó các ngài cùng du hành tới Tsering Jong. Jigme Lingpa ban nhiều quán đảnh, nhưng bởi ngài có vấn đề về thị lực nên Dodrupchen đã ban những trao truyền văn bản (Lung) của Nyingma Gyübum và những giáo lý khác cho tülku của Tsele Götsang Tülku, Jigme Tenpe Gyaltsen của Thangdrok, và nhiều người khác nhân danh Đạo sư của mình.
Năm 1791, khi Dodrupchen ở Samye, lực lượng Gurkha của Nepal cướp bóc nhiều nơi ở miền Tây Tây Tạng, kể cả thị trấn Shigatse và Tu viện Tashi Lhünpo. Dân chúng ở miền Trung Tây Tạng lo sợ một ngày nào đó lực lượng Gurkha sẽ tràn qua, và nhiều người đã trốn khỏi thị trấn và tu viện của họ.
Do khẩn cầu của những người sợ hãi, sau khi hoàn tất những lễ cầu nguyện ở chùa chính của Samye, Dodrupchen đi tới Đồi Hepori và thực hiện một lễ cúng dường Sang (cúng dường khói). Ngài cầu khẩn các vị Hộ Pháp và nhắc họ về việc họ đã thệ nguyện bảo vệ Tây Tạng ngay trước mặt Guru Rinpoche. Khói của lễ Sang làm thành hình dạng một chim garuda (kim xí điểu, loài chim huyền bí giống như đại bàng) trong không trung và được cuốn về phía những kẻ xâm lăng. Lúc mặt trời lặn, ngài ném một torma (bánh cúng) về hướng Tây. Vào lúc đó, một đám mây u ám và một cơn bão mạnh đang xuất hiện từ hướng Tây, nhưng ngay khi ngài ném torma thì thật là kỳ diệu, đám mây quay ngược lại về hướng Tây.
Sau đó, trong một bài kệ, Dodrupchen ban một tiên tri nói rằng không có lý do gì phải sợ lực lượng Nepal nữa, và ngài gởi tiên tri này cho chính phủ ở Lhasa. Bởi sự bảo đảm của ngài, dân chúng ở Samye không chạy trốn nữa. Ngài muốn đi thăm Jigme Lingpa nhưng không thể, vì không có sẵn thuyền để vượt Sông Tsangpo. Sau đó ngài đi tới Kordzö Ling, ngôi chùa của các Hộ Pháp tại Samye. Trước hết ngài tụng những bài cầu nguyện và cử hành các buổi lễ. Nhưng thình lình dáng điệu của ngài hoàn toàn thay đổi. Ngài la hét trước hình ảnh của Pehar, Hộ Pháp chính của Tây Tạng, đánh vị này bằng khăn, kéo khăn phủ hình ảnh xuống, và thách thức việc Hộ Pháp hứa nguyện bảo vệ Tây Tạng trước mặt Guru Rinpoche. Cuối cùng, ngài cảm thấy bình an và an trụ trong thiền định trong sự an bình đó một thời gian dài. (Tôi đã nghe những câu chuyện nói rằng người ta thấy hình ảnh run rẩy, và sương mù như khói xuất hiện từ miệng và mũi của bức hình và bốc lên không trung, tạo thành những trận mưa đá và bệnh dịch trong lực lượng xâm lăng.)
Kalön Dzasak Lama Kalzang Namgyal, một trong những viên chức cao cấp của chính phủ Tây Tạng, đã phái một sứ thần đặc biệt tới gặp Dodrupchen để nhận tiên tri của ngài về mối nguy hiểm của xứ Nepal. Dodrupchen viết lời tiên tri trong một bài kệ bao hàm những dòng sau đây và gởi cho Lạt ma Kalön:
Trong [tâm tôi, là] sự thuần tịnh nguyên thủy như-pha lê,
Xuất hiện những lời và những biểu lộ sau đây:
Khi các ông thanh thản, Ôi những người ngạo mạn
Phình to với sự kiêu căng,
Đừng nghe những lời không căn cứ.
Đừng bỏ chạy sang xứ sở vô danh..
Khi bốn tỉnh của miền Trung Tây Tạng đang bị đe dọa bởi nạn hạn hán trầm trọng, Dodrupchen cử hành một lễ cúng dường lửa (homa), và điều đó tạo nên trận mưa lớn, làm giảm bớt rất nhiều nguy cơ bị đói kém của nhiều người.
Từ Samye, Dodrupchen đi tới Tsering Jong. Vào lúc đó, Jigme Lingpa không đọc được nhiều do bị bệnh về mắt, có thể là bệnh đục nhân mắt. Jigme Gyalwe Nyuku cho người mời một thầy thuốc nhãn khoa, vị này thực hiện một ca mổ thành công. Trước khi cáo từ một lần cuối, Dodrupchen cúng dường mọi sự ngài có, kể cả chiếc mũ cũ mà ngài yêu thích, cho Jigme Lingpa. Ngài kinh nghiệm một niềm vui và an bình to lớn như kết quả của hành động này.
Khi tán thán Dodrupchen, Jigme Lingpa ban lời chỉ dạy bằng văn bản, gồm có những giòng sau đây:
Một người có thể chữa lành những rối loạn của các yếu tố (đại) [thuộc vật lý và môi trường],
Người có thể điều phục những hoàn cảnh tiêu cực, và
Người có thể thành tựu bất kỳ điều gì vị Thầy ra lệnh –
Người ấy không được gọi là đệ tử may mắn hay sao?
Do bởi những liên hệ nghiệp trong quá khứ của chúng ta,
Là những gì đã bắt đầu từ nhiều đời trước,
Jigme Thrinle Özer,
Ông từ nơi xa đến đây,
Từ một nơi khó nhìn thấy hay nghe nói về nó.
Mang những kho tàng giáo lý bao la và sâu xa như những món quà quý báu,
Là những thứ khó tìm,
Ông đang trở về quê hương.
Ông giống như một thương nhân thành đạt vượt đại dương trở về.
Nếu không có những mối liên hệ nghiệp,
Cho dù ông sống ở cùng một nơi trong xứ,
Làm sao ông có thể nhìn thấy ta
Như một Bồ Tát, ai chăm sóc những người khác?..
Như được tiên tri trong Nechang Thukkyi Drombu,
Trong khi xây dựng chùa Samye,
Chúng ta có quan hệ như cha [nhà vua] và con [thái tử].
Những linh kiến thanh tịnh về sự việc đó mà ông đã tự nhìn thấy.
Từ thời thơ ấu,
Trong khi an trụ ở những nơi cô tịch,
Như ta đã làm trong đời ta,
Ông đã nhận những tiên tri về [việc khám phá] các terma.
Giờ đây kho tàng giáo lý kama và terma
Ta giao phó cho ông, và
Ta tiên tri rằng ông sẽ truyền bá giáo lý đó trong những xứ sở man dã.
Chừng nào [việc chứng ngộ] chân tánh không bị mất hút trong những mê lầm,
Thì không cần phải trải đời mình trong các ẩn thất..
Giữa ông và ta không có sự ngăn cách.
Bởi chân lý của sự hợp nhất tâm ta và tâm ông,
Bởi những gia hộ đầy bi mẫn của Tam Bảo,
Bởi năng lực của ba gốc, và
Bởi những hành động của các Hộ Pháp,
Cầu mong không có những hoàn cảnh tiêu cực trong các Phật sự của ông, và
Cầu mong không có ngay cả một dấu vết của sự chướng ngại.
Jigme Lingpa nói: “Tối nay ông ở lại nhà ta. Ta có một vài lời chỉ dạy cho ông.” Vì thế Dodrupchen trải qua đêm cuối cùng trong sự hiện diện của Jigme Lingpa. Jigme Lingpa nói:
Mọi giáo huấn mà ta nhận về các giáo lý Kinh điển lẫn terma là di sản của cả ông và ta. Khi ta được Dākinī trong Pháp giới Tối thượng giao phó cuộn giấy vàng [của Longchen Nyingthig], bà bảo ta rằng đây là di sản Giáo Pháp của nhà vua và nam tử của vua. Cũng thế, trong Nechang (Thukkyi Drombu) có nói: “Hóa thân của Thái tử Siêu phàm sẽ mở cánh cửa của các giáo lý.” Vì thế, không còn nghi ngờ gì nữa, ông là hóa thân [của Thái tử Siêu phàm.] Việc truyền bá giáo lý vì sự lợi lạc của truyền thống và chúng sinh là sứ mệnh chính yếu của ông. Chúng ta không thể ngăn cách. Trong tương lai sẽ có lúc những hoạt động giác ngộ của ông hết sức thành công, nhưng cũng sẽ có nhiều chướng ngại từ các lực lượng tiêu cực. Hãy cầu nguyện ta, và những chướng ngại của ông sẽ được an dịu. Khi trong ông phát khởi một lòng tin đối với ta, nếu một cơ hội mới xuất hiện, chúng ta, cha và con, sẽ lại gặp nhau.
Ý nghĩa của câu cuối cùng là Jigme Lingpa sẽ tái sinh là Do Khyentse và sẽ gặp Dodrupchen một lần nữa như vị Thầy của ngài.
Dodrupchen biểu lộ ước muốn được an trụ như một ẩn sĩ. Jigme Lingpa bác bỏ ước nguyện đó, ngài khuyên:
Ta đã ban cho ông giới nguyện của Bồ Tát, lời thề nguyện nhận lên vai trách nhiệm mang lại hạnh phúc cho tất cả chúng sinh. Nếu ông chỉ vui hưởng sự an bình và hỉ lạc của một hang động, ông có thể từ bỏ các giới nguyện của ông. Đừng bao giờ nao núng việc truyền bá các giáo lý. Ta không nghi ngờ rằng đối với ông, ngay cả những tình huống phi đạo đức cũng sẽ trở thành đức hạnh.
Ngày hôm sau, Dodrupchen chạm đỉnh đầu ngài vào đôi bàn chân trần ấm áp của Jigme Lingpa. Một dòng nước mắt long lanh trên mặt ngài, Dodrupchen nói: “Trong mọi cuộc đời con, cầu mong con không bao giờ ngăn cách ngài, đấng bảo trợ của con. Cầu mong mọi hành động và tư tưởng của thân, ngữ, và tâm con trở thành một suối nguồn mạnh mẽ làm lợi lạc cho Giáo Pháp và chúng sinh.” Với lòng thương mến dạt dào, Jigme Lingpa chạm trán vào trán Dodrupchen và nói: “Đó là một lời hứa; chúng ta không ngăn cách nhau. Hãy đi vui vẻ.” Dodrupchen có cảm tưởng trái tim ngài nhảy ra khỏi lồng ngực, ngài bước lùi và rời khỏi căn phòng và ẩn thất.
Vì Dodrupchen đã nổi danh là một Lạt ma quan trọng, ngài phải cử hành những lễ gia hộ tại Samye, Depa Lha Gyatri, và nhiều nơi khác.
Tại Döjo Palkhyim (Döpal) ở Lhasa, theo yêu cầu của chính phủ, dưới sự giám sát riêng của Changtrung Khenpo (còn gọi là Kudün Khenpo), Dodrupchen cử hành những buổi lễ trong nhiều ngày để cầu nguyện cho sự an lành của chính phủ và quốc gia và sau đó cho bản thân Kudün Khenpo. Trong khi thực hiện một lễ dö (mDos) của Magön, chỉ bằng cánh tay phải, thật là kỳ diệu, Dodrupchen đã nâng một dö cao hai tầng và sau đó ném nó đi. Chính phủ Tây Tạng hết sức tôn kính và biết ơn ngài vì sự bảo hộ và tiên tri của ngài cho xứ sở. Từ lúc đó, Dodrupchen nổi danh với tên Dodrupchen, bậc Lão thông Vĩ đại (Thành tựu giả) của Thung lũng Do. Dân chúng ở Lhasa nói: “Có nhiều bậc lão thông (Grub Thob), nhưng chỉ có một bậc Lão thông Vĩ đại (Grub Ch’en, Drupchen).”
Dodrupchen cũng đưa Gyalwe Nyuku trở về Kham cùng với ngài. Trên đường các ngài gặp nhiều nguy hiểm, nhưng ngài đã chiến thắng tất cả nhờ lòng cam đảm anh hùng của ngài hoặc bằng những năng lực tâm linh. Tất cả những điều đó chỉ làm cho sự chứng ngộ sâu xa của ngài thêm vững chắc. Chẳng hạn như, một hôm các ngài lạc đường trong tuyết lạnh và Dodrupchen trải nghiệm một cảm xúc buồn bã. Từ nỗi buồn đó xuất hiện một thị kiến phi thường về Milarepa. Đức Milarepa hát, ban cho ngài sādhana Ngetön Nyingpo của Milarepa và tan hòa bản thân ngài vào Dodrupchen.
Năm 1793, lần đầu tiên Dodrupchen được Cung điện Dege thỉnh mời. Ngài đã cử hành những buổi lễ và ban giáo lý cùng nhiều dấu hiệu huyền bí. Từ lúc đó Dodrupchen trở thành một trong những thầy giáo chính của Nhiếp chính Hoàng hậu Tsewang Lhamo và nam tử của bà là Thái tử Tsewang Dorje Rigdzin (1786-1847?) xứ Dege. Cung điện Dega khẩn cầu ngài ở lại làm thầy giáo của họ, nhưng Dodrupchen lập tức từ chối, bởi việc đi Ngũ Đài Sơn ở Trung quốc để sống phần đời còn lại ở đó là mục đích chính yếu của ngài (mặc dù điều đó không bao giờ thực hiện được).
Bây giờ Dodrupchen đang hiến dâng đời ngài cho mục tiêu duy nhất là truyền bá Phật Pháp, để giáo lý có thể đến được trái tim của những chúng sinh có thể giáo hóa được. Trong tự truyện của mình, Jigme Lingpa đã biểu lộ niềm vui khi nhận được tin tức về thành công của Dodrupchen trong việc truyền bá Giáo Pháp:
Dola [vị Lạt ma xứ Do, tức là Dodrupchen] đã giảng dạy giáo lý Nyingthig [ở Dege] ba lần. Lần thứ nhất, hai ngàn đệ tử nhận giáo lý; lần thứ hai là ba ngàn người; và lần thứ ba là năm ngàn người. Nhiều cư sĩ thọ giới nguyện không săn bắn, nhờ đó nhiều thú vật được ban “tặng vật của sự vô úy.” Tôi cảm thấy sung sướng vì đã tạo nên kết quả nhỏ bé này bằng cách ở lại một nơi hẻo lánh và phát triển Bồ đề tâm. Đây là sự đáp ứng của tiên tri nói rằng:
Những hóa thân của Nam-nying, Nyang-ben, Chok-ying,
và Thái tử Siêu phàm sẽ mở ra cánh cửa của giáo lý [Longchen Nyingthig].
Cùng năm đó, bởi được nhiếp chính hoàng hâu xứ Dege khẩn cầu và bảo trợ, Dodrupchen đặt nền móng cho Tu viện Ogmin Rigdzin Phelgye Ling tại Getse Tö trong Thung lũng Dzachukha. Nhưng sau khi đặt nền móng, ngài đi Amdo bởi ngài đã có nguyện ước lâu đời là sẽ đi Ngũ Đài Sơn. Ngài thực hiện một cuộc nhập thất lâu dài tại Trakkar Treldzong, một thánh địa ở Amdo.
Trong tu viện của Chöje Rinpoche ở Tỉnh Go-me, Dodrupchen trao truyền Longchen Nyingthig và những giáo lý khác cho Chöje Rinpoche, một học giả nổi tiếng phái Geluk, người đã nghiên cứu các giáo lý Nyingma và trở thành một trong những đệ tử của Dodrupchen. Dodrupchen cũng nhận lãnh một vài trao truyền từ Go-me Chöje.
Dodrupchen đã ban các giáo lý và phụng sự nhiều cộng đồng người Tây Tạng và Mông Cổ trong vùng đó. Ngài phô diễn nhiều điều huyền diệu, chẳng hạn như làm một giòng suối chảy ra từ đất khô cho một cộng đồng không có nước. Đối với người Mông Cổ ở vùng Thanh Hồ, ngài được gọi là Harhan Dalai Lama.
Bởi tiếng tăm về năng lực giác ngộ của Dodrupchen, Chönang Dzasak già yếu, một thủ lãnh Mông Cổ đầy quyền lực, đã mời ngài tới lãnh địa của ông, mặc dù thực hành Nyingma đã bị cấm ở đó trong hai năm trước đó. Vị thủ lãnh có nhiều con, nhưng không có người con nào còn sống, dù ông nhận sự bảo hộ tâm linh của các Lạt ma ở Tu viện Kubum. Dodrupchen gia hộ cho ông và tiên tri rằng vị thủ lãnh sẽ có đứa con khác. Khi một đứa con được sinh ra, đứa bé ốm yếu tới nỗi người ta không hy vọng nó sống được nhưng nhờ sự bảo hộ tâm linh của Dodrupchen nên đứa trẻ đã sống sót. Trước hết ngài đặt tên cho nó là Yamathar, và sau này tên của nó được đổi là Garwap Gyalchok và Yizhin Wangyal. Năng lực tâm linh của Dodrupchen đã tạo nên một thái độ mới về lòng khoan dung trong tâm của dân chúng đối với những dòng truyền thừa khác của Phật giáo trong vùng đó.
Dodrupchen cũng được Vua Mông cổ Ching Wang Ngawang Dargye (1759-1807), cũng được gọi là Chogyal Ngaki Wangpo, mời thỉnh. Ngawang Dargye là vị thủ lãnh quan trọng nhất trong miền Thanh Hồ trong thời đó. Ngoài vua và hoàng hậu, Dodrupchen ban những trao truyền và giáo huấn Longchen Nyingthig, Khandro Yangtig, và những bình giảng về Yönten Dzö cho khoảng từ bốn mươi cho tới một trăm nhân vật quan trọng.
Dodrupchen ban trao truyền Longchen Nyingthig cho Drupchen Tülku Jigme Namkha Gyaltsen của Gön Lakha, là người trở thành một vị hộ trì dòng Longchen Nyingthig. Trước năm 1959, người ta được biết là Gön Lakha có hơn một ngàn chín trăm hành giả Mật thừa. Dodrupchen cũng dạy cho Ngawang Tendar Lharampa (1759-?) ở xứ Alaksha, Mông Cổ.
Sau đó một vấn đề phát sinh cho Dodrupchen liên quan tới Amban, vị đại diện của Hoàng đế Trung quốc tại Sining (Tây Ninh), thủ phủ của bang Thanh Hồ (Qinghai, Thanh Hải). Dodrupchen được mời tới trại của Amban và bị buộc tội có liên quan tới một nhóm người Khampa trốn khỏi quê hương của họ. Dodrupchen đã giúp đỡ họ, nhưng ngài không có quan hệ với nhóm người đặc biệt đó. Lời buộc tội khác là Dodrupchen đã từng ở trong vùng Thanh Hồ trong vài năm mà không khai báo cho Amban, điều đó là đúng. Hơn nữa, người ta nói rằng ngài đang đội mũ của một Khenpo, một tu viện trưởng, mà không được chính thức thừa nhận, điều đó chỉ đúng một phần bởi ngài không nhận được sự thừa nhận như thế từ phái Geluk, là thể chế tôn giáo chính thức của đặc khu đó. Nhờ hai người thông dịch, Amban tra vấn Dodrupchen suốt một ngày giữa một hội chúng đông đảo gồm những người Tây Tạng và Mông Cổ có chức quyền của vùng Thanh Hồ, trong đó có Vua Ngawang Dargye và Jonang Dzasak. Tất cả hội chúng, như Dodrupchen mô tả, “ngồi như thể đang nhận lãnh một bài giảng đạo.” Vào cuối ngày, không những Dodrupchen được phóng thích mà Amban còn cảm kích đến nỗi thậm chí ông còn khẩn cầu ngài cầu nguyện cho một người bạn bị bệnh của ông ta. Như thế vấn đề đã được giải quyết một cách kỳ diệu trước sự ngạc nhiên của mọi người. Nếu không, điều đó có thể là một mối nguy hiểm cho tính mạng của Dodrupchen và cho địa vị của nhiều hoàng tử Mông Cổ, là những nhà bảo trợ của ngài.
Nhiều tháng sau, Amban cử một sứ giả khác thỉnh mời Dodrupchen tới Sining. Tại Sining, Amban nói với Dodrupchen với vẻ hết sức tôn kính: “Thường thì khi người ta nhận được thư của Hoàng đế, họ phải đứng quay mặt về hướng đông để nghe đọc thư. Tuy nhiên ngài vẫn có thể ngồi, nhưng lắng nghe một cách nghiêm cẩn và hướng về phía đông.” Thật trang trọng, ngài mở lá thư của Hoàng đế Chia Ch’ing (trị vì 1756-1820), trong đó có những dòng sau đây:
Nếu Lạt ma làm lợi lạc cho mọi người thì việc ngài là một Lạt ma của phái Mũ Đỏ [Hồng Mạo, Nyingma] không thành vấn đề. Ngài [Dodrupchen] phải ở miền Thanh Hồ. Ngài không được đi Ngũ Đài Sơn, Lhasa hay về quê hương của ngài. Nếu ngài đi, ngài phải hỏi ý kiến Hoàng đế trước tiên. Các thủ lãnh [của vùng Thanh Hồ] phải tôn kính và phục vụ cho Lạt ma.
Mọi người trong miền đó thấy rằng việc Hoàng đế thừa nhận Dodrupchen là một Lạt ma của mười hai khu vực (mDa’Tshan) của Mông Cổ là một vinh dự to lớn. Họ vui mừng bởi việc họ cầu nguyện ngài ở lại với họ đã được chấp nhận. Nhưng giấc mộng đến Ngũ Đài Sơn của Dodrupchen đã bị tan vỡ. (Có những câu chuyện kể rằng các vị thủ lãnh-đệ tử của Dodrupchen đã tác động tới sắc lệnh của Hoàng đế khiến ngài phải ở lại miền đó.)
Nhận thấy bây giờ ngài không thể đi ngược lại sắc lệnh của Hoàng đế mà du hành tới Ngũ Đài Sơn, thay vào đó Dodrupchen muốn đi miền Trung Tây Tạng để gặp Jigme Lingpa một lần nữa. Nhưng các đệ tử của ngài khăng khăng phản đối dự định này bằng cách viện dẫn mệnh lệnh của Hoàng đế. Vì thế Dodrupchen phái Jigme Chödrak thay mặt ngài tới miền Trung Tây Tạng với những phẩm vật cúng dường khổng lồ, mọi thứ mà ngài sở hữu. Những người du hành cũng mang quà tặng của Vua Ngawang Dargye cho Jigme Lingpa.
Thủ lãnh Chonang khẩn cầu Dodrupchen xây một gompa (tu viện) và hứa sẽ hỗ trợ mọi điều cần thiết về mặt tài chánh và chính trị. Nhưng Dodrupchen từ chối không nhận các món cúng dường, tự nhắc mình một câu tục ngữ cổ xưa: “Đừng ở quá gần những nhà bảo trợ của bạn.”
Arik Geshe Chenmo Champa Gelek Gyaltsen (1726-1803) của Tu viện Ragya, một học giả lỗi lạc phái Geluk, hết sức tán thán Dodrupchen và cúng dường ngài thật trọng thể. Ông cũng nhận các sự trao truyền từ Dodrupchen.
Một trận dịch ở Arik Ragya Gompa, một tu viện lớn phái Geluk ở Amdo, đã giết chết khoảng một nửa trong số bốn ngàn tu sĩ ở đó. Tất cả những người sống sót chạy trốn sang một thung lũng gần đó, ngoại trừ một tu sĩ, ông không chọn lựa việc ra đi, bởi điều đó phá vỡ việc ông tụng đọc lời nguyện Manjushrī-nama-samgitī (Hát tụng những Danh hiệu của Đức Văn Thù). Một hôm, ông ta nghe âm thanh của những cái chuông và nhìn thấy một vài người với một con thú khác thường trông giống con hổ tiến vào tu viện bị bỏ hoang. Khi một người trong số đó đi vào nhà của ông, trước khi ông có thể cảnh báo cho người ấy về bệnh dịch, người đó nói: “Dodrupchen ở đây. Ngài muốn gởi thông điệp cho các tu sĩ rằng không còn nguy hiểm nữa và họ có thể trở về. Chúng tôi đang giải quyết những tử thi bị bỏ lại.” Sau này, Dodrupchen cử hành một lễ cúng dường lửa (homa) và làm ngưng bệnh dịch, khiến cho Tu viện hồi sinh. Thật kỳ diệu, ngài cũng đưa một suối nước từ tảng đá ở Amye Khyung-gön, ngọn đồi phía sau tu viện, hiện nay vẫn là một dòng suối để chữa bệnh.
Từ Thung lũng Do ở Golok, một người chú của Dodrupchen và những người khác đến thuyết phục ngài trở về quê hương. Viện dẫn lệnh của Hoàng đế, các thủ lãnh và dân chúng của vùng Thanh Hồ, là những đệ tử của ngài, đã phản đối việc ngài ra đi. Nhưng người chú của Dodrupchen thình lình bị bệnh và từ chối dùng thuốc hay đến bất kỳ tu viện nào để cầu nguyện trừ phi Dodrupchen trở về quê hương với ông. Vì thế các thủ lãnh bị bắt buộc phải để cho Dodrupchen trở về nhà. Ngài để lại Lạt ma Pema Tamchö như người đại diện của ngài để cho thấy ngài không từ bỏ miền này.
Năm 1799, từ Thanh Hồ, Dodrupchen trở về Thung lũng Do. Ở đó ngài tiếp tục xây dựng Drotön Lhüntrup Gompa của ngài tại Shukchen Tago trong Thung lũng Do.
Jigme Gyalwe Nyuku cũng đến Thung lũng Do để giúp Dodrupchen xây tu viện. Cùng với Gyalwe Nyuku và những người khác, Dodrupchen viếng thăm Vua Tsewang Lhündrup (mất năm 1825) xứ Dzigak tại Phüntsok Dzong, Vua xứ Chötse, và nhiều nơi trong Thung lũng Dzika để trao truyền giáo lý, cử hành các buổi lễ, và gây quỹ cho tu viện.
Nüden Dorje, một người cháu trẻ tuổi của Dodrupchen, người mà về sau trở thành Khangdong (hay Khordong) Terchen nổi tiếng, đến thăm chú. Dodrupchen ban cho cậu một chày kim cương và một phurbu và yêu cầu cậu đứng lên. Cầm những pháp khí này trong tay, Terchen quay lại và nói HŪM HŪM HŪM. Vào lúc đó, những hồi ức của Terchen về việc cậu từng là Düdül Dorje (1615-1672) trong quá khứ được đánh thức. Sau đó Dodrupchen ban cho cậu quán đảnh Yumka Dechen Gyalmo, và Terchen nghe âm thanh của thần chú OM PADMOYOGINĪ JNĀNAVĀRĀHI HŪM đến từ tất cả những cây cối, hoa lá mà cậu có thể nhìn thấy xung quanh cậu.
Năm 1801, trong một lần viếng thăm Thung lũng Mar, Dodrupchen gặp Do Khyentse (1800-1866), khi đó khoảng một tuổi. Cậu bé đang nài nỉ cha mẹ cậu đưa cậu tới gặp một người tên là Sönam Chöden, nói thêm rằng nếu không cậu sẽ về nhà, có nghĩa là cậu sẽ chết. Sönam Chöden là một trong những danh hiệu trước đây của Dodrupchen, nhưng trừ ngài ra hầu như không ai biết danh hiệu đó. Khi Dodrupchen gặp cậu bé, mắt ngài đẫm lệ, ngài ôm lấy cậu bé và quả quyết: “Ta sẽ chăm sóc con.” Nhiều năm sau Khyentse viết rằng khi ngài gặp Dodrupchen, ngài không nhìn thấy vị Thầy này trong thân tướng của một người bình thường mà là Guru Rinpoche.
Theo lời khuyên của Dodrupchen, Do Khyentse được đưa tới Shukchen Tago và bắt đầu nhận những gia hộ và giáo lý. Do Khyentse vẫn nhìn thấy Dodrupchen trong những thân tướng khác nhau và được những người nam và nữ vây quanh trong những hình tướng huyền bí. Sau khi lớn lên, cậu nhận ra rằng những hình tướng đó là những thân tướng không bình thường của Lạt ma hay môi trường xung quanh của ngài.
Sau khi kéo dài được vài năm, sự kiện vị thủ lãnh miền Thung lũng Do thượng liên can đến việc che chở một tên cướp đã bị khám phá. Sự bất ngờ này làm Dodrupchen vô cùng thất vọng, bởi ngài không chỉ là một Lạt ma vĩ đại, mà còn là một vị thủ lãnh bộ tộc sáng suốt, đạo đức, và đáng kính. Chẳng bao lâu, ngài từ chối việc ở lại Shukchen Tago, mặc dù nó vẫn là một ẩn thất trong nhiều năm. Paltrül Rinpoche (1808-1887) đọc Kanjur ở đó một thời gian dài và học thuộc lòng nhiều Kinh điển. Tuy nhiên, khi còn nhỏ, tôi thường đi qua nơi đó, tôi chỉ nhìn thấy những tàn tích của Shukchen Tago.
Dodrupchen vẫn nhận những lời mời khẩn cấp của vua xứ Dege và Tu viện Dodrupchen. Ngài tới Tu viện Gyarong, Tu viện Dzogchen, và những nơi trong Thung lũng Dzachukha. Ở mỗi nơi, ngài được đón tiếp bằng những lễ rước trọng thể. Tại Tu viện Dzogchen ngài ban những quán đảnh cho Dzogchen Rinpoche đệ Tứ trẻ tuổi. Khi ngài nghe nói nhiếp chính Hoàng thái hậu xứ Dege bị bệnh nặng, ngài vội vã đi tới Cung điện Dege. Hoàng thái hậu vừa mới khỏi bệnh. Dodrupchen ban cho bà các giáo lý Yeshe Lama và những giáo lý khác. Ngài ban cho nhà vua các quán đảnh Hyagrīva và Vajrakīla của Gyüluk. Về sau ngài cũng trao truyền cho vua những giáo lý terma do chính Dodrupchen khám phá.
Dodrupchen đã trao truyền nhiều giáo lý, trong đó có Yabzhi, Longchen Nyingthig, Nyingma Gyübum, và Dzödün cho nhiều đệ tử, kể cả những Lạt ma cao cấp của các tu viện Nyingma ở Kham, chẳng hạn như Dzogchen, Kathok, và Zhechen. Trong số những người thọ nhận có Dzogchen Rinpoche đệ Tứ, Do Khyentse, Zhechen Rabjam đệ Tam, Kathok Situ, các Gotsa Tülku, Gomchen Ngawang Chöjor, và Thartse Khenchen Namkha Chi-me xứ Ngor.
Tới lúc đó, Do Khyentse đang được Dodrupchen chăm sóc và được chính Dodrupchen thừa nhận là tülku không chính thức của Jigme Lingpa. Sau đó văn bản phê chuẩn cho việc thừa nhận của Sakya Kongma và các tülku Drikung, là những đệ tử thân thiết của Jigme Lingpa, được các vị đại diện mang đến từ Drikung. Những vị này tới để đưa vị tülku tới miền Trung Tây Tạng. Khi đó, với sự tổ chức công phu của Cung điện Dege, Do Khyentse được gởi tới Drikung, ở đó nam tử của Jigme Lingpa là một trong hai vị lãnh đạo của dòng Drikung.
Năm 1806, khi một người chú của Dodrupchen mất, từ Dege, ngài vội vã trở về Golok. Nhưng cho tới năm 1809, ngài đi tới đi lui vài lần giữa Dege, Dzogchen, và Golok, cử hành các buổi lễ và chủ yếu là ban các trao truyền và giáo lý tại nhiều tu viện và những nơi khác.
Cùng với Jigme Gyalwe Nyuku, Dodrupchen xây dựng Tu viện Dzagya trong Thung lũng Dzachukha, là nơi sau này trở thành trụ xứ chính của Jigme Gyalwe Nyuku và của Paltrül Rinpoche, đệ tử nổi tiếng của vị Thầy này.
Ở đây, tôi muốn chú thích là trong cung điện Dege có một sự đối kháng có tính chất bộ phái chống lại ảnh hưởng của các Lạt ma phái Nyingma mà người lãnh đạo là Dodrupchen. Tuy nhiên, không có gì là nền tảng để khẳng định rằng Dodrupchen bị tống giam và sau đó bị trục xuất khỏi Dege trong cuộc nổi dậy ở Dege năm 1798 như các nhà biên soạn Tây phương đưa ra. Thực ra, Dodrupchen không ở Dege trong thời gian này. Từ năm 1793 tới 1799, ngài vẫn ở vùng Thanh Hồ, ban giáo lý cho những người Tây Tạng và Mông Cổ. Ngài chỉ từ Amdo trở về Golok năm 1799 và xây dựng Shukchen Tago Gompa. Chỉ từ khoảng năm 1802 tới 1809 ngài mới thường xuyên thăm viếng Dege, ban giáo lý cho nhiếp chính Hoàng thái hậu và thái tử, người sẽ trở thành nhà vua năm 1806. Dodrupchen thực hiện nhiều cuộc thăm viếng và trải qua rất nhiều thời gian ở Dege sau khi ngài từ Amdo trở về, so với lần viếng thăm duy nhất trong nhiều tháng vào năm 1793. Theo nhiều tài liệu, không chỉ nhiếp chính Hoàng thái hậu mà cả con trai của bà, Vua Tsewang Dorje Rigdzin (1786-1847?, trị vì 1806-1847?), vẫn là những người mộ đạo nhiệt tình của Dodrupchen.
Dodrupchen đã thúc đẩy cung điện Dege đặt làm những bản khắc gỗ sáu quyển sách của Jigme Lingpa, và cũng in hai mươi lăm quyển Nyingma Gyübum và hơn mười quyển sách của Longchen Rabjam.
Cuối cùng vào năm 1809 Dodrupchen trở về Golok. Một tiên tri của Rongtön Dechen Lingpa (thế kỷ 17) nói:
Một hóa thân của Thái tử Siêu phàm, Bồ Tát anh hùng,
Sẽ xuất hiện, với những Đạo sư và thiền giả của Dzogchen Ati (Đại Viên mãn).
Ngài sẽ xây dựng khoảng ba tu viện ở Thung lũng Ser thượng, trung và hạ.
Năm 1810, vào năm sáu mươi sáu tuổi, ngài thiết lập một trung tâm thiền định tại Yarlung ở đèo Trakchen trong Thung lũng Ser. Ngài đặt tên cho nó là Pemakö Tsasum Khandrö Ling. Sau này, nó được thường được gọi là Tu viện Yarlung Pemakö.
Sau khi xây dựng Yarlung Pemakö, Dodrupchen thề không bao giờ rời nơi này, vì thế ngài không đi đâu hết mà ở đó trong hơn mười năm kế tiếp của đời ngài. Trong khi Dodrupchen sống ở đó, hầu như vào mỗi ngày mồng mười và hai mươi lăm âm lịch, người ta có thể nghe thấy âm nhạc trổi lên ở Yarlung Pemakö nhưng không rõ xuất xứ. Mọi người tin rằng hội chúng các dāka và dākinī đã chơi nhạc. Vào những ngày này, khi nghe nhạc, mọi người được nhắc nhở rằng hôm nay là một trong những ngày lễ trong tháng.
Tại Yarlung Pemakö, Dodrupchen giảng dạy và ban những trao truyền cho rất nhiều đệ tử, nhiều người trong số đó đã trở thành những Đạo sư nổi tiếng. Thông thường, khi Dodrupchen ban quán đảnh và giáo huấn thì Jigme Kalzang truyền văn bản (Lung) nhân danh ngài.
Năm 1812, Do Khyentse từ miền trung Tây Tạng trở về để thăm Dodrupchen già yếu. Vua xứ Dege không ngừng hối thúc Dodrupchen và Do Khyentse tới Dege, nhưng Dodrupchen không đi được, bởi ngài đã thề không bao giờ rời khỏi tu viện của ngài.
Năm hai mươi tuổi, Dzogchen Rinpoche Đệ Tứ (1793-?) viếng thăm Yarlung Pemakö để nhận thêm giáo lý từ Dodrupchen. Dodrupchen ban cho Dzogchen Rinpoche quán đảnh, những bản văn, và giáo huấn thuộc về Longchen Rabjam và Jigme Lingpa, cũng như Vima Nyingthig và Nyen-gyü Dorje Zampa.
Dodrupchen gia hộ cho Dzogchen Rinpoche bằng cách ban cho ngài một tách sọ người đựng đầy chang (bia). Với thức uống này, sự chứng ngộ của vị Thầy được chuyển sang Dzogchen Rinpoche một cách tự nhiên, và ngài đạt được trạng thái giải tan các hiện tượng tương đối vào bản tánh tuyệt đối (Ch’os Nyid Zad Pa). Về sau Dzogchen Rinpoche trở thành một bậc lão thông lừng danh, bậc không tạo ra những phân biệt và không hy vọng hay sợ hãi điều tốt hay xấu. Có nhiều câu chuyện kỳ lạ về cuộc đời và trí tuệ của ngài.
Khi lần đầu tiên Gyalse Zhenphen Thaye (1800-?) nhìn thấy Tu viện Yarlung Pemakö từ xa, ngài bước xuống ngựa. Thực hiện nhiều lễ lạy, ngài khóc như một đứa trẻ. Ngài nói: “Nơi chốn này của Thầy ta không là gì ngoài Cõi Tịnh độ Vô song chân thực của Pháp Thân.” Khi ngài tới gặp Dodrupchen, Lạt ma đang gia hộ cho mọi người bằng cách dùng một lá phướn nhỏ làm bằng những dải ruy băng lụa năm màu chạm vào người họ, và Gyalwe nhìn thấy Đức Vajrapāni (Kim Cương Thủ) trong một thân ánh sáng tô điểm lá phướn.
Năm 1815, Dodrupchen phái Do Khyentse tới miền Trung Tây Tạng với những món cúng dường khổng lồ. Ngài trở về năm 1816.
Năm 1817/18, Jigme Gyalwe Nyuku tới Yarlung Pemakö để thăm Dodrupchen già yếu lần cuối cùng. Đó là thời điểm hết sức vui mừng và buồn bã cho cha và con hay các huynh đệ trong Pháp. Dodrupchen kết luận cuộc sum họp bằng cách nói: “Đó là buổi gặp gỡ [hiếm hoi và đầy hỉ lạc] của một người chết và một người sống.” Dodrupchen ban giáo lý Ngöndro và nhiều giáo lý khác cho Gyalwe Nyuku và những người khác. Ngài cũng tiên tri nơi Gyalwe Nyuku sẽ thiết lập trụ xứ chính của mình, với những mô tả chi tiết về một nơi mà ngài chưa bao giờ nhìn thấy.
Tại Yarlung Pemakö, nhiều Đạo sư vĩ đại tới nhận các trao truyền từ Dodrupchen. Trong số đó có Gyalwe Nyuku, Dzogchen Rinpoche Đệ Tứ, Do Khyentse, Thành tựu giả Kathok Getse, Dola Jigme Kalzang, Repa Tamtsik Dorje, Chöying Tobden Dorje, Zhichen Sönam Palden, Sönam Gyaltsen, Changlung Namkha Jigme Dorje, và Gyalse Zhenphen Thaye.
Năm 1819, Dodrupchen khuyên các đại diện của Cung điện Dege, Tu viện Dzogchen, Tu viện Kathok, và Drikung cho phép Do Khyentse trở thành một ẩn sĩ tāntrika (hành giả Mật thừa), như ngài ước nguyện để hoàn thành những hoạt động giác ngộ của ngài. Vì thế họ đã cho phép Do Khyentse đảm đương cuộc đời của một yogī lang thang. Do Khyentse nhớ lại đời sống của Dodrupchen già yếu trong những ngày đó:
Sức khỏe của Đấng Pháp Vương Tôn quý tốt hơn trước. Thỉnh thoảng ngài bất thần hát những bài ca du già, nhưng chúng tôi không có cơ hội để ghi lại những bài hát đó. Đôi khi ngài miêu tả những linh kiến của ngài về các cõi tịnh độ Báo Thân, và những lúc khác, ngài mô tả những hoàn cảnh khác nhau của chúng sinh trong sáu cõi. Ngài cũng ban những tiên tri về tương lai của việc truyền bá Giáo Pháp và của những cá nhân. Một vài người trong chúng tôi vẫn nhìn thấy thân ngài trong những hình tướng khác nhau, và đôi khi chúng tôi không nhìn thấy thân người mà chỉ thấy y phục của ngài trên ngai tòa. Có vô số điều kỳ diệu. Mỗi khi chúng tôi nhớ lại những câu hỏi mà chúng tôi có về những vấn đề quan trọng của các giáo lý, ngài trả lời một cách tự nhiên mà không cần chúng tôi phải hỏi.
Năm Bảy mươi bảy tuổi, vào sáng sớm ngày mười ba tháng giêng năm Kim Tị (1821), ngài biến thành y phục Báo Thân. Ngài ban các giáo huấn riêng cho một vài đệ tử. Sau đó, không bệnh tật, ngài tan hòa vào sự an bình tối thượng, trong khi mô tả kinh nghiệm của ngài về những giai đoạn của việc thu hồi năng lực của các yếu tố (các đại) trong thân thể. Những tia và vòng ánh sáng cầu vồng và một trận mưa hoa tràn ngập không gian. Khi thân ngài được hỏa thiêu, nhiều xá lợi xuất hiện như dấu hiệu của sự thành tựu cao cấp. Các môn đồ của ngài xây một bảo tháp bằng vàng trong đó họ giữ gìn di cốt của ngài tại tu viện Dodrupchen cho tới năm 1959. Ngawang Tendar Lharampa, một nhà biên soạn nổi tiếng phái Geluk và là một đệ tử của Dodrupchen ở Alaksha, Mông Cổ, viết:
Có những Đạo sư có thể đạt được sự chứng ngộ.. tan hòa [thân thể họ thành thân ánh sáng cầu vồng] nhưng thay vào đó đã chọn thành tựu trạng thái của một vị hộ trì trí tuệ (Trì minh vương) với thánh tích để lại. Lý do là bởi một số vị không chấm dứt nghiệp lực của mình để hiến mình cho việc chuyển Pháp luân các hoạt động nhằm phụng sự Giáo Pháp và chúng sinh. Những vị khác để lại di cốt trong hình thức của dung (phân) và các xá lợi, để những vật này ít nhất cũng tồn tại như suối nguồn của những gia hộ cho các đệ tử. Một điển hình là [cách chết của] đấng quy y (nương tựa) tôn quý của chúng tôi, Đức Jigme Thrinle Özer vinh quang, sự hiển lộ huyễn hóa của Đức Phổ Hiền, Đức Phật nguyên thủy xuất hiện trong những tri giác của chúng sinh có thể giáo hóa như bậc thủ hộ của các hiền nhân và hiện thân của một trăm bộ Phật.
Ngay đêm Dodrupchen mất, Do Khyentse, đệ tử chính yếu của ngài, khi ấy đang ở một nơi cách xa nhiều tuần lễ du hành đã nhận được di chúc tâm linh của ngài. Cuối đêm mười ba tháng giêng năm Kim Tị, Dodrupchen xuất hiện trên không trung trong một thân ánh sáng chói lọi và một bộ y phục bằng ánh sáng. Ngài lơ lửng trên một tấm thảm ánh sáng được bốn dākinī nâng đỡ. Bằng một giọng hết sức quyến rũ ngài hát những bài kệ trong di chúc của ngài, trong đó có những giòng sau đây, và sau đó tan hòa vào Do Khyentse.
Ta đang đi vào sự rộng lớn của Trí tuệ của Pháp giới Tối thượng (Pháp giới thể tánh trí),
Là trạng thái siêu vượt tư tưởng và những biểu lộ.
Ta đang đi vào trạng thái của Trí tuệ như Gương (Đại viên cảnh trí),
Là ánh sáng rực rỡ quang minh bất tận, tươi mới và khoáng đạt.
Ta đang đi vào sự rộng lớn của Trí tuệ của những Bình đẳng (Bình đẳng tánh trí),
Trong đó mọi tư tưởng về sự bám chấp và người bám chấp tan biến vào Pháp giới tối thượng.
Ta đang đi vào Trí tuệ Giác tánh Phân biệt (Diệu quan sát trí),
Là sự quang minh, sự ló dạng của sáu loại thấu thị.
Ta đang đi vào trạng thái của Trí tuệ Thành tựu (Thành sở tác trí),
Là cái hóa hiện những hiển lộ khác nhau phù hợp với nhu cầu của chúng sinh có thể giáo hóa.
Ta đang đi tới Zangdok Palri, cõi tịnh độ của những vị hộ trì trí tuệ (Trì minh vương).
Bởi tâm ta trở nên đồng nhất với tâm Heruka,
Ta sẽ hiển lộ ba hóa thân như bạn đồng hành của con.
Di chúc này, cho tới khi xuất hiện rõ ràng
Như nét vẽ bí mật của các biểu tượng dākinī,
Hãy niêm kín lại như miệng của một tử thi.
Cầu mong những biểu tượng này không bao giờ biến mất. TISTHA-LHEN!
Nam tử, hãy ở lại an khang.
Bây giờ con đã chiến thắng những chướng ngại của đời con.
Cho tới khi mọi hiện hữu hiện tượng được giải thoát như những dấu hiệu và giáo lý [của Giáo Pháp],
Con nên coi sinh tử và Niết bàn là những giấc mộng và sự huyễn hóa.
Hãy hiến mình cho việc thiền định là nơi không có điểm quy chiếu.
Đây là quán đảnh phó chúc và nguyện ước tuyệt đối.
Đây là quán đảnh siêu việt của những quán đảnh.
Dodrupchen đã khám phá nhiều giáo lý như kho tàng tâm, dưới tiêu đề Tamchö Dechen Lamchok, Con Đường Tối hảo của Cực Lạc, những Thánh Pháp. Nó bao gồm các sādhana Ngoại, Nội, và Bí mật của Đức Phật A Di Đà, một sādhana thiêng liêng nhất của Hayagrīva, và các sādhana của mười hai Đạo sư Dzogchen, Milarepa, Machik Labdrön, và Mahādeva (Đại Thiên). Ngài cũng khám phá một nghi lễ Chö nổi tiếng, có tựa đề là Chuwo Chigdre. Trong các tác phẩm của ngài có Gyatsö Chuthik (Một Giọt từ Đại dương), một bản dịch dài và ngắn của những bình giảng ngắn về Yönten Rinpoche Dzö, một bình giảng ngắn về Chö Khandrö Kegyang, một sādhana về sự tịnh hóa samaya, và những biên soạn về nghi lễ Mahākala và về sādhana Vajrakīla do Sangye Lingpa khám phá.
Dodrupchen biên soạn nhiều tiên tri. Ta được biết rằng Tu viện Labrang ở Amdo có một tuyển tập về các tiên tri của ngài. Chính tôi đã nhìn thấy tuyển tập vài trăm trang, nhưng hiện nay chỉ còn sót lại một tiết đoạn gồm một ít trang.
Dodrupchen nổi tiếng là có những tiên tri rõ ràng và chính xác. Thường thì các Lạt ma viết những tiên tri khi họ được nghe nói về các sự việc của một dākinī, một Lạt ma, hay một vị Phật trong một linh kiến. Nhưng sự độc đáo nơi các tác phẩm tiên tri của Dodrupchen nằm ở chỗ ngài báo trước các sự việc như một linh kiến tự nhiên hay tự xuất hiện trong trạng thái trí tuệ chứng ngộ tự thân của ngài. Chẳng hạn như:
Trong tấm gương của Pháp giới Tối thượng [của tâm trí tuệ của tôi], là cái gì thoát khỏi các niệm tưởng,
Xuất hiện những tình huống của thế giới nói chung, và
Của miền Đông Tây Tạng (mDo sMad) nói riêng,
Trong hình thức của những duyên sinh không có sự lầm lạc nào…
Ngài báo trước nhiều sự kiện liên quan tới việc truyền bá Giáo Pháp, những tỉnh, và những cá nhân. Chẳng hạn như, ngài đã tiên tri việc ra đời của Khyentse Wangpo (1820-1892), Zhapkar Tsoktruk Rangtröl (1781-1851), Pema Siddhi (mất năm 1957), và hàng trăm Lạt ma vĩ đại khác. Ngài đã báo trước là Trung quốc sẽ “đỏ,” mặc dù trong thời đại của ngài “đỏ” không có ý nghĩa như bây giờ. Ngài cũng tiên tri những gì có thể xảy ra cho một nhiếp chính của Tây Tạng ở Tu viện Redring (mất năm 1947) và những hậu quả của sự kiện đó.
Không lâu sau khi Dodrupchen mất, Dodrupchen trở về Yarlung Pemakö để kính lễ di cốt, tro, và xá lợi của Dodrupchen được giữ trong một cái bình. Các đệ tử của Dodrupchen hối thúc Do Khyentse ở lại như người kế vị (gDan Tshabs) của Dodrupchen, nhưng ngài từ chối.
Sau này, Gyalse Zenphen Thaye (1800-?) của Tu viện Dzogchen, một học giả nổi tiếng và là một trong những đệ tử chính của Dodrupchen, đã đến để trụ lại như người kế vị của Dodrupchen trong một thời gian. Gyalse bắt đầu một khóa giảng dạy và thực hành hàng năm trong bốn mươi lăm ngày về Guhyagarbha-māyājāla-tantra (Mật điển Bí mật tập hội) tại Yarlung Pemakö. Paltrül làm trợ giảng cho Gyalse trong năm đầu tiên, và sau đó bản thân ngài điều khiển giảng khóa này trong hai năm nữa. Paltrül Rinpoche và Nyoshül Lungtok (mất năm 1902?) sống quanh Thung lũng Ser và Do, các trụ xứ của Dodrupchen, trong khoảng chín hay mười năm.
Trong số các đệ tử ngài có những Đạo sư hộ trì dòng truyền thừa, những vị đã được tiên tri trong Tiên tri Bí mật của Lạt ma Gondü. Đó là bốn vị hộ trì dòng truyền thừa được đặt tên là Dorje (rDo rJe’i gDung bZhi), mười ba vị được đặt tên Dorje (rDo rJe’i Ming Chan bChu gSum), và sáu vị được đặt tên Sangye (Phật mCh’ed Drug).
Có những giải thích khác nhau để định rõ bốn vị hộ trì dòng truyền thừa được gọi tên là Dorje. Một cách là: (1) Dola Jigme Kalzang Dorje (Chökyi Lodrö) ở miền đông, giống như âm thanh của một con ốc xà cừ trắng đầy danh tiếng tâm linh, (2) Repa Tamtsik Dorje của Khyunglung (người nổi tiếng về việc có đệ tử gồm một ngàn yogī và một ngàn yoginī) ở miền nam, với nhiều đệ tử Mật thừa như một tụ gạo trắng, (3) Gyalse Rikpe Dorje (Zhenphen Thaye) ở miền tây, với nhiều đệ tử là thiền giả tu sĩ như một vườn hoa sen đỏ, và (4) Chöying Tobden Dorje (một nhà biên soạn và truyền bá vĩ đại của giáo lý Nyingthig ở Amdo, đặc biệt là ở Rekong) ở miền bắc, giống như một phurbu sắt với nhiều đệ tử mật thừa đầy năng lực.
Cách giải thích khác là: (1) Do Khyentse, (2) Dzogchen Rinpoche đệ Tứ, (3) Gyalse Rigpe Dorje, và (4) Kyebu Yeshe Dorje (Dola Jigme Kalzang).
Cách thứ ba là: (1) Do Khyentse, (2) Dzogchen Rinpoche, (3) Repa Tamtsik Dorje, và (4) Chöying Tobden Dorje.
Kongtrül Yonten Gyatso (1813-1899) viết:
Trước ngài, bậc được gọi là Ánh sáng chói lọi (Özer) của phương Đông, Hóa Thân,
Với bốn [đệ tử] yogī, như được Guru Rinpoche tiên tri,
Bậc hành động vì sự lợi lạc của chúng sinh, hóa thân trí tuệ của Murum (Tsepo),
Changchup Dorje [Dodrupchen], Thủ hộ của các Hiền giả, con xin cầu nguyện ngài.
Mười ba vị được gọi là Dorje được liệt kê khác nhau, nhưng một cách liệt kê là: (1) Mingyur Namkhe Dorje, (2) Do Khyentse Yeshe Dorje, (3) Jigme Mikyö Dorje (Namkha Tsewang Choktrup, 1744-?) ở Gyarong Gön, (4) Repa Tamtsik Dorje, (5) Chöying Tobden Dorje, (6) Jigme Palkyi Dorje, (7) Rigdzin Jampal Dorje ở Zhechen, (8) Kyilung Thukchok Dorje ở Golok, (9) Jigme Pawo Dorje, (10) Zhönu Yeshe Dorje (còn được gọi là Dola Jigme Kalzang, (11) Wangda Dorje Palzang ở Golok, (12) Rigdzin Palkyi Dorje ở Troshül, và (13) Rolwe Dorje ở Barchung.
Nyoshül Lungtok đề nghị cách khác để phân loại những đệ tử chính của Dodrupchen:
Thủ lãnh của tất cả những đệ tử Khampa của vị hộ trì trí tuệ vĩ đại [Jigme Lingpa] là Dodrupchen Jigme Thrinle Özer. Trong những đệ tử chính yếu của Dodrupchen có bốn vị hộ trì dòng truyền thừa được gọi là Dorje, sáu người được gọi là Buddha (Phật), mười ba người được gọi là Namkha, và một trăm vị hộ trì mạn đà la. Vị thủ lãnh trong mười ba người được gọi là Namkha là Mingyur Namkhe Dorje.
Jigme Gyalwe Nyuku và Jigme Ngotsar là bạn đồng môn và đệ tử của Dodrupchen. Ngoài ra, khi Paltrül Rinpoche còn nhỏ, Dodrupchen xác nhận cậu bé là tülku của Palge Lama, và bằng sự tiên tri, ngài nói với Dola Jigme Kalzang: “Ta phó chúc và trao truyền toàn bộ giáo lý Longchen Nyingthig cho cậu bé, với danh hiệu là Ogyen Jigme Chökyi Wangpo.”
Như đã giải thích ở trên, các dòng Nyingthig của Vua Ngawang Dargye và đệ tử của vua là Zhapkar Tsoktruk Rangtröl đến qua Dodrupchen. Kuyang Lo-de, một đệ tử và Đạo sư của Zhapkar, viết trong một lời cầu nguyện dòng truyền thừa:
Künkhyen Jigme Lingpa,
Con cầu nguyện ngài, xin ban những gia hộ của ngài.
Künzang Zhenphen, Bậc Siêu việt trong những bậc Lão thông,
Pháp Vương Ngari Wangpo, và
Tsoktrul Rangtröl Toàn trí, con cầu nguyện ngài, xin ban cho con những gia hộ.
Dòng Longchen Nyingthig của Dharma Senge (mất năm 1890) cũng đến qua Dodrupchen, như Dharma Senge viết:
Cầu mong những khát khao thiêng liêng của Rigdzin Jigme Lingpa được đáp ứng.
Cầu mong những khát khao thiêng liêng của Jigme Thrinle Özer được đáp ứng.
Cầu mong những khát khao thiêng liêng của Ngadak Yeshe Gyatso được đáp ứng.
Cầu mong những khát khao thiêng liêng của bổn sư được đáp ứng.
Trong số nhiều hóa thân của Dodrupchen có Jigme Phüntsok Jungne, Dodrupchen Đệ Nhị (1824-1863), và Se Sherap Mebar (1829-1843),231 một nam tử của Do Khyentse.