“Các Ngài đã lấy tinh túy của tất cả các pháp môn đưa vào một pháp tu nhỏ, thuận tiện
cho chúng ta tu ... Đây được gọi là PHƯƠNG TIỆN trong Kim Cương Thừa.”Có khá nhiều truyền thống khác nhau trong Phật Giáo Tây Tạng và mỗi truyền thống đều có pháp tu ngondro riêng của mình. Và pháp tu ngondro rất quan trọng đối với tất cả các truyền thống của Phật Giáo. Có thể không gọi tên là “ngondro”, hoặc không có một nghi thức hành trì riêng biệt với tên “ngondro”, nhưng pháp tu “ngondro” thì vẫn có ở đó. Là hành giả Phật Giáo người ta vẫn tu với nội dung như tu ngondro. Ngondro, hay pháp tu tiên yếu, là nền tảng cho hạnh xả ly, cho chứng ngộ, thể nhập. Chính vì vậy Thầy nói rằng tuy không có tên gọi là ngondro hay một nghi quỹ ngondro để hành trì trong truyền thống của các bạn nhưng xét về thật nghĩa thì vẫn giống nhau: các bạn tu giống như những hành giả thuộc giai đoạn ngondro tu. Lấy ví dụ, Bốn Niệm Chuyển Tâm Hướng về Chánh Pháp, xét về thật nghĩa thì đó căn bản chính là Tứ Diệu Đế. Và Tứ Diệu Đế cũng rất quan trọng đối với Phật Giáo Việt Nam.
Sự khác biệt giữa hai truyền thống Kinh Thừa và Mật Thừa là PHƯƠNG TIỆN. Trong Kim Cương Thừa có nhiều sự lựa chọn, có nhiều phương tiện hơn. Các phương tiện này đơn giản hơn, thuận tiện hơn. Còn trong truyền thống Kinh Thừa, trừ phi người tu thật sự thực hành rất nhiều, học tập, nghiên cứu rất nhiều, còn thì việc lĩnh hội và sắp xếp tất cả mọi thứ [trong Giáo lí] lại để đưa vào thực hành là điều không dễ dàng chút nào. Lấy ví dụ, Tứ Diệu Đế. Đây là giáo lí vĩ đại của suốt thời Chuyển Pháp Luân lần thứ nhất. Có nghĩa đây là giáo lí rộng lớn mênh mông. Thế nhưng, trong Kim Cương Thừa các vị đạo sư dạy đệ tử như thế nào. Các Ngài sắp xếp tất cả lại với nhau, cô đúc những gì quan trọng [nhất] trong một hình thức gọn nhỏ, dễ hiểu và dễ thực hành. So với Kinh Thừa thì Kim Cương Thừa có nhiều phương tiện và pháp tu thuận tiện cho hành giả hơn. Đó là sự khác biệt giữa hai truyền thống.
Tất cả 84.000 pháp môn Phật truyền dạy là một kho tàng vĩ đại. Rất bao la, rộng lớn. Khi chúng ta nói 84.000 có nghĩa là vô cùng lớn, vô cùng khó để có thể lấy một phần nào từ đó ra và đưa vào công phu, tu hành. Đối với một con người với căn cơ bình phàm như chúng ta thật khó mà mà làm nổi. Vì vậy, chư đạo sư, với lòng bi mẫn lớn lao đã làm cho tất cả trở nên thuận tiện cho việc tu hành của chúng ta. Tất cả 84.000 pháp môn được đưa thành pháp môn tu rất thuận tiện cho chúng ta. Và như vậy việc hành trì tu tập trở nên dễ dàng [hơn] cho chúng ta. Hãy hình dung, 84.000 pháp môn này lớn cỡ nào? Nếu đóng thành một bộ thì tất cả là khoảng 100 tập. Tuy nhiên, các đạo sư, với lòng bi mẫn, các Ngài đã làm cho việc tu trở nên dễ dàng [hơn] cho chúng ta. Các Ngài đã lấy tinh túy của tất cả các pháp môn đưa vào một pháp tu nhỏ, thuận tiện cho chúng ta tu. Và chúng ta sẽ đạt thành tựu giống như là chúng ta đã nghiên cứu tất cả các sách, toàn bộ giáo lý. Đây được gọi là PHƯƠNG TIỆN trong Kim Cương Thừa. Kim Cương Thừa rất phong phú, nhiều màu sắc trong nhiều phương diện khác nhau. Kim Cương Thừa có nhiều phương tiện, nhiều phương pháp độc đáo để tu hành, và để tu hành một cách có hiệu quả, [với pháp tu] có sức mạnh.
“Dzogpa Chenpo là một trong những giáo lí thâm diệu nhất, quan trọng nhất, thanh tịnh và tràn-đầy-gia-lực nhất trên Trái Đất này.”Longchen Nyingthik là một truyền thống, một nhánh của Phật Giáo Tây Tạng. Đây là một truyền thống rất quan trọng ở Tây Tạng; Pháp Longchen Nyingthik được hành trì ở khắp mọi nơi trên thế giới. Có nhiều bậc Đạo Sư vĩ đại đã đạt chứng ngộ rất cao nhờ tu pháp Longchen Nyingthik. Thành tựu cao nhất đạt được nhờ tu pháp Longchen Nyingthik là Phổ Quang Thân (Thân Cầu Vồng). Đâu là đỉnh cao của pháp Longchen Nyingthik? Đỉnh cao của giáo lí Longchen Nyingthik chính là Đại Viên Mãn Dzogpa Chenpo; Dzogpa Chenpo là tâm yếu của giáo lí Longchen Nyingthik.
Thầy thường nói với mọi người rằng tất cả các pháp môn [Phật dạy] đều tốt như nhau bởi vì Pháp là thanh tịnh, không nhiễm ô, tỳ vết. Pháp hoàn toàn thoát khỏi bám chấp nên Pháp thanh tịnh và thiện lành. Vì vậy chúng ta phải có cái nhìn thanh tịnh đối với tất cả các pháp, chúng ta phải có lòng tin, tâm chí thành đối với tất cả các pháp môn. Tuy nhiên, cũng không có gì sai nếu chúng ta nói rằng Longchen Nyngthik, Dzogpa Chenpo là một trong những giáo lí thâm diệu nhất, quan trọng nhất, một trong những giáo lí thanh tịnh và tràn-đầy-gia-lực nhất trên Trái Đất này.
Làm sao chúng ta có thể hành trì một pháp môn nào đó một cách hiệu quả. Câu trả lời là chúng ta phải có lòng tin, tâm chí tín thành và tri kiến thanh tịnh đối với bất cứ việc gì chúng ta đang làm. Nếu người tu làm được điều đó, người đó tu hành với tín tâm thì nhất định sẽ đạt kết quả, sẽ thành tựu mục tiêu. Như vậy, thiếu lòng tin, thiếu tâm chí tín thành thì sẽ không thể thành tựu, không có được sức mạnh và lực gia trì của pháp tu. Việc tu hành phụ thuộc vào năng lực hiểu Pháp, vào tri kiến thanh tịnh và động cơ trong sáng của người tu.
Vì vậy, đối với người tu điều căn bản quan trọng là phải có tâm chí tín thành, có lòng tin vào pháp môn tu hành. Đức Phật luôn dạy đi dạy lại về tầm quan trọng về việc có tri kiến thanh tịnh và tâm chí tín thành. Đây là sự thật. Chúng ta có thể học từ [những tấm gương] của các bậc đạo sư vĩ đại, các đại hành giả. Nhờ tâm chí thành chí tín và tri kiến thanh tịnh mà các ngài đã đạt được những thành tựu rất cao. Và chúng ta cũng học từ những bài học của những người do không có tri kiến thanh tịnh và tâm tín thành mà họ đã không nhận được gia trì từ pháp họ tu. Điều này cho ta thấy tầm quan trọng của tri kiến thanh tịnh và tâm tín thành. Và chúng ta, người tu Kim Cương Thừa cần phải nỗ lực để có tri kiến thanh tịnh và thấy được tầm quan trọng của tri kiến thanh tịnh và tâm tín thành.
Lịch sử của Dzogchen rất rộng lớn và phải mất nhiều ngày để kể. Nhưng cũng có thể tóm lược [lịch sử này] một cách đơn giản. Trong cõi Phật có ba vị Phật quan trọng đối với dòng Pháp Dzogchen. Vị Phật thứ nhất là Samantabadra, vị Phật thứ hai là Vajrasattva, vị Phật thứ ba là Vajrapani. Ở cõi người có ba Đạo Sư Dzogchen quan trọng. Đạo Sư thứ nhất là Garab Dorje, Đạo Sư thứ hai là Guru Rinpoche, Đạo Sư thứ ba là Longchen Rabjam.
Như được kể, Đức Đại Phổ Hiền Như Lai truyền giáo lí Dzogchen cho tất cả chư Phật trong cõi Phật. Đức Vajrasattva truyền Dzogchen cho Vajrapani, và Vajrapani dạy Dzogchen ở cõi Thiên. Tổ Garab Dorje nhận mọi mật điển, kinh văn, giáo huấn trực tiếp từ Vajrasattva và Vajrapani. Và Ngài trở thành Trì Minh Vương đầu tiên của dòng Pháp Dzogchen trong nhân loại. Và Tổ Garab Dorje (Kim Cang Cực Hỉ) đã đạt Giác ngộ Viên mãn nhờ tu Pháp Đại Viên Mãn Dzogpa Chenpo không dụng công.
“Tổ Garab Dorje chính là hóa thân của Phật Thích Ca Mâu Ni và Vajrasattva. Và Ngài đã chuyển bánh xe Pháp Dzogchen Đại Viên Mãn.”Dzogpa Chenpo Đại Viên Mãn có mối liên hệ thế nào với Phật Thích Ca Mâu Ni? Đức Phật thường dạy giáo lí Kim Cương Thừa trong nhiều thân tướng khác nhau. Không phải trong thân tướng một tì kheo mà trong thân tướng một Bổn tôn, ví dụ như Kalachakra (Thời Luân Kim Cang). Khi truyền dạy Kalachakra Ngài không đắp tăng y mà thị hiện hình tướng Vajrapani (Kim Cương Thủ). Khi nói về dòng Pháp Dzogchen, có nhiều kinh văn, nhiều giáo lí nói rằng Đức Phật đã thị hiện hình tướng Garab Dorje. Tổ Garab Dorje chính là hóa thân của Phật Thích Ca Mâu Ni và Vajrasattva. Và Ngài đã chuyển bánh xe Pháp Dzogchen Đại Viên Mãn.
“Phật là không hình sắc, không âm thanh, Phật là không-gì-cả, nhưng Phật là không-thể-nghĩ-bàn.”Khi chúng ta nói ta tin vào Phật, thì nếu ta có lòng tin chân thực, ta phải tin rằng Phật có vô vàn phương tiện không thể nghĩ bàn. Nếu không thì điều ta nói rằng ta có lòng tin là không thật. Công hạnh của Phật, tâm của Phật, chân tánh của Phật là không thể nghĩ bàn, Đại lực của Phật vượt quá năng lực tưởng tượng của kẻ phàm phu. Vì vậy, chúng ta tin Phật và chúng ta phải hiểu rằng có những thứ chúng ta có thể hiểu với trí óc phàm phu của mình, nhưng Phật có nhiều bí mật và oai lực, sức mạnh vượt khỏi tầm nghĩ hiểu của chúng ta.
Đức Phật nói rằng nếu ai đó muốn hiểu Phật trọn vẹn, muốn biết về Phật trọn vẹn, thì người đó phải hiểu rằng
Phật là không hình sắc, không âm thanh, Phật là không-gì-cả, nhưng Phật là không-thể-nghĩ-bàn. Phật là không-gì-cả. Đừng nghĩ rằng Phật là một cái gì đó, mà Phật là không-thể-nghĩ-bàn.
Phật không phải là không-gì-cả, mà Phật cũng không phải là một-cái-gì đó, vì Phật là siêu vượt mọi khái niệm. Như vậy, vì Phật là siêu-vượt-khái-niệm, Phật là không-thể-nghĩ-bàn nên Phật có vô lượng phương cách để dạy Pháp. Phật có những phương tiện, những giáo huấn thù thắng phù hợp với những căn cơ [khác nhau] của chúng sinh.
Vậy nên, thật không thông minh nếu ta nói rằng Phật chỉ dạy giáo lí Tiểu Thừa, hay Phật không dạy Kim Cương Thừa. Bởi vì trên thực tế chúng ta không thể biết được. Đôi khi chúng ta mắc sai lầm với cái tâm phàm phu của mình. Đôi khi chúng ta nói Phật đã làm như vậy, chỉ làm như vậy thôi, chỉ vậy thôi chứ không hơn v. v. Cứ như thể là chúng ta đang quyết định thay cho Phật (cười). Như vậy không trí tuệ cho lắm vì Phật siêu vượt tâm [kẹt vào] khái niệm nhị nguyên [của chúng ta]. Phật có rất nhiều phương tiện để giải thoát chúng sinh, để lợi lạc chúng sinh. Vì vậy, bất cứ điều gì lợi lạc chúng sinh Phật nhất định đều làm. Vì vậy, Phật dạy giáo lí đủ mọi cấp độ căn cơ, những cấp độ giáo lí khác nhau cho những người cấp độ [căn cơ] khác nhau.
Đó là cách làm sao chúng ta có thể hiểu Phật và đặt lòng tin nơi Phật. Như Thầy vẫn luôn nhắc, chúng ta có được lợi lạc từ giáo lí của Phật hay không phụ thuộc vào lòng tin của chúng ta. Là người tu, bất cứ việc gì chúng ta cũng phải làm với tâm thành tín. Chỉ có như vậy chúng ta mới có được lợi lạc, nếu không thì sẽ không được chút lợi lạc nào cả. Vì vậy, chúng ta rất cần làm với tâm hiểu biết. Vậy nên khi ta nói ta tin Phật thì lòng tin đó phải có [nền tảng là] sự hiểu biết, chứ không phải ta không hiểu biết rõ ràng mà vẫn cứ tin [vô căn cứ]; đó không phải là cách tin đúng đắn.
“Để có được trải nghiệm thật sự từ những gì mình hiểu, người tu phải
công phu tu hành, thiền định (TU) về những điều đó thật nhiều lần, lặp đi, lặp lại.”Vì vậy, Phật luôn dạy: trước hết hãy lắng nghe giáo lý của ta (VĂN). Nghe và nghe đi nghe lại thật nhiều lần, lặp đi, lặp lại. Và chỉ khi đó mình mới có thể nghe ý nghĩa của nó. Thứ đến, cần phải tư duy, quán chiếu đi tư duy, quán chiếu lại, lặp đi lặp lại thật nhiều lần, sao cho cuối cùng mình có thể thật sự hiểu Phật muốn dạy điều gì (TƯ). Cuối cùng, cần phải công phu tu hành, phải thiền định về những gì con đã hiểu được (TU). Để có được trải nghiệm thật sự từ những gì mình hiểu, người tu phải công phu tu hành, thiền định (TU) về những điều đó thật nhiều lần, lặp đi, lặp lại, thật tinh cần, miên mật. Tóm lại, để hiểu và thật sự hiểu những gì Phật dạy thì phải VĂN, TƯ, TU – đó là những việc quan trọng người tu phải làm.
Ai cũng biết tầm quan trọng của việc học giáo lí. Việc học hành luôn luôn tốt, đặc biệt là việc học Pháp. Bởi vì Pháp của Phật cho ta trí tuệ, dạy ta làm người tốt, làm người tử tế, làm người trung thực, làm người có ích. Khi nói về việc học Pháp thì chúng ta phải đọc sách, phải có cái hiểu đúng đắn. Nếu không, chúng ta có thể đi mắc lỗi lầm, chúng ta có thể chọn sai đường. Để tự bảo vệ mình thoát khỏi hiểm họa của việc tu sai, đi sai đường, người tu phải nỗ lực học hỏi càng nhiều càng tốt. Ngày nay có quá nhiều sách vở, có quá nhiều tác giả. Họ viết quá nhiều và với quá nhiều cách nhìn khác biệt. Và có nhiều cuốn sách theo Thầy nghĩ không thật sự có giá trị, không thật sự bổ ích, vì trong đó dạy nhiều điều sai lạc, nhiều điều không thực sự tốt lành. Vì vậy, quan trọng là phải đọc những cuốn sách thực sự tốt. Nhà hiền triết Trung Hoa, Khổng Tử, có nói: “Chớ nên bạ sách nào cũng đọc, mà hãy [chỉ] đọc sách của các bậc hiền thánh.”
Giáo lí Longchen Nyingthik, giáo lí Dzogchen là giáo huấn trực chỉ nhất, con đường ngắn nhất để trực nhận chân tâm.Chương trình hôm nay là thảo luận tiểu bản NGONDRO Longchen Nyingthik: Khai Quang Minh Tạng (mở cánh cửa tới nội minh chiếu bổn lai thường trụ). Tinh yếu của tất cả các Pháp, bất cứ pháp môn nào, đều là để khai ngộ chân tâm. Nhưng các giáo lý khác nhau có những phương tiện khác nhau để khai ngộ. Một số giáo lí khai ngộ bản tâm một cách trực chỉ, rất ngắn gọn, một số giáo lí khác làm việc này một cách gián tiếp. Có nhiều phương cách để thực hiện việc khai ngộ chân tâm này. Phương cách trực chỉ nhất, ngắn nhất để mở cánh cửa tới chân tâm được gọi là giáo huấn, giáo lí tâm yếu thậm thâm (profound). Bởi vì không phải tất cả các giáo lí đểu mô tả [bản] tâm một cách rõ ràng, sáng tỏ, một cách trực tiếp, gần cận. Một số giáo lí làm việc này một cách gián tiếp, tiếp cận vòng quanh, vòng quanh, chầm chậm và cuối cùng mới khai ngộ bản tâm. Một số giáo huấn khai ngộ bản tâm rất trực chỉ, rất chắc chắn, rất ngắn gọn. Như vậy là tồn tại hai phương cách để dạy và để khai ngộ bản tâm. Giáo lí Longchen Nyingthik, giáo lí Dzogchen là giáo huấn trực chỉ nhất, con đường ngắn nhất để trực nhận chân tâm.
“Tâm có hai phương diện: phương diện thứ nhất là Tánh Không.”Mục đích của Pháp Dzogchen, Longchen Nyingthik là để khai ngộ Chân Tánh của tâm, bản chất tối hậu, tuyệt đối của tâm. Tâm có hai phương diện: phương diện thứ nhất là Tánh Không. Bản tánh của tâm là rỗng rang. Nếu ta cố gắng nhìn thấu tâm, để xem tâm là cái gì, thì ta sẽ thấy chỉ có sự rỗng rang, ta thấy không có gì cả. Đây là phương diện thứ nhất của tâm. Phương diện này của tâm được gọi là Tánh Không.
“Bản chất của tâm là sự hợp nhất của KHÔNG và QUANG MINH.”Phương diện thứ hai của tâm không phải là Tánh Không, mà tâm có nhiều phẩm tánh. Ví dụ như Trí Tuệ. Tâm, mặc dầu nó tự [bản chất] là rỗng rang, nhưng nó lại rõ biết tất cả. Nó có năng lực nghe, nhìn, nếm, nghĩ v. v. Các phẩm tánh đó gọi là các phẩm tánh nội tại thường hằng tự hữu. Như vậy là có hai phương diện, hai phần. Để đạt giải thoát siêu việt mọi đối đãi nhị nguyên việc thực tại, hiểu chân tánh của tâm là rất quan trọng.
Khi chúng ta cố gắng nhìn thật sâu vào tâm thì sẽ không thấy gì cả, mà nó rỗng rang như hư không. Nhưng ở trình độ phàm phu chúng ta thì chúng ta không nghĩ vậy. Chúng ta nghĩ rằng nó là một cái gì đó có thật, một cái gì đó có thể làm nên hạnh phúc hay khổ đau. Chúng ta nghi rằng tâm là cái gì đó có thật, nhưng bản tâm thực sự không như chúng ta nghĩ, chúng ta thấy. Nó rất khác cái mà chúng ta nghĩ. Chúng ta cần phải thấy thực tại (reality), thấy chân tánh của tâm. Tâm là TÁNH KHÔNG và TÁNH QUANG MINH, hai phần, hai phẩm tánh. Tánh Không là tánh thanh tịnh bổn nguyên. Nó thường hằng thanh tịnh. Tự tánh của tâm không bao giờ bị ô nhiễm bởi phiền não. Nhờ tánh thanh tịnh đó mà tâm có năng lực rõ biết vạn pháp. Tánh Quang Minh luôn hiện diện ở đó, không bao giờ lìa xa tâm. Tâm luôn sáng rõ (quang minh) và rỗng rang từ trong tự tánh của nó. Nhưng nó không [đơn giản là rỗng không] như hư không, hay như cái phòng, mà nó SÁNG TỎ. Nhờ tánh Quang Minh mà nó thanh tịnh. Nhờ Tánh Quang Minh và Không hợp nhất – Bản chất của tâm là sự hợp nhất của KHÔNG và QUANG MINH – mà không gì có thể làm nó ô nhiễm. Giống như bầu trời trống không và không gì làm cho nó ô nhiễm được.
“Chúng ta đi với phiền não, vọng tưởng. Chúng ta cần phải đưa mình trở về nơi chốn ban sơ ấy - BÀ MẸ TỰ TÁNH.”Khi ta thấy mây, gió, bụi che phủ bầu trời, ta phải biết rằng tất cả chỉ là cái thêm vào bên ngoài, chứ không phải cái thực sự có thể làm bầu trời dơ bẩn. Chúng ta cũng phải biết rằng các phiền não là thứ thêm vào bên ngoài, chứ không phải cái có thể làm ô nhiễm bản tâm. Như vậy, phiền não sinh khởi từ tánh không của tâm nhưng chúng không thể ảnh hưởng tới chân tâm, bản tánh.
Mặc dầu tâm vốn thanh tịnh, vì chúng ta có bản tâm vốn luôn luôn tự nó thanh tịnh trong mỗi chúng ta, thì tại sao chúng ta lại bất tịnh? Tâm ta giống như cõi tịnh độ. Thế nhưng chúng ta lại không ở trong cõi tịnh độ ấy. Chúng ta bỏ lại cõi tịnh độ sau lưng, ở một nơi nào đó, và tới một nơi chốn khác. Chúng ta không trụ lại đó (cõi tịnh độ) được. Chúng ta đi với phiền não, vọng tưởng. Chúng ta cần phải đưa mình trở về nơi chốn ban sơ ấy - BÀ MẸ TỰ TÁNH.
“Một khi ta đã nhận ra tự tánh và trụ trong tánh thanh tịnh đó,
thì ta đã ở trong tự tánh đó, ta đã đạt giải thoát.”Các Giáo Huấn của Dzogchen cho ta phương tiện để đạt tới được bản tâm, đạt tới tánh thanh tịnh [của tâm], một các rất trực tiếp. Và giải thoát không phải là một cái gì đó xa vời với ta, mà thực ra nó ở ngay trong chính ta. Một cách chân thật, Pháp Dzogchen ban cho chúng ta giáo huấn đạt giải thoát một cách trực tiếp, ngắn gọn, cho ta một phương tiện hiệu quả nhất. Không có một điều kiện nào khác, không có gì khác, chỉ là một giáo huấn rất trực chỉ. Đó là lí do tại sao giáo lí này (Dzogchen) là rất tâm yếu, thậm thâm, rất trực chỉ và rất quan trọng. Vì giải thoát không phải là một cái gì đó, một nơi chốn nào đó cách xa ta, mà nó là một phần của tâm [ta]. Giáo lí này dạy ta cách làm sao để cắt xuyên qua phiền não, vọng tưởng, để nhận ra được TỰ TÁNH và trụ trong tánh thanh tịnh đó. Một khi ta đã nhận ra tự tánh và trụ trong tánh thanh tịnh đó, thì ta đã ở trong tự tánh đó, ta đã đạt giải thoát. An trụ tự nhiên [trong tánh] là việc thật gần gũi, thật đơn sơ. Đó là cách thức làm sao để nhận ra, làm sao để trụ trong tánh, để thư thái, nghỉ ngơi, an trụ trong tự tánh, không phiền não, không vọng tưởng nhị nguyên.
Bản tâm vốn thanh tịnh và đó là giải thoát. Vì vậy bạn không cần phải đi đâu xa mà chỉ ở lại, an trụ trong bản tâm, tự tánh. Đừng an trụ với nhiều vọng niệm, mà hãy an trụ không khởi vọng tâm. Đừng cố ép tâm mình phải “tới đó”, mà chỉ đơn thuần là thư thái, an trụ, nghỉ ngơi. Đó là cách mà Dzogchen dạy [cho ta] một phương tiện rất đơn giản. Tất nhiên, việc tới được “nơi đó” và an trụ trong tự tánh của mình không phải là điều dễ dàng. Đó là cách để [ta] thực hiện được điều đó. Thế nhưng, chúng ta cần rất nhiều tích tụ, còn nếu không thì [việc đó] sẽ chẳng dễ dàng chút nào. Vì vậy, nhân duyên để chúng ta trụ được trong tự tánh được gọi là thực hành tích tập.
Đó là giới thiệu tổng quát về dòng pháp Dzogchen Longchen Nyingthik. Rất quan trọng là ta phải có một khái niệm sơ bộ, một cái hiểu tổng quát về Dzogchen Longchen Nyingthik vì chúng ta muốn tu pháp Longchen Nyingthik. Chúng ta muốn nương tựa, quy y Pháp này, vì vậy nó phải tốt, phải hiệu quả, phải thanh tịnh, còn nếu không thì chúng ta không thể nương tựa vào nó. Vì vậy, chúng ta cần bài giới thiệu tổng quát này, cần một cái hiểu tổng quát. Để hiểu các ý nghĩa cụ thể, thì sẽ cần có giáo huấn cụ thể hơn.
“Thành tựu cao nhất hành giả Dzogchen có thể đạt được là phổ quang thân.”Như Thầy đã nói, thành tựu cao nhất hành giả Dzogchen có thể đạt được là phổ quang thân. Phổ quang thân là gì? Chúng ta thấy khi Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn Ngài đã để lại nhục thân. Nhưng các bậc Đại Đạo Sư Dzogchen không để lại nhục thân khi các Ngài nhập Niết Bàn. Khi các Ngài viên tịch nhục thân biến thành ánh sáng cầu vồng. Các Ngài không để lại gì, không gì để hỏa táng, không gì để chôn dưới đất, mà chỉ có ánh sáng cầu vồng. Đó là giáo lí, giáo huấn rất đặc biệt. Giáo lí đó vẫn còn trường tồn tận ngày nay ở Tây Tạng. Nhiều hành giả Dzogchen vĩ đại và khiêm hạ, khi các Ngài ra đi, nhục thân biến thành ánh sáng cầu vồng. Hoặc thân các Ngài thu nhỏ lại, rất nhỏ, có thể không quá 10 pao (khoảng 0.453 kg). Rất nhỏ. Sức mạnh của Pháp Dzogchen vẫn tiếp tục thể hiện qua rất nhiều thành tựu cao. Nếu khảo sát với tâm trung thực và cái hiểu trung thực, thì bạn sẽ thấy rằng những thành tựu đó không có nguồn gốc từ truyền thống nào khác hơn là dòng phái Cổ Mật. Nếu bạn tìm tòi và khảo sát [thì sẽ thấy] đó là sự thật.
Như vậy, truyền thống Dzogchen Dại Viên Mãn là rất hiệu quả, không chỉ trong quá khứ, mà [ngày nay] vẫn còn nguyên giá trị tinh yếu, còn nguyên sức mạnh. Truyền thống đó vẫn tiếp tục.
“Một khi đã an trụ được trong chân tánh của tâm, thì việc trụ trong tánh này
sẽ có một sức mạnh [lớn tới mức] có thể đoạn diệt bám chấp, tham luyến.”Chúng ta tiếp tục chủ đề đang giảng: ý nghĩa khái quát của giáo lý Dzogpa Chenpo. Về căn bản đây cũng chính là ý nghĩa giáo lý Longchen Nyingthik. Như Thầy đã nói, trong loài người có ba đạo sư Dzogchen tối quan trọng: Garab Dojre (Kim Cang Cực Hỉ), Guru Rinpoche, Longchenpa. Tất nhiên, dòng pháp này còn có các vị đạo sư vĩ đại khác nữa. Đặc biệt, Sơ Tổ, bậc khai lập dòng pháp Longchen Nyingthik, là đạo sư Jigme Lingpa. Jigme Lingpa có hai linh kiến về Longchenpa và Longchenpa đã truyền dạy các giáo lý này cho Jigme Lingpa trong các linh kiến đó. Rồi Jigme Lingpa truyền dạy các giáo lý này cho chúng đệ tử. Và từ đó tới nay đã có nhiều các bậc đạo sư vĩ đại giáng thế để trì giữ dòng Pháp này.
“Longchen Nyingthik” có nghĩa là “Tâm Yếu của Longchen Rabjam”. “Tâm Yếu của Longchen Rabjam” có nghĩa là chân tâm, là Đại Viên Mãn. Jigme Lingpa đã trực tiếp thọ nhận pháp Chân Như Tâm Yếu, Longchen Nyingthik, từ Longchenpa. Đó là lý do tại sao tên của dòng pháp là “Longchen Nyingthik”. Các giáo huấn của Longchenpa và Jigme Lingpa được sử dụng rộng rãi trong nhiều truyền thống khác nhau như Kagyupa, Sakyapa, Nyingmapa. Trong truyền thống Nyingmapa, khi nghiên cứu về Dzogchen thì đa số các bản kinh được dùng là giáo huấn của Longchenpa và Jigme Lingpa. Tóm lại, các giáo huấn của hai bậc Thầy này là vô cùng quý báu, rất nổi tiếng và rất lợi lạc.
Mục đích tu Dzogpa Chenpo hay Longchen Nyingthik là để có thể trực nhận chân tánh của tâm. Vì vậy, cần phải nghiên cứu các giáo lý Dzogchen, về phương pháp làm sao để trực nhận chân tánh của tâm mình, và làm sao để có thể an trụ ở trong chân tánh ấy. Một khi đã an trụ được trong chân tánh của tâm, thì việc trụ trong tánh này sẽ có một sức mạnh [lớn tới mức] có thể đoạn diệt bám chấp, tham luyến. Điều này sẽ làm suy giảm và diệt trừ tất cả các vọng niệm, phiền não, và cuối cùng các phiền não được giải thoát vào chân như của bản tâm. Đó là cách để thực hành Dzogpa Chenpo và đó là cách để giải thoát chúng ta khỏi luân hồi, bởi vì, luân hồi, về căn bản, được sanh ra bởi vọng niệm, phiền não. Khi trực nhận được chân tánh của tâm thì [đây] chính là phương tiện tốt nhất để đoạn diệt tất cả mọi loại phiền não, che chướng.
“Để tu Dzogchen cần phải có các phẩm chất như hạnh tinh tấn, tâm chí tín thành, tri kiến thanh tịnh.”Giải thoát và Phật quả trong các giáo lý Phật truyền dạy, dù là Hiển hay Mật, khắp nơi đều giống như nhau, không khác. Hãy nghĩ về khoảng không. Giải thoát giống như khoảng không chúng ta muốn tới. Nhưng làm, sao để tới nơi ấy? Đó là câu hỏi được đặt ra. Chúng ta cần phương tiện vận chuyển tốt để tới đó. Các giáo lý là những phương tiện vận chuyển khác nhau và Kim Cương Thừa là phương tiện nhanh nhất. Dzogchen thậm chí giống như tàu vũ trụ, giúp ta tới đó cực kỳ nhanh chóng. Đây là lí do tại sao pháp này rất đặc biệt, rất thâm diệu. Thể của tâm giống như khoảng không. Đây là khoảng không bao la nhất. Để tới được đó, cũng vậy, chúng ta cần một phương tiện. Đây là một trong những cái dụng của giáo lý Dzogchen. Chúng ta dùng tàu vũ trụ để tới đó.
Nhưng không chỉ có vậy. Chúng ta còn phải rất thông minh, vì cần phải nắm vững cách sử dụng con tàu đó. Không được huấn luyện tốt, thiếu những kĩ năng đặc biệt, thì khó bề điều khiển con tàu. Và chúng ta phải rất tinh tấn để làm chủ phương tiện thâm diệu này. Nếu lười biếng, ta không sử dụng nổi phương tiện ấy. Chúng ta còn cần hội đủ năng lượng cần thiết để sử dụng cỗ xe tuyệt vời như vậy. Có nghĩa là, để tu Dzogchen cần phải có các phẩm chất như hạnh tinh tấn, tâm chí tín thành, tri kiến thanh tịnh. Tất cả những yếu tố này là nhân duyên, là phẩm chất để một hành giả tu Dzogchen có kết quả.
“Nhưng Kim Cương Thừa đặc biệt đòi hỏi hành giả phải tu Guru Yoga
và đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của Guru và thực hành Guru Yoga.”Thành công của pháp Dzogchen, cũng như của các pháp tu khác, tất cả các pháp tu Kim Cương Thừa, phụ thuộc rất nhiều vào Guru và Guru Yoga (Thượng Sư Tương Ưng pháp). Không có giáo huấn của Guru, không có Guru Yoga, không có gia trì của Guru, thì hành giả không thể thành tựu. Vì vậy. Guru Yoga chiếm vị trí đặc biệt trong Kim Cương Thừa. Đặc biệt là Kim Cương Thừa. Tất nhiên đạo sư luôn luôn quan trọng trong cả hai truyền thống Kinh Thừa và Mật Thừa. Nhưng Kim Cương Thừa đặc biệt đòi hỏi hành giả phải tu Guru Yoga và đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của Guru và thực hành Guru Yoga.
Guru Yoga quan trọng như Thầy đã giải thích. Để tu pháp Guru Yoga thành công ta cần những pháp luyện tâm khác. Có nghĩa là chúng ta cần tu hạnh xả li và tịnh hóa. Nếu không có tâm xả ly thì không có khát khao chân thực hướng tới giải thoát và nói rằng ta tu để giải thoát là điều không chân thật. Pháp tu thứ hai là tịnh hóa. Khi không tịnh hóa thì sẽ có rất nhiều chướng ngại cho chứng ngộ, cho khai mở tuệ giác. Vì vậy, ta cần tu tịnh hóa. Tóm lại: xả li, tịnh hóa và Thương Sư Tương Ưng pháp (Guru Yoga). Nếu một hành giả kết hợp được tất cả ba phương diện này trong cùng một pháp tu thì hành giả đó đang tu đúng.
“Chúng ta không thực sự là hành giả, bởi vì chúng ta có quá nhiều mối quan tâm thế tục.”Làm sao tu hạnh xả li? Thực hành bốn niệm hướng tâm về chánh Pháp. Phải thực hành vô thường; phải hiểu giá trị đời người; phải hiểu nhân quả; phải hiểu bản chất luân hồi. Khi biết, hiểu, và nhận chân được các điều này thì sẽ phát được tâm xả li chân thật, và nhờ vậy mà đã chín cho việc tu hành. Nếu không như vậy thì, giống như chúng ta, thì không phải [hành giả] chân thật. Thực tế là vậy, chúng ta không thực sự là hành giả, bởi vì chúng ta có quá nhiều mối quan tâm thế tục. Chúng ta ham thích, tham luyến quá nhiều thứ trong cuộc đời này. Thế nên chúng ta không thể chuẩn bị cho mình [đủ nhân duyên] để tu giải thoát.
Chúng ta rất buồn.
(cười) Phải vui chứ, vì giờ thì ta biết ta là thế nào rồi.
(cười) “Giải thoát là cái ta có thể nương cậy, là cái bất biến, là đại an bình.”Câu hỏi chính yếu ở đây: tại sao lại cần tâm xả li để tu giải thoát? Xả li là nhân duyên duy nhất, mạnh mẽ nhất, quan trọng nhất đưa ta đến giải thoát. Nhân duyên cho giải thoát là gì? Đó là bốn niệm chuyển tâm, ví dụ như “đời là vô thường.” Tại sao hiểu vô thường lại khiến ta buông bỏ. Câu trả lời rất đơn giản. Vì vấn nạn của chúng ta là ta luôn tin vào mọi thứ trong cuộc đời này, rằng chúng là có thật và ta có thể nắm giữ chúng mãi mãi. Thật ra không gì ta có thể nắm giữ mãi. Không thể nắm giữ mãi mãi kiếp sống này, hay thân xác, gia đình, tiền bạc v. v. Tất cả, tất cả mọi thứ, [kể cả] tài sản rồi sẽ phải bỏ lại, và ta ra đi với hai bàn tay trắng. Vậy nên, không có gì là thường hằng, bất biến, và tất cả mọi thứ đều biến đổi, biến đổi, biến đổi. Đó là vô thường.
Và không có gì thường hằng, bất biến bởi vì không có gì đáng nương cậy. Tiền bạc không đáng nương cậy. Tiền bạc là phù du và ta mất nó. Cuộc sống này cũng không đáng nương cậy vì ta không thể giữ nó mãi cho mình, ta sẽ phải mất nó.
Vậy nên, hiểu vô thường cho ta trí tuệ hiểu biết thực tánh của vạn pháp. Chúng ta hiểu mọi thứ đúng, chúng ta hiểu hiện hữu sâu sắc tới mức ta không còn tha thiết với luân hồi nữa. Chúng ta hiểu rằng tất cả mọi thứ đều không thực sự chắc thật [như mình tưởng] và tất cả mọi thứ đều không thể thường trụ, bất biến cho bất cứ ai. Cái duy nhất là thật và đáng tin cậy là giải thoát. Giải thoát là cái ta có thể nương cậy, là cái bất biến, là đại an bình. Nơi đó không niệm tưởng, không phiền não, không tham luyến, không có cái-gần-tôi hay cái-xa-tôi, mà tất cả đều bình đẳng và an bình. Vì vậy đó là cái duy nhất ta có thể trông cậy. Vậy nên xả li rất quan trọng, chỉ có xả li mới đưa tới giải thoát.
“Chúng như vậy vì chúng không có tự tánh.
Chúng không biết làm sao để sinh ra với một tự tánh cứ trường tồn mãi mãi ở đó.”Nói rằng không có gì đáng trông cậy, không ai đáng trông cậy thì nghe [có vẻ] tệ. Thật ra, nói vậy không có nghĩa rằng mọi người là tồi tệ, xấu xa, mà đó là bản chất của tất cả. Đây là sự thật về vạn pháp. Chúng ta không thể nói rằng cái gì đó không đáng tin cậy trong một vài phút, mà sự thật là nó không đáng tin cậy muôn đời. Vấn đề là ở chỗ đó. Nhưng trong tâm chúng ta vẫn tin rằng cái đó đáng trông cậy và cuộc đời này dường như không chấm dứt. Đó là vấn nạn của chúng ta. Đó là vô minh. Đó là tham luyến.
Sự thật là các sự vật, hiện tượng, tất cả mọi thứ, tất cả mọi người không tồi tệ vì không đáng trông cậy. Chúng như vậy vì chúng không có tự tánh. Chúng không biết làm sao để sinh ra với một tự tánh cứ trường tồn mãi mãi ở đó. Trái lại, chúng sanh ra với bản chất vô thường. Thay đổi không ngừng nghỉ, luôn chuyển động về phía trước. Vì vậy, mọi thứ đều có hồi kết của nó. Khi hồi kết tới thì ta không biết rằng nó tới, và không biết rằng nó vô thường. Vì vậy khi nó kết thúc thì ta tổn thương, ta đau khổ.
“Ồ tôi nghĩ rằng nó là một cái gì đó tôi có thể thực sự …” “Ồ tôi không ngờ như vậy. Và giờ đây … nó làm tôi tổn thương.” Tuy nhiên khi biết bản chất của vạn pháp thì ít nhất ta sẽ mạnh mẽ hơn. Ta có nhiều hơn sức mạnh ở trong tâm để khi môi trường, hoàn cảnh, tất cả thay đổi thì tâm ta vẫn có hiểu biết kiên định, không dời đổi. Và an bình trong tâm ta vẫn như vậy, không dời đổi. Điều quan trọng là giữ được an bình nội tại, không để cho mình cảm thấy tổn thương hay đau lòng. Tóm lại, tâm xả ly và trí tuệ hiểu biết thực tại của vạn pháp chính là Đại Viên Mãn, Đại Toàn Thiện cho hạnh phúc, an bình trong tâm chúng ta.
“Định nghĩa của xả ly là thấy luân hồi như một sào huyệt của ma quỷ, hay như một nhà lửa.”Các Đạo Sư vĩ đại, các bậc đã thành tựu viên mãn, luôn thực sự quán chiếu bản chất của luân hồi. Luân hồi này là đau khổ, nó làm ta mệt mỏi. Bởi vì, không có giải thoát giác ngộ thì ta sẽ lăn lóc trong luân hồi mãi mãi. Luân hồi không đầu, không cuối, nó là bất tận. Do vô thường nên ta sanh ra rồi chết đi, rồi sanh ra chết đi lần nữa, lần nữa. Và mỗi lần sanh ra ta lại bắt đầu từ số không. Rồi lại lần nữa, lần nữa ta sanh ra với số không. Chính vì vậy nó rất mệt mỏi! Vậy nên, định nghĩa của xả ly là thấy luân hồi như một sào huyệt của ma quỷ, hay như một nhà lửa. Chúng ta sẽ không còn chút ham muốn nào để sống với lửa, vì nó thiêu cháy ta. Cũng không thể nào làm bạn với quỷ ma: chẳng có niềm vui nào mà chỉ toàn hiểm họa. Tóm lại, quán chiếu luân hồi như thế là phương pháp tuyệt vời để giảm đi tham luyến thế tục.
“Mọi thứ đều cần khổ công luyện tập.
Khi ta khổ công luyện tập rất nhiều thì việc quán tưởng sẽ dần dần tự nhiên hơn, dễ dàng hơn.”Trang 4 (nghi quỹ Khai Quang Minh Tạng) là pháp tịnh khẩu. Vì vô minh, phiền não, vọng niệm làm ô nhiễm thân, khẩu, ý nên sức mạnh của thân, khẩu, ý bị suy giảm. Vì vậy khi chúng ta tụng nghi quỹ, lời cầu nguyện, minh chú ta sẽ không nhận được lực gia trì. Do đó, trước hết phải tịnh hóa khẩu.
Ta tịnh hóa khẩu như thế nào? Có hai phương pháp: Thứ nhất là quán tưởng và thứ hai là trì tụng [minh chú]. Chúng ta quán tưởng chủng tự RAM và cố gắng cho hình ảnh quán tưởng ngày càng rõ hơn. Thầy sẽ không giải thích chi tiết, và có thể dựa vào hướng dẫn trong nghi quỹ để quán tưởng. Việc này đòi hỏi thời gian. Mọi thứ đều cần khổ công luyện tập. Khi ta khổ công luyện tập rất nhiều thì việc quán tưởng sẽ dần dần tự nhiên hơn, dễ dàng hơn. Khi đó chất lượng quán tưởng sẽ tốt hơn.
Trì tụng minh chú. Các minh chú có bản chất đối trị và hủy diệt năng lượng tiêu cực, bất tịnh, dẹp chướng ngại. Minh chú A Ah, I Ih, U Uh … [bao gồm] các nguyên âm, phụ âm trong bảng chữ cái. Minh chú này rất phổ biến và quan trọng. Ta có thể gặp nó ở nhiều nghi quỹ khác nhau và nó có sức mạnh đoạn diệt trừ những bất tịnh trong mọi thứ, đặc biệt là những ám chướng về khẩu. Vì vậy chúng ta dùng nó ở đây.
“Pháp tu của chúng ta thường biến chất thành ‘dổm’. Dổm bởi vì chúng ta lạm dụng Pháp,
chúng ta sử dụng Pháp cho mọi thứ trên đời, chúng ta sử dụng Pháp cho luân hồi.”Trang số 5, cầu nguyện Đức Bổn Sư. “Đức Bổn sư từ tôn, xin hằng nhớ nghĩ đến con.” Ta cần phải cầu nguyện [tới Bổn Sư] là vì chứng ngộ phụ thuộc vào giáo huấn và gia trì của Đạo sư. Ngay từ đầu chúng ta thỉnh cầu Guru, xin Ngài ban gia trì để ta tu hành đúng chánh Pháp. “Xin hộ trì để tâm con niệm niệm hướng đạo Pháp”. Câu này rất quan trọng vì việc tâm của người tu luôn theo đúng con đường của chánh Pháp là rất quan trọng. Tâm của chúng ta nhiều lúc không hướng về Pháp mà hướng về luân hồi. Nó thường không ở môi trường của Pháp, mà ở trong môi trường của luân hồi. Vì vậy, điều quan trọng là nó phải hướng theo đúng chánh Pháp.
Tiếp theo, “Xin hộ trì để pháp tu của con đúng Chánh đạo”. Pháp tu của chúng ta thường biến chất thành ‘dổm’. Dổm bởi vì chúng ta lạm dụng Pháp, chúng ta sử dụng Pháp cho mọi thứ trên đời, chúng ta sử dụng Pháp cho luân hồi. Chúng ta lợi dụng Pháp để kiếm tiền, để kinh doanh, để dính mắc vào tha nhân v. v. Như vậy không tốt. Cách tu đúng đắn nhất là đưa pháp của ta theo đúng đạo lộ [giải thoát]. Đưa pháp của ta theo đúng đạo lộ có nghĩa là hành động của ta sẽ đúng Pháp. Nhờ hạnh xả ly, nhờ sức mạnh Pháp Bảo. Trong cốt tủy, Pháp là không dính mắc, nhưng vì tham luyến quá nhiều thứ, ta lạm dụng Pháp để tăng thêm tham luyến. Đây không phải là cách tu đúng đắn.
“Cầu nguyện tốt là ý nghĩa bên trong và lời tụng bên ngoài phải hòa nhập với nhau làm một.”Trang tám. Thực hành trọn vẹn bốn niệm chuyển tâm xả bỏ luân hồi và tu luyện tâm. Đó là những gì Thầy luôn luôn nhắc nhở và sáng nay Thầy cũng đã nhắc. Điều này rất quan trọng, và đây là nhân duyên chính yếu giúp chúng ta nuôi hạnh xả ly chân thực, trở thành hành giả chân thực, thực hành Pháp chân thực. Điều này rất quan trọng. Đây là cách tốt nhất để tu luyện tâm.
“Tu luyện tâm” có nghĩa là khi tụng những dòng kệ này, phải đồng thời nghĩ về ý nghĩa của chúng. Khi nói: “Con có được thân người quý báu với tự do thuận duyên” thì phải hiểu rằng thân người này là rất khó gặp. Phải hiểu thực tại đó. Hiểu được đời người có lợi lạc gì. Một khi hiểu được giá trị đời người thì ta muốn sử dụng nó [đúng đắn]. Ta không muốn uổng phí may mắn này. Cuộc đời này có ý nghĩa nhiều nhất, theo lời Phật dạy, khi việc tu hành không chỉ giải thoát bản thân mà còn lợi lạc chúng sinh. Đây là ý nghĩa duy nhất, quan trọng nhất của đời người. Cần phải vừa đọc vừa nghĩ về ý nghĩa này, vừa thiền định. Thiền định có nghĩa là tập trung vào ý nghĩa của một cái gì đó. Đó là thiền định. Thiền định về bốn niệm chính yếu, bốn phương pháp chính yếu. Điều này rất quan trọng.
Có câu nói: “Ý nghĩa giống như một người già và dòng kệ giống như chiếc gậy. Ông lão phải dựa vào chiếc gậy để đứng vững.” Điều đó có nghĩa là mỗi chữ đều có ý nghĩa và mỗi chữ đều có thể nhắc ta về điều gì đó. Khi chúng ta tụng, điều quan trọng nhất là phải suy nghĩ, phải nhớ ý nghĩa chứa đựng trong câu chữ. Vì vậy, bản kinh luôn luôn quan trọng, vì chúng giúp ta nhớ những điều quan trọng. Không có câu chữ [được viết ra] thì Thầy tin rằng chúng ta không thể nhớ tất cả mọi thứ được nhắc tới ở đây. Vì vậy các bản kinh này nhắc ta nhớ nhiều điều quan trọng và là nguồn đáng tin cậy để ta nhớ đến Pháp.
Khi cầu nguyện thì phải cầu nguyện với sự hiểu biết, phải ghi nhớ ý nghĩa cùng với lời tụng. Đó là cầu nguyện tốt. Một lời cầu nguyện dở thì rỗng tuếch, không có ý nghĩa gì cả. Tâm bạn nghĩ tới một thứ gì khác. Tâm bạn trống rỗng, mịt mờ, không có gì để nhớ, còn miệng thì lặp đi lặp lại một cái gì đó. Ý nghĩa và ngôn từ hoàn toàn tách rời nhau. Đó là cầu nguyện dở. Cầu nguyện tốt là ý nghĩa bên trong và lời tụng bên ngoài phải hòa nhập với nhau làm một.
“Bất cứ lúc nào, bất cứ pháp tu nào, điều quan trọng là ngay từ đầu phải thực hành quy y Tam Bảo.”Phần hai, trang 10. Phần thứ nhất được gọi là ngoại ngondro. Về căn bản, trong ngoại ngondro, người tu cố gắng hiểu ý nghĩa thực sự của luân hồi. Luân hồi là gì, giải thoát là gì, làm sao để có tâm xả ly? Và khi hiểu rõ thực tại được dạy trong ngoại ngondro thì chúng ta sẵn sàng để trở thành một người tu Pháp chân thực. Khi đó ta phải quy y Tam Bảo. Nếu một người muốn theo con đường Đại Thừa thì người đó phải phát triển bồ đề tâm. Phần thứ hai được gọi là nội ngondro. Có tất cả bốn tích tụ. Để tích lũy nhiều công đức chúng ta cần phải trải qua tất cả các giai đoạn này. Nhờ tu qua tất cả các giai đoạn này hành giả mới có thể có thể tích lũy nhiều công đức.
Phần thứ nhất của nội ngondro là quy y Tam Bảo. Quy y Tam Bảo là con đường duy nhất để trở thành hành giả Phật giáo tốt. Không quy y Tam Bảo thì không có cách gì bước vào cánh cửa Phật pháp, vì vậy điều này rất quan trọng và luôn luôn quan trọng. Bất cứ lúc nào, bất cứ pháp tu nào, điều quan trọng là ngay từ đầu phải thực hành quy y Tam Bảo. Phần tiếp theo là phát Bồ đề tâm. Bồ đề tâm là nguyên nhân tối quan trọng để đạt Phật quả. Vì vậy cần trưởng dưỡng Bồ đề tâm.
“Không tịnh hóa, không tích lũy công đức thì việc thấy tánh khó thực hiện được.”Phần thứ ba là thực hành Kim Cang Tát Đỏa. Kim Cang Tát Đỏa là vị Phật có phẩm tánh đặc biệt: sức mạnh tịnh hóa ác nghiệp, cấu uế của hành giả. Kim Cang Tát Đỏa ban cho hành giả năng lực tự tịnh hóa bản thân. Cách thực hành pháp Kim Cang Tát Đỏa được hướng dẫn ở đây không phức tạp. Về quán tưởng thì việc này đòi hỏi thời gian. Phải hành trì rất siêng năng với sự kiên nhẫn, với chánh niệm. Rồi quán tưởng sẽ tiến bộ và cuối cùng sẽ trờ thành cảnh giới rất hiệu quả, rõ ràng.
Chúng ta nói rằng Kim Cang Tát Đỏa có năng lực lớn lhơn các bổn tôn khác trong việc tịnh hóa. Kim Cang Tát Đỏa tụng lời phát nguyện nhiều hơn vì vậy Ngài trở thành một bổn tôn rất hùng mạnh, hữu ích, từ bi và trí tuệ, để giúp chúng sinh thành tựu. Cái gì là nguyên nhân chính trở ngại chứng ngộ? Chướng ngại chính yếu là mê mờ che chướng: tâm loạn động, phiền não, chấp vào các pháp là thực.
Hành giả tu tịnh hóa bản thân với bốn sức mạnh được nhắc tới trong các bản kinh. Bốn sức mạnh này có tác dụng rất lớn giúp tịnh hóa bản thân. Nếu không có pháp tu này thì chúng ta mất rất nhiều thời gian để tịnh hóa ô nhiễm. Tuy nhiên với pháp Kim Cang Tát Đỏa ta có thể tịnh hóa nhanh hơn so với các pháp khác. Chúng ta cần phải thấy rằng mình rất may mắn có được pháp tu này.
Có hai chướng chính yếu khiến chúng ta lăn lóc luân hồi, không được giải thoát. Thứ nhất là phiền não chướng, thứ hai là sở tri chướng. Hai loại chướng này tạo nên luân hồi và vọng tưởng. Và từ đó mà tất cả vấn nạn của luân hồi nảy sinh. Để giải thoát khỏi luân hồi phải chặt đứt gốc rễ của nó. Cách tốt nhất để chặt đứt gốc rễ này là trực nhận chân tánh của mình. Không tịnh hóa, không tích lũy công đức thì việc thấy tánh khó thực hiện được. Vì vậy, tu pháp Kim Cang Tát Đỏa để tịnh hóa là con đường tốt nhất, ngắn nhất để đạt chứng ngộ.
“Khi hành giả đoạn trừ được tham luyến bám chấp thì trí tuệ tăng trưởng.”Phần thứ tư được gọi là Cúng dường Mạn đà la. Mạn đà la là gì? Ở đây Mạn đà la có nghĩa là đạt tới cốt tủy. Làm sao để đạt tới cái cốt tủy bằng tu pháp mạn đà la? Cốt tủy của pháp tu này là tích tụ. Có hai tích tụ: tích tụ công đức và tích tụ trí tuệ. Và cốt tủy của hai cốt tủy này là chứng ngộ. Không có tích tụ thì không đủ công đức, không đủ trí tuệ để chứng tánh Không. Vậy nên tu pháp cúng dường mạn đà la cho ta sức mạnh đạt tới cái cốt tủy, để trực nhận tánh Không. Ý nghĩa của pháp tu này là hành giả sẵn sàng cúng dường tất cả mọi thứ mình có lên Tam Bảo, Guru, Tam Căn, Tam Thân. “Con dâng các Ngài không tiếc nuối/vô lượng cúng dường cõi Tam Thân.” Điều này có nghĩa là ta cúng dường tất cả, không nuối tiếc, không do dự. Con hoan hỷ cúng dường thân, khẩu, ý, đức, hạnh và tất cả những gì thuộc về con lên Tam Bảo, nhờ tín tâm và hạnh bố thí. [Nhờ đó] hành giả có được đức hạnh đoạn trừ tham luyến, bám chấp. Khi hành giả đoạn trừ được tham luyến bám chấp thì trí tuệ tăng trưởng. Vì trí tuệ đối nghịch tham luyến, nên khi đoạn diệt được tham luyến thì hành giả làm tăng mặt đối lập là trí tuệ.
“Cuối cùng, hành giả tan hòa vào tâm của Guru
rồi an trụ trong thực tại đó, chân tánh đó, cảnh giới đó, trí tuệ đó.”Đó là phần hai, hay còn gọi là nội ngondro. Hai phần này (ngoại ngondro và nội ngondro) vẫn còn là thực hành ngondro, thực hành tiên yếu. Ở đây có một điều quan trọng cần nhớ là phải thấy tất cả là Bổn tôn, kể cả Kim Cang Tát Đỏa, chính là Bổn sư của mình. Phải thấy Tam Bảo, Bổn tôn, Đàn tràng Quy y, chư Đạo sư là hiện thân của Bổn sư. Phải thấy Phật, Pháp, Tăng là hiện thân của Bổn sư. Đây là điều quan trọng cần ghi nhớ. Khi quán tưởng Kim Cang Tát Đỏa trên đỉnh đầu thì Ngài có cùng bản chất với Guru của mình, bất khả phân.
Phần thứ ba, thực hành chính, là Guru Yoga. Ở đây có mấy phần: quán tưởng mình là Kim Cang Du Già Thánh Nữ và quán tưởng Guru Rinpoche trên đỉnh đầu mình. Rồi thỉnh cầu Guru Rinpoche nhập vào giới thệ tôn (bổn tôn được quán tưởng), và thực hành cúng dường bảy nhánh. Nhờ tu pháp cúng dường bảy nhánh ta tích lũy rất nhiều công đức. Sau đó ta trì tụng minh chú Đạo Sư. Trì tụng chú Đạo sư tạo vô lượng công đức và có sức mạnh dẹp trừ chướng ngại trên đạo lộ, cũng như chướng ngại trong cuộc sống; ví dụ như chướng ngại đối với sức khỏe, tài bảo và vân vân. Sau đó thọ nhận bốn quán đảnh từ Guru Rinpoche để tự gia trì.
Cuối cùng, hành giả tan hòa vào tâm của Guru rồi an trụ trong thực tại đó, chân tánh đó, cảnh giới đó, trí tuệ đó. Đó là cách thực hành Guru Yoga và thực hành này rất quan trọng. Người tu sơ cơ bước đầu sẽ không có cảm nhận và không thấy nó có hiệu quả. Tuy nhiên, sau một thời gian nếu người đó tiếp tục thực hành thì sẽ nhận được gia trì. Chính nhờ pháp tu này, hành giả có thể tiến bộ trên đạo lộ.
“Chúng ta nói “Phật, Phật, Phật” nhưng khi chết chúng ta không nhớ nổi tên Phật. Điều đó rất phổ biến.”Mọi người thỉnh cầu Thầy ban khẩu truyền nhưng Thầy nghĩ rằng đa số mọi người ở đây không thực sự thực hành miên mật, mà chỉ một số ít người [có thực hành]. Vì vậy Thầy cho phép quý vị thực hành [các pháp này]. Thầy không phải đọc [các bản kinh] cho mọi người, nhưng trong tâm Thầy đã đọc cho quý vị; cho những ai chân thành muốn thực hành. Như vậy có được không?
Vì có nhiều người thực hành Kim Cương Thừa, và có đức tin vào các phương tiện của Pháp, và đây là hai mạn đà la. Mạn đà la này gọi là Mạn đà la Giải thoát. “Giải thoát” có nghĩa là khi ai đó chết, nếu đặt nó lên ngực thì có thể giúp cho thần thức vãng sanh Tịnh Độ Cực Lạc hoặc được giải thoát. Đó là giáo huấn rất quan trọng được dạy trong Giáo lý Shitro. Mạn đà la thứ hai được gọi là Giải thoát Cả Thành Phố. Nếu bạn treo nó trong nhà mình thì sẽ làm lợi lạc cho rất nhiều người xung quanh. Đó là những gì lợi lạc cho các bạn và khiến các bạn quan tâm.
Minh chú nhỏ này cũng tốt. Thậm chí một chủng tự thôi cũng tốt. Minh chú ấy đã bao gồm ở đây rồi. Như vậy là đã rất nhiều. Thầy đã nói quá nhiều rồi. Bây giờ các bạn đã quên hết cả rồi, Thầy tin như vậy.
Chúng ta có một bản tánh rất đặc biệt là dễ quên những thứ quan trọng. Luôn luôn giữ những gì bé nhỏ và gần với mình, luôn luôn nhớ những thứ đó. Còn những thứ khác [quan trọng] thì chúng ta rất dễ quên.
Lý do mà Thầy nói vậy là vì chúng ta nói “Phật, Phật, Phật” nhưng khi chết chúng ta không nhớ nổi tên Phật. Điều đó rất phổ biến.
Đó là bản tánh của chúng ta, biết làm sao được. Có đúng không?
Việc luyện tâm là cần thiết. Nếu bạn luyện tâm rất tốt thì cuối cùng chúng ta có thể chuyển hóa nó. Nếu không tu luyện tâm mình, thì chúng ta sẽ không đi đến đâu hết. Vì vậy luyện tâm là rất quan trọng.
Bây giờ chúng ta thực hành cúng Tsok. Thầy sẽ làm rất nhanh và rất ngắn gọn. Thầy sẽ nói một điều gì đó để tiết kiệm thời gian và kết thúc sớm; để các bạn có thể về nhà và Thầy cũng có thể về nhà.
“Bất cứ điều gì Thầy nói Thầy đều nói với tâm chân thật.
Vì vậy, đôi khi một vài lời nói [của Thầy] nghe không được êm tai cho lắm.”Bốn ngày vừa qua, Thầy đã nói nhiều điều quan trọng. Thầy nhắc lại những điểm rất quan trọng đối với con đường tu của các bạn. Thầy hy vọng các bạn sẽ cố gắng ghi nhớ và thực hiện đúng.
Mục đích chúng ta theo Phật là để thành người tốt hơn trong kiếp này và kiếp mai sau. Thế nhưng vấn đề của chúng ta là ở chỗ chúng ta còn rất nhiều bất tịnh và nghiệp chướng trong tâm. Nếu các bạn không cố gắng tịnh hóa, sám hối thì có rất nhiều khả năng chúng ta sẽ tái sinh trong các cõi thấp ở kiếp sau. Vì vậy, hãy làm sao để chắc chắn rằng điều đó không xảy ra. Hãy cố gắng để sao cho mình chắc chắn không bị đọa lạc. Điều này rất quan trọng.
Khi Thầy giảng pháp, ở tất cả mọi nơi chứ không riêng ở đây, Thầy dạy tất cả những gì là Giáo lý [Phật]. Thầy có nói và có chỉ ra một số vấn đề. Và Thầy đã không hề ngần ngại, e dè mà cố gắng hết sức trung thực; dạy mọi người một cách trung thực. Bất cứ điều gì Thầy nói Thầy đều nói với tâm chân thật. Vì vậy, đôi khi một vài lời nói [của Thầy] nghe không được êm tai cho lắm. Nhưng rất cần thiết phải làm như vậy. Chúng ta không nên khen ngợi, tán dương nhau trước mặt và lúc nào cũng nói “tốt, tốt, tốt”, mà chúng ta cần phải thấy lỗi lầm, sai sót. Vì vậy, trung thực là điều quan trọng!
“Thầy không có một oai lực nào để ban cho các bạn,
ngoại trừ các bạn nghe lời Thầy và áp dụng đúng ý nghĩa lời Thầy nói.”Chúng ta có thể kết thúc chương trình ở đây. Mọi người đã cố gắng để tới đây, các bạn đã nỗ lực nhiều, các bạn đã bỏ ra nhiều công sức, thời gian, tiền của để tới đây nghe Pháp. Vì vậy, nỗ lực của các bạn sẽ có ý nghĩa. Để nó có ý nghĩa, các bạn cần phải cố gắng nhiều hơn, cần phải tiếp tục. Chúng ta nói rằng nỗ lực liên tục chính là yếu tố đem lại thành công. Vì vậy, điều quan trọng là phải tiếp tục thực hành để hoàn thiện các nỗ lực và giới hạnh của mình. Thầy xin cảm ơn những người tham gia công việc tổ chức, nhà chùa, chư tăng ni và cộng đồng Phật tử ở đây. Tất cả mọi người đều rất tốt, rất nồng hậu. Vì vậy Thầy rất biết ơn.
Thầy không có gia trì nào để ban cho mọi người. Thầy không có một oai lực nào để ban cho các bạn, ngoại trừ các bạn nghe lời Thầy và áp dụng đúng ý nghĩa lời Thầy nói. Cách duy nhất để Thầy lợi lạc mọi người là chuyển thông điệp của Đức Phật, giải thích ý nghĩa Giáo lý và thực tại của vạn pháp. Đó là cách duy nhất Thầy có thể giúp các bạn, lợi lạc cho các bạn và ban gia trì. Chính Đức Phật cũng nói như vậy: “Nếu quý vị nghe tôi, nếu quý vị áp dụng giáo lý của tôi đúng đắn thì sẽ nhận được gia trì của tôi. Tôi không có chứng ngộ nào để truyền cho quý vị cả.”
Tất nhiên bản thân Thầy không là gì cả. Nhưng điều này rất quan trọng. Bởi vì tất cả mọi người đã bỏ ra rất nhiều thời gian. Thầy đã dạy rất nhiều và các bạn nghe rất nhiều. Giờ đây các bạn phải cùng nhau ghi nhớ ý nghĩa [của giáo huấn]. Thầy khuyên các bạn hãy cùng nhau hỗ trợ các chùa chiền địa phương của các bạn, nơi các bạn tới sinh hoạt, và phụng sự cộng đồng tăng ni với tâm thành tín. Như vậy tín tâm của các bạn là điều rất quan trọng, là hành vi rất tốt đẹp. Xin hãy làm như vậy. Thầy sẽ tụng ít lời còn các bạn nghĩ thầm trong tâm, chúng ta cùng hồi hướng vì giải thoát, vì hạnh phúc của tất cả hữu tình chúng sinh
(Hết bài giảng ngày 16.10.2018 tại chùa Sủi) ___________________________________
Xem bản tiếng Anh (dưới bản Việt dịch) do Lotsawa (Hiếu Thiện) chép:www.lienhoaquang.com/loidaosu-q4-01MP3 chiều 16.10.2018: www.lienhoaquang.com/loidaosu-q4-01-mp3