PHỤ LỤC: PHẦN CHÁNH VĂN KỆ TỤNG CỦA NGÀI TSONGKHAPA
Chí tâm đảnh lễ
Con chí tâm đảnh lễ các bậc lạt-ma tôn quý nhất.
[Lời thệ nguyện khi soạn thảo luận văn này]
Con sẽ giải thích bằng hết khả năng mình
Tinh hoa tất cả giáo pháp của đấng Pháp vương
Con đường mà các vị Pháp vương tử tán thán
Lối vào cho những ai may mắn mong cầu giải thoát.
Khuyên bảo đệ tử lắng nghe
Những ai không mê đắm trong các thú vui của luân hồi;
Hãy tinh tấn sao cho cơ hội làm người này trở thành có nghĩa;
Nương theo con đường khiến đức Phật hoan hỷ.
Những ai được may mắn như thế, hãy lắng nghe với lòng thanh tịnh.
Sự cần thiết phát khởi tâm cầu giải thoát
Nếu không hết lòng mong cầu giải thoát thì không dựa vào đâu để đạt được an lạc.
Do đắm chấp các thú vui trong biển khổ luân hồi,
Chúng sinh hoàn toàn bị sự tham luyến vào cuộc sống trói buộc,
Do đó, ngay từ khởi đầu hãy hướng đến một quyết tâm cầu giải thoát.
Quán chiếu rằng [đời người] có tự do và đủ duyên may là rất khó được,
Và không có thời gian để hoang phí trong đời này, hãy chế ngự sự hướng tâm theo các sắc tướng quyến rũ của kiếp sống này.
Liên tục quán chiếu các hậu quả tất yếu của nghiệp,
Và những khổ đau của luân hồi, hãy chế ngự [sự hướng tâm theo] các sắc tướng quyến rũ của mọi kiếp sống về sau.
Nếu thường suy ngẫm về luật nhân quả vốn không sai chạy,
Và những khổ đau trong cõi luân hồi
Sẽ có thể dứt trừ sự tham luyến đối với kiếp sống tiếp theo.
Lượng định sự phát khởi quyết tâm cầu giải thoát
Sau khi tự huân tập theo cách này, nếu con không khởi lòng mến mộ,
Vẻ phồn hoa của luân hồi, dù chỉ trong thoáng chốc,
Và nếu con ngày đêm khát khao giải thoát,
Lúc đó con đã thực sự phát khởi quyết tâm cầu giải thoát.
Mục đích của việc phát tâm Bồ-đề
Nếu quyết tâm cầu giải thoát không được dẫn dắt bởi tâm giác ngộ thanh tịnh,
Thì không thể trở thành nhân đưa đến giác ngộ tối thượng, niềm hỷ lạc toàn hảo.
Do đó, bậc trí giả phải phát tâm Bồ-đề.
Phương tiện phát tâm Bồ-đề
Bị cuốn trôi bởi bốn dòng thác dữ;
Bị trói chặt bởi nghiệp lực, khó lòng cởi bỏ;
Bị giam hãm trong lưới sắt của ngã chấp;
Hoàn toàn bao phủ trong bóng tối dày đặc của vô minh;
Trôi nổi trong luân hồi bất tận;
Đau đớn khôn nguôi bởi ba khổ não trong từng kiếp tái sinh.
Khi quán chúng sinh từng là mẹ ta trong tình trạng như vậy, hãy phát khởi tâm vô thượng Bồ-đề.
Trông thấy nỗi thống khổ của những chúng sinh từng là mẹ ta,
Đang ở trong tình trạng khổ đau đến như thế, ta cần phải phát tâm vô thượng.
Sự cần thiết phải nhận biết tánh Không
Kẻ thấy được lý nhân quả không sai chạy,
Của mọi pháp trong luân hồi và vượt ngoài,
Và phá hủy mọi nhận thức [sai lầm] (về sự tồn tại trên cơ sở tự tính)
[Như thế là] đã bước vào con đường tu tập làm đức Phật hoan hỷ.
Mọi hình tướng là duyên khởi không thể sai lệch;
Tánh Không là thoát khỏi các định kiến.
Khi hai nhận thức này còn bị xem là tách biệt,
Thì người ta vẫn chưa nhận hiểu được lời Phật dạy.
Khi hai nhận thức [nói trên] đồng thời đạt được và không phải hoán đổi cho nhau,
Sự xác quyết khởi sinh từ tuệ giác đơn thuần về [nguyên lý] duyên khởi không thể sai lệch,
Sẽ phá hủy hoàn toàn mọi hình thức của sự tham luyến.
Vào lúc đó, sự biện giải tri kiến thâm sâu được hoàn mãn.
Hơn thế nữa, cực đoan chấp hữu bị sắc tướng loại bỏ,
Cực đoan chấp không bị tánh Không loại bỏ,
Và nếu nhận biết được cách thức nhân quả khởi sinh từ tánh Không,
Thì các con sẽ không bị cuốn hút vào các quan điểm cực đoan.
[Kết luận]
Như vậy, khi con đã nhận hiểu được những điều cốt lõi,
Của ba điểm tinh yếu trên con đường tu tập,
Hãy tìm nơi ẩn cư, nỗ lực tinh tấn tu tập,
Và mau chóng thành tựu đạo quả tối thượng, hỡi con!