Phân Biệt Rõ Ràng giữa Lối Sống và Ý Nghĩa của Cuộc Đời
Khenpo Tsultrim Lodro
Mặc dù ngày càng nhiều người trở nên thích thú với việc nghiên cứu Phật giáo, một số người chỉ mong cầu lợi lạc của cõi trời hay cõi người trong đời này. Việc sẽ xảy ra trong đời sau, hay vấn đề giải thoát khỏi luân hồi, không phải là mối bận tâm của họ. Họ thắp hương và tụng Kinh chỉ để mọi sự được tốt lành hơn trong đời này. Trên bề mặt, có thể họ đang thực hành Phật giáo, nhưng thực sự, họ xem thực hành Pháp chỉ là một cách sống. Với người ngoại đạo, làm ăn sinh sống là cách sống của họ; với một số Phật tử, cách sống nghĩa là đến chùa để thờ phụng chư Phật và Bồ Tát. Việc được gọi là thực hành Pháp không chạm được đến ý nghĩa của cuộc sống. Phân biệt rõ ràng giữa lối sống và ý nghĩa của cuộc đời là bước căn bản nhất để bước vào con đường Pháp.
Lối sốngLối sống nghĩa là cách thức người ta duy trì bản thân, đặc biệt là cách họ xoay sở để sống còn. Lối sống thích hợp với một hành giả Pháp là gì? Đức Phật nói gì về điều này?
Tất cả hành giả có nên từ bỏ mọi thứ và đến những hang động xa xôi để thiền định như Tổ Milarepa đã làm không? Sẽ thật vĩ đại nếu họ có thể làm vậy, nhưng phần lớn cư sĩ không thể và vì thế, Đức Phật không đưa ra cách này. Tóm lại, Đức Phật chỉ yêu cầu tất cả Phật tử hãy hài lòng với sự ít ham muốn hơn, và điều này khác biệt giữa tu sĩ và cư sĩ. Vậy hành giả cư sĩ cần hiểu lời yêu cầu này của Phật ra sao?
Tôi từng thấy có người sở hữu ba hay bốn biệt thự nhưng hiếm khi ở căn nào trong số những căn biệt thự ấy. Thông thường, người này chỉ ngủ trên ghế sô-pha trong văn phòng. Người khác sở hữu ba hay bốn chiếc xe hơi nhưng chỉ dùng một; những chiếc xe còn lại chỉ nằm trong ga-ra (nhà chứa xe). Lối sống này không tuân theo lời yêu cầu của Đức Phật về một cuộc đời ít ham muốn (thiểu dục). Từ quan điểm của thế gian nói chung, sự tiêu thụ quá mức, dù đó là nhiên liệu hóa thạch hay cây cối, là một lối sống sai lầm và cũng không đúng với yêu cầu của Thế Tôn.
Trong thế giới hiện nay, điều căn bản là ta không thể sống sót mà không có tiền và Đức Phật cũng cho rằng những kế sinh nhai hợp lý là được chấp nhận. Việc mà Ngài yêu cầu là đối với những điều kiện bình thường, người ta cần sống một cuộc đời đơn giản và giản dị hơn. Thực sự chừng nào ta còn sống trong những điều kiện có thể sống được thì không cần những thứ hào nhoáng. Nhưng không bắt ta phải ăn những thức ăn không phù hợp, mặc quần áo cũ hay sống ở một nơi đổ nát. Đức Phật cũng nói rằng không cần thiết phải sống quá giản dị nếu ta có thể sống một cuộc đời thoải mái với sự dễ chịu tương đối nhờ thiện nghiệp từ đời quá khứ. Nhưng sống một cuộc đời đơn giản, đối lập với cuộc đời xa hoa, nghĩa là ta dành ít sức lực hơn cho việc tích lũy của cải vật chất và nhờ đó, sẽ dành nhiều thời gian và sự chú ý hơn cho những việc thực sự ý nghĩa. Đây là cách thức mà Đức Phật khuyên dạy chúng ta nên sống.
Tuy nhiên, chúng ta thường gây ra nhiều khổ đau cho bản thân vì những điều không quan trọng trong đời này. Ví dụ, chúng ta giết hại nhiều mạng sống và gây ra khổ đau lớn lao cho chúng sinh khác để lấy thịt, sữa và trứng, là ba nguồn gốc chính yếu của các bệnh tật hiện đại; về căn bản thì ba thứ này không phải là thức ăn trọng yếu cho sự sống. Nhưng chúng ta không biết được điều gì tốt đẹp hơn, chỉ theo lối sống sai lầm và vì thế dẫn đến nhiều đau đớn cho các hữu tình chúng sinh. Đây chỉ là một ví dụ. Những khía cạnh khác trong cuộc đời chúng ta đều có thể được quán xét lại theo cách này.
Đức Phật đặc biệt muốn tránh thái độ nhị nguyên về bất cứ vấn đề nào. Sống một cuộc đời cực kỳ cơ cực là một thái cực. Phần lớn mọi người không thể duy trì cuộc đời ẩn tu với điều kiện khắc nghiệt, ngoại trừ những vị như Milarepa. Mặt khác, một cuộc đời nhiều tham đắm có thể gây ra mọi kiểu vấn đề vật lý. Ví dụ, nhiều bác sĩ gợi ý rằng dùng thịt quá mức có thể là nguyên nhân của bệnh tim. Vì vậy, cách sống thích hợp mà Phật chỉ ra là một cách sống đơn giản và bình dị.
Một quy tắc khác là ta không nên mưu sinh bằng mười hành động xấu ác chẳng hạn sát sinh, trộm cắp, gian dối hay tương tự. Trên tiền đề của việc không vi phạm quy tắc này, sống một cuộc đời giàu có cũng tốt, nhưng chỉ một số người với thiện nghiệp mới không phải nỗ lực chăm chỉ [để có được một đời sống như vậy]. Nói chung, cuộc sống càng giàu có thì sự an bình của họ lại càng bị [đe đọa]. Vì thế, lời gợi ý của Đức Phật về lối sống giản dị thực sự là lựa chọn tốt hơn cho tất cả.
Chúng ta đã phân biệt cách sống và ý nghĩa của cuộc sống trước khi tu học Phật Pháp hay chưa? Tôi nghĩ là chưa. Khi ấy, phần lớn chúng ta đều xem ăn ngon và sự vui vẻ là ý nghĩa của cuộc sống, nhưng Đức Phật dạy rằng đấy chỉ là một cách sống.
Đốt nhiên liệu có phải là mục đích cho sự tồn tại của xe hơi không? Không. Mục đích của nó là chuyên chở. Đốt nhiên liệu chỉ là một cách để duy trì. Chỉ nhờ nhiên liệu mà nó mới có sức mạnh để hoàn thành mục đích. Giống như vậy, thức ăn, quần áo và nhà cửa là điều chúng ta cần có để duy trì sự tồn tại. Còn ý nghĩa của cuộc sống, ở đây có một sự khác biệt lớn lao giữa sự hiểu biết của những người đã nghiên cứu Giáo Pháp với những người chưa bắt đầu.
Bởi chúng ta đều đã nghiên cứu các giáo lý của Đức Phật, nên nếu không làm được một trăm phần trăm thì [ít nhất], chúng ta cũng cần nỗ lực hết sức mình để nương theo những lời khuyên của Ngài càng nhiều càng tốt. Bản thân chúng ta sẽ là Phật nếu có thể tuân thủ một trăm phần trăm! Và bước đầu tiên là bắt đầu bằng sự phân biệt được ý nghĩa của cuộc sống với cách sống của ta. Từ nay trở đi, có thức ăn ngon, quần áo đẹp và chỗ ở xa hoa thì những điều này cũng không cho thấy ý nghĩa của cuộc sống. Của cải vật chất và những vật chất thế gian khác chỉ cần thiết để duy trì sự sống. Tuy nhiên, phần lớn những người chưa học hỏi Giáo Pháp không nghĩ vậy. Thậm chí trong triết học, ý nghĩa của cuộc sống và cách sống không thể được phân chia rõ ràng. Chắc chắn, Đức Phật là vị duy nhất thực sự rõ biết về ý nghĩa của cuộc sống.
Một người giàu có từng nói với tôi rằng anh ta có thể kiếm vài triệu đô-la từ một giao dịch, nhưng với anh ta nó chỉ đơn giản là vài con số được thêm vào sổ sách. Người ta không cần quá nhiều để sống. Anh ta chẳng bao giờ tiêu hết tất cả số tiền trong đời này. Tôi nghĩ điều mà anh ta nói có mang nhiều ý nghĩa. Sự thực là thế. Một cách tự nhiên, nếu anh ta sử dụng tiền để làm từ thiện hay điều gì đó ý nghĩa, thì đây lại là vấn đề khác. Nếu không, chỉ tích lũy của cải không được xem là ý nghĩa của cuộc sống.
Ý nghĩa của cuộc sốngCó nhiều quan điểm khác nhau về điều này, nhưng rốt ráo, ý nghĩa của cuộc sống là chuẩn bị cho sự giải thoát khỏi luân hồi. Ở Trung Hoa ngày nay, người dân các thành phố lớn mua đủ kiểu bảo hiểm cho sức khỏe; đối với tuổi già, trong một cấu trúc thời gian nhất định và ở một mức độ nào đó thì những bảo hiểm đó có thể phục vụ mục đích của họ, nhưng những điều này không hữu ích với đời sau. Khi thiên tai xảy đến và cuộc đời gặp đe dọa, ta bất ngờ thấy rằng không có bảo hiểm nào có thể đảm bảo cho ta một hành trình an toàn trong đời sau. Nếu ta có thể khẳng định rằng không có sự sống sau khi chết, thì chúng ta chẳng cần quan tâm điều gì xảy ra tiếp sau; nếu vậy, bảo hiểm thông thường là đủ. Nhưng cho đến nay, không nhà khoa học hay triết gia nào có thể hoàn toàn bác bỏ ý tưởng về luân hồi hay không chấp nhận đời sau. Hơn thế, bằng chứng về vòng luân hồi chết và tái sinh ngày càng nhiều thêm không dựa trên bất cứ sự thừa nhận nào mà là các sự thật sẵn có trong đời sống hàng ngày. Chúng ta không thể trốn tránh sự thực và sự thực là đời sau có hiện hữu. Với những hoàn cảnh như vậy, chúng ta không có lời bào chữa nào cho việc không chuẩn bị cho đời sau sắp đến.
Từ nay trở đi, chúng ta cần hướng ý nghĩ và hành động vào [mục đích] giải thoát rốt ráo.
Trích "Tri Kiến Đúng Đắn: Biến Người Tin thành Bồ Tát". Diệu Âm trích dẫnXin tham khảo thêm bài: "Ý nghĩa của cuộc sống"