Ý Nghĩa của Cuộc Sống
Khenpo Tsultrim Lodro
Có nhiều quan điểm khác nhau về điều này, nhưng rốt ráo, ý nghĩa của cuộc sống là chuẩn bị cho sự giải thoát khỏi luân hồi. Ở Trung Hoa ngày nay, người dân các thành phố lớn mua đủ kiểu bảo hiểm cho sức khỏe; đối với tuổi già, trong một cấu trúc thời gian nhất định và ở một mức độ nào đó thì những bảo hiểm đó có thể phục vụ mục đích của họ, nhưng những điều này không hữu ích với đời sau. Khi thiên tai xảy đến và cuộc đời gặp đe dọa, ta bất ngờ thấy rằng không có bảo hiểm nào có thể đảm bảo cho ta một hành trình an toàn trong đời sau. Nếu ta có thể khẳng định rằng không có sự sống sau khi chết, thì chúng ta chẳng cần quan tâm điều gì xảy ra tiếp sau; nếu vậy, bảo hiểm thông thường là đủ. Nhưng cho đến nay, không nhà khoa học hay triết gia nào có thể hoàn toàn bác bỏ ý tưởng về luân hồi hay không chấp nhận đời sau. Hơn thế, bằng chứng về vòng luân hồi chết và tái sinh ngày càng nhiều thêm không dựa trên bất cứ sự thừa nhận nào mà là các sự thật sẵn có trong đời sống hàng ngày. Chúng ta không thể trốn tránh sự thực và sự thực là đời sau có hiện hữu. Với những hoàn cảnh như vậy, chúng ta không có lời bào chữa nào cho việc không chuẩn bị cho đời sau sắp đến.
Từ nay trở đi, chúng ta cần hướng ý nghĩ và hành động vào [mục đích] giải thoát rốt ráo. Nhờ quán chiếu về vô thường và những khổ đau của luân hồi, chúng ta có thể bắt đầu vun bồi sự xả ly, sau đó dần dần bước đi trên con đường giải thoát. Đây là ý nghĩa của cuộc đời với chúng ta, những người Phật tử. Con đường giải thoát, khi được nương theo một cách thành tâm, có thể giải quyết vấn đề của luân hồi, chết và tái sinh. Hơn thế nữa, nương theo con đường Đại thừa không chỉ giúp đỡ chúng ta mà theo thời gian còn giúp đỡ tất cả hữu tình chúng sinh khác đạt giải thoát khỏi luân hồi. Bởi vậy, chúng ta cần nhìn về phía trước và nỗ lực đặt ra những mục tiêu cao hơn. Nếu không, đời này chúng ta có thể sẽ thất bại đầy đau khổ, có lẽ không về mặt vật chất mà về bản chất, giống như nhiều người khác đã chết với nỗi buồn bã và sân hận lớn lao bởi họ không biết cách phân biệt giữa cách sống và ý nghĩa của cuộc sống trong khi họ đang còn sống. Không thể nhận ra cuộc đời này thực sự nghĩa là gì là một tổn thất lớn lao trái ngược với sự thất bại trong vài cuộc thi đấu thế tục, là điều thực sự chẳng nghĩa lý gì khi đem ra so sánh. Việc sau đó chúng ta có cơ hội để chỉnh sửa [cách sống và lối suy nghĩ] hay không thì rất khó nói. Vì thế, bây giờ là lúc để phân biệt điều đó, đặc biệt trong các hành động của chúng ta.
Ba năm trước, tôi yêu cầu mọi thành viên trong lớp viết cho tôi một ghi chú về cách thức và những gì mà mỗi người sẽ sắp xếp cho việc thực hành hàng ngày. Bây giờ, tôi muốn biết các bạn đã có tiến bộ nào trong ba năm vừa qua hay chưa. Nói cách khác, liệu bạn đã học hỏi được điều gì đó cụ thể từ sự hành trì của bản thân chưa? Lô-gíc Phật giáo cho rằng bất kể hiện tượng nào, nếu nó không di chuyển trong khoảng thời gian ngắn bằng một phần mười nghìn của một giây, thì nó sẽ không di chuyển trong một phần mười nghìn của một giây tiếp theo, thậm chí cho tới một phần vạn cuối cùng. Nếu không có tiến bộ nào được tạo lập trong khoảng thời gian này, tôi e rằng sẽ chẳng có gì cả dù cho là sáu, chín hay mười hai năm nữa!
Tôi đã truyền bá nhiều giáo lý trong vài năm vừa qua, nhưng không phải từ truyền thống Kim Cương thừa. Điều này không phải vì tôi thiếu khả năng giảng dạy mà để tránh làm các bạn rối loạn với những giáo lý sâu xa hơn vào thời điểm này trong quá trình tu học của các bạn mà chẳng có lợi lạc bổ sung nào. Trong điều kiện hiện nay của các bạn, những giáo lý này sẽ không giúp bạn tìm thấy con đường đúng đắn hay nếm được vị chân thật của Pháp. Vì thế, tôi quyết định cắt bỏ tất cả những chi tiết phức tạp và để thay thế, tôi đã trao cho các bạn những chỉ dẫn cụ thể và thực tế cho sự hành trì thực sự. Tuy nhiên, các bạn đã thực hành theo đó hay chưa? Nếu đã thực hành thì các bạn học hỏi được gì?
Bởi cũng có khá nhiều người khác nhau trong lớp học, nên các bạn có thể tiến bộ với tốc độ khác nhau. Nếu phần lớn các bạn vẫn chỉ biết về Pháp một cách lý thuyết thay vì thực sự thực hành trong đời sống hàng ngày, giáo lý sẽ không có ý nghĩa. Lời tôi yêu cầu các bạn viết cho tôi một ghi chú cũng có thể được xem như là lời nhắc nhở, rằng có lẽ thực sự đã đến lúc phải có một sự thực hành nghiêm túc do bởi vì thực sự là đã chẳng có được tiến bộ nào sau một khoảng thời gian dài.
Mục đích thực hành Pháp không phải là sức khỏe và của cải hay để tránh rắc rối trong cuộc đời mà là đạt được giải thoát. Để đạt đến mục tiêu cuối cùng đó, mọi lỗi lầm đều phải được tiêu trừ trước. Mặc dù sẽ là không thực tế khi hướng đến việc thành tựu điều đó trong ba hay năm năm, nhưng ta vẫn có thể quán xét là liệu những lỗi lầm đã suy giảm, hay ít nhất là có xu hướng giảm theo thời gian chưa? Đây là điều mà chúng ta cần quan tâm, chứ không phải là quan tâm đến việc trong cõi của Phật hay chư Bồ Tát vĩ đại thì sẽ ra sao. Chúng ta đơn giản là không đủ thời gian để tìm hiểu và tranh luận mỗi một điểm đã được giới thiệu trong Hiện Quán Trang Nghiêm Luận hay Trung Đạo. Nói cách khác, chúng ta không thể hy vọng đạt đến chiều sâu như Tổ Long Thọ hay Nguyệt Xứng chỉ nhờ vào sự thảo luận.
Ví dụ, khi tôi nghiên cứu Hiện Quán Trang Nghiêm Luận, chủ đề đầu tiên là về Bồ đề tâm. Điều này trở nên rất phức tạp bởi vì gần như mỗi một từ đều có thể được hiểu từ những quan điểm khác nhau, là điều làm tôi vô cùng bối rối. Những câu hỏi ví dụ như có bao nhiêu loại Bồ đề tâm, Bồ đề tâm tương đối hay tuyệt đối là gì hay những điều tương tự được thảo luận nhiều lần. Một quan điểm thường có cả người ủng hộ lẫn người phản đối. Kết quả là, rất nhiều thời gian được dùng để bảo vệ quan điểm của mình hay phản bác quan điểm người khác. Thật đáng xấu hổ là tôi vẫn chưa phát khởi Bồ đề tâm sau tất cả những năm tháng tranh luận này. Trong khi đó, một số bạn cùng lớp của tôi, người hiếm khi tham gia vào kiểu tranh luận này, chỉ tập trung vào thực hành Bồ đề tâm, đã phát khởi được Bồ đề tâm.
Hành giả cư sĩ giống như các bạn thậm chí cần cẩn trọng hơn để không lặp lại kiểu sai sót mà tôi mắc phải bởi các bạn không có nhiều thời gian rảnh rỗi. Nếu tất cả thời gian các bạn dành cho việc nghiên cứu những giáo lý khác nhau trong khi rất ít cho việc thực hành thực sự, thì rồi cuối cùng, các bạn sẽ không thể giữ lại được điều gì, như người phải nôn ra vì ăn quá nhiều và bị khó tiêu. Thật vô nghĩa!
Trong vài năm trở lại đây, những giáo lý mà tôi truyền bá khá ngắn gọn về mặt lý thuyết và lô-gíc, ngoại trừ những khi tôi phải giải thích sâu xa hơn cho các câu hỏi dễ bị thành rối rắm của một số hành giả cư sĩ. Điểm nhấn cơ bản là cách thức thực sự hành trì. Nhưng bạn đã làm như đã được dạy hay chưa? Nhân đây, nếu các bạn hỏi tôi câu hỏi này, câu trả lời của tôi có lẽ cũng là chưa. Chúng ta không thể cứ tiếp tục như vậy. Từ nay trở đi, mọi người phải thực hành một cách nghiêm túc. Điều này thật vô cùng quan trọng.
Về mặt lý thuyết, chúng ta đều biết sự khác biệt giữa cách sống và ý nghĩa của cuộc sống. Tuy nhiên, về mặt thực hành, chúng ta thường hành xử như những người không quen thuộc gì với những điều này, như là những kẻ xem việc tích lũy của cải là ý nghĩa cuộc sống. Bây giờ, chúng ta cần phải hiểu biết tốt hơn cách phân biệt hai điều này và ít bám víu vào của cải vật chất hơn trước. Từ ‘tiền bạc’ có thể có nhiều nghĩa ngoài định nghĩa truyền thống; thực sự, nó có thể được dùng để ám chỉ mọi tài sản thế gian.
Tôi đã gặp nhiều thương nhân thành công, những người đang điều hành những công ty lớn. Họ nói với tôi rằng mục tiêu của họ là có phương tiện để giúp đỡ người cần hay xiển dương Giáo Pháp. Nếu điều đó là đúng, thì có lẽ họ không cần thiết phải từ bỏ việc theo đuổi của cải, nhưng sự bám chấp vào của cải phải được kiểm tra.
Nhiều hành giả cư sĩ thường nói với tôi rằng họ cầu xin sự gia trì của Phật hay Bồ Tát để họ thành công trong công việc hay việc kinh doanh để họ có thể cúng dường nhiều tiền hơn nữa lên Tam Bảo. Đó là động cơ tốt, nhưng thật sự, chúng ta không cần cúng dường tiền lên Tam Bảo. Chư Phật và Bồ Tát thật sự không quan tâm tới chúng ta chỉ để giúp ta có nhiều tiền hơn. Thay vào đó, chư vị muốn chúng ta phát triển sự xả ly và Bồ đề tâm. Chừng nào chúng ta còn có thể xoay sở để sống một cuộc đời đầy đủ một cách hợp lý, thì chư vị cũng chỉ mong rằng chúng ta cần tập trung vào việc thực hành Giáo Pháp và nỗ lực hết sức để kiểm soát vòng luân hồi của bản thân. Đây là điều mà chúng ta thực sự cần làm ngay lúc này.
Trong Học Luận, Tôn giả Tịch Thiên có giải thích một quan điểm dựa trên những giáo huấn từ các bản kinh. Nếu một vị Bồ Tát, thực hành một mình ở nơi yên tĩnh, dấn thân hoàn toàn trong niềm hỷ lạc của thiền định và chẳng quan tâm đến việc dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi luân hồi, thì vị Bồ Tát đó được xem là đang bị suy thoái. Vì thế, khi đã phát khởi Bồ đề tâm, ta sẽ vẫn cần tham gia vào những hoạt động nhất định, [nhưng ở đây sự khác biệt] chỉ là với mục đích khác nhau.
Hãy lấy ví dụ về một con sâu bướm. Bạn có biết tại sao bất cứ khi nào một con sâu bướm thấy lửa, nó sẽ bay thẳng vào lửa dù biết rằng chắc chắn sẽ bị thiêu cháy? Liệu nó có cố tình muốn tự sát? Không, đơn giản là vì nó thích lửa.
Hiện tượng này không phải vì ý trời cũng không phải không có nguyên cớ. Con bướm, một loài gần với sâu bướm, không nhạy với lửa. Có lẽ từ quan điểm của sinh học hiện đại hay thực hành y học, nó có thể được giải thích bởi một chất nhất định mà sâu bướm có đặc biệt nhạy cảm với lửa. Ngày nay, mọi thứ có thể được giải thích bởi khoa học. Nhưng đó không phải là lý do quan trọng nhất.
Mọi hiện tượng đều là kết quả của những nguyên nhân, trong đó có hai loại – nguyên nhân gần và nguyên nhân xa. Nguyên nhân xa là điều mà ta đã phạm phải rất lâu trước kia, trong khi nguyên nhân gần thì được tạo ra ngay trong hiện tại. Trong trường hợp của sâu bướm, mọi giải thích chúng ta đưa ra từ quan điểm vấn đề vật lý được xem là nguyên nhân gần. Nguyên nhân xa là sâu bướm trong đời trước của nó đã là một chúng sinh bám chấp hình tướng (sắc uẩn), là một trong năm uẩn, và nó là một kẻ đã từng quan tâm rất nhiều đến vẻ bề ngoài. Với kiểu bám chấp này, nó sẽ tái sinh làm sâu bướm. Nguyên nhân của thói quen lao vào lửa của nó chủ yếu là vì tham lam/ bỏn sẻn hay dục vọng/ tham luyến.
Chúng ta đều là kẻ phàm phu; tất cả đều phải tái sinh. Không ai có thể chấm dứt điều này [hộ cho ta], dù là Đức Phật. Nếu Đức Phật có thể chấm dứt vòng chết và tái sinh cho chúng ta thì chúng ta đều đã thoát khỏi luân hồi. Đáng tiếc thay, sự thực thì không phải thế! Không một người bình thường nào có thể lựa chọn họ sẽ là gì trong đời tiếp theo hoặc lựa chọn không tái sinh. Nếu chúng ta quay trở lại luân hồi một cách tự nguyện, không ai sẽ lựa chọn làm súc sinh, chứ đừng nói gì ngạ quỷ hay cõi địa ngục. Tuy nhiên, có vô số hữu tình chúng sinh trong cõi địa ngục, bởi tất cả đều có một sự ham muốn kiên cường dai dẳng đối với luân hồi.
Với những người biết rất ít về Giáo Pháp, giải thích con đường giải thoát là điều khá phức tạp. Giải thoát ở đâu? Làm sao đến được đó? Người ta đều có thể tìm một cách để đến nơi nào đó trên trái đất nhờ bản đồ, nhưng con đường giải thoát dường như không thẳng như vậy. Tuy nhiên, sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu người ta nương theo giáo lý của Đức Phật. Hãy tưởng tượng rằng mọi người trên đường đang đi thẳng, nhưng một người bất ngờ quay đầu và đi ngược lại. Trên con đường luân hồi, phần lớn hữu tình chúng sinh đều đi về cõi địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh, trong khi hành giả Pháp lại đang hướng về trạng thái tự nhiên, thanh tịnh.
Đấy chẳng phải là một khuynh hướng bây giờ khi nói về sự ‘trở về với tự nhiên’ chăng? Nhưng ‘tự nhiên’ mà người thế gian quay trở về không phải là điều chân thực. Ý nghĩa thực sự của trở về với trạng thái tự nhiên là từ bỏ mọi ham muốn đối với luân hồi và nương theo con đường dẫn đến giải thoát rốt ráo. Vì thế, điều đầu tiên mà chúng ta cần làm bây giờ là phát khởi sự xả ly. Từ nay trở đi, ý nghĩa cuộc đời của chúng ta không bao giờ nên là việc chỉ có tiền bạc, con cái, gia đình hay những thứ tương tự.
Vài người có thể không nghĩ về luân hồi là khổ đau bởi họ chưa trải qua quá nhiều đau khổ. Cuộc đời đang có vẻ hạnh phúc khiến họ cảm thấy đang ở trên đỉnh cao của thế giới. Bất cứ buổi pháp thoại nào về Tịnh Độ hay về sự giải thoát thì trên căn bản cũng là điều vô nghĩa với họ. Nhưng họ đã sai lầm rồi. Bởi họ không biết về bản tính của luân hồi, nên không có cách nào để họ biết rằng cuộc đời tốt đẹp hiếm khi kéo dài mãi. Không đi sâu vào chi tiết ở đây, người ta cần có thể thấy rõ ràng bản tính của luân hồi nhờ quán chiếu về luân hồi và đặc biệt là về những đau khổ của luân hồi như được miêu tả trong những thực hành sơ khởi thông thường. Điều khá rõ ràng ở đây là nếu lối sống ngu dốt vẫn được tiếp tục, thì điều chờ đợi chúng ta trong tương lai thực sự rất đáng sợ. Vì thế, chúng ta cần quay trở lại.
Để đạt giải thoát, chúng ta cần từ bỏ của cải vật chất, danh tiếng và những sự thành công liên quan đến cuộc đời thế tục. Tuy nhiên, đó không có nghĩa là tất cả phải bị từ bỏ bởi thậm chí Đức Phật cũng cần đi khất thực mỗi ngày. Trước con mắt của kẻ phàm phu, Đức Phật thị hiện là người cũng cần thức ăn, quần áo và những nhu yếu phẩm khác để sống. Vì thế, với chúng ta, thậm chí lại càng không chắc chắn là chúng ta có thể hoàn toàn từ bỏ cuộc đời thế gian. Nhưng ngoài việc xoay sở mưu sinh trong cuộc đời thường nhật, chúng ta cũng cần sự quyết tâm không dao động để bước đi con đường giải thoát. Trên nền tảng này, thậm chí trì tụng chỉ một biến thần chú cũng có thể bắt đầu khiến chúng ta quay trở về. Càng bước nhiều bước trên con đường này, chúng ta càng tiến gần hơn đến giải thoát. Trái lại, sống theo cách mà chúng ta thường áp dụng sẽ khiến chúng ta rời xa giải thoát.
Tất cả những điều này đều dễ nói hơn là làm. Bởi sự xả ly thì dễ dàng phát khởi hơn Bồ đề tâm, nên chúng ta cần bắt đầu với việc xả ly trước. Đây cũng là cách thức của Đức Phật, bởi [Ngài] sợ hãi việc làm nản lòng mọi người nếu họ rơi vào những rắc rối khi đầu tiên họ phải làm ngay điều khó khăn nhất. Vì thế, khi đã phát khởi tâm xả ly xong, chúng ta tiếp tục phát triển Bồ đề tâm, và cuối cùng mới thực hành tính Không. Đã hiểu Trung Đạo của Hiển giáo một cách đầy đủ, chúng ta có thể tiến vào các thực hành sâu xa của Đại Viên Mãn. Đó là những bước đáng tin cậy nhất của con đường tu.
Mặc dù giáo lý này dành cho những người mới bắt đầu, tôi cảm thấy rằng phần lớn mọi người vẫn cần lắng nghe. Về xả ly và Bồ đề tâm, các bạn đều có thể nói đôi điều và vượt qua kỳ thi khảo hạch. Nhưng các bạn có thể vượt qua về mặt hành động hay không? Tôi không nghĩ là tôi vượt qua được. Nếu bạn cũng không thì hãy cùng nhau nỗ lực.
Tôi đã truyền bá các giáo lý về sự xả ly và Bồ đề tâm vài năm trước, và về tính Không vào năm ngoái. Năm nay, chủ đề lại trở về những điểm căn bản. Bạn có thể băn khoăn tại sao, nhưng tôi thấy điều này là cần thiết. Bạn cần tận dụng cơ hội này để kiểm tra xem về mặt hành động, liệu bạn đã hoàn thành sự thực hành nền tảng một cách tốt đẹp hay chưa. Đó là, liệu bạn đã có tiến bộ nào đối với sự phát khởi xả ly và Bồ đề tâm, hay đã có được ảnh hưởng tích cực nào đến từ Giáo Pháp theo một cách thức ý nghĩa nào chưa. Có thể đáp ứng được những yêu cầu của việc thực hành nền tảng là thành tựu rất căn bản của bất cứ hành giả nào.
Trích: "Tri Kiến Đúng Đắn: Biến Người Tin thành Bồ Tát" Diệu Âm trích dẫnXin tham khảo "Phân biệt rõ ràng giữa lối sống và ý nghĩa của cuộc đời"